Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

NHỮNG TÌNH KHÚC THỜI CHINH CHIẾN ( Tùy bút)






           Đã qua đi hơn một ngày đêm nhưng trong lòng tôi chưa lắng hết  những xúc động…Chương trình "Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến" vẫn còn âm vang nhắc nhớ lại cả một trời quá khứ thân yêu. Lời kêu gào của những người con Việt Nam đi tìm Tự Do đang lênh đênh giữa bão bùng biển cả như vẫn còn lồng lộng đâu đây… 

Tôi thức dậy từ 3 giờ sáng, lòng nao nức trong lúc sửa soạn. Lái xe ra khỏi nhà từ 4:15 khi trời còn mờ tối. Sương khuya vẫn còn ướt đẫm  trên lớp cỏ lấp loáng dưới ánh đèn. Đoạn đường dài từ chỗ tôi ở đến San Jose hơn 80 Miles cũng khá dài, nhất là lần đầu tiên trong đời phải tự mình lái đi xa giữa màn đêm nhưng sự nôn nóng đã thắng được lòng e ngại. Sáng sớm Chủ Nhật nên thật yên vắng , một mình một bóng trên đường đi , tôi chợt liên tưởng đến một đoạn trong bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh mà ngày xưa đã học “ Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ,. Hôm nay tôi đi học”. Vâng, trong tôi bây giờ cũng có cảm giác như thế. Hôm nay tôi không phải đi học vì tuổi học trò đã lùi quá xa trong dĩ vãng, nhưng con đường này tôi đã thường xuyên đi lại nhiều lần mấy năm trời nay bỗng nhiên có gì khác lạ ? Phải, “Hôm nay tôi …có hẹn !”. Hẹn với những người bạn cùng trường, nhất là ngôi trường ai nghe thấy cũng phải bùi ngùi vì là Quốc Gia Nghĩa Tử, hẹn để đi làm một công tác không có gì to lớn với mọi người nhưng đối với chúng tôi lại vô cùng ý nghĩa. Và cũng hẹn để được nhìn lại những dáng dấp anh hùng một thời xa xưa trong những bộ quân phục hào hùng. Nhất là hẹn để cho tôi được sống lại một thời đáng yêu đáng nhớ của Việt Nam trong lúc chiến tranh. Ôi , cái hẹn này đã thôi thúc tôi phải có mặt, không thể như nhà  thơ  Hồ Dzếnh nhắn nhủ  “ em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé” được. Tôi chợt bật cười vì ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu.

 

Chúng tôi , một đoàn hơn mười người những đứa con được mang danh xưng  Quốc Gia Nghĩa Tử từ sáng sớm ngày Chủ Nhật 17 – 12 -2006 đã có mặt tại  trường Foothill College San Jose.  Leo lên hết mấy tầng thang khiến tôi mỏi nhừ, nhưng khi vào bên trong khuôn viên trường, đứng trước tấm tranh vẽ những chiếc tàu đánh cá chở đầy người đang bị sóng đánh dồn trôi nổi giữa biển khơi… tôi bỗng lặng người nghẹn ngào.  Bắt tay ngay vào việc của Trưởng ban tổ chức cưụ Đại Tá Vũ văn Lộc vừa giao phó , chúng tôi chuẩn bị sắp xếp cho một sân khấu ngoài trời với chủ đề “Văn Nghệ Tiền Đồn”. Ai vào việc nấy, kẻ lo tháo gỡ nilon bao ngoài hình tượng  người lính trong sắc phục đủ loại binh chủng, rồi đặt vào từng vị trí thích hợp, bạn khác thì căng lều bạt  và sắp xếp bàn ghế, người thì treo dựng phong cảnh cho sân khấu…Tôi thật vui khi đứng nhìn nhiều người rủ nhau đến chụp hình bên cạnh những hình tượng mà chúng tôi vừa sắp đặt đâu đó. Từng xe chở đầy thùng đựng bánh đã  đến, chúng tôi lại lo mang từng hộp bánh sắp lên mấy chiếc bàn dài để sẵn cho khách dùng. Xong đâu đấy đã 12 giờ trưa, ăn qua loa mấy miếng bánh xong  tôi và vài chị em bạn gái đi thay áo dài rồi kéo nhau xuống chân đồi để đón và tặng dù cho khách. Một số anh em nam làm công việc khác.

 

Đồi Foothill hôm nay gió lạnh ngập tràn, lạnh tím da. Khách mời cùng thân nhân đông dần, ai nấy  co ro trong đủ sắc áo lạnh đang lần lượt đi lên từ parking. Những dây huân chương , những cây dù đỏ thắm được chúng tôi  bung ra sẵn cầm trên tay chờ đợi để trao tặng và khoác vào cổ những vị …lão uyên ương. Người được tặng tuy hơi ngỡ ngàng khi đón nhận, cũng như có người hơi ngương khi bị chúng tôi xin họ phải tỏ thái độ cám ơn người bạn đời của mình bằng một nụ hôn trước mặt mọi người cũng như trước ống kính quay phim, Họ vẫn nở nụ cười tươi và làm theo yêu cầu khiến lòng chúng tôi thấy ấm áp hẳn giữa cái lạnh cuả trời lập Đông.  Những bóng dù che trên đầu chúng tôi chắc là ngộ nghĩng lắm, đứng dưới tàn cây xanh không chút nắng mà ngoài kia thì trời trong xanh không gợn áng mây đen. Lại còn…trấn thủ chận ngay con đường  “huyết mạch” duy nhất đi lên đồi, tôi nói nhỏ đùa với cô bạn : “quân ta sẽ toàn thắng và không để sót một tên địch nào”. Con nhà lính thì phải thuộc từ ngữ của lính chứ phải không các bạn của tôi ?

 

Lúc này đã khá đông các anh trong màu áo trận các quân binh chủng. Những mái tóc bạc và những nét mặt phong trần, một số họ đã từng trải qua  trên dưới mười năm tù đày vì cộng sản. Có anh đã hy sinh một phần thân thể trên chiến trường đang khó khăn leo từng bậc thang lên xuống, được biết anh là người hùng thoát ra từ trận đánh trên đồi Charlie, có anh phải dùng xe lăn nhưng cũng  cố gắng lặn lội đường xa tìm đến. Có cả những Nữ quân nhân trong bộ đồng phục  Dù thời gian có làm thay đổi hình hài và nét mặt , cũng không thể nào xoá nhoà đi phong thái lính chiến oai hùng một thời trong họ, Tôi như tìm thấy đâu đó bóng dáng quen thuộc của người chồng thân yêu giờ đã khuất. Tôi vẫn luôn hãnh diện vì được làm người vợ cuả anh, một người lính trong  QL VNCH. Sau những năm tháng dài bị tù tội  khốn khổ, mang được vợ con qua đến bến bờ tự do thì anh đã vội vàng bỏ ra đi để lại mẹ con tôi bơ vơ trong nỗi tiếc thương sầu muộn. Dù anh không còn hiện diện trên cõi đời cũng như bao người lính khác da hy sinh của quân đôi VNCH, trong lòng tôi và các con vẫn luôn nhớ đến với sự biết ơn và kính trọng.  Hương hồn các anh giờ đây đang đâu đó chắc là vui lắm khi nhìn gặp lại các bạn bè đồng ngũ một thời sinh tử. Tôi quay mặt để dấu những giọt nước mắt vừa rơi mà trên môi vẫn cố giữ nụ cười…

 

Hơn bốn trăm cây dù được ban Tổ chức dành tặng cho khách tham dự hình như vẫn chưa đủ nên đành phải cáo lỗi những vị đến sau. Khi chúng tôi hoàn tất công việc thú vị này cũng là lúc tay chân như bị tê cóng hết vì đứng qúa lâu trong gió lạnh. Leo lên những bậc thang cuối cùng là mấy chị em chạy vội vào bên trong rạp tìm hơi ấm. Những hàng ghế đã gần như đông kín, hai anh trong gia đình QGNT đang đứng làm nhiệm vụ chỉ dẫn hướng đi cho khách. Một lúc sau các bạn lại rủ ra sân chụp hình chung với thầy giáo dạy Toán của chúng tôi, ngoài trời vẫn còn đang tiếp diễn văn nghệ hình như do các phu nhân của lính trình diễn. Các chị trông thật xinh tươi và cũng ra vẻ …lính lắm trong những bộ quân phục. Tôi rất tiếc khi các bạn nhắc sao có bộ quần áo lính mà không mặc. Nhưng dù sao tôi cũng thích làm em gái hay …người yêu của lính hơn, vì được mặc chiếc áo dài đi bên cạnh các anh mới thấy mình nhỏ bé và cảm nhận được sự che chở . Sự suy nghĩ này khiến lòng tôi thấy vui hơn bao giờ…

 

 Ba giờ chiều, chương trình văn nghệ chính thức bắt đầu bằng phần I . Những hình ảnh chiến tranh, những đoạn phim lịch sử được chiếu trên màn  ảnh lớn. Tiếng súng đạn ầm ì, những qủa đạn pháo nổ tung những chiếc xe và xác người bay tan tác trên nền trời đầy khói súng,…Tim tôi chợt đau thắt, cỗ họng tôi như nghẹn và lại âm thầm để rơi từng giọt lệ, thương cho quê hương tang thương và thương cho bao con người đã bỏ thây vì lý tưởng. Tôi nhắm mắt lại để biết rằng trong lòng mình chẳng bao giờ quên được cho dù đến cuối cuộc đời. Những bài hát gợi lại sự lãng mạn của những người lính và người yêu của lính , người giới thiệu chương trình đã sắp xếp thành một chuỗi liên kết đầy đủ ý nghĩa mà tôi không nhớ hết: Người Tình Không Chân Dung, Gởi Người Giới Tuyến, Nếu Em Không Là Người Yêu Của Lính, Tình Thư Của Lính, Kỷ Vật Cho Em…Sau phần trình diễn cuả riêng từng binh chủng, trước hết là Không Quân , Hải Quân, Lục Quân và Bộ binh. Rồi đặc biệt là phần trình diễn của tập hợp tất cả các binh chủng trong khúc quân hành quen thuộc ngày nào. Hầu như gần hết  những tiếng hát góp mặt trên sân khấu hôm nay chưa từng được nghe nhắc đến tên , họ không phải là ca sĩ chuyên nghiệp . Họ chính là những người lính có dự phần trong cuộc chiến đến đây để nói lên tiếng nói của chính mình và cho bạn bè từng chiến đấu chung , cho những người bạn còn sống hay  đã chết. Nhưng lời ca tiếng hát của họ thật tình chuyên chở được hết nỗi bi hùng tráng của quê hương trong thời binh loạn.

Khi lá Quốc Kỳ phấp phới vượt qua đầu khán giả lên trên sân khấu , một vùng trời yêu thương  như vừa trở lại trong lòng bao người ngồi đây. Chắc hẳn mọi người cũng như tôi khó được dịp nhìn thấy một màn trình diễn nào quy tụ được tất cả các màu áo trận đứng chung trên sân khấu như hôm nay. Nhưng phần cảm động nhất và đau lòng nhất là do một vị cựu Thiếu Tá , một người đã 64 tuổi từng thoát được từ trận đánh nổi tiếng năm xưa trên đồi Charlie . Ông đã cố góp mặt khi vừa trải qua căn bệnh ngặt nghèo ung thư. Ông đã hát bằng chính tâm tư, chính nỗi lòng mình để tưởng nhớ đến người anh cả Nguyễn Đình Bảo đã tử trận. Ông gục xuống trong nỗi đau nghẹn ngào trên sân khấu khi kết thúc bài hát cùng với lời kêu gào xé lòng người nghe, nước mắt nhiều người đã chắc chắn không thể cầm được. Tôi nấc lên và đồng thời cũng nghe thấy tiếng sụt sùi……Vâng, Nhớ anh trời làm cơn bão, cơn bão hôm nay không do trời đất tạo thành mà do chính tình cảm trân kính của mọi người dành cho những người anh hùng đã nằm xuống vì   quê hương thân yêu.

 

Hết phần một của chương trình, đến gìờ  giải lao chúng tôi lại có nhiệm vụ  đi xin lại những vé vào cửa để chuẩn bị cho phần sổ số, đã có hai người được trúng và sẽ được nhận chiếc vé máy bay đi du lịch Á Châu. Khi tôi trở lại chỗ ngồi thì Việt Dũng đang có mặt trên sân khấu , anh đã cùng nữ ca nhạc sĩ  Nguyệt Ánh và ban Hưng Ca từ khắp nơi xa xôi Paris, Houston, Washington DC…họ đã vượt qua mọi trở ngại cá nhân để đến góp mặt trong buổi văn nghệ  với lời ca khóc cho những người con và đất nước Việt đau thương. Hình ảnh con thuyền đầy người đang lênh đênh giữa đại dương sóng gió trôi dạt qua lại sân khấu nhiều lần hầu như suốt trong phần II của chương trình, tôi lại không cầm được lòng xúc động . Dù không từng trải qua những sóng gió nổi trôi trên mặt biển, dù chưa giáp mặt tử thần và với sự hãi sợ hải tặc cũng như bao nhiêu nỗi gian truân khác của những người bỏ nước đi tìm tự do bằng đường bộ. Nhưng quanh tôi những người thân và bạn bè đã từng chịu niềm đau chung này. Ngay chính đứa con lớn của tôi cũng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc , sau đợt  bị bọn cướp Thái Lan làm tơi tả tàu bị rơi vào vùng nước xoáy  cùng lúc lương thực không còn…Còn nỗi thống khổ nào hơn khi phải chạy trốn ngay cả Quê Hương của mình, để trên đường đi tìm hai tiếng Tự Do phải gặp biết bao điều tang thương, để có người còn phải mang dấu ấn suốt đời!     Lá Quốc Kỳ một lần nữa cùng những tiếng hát của ban Hưng Ca làm lòng người như bừng lên sôi sục …

 

 Xin cám ơn những người đề xướng ra chương trình đầy ý nghĩa này, cám ơn bao công sức của những con người thầm lặng đã cho chúng tôi được thưởng thức một bầu không khí đầy cảm xúc . Cũng xin được cám ơn những người anh hùng vô danh và có danh, cùng những người đã nằm xuống khi đi tìm Tự Do. Các vị sẽ là những ngọn đuốc sáng mãi và còn sống mãi trong tâm khảm  tôi.   Chương trình được kết thúc sau hơn 3 tiếng đồng hồ, mọi người lưu luyến ra về. Thời gian một ngày của anh chị em trong gia đình họ Quốc chúng tôi trôi đi hình như nhanh hơn mọi bữa. Chúng tôi cùng ra xe, rủ nhau đi đến địa điểm nào đó để tự…thưởng công, trò chuyện và hẹn ngày tái ngộ trong một nhiệm vụ khác.

                                                                      Thu Tâ

 

 
 
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét