Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

TẤM LÒNG NHÂN ÁI

 









TẤM LÒNG NHÂN ÁI

 

 

Nhân ngày Quân Lực VNCH sắp đến, xin gởi lên đây câu chuyện về một người được gọi là bạn vai người chị mà chúng tôi luôn thương yêu với cả sự trân trọng và kính mến.

Tôi quen chị một dịp tình cờ khi đến thăm viếng nhà vợ chồng người bạn ở Saigon. Trong tình cảm anh em Quân đội tuy không cùng binh chủng hay đơn vị, câu chuyện giữa chúng tôi thật thân tình và ấm cúng. Tôi nghe mọi người gọi tên chị là L... Chị là một Nữ Quân Nhân thuộc Sư Đoàn 5 Không Quân VNCH. Như tất cả các Sĩ Quan quân đội khác chị cũng bị bắt đi tù “cải tạo” khi Quân miền Bắc vào thôn chiếm miền Nam Việt Nam. Qua mấy năm gian truân khổ cực trong các trại tù, chịu đựng sự đầy ải của những kẻ dốt nát vô nhân tính lấy sự căm thù làm cứu cánh nuôi sống chế độ, chị đã xuống sức rất nhiều. Cuối cùng chị cũng được thả ra để trở về với thân thể xơ xác và cuộc sống tơi tả, tuy thế nghị lực của chị thì vẫn tràn đầy.

Chị làm đủ nghề để kiếm sống, Saigon năm ấy đã thay đổi hoàn toàn sau khi của cải người dân bị cú lừa “Đổi tiền” và “Kiểm kê tài sản” mất trắng. Không khí sinh động, vui tươi của thủ đô miền Nam đã biến mất, sự phồn vinh trở thành nghèo nàn lạc hậu khiến cho cuộc sống dân miền Nam trở nên thê thảm bởi sự cai trị yếu kém và tham lam của những kẻ cướp chính quyền, mặc dù chỉ mới sau 5 năm. Đã vậy, trên nét mặt mọi người đều hằn lên nỗi âu lo, sợ sệt do luật “Ngũ gia liên báo”. Cộng sản đã thành công khi sắp đặt năm nhà kề cận có nhiệm vụ rình mò lẫn nhau và “báo cáo” lên bọn Công an. Thịt một con gà hay vịt nuôi trong nhà cũng bị dòm ngó hoặc đưa ra khu phố “Kiểm Điểm”, thậm chí ăn chén cơm trắng cũng bị hạch tội, vì còn mang tư tưởng “Tiểu Tư Sản”.  Ai nấy tất bật vì cuộc sống trong thầm lặng, lén lút mặc dù mình không hề làm điều gì phạm pháp.

Biết không thể sống nổi với chế độ ngược ngạo này, chị tìm đường ra đi. Sau mấy lần vượt biên, chị đã hoàn thành ước vọng khi thoát khỏi ngôi nhà tù lớn đầy rẫy bất công và nguy hiểm cho những người thuộc phe đối nghịch với Cộng sản. Chị bơ vơ nơi xứ người vừa làm việc mưu sinh vừa chăm sóc  cô con gái nhỏ. Một thời gian sau khi cuộc sống đã bớt vất vả, chị trở về Việt Nam vài tuần lễ rồi lại ra đi. Tôi được gặp chị trong lần trở về thứ bao nhiêu không rõ, gặp và yêu mến vô cùng vì tư thái trang nhã và nụ cười hiền hòa với cách nói chuyện có duyên trong chất giọng miền Nam ngọt ngào chân chất.  

Không giống như những kẻ “áo gấm về làng” để khoe khoang hay vì nhu cầu ăn chơi. Không chút  kiểu cách điệu đàng, chị nhẹ nhàng trong chiếc áo bà ba mộc mạc, trên vai khoác chiếc túi bằng vải màu nâu sậm. Chị luôn sốt sắng hỏi thăm xem ai biết về những anh em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các chiến hữu, đồng đội của chị. Chúng tôi đã may mắn được tháp tùng chị đi đến một vài nơi, và xúc động đến rơi nước mắt khi từ trong chiếc túi vải kia chị lấy ra một cọc tiền đã buộc sẵn gọn gàng đưa cho gia chủ. Cứ từng người như thế, đến cuối ngày thì chiếc túi đã lép kẹp và chị trở về với nụ cười sung sướng trên môi. Hành trình ngày kế tiếp của chị lại được tiếp tục qua hướng khác cho đến khi chị lên máy bay trở về Mỹ với công việc thường nhật…

Hóa ra, thay vì giành dụm để lo cho tương lai hai mẹ con được khá hơn, chị lại sử dụng cả phân nửa số tiền kiếm được bằng mồ hôi cho mục đích giúp đỡ mọi người. Những chuyến đi về của chị thật đặc biệt, tuy âm thầm nhưng đã cứu giúp được phần nào một số gia đình cùng khổ, gieo được niềm hy vọng cho biết bao tâm hồn khô cằn u uất đang trong tình trạng bi đát cùng cực. Ngoài ra, trong chương trình của chị còn dự tính đến việc hy sinh cả đứa con gái xinh đẹp để cứu giúp một gia đình người thuộc cấp ngày xưa của chị. Tuy nhiên công việc đang tiến triển thì có sự không hay xảy ra bất ngờ nên chưa thực hiện được. Những việc làm tưởng rằng đơn giản nhưng chắc khó có mấy ai có thể hy sinh như thế, nhất là ở hoàn cảnh như chị. Chỉ trong một lần được tiếp xúc với chị thôi, chúng tôi đã cảm nhận được tấm lòng nhân ái bao la ẩn trong dáng dấp giản dị thật thà.

Từ đầu thập niên 1990 đến nay, không biết đã có bao nhiêu gia đình được chia sẻ ân huệ của chị rồi? Ai còn nhớ và ai đã quên? Mặc dù chị không hề để ý hay nhớ đến những gì mình đã cho ra. Hơn 30 năm qua, sức khỏe chị bây giờ đã không còn được như xưa nữa rồi, tuổi đời khá cao và đời sống vất vả thời gian dài đã không cho phép chị tiếp tục nổi những chuyến đi về vì tha nhân.  Đời người làm sao tránh khỏi bánh xe luân hồi của tạo hóa, tôi thương chị không bằng sự trân kính. Đối với tôi, một người chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như chị xứng đáng được nhận tấm huy chương danh dự và cao quý nhất.

Đó là huy chương giành cho một tâm hồn cao thượng và tấm lòng nhân ái vô cùng hiếm hoi trong một thời đại kim tiền.

 

Nhã Giang Thu Tâm

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

THÁNG SÁU TRỜI KHÔNG MƯA

 










THÁNG SÁU TRỜI KHÔNG MƯA

 

Tôi đưa mắt nhìn chồng với tâm trạng u buồn. Tướng tá cao nhòng gầy ốm của chồng trong tầm mắt khiến tôi nhói lòng, anh đang lom khom lượm từng cái bao nilon cũ rách gom lại rồi cột chặt từng bó bằng giây thun. Đoán biết hành động đó với ý định gì làm cho tôi mủi lòng, xót xa thương người đàn ông ngày nào hiên ngang oai dũng trong bộ đồ lính trận. Kể từ ngày về làm vợ, anh luôn gây cho tôi niềm hãnh diện và cảm thấy mình là người thật may mắn dưới sự che chở của anh. Bản tính khôi hài, hoạt bát biến đâu mất kể từ sau khi ra tù. Anh trở thành trầm mặc ít nói ít cười thậm chí đôi lúc cáu gắt vô cớ, mấy đứa con nhỏ cũng vì đó mà phải chịu lắm cảnh hàm oan. Mẹ con tôi âm thầm ôm nhau khóc, an ủi nhau mỗi khi không có mặt anh ở nhà.

Tiếng chồng húng hắng ho làm cho tôi chột dạ, vết thương trong ngực anh bị khi còn trong tù lại tái phát hay sao đây? Nỗi lo lắng đến đau quặn thắt tim gan, ăn uống kham khổ đã đành nhưng làm sao có điều kiện để chữa trị cho anh đây trong khi không còn một đồng trong nhà. Chúng tôi phải cùng cực đem nhặt nhạnh từng bao nilon hay gom góp giấy vụn, sách báo cũ trong nhà đem bán ve chai lấy vài đồng mua thức ăn... Chịu đựng cơn nóng giận bất chợt đến vô cớ của chồng, tôi vẫn luôn cố gắng nhẹ nhàng tránh không để anh suy nghĩ hay mặc cảm, chỉ biết tự trách mình quá dở nên để chồng con phải khổ theo. Buồn não lòng, sợ hãi ám ảnh một ngày lại xa anh khiến tôi cúi mặt nhắm mắt để cho giòng lệ tự do tuôn.

Cha mẹ sinh tôi ra với thể trạng yếu đuối từ nhỏ, cả hai bậc sinh thành phải canh chừng tôi từng giây phút cho đến năm tôi qua khỏi tuổi mười hai mới đỡ được phần nào. Da thịt tôi hầu như đầy dấu vết kim tiêm, truyền nước biển. Trong ruột gan thì đủ thứ thuốc Tây, Nam lẫn lộn... Mẹ vẫn thường có câu mắng yêu tôi khi có khách hỏi thăm đến: “Ai mà vô phước lấy phải nó, từ bé đến giờ chỉ uống thuốc thay cơm mà lớn”.

Vâng, nghĩ đến từ “Thuốc” là tôi đã rùng mình ớn lạnh. Thế mà tôi vẫn lớn thật, lớn nhanh và càng lớn càng ít đau vặt trong sự vất vả tự tạo lấy. Tôi hay làm, hăng say đi thiện nguyện hay tìm mọi việc để làm hầu có tiền giúp đỡ gia đình mặc dù không ai bắt buộc hay đòi hỏi. Tuy nhiên tôi vẫn không thể xốc vác việc nặng nề hay đua chen với ai ngoài xã hội, nhất là vô cùng ngần ngại khi phải tranh cãi đòi hỏi quyền lợi đối với những người có tính lừa gạt. Vì thế tôi luôn nhận chịu sự thiệt thòi, mất mát. Tôi dùng nước mắt an ủi mình kèm với câu: “Chắc kiếp trước mình mắc nợ nên giờ phải trả cho người ta” để tha thứ, để không hận thù, để dễ quên đi.   

Thời tiết tháng Sáu Saigon đã gay gắt hơn, cơn nóng nung người càng làm cho chồng tôi kiệt sức nên ho liên tục. Anh mới ra tù được hai tháng, tờ giấy báo nhận được mấy bữa trước hẹn sáng mai phải lên Quận trình báo và nghe “Quyết định”, vì gia đình tôi không thuộc vào “diện” ưu tiên nào trong danh sách được ở lại Thành phố. Nỗi lo phải cùng gia đình đi “Kinh tế mới” lại khiến anh mất ngủ hàng đêm. Tôi luôn thấy anh trằn trọc với những tiếng thở dài liên tục. Sáng ra, chồng tôi âm thầm soạn giấy tờ trong nét mặt bình thản như cam chịu số phận.   

Tiếng xe đạp thắng trước cửa, tôi nhìn chồng đang dắt xe vào nhà và vô cùng ngạc nhiên với nét mặt tươi tắn khác thường của anh. Anh không nói gì, và tôi cũng lặng thinh chờ lời giải thích, lòng thấp thỏm bồi hồi, lo âu. Từ buồng trong vừa thay áo anh vừa nói vọng ra lời dặn dò :

-     -   Em để anh làm cơm cho, cứ tiếp tục công việc đi. Xong rồi anh đi đón con về cả nhà mình cùng ăn mừng.

Tôi tròn mắt tỏ ý không hiểu, anh đi ra nhà ngoài nhìn tôi nở nụ cười bí hiểm. Ôi nụ cười tươi hiếm hoi đã từ bao lâu tôi chưa thấy lại. Chồng tôi xưa kia vốn dĩ là người có tánh khôi hài, nhanh nhẹn. Hầu như tất cả sự hiện diện của anh ở bất cứ nơi hội họp nào cũng trở nên vui nhộn và tràn đầy tiếng cười nói. Cả gần tám năm nay nụ cười quyến rũ ấy biến đâu mất, bây giờ đột nhiên xuất hiện làm cho tôi xúc động đến ngẩn ngơ. Mặc dù gương mặt đầy đặn nam tính xưa kia nay đã nhô cao toàn xương xẩu, góc cạnh. Niềm vui nào đã khiến cho các nếp nhăn trên mặt anh giãn ra? Xin cảm ơn Trời Phật, tôi thầm nghĩ, sự háo hức đợi chờ nghe câu trả lời của anh cho tôi niềm phấn khởi rộn ràng quên cả mệt mỏi.

-      -   Em có biết chuyện gì xảy ra hồi sáng nay với anh không?

Tôi cười tươi im lặng nhìn anh chờ đợi như thường lệ:

-     -    Em có nhớ anh đã kể hồi 1977 ở trong tù anh từng bị báng súng đánh vào lưng và sau đó thổ huyết ba lần tưởng chết, được người bạn cũ là Bác Sĩ Quân Y của VNCH chữa trị không, có cả film chụp phổi nữa?

Tôi đáp vội với vẻ nôn nóng:

-      -   Dạ nhớ, nhưng tấm film ấy chỉ chứng tỏ phổi anh không bị gì thôi mà?.  

-      -   Ừ, có sự may mắn là tấm film mà Bác sĩ chụp cho hồi đó tưởng chỉ để làm kỷ niệm nhưng không ngờ nay đã cứu anh. Trong số giấy tờ mang đi sáng nay anh kèm đại theo, ai ngờ tên Công an dơ tấm film lên ngó nghiêng làm như rành nghề y lắm rồi bất ngờ hỏi anh:

-      -   Anh bị lao phổi hả?

- Anh rất ngỡ ngàng chưa kịp phản ứng ra sao thì tự nhiên cơn ho kéo đến, anh vội rút chiếc khăn tay trong túi quần mà em hay bỏ vào cho anh lên che miệng ho liên tục. Tên CA đứng bật dậy như chiếc lò xo khỏi chiếc ghế đang ngồi, hắn vừa đưa một tay lên bịt miệng vừa hý hoáy ký tên cái xoẹt rồi đẩy hồ sơ của anh ra xa mặc dù anh thấy hắn chưa xem hết, đồng thời lùi lại vài bước. Hắn nhanh chóng hối anh

-       -  Thôi về đi, đem giấy này nộp lên phường.

Anh còn ngẩn ngơ thì hắn lại nói to như quát:

-       -   Anh còn ý kiến gì sao? Không muốn ở lại Thành phố hả?

Anh cuống lên vừa quay người như chạy vừa nói chỉ sợ hắn đổi ý:

-       -   Không, cảm ơn cán bộ, Tôi xin phép về.

Tôi cố nín cười, căng mắt nhìn để nghe anh nói tiếp:

-      -   Trên đường về, anh gặp lại người bạn tù chung mấy năm liền. Anh ấy ra trại trước anh và đang có cơ sở làm bông gòn của gia đình. Biết rõ bệnh của anh không thể làm việc nặng nên anh ấy nhờ anh đến làm sổ sách giúp, anh đã nhận lời và đầu tuần tới anh sẽ đi làm. Anh nghĩ công việc này nhẹ nhàng hợp với sức khỏe, từ nay anh có thể phụ với em lo cho các con rồi.  Anh vui lắm. “Tái ông thất mã, an tri họa phúc” quả là có thật phải không em?

Tôi ngần ngại:

-      -   Nhưng em sợ việc này không tốt, những sợi bông sẽ làm ảnh hưởng tới phổi của anh, lâu dần rất nguy hiểm. Thôi hay là từ chối đi anh.

Anh trấn an bằng cử chỉ nhẹ nhàng vuốt mái tóc dài của tôi mà anh từng yêu thích, vì lời dặn dò của anh mà từ lâu tôi không nỡ cắt ngắn:

-    -     Anh ngồi trong văn phòng xa chỗ nhân công làm việc mà em, hy vọng anh sẽ kiếm được việc khác thì lại đổi. Tạm thời một thời gian vậy, anh không yên lòng để em một mình gánh vác hết việc sinh kế gia đình. Em đã khổ nhiều năm vì cha con anh rồi, bây giờ anh về thì phải để anh chia xẻ với chứ.

-     -     Vâng, anh liệu giữ sức khỏe nha. Em không muốn anh vì vợ con mà đau ốm đâu. Đừng làm cho em lo lắng.

Vợ chồng tôi nhìn nhau với cái nhìn cảm thông và hạnh phúc. Đồng hồ điểm 10 giờ khuya, đêm yên tĩnh nghe rõ nhịp tim đập của cả hai chúng tôi. Ngoài cửa sổ, thỉnh thoảng vài tia chớp nhấp nháy nổi bật trên nền trời đen kịt đủ để tôi thấy rõ tia mắt thương yêu của chồng, có tiếng sấm gầm vang vọng từ xa như báo hiệu cơn mưa sắp kéo đến. Mưa Hạ sẽ về giải bớt cơn nhiệt hừng hực của thời tiết Saigon. Tôi sửa lại dáng nằm cho con, nhìn hai đứa trẻ say sưa trong giấc điệp tôi nghe lòng mình thật nhẹ nhàng. Mặc kệ trời đất ra sao, tôi chỉ thấy ngoài kia nắng đang chiếu những tia sáng ấm áp. Ôi nắng tháng Sáu sao mà tươi đẹp quá!

 

Nhã Giang Thu Tâm
Tháng Sáu 1982

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

THÁNG SÁU KHÔNG ANH

 





















THÁNG SÁU KHÔNG ANH
 
Ngày thức sớm để nắng vàng rực rỡ
Tháng sáu hồng gọi Hạ đến xôn xao
Đón mùa sang trong vòng tay bỡ ngỡ
Nghe rộn ràng một tình khúc hôm nao
 
Hạ vừa đến đã vội vàng in dấu
Mặt hồ nghiêng buồn bã lặng chờ trông
Anh ra đi đã mấy mươi tháng Sáu
Mà hồn em vẫn còm cõi giá Đông
 
Tôi bước chậm cho tình cờ kỷ niệm
Tháng Sáu như mang tiếng nói không lời
Chuỗi thời gian tưởng đã chừng khâm liệm
Sao vẫn hoài là Tháng Sáu chơi vơi !
 
Nhã Giang Thu Tâm


Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

DƯỜNG NHƯ LÀ GIẤC MỘNG

 










DƯỜNG NHƯ LÀ GIẤC MỘNG

 

Tôi giẫy dụa đạp mạnh hai chân, giật mình choàng tỉnh dậy, trái tim còn đập mạnh và mồ hôi tươm ướt khắp cơ thể. Theo thói quen tôi nhìn lên chiếc bàn End the table bên cạnh giường, con số đỏ chói nổi bật trên chiếc đồng hồ bàn chỉ rõ, 2:35 Am. Giấc mơ đã khiến hồi ức xa xưa trở về, mặc dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng tưởng chừng như mới đây thôi! Ngày ấy sau khi đất nước bị rơi vào tay bọn người man dã, chúng tôi đã sống những ngày chưa bao giờ tăm tối hơn. Trong xã hội đổi mới ngược ngạo như hiện thời, chúng tôi có muốn thu mình làm người dân hèn mọn cũng không yên nổi. Bao nhiêu của cải không còn, phần lớn khi chạy giặc phải bỏ lại, phần lại bị cướp đã mất hết với danh từ đẹp đẽ là “Đổi tiền”, “Đánh Tư Sản”.... Sau khi những người đàn ông mạnh khỏe trong gia đình đã bị tù đầy, bị đầy đọa nơi các vùng rừng thiêng nước độc. Bây giờ chỉ còn người già và phụ nữ lại trở thành mục tiêu kế tiếp của sự hận thù?  

Ngày ấy, chồng tôi vào trại “cải tạo” đã được hai năm, con còn bé xíu không thể gởi gấm cho ai mà theo các chị bạn đi buôn bán gì, mẹ con tôi đành phải lây lất qua ngày với những công việc chắp vá chẳng ra sao. Mới tuần trước lại nhận được giấy gọi lên phường nghe thông báo đi... làm Thủy Lợi! Công việc gì đây, tôi đã vô cùng lo lắng vì biết không thể chối từ được nữa sau bao nhiêu đợt xin khất. Được biết, mọi người dân đều phải thay phiên nhau đóng góp công sức trong việc... “xây dựng đất nước”. Bất kể nam hay nữ trong độ tuổi từ 18 tới 45 đều phải tham gia. Dĩ nhiên tôi mới hai mươi mấy tuổi làm sao lọt qua sổ Nam Tào? Tôi thẫn thờ nhìn chăm chăm những hàng chữ trên tờ thông báo mà tay tôi đang cầm, hình như chúng đang nhảy múa trước mắt.   

-        “Không ai có thể từ chối nhiệm vụ, nếu không đi được thì đóng tiền cho người khác đi làm thay thế”. Một quyết định dứt khoát.

Tôi chạnh lòng vì biết mình làm gì có tiền để đóng thế thân. Làm sao đây!, Làm sao đây! Chỉ có mấy chữ đơn giản thôi mà sao lại nan giải khó nghĩ đến thế. Tôi biết chuyến này đi và về chỉ trong một ngày, tuy nhiên không thể nhốt hai đứa con nhỏ từ sáng đến tối ở trong nhà được. Sau mấy lần năn nỉ cậu em trai 16 tuổi còn đang đi học mới được cậu nhận lời đến trông hộ cháu giúp. Mang nỗi lo âu trong lòng nên trằn trọc cả đêm khó ngủ, mới 6 giờ sáng tôi đã bật dậy sửa soạn. Lên xe, tôi tìm chỗ trong cùng và ngồi nhắm mắt, mệt mỏi đến ngất ngư mặc cho bên tai tiếng xôn xao, cười nói chuyện trò. Hình  như họ tưởng đang cùng nhau trong một chuyến đi chơi xa.. Chiếc xe dồn gần 20 người ngồi san sát bên nhau, lẫn lộn cả nam lẫn nữ. Huyện Bình Chánh, nơi chúng tôi đến là một địa điểm không xa thành phố nhưng không hiểu sao đến khi mặt trời bắt đầu ló dạng chuyến xe mới khởi hành được.

Càng đi gần đến nơi, đường càng nhiều chỗ lồi lõm “sống trâu” gồ ghề, dằn xóc khiến mọi người cứ bị ngả nghiêng, lâu lâu lại ngã dúi vào nhau. Tiếng hét chói tai không ngừng vang lên vì bị va chạm mạnh vào mui xe hay thành xe. Bụi tung lên mịt mù, ai nấy đầy người mồ hôi quyện với bụi đất làm cho ngứa ngáy khó chịu. Lúc này tất cả đã không còn cái thú chuyện trò vui vẻ như khi mới khởi hành nữa. Mọi người xoay mình nhìn ra hai bên đồng trống mênh mông chỉ trông cho mau tới nơi. Thỉnh thoảng xe chạy lướt qua vài ngôi nhà tranh xơ xác nằm im lìm trong cái nắng ban mai rực rỡ báo hiệu một ngày không mát mẻ gì. Bóng vài nông phu dưới khóm ruộng khô dừng tay cuốc ngó lên bờ, đôi mắt họ nhìn theo trông có vẻ ngờ nghệch, xa xăm...

Khi chiếc xe cà khổ dừng lại một vùng được gọi là “Nông trường Lê Minh Xuân” thì mặt trời đã lên cao. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì cả thân thể mỏi nhừ khi phải ngồi bó gối trong chỗ ngồi chật chội quá lâu. Ai nấy như trút đi được cả tạ gánh nặng trên vai trên cố,  ồn ào tranh nhau xuống xe để hưởng chút không khi trong lành và trả cái thú “tự do” cho đôi chân. Nắng nông trường bắt đầu gay gắt mặc dù mới có hơn 8 giờ sáng.  

Đoàn người mới đến chỉ kịp uống ngụm nước cho đỡ khát, người ta tiếp tục dẫn chúng tôi đi loanh quanh giới thiệu các nơi và quảng cáo công trình “Lao động tích cực” của nhóm công nhân. Nơi đây rất rộng lớn, hai bên là dãy nhà lợp tôn xếp theo hình chữ U có lẽ dùng làm chỗ ở cho mọi người. Nhìn ra xa, hàng ngàn vạn luống đất ngay hàng thẳng tắp trồng đầy khóm chưa tới mùa thu hoạch vì thấy trái còn nhỏ và xanh lè, từng toán công nhân đang lom khom vun xới và tưới bón. Không biết tên gọi “Vành đai trắng” đã có từ bao giờ, vì họ nói đã được khai phá, trồng trọt rất lâu rồi do những người trẻ được gọi là “Thanh niên xung phong”.  

Nghe mấy vị “lãnh đạo” thao thao bất tuyệt như đang diễn thuyết, tôi thấy họ có vẻ quen thuộc với lối tuyên truyền hoang tưởng. Hay họ thực sự tin tưởng ở tương lai tươi sáng, hãnh diện với những thành quả do “người người góp sức vun trồng” nơi vùng đất mới được khai phá này. Câu thơ Hoàng Trung Thông đã viết trong “Bài Ca Vỡ Đất”: “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm” được nhắc đi nhắc lại.

Nhóm người hướng dẫn bất ngờ dừng lại khiến chúng tôi ngơ ngác. Ngay phía trước một cái hào sâu nước đục ngầu đang lặng lờ chảy ngăn đôi khu vực. Đây là con rạch lớn đã được đào sẵn từ bao giờ chứa nguồn nước được dẫn từ con sông gần đó, mục đích dùng để tưới cho toàn bộ cây trồng trong nông trại. Đây cũng là nơi mà tôi cùng mọi người phải làm nhiệm vụ công dân trong một ngày là nạo vét bùn ở dưới đáy cho sạch. Chúng tôi lại lén nhìn nhau với trăm ngàn câu hỏi ngầm không ai trả lời được. Chỉ có một ngày công thôi, bằng này những con người chưa hề làm quen với việc làm nông trường bao giờ, làm sao đủ sức hoàn thành được yêu cầu họ giao phó? Nhìn con hào dài ngoằng ngập đầy bùn nước, dù chưa bước chân xuống tôi đã thấy mình bị ngộp thở. Có lẽ tôi mang mạng hỏa nên rất dễ bị mệnh thủy áp chế, thế nên bất cứ ở đâu chỉ cần mực nước đến bắp chuối chân là tôi đã thấy chóng mặt. Bây giờ ở trong tình huống tấn thoái lưỡng nan này tôi thấy sợ, nhưng chạy đi đâu cho thoát? 

