Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

THÁNG SÁU TRỜI KHÔNG MƯA

 










THÁNG SÁU TRỜI KHÔNG MƯA

 

Tôi đưa mắt nhìn chồng với tâm trạng u buồn. Tướng tá cao nhòng gầy ốm của chồng trong tầm mắt khiến tôi nhói lòng, anh đang lom khom lượm từng cái bao nilon cũ rách gom lại rồi cột chặt từng bó bằng giây thun. Đoán biết hành động đó với ý định gì làm cho tôi mủi lòng, xót xa thương người đàn ông ngày nào hiên ngang oai dũng trong bộ đồ lính trận. Kể từ ngày về làm vợ, anh luôn gây cho tôi niềm hãnh diện và cảm thấy mình là người thật may mắn dưới sự che chở của anh. Bản tính khôi hài, hoạt bát biến đâu mất kể từ sau khi ra tù. Anh trở thành trầm mặc ít nói ít cười thậm chí đôi lúc cáu gắt vô cớ, mấy đứa con nhỏ cũng vì đó mà phải chịu lắm cảnh hàm oan. Mẹ con tôi âm thầm ôm nhau khóc, an ủi nhau mỗi khi không có mặt anh ở nhà.

Tiếng chồng húng hắng ho làm cho tôi chột dạ, vết thương trong ngực anh bị khi còn trong tù lại tái phát hay sao đây? Nỗi lo lắng đến đau quặn thắt tim gan, ăn uống kham khổ đã đành nhưng làm sao có điều kiện để chữa trị cho anh đây trong khi không còn một đồng trong nhà. Chúng tôi phải cùng cực đem nhặt nhạnh từng bao nilon hay gom góp giấy vụn, sách báo cũ trong nhà đem bán ve chai lấy vài đồng mua thức ăn... Chịu đựng cơn nóng giận bất chợt đến vô cớ của chồng, tôi vẫn luôn cố gắng nhẹ nhàng tránh không để anh suy nghĩ hay mặc cảm, chỉ biết tự trách mình quá dở nên để chồng con phải khổ theo. Buồn não lòng, sợ hãi ám ảnh một ngày lại xa anh khiến tôi cúi mặt nhắm mắt để cho giòng lệ tự do tuôn.

Cha mẹ sinh tôi ra với thể trạng yếu đuối từ nhỏ, cả hai bậc sinh thành phải canh chừng tôi từng giây phút cho đến năm tôi qua khỏi tuổi mười hai mới đỡ được phần nào. Da thịt tôi hầu như đầy dấu vết kim tiêm, truyền nước biển. Trong ruột gan thì đủ thứ thuốc Tây, Nam lẫn lộn... Mẹ vẫn thường có câu mắng yêu tôi khi có khách hỏi thăm đến: “Ai mà vô phước lấy phải nó, từ bé đến giờ chỉ uống thuốc thay cơm mà lớn”.

Vâng, nghĩ đến từ “Thuốc” là tôi đã rùng mình ớn lạnh. Thế mà tôi vẫn lớn thật, lớn nhanh và càng lớn càng ít đau vặt trong sự vất vả tự tạo lấy. Tôi hay làm, hăng say đi thiện nguyện hay tìm mọi việc để làm hầu có tiền giúp đỡ gia đình mặc dù không ai bắt buộc hay đòi hỏi. Tuy nhiên tôi vẫn không thể xốc vác việc nặng nề hay đua chen với ai ngoài xã hội, nhất là vô cùng ngần ngại khi phải tranh cãi đòi hỏi quyền lợi đối với những người có tính lừa gạt. Vì thế tôi luôn nhận chịu sự thiệt thòi, mất mát. Tôi dùng nước mắt an ủi mình kèm với câu: “Chắc kiếp trước mình mắc nợ nên giờ phải trả cho người ta” để tha thứ, để không hận thù, để dễ quên đi.   

Thời tiết tháng Sáu Saigon đã gay gắt hơn, cơn nóng nung người càng làm cho chồng tôi kiệt sức nên ho liên tục. Anh mới ra tù được hai tháng, tờ giấy báo nhận được mấy bữa trước hẹn sáng mai phải lên Quận trình báo và nghe “Quyết định”, vì gia đình tôi không thuộc vào “diện” ưu tiên nào trong danh sách được ở lại Thành phố. Nỗi lo phải cùng gia đình đi “Kinh tế mới” lại khiến anh mất ngủ hàng đêm. Tôi luôn thấy anh trằn trọc với những tiếng thở dài liên tục. Sáng ra, chồng tôi âm thầm soạn giấy tờ trong nét mặt bình thản như cam chịu số phận.   

Tiếng xe đạp thắng trước cửa, tôi nhìn chồng đang dắt xe vào nhà và vô cùng ngạc nhiên với nét mặt tươi tắn khác thường của anh. Anh không nói gì, và tôi cũng lặng thinh chờ lời giải thích, lòng thấp thỏm bồi hồi, lo âu. Từ buồng trong vừa thay áo anh vừa nói vọng ra lời dặn dò :

-     -   Em để anh làm cơm cho, cứ tiếp tục công việc đi. Xong rồi anh đi đón con về cả nhà mình cùng ăn mừng.

