Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

NHÂN QUẢ




Lời tựa: Có thể với một số người sẽ cho đây là câu chuyện liêu trai, tưởng tượng. Nhưng riêng tác giả là người trong cuộc thì rất tin ở linh hồn con người sau khi lìa đời, nhất là những linh hồn bị chết tức tưởi và chưa hoàn tất những ước nguyện. Họ sẽ lây lất không phương hướng đến khi tìm được một sự giải thoát từ đâu đó. Chúng tôi chỉ hồi tưởng lại và viết ra với mọi chi tiết hoàn toàn trung thực.

                                                            *********************


            Sau buổi tụng kinh và ông Thầy đã ra về, bầu không khí trở nên lặng lẽ. Chiếc quan tài nằm giữa căn phòng khách nhỏ bé có vẻ lạc lõng , cô đơn như chính nét mặt và ánh mắt trên tấm hình cô gái đẹp đặt ở chiếc bàn gần đó. Bình hoa huệ tươi với những búp nở xòe ra che khuất một phần tấm hình, trông tựa như cô gái nép mình đằng sau cành hoa đang ngắm nhìn mọi người. Bát nhang đặt ngay giữa bàn tỏa nghi ngút khói, từng vòng uốn lượn quanh ánh nến lung linh trầm mặc khiến trong giây phút tự nhiên mọi vật trở nên mờ ảo.  Một người đàn ông trẻ đội mũ áo tang trắng với nét đau khổ đang quỳ mọp dưới nền nhà trước đầu quan tài. Anh ta luôn cúi đầu đáp lại khách đến viếng, thỉnh thoảng lại đưa tay áo chùi mắt khiến ai nấy đều mủi lòng rơm rớm nước mắt theo. Trong số khách đông đảo ấy, nghe có tiếng thì thào hỏi nhau :” Có phải đây là chồng cô ấy không…?”


 VÀO ĐỜI


            Thật ra đám tang cô gái có rất đông người đến chia buồn, họ đến từng nhóm vội vã và ra về cũng nhanh như thế nên có lúc trở thành vắng vẻ. Tôi biết Ngọc Thanh từ lâu, cô như một cô em gái nhỏ mà tôi rất yêu quý. Lúc sinh thời Ngọc Thanh vừa xinh đẹp lại có tình tình hoạt bát nên giao thiệp vô cùng rộng rãi.  Em là một cô gái nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn và rất nhiệt tình với bạn hữu. Thời còn ở Trung Học, Ngọc Thanh luôn đứng đầu lớp hầu như ở tất cả các môn học,  cuối năm lại đạt được chứng chỉ Danh Dự lớp, đến cả toàn trường cũng không ai hơn được em. Suốt từ cấp Tiểu Học lên đến trên,  Ngọc Thanh không để thua điểm bất cứ môn nào, đã vậy lại còn khéo tay trong mọi việc nên càng được cô thầy yêu mến. Ngọc Thanh tự học vẽ, những tác phẩm khi hoàn thành như một họa sĩ chuyên nghiệp làm ngạc nhiên người xem. Ngọc Thanh lại mua sách dạy Tự Luyện Tây Ban Cầm về nghiên cứu, ấy vậy mà ngón đàn cũng không kém người học ở trường lớp chút nào. Thêm vào, em có giọng hát rất đặc biệt làm lôi cuốn người nghe. Mỗi buổi tối em hay tụ tập đám trẻ cùng xóm ngồi trước sân nhà rồi vừa ôm đàn vừa hát, mọi người ai cũng biết Ngọc Thanh chỉ thích chơi với trẻ con thôi, và đám trẻ cũng đặc biệt quý mến em. Phải nói là ông Trời đã dành cho Ngọc Thanh quá nhiều ưu đãi, nhưng có lẽ luật bù trừ của tạo hóa luôn công bằng, hay như câu của Văn Hào Nguyễn Du viết trong Đoạn Trường Tân Thanh: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” đã ứng với Ngọc Thanh. Cuộc đời của em không lấy gì làm vui kể từ khi vừa rời bỏ học đường. Chuyện tình yêu đến với Ngọc Thanh như một sắp đặt của định mệnh buồn khi chưa bước chân vào đời.

 
Tết năm ấy, trong cuộc diễn hành của Quân Đội, Ngọc Thanh đang theo học lớp Mười Một thì nhà trường tuyển chọn, em là một trong số những nữ sinh mang vòng hoa choàng cho các chiến sĩ xuất sắc từ các mặt trận trở về, và lần duy nhất ấy đã khiến người Sĩ Quan Biệt Kích tên Lân có cảm tình rồi lân la làm quen Ngọc Thanh. Mỗi lần hành quân về phép Lân lại đến nhà xin phép gia đình để đưa  Ngọc Thanh đi phố. Hai người giữ thư từ qua lại suốt hai năm trời, Lân và Thanh đã hẹn ước sẽ đến với nhau một ngày khi Ngọc Thanh ra trường. 

Khi Ngọc Thanh vừa lấy được mảnh bằng Tú Tài hai, định sẽ theo học ngành Sư Phạm để về làm cô giáo, nghề nghiệp mà em cho là rất thích hợp với mình. Những biến cố xảy ra khiến Ngọc Thanh đành bỏ dở ý nguyện. Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, mọi thứ đều đảo lộn. Gia đình suy sụp mất hết của cải nhà cửa sau mấy lần chạy giặc, còn Lân cũng như những người Sĩ Quan VNCH khác bị đưa đi biền biệt ở vùng xa thẳm nào đó không tin tức, không biết ngày nào gặp lại. Ngọc Thanh năm ấy mới vừa tròn mười tám tuổi, lứa tuổi đầy nhiệt huyết, hơn nữa em chưa có chút khái niệm nào về Cộng Sản nên lý tưởng đã đặt sai chỗ. Phường khóm khuyến khích và ra sức lôi kéo những thanh niên nam nữ tham gia vào đội quân Thanh Niên Xung Phong. Ngọc Thanh đang buồn nên hưởng ứng không suy tính. Em mang theo cây đàn cùng đoàn thanh niên trẻ đi khắp nơi, ngày tháng miệt mài ở những vùng đồng ruộng hoang dã. Dù xưa nay bàn tay con gái chỉ quen cầm bút viết nhưng Ngọc Thanh cũng vẫn cố gắng theo kịp mọi người, sau giờ làm việc em dùng tiếng đàn để khỏa lấp sự trống trải của tâm hồn và cho vơi đi nỗi cực khổ thiếu thốn. Bao nhiêu miếng đất được khai hoang làm thành vùng Kinh tế Mới, hàng ngàn nóc nhà ở khắp nơi được cất lên cho dân từ thành phố về sinh sống, rất nhiều công trình Thủy Lợi đã hoàn thành mang lại nguồn nước cho mọi người… Ngày tháng trôi qua đầy những công việc nặng nhọc mệt nhoài khiến Ngọc Thanh cũng nguôi ngoai bớt sự nhớ nhung người yêu… Thời gian này đã dạy cho Ngọc Thanh nhiều kinh nghiệm sống, nhưng càng khiến tâm hồn em trở nên nặng nề hơn. Và sau bốn năm trở về với sự thất vọng buồn chán trong lòng. Ngọc Thanh bắt đầu có cái nhìn khác về xã hội thời mới này, em ghi tên theo khóa học y tá rồi may mắn xin được công việc tại một Bệnh Viện lớn trong thành phố đã bị đổi thay tên. Bệnh Viện Chợ Rẫy.

Với bản tính chăm chỉ cần mẫn và hết lòng vì trách nhiệm, có lẽ vì vậy nên dần dà Ngọc Thanh được cấp trên trọng dụng, giao cho em phụ trách phòng thuốc men. Đã vậy tánh Ngọc Thanh rất thẳng thắn, kỹ lưỡng trong công việc, thêm một điểm cho em gặp không ít trở ngại khi sinh hoạt chung trong nhóm. Sự tin cậy của ban Giám Đốc Bệnh Viện, đồng thời cũng kèm theo sự tị hiềm của bạn đồng môn hay đồng nghiệp là điều không thể tránh được.  Ngọc Thanh vẫn cố hòa đồng với tất cả, nhưng thời buổi đồng lương eo hẹp không tương xứng với vật giá ngoài xã hội, sự thiếu thốn vật chất khiến có một số người để mình cuốn theo cạm bẫy.  

  Ngọc Thanh tìm vui trong công việc hàng ngày, em luôn nuôi hy vọng Lân sẽ trở về. Thêm mấy năm nữa trôi qua, Ngọc Thanh vẫn một lòng chờ đợi quên cả tuổi xuân và đã để vuột mất bao cơ hội được hưởng hạnh phúc gia đình với những người đàn ông khác thương yêu em hết mực.…Bây giờ em nằm kia trong cô đơn cả xác lẫn hồn... Cho đến khi lâm chung, Ngọc Thanh vẫn không nửa lời oán hận, chỉ coi như số phận của mình hẩm hiu. Mấy ngày trước khi Ngọc Thanh ra đi, tôi đến thăm và nhìn em nằm thoi thóp run run trả lời từng câu nói mà rơi nước mắt. Tôi đau theo nỗi đau của em, tôi xót xa cho số phận nghiệt ngã rơi xuống đầu một người con  gái tài hoa mà bạc mệnh, và tôi nể phục về tấm lòng chung thủy sắt son hiếm có ấy. Tôi đã để rơi những giòng lệ nóng nghẹn ngào thương cho một kiếp người … Đưa em đi rồi, trở về với tâm trạng chán nản buồn bã khiến tôi không thiết tha đến việc gì nữa.
 

NHỮNG GIẤC MỘNG LẠ LÙNG

·      1/ Tuần thất lần thứ 1
 
Trời còn tờ mờ sáng đã có tiếng gọi ngoài cửa, cả đêm mệt nhoài vì thằng con nhỏ bị  sốt. Tôi uể oải định mở cửa đón Ngọc Thanh vào nhà nhưng cô quay đầu xe và rủ tôi:

-         Chị lên xe em chở đi chơi.

-         Chị mệt lắm, hơn nữa cháu bị sốt nên không đi được đâu.

Ngọc Thanh nài nỉ:

-         Đi với em một chút thôi mà.

Không hiểu sao tôi lại nghe theo lời em, xe chạy vấp ổ gà nên tôi chới với đưa tay ôm  eo ếch của Ngọc Thanh. Một cảm giác lạnh thấu xương truyền qua khiến tôi rụt tay lại, Ngọc Thanh thấy thế liền chụp lấy tay tôi vắt qua eo em trở lại, rồi giữ chặt không cho tôi rút về nữa. Lại thêm cảm giác nhờn nhờn lạnh giá khi tiếp xúc với da thịt em làm tôi chợt nghĩ thầm: “Sao da thịt người chết ghê quá!”. Vừa lúc nhìn quanh thấy đường xá không nhà cửa dân chúng, toàn đồng ruộng bao la vắng ngắt. Tôi sợ hãi vụt nhảy xuống xe chạy ngược trở lại, nhưng Ngọc Thanh đã liệng chiếc xe sang một bên rồi đuổi theo tôi. Hồn vía tôi như bay đâu mất hết, vừa chạy vừa la cầu cứu nhưng chẳng thấy bóng người. Một lúc quay lại nhìn thì thấy em đã biến thành thằng bé độ ba tuổi trần truồng, đang mở đôi mắt thật to như trợn và cố đuổi theo tôi. Tôi càng ra sức chạy trốn, khi tưởng chừng gục ngã vì hụt hết cả hơi thì thấy có ba thanh niên trước mặt, tôi vội chạy lại núp đàng sau họ, thằng bé tới nơi và cố len qua khoảng trống để bắt tôi. Nhưng một trong ba thanh niên đã bồng nó và dơ hổng lên khỏi mặt đất, tôi nhìn thấy đôi chân thằng bé cố giẫy giụa để thoát ra. Chồng tôi thấy tôi la ú ớ to quá nên lại đánh thức , lúc đó tôi mới hay vừa trải qua một giấc mộng lạ lùng. Tôi có thói quen xấu không bỏ được, là bất cứ lúc nào và làm gì cũng hay muốn biết mấy giờ. Và lúc này kim đồng hồ chỉ 4 giờ 10 phút sáng ngày thứ Ba.

 
·      Tuần thứ 2:
 

-         Cô Thu ơi, cô Thanh đến thăm nè.

Tiếng bà hàng xóm gọi ngoài cửa làm tôi giật mình. Tôi đặt thằng con nhỏ đang ngủ say xuống rồi đi ra mở cánh cổng đang đóng kín có Ngọc Thanh đứng ngoài bên cạnh chiếc xe đạp.

Bóng tối vẫn còn đầy sau lưng khi Ngọc Thanh bước vào nhà, hình như Ngọc Thanh mang cả màn đêm theo mình nên nhìn dáng cô mờ như có sương khói bao quanh, Ngọc Thanh đứng ngay dưới bàn thờ cha tôi chứ không chịu ngồi xuống ghế, em nhìn tôi một lúc rồi nói:

·      Chị Thu ơi, em cho chị con số may mắn này, nhưng nhớ đừng cho ai biết nghe.

Ngọc Thanh đi khỏi và tôi giật mình thức dậy, đồng hồ trên tường chỉ vào con số đúng y  như lần trước,  4 giờ 10 phút sáng, và hôm nay cũng là ngày thứ Ba trong tuần. Trong bóng tối nhạt nhòa tôi nằm nhẩm lại những gì cô đã nói. Tuy bán tín bán nghi nhưng khi buổi sáng ra chợ tôi nhờ một chị bạn đi mua giúp con số mà Ngọc Thanh đã cho. Vì hồi nào tới giờ chưa bao giờ tôi biết chơi bài bạc hay mua vé số hoặc số đề. Chị bạn nghi ngờ tra hỏi vì thấy lạ, không hiểu sao tôi buột miệng kể lại sự việc. Chị nói muốn hùn với tôi cùng mua, nếu trúng được sẽ chia đều. Tôi đồng ý và yên chí ra về.

            Chiều hôm đó, chị bảo tôi:

·      Chắc em nhớ lộn số rồi, trật hết luôn.  

·      Chắc là mình tin dị đoan thôi chị ạ, thôi quên đi. Tôi cười gượng, và quên đi thiệt.

Nhưng ngày hôm sau chị bạn hốt hoảng đến bảo tôi:

·      Trời ơi, mình dại quá em ơi, đáng ra phải “nuôi” con số này mới đúng. Em biết sao  không, chị tưởng em nhớ lộn nên hôm nay chị đi mua số khác. Ai ngờ xổ ra trúng ngay mấy con số hôm qua. Tiếc ơi là tiếc, phải công nhận cô em gái của em linh thiêng thật. Lần sau mình có kinh nghiệm rồi há!

            Nhưng chắc chẳng có lần sau, vì rõ ràng tôi nghe cô em căn dặn, không được cho ai biết mà sao tôi lại đi kể và nhờ chị bạn mua giúp. Thật là khờ, âu cũng là cái số mình không được hưởng, tôi tự an ủi mình như thế.
      

·      Tuần thứ 3

-         Chị ơi, có nhà không?

Màu trời tối soi dáng người bóng loáng như ở dưới nước mới bước lên đang đứng ngoài  cánh cổng chờ đợi làm tôi giật mình, chưa thấy mặt nhưng giọng nói thì không lẫn với ai được.

-         Thanh sao ướt hết vậy, có lạnh không? Vào nhà mau lên.

Ngọc Thanh lắc đầu và bước vào nhưng đứng trước bàn thờ cha tôi chứ nhất định không  chịu vào phía trong dù tôi kéo tay đi. Không phải em bị ướt như tôi tưởng, khi va chạm với cơ thể Ngọc Thanh tự nhiên tôi rùng mình với cảm giác cái lạnh buốt chạy theo cả thân thể. Tôi lại thầm nghĩ: Sao da thịt người chết lạnh quá vậy!


-         Chị .. chị.. chị …Thu… ơi. Tiếng Ngọc Thanh cà lăm, thì thào và như từ xa xăm vọng lại.

-         Chuyện gì, cứ nói cho chị nghe đi đừng ngại.

-         E…e…em …chế… chết rồi, chị… chị biết… biết không?

Không hiểu sao tôi vẫn bình tĩnh:

-         Chị biết, nhưng Thanh có chuyện gì cần nói không?

Lại với giọng thì thào xa vắng:

-         Em…e… em…chế… chết …o..oan, ch…chị …ơ… ơi! 

Tôi lạnh người:

-         Oan như thế nào, chị không hiểu. Theo chị biết thì Bác Sĩ chẩn đoán cô đau màng óc?

-         Chị có nhớ hồi trước em kể cho chị nghe chuyện cô bạn làm chung phòng với em đã  từng lấy trộm thuốc của phòng y tế mang về bán không? Cô bạn đó đã hại em vì em ngăn cản rồi nói sẽ không chịu trách nhiệm nếu cô ta còn tiếp tục. Khi em đang đạp xe trên đường đi làm về, cô ta bất thần dùng chân đạp em ngã, đầu em đập xuống đường, từ đó cứ đau hoài. Chị có nhớ tại sao em hay than nhức đầu và thường đến xin thuốc của chị uống không?

            Tôi lạnh hết cả sống lưng, sực nhớ ra đúng là như thế. Ngọc Thanh thường ôm đầu than thở, tôi vẫn đưa thuốc đau đầu cho Ngọc Thanh và khuyên em đang làm ở trong Bệnh Viện thì nên nhín chút thời gian đi khám. Em cũng đã kể cho tôi nghe về chuyện cô bạn kia lấy trộm thuốc nhiều lần. Tôi không biết mặt và về lòng dạ cô gái nọ, cô ta có ý xấu muốn giết Ngọc Thanh hay không, nhưng thật sự biết tin này tôi vô cùng bàng hoàng đau xót và thương cho em đồng thời cũng vô cùng phẩn nộ. Trong phút chốc, tôi muốn đi tìm cô ta để làm rõ vấn đề này và cho cô ta một hình phạt đích đáng. Ngọc Thanh là con người tốt lành xứng đáng được hưởng mọi hạnh phúc ở thế gian này, nhưng vì sự tị hiềm và lòng thù hận vô lý của con người mà em phải gặp tai ương, thật tội cho em, lìa bỏ cuộc đời mà em chỉ mới ngoài ba mươi tuổi…


-         Em cho chị biết họ tên của cô ta nè: ..( … )

Có lẽ Ngọc Thanh muốn nhờ tôi làm gì đó, nhưng tôi lại muốn Ngọc Thanh không nuôi bất cứ sự hận thù nào để được ra đi trong thanh thản nên vội khuyên:

-         Thôi Thanh ơi, dù sao em cũng mất rồi, chắc là phần số của em đến đó nên em đừng oán hận, vì biết đâu người ta chỉ đùa chơi mà vô tình gây thương tổn cho em. Hãy tha thứ mọi chuyện,  em từng là Phật Tử thì biết rõ câu Phật dạy: “Oán nên cởi, không nên kết”, thù hận sẽ đẻ ra hận thù và đời đời không thoát được. Chị cũng xin em cho chị quên tên cô ta đi, chỉ mong sao cho em sớm đầu thai làm kiếp khác để có cuộc sống sung sướng hơn thôi.

            Ngọc Thanh cười buồn không nói gì rồi lặng lẽ biến mất, có lẽ em đã hiểu ý tôi.

Tôi tỉnh giấc và thêm một lần trùng hợp, đồng hồ cũng vừa đúng 4 giờ 10 phút sáng thứ Ba. Tên họ của cô gái nọ tôi còn nhớ nguyên trong đầu, và ngay sáng hôm đó tôi nhờ người em trai lên Bệnh Viện Chợ Rẫy tìm hiểu giúp xem thực hư ra sao. Kết quả thật đáng kinh ngạc, phòng nhân viên cho biết cô ý tá đó thực sự làm ở đây, nhưng đã bị sa thải vì tội gì đó. Có phải gieo nhân thì gặp quả, lưới trời đã giúp Ngọc Thanh trừng phạt người có tội chăng?. Tuy thế tôi cũng hỏi địa chỉ và tìm đến tận nhà cô y tá nọ. Căn nhà xập xệ nghèo nàn và lôi thôi với những đồ đạc bừa bãi lung tung. Sau khi hỏi thăm như cuộc nói chuyện thông thường, tôi giới thiệu là chị của Ngọc Thanh. Nét mặt cô ta đột nhiên biến chuyển tái ngắt, nhìn tôi e dè. Chợt tiếng trẻ khóc rồi hai đứa con cô ta từ trong nhà đi ra, một đứa bé gái lớn cỡ sáu tuổi nách trên tay một thằng bé có lẽ chưa biết đi. Tất cả đều xanh xao ốm yếu, mặt mũi nhem nhuốc, quần áo luộm thuộm. Lòng tôi dịu xuống và tự nhiên thấy thương hại cho hoàn cảnh cô ta.  

-         Chị đến có việc gì không, em nghĩ mình không liên quan gì đến em gái chị cả.  
Tôi đã muốn bỏ về nhưng câu hỏi bất ngờ khiến tôi dừng lại:

-         Cô có biết Ngọc Thanh vì sao mà chết không?

-         Dạ nghe nói bị đau sao đó, em bận con cái nên không theo dõi.

Cơn giận của tôi tự nhiên phừng phừng:

-         Đáng ra tôi chỉ muốn đến đây để xác nhận xem có đúng như những gì Ngọc Thanh kể không, rồi bỏ qua vì dù sao em tôi cũng qua đời rồi, nhưng bây giờ thì tôi hiểu cô là người có trái tim ra sao. Em tôi đã về báo mộng cho tôi rõ ràng mọi chuyện, ngay cả tên người đã hại nó nên tôi mới biết mà đến đây tìm cô. Cô nghĩ là không ai biết hành động của cô sao? Cô đã cố tình gây hại nó bao nhiêu lần vì sự ganh tị khi cô không được giao cho chức trưởng phòng, em tôi hiền lành nên xem như không biết, và cấp trên vẫn không tin tưởng ở cô nên cô không được như ý nguyện. Nhưng khi Ngọc Thanh ngăn cản và cảnh cáo việc đã nhiều lần cô ăn cắp thuốc của Bệnh Viện đem ra ngoài bán lấy tiền riêng, thay vì biết hối lỗi để khỏi bị pháp luật trừng phạt thì cô lại đem lòng thù oán, cô xô té bạn khi đang chạy xe, làm nó ngã xuống đường nên bị chấn thương sọ não quá nặng mà qua đời.

Cô ta chống chế một cách mạnh mẽ:

-         Em chỉ đùa thôi chứ đâu có ý làm cho Ngọc Thanh bị thương nặng. Chưa chắc là cô ấy đã  chết vì vết thương đó.

Tôi càng không thể nhịn được thái độ đó.

-         Cô đã có con thì cô phải để đức cho con cô, ai cũng hiểu một việc làm dù có đùa giỡn  nhưng quá đáng như thế sẽ gây ra hiệu quả gì, gián tiếp hay trực tiếp làm chết người cũng có thể xem như là một tội ác. Đồng ý là cô cần tiền nên làm bậy, sự ghen tức đã làm cô quẩn trí nhưng ít ra lòng cô cũng phải ân hận phần nào vì mình đã vô tình làm cho một người tử vong, cho một gia đình đau khổ vì sự mất mát người thân. Nhưng tôi không thấy điều này ở cô. Cô đã gây ra một chuyện động trời như thế mà vẫn vô tâm, dửng dưng thậm chí không đến viếng thăm lần cuối, dù sao cũng từng là bạn đồng sự mà. Em tôi không thưa cô hay làm hại cô vì nó có lòng nhân từ, nhưng không có nghĩa là cô thoát được tội làm người với trời đất.  Cô sống như thế nào để mai này con cô đừng bị ảnh hưởng, hay bị gánh hậu quả do cô gây ra.

Cô ta chớp mắt và im lặng, cúi xuống giả vờ bế đứa con lên. Tôi ra về mà lòng nặng trĩu.  Thấy tội nghiệp Ngọc Thanh hơn và cũng thương hại  cho cô y tá kia. Đêm nay chắc rằng cả tôi lẫn cô ta đều khó ngủ.
 

Nhưng đến tuần thứ tư thì tôi đã gặp cô trong buổi lễ cầu siêu cho Ngọc Thanh. Gia đình Ngọc Thanh, tôi và chắc cả em nữa đều không cần cô ta phải đền tội, vì bản thân Ngọc Thanh  vốn là người không biết oán hận ai bao giờ. Cô thể hiện lòng thành khi quỳ trước bàn thờ của em để khấn nguyện, dù muộn màng nhưng chứng tỏ cô đã biết việc làm sai trái của mình. Cô đã góp thêm giọng trong bài kinh cầu siêu tụng cho Ngọc Thanh cũng là giúp thêm vào việc giải thoát cho em tôi, thế là đủ. Sau buổi lễ, cô ta đã khóc và tự nhiên tâm sự với tôi, không hiểu sao hai tháng nay chồng cô ta trở nên bê tha rượu chè không chịu lo làm ăn mà còn về đánh đập vợ con. Cô ta thì thất nghiệp nên rất túng quẫn, cô mong chúng tôi tha thứ để cô được nhẹ lòng mà tìm việc làm nuôi con. Biết nói gì hơn, tôi lại là người an ủi ngược lại và chúc cô may mắn.

Tôi gặp Ngọc Thanh tất cả 6 lần trong thời gian bảy tuần lễ đầu, nhưng 3 lần không có gì quan trọng. Thất cuối cùng tôi van vái em hãy chú tâm tu tập để mau siêu thoát. Cho đến đúng ngày giỗ của em năm sau, Ngọc Thanh về thăm tôi một lần cuối rồi thôi cho đến hôm nay.
         

SỰ KỲ BÍ của TẠO HÓA

            Thêm, một chuyện thần bí khó diễn tả xảy ra sau đó. Xin kể về người thanh niên quỳ dưới chân quan tài hôm trước. Kim là một người con trai hàng xóm của Ngọc Thanh, kém em một tuổi và đem lòng thương yêu cùng muốn kết hôn với em, nhưng theo đuổi mấy năm trời không thành cho đến ngày Ngọc Thanh qua đời. Kim đến gia đình em năn nỉ xin được chịu tang, và mọi người đã nhìn thấy sự đau khổ chân thật trên nét mặt của Kim lúc ấy nên bằng lòng. Sau đó, mỗi tháng Kim đến chùa thắp nhang thăm viếng, rồi hàng năm cứ đến ngày giỗ Ngọc Thanh là Kim mang đèn nhang cùng thực phẩm chay đến chùa cúng bái. Suốt ba năm đằng đẵng không bỏ sót kỳ nào, lòng thành của Kim khiến ai biết cũng phải cảm động và nể nang cũng như kính trọng con người đạo đức của Kim.


Một buổi chiều sau giờ tan việc, Kim đến nhà thăm và nói sẽ cho chúng tôi một sự bất ngờ. Chúng tôi đã xem Kim không khác gì là một người em trai kể từ sau
đám tang của Ngọc Thanh, nhưng vẫn tò mò về chuyện Kim đang úp mở. Kim ra cửa ngoắc tay, và một cô gái đến gần. Khi vừa nhìn thấy cô, vợ chồng tôi đã bàng hoàng tưởng mình đang nằm mộng. Kim đứng một bên nhoẻn nụ cười nhìn phản ứng của chúng tôi ra vẻ thích thú, nhưng tôi thì chết sững không biết đang làm gì! Nét mặt và hình dáng tại sao lại có người giống nhau đến thế. Có phải Ngọc Thanh đang hiện hình về kia không? Tiếng Kim đưa tôi về thực tại:

-         Em giới thiệu với anh chị, đây là  ffiance của em, cô ấy tên Mai.
 

Tôi thấy mình đang cười mà không tự nhiên chút nào. Khi Mai đinh  ngồi  xuống cạnh tôi trên chiếc ghế lớn ở phòng khách, thì một bất ngờ tiếp theo xảy ra. Mai đột nhiên ngã lăn ra bất tỉnh, thân hình cô đổ ập vào người tôi. Cả nhà cuống cuồng lo sợ không biết chuyện gì, Kim hỏi tôi một câu khiến tôi bàng hoàng:

-         Chị ơi, hay là Ngọc Thanh không muốn cho em cưới vợ.  Chị cho em vài  cây nhang để   em vái xin cô ấy. 

Kim bế Mai vào giường trong cho tôi xoa dầu cạo gió rồi cầm mấy cây nhang đi khắp nơi quanh nhà vái lia lịa.  Tôi run run lật mái tóc của Mai đang che phủ mắt mũi, và thêm một lần tay tôi như lạnh giá, rõ mồn một là thể xác Ngọc Thanh đang ở trước mắt tôi. Từ ánh mắt, nét môi, mái tóc dài ôm bờ lưng nhỏ, ngay cả đôi lông mày hay nhíu lại… Tôi vừa xoa dầu cho Mai vừa bật khóc nức nở vì nhớ thương Ngọc Thanh. Em đến đây cho tôi nhìn thấy phải không Ngọc Thanh ơi. Con người em có tâm lành, sẽ được hưởng quả tốt ở kiếp khác, hãy đi đi nghe em… Chị sẽ cầu nguyện và sẽ nhớ đến em luôn...

Mai chợt mở mắt nhìn tôi ngạc nhiên không hiểu chuyện gì, Kim trở vào cùng Mai và xin phép ra về. Tôi không tin là Ngọc Thanh có ý ngăn cản Kim trong chuyện tình duyên mới này,  vì tình yêu của Kim đối với Ngọc Thanh quá lớn, quá sâu nên Ngọc Thanh dù thác đi cũng đã tìm cách bù đắp sự chân thành của Kim, đem đến cho Kim một người thay thế.  Còn cô gái tên Mai, do cơ thể yếu lại đang ở ngoài nắng nóng mà bước vào nhà gặp ngay cơn gió của chiếc quạt đang chạy vù vù thổi vào mặt nên bị phản ứng mà ngất đi thôi.


Tôi luôn tự hỏi, phải chăng đời người thật sự có chuyện duyên và nợ. Những điều lý thú lẫn ly kỳ tôi đã gặp đều đáng để suy nghĩ.. Ngọc Thanh rời bỏ cuộc đời đã ba mươi năm chẵn, tôi sống xa quê hương cũng gần bằng ấy thời gian, đã đi và gặp rất nhiều nhưng người có tấm lòng cao quý thủy chung như Kim thật hiếm có. Và như được đền đáp, vợ chồng Kim Mai sống rất hạnh phúc, hai đứa con đã lớn học giỏi, ngoan hiền hiếu đễ. Công việc buôn bán càng ngày càng phát đạt thuận chiều. Hằng năm đến ngày giỗ Ngọc Thanh, Kim đều đến với gia đình của em. Và từ  đó đến nay tôi không hề gặp lại Ngọc Thanh, hay nói cho đúng hơn là em không còn về cho tôi thấy nữa. Chắc Ngọc Thanh đã sang một kiếp khác và hưởng điều phước lành hơn. Tôi cầu mong cho cô y tá kia cũng tìm được cho tâm hồn mình sự bình an và hạnh phúc.


LỜI KẾT

Qua sự việc này chắc đã cho cô y tá kia thêm kinh nghiệm. Sự tham lam, lòng ích kỷ nhỏ nhen cộng thêm tánh bon chen kèn cựa, đòi hỏi những thứ vượt ngoài tầm tay… vốn làm cho con người đi xa giới hạn, có khi hối hận cũng không kịp để suốt đời phải ăn năn, phải mang một gánh nặng trong lòng khó giải. Có khi còn bị quả báo như cô y tá bị đuổi việc và có vết nhơ làm hoen ố hồ sơ , sẽ khó khăn cho việc làm sau này. Rồi chồng cô đã đổi tánh làm cho cô khổ sở… Còn chàng thanh niên tên Kim đã xứng đáng được hưởng kết quả tốt nhờ tính trung hậu, đức hy sinh, sự chân thành, và có tình nghĩa.  

Tôi đã thấy ở ngoài đời nhiều người có lòng tự cao tự đại rất lớn, họ muốn cái “TÔI” của mình phải luôn đứng ở vị trí không ai với tới được, ganh tị kẻ hơn mà ai thua thì chê bai. Ai làm không vừa ý là ghét bỏ và sẵn sàng tỏ thái độ hạ nhục, vu khống hay dèm pha bằng mọi cách. Họ không chú ý tới hay quên mất một điều: “Thượng đế bao giờ cũng công bằng”. Nếu bạn được điều này thì sẽ mất điều kia. Không ai được hoàn toàn mọi thứ như ý muốn, chỉ vì lòng đố kỵ nên không nhận ra thôi! “Nếu không có gì bằng lòng, thì hãy bằng lòng với những gì mình có”, trong sách vở đã viết vậy. Chúng ta chỉ thanh thản tự tại khi không ganh tị nhỏ nhen.  Hãy vươn lên bằng chính năng lực bản thân, học hỏi những cái hay của người khác mà tự sửa mình. Nếu ai cũng nhờ ganh tị dèm pha người khác mà hơn người thì chắc không ai cần học hỏi và tất cả đã trở thành vĩ nhân hết sao? Sự sướng khổ đều do phước đức mà có, nếu muốn được như người thì ráng cố gắng tạo phước. Nhưng thật ra, ngay người tu hành không hề ăn mặn cũng chưa chắc đã hoàn toàn diệt được sự sân si huống chi người bình thường không kiêng cử sát sinh. Từ năm Đệ Tứ Trung Học tôi đã học được câu răn dạy:” Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc, và Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn” của nhà nho Nguyễn công Trứ. Đủ hay Nhàn là tự tâm mình. Một con người nhân hậu, có tâm tốt lành thì dù sống hay thác đi, nghèo hay giàu vẫn khiến cho người khác thương yêu quý mến và luôn nhắc nhở đến, cũng như ngược lại. Phải không thưa qúy vị.


Nhã Giang Thu Tâm
Jun 2016

 

 

  


Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

CUỘC BÁO THÙ (Hồi Ký)





CUỘC BÁO THÙ  (Chuyện có thật)


Cơn ác mộng kinh hoàng nửa đêm khiến Tú muốn nghẹn thở, chòang tỉnh dậy khi mồ hôi toát ra đầm đìa như tắm làm Tú không tài nào nằm tiếp được dù trời vẫn còn lâu mới sáng. Chàng ra bàn lấy nước uống, ngồi suy nghĩ mông lung, giấc mơ làm chàng hồi tưởng lại một quá khứ đã qua từ mấy mươi năm trước tưởng chừng đã gột bỏ khỏi tâm trí theo thời gian...Một quá khứ đầy biến động kinh hoàng nhưng không kém phần ly kỳ. Nhất là Tú lại là người có tâm hồn vô cùng nhạy cảm nên càng bị ám ảnh. Tú dần dần đưa mình trở ngược về thời thơ dại...

ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN
Cuối Thu năm 1957 khi gia đình Tú dọn về sinh sống thì thị xã nhỏ Pleiku vẫn còn là một nơi hoang dã lạc hậu. Bố Tú là quân nhân, hơn nữa tánh tình ông rất cương trực và luôn binh vực cũng như yêu thương lính dưới quyền. Ông thường đòi hỏi sự công bằng cho họ nên phải tranh cãi với cấp trên nhiều lần, vì thế hay bị đưa đi tác chiến khắp nơi tùy theo tình hình chiến sự. Mẹ con Tú cứ lếch thếch theo ông hết từ vùng heo hút này qua nơi đồi núi khác. Thưở ấy còn bé chưa đủ tuổi đi học, nên bây giờ trong tâm trí lờ mờ của Tú chỉ còn nhớ đại khái được mấy nơi. Từ Đà Nẵng, Mỹ Khê , Quảng Ngãi, Rừng Lăng, rồi về đến Pleiku thì mẹ của Tú  bàn với chồng là bà muốn dừng chân lại nơi này không đi theo ông nữa. Năm đó người chị lớn hơn hai tuổi tên Mai Anh của Tú đã bắt đầu tuổi đến trường, hơn nữa mới có chương trình chia đất cho gia đình quân nhân sinh sống. Cha của Tú bằng lòng, và thế là cả một nhóm người nhận nơi rừng núi Cao Nguyên này làm quê hương thứ hai.

Vì số gia đình binh sĩ quá đông khó có thể một lúc lo chỗ ở cho tất cả nên thoạt tiên mọi người được đưa về nơi này. Giữa vùng cỏ tranh cao lút đầu người, chung quanh cây cối rậm rạp tối tăm, có sẵn từ bao giờ một khu nhà mái lợp tranh chia ra từng căn, vách đất liền nhau, cũ nát và sơ sài như trại lính cũ bỏ hoang. Mỗi gia đình được cấp một căn, rộng khoảng 30 m2. Dù không vui nhưng đành chịu, mọi người ra sức chia nhau dọn cỏ mọc hoang khắp nơi ngay cả trong lòng căn nhà, rồi sửa sang lại vách có chỗ đã bị xiêu vẹo và làm từng cánh cửa ra vào cho chắc chắn. Tuy mang tiếng là cỏ nhưng có lẽ đã lâu đời không có bàn tay con người đụng đến nên có chỗ mọc cao tới cả gần hai thước, cỏ tranh có lá nhỏ dài và sắc bén như dao, vô tình nắm phải là đứt tay liền. Rễ của nó ăn rất sâu trong lòng đất rất khó bứng tận gốc. Chúng mọc dày chi chít chen chúc nhau nên công việc càng thêm khó nhọc. Lũ trẻ con cùng ra phụ nhưng nghịch ngợm thì nhiều hơn, chúng nó mặt mày đỏ gay, nhễ nhại mồ hôi cứ la chí chóe làm người lớn thêm mệt mỏi.  Nghe nói rễ cỏ tranh ngọt không thua gì mía, lại rất mát nữa nên mấy bà cụ mang về rửa sạch để nấu nước cho mọi người uống. Phải mất mấy ngày trời mọi việc mới tạm ổn định, hơn ba chục gia đình sống quây quần với nhau trong dãy nhà thiết kế theo hình chữ U. Mảnh đất giữa sân là nơi cho trẻ con chơi đùa, và một bên dưới mái che duy nhất được lợp bằng tôn, phía trong đặt những chiếc lò đất nung. Đây là khu nhà bếp để nấu nướng chung, cạnh đó là một cái giếng tuy lâu không sử dụng nhưng nước vẫn rất trong. Tất cả sinh hoạt thân thiện như trong một gia đình, hầu hết là người già, đàn bà và trẻ con. Những người đàn ông là chủ gia đình, sau mấy ngày lo chỗ ăn ở cho vợ con lại lên đường đi làm nhiệm vụ hay ra trận mạc đây đó. Căn của cha mẹ Tú bốc thăm được là căn thứ mười lăm, gần như chính giữa nên mẹ bảo là may mắn, nhà có ba mẹ con ở giữa sẽ đỡ sợ hơn. Người ở một bên đầu dãy nhà là chú thím Bảy, người miền Trung có giọng nói rất lạ, và đầu kia là nhà chú thím Rậu người Bắc di cư như cha mẹ của Tú.