Dưới cái nóng mùa Hạ như đổ lửa của vùng nông trường, những hoa nắng nhảy múa lung linh khắp nơi. Trên mặt đất hình như có làn khói lượn lờ bốc lên làm cho tôi thấy hoa cà hoa cải lộn xộn trong đôi mắt. Cầm chiếc xẻng trên tay tôi rụt rè lội xuống hào nước với con tim run rẩy và đầu óc chếnh choáng như say. Mực nước cao tới gần ngực, tôi cúi xuống nhưng không thể nào chạm xẻng tới tới đáy được. Tôi liên tục ngẩng đầu lên để thở, nhìn chung quanh thấy mọi người đang lom khom cuốc hay hất từng nhóm bùn đen và rác rến lên bờ. Tôi thấy ngượng cho cái dở của mình và lại cúi xuống, tự nhủ mình hãy cố lên là sẽ làm được. Mấy năm nay một mình bươn chải nuôi con nuôi chồng tôi vẫn cố như thế, vẫn tự nhủ lòng không thể buông xuôi dù bất cứ khó khăn nào đến. Đói ư, cả nước ai cũng đói như mình, không có gạo thì đã có khoai lang khoai mì, bobo... cũng là thực phẩm làm no bụng và tôi ăn mãi cũng quen rồi. Thiếu thốn sao, mọi người có ai hơn đâu, hơn nữa tôi cũng không có nhu cầu gì nhiều ngoài số gạo cần thiết phải có để cho con ăn qua ngày.

Tôi miên man tự trấn an, khom gập lưng với sự cố gắng không ngừng... Mặt trời chiếu thẳng trên đỉnh đầu, chiếc nón lá không đủ làm dịu đi cơn nóng rát mặt và hơi nóng hừng hực như muốn đốt cháy thịt da. Hai mắt tôi đã nhòa vì giòng mồ hôi từ trán đổ xuống, sự mệt nhọc làm tôi muốn đuối hơi, đã vậy đám nước bùn đục ngầu thỉnh thoảng lại tràn vào mắt mũi mỗi khi tôi cố ấn chiếc xẻng xuống. Hình như con hào nước này chỉ chực chờ cơ hội để dìm tôi xuống sâu. Tôi sặc sụa, đứng thẳng lên lấy hơi rồi lại tiếp tục cúi xuống, cúi xuống sát mặt nước hơn. Mọi người lần lượt vội vàng lên bờ đi ăn trưa, tôi chậm chạp lên sau vì bị đám giây leo vướng vào ống quần. Bỗng chiếc xẻng trơn tuột rời khỏi hai bàn tay nhớp nháp, cơn xây xẩm mặt mày tiếp theo kéo tôi ngã nhào xuống. Cảm giác suối nước bùn ào ạt tràn vào mũi miệng tôi mới dễ sợ làm sao, cả thân thể tôi nằm giữa một vùng những nước là nước, oxy bị giảm đột ngột khiến lồng ngực tôi bị dồn ép mạnh đau đớn và phế quản co thắt dữ dội khiến tôi thấy hơi thở như bị bóp nghẹt. Nước mênh mông và đầu óc chênh vênh, tôi thấy trời đất rời xa dần, chỉ có khuôn mặt hai đứa con nhỏ là gần, thật gần...

Lúc tỉnh lại tôi hết sức bàng hoàng nhận ra mình đang nằm ở một nơi hoàn toàn xa lạ, quần áo còn ẩm ướt và lem luốc dấu bùn đất. Hình như có gì vướng víu trên cánh tay khiến tôi khó xoay trở. Chung quanh hoàn toàn im lặng, chỉ có tiếng tích tắc của thiết bị máy móc y tế kêu đều đều cho cảm giác sự sống hiện diện. Tôi nhắm mắt định thần, chuyện gì đây? Tôi ngồi bật dậy quay đầu ngó nghiêng chung quanh, sự cử động bất ngờ ấy khiến chiếc kim chệch khỏi một bên, chút máu đỏ tươm ra theo sau cơn buốt nhói làm tôi nhăn mặt. Thì ra bắp tay tôi đang bị một cây kim đang dẫn theo đường giây truyền với bình nước biển lủng lẳng trên cao. Trong một thoáng quan sát chung quanh, căn phòng tường vôi cũ kỹ có 2 cái “giường” đơn sơ trên phủ tấm vải đã hoen vàng. Ngay chiếc giường bên cạnh, nơi có một người đàn bà đang nằm im lìm không nhìn rõ mặt vì trên miệng chụp kín ống thở Oyzen. Mấy tiếng đồng hồ làm việc, không biết kết quả được đến đâu nhưng trước mắt đã có ít nhất hai người đàn bà đang phải điều trị nơi đây. Chợt một tiếng nói cất lên ngay sau lưng khiến tôi giật mình:

-          -  Ồ cô tỉnh rồi, cô thấy khỏe rồi chứ?  

Một người đàn ông khoảng 30 dáng hơi gầy trong trang phục chemi quần tây. Khoác ngoài chiếc blouse trắng và đeo trên cổ cái Stethoscope cho tôi biết đây là người phụ trách cái “bệnh xá” này. Tự nhiên có dấu hỏi hiện ra thật nhanh trong trí tôi, có nên gọi là Bác sĩ không? Thời buổi đổi mới nên vị trí trật tự xã hội  cứ lộn tùng phèo khiến không ai có thể tưởng tượng nổi. Tôi đã có lần phải dở khóc dở cười vì sau 1975 lão y tá ...chích heo dạo trong xóm đột nhiên nhảy một bước biến thành Bác Sĩ trưởng của “Phường” chúng tôi khiến ai nấy đều giật mình. Lão thừa nước đục thả câu đã xàm xỡ nhiều người đàn bà khi họ có vấn đề phải tìm đến nhờ khám bệnh. Gia đình vợ con của lão cũng từ đó trở nên vênh váo hống hách với mọi  người, ai cũng sợ và né tránh vì không muốn bị vạ lây. Tuy ấn tượng của tôi là người đàn ông này trông có vẻ sáng sủa và lịch sự hơn nhiều, tôi vẫn khó mở mồm gọi tiếng Bác sĩ một cách tự nhiên khi ông ta tiến lại gần giường tôi nằm:

-         -   Dạ cảm ơn ông, tôi không sao. Mà ai đưa tôi vào đây từ lúc nào, tại sao vậy?

-          -  Ồ, cô không nhớ gì sao, hồi chiều cô bị xỉu dưới mương nước nên mọi người đưa cô vào “trạm xá” này. Chúng tôi đang truyền cho cô nước biển, cô cố gắng khoảng 10 phút nữa là xong. Bây giờ thì nhìn nét mặt cô đã lấy lại sự hồng hào rồi, xin chúc mừng.

Ông ta không kém phần lịch sự kết luận câu trả lời khiến tôi có cái nhìn khá hơn về tư cách người đang khoác chiếc blouse trắng này.

-          Cảm ơn ông. 

      Nói xong, tôi thả mình nằm xuống và ứa nước mắt khi nghĩ đến hai đứa con nhỏ đang chờ đợi.

Bây giờ các con tôi đều đã lớn và không còn thường xuyên ở bên cạnh, một mình với bao nhiêu trống vắng tôi lại có thì giờ hồi tưởng được nhiều điều. Bao nhiêu chuyện tưởng bị phủ màn bụi của thời gian, vẫn không thể mờ đi chút nào trong tâm trí tôi. Ngày ấy nếu không may tôi có bất trắc nào thì không biết các con tôi sẽ ra sao khi cha chúng còn mịt mù nơi chốn rừng sâu không biết ngày về. Xin cảm ơn Trời Phật đã che chở, giúp cho tôi còn sống để đợi ngày đưa chồng về miền đất lạnh, để tôi có mấy đứa con hiếu thảo và đàn cháu thông minh ngoan ngoãn.

 

Nhã Giang Thu Tâm   (Một Đời Vẫn Nhớ)


Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

BÀI THƠ ĐÁP TẠ

 































BÀI THƠ ĐÁP TẠ

Mới nhận được bài thơ sáng nay
Lòng như nghèn nghẹn, mắt cay cay
Sao nghe như tiếng cười cay đắng
Của kẻ phong trần giữa rủi may
Nắng chỉ dạo chơi đất xứ Cao
Mưa dầm nát đất, nước dâng trào
Giày shaut không nghỉ, treillis đẫm
Miệng khát, mắt khô dạ xốn xao
Saigon Lê Lợi với Tam Đa
Đường phố muôn tà áo thướt tha
Hoa nắng lung linh soi bóng sắc
Rộn ràng mơ ước kẻ miền xa
Chỉ đọc một lần đã khó quên
Bài thơ không tựa chẳng đề tên
Lời người lính chiến nào than thở
Mà dội tâm can tựa sấm rền!
Mẹ vẫn mong anh ... lính phất phơ
“Ai đi nhốt gió được bao giờ”
Thân dài vai rộng, tang bồng chí
Chỉ có chiến trường phỉ ước mơ...
Để mãi chưa về thăm mẹ già
Xót xa thương nhớ hẹn ngày qua
Vết thương nặng mấy giấu luôn mẹ
Mảnh đạn đi cùng với chiến ca.
Anh vẫn miệt mài bước hành quân
Cà phê... tưởng tượng phút dừng chân
Thành đô nhộn nhịp trong tâm tưởng
Hương phở xa xôi, điếu thuốc gần!
Men bia nào sánh chiến công say
Lính trận quen rồi khó đổi thay
Lầm lũi đời anh trong khói lửa
Tình quê dâng trọn cả vòng tay
Biết nói gì đây, tỏ chút lòng
Lời nào cho hết, ý nào đong
Hỡi người chiến sĩ từng gian khổ
Anh hãy yên bình, nợ trả xong...

Nhã Giang Thu Tâm
Memorial Day 2021