Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

TIẾNG CƯỜI CÒN ĐỌNG TRONG TIM

TIẾNG CƯỜI CÒN ĐỌNG TRONG TIM

Chuyến đi chơi xa bất ngờ trong một tuần lễ đã trôi qua mau chóng, bất ngờ cả từ thời gian lẫn nơi chốn đến. Đây Houston, một thành phố có khí hậu khắc nghiệt với cái nóng trên dưới 100 độ. Đây cũng là vùng đất có người Việt sinh sống nhiều thứ nhì sau California, người Việt nơi đây chiếm 2% dân số của toàn thành phố. Đất đai rộng lớn vì chưa được khai thác hết nên nhà cửa có giá tương đối rẻ hơn Cali rất nhiều. Thời gian sau này càng ngày càng có nhiều dân cư từ các thành phố sinh hoạt đắt đỏ khác chuyển về.
Houston được đánh giá là thành phố phát triển về ngành công nghiệp năng lượng, hàng không, y khoa. Đặc biệt là ngành giao thương hàng hải. Nơi đây còn còn có một khu vực lọc dầu lớn nhất thế giới cùng các trung tâm, khu công nghệ sản xuất cao su, phân bón, cả các trang thiết bị cho giàn khoan. ..Nhất là Houston còn có trung tâm Nasa lừng danh thế giới.
** Ngày đầu tiên dạo quanh thành phố trên Đại lộ Ballaire với vô số các cửa hàng mang thuơng hiệu tiếng Việt, suốt 2 buổi chiều ở khu Hồng Kông Mall gia đình chúng tôi lang thang đi ăn hàng và ghé qua các gian hàng bán quần áo, phim và các cửa hàng âm nhạc. Theo thống kê, đây là trung tâm mua sắm của người Châu Á lớn nhất khu vực Đông Nam nước Mỹ. Đến trung tâm mua sắm này ta có cảm giác nó là một thành phố mát mẻ, vì Mall được xây dựng thoáng rộng. Chung quanh là những khoảng vườn đầy màu sắc, các đài phun nước với các vườn hoa súng, bãi đậu xe rộng rãi. Có rất nhiều nhà hàng bán phở và các hàng ăn bình dân, tha hồ chọn lựa. Tất cả những điều này góp phần làm cho Houston hấp dẫn hơn, nó không những là trung tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt mà còn là nơi lôi cuốn những người Mỹ thuộc các sắc tộc Á châu.
1/ Bà cháu, con dâu thứ và con trai Út Trong Mall Hồng Kông.

** Water Fall Wall.

Ngày thứ hai sau khi đặt chân đến Houston, địa điểm được chúng tôi tìm đến là Công trình này được gọi là Bức Tường Nước William, hoặc Công viên Tường nước Geralf D Hines. Công viên có đài phun nước hình bán nguyệt chu vi vòng cung 64 foot, hình thể thác nước tự nhiên. Mỗi phút có 11.000 galon nước tuần hoàn qua các bức tường bên trong và bên ngoài của đài phun, tạo ra đặc điểm riêng. Bức tường nước được thành lập vào năm 1983, thuộc sở hữu tư nhân cho đến khi Thành phố Houston mua lại. Bức tường nước được bao quanh bởi công viên rộng 2,77 mẫu Anh trồng 186 cây sồi. Nhìn tổng quát, đây giống như một ôc đảo nằm giữa thành phố tấp nập, nhộn nhịp người xe. Bức tường nước nằm gần trung tâm mua sắm Galleria, bên cạnh Tháp Williams ( Transico). Tọa lạc trên đường Post Oak Blvd Houston. Chung quanh có các parking xe miễn phí.
Hình 2/ Dưới chân Water Fall Wall – Houston

Hình 3/ Một mình

Hình 4/ Nào cùng nhảy nhé!
Các chàng thanh niên và thiếu nữ thi xem ai nhảy cao nhất. Cố gắng lên, thác cao quá làm sao lên tới đỉnh nhỉ?
Cháu gái tôi, bé Khánh Vy (Ell) thắng cuộc rồi.
Chú Sĩ Hoàng cao nhất về nhì (tại chú to con nhất chứ bộ).
Chú bé con Sĩ Tôn (Jame) chưa kịp nhảy, mất phần rồi.
Còn hai chàng Sĩ Ân (Benjamin) và Sĩ Tấn (Jacob) không thèm giơ tay về tam và tứ nhé.
Chỉ có bà nội là dậm chân tại chỗ, giả bộ giơ tay lên thôi. Lỡ nhảy lên mà xuống không được thì phiền con cháu, lỡ lần sau chúng nó không thèm cho đi chung nữa thì sao nhỉ!
Những cái bóng phản chiếu lung linh trong nắng, những tiếng cười dòn tan trong không khí ấm áp của mùa Thu Houston. Tuy thế, những giọt nước li ti từ trên bức tường tháp nước tỏa ra vương trên áo quần lại khiến cho tôi cảm thấy hơi lành lạnh. Đúng là mình già mất rồi!

Tháp Williams

Hình 5/ Hai mẹ con dưới chân Tháp Williams

Tháp Williams là một tòa tháp chọc trời cao 64 tầng, diện tích 1,4 triệu foot vuông (130.000 m2) hạng A theo trường phái Art Deco nằm ở Uptown District của Houston, Texas. Tòa tháp bắt đầu xây dựng vào tháng 8 năm 1981, và mở cửa vào năm 1983. Tòa tháp nằm trong số các công trình cao thứ 4 ở Texas và cao thứ 44 ở Hoa Kỳ. Tháp Williams là tòa tháp cao nhất ở Houston bên ngoài Downtown Houston. Nó cũng được gọi là "Empire State của phía nam".
Tối đến, cả nhà ( trừ cháu út Jame không biết chơi) ngồi chơi cờ Domino. Bà nội dốt quá chẳng biết tính toán, chẳng nhớ cách chơi nên cứ thua liên miên. Mình thì ngẩn ngơ vì thua hoài mà nghe các con cháu reo hò khi thắng cuộc, lòng tôi lại cất tiếng reo vui. Tự nhiên nhớ chuyện xa xưa, ngày anh vẫn còn và thường trêu ghẹo tôi khi chơi cờ bị thua hoài. Nhớ và buồn...
BẠN TÔI

Gần đến ngày về, tôi lại được gặp người bạn học thời Trung học để ngồi suốt gần 4 tiếng truyện trò. Bên người bạn với bản tánh cởi mở này, tôi có được niềm vui nhẹ nhàng hòa ái để khi về càng nhớ hơn giọng cười cố hữu khó quên, một giọng cười vô cùng sảng khoái, vô tư như không hề có chuyện gì buồn để trong lòng. Câu chuyện của mấy chục năm dài trong quá khứ được nhắc đến. Chúng tôi nói như sợ ai cướp lời, nói như sợ không còn có dịp nữa và nói đến khan tiếng, đau rát cổ họng. Cứ “Mày, tao” liên tục, mặc kệ chai nước vẫn còn đầy nguyên trước mặt, chai nước đứng yên lặng tủi thân, buồn thiu...
Hình 6/ Hai đứa vừa gặp nhau

Hình 7/ TT ra về rồi, Ng. thị Hường đứng buồn thiu trước cửa nhà.

VẤN VƯƠNG

Bạn tôi đang đứng ngẩn ngơ.
Người đi người ở, vần thơ bỗng sầu...
Trời Thu Texsas nắng mầu,
nhuộm thêm tình đậm, ý rầu rầu vương
Cali xa khuất trời thương,
Gặp chi để lại màn sương u hoài...
Thời gian nào có đủ dài,
Bên nhau nhắc thuở hoa cài tóc tơ.
Trả thầy chữ nghĩa ban sơ,
Bạn già còn lại hoài mơ chút tình.
Một thời cắp sách chúng mình,
Nằm trong ký ức muôn hình khắc ghi.
Ngập ngừng trong mỗi bước đi
Chỉ trong giây phút, từ ly thôi đành.
Tuổi trời như chỉ treo mành,
Mong điều hạnh phúc, an lành cho nhau ...    
 
Nhã Giang Thu Tâm
12 Tháng Mười 2022

Ra về, ôm nhau thật chặt, lời chia tay nói ra đến mấy lần rồi mà chưa dời chân nổi, quên luôn cả việc chụp hình trước ngôi nhà, may mà có được một tấm hình khi vừa bước chân vào cửa. Nước mắt rơi tí tách trong lòng tôi, mắt rơm rớm ướt nhưng miệng vẫn cố cười để tỏ ra mình rất vui!
Biết đến khi nào, vâng biết đến bao giờ có dịp gặp nhau nữa đây khi tuổi đời mỗi lúc một lên cao hơn, sức khỏe cũng ngược chiều đi xuống. Để cho mỗi lần đi xa là một lần ngần ngại bởi những khó khăn. Thôi thì hãy giữ lấy kỷ niệm đẹp này nhé Hường, bạn tôi. Nghe đâu đây như vẫn còn văng vẳng bên tai lời bạn nói:
“ Tao về đây đã 16, 17 năm, TT ơi mày là người thứ hai đến thăm tao đó, cảm động lắm. Tao cám ơn mày nhiều lắm nhé”.
Riêng tôi lại phải cám ơn người bạn học, bạn đã là động lực để tôi có dịp đi xa đến một nơi mà nhiều người nghe đều thắc mắc bảo :” Ủa sao đi Houston làm gì, ở đó đâu có nhiều nơi để đi chơi”. Thật tình họ đâu có biết, chân mình có đi được nhiều đâu mà cần nhiều nơi. Đi vì có mục đích mà, chỉ tội cho con cháu mình phải chiều theo thôi.
Trong thời gian gần 4 tiếng đó, các cháu tôi được dẫn đi chơi trò Go- Kart Raceway, Jumping Word ở downtown Houston. Những trò chơi chạy nhảy và đua xe đầy lý thú, thỏa mãn sự hiếu động của tuổi thiếu nhi. Lũ trẻ tha hồ vui đùa, thỏa chí hét hò.

Hình 18,9,10/ Các cháu chơi trò Go- Kart Raceway.

Hình 11/ NASA JOHNSON SPACE CENTER HOUSTON.

Ngày cuối cùng trước khi ra phi trường, chúng tôi tìm đến Trung tâm vũ trụ NASA nổi tiếng, tận hưởng một tour tham quan cơ quan NASA. Tại đây chúng tôi được tìm hiểu về cách thức người ta phóng tên lửa lên mặt trăng như thế nào.
Tôi đã được chạm vào các viên đá lấy từ mặt trăng, những phi thuyền đồ sộ, bộ quần áo đặc biệt của các phi hành gia... Ngồi trong phòng tối xem phim về các cuộc phóng tàu con thoi, các chuyến phi thuyền Mỹ đổ bộ lên mặt trăng từ 1969 cho đến những năm gần đây, xem những phương tiện bay trong không gian thật sự, và khám phá những hoạt động bên trong của Pepsi Martian Matrix. Cuốn phim đưa người xem vào cuộc đời của một phi hành gia từ khi họ nhận thông báo được chấp nhận vào chương trình đào tạo cho nhiệm vụ đầu tiên của họ.



Hình 12/ Bức hình kỷ niệm cả gia đình tại Trung Tâm NASA

Dạo quanh một hồi, đôi chân tôi đã bắt đầu khập khiễng. Sợ mẹ đi không nổi, các con tôi bàn nhau đi hỏi mượn được chiếc “xe lăn”, và thế là tôi được phục vụ tới đến tận nơi khắp mọi chỗ. Muốn đứng ra khỏi xe cũng không được vì các chàng hậu vệ ngăn cấm. Xúc động quá, Huhu

 
Hình 13/ Trên xe "Tram"

Lần đầu tiên được ngồi trên chiếc xe “cao cấp” này, tôi hơi ... mắc cỡ nhưng chả biết sao nặt cứ tươi roi rói và miệng lại cười tươi không ngậm lại được. Lên đến xe “Tram”, loại xe như tàu điện chạy trên đường ray chở khách đi tham quan vòng quanh khu Trung Tâm NASA. Tôi được ưu tiên đẩy lên ngồi hạng nhất, có hai cậu quý tử bảo vệ phía sau! Sự chu đáo và ân cần của tài xế xe khiến cho tôi cảm động vô cùng.
Sống trên một đất nước mà quyền con người được xem trọng, người già và khiếm khuyết hay tàn tật được đối xử vô cùng đặc biết. Luôn ưu tiên trong mọi phương tiện công cộng hay ra ngoài xã hội. Thật ấm lòng thay!
Mặc dù đã có chút kế hoạch trước nhưng hình như chúng tôi chưa kịp làm gì hay quyết định gì thì đã đến giờ chia tay lên máy bay, ai nấy trở lại nơi sinh sống. Suốt chuyến bay trở về tôi cứ ngẩn ngơ buồn. Tất cả chỉ còn là hoài niệm và tiếc nuối những điều chưa hoàn tất theo ý nguyện, tự giận hờn vu vơ...Tiếc vì công trình đi quá xa xôi tốn kém, chỉ có 1 tuần lễ mà mất hết hai ngày phải nằm ở nhà vì đôi chân biểu tình. Bà nội không đi, tội nghiệp cho các con cháu cũng ở nhà hết. Đúng là : “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” như tục ngữ Việt Nam đã viết.
Về đến nhà, trong không gian tĩnh lặng tôi nằm yên ấm trong chăn ấm mà hồi tưởng, mà ngẫm nghĩ. Nhân sinh tại thế, cuộc sống qua đi chẳng dễ dàng gì. Ngày tháng đầy mặn ngọt chua cay, chông gai và cay đắng, hợp tan rồi phân ly đã trải qua. Hạnh phúc xen lẫn bi sầu trong lòng ai cũng cần có người sẻ chia an ủi, tôi đã âm thầm đón nhận và chịu đựng không hề oán trách số phận. Xưa nay vẫn thế, sao bây giờ mình lại tham lam quá, có phải tại càng lớn tuổi càng lẩm cẩm nghĩ ngợi xa xôi, mong ước vớ vẩn. Hay đã biết tủi thân trong nỗi cô đơn tưởng chừng từ lâu quên lãng mất?
Biết nói gì hơn đây khi tôi đang nghĩ và nhớ tới tiếng cười của các con nhất là mấy đứa cháu nhỏ, và của bạn tôi! Tiếng cười như còn vang vọng dư âm, mỗi giọng cười một tính cách một âm thanh khác biệt. Cả mấy ngày sống chung trong căn Resorts rộng rãi, chỉ toàn nghe tiếng lũ nhỏ ríu rít chạy nhảy vui đùa mà không hề có một tiếng khóc nào. Các cháu tôi nói cười giọng trong veo, líu lo nghe không rõ chữ. Những khuôn mặt trẻ thơ và đôi môi chúm chím ngọng nghịu trong tiếng gọi “Bà nụi”, người lớn trẻ con chỉ nhìn nhau cười và cười. Hết hai ngày bà nội đau chân không muốn đi chơi, các con cháu cũng ở nhà luôn cho tôi có dịp nghe thêm các giọng cười.
Nhà Phật đã có câu: “Trần gian là bể khổ”. Thoạt sinh ra trẻ sơ sinh thường gào to mấy chữ nức nở “Oe oe” chứ có đứa trẻ nào cười khăng khắc? Có lẽ vừa sinh ra đã khóc để chào đón những khổ ải gian nan của trần thế sắp gặp phải, khóc để quen với cay đắng ngọt bùi của thế nhân nếu gặp phải khi khôn lớn... Có phải vì thế ta cần nhiều tiếng cười để cân đồng với cái nức nở tự tâm can từ thuở khai sinh, cười để chống lại sự oái oăm của vận mệnh cố đùa cợt dìm ta xuống tận cùng nỗi thống khổ. Cười cũng là hình thức xem thường những ngang trái của tình người. Và riêng tôi nghĩ, cần cười để khi giọt nước mắt đau khổ rơi xuống sẽ vơi đi được phần nào nỗi xót xa, bi thảm...
Mỗi quan niệm đều khác biệt, sự biểu lộ qua tiếng cười cũng tùy người ở mỗi lúc mỗi hoàn cảnh. Hơn thế nữa, tiếng cười còn là một hoạt động mang tính xã hội, là biểu tượng của sự bao dung, tha thứ, thân thiện. Không kể đến giọng cười xã giao để che giấu sự giả dối trong giao tiếp, chế diễu người khác, có những lúc ta cười vì đồng thuận với một ý kiến hiển nhiên và cũng có lúc ta cười vì bất đồng với nó, hoặc có khi cười để tự chế nhạo bản thân.
Tiếng cười được lồng vào khía cạnh sâu sắc như một thi sĩ đã viết: “Cười là tiếng khóc khô không lệ”. Phải thế không, khi muốn giấu diếm nỗi buồn riêng tư, nỗi đau khó tả nên lời người ta có thể biểu lộ bằng nụ cười nhẹ nhàng hay cười lớn tiếng. Nhiều nhà triết học đã định nghĩa con người là “động vật hay cười”. Vui hay buồn đều có thể cười. Có khi cười để tỏ sự mỉa mai thiên hạ “Họ cười tôi vì tôi khác họ, tôi cười họ vì họ giống nhau”! Một thiền sư từng dạy rằng “Ta sẽ dễ dàng cười nhạo bản thân nếu ta bỏ cái tôi của mình đi”.
Một bức danh họa với nụ cười dù nổi tiếng bao nhiêu cũng chỉ là bức tranh quý giá về mỹ thuật. Thế gian này có quá nhiều điều bí ẩn, nụ cuời của loài người dù không phát thành tiếng nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa. Riêng trong tầm tay của tôi, ngay cả các bạn cũng đều đã có riêng cho mình những nụ cười vô giá với đủ cả âm, sắc nhưng trong trẻo vô tư và ấm áp. Những nụ cười hiện thực này chẳng có gì sánh được. Ôi nụ cười và giọng cười của trẻ thơ ríu rít như chim non, hồn nhiên trong sáng và đầy ma lực thu hút cả tâm tư tôi, khiến cho tôi thường tự cười một mình khi lòng xôn xao nghĩ đến, rộn ràng vui sướng khi nhìn thấy. Bấy nhiêu điều nhỏ nhặt ấy đủ mang cho chúng ta nỗi hạnh phúc và sự bình yên.
Thường là những gì qua rồi người ta mới bâng khuâng tiếc nuối, hoài tưởng và nhớ nhung. Tâm trạng tôi bây giờ cũng không thoát khỏi định luật này. Chúng tôi chỉ có một tuần trừ đi thời gian đi và về, còn lại 5 ngày. Hình như có điều gì chưa kịp làm và chưa kịp nói, chưa đủ lấp đầy nhung nhớ của nỗi vắng xa các con cháu đã mấy năm trời, Lại bắt đầu nhớ tới mấy đứa cháu nhỏ xíu ồn ào đáng yêu, nhớ đến không khí gia đình mà tôi đã bao năm thiếu vắng. Việc vội vàng quên cả ôm từ giã các cháu khiến tôi hối hận muốn khóc trên suốt chuyến bay về.
Thế mới biết thời gian quả là hữu hạn, cũng như cuộc đời con người thoáng chốc đã thấy mình ở mốc thời gian gần hết hạn lưu lại trần gian. Chả thế mà thành ngữ Việt Nam có câu: “Bóng câu qua cửa sổ”, hay “Đời người như quán trọ”. Quả đúng vậy, mọi sự việc như tuần hoàn luân chuyển, ánh nắng dù vàng cháy của trời mùa Hạ hay mong manh giữa mùa Thu, Đông cũng chỉ lướt qua vạn vật. Chớp mắt thôi đã di chuyển qua hướng khác của trái đất chứ đâu ngưng lại mãi ở một chỗ cho ta kịp ngắm nhìn, chiêm ngưỡng. Con người sống trên mặt đất cũng chỉ vài mươi năm, như luật tuần hoàn của tạo hóa chứ đâu ai ở lại vĩnh viễn được! Người ta thường bảo “Ngày vui qua mau, ngày buồn kéo dài”. Vâng, tất cả những gì vui vẻ đều qua rất mau như bóng nắng. Nhất là bóng nắng buổi hoàng hôn...
Nhã Giang Thu Tâm
Houston đầu tháng 10 -2022

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

CHỊ ĐÃ ĐI RỒI!

 




CHỊ ĐÃ ĐI RỒI!
Kính tiễn hương hồn chị Võ văn Sĩ.
Nhũ danh: Dương thị Thường
 
 
Bàng hoàng nhận được hung tin,
Người chị yêu quý đã lên nước Trời
Chị đi còn lại tiếng cười,
Dịu dàng hình bóng cho người tiếc thương.
Từ đây theo khói theo sương,
Về nơi cửa Phật, chị nương bóng Ngài.
Từ đây xa cách hình hài
Biết bao tình nghĩa lâu dài, sao quên!
Tháng Mười Sinh Nhật nhắc tên
Chị đi bỏ lại dưới trên đợi chờ.
Chồng con, cháu chắt thẫn thờ
Gia đình cúi mặt, mắt mờ lệ đau...
Bao năm toàn vẹn trước sau,
Vợ hiền mẹ đảm, bên nhau ấm nồng.
Ngược xuôi ra sức gánh gồng
Trải qua gian khó tâm đồng dạ son.
Chị đâu màng đến miếng ngon
Lời kinh tiếng kệ, chay non qua ngày.
Tâm lành phúc báo tràn đầy
Trong ngoài gia đạo đủ đầy an vui.
Đột nhiên một sớm, chị lui
Âm dương cách biệt khiến xui đau lòng.
Thương chị em tiễn mấy giòng,
Thơ buồn nhỏ lệ, xót vòng tình thâm.
Chị đi về chốn xa xăm,
Từ đây thôi nhé, ngàn năm yên bình.
Trong ta còn mãi chữ tình,
Trong em riêng nhớ chúng mình chị em.
 
Nhã Giang Thu Tâm (Oct 01 – 2022)