Tuy được cấp phát gọi là đầy đủ, nhưng mọi đồ dùng cho sinh hoạt hàng ngày đều nghèo nàn thiếu thốn.  Vì cuộc sống khó khăn của gia đình lính tráng đã quen nên không ai phàn nàn gì, chỉ đáng sợ là cái rét căm căm đến nhức nhối thịt da, trong khi chưa ai biết gì về vùng đất này mà chuẩn bị kịp cho quần áo của mùa Đông thành ra càng thêm khó chịu.  Tú nghe mẹ và các bác nói chuyện với nhau, mới đầu tháng Mười thôi sao đã lạnh thế, không biết mùa Đông nơi đây ra sao!  Những người lớn tuổi luôn miệng xuýt xoa, trẻ con không cảm thấy cái lạnh hay do chạy nhảy nhiều mà quên mất, chỉ một thời gian ngắn thôi mà hai gò má bọn trẻ đỏ hồng đến nứt nẻ. Phương tiện duy nhất để xua bớt sự băng giá là đốt lò than ngay giữa nhà, mọi người quây quần chung quanh làm việc hay nói chuyện. Tiếng tí tách của than nổ như hòa theo tiếng nói cười của đám trẻ làm tan bớt đi sự lo lắng của người lớn. 

Trời vừa tắt nắng, hơi lạnh của núi rừng càng về khuya càng lan tỏa, từng làn sương mỏng bay tràn khắp nơi, len lỏi trong từng xó xỉnh đến nỗi lò than đặt giữa nhà luôn hừng hực cháy đỏ vẫn không thể làm không khí đủ ấm lên, khiến ai nấy đều chỉ mong được mau mau quấn mình trong chiếc mền nhà binh dầy cộm. Mặc dù từ nơi gia đình Tú ở ra đến con đường chính trải nhựa của thị xã chỉ có một quãng đường ngắn, nhưng trong vùng này lại hoang sơ chưa có điện, mới 6 giờ chiều trời đã tối om, ánh sáng của những ngọn đèn dầu vàng vọt nhảy lung linh mờ tỏ càng làm cho không gian thêm âm u đáng sợ. Tiếng cóc nhái, ễnh ương dai dẳng suốt đêm, thỉnh thoảng lại chen vào tiếng kắc kè tặc lưỡi, cú rừng kêu đến là ghê rợn. Đủ thứ âm thanh hỗn tạp khua động không gian và đe dọa tinh thần người yếu bóng vía. Tú dù mê ngủ vẫn thỉnh thoảng thức giấc nằm co rúm người lại không dám nhúc nhích. Mấy mẹ con nằm sát nhau trên cùng một chiếc giường tre, Tú  quay mình ôm chặt cánh tay mẹ tìm sự che chở rồi lại thiếp đi. Mới năm tuổi, Tú chưa nghĩ tới được chuyện gì xa xôi và khó khăn của cuộc sống nên vẫn thoải mái vui tươi trong hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu thốn.

Tờ mờ sáng một ngày nọ có mưa về, cơn mưa cuối mùa của vùng Cao Nguyên nhưng cũng đủ lớn đến rúng động cả đất trời. Tiếng ầm ầm của gió đánh bạt cây rừng như giận dỗi, mưa xối xả và những mảng nước từ đâu đổ về ngập tràn len vào cả nền nhà tuy đã được đắp cao hơn phía ngoài sân đến mấy tấc. Mẹ con Tú thức giấc trong lạnh run vì lò than đã tắt ngấm từ lúc nào. Mưa dội trên mái nhà rầm rập, kèm theo gió cuốn muốn tung cả nóc. Nước ào ạt tuôn xuống qua lỗ hở mái tranh khiến mẹ cuống cuồng không biết làm gì, lạnh run cầm cập ngồi lo sợ ôm chặt hai đứa con trên giường, chỗ may mắn trong nhà không bị dột ướt. Sáng đó mẹ phải đội mưa ướt ra ngoài sân nấu vội tô mì gói cho hai chị em Tú ăn đỡ, vì cơn mưa chỉ tạnh vào buổi trưa sau mấy tiếng đồng hồ thị uy đám người tội nghiệp.  Tuy thế nước vẫn còn lênh láng khắp nơi chưa rút kịp theo sau cơn mưa. Đám trẻ con thừa dịp bì bõm đuổi bắt nhau trong những vũng ngập quên cả cơm trưa trễ nãi. Bùn sình đỏ quạch nhơ nhớp vương vãi mọi chỗ, và mặt đất trơn trượt làm người người ngã sấp ngã ngửa. Nhìn nhau cười ra nước mắt! Người lớn bận rộn lo tu sửa những nơi bị dột và hư hỏng, vì đã kinh nghiệm hơn nên họ dùng những cây nẹp lớn đè trên mái nhà và cột chặt lại cho gió khỏi làm bay mất lớp tranh lợp. Sau trận mưa rừng như thác lũ ấy, còn thêm vài trận nữa nhưng không đáng kể, rồi dứt hẳn để đón chào mùa băng giá đến. Nền nhà cũng đã được đổ đất lên cho cao hơn nữa để tránh mùa sau bị ngập nước.

Bận rộn cho đến cuối tháng thì đâu đã vào đấy. Thời tiết lạnh hơn nữa nhưng không khí thì trong lành đến dễ chịu. Sau một tháng ở nơi xa lạ, mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường. Mẹ Tú chuẩn bị mọi thứ cho mùa Đông, bà dùng những chiếc que vót nhỏ bằng tre dạy cho chị Mai Anh của Tú đan mũ và găng tay bằng len, dù chị chỉ mới bảy tuổi đầu với hai bàn tay bé xíu. Còn mẹ thì đan áo lạnh hay ngồi bên bàn máy, may quần áo mới cho hai chị em. Mẹ còn nhận may  và đan áo cho mọi người để kiếm thêm thu nhập nên luôn bận rộn. Tú được dịp nhõng nhẽo vòi vĩnh đủ thứ, nhưng mẹ chiều nên luôn đáp ứng. Và Tú thấy mình là đứa con sung sướng nhất trong đám trẻ cùng xóm dù luôn thiếu vắng cha. Tú lang thang suốt ngày với bọn con nít để đánh đinh đánh đáo quên cả lạnh buốt. Trong tiếng cười ròn tan vô tư của đàn trẻ thì người lớn chụm lại chia sẻ đủ mọi thứ . Sau chuyến hành quân dài ngày,  cha của Tú được về phép cả tuần lễ trước khi sang nhiệm vụ mới, mẹ vui lắm nhưng chắc chị em Tú thì vui hơn vì được chiều chuộng sau thời gian cha xa nhà..

NGUY HIỂM RÌNH RẬP

Khoảng 3 giờ sáng đêm hôm đó, tất cả mọi người đang mê mệt chìm trong giấc mộng thì bị đánh thức dây bởi tiếng chó sủa ồn ào dồn dập, nghe cha thì thào nói với mẹ, hình như có sự gì lạ đang diễn ra ở chung quanh. Cha dặn mẹ con cứ nằm yên trong nhà không được ra ngoài, cha nhẹ mở hé cửa rồi vớ lấy khẩu súng lách mình qua. Mấy mẹ con hồi hộp ngồi bật lên nhìn theo trong lo âu. Tiếng chó tự nhiên im bặt trả lại sự im lặng đáng sợ cho màn đêm. Có tiếng súng nổ thật lớn làm giật mình. Một lúc sau cha về cho biết không có gì. Nhưng cha mẹ Tú lại thì thào nói thầm chuyện gì đó. Tú co tròn nằm trong lòng cha và ngủ thiếp đến sáng bạch mới thức giấc. Dụi mắt nhìn quanh và hoảng sợ khi thấy chỉ còn một mình mình trong nhà, Tú chạy vụt ra, chen vào đám đông đang tụ lại ở một góc sân bàn tán xôn xao. Tú điếng hồn khi nhìn  thấy xác con chó cưng berger to lớn nhà ông Năm bị mất một nửa người phía dưới nằm chết, mình mẩy be bét máu. Đám trẻ con sợ hãi xanh mặt, nhìn nhau ngầm hỏi không biết chuyện gì. Cha của Tú và các chú bác trong xóm đang ở một góc sân hình như đang họp bàn chuyện gì quan trọng lắm mà trên nét mặt ai nấy đều nghiêm trang. Ngay chiều hôm đó Tú đã thấy có một hàng dây giăng ngang bít lối ra của hai đầu dãy nhà hình chữ U, những ống lon đủ màu sắc cột lủng lẳng trên đó không biết để làm gì, chúng  kêu leng keng khi có gió hay ai đụng vào. 
Yên tĩnh được hai hôm, cũng nửa đêm bỗng mọi người lại bị thức giấc khi nghe tiếng ồn gì thật lớn đâu đó rất ghê rợn, tiếng gầm rền vang như tiếng trống xoáy trong tim. Tú thấy cha nó và những người lớn gọi nhau rồi chụm lại thầm thì. Có chú lính Thượng tên Y Ksor cho biết là vùng này ngày xưa là nơi “Ông Ba Mươi’ (hổ) sinh sống, mọi người phải cẩn thận. Dạo này vùng đất hoang, lãnh thổ của mãnh thú như cọp đã bị loài người xâm chiếm dần nên chúng rất thiếu thốn thức ăn, có thể bất thần đến gần khu nhà dân ở để tìm kiếm thực phẩm nên rất nguy hiểm.  Tin này càng khiến cho cả đàn bà và bọn trẻ được dặn dò kỹ lưỡng đừng ra ngoài ban đêm, nhất là đi một mình. Nhưng khổ nỗi thuở đó mỗi lần cần thiết là phải đi tít thật xa khuất khu nhà ở, sát bên bìa rừng cây trong bụi rậm. Đêm đến, bọn trẻ con hay bị chột bụng bất thường là nỗi  khổ tâm nhất của người lớn.  Sáng hôm sau, một dãy nhà vệ sinh được làm cẩn thận ở ngay sau khu nhà ở, nhưng muốn đi phải có hai người cùng kèm trong đó có một là đàn ông mang theo súng chứ đàn bà trẻ con không dám tự đi một mình.


-         Bà con ơi, ra lãnh thịt săn về ăn nè.


Tiếng gọi nhau vang cả xóm khiến không khí náo động.  Không biết là thịt gì nhưng nghe nói rất là bổ dưỡng, từng nhà đều được chia phần hưởng
chung. Chảo thịt rừng thật to được nấu sẵn bốc khói dậy mùi đặc biệt đặt ngoài sân, cha mẹ của Tú cũng được một tô lớn mang về nhà, riêng chị em Tú không thích ăn vì thấy có mùi vị gì là lạ, cuối cùng đổ đi vì không ai động đến miếng nào. Có hỏi nhưng cha mẹ không nói nên hai chị em cũng quên đi. (Sau này mới vỡ lẽ ra đó là thịt con cọp mấy chú người Thượng vừa săn được,  họ lóc thịt làm thức ăn còn xương đem đi hầm làm ra loại cao nên có tên gọi là “Cao hổ Cốt”.)  
            Liên tiếp mấy đêm liền, ngay cả lũ trẻ con cũng khó ai ngủ yên được vì tiếng cọp gầm mỗi lúc một gần và nhiều hơn.  Không gian yên tĩnh không còn nữa, từng gương mặt hằn nét căng thẳng lo âu.  Những chú bác lính chưa có lệnh hành quân được cắt cử giữ an ninh cho toàn khu nhà. Cha của Tú lại phải lên đường đi hành quân khiến mẹ càng tỏ vẻ sợ hãi, cứ chiều xuống là lùa hai chị em vào trong nhà đóng cửa lại. Cũng may là trước khi xa nhà cha Tú đã kịp thời làm một buồng vệ sinh ngay trong căn nhà nhỏ, có ống cống luồn qua vách thông ra ngoài sau. Ông lại đem ở đâu về 2 thùng phuy thật lớn có làm sẵn vòi vặn, rồi mấy ngày múc nước giếng mang về đổ đầy ắp, trên có nắp đậy đàng hoàng.  Tuy diện tích ở bị thu hẹp đôi chút, bù lại rất tiện lợi, dù sao đồ đạc cũng chẳng có gì nhiều nên mấy mẹ con vẫn có đủ chỗ sinh hoạt. Ông cũng hướng dẫn cho cả xóm cách làm nhưng chỉ có mấy gia đình là thực hiện theo.

THẢM KỊCH BẮT ĐẦU

            Tiếng súng và lựu đạn nổ ầm ầm sát bên dãy nhà, tiếng cọp gầm vang rồi tiếng chân chạy và tiếng hét la chói tai liên hồi làm kinh động cả bầu không gian. Mẹ con Tú co rúm người sợ hãi, thắc mắc nhưng cũng không dám mở cửa ra xem. Trời vẫn còn chưa sáng hẳn dù đồng hồ đã chỉ năm giờ hơn. Tú tỉnh ngủ hẳn ngồi trong lòng mẹ thập thò nhìn ra phía cánh cửa đóng kín, Mai Anh thì ngồi bên cạnh ôm chặt cánh tay mẹ. Sáng bạch rồi, tiếng ồn ào từ bên ngoài khiến mẹ con Tú mạnh dạn mở cửa ra xem. Hồn vía Tú như bay mất khi lần đầu tiên nhìn thấy xác một con hổ to lớn như ngọn núi nhỏ, chiếc bụng phệ ước chừng chứa cả con bê đang nằm giữa sân, vết máu nơi cổ vẫn còn đang rỉ ra từng giòng. Thì ra hồi đêm khi cùng hai chú nữa trong  phiên canh gác, chính ông Năm là người có con chó cưng bị chết hôm nào đã hạ được con hổ này khi nó mon men đến gần khu nhà. Chắc là nó đói lắm nên cứ chồm đến ông dù đã nghe bắn mấy phát súng đe dọa. Trong đường tơ kẽ tóc, ông gần như bị nằm phía dưới bốn chân nó và đã kịp thời nổ phát súng tự cứu mạng mình. Tuy là người rất giỏi võ nhưng mặt và người ông cũng bị rách xước do trúng móng vuốt của hổ khi nó bị ngã ập lên người ông vì trúng đạn nơi chỗ hiểm.  Nhìn cái xác to lớn của con hổ đã chết đang đè cứng trên người ông Năm, ai nấy đều rùng mình ớn lạnh. Phải mấy người lớn lực lưỡng dùng đòn nâng con hổ lên mới lôi được ông ra , cả đầu tóc mặt mũi ông Năm dính đầy máu trông thật dễ sợ.  Con hổ vừa bị hạ sát đang mang thai, khi mổ xác ra mọi người mới biết.


Ai cũng Tưởng rằng chuyến này lũ hổ sẽ biết sợ mà tránh xa, nhưng không ngờ một chuyện đáng tiếc lại xảy ra chỉ cách đó có một tuần lễ sau.  Lúc đó trời vẫn còn sáng tỏ, mặt trời vừa mới bị che khuất sau núi nhưng vẫn còn le lói xa xa. Mấy người đàn bà cùng ra chỗ nhà vệ sinh, khi trở về thì đột nhiên một tiếng gầm rợn người xé toang không gian, rồi con hổ núp sẵn từ lúc nào trong bụi cỏ hoang phóng ra chụp trúng bà Năm đi ngoài bìa, ngay tức thì xác bà bị xé nát không kịp kêu tiếng nào. Con hổ ngoạm một phần thân dưới của bà Năm tha đi bỏ lại nửa cái xác người nằm đó trước những khuôn mặt hoảng sợ đến trắng bệt như không còn máu của hai bà khác, trong nháy mắt nó chạy vút vào rừng mất hút. Tất cả chứng kiến sự việc đều đứng trợn mắt như bị trời trồng, khi hoàn hồn lại, thì khu rừng đã ồn ào những tiếng khóc la. Cả xóm đổ nhau ra để chấp nhận một cảnh tượng kinh hoàng đến toàn thân run rẩy. Điều lạ là vợ ông Năm đang mang thai đứa con thứ hai được bốn tháng, đứa bé vừa hình thành đầy đủ tứ chi nhỏ xíu bị rơi ra khỏi bụng mẹ nằm giữa đống máu bê bết. Ông Năm uất nghẹn ngất lên ngất xuống vì thương vợ con, thằng Hà là con ông Năm bạn của Tú đứng gần đó run cầm cập, miệng thì hét lên kêu mẹ inh ỏi :”Mẹ ơi, mẹ ơi!”, tiếng kêu trẻ thơ xé lòng vang trong không khí ảm đạm u buồn.


Đám ma bà Năm diễn ra trong một buổi sáng mùa Đông giá buốt, có gió lốc thổi bụi đỏ bay mịt mù khắp trời, trong ánh nắng dìu dịu trải rộng mênh mông, khiến từ xa nhìn thấy đám ma như những bóng người từ trong sương mờ ảo.  Trên đường ra nghĩa trang, một nghĩa trang cũng hoang sơ chỉ có những nấm đất nằm xơ xác u tàn buồn bã. Đoàn người đi theo quan tài đều thương cảm đến rơi lệ theo. Sau hôm đó khi trở về nhà, ông Năm trở thành ngơ ngác như người mất hồn. Bác Sĩ không tìm ra bệnh, và một thời gian sau ông được giải ngũ với hồ sơ mang bệnh tâm thần. Thật ra ông Năm rất tỉnh táo chứ không hề phá phách và làm phiền lòng hàng xóm anh em. Ông chỉ không chú tâm và nhớ việc gì để làm, sao  ông có thể  tiếp tục ở trong quân đội được! Không hiểu sao ông nhớ rõ đường đi ra nghĩa trang và vị trí ngôi mộ của vợ con để mỗi ngày ông một mình đi đến ngồi lặng thinh cả buổi bên cạnh. Dù nắng hay mưa và có giá rét đến đâu, cũng không ai ngăn cản ông được, mặc thằng con trai nhỏ khóc lóc đòi bố.  

Qua mùa Xuân thì tất cả mỗi gia đình đều được cấp miếng đất lớn riêng để có thể tự canh tác, đời sống được ổn định dần. Dãy nhà hình chữ U đã được phá đi và là một kỷ niệm buồn đáng nhớ. Một thời gian sau, mọi người có dịp được gặp lại và nghe chú Thượng Y Ksor giải thích, vùng này loài hổ rất linh thiêng và nhạy bén. Chú đoán là con hổ có bầu hôm trước bị giết chắc là vợ con của con hổ này. Thì ra hổ đực đã quyết tâm trả thù, nhưng không hiểu sao nó lại biết bà Năm là vợ của thủ phạm đã giết vợ con nó, đó là điều bí mật khó giải. Cũng là điều khiến tất cả mọi người cẩn thận hơn cũng như có cái nhìn và khái niệm khác về một loài dã thú như hổ.     

 NG. Thu Tâm

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

THƯ CHO BỐ (Con trai)




Bố kính yêu của con.


Thực ra con đã muốn viết những hàng chữ này từ rất lâu nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Dù bây giờ bố đã không còn hiện diện trên cõi đời này, đã thoát ra khỏi những đau khổ dằn vặt mà mọi người đã đem lại cho bố, nhưng con nghĩ bố vẫn đang ở trên cao nhìn xuống, và đọc được những ý nghĩ của đứa con khờ khạo này, phải không bố kính yêu của con? Từ những ngày con vừa tròn sáu tuổi rưỡi thì hình ảnh Bố thời điểm đó đã cho con nhiều ấn tượng đặc biệt. Ngày ấy, Bố vừa từ trong trại tù Cộng Sản trở về với thân thể tàn tạ gầy ốm và xanh xao. Dù con đã được mẹ dắt đi thăm bố nhiều lần, nhưng sự trở về đột ngột của bố vẫn cho con cảm xúc lớn khi gặp lại bố ở khung cảnh khác ngoài trại tù.

            Cả xóm ùa ra đường đón mừng bố, la to “ Cô P ơi, chú về rồi nè”, khiến hai anh em con đang đá banh trước sân nhà mồ hôi nhễ nhại đầy người cũng giật mình ngơ ngác như gặp phải… ma!  Người chở bố về tận cửa nhà là chú đạp xích lô xa lạ nhất định không lấy tiền công, chỉ xin ly nước uống. Mẹ chạy vội ra cửa nhìn bố sững sờ đến đánh rơi cả rá gạo đang nhặt thóc sạn dang dở, rồi cất tiếng khóc òa. Bố tiến lại choàng tay ôm mấy mẹ con con rồi cũng nghẹn ngào với khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Cả nhà mình cùng khóc làm mấy bác hàng xóm cũng rơi nước mắt mếu máo theo.  Hình ảnh ấy vẫn còn mãi trong lòng con, đứa con được sinh ra trong thời điểm đất nước Việt Nam gặp cơn quốc biến. Bố vào tù đến mấy tháng sau con mới được nhìn thấy cuộc đời, mẹ một mình xách giỏ quần áo đến nhà Bảo Sanh để sinh con, rồi suốt mấy ngày mẹ nhớ bố nằm ôm con khóc đến sưng mắt khi nhìn cảnh gia đình người khác đông đảo thăm nom, trong khi mẹ chỉ lủi thủi có một mình. Con còn thơ dại nào đã hiểu gì tâm tình của mẹ, cứ khóc vòi vĩnh để được ẵm bồng làm mẹ mệt mỏi thêm.

            Những ngày theo mẹ đi thăm nuôi bố tận các nơi xa xôi, đường dài khó khăn mệt nhọc  nhưng con vẫn hào hứng vui cười, vậy mà khi gặp mặt không được lại gần bố, con đã biết ghét mấy chú cầm súng đứng canh hay la lối cản ngăn khi bố muốn ôm con vào lòng. Suốt mấy ngày đi đường mà chỉ gặp được có 20 phút ngắn ngủi thôi, rồi phải người về người ở lại. Con đã gào khóc đến khan cả tiếng nhưng vẫn phải chia tay bố. Nhìn đôi mắt đỏ hoe của bố mẹ, và bước chân ngập ngừng của bố trong tiếng hối thúc ồn ào, con lại khóc nấc lên. Mẹ con con trơ trọi nhìn theo bóng bố khuất dần,  thêm một chuyến trở về buồn bã.

Bây giờ có bố, hình như nhà mình có sinh khí hơn với những tiếng cười vui mỗi buổi cơm tối. Bố chỉ cho chúng con học và làm bài tập ở trường mang về, chúng con học hành tiến bộ trông thấy. Mỗi tối mẹ dọn dẹp xong liền lại ngồi bên bàn máy may, cạnh bố con mình để tiếp tục may đống hàng hóa nhận từ Hợp Tác Xã. Con đã mang hình ảnh hạnh phúc của gia đình mình vào trong bài Tập Làm Văn, hình ảnh mà từ lâu con thèm thuồng vì tưởng là chỉ có trong sách vở. Con đã có thể khoe với đám bạn là mình có bố đưa đón đi học, dắt đi chơi mà lâu nay vẫn thường ao ước.  Chúng con cảm thấy đã thỏa mãn và sung sướng hơn khi thấy mẹ cười nhiều hơn. Nhưng một ngày nọ vô tình con nghe được những lời của tên cán bộ hàng xóm nói mỉa mai và sỉ nhục bố, một người mà Cộng Sản quy cho tội “Có nợ máu với nhân dân”, bố nghe hiểu nhưng vẫn nhẫn nhịn. Nhìn gương mặt bố với đôi hàm răng nghiến chặt và quai hàm bạnh ra, con đã sớm nhận biết bố không hề vui mà chỉ gượng gạo cười với mọi người thôi.  Bố đang phải nuốt những đau khổ vào trong lòng vì hoàn cảnh, chao ơi bố tội nghiệp của con! Thế mà con vẫn luôn làm cho bố phải buồn lòng hay lo lắng bởi những trò nghịch ngợm trẻ con.  

Bố thương yêu, con còn nhớ rất rõ năm con lên mười tuổi vì nghịch ngợm leo trèo đã trượt chân ngã bị gãy một cánh tay phải bó bột cả hai tháng, rồi năm mười hai tuổi chơi đùa bị bạn đá vào bụng đau đết ngất đi… bố đã hốt hoảng ôm con đưa đến Bệnh Viện và đã giành việc chăm sóc con thay cho mẹ cả tuần lễ liền. Trong lúc bố về nhà có việc, nằm một chỗ buồn nên con đã rút kim truyền nước biển để trèo qua cửa sổ phòng bệnh chạy ra ngoài chơi. Cô y tá giận nên mắng vốn và đuổi con về không cho nằm lại nữa. Bố lại phải năn nỉ, nét mặt bố buồn thiu nhưng không hề la mắng con làm con thấy thương và kính bố hơn. Không hiểu sao suốt một thời gian dài con luôn làm những việc khiến bố mẹ khổ tâm mà không nhận ra. Trong trường học, con đã từng là đứa trẻ luôn đứng hạng nhất nhì nhưng cũng nghịch ngợm nhất lớp,  học bạ thường bị cô giáo phê: Học giỏi, thông minh nhanh nhẹn nhưng hạnh kiểm xấu, nói chuyện nhiều và hay chọc ghẹo bạn. Khi về nhà thì con không dám cãi vì sợ, nhưng vẫn hay làm trái ý của bố mẹ. Mặc dù bố rất hiền nhưng nghiêm nên nhiều lần con bị đòn, đau lắm mà vẫn chứng nào tật đấy. Còn không nhớ hết bao nhiêu tội lỗi của con. Có những lần Công An nửa đêm đến xét nhà thình lình, một bọn mặt mũi hằm hằm đến gõ cửa rồi chĩa súng xông vào nhà dùng đèn pine soi tận gầm giường, nhà bếp và buồng tắm cùng các ngõ ngách khắp nơi. Họ kéo nhau đi khi không tìm thấy gì nhưng làm cả nhà mình hốt hoảng đến mất ngủ. Con lại thấy bố nằm vắt tay lên trán thở dài.

Rồi khi bố dắt con đi vượt biên, những cuộc đuổi bắt trốn chạy suốt đời vẫn ám ảnh tâm trí con. Một lần con mới vừa 7 tuổi đang học lớp Một, bố vừa trong tù ra được có vài tháng. Bố con len lén theo đoàn người đến một nơi nào đó ở vườn quê mà con không nhớ nổi, nằm chờ hai bữa nhưng chưa kịp xuống tàu thì ban tổ chức đến báo là bị phát hiện và Công An đang truy bắt. Lại hốt hoảng trốn chạy, con sợ hãi bám chặt trên lưng bố qua từng đoạn rừng cây. Ngồi trên lưng bố nhìn xuống con sợ đến khóc không thành tiếng, chân bố chạy nhiều cả trên những bụi gai nhọn đến mất  cả dép nên bị chảy máu be bét. Con vẫn không rời khỏi tấm lưng gầy yếu nhưng vô cùng ấm áp của bố, bố để con lên cổ khi lội qua một mương lớn sâu hoắm đục ngầu những bùn, mà mực nước cao đến ngực bố, con lại càng sợ hơn (dù rất thích đi vớt cá mỗi lần mẹ dắt đi chơi vườn Tao Đàn khi bố chưa ra tù). Đỉa, vắt bám đầy người bố và con đến chết khiếp mà con không dám hét lên sợ bị bắt. Cha con đi mất cả tuần lễ ăn bờ ngủ bụi rồi lại trở về, sự sợ hãi cùng nắng gió khiến con lên cơn sốt làm bố mẹ lại lo lắng nhiều hơn. Mấy năm liền tiếp như thế vẫn không thoát được, ngay cả khi bố đi có một mình. Con nghe bố mẹ nói chuyện, lần này bị lừa hết tiền nên chắc không còn khả năng để bố tiếp tục vượt biên nữa. Con mừng rỡ trong lòng vì đã ngán lắm cảnh lang thang trốn chạy, nhưng nét buồn trên mặt bố hiện lên rõ rệt. Con thấy bố cáu kỉnh hơn, hay la rầy chúng con hơn dù lỗi lầm rất nhỏ, bố cũng thường gắt gỏng với mẹ nữa làm mẹ khóc. Lúc đó trong lòng con thấy buồn giận bố lắm, tội nghiệp mẹ đã phải chịu lây những tội không phải do mẹ gây ra.

Người anh trai hiền lành của con đã bỏ học và vượt thoát thành công sau khi bị nhà trường phạt, vì anh lên tiếng phản đối lời nhục mạ của ông thầy thân Cộng. Anh không công nhận bố và những chiến sĩ  VNCH là những người có tội với nhân dân.
Dù anh đã bị bịnh trong suốt sáu ngày lênh đênh trên tàu, bị sóng gió và cướp bóc. nhưng kết quả thành công khiến cả gia đình ai cũng vui mà không dám nói ra, mẹ đã hết phải khóc vì thương lo cho anh mỗi đêm. Phải chăng bố đã phần nào thực hiện được ước nguyện nên dễ tánh hơn một chút. Con biết bố hy vọng nhiều ở con nên con cố gắng học, nhiều lần con được chọn đi thi trên Quận rồi Thành Phố đã làm bố mẹ rất vui. Đến năm mười bảy tuổi con đã hoàn thành xong cấp Trung Học. Cũng vừa lúc nhà mình được gọi đi phỏng vấn HO, con thấy trên nét mặt bố thời gian này đã trở nên vui hơn nhiều. Gia đình lo sắm sửa thu xếp để ra đi, lại thêm một lần con làm bố phải đánh đòn. Bố mẹ đi về thăm Nội, con đã lén châm điện cho chiếc xe máy của bố để chạy đi chơi với bạn bè dù bố đã dặn dò kỹ trước khi đi. Và không may bị tai nạn nhẹ, tuy không sao nhưng bố giận vì lo lắng cho con.  
Nhà mình lên máy bay qua xứ tự do vào mùa Thu tháng Chín năm đó với sự chia tay quyến luyến của các cô chú, dì cậu nội ngoại. Ngồi trên cao qua khung cửa sổ bé xíu nhìn xuống Saigon lần cuối, tự nhiên con buột miệng hỏi một câu ngớ ngẩn :
-         Bố mẹ ơi, từ nay mình không còn được về nhà cũ nữa sao?
Bố mẹ cười hỏi lại thay cho câu trả lời:
-         Con muốn ở lại Saigon hả,  hay là xuống máy bay quay về nghe!
Con lắc  đầu :
-         Dạ không đâu, con muốn đi Mỹ mà.
Chuyến đi kéo dài đến gần hai ngày và qua 5 chặng chuyển tiếp mới đến được nơi dừng chân. Con cũng không còn nhớ được những nơi nào vì chỉ đợi có một hai tiếng rồi lại lên máy bay đi tiếp. Thành phố lạnh miền Bắc Mỹ đón gia đình mình về sinh sống, dù mới giữa tháng Chín nhưng thời tiết đã lạnh khiến mẹ co ro.  Gia đình Bác Hai và một số người lạ mặt ra đón, mọi người cười vui và rất thân thiện dù lần đầu gặp mặt gia đình mình. Con thấy bố là người cười to nhất trong tất cả. Từ nay thực sự thoát ra cảnh luôn bị theo dõi và hăm he chắc là bố vui hơn ai hết.
Vì đã bắt đầu mùa nhập học nên anh em con được nhận vào trường học ngay sau khi làm hồ sơ xong. Chỉ sau 3 tuần lễ, bố mẹ lại bắt đầu xin vào lớp học ESL, nhưng bất ngờ người sponsor báo cho biết là phải tìm công việc làm ngay. Ông ta trả lời khi bố thắc mắc hỏi, không ngờ sự hiểu biết và những câu trả lời bằng tiếng Anh của bố mẹ đã khiến ông ta cùng Ban Bảo Trợ cho là bố mẹ đã giỏi rồi, nên không cho xin trợ cấp hay đi học!  Thế là bố mẹ lại đôn đáo đi kiếm việc làm, dù trời tuyết đổ lạnh thấu xương mà đường xá lạ, chưa có bằng lái xe. Mẹ vừa mới đi apply , chưa nhận việc là ông Sponsor đã báo với văn phòng Social Security và họ cắt luôn cả Medical của gia đình kể cả của anh em con còn trong tuổi học trò. Bố lại trở về trạng thái trầm uất buồn bực, nhưng biết làm sao hơn khi không có ai đứng ra binh vực giúp đỡ cho gia đình mình.

Tuyết càng ngày càng đổ nhiều hơn, chỉ ngủ một đêm tới sáng không mở cửa ra được vì tuyết đã bám chặt từng lớp cứng ngắc. Bố sợ chúng con cảm khi phải dẫm sâu trong tuyết lạnh, mỗi sáng bố dậy thật sớm mặc trùm áo rồi dùng xẻng xắn xuống lớp tuyết dày hơn nửa thước làm thành con đường dẫn ra ngoài đường lộ, chỗ xe bus đậu đón học sinh. Con chưa cảm nhận được tình thương bao la của bố dành cho con cái nên vẫn vô tư đón nhận không thắc mắc hỏi han. Trong khi đó ở trường học anh em con lại thích chạy ra sân chơi với những bông tuyết bay hay nghịch ngợm nắm từng nắm tuyết ném nhau vui đùa mà đâu có sợ lạnh.

Chỉ  sau 7 tháng, bố trở cơn bệnh ho liên tục nhưng vẫn cố giấu mẹ vì thấy mẹ vất vả đi làm tới hai việc khác nhau cả ngày. Khi bố chịu nghe lời khuyên của mẹ đến gặp Bác Sĩ thì qua xét nghiệm được báo cho biết bệnh tình của bố, bắt bố phải nhập viện để chữa trị. Hậu quả của những trận đòn thù tàn độc làm cho bố bị thổ huyết khi bố còn trong trại tù “Cải Tạo”, khiến 2 lá phổi của bố gần như dập nát.  Bố mẹ đã mệt mỏi càng thêm suy sụp tinh thần. Con là đứa trẻ được sự dạy dỗ kỹ lưỡng của cha mẹ, luôn vui tươi thích hòa ái, không biết căm thù ai xưa nay, nhưng bây giờ thì con cảm thấy không thể đứng chung một bầu trời với bọn Cộng Sản ác nhân. Con đã hiểu vì sao hồi còn nhỏ con bị bố la, cấm không cho học hát bài: “Ai Yêu Bác Hồ Chí Minh Hơn Những Em Nhi Đồng”, hay “Đêm Qua Em Mơ Gặp Bác Hồ”… Con khóc giận bố vì sợ thầy cô phạt khi không thuộc bài. Nhờ mẹ giải thích nên bố đã dằn lòng không còn ngăn cấm con nữa. Lớn lên một chút, con đã hăng hái tham gia nhiều hoạt động để đạt được thành tích “cháu ngoan”. Bây giờ nghĩ lại thấy tự giận mình và càng thương bố hơn.
Trời mùa Xuân tháng Tư nhưng tuyết vẫn còn dầy đặc, con vào Bệnh Viện thăm bố sau giờ học, nhìn bố mà rưng rưng nước mắt. Bố hỏi con bất ngờ:
-         Con có giận gì bố không, có buồn nhớ những khi bố đánh mắng con?
-         Dạ không bố, đó là tại con hư nên bố phải dạy dỗ. Con xin lỗi đã làm bố lo lắng nhiều.
      Bên giường bệnh, hai cha con cùng không ngăn được giòng lệ cảm xúc. Lần đầu tiên bố nắm tay con thân thiện xiết chặt. Cảm giác trào dâng trong lòng và con ôm bố thật chặt.
Con đã vào ở hẳn trong nội trú của trường, vì ngôi trường Đại Học con theo xa nhà quá nên mỗi tuần mới theo bạn về thăm gia đình, ở đến chiều Chủ Nhật lại đi. Hai đêm ở nhà, từ phòng bên này con nghe tiếng bố ho mỗi lúc một nhiều hơn, mẹ đi làm đến hơn 1 giờ sáng mới về và phải cùng thức chăm sóc bố. Mẹ gầy hẳn đi theo bố và hốc hác trông thấy rõ, con nhận thấy quầng mắt mẹ sâu hoắm nhưng mẹ vẫn âm thầm không tỏ lộ sự mệt mỏi. Khi con trở lại trường mẹ còn lo làm thức ăn cho con xách mang theo dù con không muốn mẹ mệt thêm. Mẹ hay trách vì sao con cứ để quên những hộp thức ăn mẹ bỏ công làm riêng cho con. Mẹ ơi, nào phải con quên, vì con không muốn lần sau mẹ phải cực khổ như thế nữa nên cố tình để lại. Con đã trưởng thành và không còn là đứa trẻ nghịch ngợm làm cho bố mẹ buồn giận ngày xưa, không biết từ bao giờ con lại trở nên nghiêm trang đến nỗi bạn bè con thường trêu chọc gọi con là :” ông cụ non”. Từng ngày từng ngày hình ảnh và những lời dạy của bố đã ảnh hưởng tới tâm hồn con. Thương cha mẹ con không biết tỏ lộ nên dồn hết vào việc học.
Vào năm thứ ba Đại Học của con là năm đau buồn nhất, sau thời gian dài chịu đựng căn bệnh quái ác, bố đã rời xa mẹ con con. Cũng may là những ngày cuối cùng của bố con đã nghỉ hè nên thường xuyên bên cạnh để nghe bố dặn dò, dạy dỗ. Những lời ấy hằn âu trong tâm trí con, quặn thắt tim gan con mỗi khi nhớ đến.. Mười mấy năm nay con đã lấy được tấm bằng PHD của ngành Dược như bố hằng mong muốn. Nhưng bố ơi!  Con tiếc vì chưa trả được ngày nào công ơn và sự hy sinh của bố thì đã không còn được nhìn thấy bố trên đời này nữa rồi. Đứa con bất hiếu đành xin tạ tội với phụ thân.


















Bố ơi, bây giờ con đã làm cha nên lại càng hiểu rõ hơn tình thương của bố dành cho chúng con. Mẹ đã lớn tuổi và hay đau yếu, nhưng anh em con dù ở xa nhau vẫn luôn chăm nom đến mẹ, đến nhau. Lời trăn trối của bố trong cuốn Video khiến chúng con khóc đến khan tiếng khi bất ngờ được xem, sau khi đưa tiễn bố đi con vẫn còn trân quý giữ gìn và noi theo. Cho đến trước khi qua đời, bố vẫn không quên trách nhiệm dẫn dắt chúng con. Mỗi lần giỗ bố suốt gần hai mươi năm nay, chúng con họp mặt và là dịp nhắc nhở nhau. Bố hãy yên lòng an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng,  người cha kính yêu của chúng con. Dù hoàn cảnh nào con vẫn luôn hãnh diện được làm hậu duệ, và sống cho xứng đáng với giòng giống của một Sĩ Quan QLVNCH, nhân ái và ngay thẳng.

Kính thư.

Ngày lễ Cha