Tôi tròn mắt tỏ ý không hiểu, anh đi ra nhà ngoài nhìn tôi nở nụ cười bí hiểm. Ôi nụ cười tươi hiếm hoi đã từ bao lâu tôi chưa thấy lại. Chồng tôi xưa kia vốn dĩ là người có tánh khôi hài, nhanh nhẹn. Hầu như tất cả sự hiện diện của anh ở bất cứ nơi hội họp nào cũng trở nên vui nhộn và tràn đầy tiếng cười nói. Cả gần tám năm nay nụ cười quyến rũ ấy biến đâu mất, bây giờ đột nhiên xuất hiện làm cho tôi xúc động đến ngẩn ngơ. Mặc dù gương mặt đầy đặn nam tính xưa kia nay đã nhô cao toàn xương xẩu, góc cạnh. Niềm vui nào đã khiến cho các nếp nhăn trên mặt anh giãn ra? Xin cảm ơn Trời Phật, tôi thầm nghĩ, sự háo hức đợi chờ nghe câu trả lời của anh cho tôi niềm phấn khởi rộn ràng quên cả mệt mỏi.

-      -   Em có biết chuyện gì xảy ra hồi sáng nay với anh không?

Tôi cười tươi im lặng nhìn anh chờ đợi như thường lệ:

-     -    Em có nhớ anh đã kể hồi 1977 ở trong tù anh từng bị báng súng đánh vào lưng và sau đó thổ huyết ba lần tưởng chết, được người bạn cũ là Bác Sĩ Quân Y của VNCH chữa trị không, có cả film chụp phổi nữa?

Tôi đáp vội với vẻ nôn nóng:

-      -   Dạ nhớ, nhưng tấm film ấy chỉ chứng tỏ phổi anh không bị gì thôi mà?.  

-      -   Ừ, có sự may mắn là tấm film mà Bác sĩ chụp cho hồi đó tưởng chỉ để làm kỷ niệm nhưng không ngờ nay đã cứu anh. Trong số giấy tờ mang đi sáng nay anh kèm đại theo, ai ngờ tên Công an dơ tấm film lên ngó nghiêng làm như rành nghề y lắm rồi bất ngờ hỏi anh:

-      -   Anh bị lao phổi hả?

- Anh rất ngỡ ngàng chưa kịp phản ứng ra sao thì tự nhiên cơn ho kéo đến, anh vội rút chiếc khăn tay trong túi quần mà em hay bỏ vào cho anh lên che miệng ho liên tục. Tên CA đứng bật dậy như chiếc lò xo khỏi chiếc ghế đang ngồi, hắn vừa đưa một tay lên bịt miệng vừa hý hoáy ký tên cái xoẹt rồi đẩy hồ sơ của anh ra xa mặc dù anh thấy hắn chưa xem hết, đồng thời lùi lại vài bước. Hắn nhanh chóng hối anh

-       -  Thôi về đi, đem giấy này nộp lên phường.

Anh còn ngẩn ngơ thì hắn lại nói to như quát:

-       -   Anh còn ý kiến gì sao? Không muốn ở lại Thành phố hả?

Anh cuống lên vừa quay người như chạy vừa nói chỉ sợ hắn đổi ý:

-       -   Không, cảm ơn cán bộ, Tôi xin phép về.

Tôi cố nín cười, căng mắt nhìn để nghe anh nói tiếp:

-      -   Trên đường về, anh gặp lại người bạn tù chung mấy năm liền. Anh ấy ra trại trước anh và đang có cơ sở làm bông gòn của gia đình. Biết rõ bệnh của anh không thể làm việc nặng nên anh ấy nhờ anh đến làm sổ sách giúp, anh đã nhận lời và đầu tuần tới anh sẽ đi làm. Anh nghĩ công việc này nhẹ nhàng hợp với sức khỏe, từ nay anh có thể phụ với em lo cho các con rồi.  Anh vui lắm. “Tái ông thất mã, an tri họa phúc” quả là có thật phải không em?

Tôi ngần ngại:

-      -   Nhưng em sợ việc này không tốt, những sợi bông sẽ làm ảnh hưởng tới phổi của anh, lâu dần rất nguy hiểm. Thôi hay là từ chối đi anh.

Anh trấn an bằng cử chỉ nhẹ nhàng vuốt mái tóc dài của tôi mà anh từng yêu thích, vì lời dặn dò của anh mà từ lâu tôi không nỡ cắt ngắn:

-    -     Anh ngồi trong văn phòng xa chỗ nhân công làm việc mà em, hy vọng anh sẽ kiếm được việc khác thì lại đổi. Tạm thời một thời gian vậy, anh không yên lòng để em một mình gánh vác hết việc sinh kế gia đình. Em đã khổ nhiều năm vì cha con anh rồi, bây giờ anh về thì phải để anh chia xẻ với chứ.

-     -     Vâng, anh liệu giữ sức khỏe nha. Em không muốn anh vì vợ con mà đau ốm đâu. Đừng làm cho em lo lắng.

Vợ chồng tôi nhìn nhau với cái nhìn cảm thông và hạnh phúc. Đồng hồ điểm 10 giờ khuya, đêm yên tĩnh nghe rõ nhịp tim đập của cả hai chúng tôi. Ngoài cửa sổ, thỉnh thoảng vài tia chớp nhấp nháy nổi bật trên nền trời đen kịt đủ để tôi thấy rõ tia mắt thương yêu của chồng, có tiếng sấm gầm vang vọng từ xa như báo hiệu cơn mưa sắp kéo đến. Mưa Hạ sẽ về giải bớt cơn nhiệt hừng hực của thời tiết Saigon. Tôi sửa lại dáng nằm cho con, nhìn hai đứa trẻ say sưa trong giấc điệp tôi nghe lòng mình thật nhẹ nhàng. Mặc kệ trời đất ra sao, tôi chỉ thấy ngoài kia nắng đang chiếu những tia sáng ấm áp. Ôi nắng tháng Sáu sao mà tươi đẹp quá!

 

Nhã Giang Thu Tâm
Tháng Sáu 1982

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét