Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

NGƯỜI HÀNG XÓM CỦA TÔI (Hồi ký)

Kết quả hình ảnh cho tên vẹm răng hô
 
NGƯỜI HÀNG XÓM CỦA TÔI  
 
      Những ngày cuối năm 1975, cả thành phố mang tên “Bác” chìm đắm trong buồn thảm. Mấy cuộc đổi tiền để vơ vét hết nguồn tài lực của dân miền Nam vẫn còn khiến chúng tôi ngơ ngẩn bàng hoàng. Một việc đã làm bao nhiêu người đi đến tuyệt vọng phải tự tử  vì mất hết vốn liếng dành dụm một đời. Người còn sống xơ xác đói khổ, người có khả năng thì chạy chợ “trời” kiếm gạo hai bữa nuôi gia đình. Người không quen nắng gió hay bận con cái, cha mẹ già thì gom góp lần hồi bán tống bán tháo vật dụng trong nhà để đổi lấy thực phẩm hầu sống qua ngày. Cả cái xóm nhỏ của chúng tôi ngơ ngáo mắt nhìn nhau mà miệng cười như mếu! Chỉ trừ mấy người “cách mạng 30” hay bọn cán bộ từ Bắc vào chiếm đóng những căn nhà chủ đả bỏ đi là hí hửng, cứ được dịp là tỏ thái độ hách dịch chèn ép khiến chúng tôi luôn muốn né tránh .
      Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà căn nhà của tôi lại nằm lọt thỏm ở giữa một cái …”ổ” kiến lửa ! Ngay sát bên trái là nhà của một người “Cách mạng 30 “ đã ở đó từ khi tôi chưa dọn về, người chồng trước năm 75 làm ở hàng xăng Sell, còn bà vợ là nội trợ. Tuy thế bà ta sau này mới là người đáng sợ nhất với tôi. Bên phảii nhà tôi là căn của một Sĩ Quan QLVNCH đã bỏ đi nước ngoài nay cấp cho một tên cán bộ ngoài Bắc mới vào đang chờ đón vợ con.  Còn chấn ngay trước mặt nhà tôi lại là nhà của tên “Nằm vùng”, vốn dĩ là một tay chích dạo theo toa Bác Sĩ .Bây giờ “kách mệnh” về nên người vợ anh ta là Tổ Trưởng dân phố, chồng nghiễm nhiên trở thành “Bác Sĩ” của Phường, gia đình này cũng ở đó từ lâu rồi!!
 
 
NGƯỜI BÁC SĨ (Y TÁ Nằm Vùng)
 
      Khi tôi về khu nhà này thì đã biết ông “Bác Sĩ “có danh tiếng là “Năm Chích”này, ông chuyên môn chích dạo theo toa Bác Sĩ cho những cô gái lỡ làng, hay cả cho…heo nữa! Đùng một cái ông ta nghiễm nhiên leo lên chức Bác Sĩ tỉnh bơ. Chả là hôm ấy người bạn cùng xóm có con đau xin  đi khám bệnh, tổ trưởng dân phố chỉ dẫn chị ấy mang con ra văn phòng y tế của Phường có Bác Sĩ thường trực ngoài ấy rồi. Chị bạn trở về hớt hải nói nhỏ với tôi:
     “Chị biết gì hông? Tui mới gặp thằng cha Năm Chích ở  ngoài Phường á, chả làm Bác Sĩ hồi nào zdậy ta! Tui tính mang con tui ra xin khám vì thằng nhỏ bịnh bữa giờ, nhưng tui hỡi ơi khi gặp “ chả” mặc áo blue trắng, đeo ống nghe đàng hoàng ngồi chễm chệ coi oai phong lắm lựng. Chèng ơi, ai mà dè héng, cha Năm Chích này đổi đời rồi tha hồ cho bà  zdợ  đi khoác lác khoe khoang…”
     Tôi ngẩn ngơ chẳng biết nói gì vì trong lòng đang ngổn ngang trăm nỗi lo lắng. Tin chồng tôi bị bệnh nặng sắp cầm cự không nổi vì thiếu thuốc men, do người bạn đi thăm nuôi chồng về cho biết làm tôi chết điếng cả tâm hồn. Anh bị thổ huyết do cả khúc cây to đè sấp trên lưng, khi anh em khiêng anh vào “trạm xá” lại bị lỡ tay làm đứt võng rớt anh xuống nên huyết trong miệng lại thổ ra cả tô mà không có một viên thuốc cầm lại. Cả tháng nay anh không muốn báo về nhà vì sợ vợ con lo lắng không tiền thăm nuôi! Tôi đau đớn tưởng chừng ruột gan bị xé ra từng mảnh vụn, tôi vội đi đến nhà người bạn Bác Sĩ của anh vừa mới được thả ra tù, để hỏi thăm về những loại thuốc cần dùng cho bệnh của anh. Cầm cái “toa” trong tay, tôi lại có nỗi lo khác. Bây giờ lấy tiền đâu để mua cho đủ số thuốc này và mua ở đâu đây! Về nhà đem chiếc áo Jacket Không Quân của anh đi bán được ít tiền, vội ra chợ “trời” thuốc Tây bên cạnh chợ Bến Thành mua được vài ống Vitamine K vì thuốc này hiếm và đắt quá. Tôi ra phường xin giấy đi thăm vì đợt thăm nuôi đã qua, mà vừa rồi anh cố tình không xin nên nếu không có tờ giấy cho phép đó là không đi thăm được. Ngoài Phường cấp cho tôi tờ giấy giới thiệu đi thêm hai chỗ nữa mà tôi không thể nhớ ở những đâu, chỉ biết rằng phải qua mấy chặng xe .Rồi ở đó lại chỉ đi chỗ khác  hết mấy tiếng đồng hồ ngồi trên xe chạy. Cuối cùng có tờ giấy trong tay với mấy dấu mộc đỏ choét mất ba ngày trời ngược xuôi thì tôi cũng đã hết hơi sức. Bây giờ tôi đang lo số tiền mua quà cáp và tiền xe đi .  Nghe người bạn nhắc tới tên Y Tá ở trước nhà, tôi chợt có ý nghĩ hay là mình ra đó thử xin ít thuốc bổ mang vào cho anh. Tôi hỏi ý kiến chị bạn và chị khuyến khích tôi, cứ thử xem vì thấy ông ta cũng vui vẻ.
      Sáng hôm sau, lo cho hai con đâu đó xong tôi theo lời người bạn chỉ dẫn ra phòng Y Tế của Phường.  Vừa gặp mặt tôi, ông “Bác Sĩ  đặc cách” đã xun xoe :
       “ Cô có bệnh hả, vào đây tôi khám cho. Hèn gì mà thấy cô xanh  xao quá, thật tội nghiệp!? “
Tôi cười xã giao nhưng ngập ngừng mãi mà chưa nói được ý định. Ông ta quay lưng bước vào phía trong có chiếc màn trắng che ngang chiếc giường bệnh để sẵn rồi bảo tôi:
        -“ Cô lên đây nằm xuống tôi khám cho dễ hơn “
        Không còn cách nào khác tôi đánh bạo :
         “Xin lỗi anh, tôi tính ra đây nhờ anh gúp đỡ chút chuyện…”
        Ông ta vồn vã lấy tay vỗ vỗ mặt nệm của chiếc giường ý muốn tôi lên đó nằm :
         “Có gì cô cứ nói đi, chỗ chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau mà. Nếu giúp gì được thì tôi sẵn sàng”
         Tôi đứng bên cạnh mép giường mạnh bạo mở lời:
-“ Dạ cám ơn anh Năm trước, chuyện này tôi nghĩ không quá tầm tay của anh đâu vì anh là … Bác Sĩ trưởng ở đây mà..”
Ông ta cười sung sướng, nụ cười làm khuôn mặt giãn nở có đôi mắt híp làm tăng thêm nét gian trá , tôi vội tiếp:
      “ Chồng tôi đang ở trong trại nhưng bị thổ huyết rất nặng. Hiện nếu không có thuốc thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tôi không có bệnh gì nhưng nếu anh có thể giúp thay vì cho thuốc như bệnh nhân cần thì cho tôi xin ít thuốc cảm hay thuốc bổ gì đó..”
Ông ta như không nghe rõ lời tôi nói, kéo tay tôi lại chiếc  giường bệnh rồi ấn tôi ngồi xuống nói:
      “ Cô nằm xuống rồi cởi nút áo ngực ra để tôi khám cho ?”
      Tôi vội vàng:
      “ Dạ tôi đã nói tôi đâu có bệnh gì mà cần khám?”
        Ông ta thu ngay nụ cười đang dở dang, đôi lông mày nhíu gần lại  và gằn giọng bực tức:
       “Nếu cô không khám thì tôi không thể giúp gì cô được cả. Cô tưởng cứ muốn xin gì là được sao? Thuốc còn để dành cho người dân đau ốm chứ không phải để cho , ở trong trại đã có nhà nước lo rồi !”
      Tôi sững sờ, im lặng cám ơn rồi ra về vì biết mình đã  làm một việc dại dột !
      Thời gian đầu, cậu em trai út mười sáu tuổi của tôi còn ở chung với tôi, cậu là đứa trẻ rất khéo tay nên từ lúc mười tuổi đã có thể chế biến đủ loại đồ chơi chỉ bằng những lon đồ hộp trống lượm lặt được đâu đó và vài cục battery cũ. Trẻ con hàng xóm rất thích theo chơi với cậu vì được cậu chia cho chơi chung. Một ngày kia, em trai tôi về nhà không thấy nói cười như mọi khi, tôi cũng không để ý lắm vì bận bù đầu. Đang lúi húi thay áo, tã cho con thì nghe tiếng la lớn ở trước cửa nhà:
      “Cô Tâm đâu rồi, ra mà xem con tui bị em cô ỷ lớn ăn hiếp nó nè….”
      Tôi vội ôm con đi ra cửa vì nghe được giọng nói của bà vợ ông “Năm Chích” .Hai mẹ con đang đứng ngay cửa giữa đám trẻ bu xung quanh.
      Vừa thấy tôi bà ta đã bù lu bù loa:
      “ Sao em cô dám đánh con tôi, nó nhỏ hơn thì có gì nói với nó chớ sao lại làm zdậy? 
      Tôi không biết trả lời sao, liền gọi em tôi ra hỏi và được biết rõ mọi chuyện:
      “ Cháu Tuấn (con trai lớn của tôi) đang chơi cái xe cần cẩu em làm, thằng Khanh ở đâu lại đòi mượn xem rồi bẻ gẫy luôn, em bắt đền thì nó bỏ chạy rồi còn thách em có giỏi thì theo bắt được nó. Em chạy đuổi kịp thì nó lại chửi thề bảo Má nó làm Tổ Trưởng nên không sợ ai hết. Nó còn xô em té trầy hết cả đầu gối đây nè. Em phải xô nó lại chứ. Chị hỏi mấy đứa con nít kia thì biết kìa..”
      Cả mấy cái miệng lũ trẻ con đều lên tiếng một lúc:
      “Dạ anh Dũng nói đúng đó cô, thằng Khanh láo lắm. Nó cướp đồ chơi, phá hỏng rồi còn xô anh Dũng té nữa. Nó ỷ có má nó bênh nên mới làm vậy đó!.”
      Tôi phân vân chưa biết giải quyết cách nào vì mẹ con bà ta nổi tiếng cậy quyền cậy thế hiếp đáp mọi người, em tôi tuy đúng nhưng làm sao cãi lại với nhũng kẻ hàm hồ có đầy quyền hành trong tay. Bà ta nghe giải thích rõ ràng và có sự làm chứng của đám trẻ nhưng vẫn không chịu thua:
      “Nhưng em cô lớn hơn thì phải nhường chứ, con tui ốm yếu mà nó xô như zdậy làm sao chịu nổi…!”
      Tôi phải giảng hòa và nhận lỗi cho xong chuyện, rồi hôm sau biếu xén chút quà làm lành. Cũng may bà ta thôi không đay nghiến nữa nhưng vẫn để bụng ghét em tôi ra mặt. Cũng may, bà hàng xóm “Tổ Trưởng Phụ Nữ” bên cạnh nhà đã cắt hộ khẩu và phần gạo của em tôi nên cậu về ở với mẹ tôi, nếu không chắc chắn sẽ có tên đi “Nghĩa Vụ Quân Sự” kỳ này rồi  !
NGƯỜI HÀNG XÓM (Cách Mạng 30) “TỔ TRƯỞNG PHỤ NỮ”  
      Khi chồng tôi đã vào nhà tù “Cải Tạo”, tôi như con cá mắc cạn không thể thở được vì bị bốn bề dòm ngó xăm soi! Dù biết mình chẳng làm gì phạm pháp nhưng lúc nào cũng như có những con mắt cú vọ đang lăm le ở bên cạnh canh chừng từng động tác! Mỗi sáng khi tôi bước ra khỏi nhà đi làm là đã thấy người đàn bà “nội trợ” ở sát bên trái nhà tôi đứng sẵn ở sân từ lúc nào rồi, hai con mắt nhỏ sắc bén lướt qua khiến tôi rùng mình. Tôi cố nhoẻn cười chào rồi đi ngay không dám chần chờ đứng lại xã giao câu nào. Bên hông nhà của tôi là một cái hẻm nhỏ rộng khoảng 2 m chạy dài từ trên xuống dưới dọc theo suốt căn mà khi mua người chủ cũ đã để lại cả bản đồ. Vì là hàng xóm sát vách nên đã cho người hàng xóm trổ cái cửa ở gần bếp trông ra cho thoáng. Nhưng chồng tôi vừa đi khỏi là bà ta ngang nhiên không cần hỏi ý kiến ai mà tự sai con rể ( là bí thư đoàn thanh niên của phường) mua vật liệu về che chắn, làm chìa khóa riêng và … thả mấy con heo để nuôi trong con hẻm đó. Khi tôi biết thì mọi việc đã xong, bà ta cãi là chủ cũ của tôi đã cho nhà bà ta sử dụng con hẻm này từ lâu rồi mà tôi mới về nên không biết ? Không thể cãi lý với người đàn bà này được nên tôi đành niêm phong luôn cánh cửa thông ra hẻm, xem như tất cả không còn thuộc về nhà mình nữa! Ngay cả cái cửa sổ cũng lâu lâu mới mở hé để lấy không khí, hôm nào quên đóng là y như rằng hôm sau nghe bà ta đi rêu rao khắp xóm vì nhìn thấy trong bếp nhà tôi có vật gì, mới mua cái gì. Bà ta kể vanh vách như kê khai tài sản của gia đình tôi cho mọi người đi mua đấu giá vậy!! Mẹ con tôi đành chịu đựng tiếng kêu ầm ĩ khi đói của  đàn heo háu ăn mà người chủ lười biếng không nhớ đến, chịu đựng cả những mùi xú uế của chúng tiết ra làm lợm giọng tỏa khắp gian nhà, thông qua mấy khe cửa!!
      Gia đình này muốn nuôi heo để sinh lợi nhưng cả nhà sáu người không ai muốn chùi rửa tẩy uế, tôi thường nghe họ sanh nạnh đổ lỗi cho nhau to tiếng! Mấy tháng sau nhắm chừng không xong nên đã bán đàn heo đi, chúng tôi mừng vì được trở lại sự yên tĩnh và không khí nhẹ nhàng hơn một thời gian ngắn.
         Một buổi sáng sớm tôi còn đang nằm nán trên giường để thưởng thức giấc mơ đẹp hiếm hoi vừa có trong đêm, bỗng tiếng động từ con hẻm phát ra làm tôi giật mình. Tôi vội nhìn qua khe hở của cánh cửa sổ thì trời ơi, họ đang chẻ củi ngay phía ngoài đầu nằm chiếc giường của mẹ con tôi. Không muốn có chuyện nên tôi đành im lặng, và cứ thế mà sống cho qua ngày đoạn tháng. Nhưng rồi cũng chưa yên, họ bắt đầu mang cái bếp lò ra đặt dưới đất ngay chỗ trông thẳng lên cửa sổ nhà tôi, mà phía trong bức tường là nơi đặt chiếc giường của mẹ con tôi nằm ngủ. Bắt đầu từng làn khói mỏng len lén bay vào rồi tỏa lan trong không khí, tôi lại nhìn qua khe hở cửa sổ, bà ta đang đốt lò và lại còn dùng chiếc quạt mo ra sức quạt cho ngọn lửa cháy bùng lên, bao nhiêu khói cứ thế mà xông vào xâm chiếm hết không gian của mẹ con tôi. Hai đứa nhỏ ho sặc sụa, khóc la.  Và tôi đành phải vội vàng bế con ra nhà ngoài mở cửa lớn ra cho đỡ ngộp! Tôi vẫn không dám hó hé tiếng nào vì muốn yên thân.
        Một thời gian như thế, tôi đau khổ nhìn hai đứa con thơ tội nghiệp mà rơi nước mắt. Căn nhà thì bé tí, căn phòng có mỗi chỗ để đặt vừa chiếc giường ngủ, tôi biết chuyển đi chỗ nào để tránh đây? Tôi tự hỏi thầm, không biết là mình còn chịu đựng được bao lâu nữa! Một hôm cũng tương tự xảy ra như thế, trong thời gian đứa con nhỏ của tôi bị bệnh, không chịu nổi làn khói cứ tuôn vào liên tục nên bé ho sặc sụa và khóc không lên tiếng. Tôi nóng ruột quá bèn mở banh cửa sổ ra định nói vài tiếng, nhưng may mắn là chưa kịp thì cô con dâu của bà ta đang quạt lửa nhìn thấy tôi nên nhoẻn cười chào. Tôi vừa ho vừa lấy tay ra hiệu cho cô ta lại gần nhìn vào trong nhà tôi, cảnh các con tôi đang nằm khóc vì ngộp khói. Cô ta hiểu ra và vội vàng di dời cái lò than ra chỗ khác rồi rối rít xin lỗi tôi. Tôi chỉ nói nhẹ nhàng :
        “ Đáng ra tôi cũng ráng nhịn như từ lâu nay, nhưng các em còn nhỏ quá không thể nào chịu đựng nổi nữa. Cũng vì thế mà chúng sinh bịnh bữa giờ, tôi thì nghèo không tiền mua thuốc cho con nên cô thông cảm nghe!”
       Cô con dâu này cũng là người biết điều nên từ đó chiếc lò lửa đã biến đi đâu mất luôn! Trả lại sự trong lành và yên tĩnh mỗi buổi sáng cho mẹ con tôi… Nhưng bà mẹ chồng oái oăm lại đâm ra để bụng, và tìm cách trả thù bằng nhiều cách. Bà ta là hội trưởng phụ nữ của phường, vì thế rất quyền hành. Đầu tiên bà ta biết gia đình tôi chỉ có ba mẹ con, mà đứa lớn mới hơn hai tuổi, đứa sinh ra sau khi chồng tôi đi tù được ba tháng nên có ba tháng tuổi. Tôi vì bận việc phải nhờ cậu em út mới mười sáu tuổi vừa bị chính phủ “cách mệnh” đuổi ra khỏi ngôi trường Quốc Gia Nghĩa Tử, hiện còn đang thất học nên rảnh rang ở chung trông coi cháu giúp. Khi cậu đi thăm mẹ tôi dưới Biên Hòa một tuần lễ, bà ta biết được và cắt luôn “hộ khẩu” cũng như phần gạo của cậu. Thế là tôi đành để cậu về với mẹ vì làm gì có gạo để nuôi em. Nước mắt thương mình thương em đổ xuống cho tôi thêm thấm  thía tình người !
        Lần kế tiếp là “tố cáo” tôi ra ngoài phường vì đã …dám ăn gạo trắng chứ không dùng loại của phường bán cho !? Thời đó ai  cũng biết rõ thứ gạo nhà nước bán cho dân như thế nào, vừa bị mốc xanh vừa bông cỏ và sạn, thóc ngập đầy. Tôi thì bận đi làm lấy đâu ra thì giờ ngồi lượm hay đãi. Đành phải đi dổi lấy vài ký gạo trắng sạch cho hai đứa con ăn, còn bản thân thì chỉ có khoai lang khoai mì lót dạ. Nhưng vì thế tôi đã trở thành người còn đầu óc “tư bản” và bị dũa cho một bài học nhớ đời !!!
       Lúc đó phường khóm còn có chương trình huy động dân đi làm“Thủy Lợi”. Nhà nào có người trong tuổi lao động là phải đi, nhưng khi họp để cắt cử người trong đợt ấy,  bà ta chọn và chỉ đích danh tôi! Nếu không đi được thì đóng tiền cho người thay thế. Tôi làm gì có tiền đóng trong khi hai tháng mới được phát lương lại còn để đi thăm chồng tù tội? Và tôi đã mất một ngày đi theo lên vùng nông trường Lê Minh Xuân làm thủy lợi với bà con, hai đứa con bé xíu phải gởi nhờ hàng xóm lây lất… Một ngày làm việc khó quên!.
NGƯỜI HÀNG XÓM  “CÁN BỘ CS”
Và đây người hàng xóm đặc biệt cuối cùng, ông cán bộ phía tay phải nhà tôi.
“Đùng…đùng,đẹt…đẹt…đùng!…”

        Tiếng nổ ngoài đầu ngõ bất chợt vang lên làm lão Can giật thót người. Lão nhấp nháy hai con mắt ti hí mà phần lòng trắng lấn át hẳn chỉ chừa lại một chấm nhỏ như hạt đậu màu nâu xám lọt chính giữa. Đã vậy còn một bên to bên nhỏ, lúc nào cũng ươn ướt như bị bệnh mắt toét! Lão vểnh đôi tai lên vừa nghe ngóng vừa lẩm bẩm : Quái nhỉ, nhà “lước” đã cấm chỉ việc đốt pháo trong mấy ngày Tết từ “nâu”, sao “nại” có kẻ to gan “nớn” mật, dám ngang nhiên chống “nệnh”. Chắc “nà” có âm mưu “nàm” yếu đi “nực nượng” tài chánh của nhân dân đây. Chúng “ló” ăn gan giời hay sao mà… ! Lão chưa kịp xỏ cả hai chân vào đôi dép “lốp xe” Bình trị Thiên thì một tràng pháo nữa lại nổ dòn tan như muốn thách thức cái lỗ tai lùng bùng của lão.
      “Đùng…đùng…đẹt…đẹt…đùng!
       Máu trong người lão như sôi  lên, hóa ra quân này dám cả gan trêu ngươi lão . Dù sao lão cũng từng là cấp chỉ huy của cả một sư đoàn, bao năm xông pha chiến trận và từng hét ra lửa một thời chứ ít sao. Nào trận Điện Biên Phủ năm 1954 lão tuy còn là thằng bé con loắt choắt ốm o mười lăm tuổi cũng đã mấy lần xém chết để góp công làm nên chiến thắng. Rồi thời “Mỹ Ngụy”, lão cũng xông pha tình nguyện vượt Trường Sơn dãi dầu mưa nắng, lây lất ẩn núp trên con đường mòn Hồ chí Minh mấy tháng trời, nằm hầm nằm đất bao lâu, ngày đêm tiếng đạn tiếng bom B 52 réo bên tai đến muốn điếc đặc cả tai, từng phần trên thân thể lão đều có dấu vết của mảnh đạn “thù” chi chít sau bao năm chiến đấu, từng giọt máu tươi quý giá của lão đã rơi rớt trên những cánh đồng hay đâu đó trên đường vào Nam. Nói chung là lão đã chịu đựng và hy sinh rất nhiều mới đánh được cho “Mỹ cút Ngụy nhào”. Bây giờ dù đã về hưu nhưng danh tiếng của lão còn khối kẻ phải nể mặt chứ phải chơi sao !. Nhất định làm cho quân này biết tay “Ông” mới hả giận được. 
      Lão hất tung tờ báo đang đọc trên tay xuống đất, một chân mang dép, một chân để trần. Lão tựa cơn gió bay ra ngoài đường như bị pháo kích bất ngờ bên lưng. Đôi mông núng nính trong chiếc quần đùi vải tám có bông nhỏ li ti được cấp theo “tiêu chuẩn” của “ nhà lước”  hai ống quần được vo lên sát bên trên lòi cặp đùi vòng kiềng chằng chịt vết sẹo đen đủi mập tròn ngắn ngủn. Cái  miệng to hô chìa  hết  cả hàm răng ố vàng há ra thật lớn hét ầm ĩ:
      “Thằng ranh con “lào” đấy, chúng mày định phản động chống phá cách mạng hả? Có giỏi thì đứng “nại” ông xem “lào”!
      Hàng xóm chúng tôi đã từ lâu nghe quen cách xưng hô “Ông” với mọi người của lão cán quốc già hách dịch này. Từ khi gia đình lão dọn về chiếm ngự căn nhà bỏ trống của một người bỏ đi ngày 30-4-75, khu phố náo động hẳn lên vì tiếng nói, tiếng la hét cãi vã trong nhà lão vang ra tới ngoài cả ngày lẫn đêm. Không biết lá phổi của những thành viên trong gia đình lão đuợc chính phủ cách mạng tiêm cho chất thuốc gì mà khỏe thế. Không biết ngày còn chiến tranh họ như thế nào, bây giờ trông cả nhà người nào cũng vạm vỡ và nung núc … Họ không tiếc lời chửi bới, nhiếc móc, trù yểu nhau như tất cả cha mẹ anh em họ đều là kẻ thù địch truyền kiếp . Và như họ đang ở ngòai chiến trường đầy tiếng bom đạn nổ ồn ào, sợ người bên cạnh không nghe rõ ... nên phải gân cổ hét lên thật to. Chắc nhà lão mỗi ngày tốn hết vài ba drum nước uống chứ chẳng ít đâu! Mọi nhà trong xóm đều né tránh hay chỉ phản ứng bằng cách mắt ngó và tai ngơ, chỉ có lũ trẻ con hàng xóm không biết sợ hãi là gì nên tò mò nghe ngóng hoặc có dịp là làm điệu bộ hay nhái lại giọng nói Bắc ´”níu no”  của  gia đình này làm cho mọi người cùng cười bò lăn.
      Lão Can có bốn nguời con: Cậu con lớn khỏang 25 tuổi dáng to lớn gương mặt bành bạnh trông không đến nỗi tối tăm, nhưng rất ngang ngạnh. Câu ta là Công an thành phố, cậu này cũng không thua gì ông bố, rất thích xưng “ông” với những ai làm hắn không vừa lòng. Cậu con thứ nhì 22 tuổi , nét giống y bà mẹ với khuôn mặt thô tròn làm ở cửa hàng dịch vụ gì đó của gia đình, tuy ít nói nhưng rất cộc cằn thô lỗ mỗi khi mở miệng. Cô con gái thứ ba 18 tuổi còn đi học, không hiểu sao lại khác biệt hẳn với mọi người trong nhà , rất xinh xắn, nhỏ nhẹ và hay cười. Cô gái này có vẻ biết chuyện nhất trong nhà vì thấy cô hay cằn nhằn bố mẹ khi ông bà đang hùng hổ quát nạt ai đó. Cuối cùng là cậu út qúy tử, cậu mới muời tuổi nhưng những trò chơi phá làng phá xóm thì ngay cả kẻ bạo gan lắm cũng không dám nghĩ đến. Cậu được nổi danh thêm nhờ luôn dẫn đầu trong tất cả cuộc đánh lộn của bọn trẻ trong xóm cùng những tinh nghịch làm nín thở những ai nhìn thấy. Còn bà vợ lão Can, với dáng người nhỏ bé nhưng đặc biệt có cặp mắt ti hí sắc bén không thua gì lưỡi dao cạo, làm tôi có cảm giác rờn rợn mỗi khi bị cặp mắt ấy  … liếc trúng. Mà bà ta thì chỉ có liếc chứ không thấy nhìn thẳng mặt ai bao giờ ! Bởi thế nên tôi cầu mong tránh được  bà ta lúc lào là mừng lúc ấy . Bà vợ lão Can có hàm răng đen tuyền hơi vẩu, miệng rộng nhưng lúc nói thì rin rít  không  hở lớn miệng ra được. Tôi cứ thầm tự hỏi : sao thế nhỉ ! Bà ta lúc nào cũng nhai miếng trầu nhóp nhép, thỉnh thoảng nhổ toẹt chất nước đỏ quánh trong miệng ra bất cứ chỗ nào trên lối đi, nhìn rất kinh hãi. Tất cả đi kèm với cái quần đen và  cái áo ngắn tay “truyền thống” màu nâu.  Một mẫu người đàn bà miền Bắc nhà quê chính thống mà tôi được thấy trong hình ảnh.
MÀN HÀI KỊCH GIỮA TRỜI
Một lũ trẻ con chạy hùa theo lão Can la to lên để cổ võ, lúc thì chúng hùa theo “phe” ông bố, lúc chúng ngả theo thằng bé “phản động”. Chúng cứ chỉ lung tung khiến lão Can và và khán giả bất đắc dĩ cũng chóng mặt và sái cần cổ  vì ngóng theo. Rồi chúng quay lại nhắn với thằng bé đang núp trong góc nào đó:
     “Trốn cho kỹ nghe, đừng để bị bắt đó. Ô, nó kia kìa, không phải, đàng này này ông Can ơi, đúng đúng,  không đàng sau bụi cây đó…”
        Trời nắng chang chang, ì ạch với cái thân xác nặng nề những cơm gạo cách mạng, lão Can thở hồng hộc  và cố cất cao giọng hét đứt quãng: 

- “Phen lày mà ..hừ hừ... ông vớ được mày ... hừ hừ ... thì có mà đi ...  tù mọt gông nghe con “
          Bất ngờ, một hòn sỏi vừa đâm trúng lòng bàn chân của lão đau điếng! Như bị châm thêm dầu, lão dùng chân có mang chiếc dép “lốp xe” đá văng ...tên phản động “sỏi” bắn vào tường cho đã tức, nhưng chẳng ngờ hòn sỏi bị dội ngược lại trúng ngay ống quyển của lão đau thấu trời xanh.. Ôi chao ơi, bọn phản động này rắp tâm hùa nhau để chọc giận lão đây mà! Lão đứng lại xuýt xoa rồi như ngọn lửa bị đổ thêm dầu , lão tiếp tục vừa khập khiễng chạy vừa gào lên: 
      - “Bay đâu, bắt tên phản động nại cho ta..”
      Lời kêu gọi của lão Can như rơi vào khoảng không, chẳng có “quân bay” hay đàn em nào của lão hưởng ứng. Quái nhỉ! Đám đàn em thân tín chết đi đàng nào hết cả rồi? Lại thêm lũ trẻ con cứ chạy theo sau reo hò hối thúc mà không chịu giúp gì làm cho lão càng nổi cáu:
       “Cố lên ông Can, gần bắt được thằng phản động rồi.”
      “ Trốn cho kỹ nghe, coi chừng ông ấy nhìn thấy thì chết mày đó ..”
     Cả một khu phố náo động ầm ĩ, mọi người đổ xô ra đường ,cuộc sống tất bật khó khăn và buồn chán hàng ngày bỗng nhiên được giải trí bằng một màn xiếc không tốn tiền. Nhất là do  lão cán quốc gia hách dịch mà cả từ làng trên xuống xóm dưới đều biết tên biết mặt đang đóng tuồng. Hàng lớp xe cộ bị dồn đống lại, không ai tránh khỏi sự tò mò, thích thú. Thoáng có những đôi mắt nhìn nhau ý nhị kèm theo nụ cười chúm chím…Một số người buôn bán hàng rong ngưng tiếng rao, và ngay các chủ quán bên đường cũng bỏ việc túa ra đứng chật cả một khoảng đường dài. Cứ như thế, lão Can như tên hề một mình giữa phố lăng quăng góc nọ đầu kia. Muốn ngưng lại cũng không thể được vì đã lỡ trớn! Lão quyết tâm phen này phải trừng trị cho đích đáng tên ranh con này, tống nó vào trại “cải tạo” ít nhất cũng phải vài ba năm mới thỏa lòng. Lão nghiến răng trèo trẹo rủa thầm trong bụng: Ông mà không diệt được mày phen “lày” thì ông thề ...
-“ Ối giời ơi, ló đây rồi!”.
Lão Can sắp kiệt sức ngã quỵ xuống thì vừa lúc thằng ranh con vướng phải cái thùng rác nhà ai giữa lối đi, nó ngã sấp mặt xuống đường còn chưa kịp bò dậy thì lão Can đã “hồ hởi” nhào tới, đôi bàn tay to như hộ pháp cụt mất ngón út vồ lấy lưng áo nó nhấc bổng lên cao. Nét mặt lão dãn ra hớn hở. Lão lại được dịp hét ầm lên như đạt được một thắng lợi oai hùng, đã diệt được một tên địch ác ôn ngoài mặt trận : 
      “Ông tóm được mày rồi nhé, phen “ lày “ xem mầy còn dám rỡn mặt với nhà “ lước “ cách mạng  “ lữa “ không. Có mà tù mọt gông con ạ. Đồ ph… ph …ả..n ... ư... ư...”.  
      Nhưng liền sau đó khi nét mặt thằng oắt con vừa được nhìn rõ. Cổ họng lão Can bỗng nhiên như bị ai bóp  nghẹt, tay lơi dần lưng áo tên phản động mà cả mà cả buổi lão cương quyết rượt bắt để tống vào trại cải tạo.  Mồ hôi lão lại dầm dề toát ra, nhưng lần này là thứ mồ hôi ...lạnh. Hai con mắt ti hí  trợn trừng hết cỡ như đang gặp phải ác quỷ… Dracula, miệng lão méo xẹo rên rỉ:
        “M…à…mà…y... đấ.. đấ…y..ư...hơ…hở...con...Ối giời ới  Quyết ơi nà Quyết !”.
      Đó chính là cậu quý tử út cưng của gia đình lão! Cha con riu ríu theo nhau về .Hàng xóm được một trận cười hả hê, một câu chuyện vui được nhắc đến trong nhiều ngày. Mọi người chờ xem lão Can xử cậu con yêu quý “ phản động “ ra sao, nhưng “ vụ án “ cứ êm ắng rồi chìm lỉm theo thời gian…
Một hôm cậu út buồn tình, ban đêm mọi người ngủ say cả cậu bèn lẳng lặng một mình đến nhà nào có cánh cổng rào gắn bản lề mà quên không khóa, gỡ ra rồi tráo đổi qua lại với nhà khác. Nếu không gắn lại được vì bản lề trật khớp thì cậu mang cánh cửa của nhà này đặt ngay trước cửa nhà kia.  Cả xóm náo loạn lên vì tưởng nhà có trộm, mọi người khổ sở nghi ngờ lẫn nhau. Khi phát giác ra cậu thì mọi người chỉ đành lắc đầu và tìm cách khóa lại hay cột chắc cẩn thận. Cậu lại ... đổi chiến thuật leo lên nóc nhà chạy nhảy chơi , (chắc tập làm người hùng batman !).  Mái ngói nhà mọi người cứ thi nhau vỡ loảng xoảng mà chẳng ai dám hé môi, đành im lặng tự leo lên sửa chữa lại. Cũng may dạo đó trời Saigon ít mưa. Một hôm cậu vô ý vướng phải sợi dây điện mắc trên mái nhà nên trượt chân té từ trên cao xuống đất gãy một tay và dập hết mặt mũi.. Vừa đi làm về nhìn thấy cậu em bị thương tích đầy mình, tay phải bó bột. Ông anh lớn thấy xót ruột vì thương em, chẳng cần hỏi han đầu đuôi  cho  rõ ràng, đã  ra đứng chống nạnh giữa cổng nhà la lớn để đe nẹt thị uy cả làng trên xóm dưới :
        Ông bảo cho mà biết nhé, Thằng lào cả gan dám bắt lạt em ông thì cứ mà niệu cái thần hồn, nuật nệ lằm trong tay ông đây lày. Ông sẽ tống cả lút tất cả họ hàng chúng mày vào tù đến mọt gông!”
     Mọi người sợ đến .. . dúm cả người! Cũng may là cái dây điện nhà ai hôm đó không dở chứng, nếu cậu “quý tử’’ có mệnh hệ gì thì cả xóm khó mà yên thân. Mà ngay cả cái dây điện cũng không thoát khỏi...vào tù nằm chung đến mọt gông. Hú vía!!
Từ đó, trên nóc nhà của lão Can trổ thêm một căn phòng nhỏ riêng dành làm chỗ ở đặc biệt cho cậu út. Mà lũ trẻ hàng xóm gọi là “ chuồng...cu của cu Quyết” (tên cậu út ). Ông bố “kách mạng” quá thương con hợp cùng với ông anh lớn Công An trong nhà đã đẻ ra sáng kiến độc đáo này. Cơi thêm nóc nhà là việc họ phải vận dụng trí óc thông minh ghê gớm lắm mới suy nghĩ ra được,  những “Đỉnh cao Trí Tuệ” loài người một khi đã có sáng kiến nào thì nhất định phải là vĩ đại.  Ấy thế mà cái bà vợ răng đen mã tấu lại cản mũi kỳ đà không cho thực hiện, bà ta cứ phản đối kịch liệt Hai cha con phải “đấu tranh tư tưởng “ bà ấy hết mấy ngày mới thuyết phục được, nhưng bà ta cứ rít lên từng cơn rồi xỉa xói đủ điều như cha con lão sắp đem thằng con quý tử út ít lên trên đoạn đầu đài không bằng. Nhưng lão Can thì đã “quyết ” nên nhất định, thêm phụ họa của hai ông con nữa và cuối cùng bà vợ phải bằng lòng trong tức tối. Họ dùng nơi này để cậu út vừa dưỡng bệnh vừa chơi đùa trên cao mà không cần phải leo trèo chi cho nguy hiểm. Cửa “chuồng cu ” bị khóa để không ai có thể đến “rủ rê, dụ dỗ” cậu quý tử đi hoang được!  Hàng xóm chúng tôi thì phục lăn ra vì một phát minh lý tưởng, đúng là một kế sách “lưỡng cử nhất tiện quá ư là ” siêu đẳng ưu việt!
Nhưng mọi việc đâu phải đã kết thúc, mọi người còn được xem nhiều màn “cực độc” của cha con lão Can này. Cậu ấm út không  xuống  dưới được thì đã      bạn nhóc tì của cậu ngày ngày tới hầu chuyện cho cậu đỡ buồn. Mỗi buổi sáng trời vừa bắt đầu có nắng, hàng xóm lại phải đau đầu với tiếng huýt gió ra hiệu, hoặc tiếng réo gọi của cậu Út với các bạn nhỏ từ trên “chuồng Cu” vọng xuống, ở dưới vọng lên “giao lưu” với nhau. Cứ như chim bị nạn kêu la gọi bạn tới cứu giúp vậy!
       Hai tháng sau,  khi cậu ấm út của lão Can đã lành hẳn, một buổi chiều cúp điện trời nóng như thiêu dù mặt trời đã gần lặn hết , cả xóm đang ngồi bên hè nhà tìm cơn gió hiếm hoi cho đỡ ngộp thở, vừa hỏi thăm qua lại. Bỗng ai nấy giật bắn người lên vì tiếng la thất thanh của lão Can từ nhà lão vọng ra chói lọi. Lão vừa mới đi ra ngoài về, lại một ...”sự cố ” đặc biệt chi nữa đây ?!
       “Ối giời ơi, thế lày thì chết tôi mất dzồi. Ló giết tôi đây, con ơi nà con..”
        Lũ trẻ hàng xóm lại được dịp reo hò ầm ĩ, mặc cho lão Can tức tối gào thét.
        “Giỏi đó cu Quyết, vậy mới là anh hùng” …
        Cả xóm tò mò đổ ra xem, thì ra “anh hùng Quyết” đã phá tan cái nóc chuồng cu từ lúc nào không biết. Cậu đang đứng thẳng lưng trên mái nhà vươn vai hít thở không khí TỰ  DO một cách hãnh diện sảng khoái. Lại thêm một đứa con có đầu óc thuộc loại  “Đỉnh cao trí tuệ” của ông bố Cán Bộ có quá nhiều tuổi Đảng. Không biết ông mau quên, hay vì nghễnh ngãng, sao lại hoảng hốt lên thế ? Người con út của lão đã chứng tỏ mình có bản lãnh của con nhà kách mạng. Bọn thực dân hay đế quốc “Mỹ Ngụy” mà dân ta còn đánh cho cút, lật cho nhào, huống chi chỉ là cái nóc nhà nhỏ tí bằng tôn tầm thường, “ông” đâu có coi ra gì!
Cậu là “cháu ngoan Bác Hồ” nên đã “học tập và làm việc đúng theo gương Bác”,
“KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO” .
Hoan hô cu Quyết .
 
Mimosa Thu Tâm
Những ngày tháng không thể quên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét