Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

THU ĐÃ TÀN PHAI

 


THU ĐÃ TÀN PHAI
 
Thu chưa đi ngày Đông tìm đến vội
Tháng Mười Hai mới chớm, đã mơ màng.
Mới hừng đông ánh dương đà lạc lối
Lá trên cành vội vã bỏ đi hoang
 
Gió lặng lẽ thôi đùa trêu cây cỏ
Mây xám giăng mờ mịt bóng, buồn tênh
Mưa hắt hiu, mưa rơi từng sợi nhỏ  
Để lối về chân mỏi, bước chênh vênh.
 
Đường im vắng nhạt nhòa màu sương khói
Giọt nước rơi gợn xao xác bóng người
Mưa cuối Thu, mưa âm thầm câu nói
Phai tàn rồi thanh sắc của thời gian...
 
 
Nhã Giang Thu Tâm

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

MƯA THU GỢI SẦU

 


MƯA THU GỢI SẦU

Mưa rơi mưa rơi, từng hạt rơi ướt vai
Tâm tư bâng khuâng sợi buồn theo tóc mai  
Đôi chân lang thang lặng lờ trong bóng phai
Bên kia sông hàng cây đứng u hoài.
 
Xuân đi qua mau, ngậm ngùi thương kiếp hoa
Bao năm xa quê lòng không thôi thiết tha
Thu Đông tha phương ngầm trong tim xót xa
Sầu vương trong đáy mắt nhạt nhòa...
 
Cuộc sống luôn lầm lũi, người vẫn mang lầm lỗi
Để lại bao đắng cay.
Đời cuốn trôi vội vã, người bước trong vùng tối
Hằn sâu vết u sầu.
 
Xin mưa thôi rơi, trời bừng lên nắng tươi,
Cho tia yêu thương rọi ấm áp cuộc đời
Xin tin yêu đem hạnh phúc đến muôn nơi
Xua tan đớn đau, chỉ còn thắm nụ cười.
 
Nhã Giang Thu Tâm

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

MÙA THU VÀ CHUYẾN TRAVEL

 

Hình 1/ Nhóm 11 người của LT SQTB từ trái sang:

Anh Phạm Minh Đức, Phương Tâm, chị Lê thái Cư, Cúc Điệp, Thu Tâm, anh Nguyễn Hữu Nhân, chị Lê K. Lễ, anh Lê K,. Lễ, chị Lê viết Hoa, anh Lê Viết Hoa, anh Lê Thái Cư.  

MÙA THU VÀ CHUYẾN TRAVEL


Cuối tháng Mười, khí trời buốt giá đủ khiến mọi người phải co ro trong những chiếc áo lạnh dầy cộm khác nhau, nhất là mỗi buổi sáng hay sau khi mặt trời vừa lặn. Mùa Thu Cali đang bắt đầu thay da đổi thịt cho vạn vật, trời bàng bạc mây trắng, một số con đường đã rực rỡ đan các màu lá đỏ chen lẫn vàng khiến những hàng cây ven đường đẹp đến nao lòng. Nền trời được điểm tô những màu sắc thơ mộng, quyến rũ và lòng người cũng theo đó mà có đôi chút lâng lâng.

Hầu như tất cả mọi người đều yêu thích du lịch, tùy theo khả năng tài chánh và điều kiện họ đã đến nhiều nơi trên Thế giới để vui thú với thiên nhiên và các cảnh quan hiếm quý, để hưởng thụ chút thanh thản sau bao nhiêu thời gian lo toan vất vả vì đời sống. Riêng người tị nạn lớn tuổi VN, đa số tìm đến những nơi nào có thể trao đổi cùng ngôn ngữ để dễ dàng giao tiếp. Vì thế, từ bao lâu nay đã có vô số Trung tâm mở ra các chuyến đưa khách đi du lịch khắp nơi trên Thế giới,  hay chỉ ra khỏi thành phố bằng xe bus nội trong ngày, tùy theo địa điểm để ấn định thời gian. Tất cả các hãng xe đều cố gắng tạo mọi sự tiện lợi cùng giá cả phải chăng cho khách tham quan có thể so sánh và chọn lựa. Đối tượng của họ nhiều nhất có lẽ là lứa tuổi cao niên, và trong đó hiện giờ đang có chúng tôi.


Đây là chuyến đến San Francisco, chiếc cầu Golden Gate một địa danh của Hoa Kỳ mà bất cứ ai từ trong đến ngoài nước Mỹ đều mong được một lần chiêm ngưỡng. Điểm thứ hai là Napa nơi trồng nho, sản xuất rượu nho cũng vô cùng nổi tiếng. Theo lịch trình, chúng tôi sẽ được đưa đến những địa danh khác được đánh giá cao mà đa số khách du lịch đều yêu thích.   

Trong chuyến đi chơi ra khỏi thành phố San Jose này, một nhóm anh em thuộc gia đình quân đội của thế hệ nửa thế kỷ trước chúng tôi cùng hẹn gặp gỡ. Những người lính từng trải qua đoạn đường gian nan trong chiến tranh và bị đọa đầy trong lao tù, ở tuổi về chiều họ vẫn luôn trăn trở trong lòng một nỗi buồn chung về quê hương xa cách. Họ tìm đến nhau trong tình chiến hữu, đồng đội bất cứ dịp nào. Một số đã ra đi về miền miên viễn, khiến những người ở lại càng thêm khắng khít nhau hơn.

Từ cả tuần trước mọi người đã xôn xao với phone gọi và tin nhắn, anh trưởng đoàn Nguyễn Hữu Nhân luôn rất nhiệt tình trong nhiệm vụ sắp xếp các chương trình dù chỉ là chuyến đi chơi. Chúng tôi tập trung tại địa điểm Thanh Travel từ 7:30 sáng Chủ Nhật 30-10-22. Mọi người chào đón nhau với những nụ cười tươi hết cỡ mặc dù thời tiết buốt giá khiến ai nấy đều co ro với áo ấm cùng khăn choàng kín cổ. Các chị như thói quen đều chuẩn bị đầy đủ lương thực, không những cho cá nhân mà còn dành cho bạn hữu trong nhóm khiến những chiếc balo hay túi xách căng phồng nặng trĩu. Chưa đi đã thấy vui rồi, bởi chỉ nhìn thấy những khuôn mặt thân quen là đủ để thấy lòng rộn ràng, ấm áp. Tình thân như nồng đượm lan tỏa vì với chúng tôi, sự gặp gỡ các chiến hữu, đồng đội và anh em thân hữu đều là nguồn an ủi không có gì thay thế được. Biết thân biết phận hay quên nên tôi vội vàng chia trước cho mỗi người bánh xôi khúc và bánh bí đỏ đã gói sẵn từng phần để ăn chung cho vui. Chị Điệp phu nhân của anh Nhân sợ mọi người đói nên gói theo hai hộp xôi lạp xưởng đầy ắp. Chị Lễ thì chia từng phần bánh da lợn ngon tuyệt vời. Thực phẩm dự trữ như đi hành quân cả tuần lễ, tôi chợt cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh này.

Xe khởi hành lúc 08:30 AM trực chỉ San Francisco, ngày Chủ Nhật nên đường cũng thoáng dễ dàng di chuyển. Chưa đầy một tiếng sau chiếc xe chở hơn 50 người khách đã lọt vào lòng San Francisco, một thành phố tương đối có đời sống đắt đỏ nhất, giá nhà nơi đây có thể là cao ngất ngưởng so với các nơi khác tại Cali. Nhìn hai bên đường qua cửa sổ xe, tôi có ý nghĩ những căn nhà đã được xây chồng lên nhau, chúng đều vô cùng cổ xưa cũ kỹ và nhỏ bé. Những con đường chật chội với hàng xe nối đuôi, chen chúc nhau chậm chạp như bò lên hay xuống các dốc cao gần như thẳng đứng chẳng thua gì xứ Cao nguyên VN của tôi xa xưa. Những Parking xiên xéo nhỏ xíu cho tôi cảm giác lo lắng vu vơ...  

 Sau khi xe đi vòng quanh khu phố Chinatown, qua đường Pier 39, chúng tôi được thả xuống đi bộ đến mấy khu di tích, đến Union Square, Palace Fine Art. Tuy đã đến San Francisco nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi được thưởng lãm khu Yerba Buena Garden. Nơi đây có nhiều cảnh quan đẹp và một bức tường Thác nước, tuy không cao và hùng vĩ như Water Fall Wall William Công viên Geralf D Hines tại Houston nhưng cũng đủ cho du khách mê mẩn. 


  Cúc Điệp (phu nhân anh trưởng đoàn Nguyễn Hữu Nhân)và Thu Tâm dưới chân Water Fall Wall



   Mấy anh em trong đoàn 


Thêm anh chị Trần Trương nhưng lại thiếu chị Lê viết Hoa, riêng anh Ph. M. Đức làm phó nhòm. 
Tất cả những nét mặt đều tươi vui, hình như lâu lâu được đi chơi một bữa nên có vẻ tinh thần ai cũng phấn chấn hẳn.

Riêng Phương Tâm, một ca sĩ có giọng ca rất mượt mà, ấm áp. Cô cũng là bà xã của anh phó nhòm Liên Trường SQTB Phạm Minh Đức. Ngay từ sáng sớm khi mới gặp mặt, Phương Tâm đã khiến cả nhóm chúng tôi lo lắng khi biết cô vừa trải qua một căn bệnh lạ lùng. Cô không thể nghe được tiếng động, đồng thời không thể nhìn ánh sáng hay sử dụng phone!

Tuy sau một tháng rưỡi điều trị, hôm nay Phương Tâm cũng chưa được khỏe hẳn nhưng cô đã cố gắng để cùng góp mặt. Chỉ mong sao suốt chuyến đi này tất cả mọi người được bình an, sau đó Phương Tâm sẽ hồi phục hoàn toàn vì chương trình tháng 12 sắp tới mà thiếu tiếng hát của ca sĩ là bớt đi niềm vui.


Hơn 10 giờ sáng, nắng đã lên cao trong không khí vẫn còn se lạnh. Ngôi Giáo đường im tiếng đứng xa xa, nhìn nét uy nghiêm và trang trọng khiến tâm hồn du khách tự nhiên cũng trầm lắng trong nỗi suy tư không tên..

Thu Tâm trước ngôi Giáo Đường    



Hơn 10 giờ sáng, nắng đã lên cao trong không khí vẫn còn se lạnh. Ngôi Giáo đường im tiếng đứng xa xa, nhìn nét uy nghiêm và trang trọng khiến tâm hồn du khách tự nhiên cũng trầm lắng trong nỗi suy tư không tên..

KHU PHỐ CHINA

Chúng tôi đi bộ dạo quanh khu phố người Hoa sinh hoạt, buôn bán. Leo lên con đường dốc cao khiến những đôi chân muốn khụy gối, nhất là tôi bước từng bước đi khập khiễng vẫn phải cố theo kịp đoàn người cho đến cuối hành trình. Lòng ước ao... giá chi bây giờ có cây gậy chống thì đỡ biết bao! Nhóm chúng tôi luôn tuột ở phía cuối hàng, vừa đi vừa chuyện trò cho quên đi sự mỏi mệt. May sao tôi chỉ đeo có mỗi chiếc bóp nhỏ xíu mà còn không thở nổi, đáng phục nhất là anh trưởng đoàn khòm lưng với chiếc balo nặng trĩu thức ăn để chia cho mọi người. Anh luôn là người được chúng tôi kính mến vì bản tánh nhanh nhẹn, nhiệt thành và luôn hết lòng với anh em chiến hữu, đồng đội. Anh còn có tài tổ chức, điều động các chương trình từ 3 tới 500 khách nên rất được tín nhiệm, có thời gian anh đã một mình đảm nhiệm tới 4 chức Hội trưởng. Thật đáng nể.

Ngước nhìn lên cao, từng dãy đèn lồng đỏ chói giăng ngang các con đường. Đây là một đặc điểm riêng của người Tàu cho chúng ta dễ nhận biết nhất. Những tấm bảng hiệu, quảng cáo đủ màu sắc, nhất là màu đỏ chiếm đa số rất sặc sỡ treo ngang dọc từ cao xuống thấp trông thật hoa mắt. Thêm một đặc điểm nữa là những gian hàng san sát nhau, từng căn nho nhỏ nhưng hàng hóa từng thùng đầy chất ngất đủ các loại, lối ra vào chỉ chừa một người đi lọt. Không thể lẫn vào đâu được, sự chật chội là điểm chung cho tất cả các gian chợ Á Đông (đa số là của người Tàu), nếu mọi người đã từng đi qua đều thấy r


GOLDEN GATE BRIDGE

Theo tài liệu, Sau khi cây cầu cũ bị hư hỏng, Vào ngày 9/1/1933, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt nhấn nút kích hoạt khối thuốc nổ đầu tiên, đánh dấu cho quá trình xây dựng cây cầu lịch sử trên vịnh San Francisco. Sau 4 năm, trải qua nhiều gian khó cầu được khánh thành vào ngày 27/5/1937. Golden Gate Bridge là một cây cầu treo bắc qua eo biển rộng 1,6 km nối liền vịnh San Francisco và Thái Bình Dương. Cầu này nối thành phố San Francisco, California của Mỹ - mũi phía bắc của Bán đảo San Francisco - đến Quận Marin, bao gồm cả Quốc lộ Hoa Kỳ 101 và Quốc lộ 1 California qua eo biển. Cây cầu là một trong những biểu tượng được quốc tế công nhận nhất của San Francisco, California và Hoa Kỳ.

 

Joseph Strauss, một kỹ sư đầy đam mê khát vọng và trước đó từng xây dựng 400 cây cầu trên khắp nước Mỹ đã đứng ra vận động và thiết kế. Ông là kỹ sư trưởng cùng một nhóm kỹ sư khác cùng hợp nhau để hoàn thành một kiệt tác nổi tiếng trên thế giới.

Sau hơn 80 năm, cây cầu vẫn đứng vững như thách thức thời gian. Nhà sử học quá cố người California Kevin Starr từng mô tả: Cầu Golden Gate là “biểu tượng toàn cầu, một kỳ quan về kỹ thuật và là một tác phẩm nghệ thuật”. Ngày nay, có khoảng 40 triệu lượt xe chạy qua cầu “Cổng Vàng” mỗi năm.



Dưới chân bức tượng vị kỹ sư Joseph Strauss.

Vì sương mù, không thể thấy hình cây cầu Golden Gate xa xa phía sau lưng bức tượng.


Thành phố San Fracisco giờ này hầu như tắt hẳn những tia nắng vốn dĩ rất yếu ớt, dù đã gần giữa trưa sương mù vẫn bay lãng lãng che phủ vạn vật. Trời lạnh thật lạnh đến se sắt thịt da, chúng tôi cùng ngồi gần bên nhau mong tìm chút hơi ấm. Tấm hình như nói lên tình thân giữa anh em đồng đội và thân nhân những người cựu quân nhân VNCH, những người tuy tuổi đã qua con số 7, số 8 nhưng vẫn luôn đau đáu một nỗi thương nhớ quê hương giữ kín trong lòng.


 Dưới chân cầu 


 

Sau khi rời khỏi khu vực của Golden Gate Bridge, chúng tôi được đưa đến một China Restaurant để ăn trưa. Dừng lại nơi đây khoảng hơn một tiếng, mọi người trở lại xe để đến địa điểm kế tiếp:   Thành phố Rượu Nho với tên gọi “NAPA VALLEY”. Theo chương trình trước đó thì Napa là nơi chúng tôi sẽ dừng chân để dùng cơm trưa, mọi người khách du lịch sẽ được vào thử và mua rượu tại trang trại sản xuất rượu nho. Đợt đi này xe chỉ chạy ngang con đường dài cho chúng tôi chiêm ngưỡng cảnh bạt ngàn những luống nho trồng thẳng tắp.

Thung lũng Napa được mệnh danh là “Thiên đường” cho những du khách yêu thích các loại rượu vang thượng hạng. Nơi đây còn bán các loại thực phẩm tươi, có vườn trái cây, nhà máy bia, nhà máy chưng cất rượu, nơi làm pho mai bằng cách thủ công...Rất đáng tiếc vì chúng tôi đã không có dịp được thưởng lãm những việc lý thú kể trên, đồng thời thiếu hẳn những tấm hình kỷ niệm trước cổng chào mừng của Napa Valley. Chỉ có tấm hình bảng hiệu để ghi nhớ cho chuyến đi.

 

NAPA VALLEY

 

Cổng chào của Napa Valley. 


OLD FAITHFUL GEYSER NAPA


Chúng tôi cùng nhau bước vào khu thưởng ngoạn đặc biệt, nơi đây nhận khách thưởng ngoạn có doanh thu tính trên đầu người từng lượt đi vào.

 Old Faithful Geyser được xem như là một trang trại có bảo tàng viện Địa chất cổ vật  tự nhiên.

Bên trong vùng đất có vẻ hoang sơ là   một  hồ nước nhỏ trông không có gì đặc biệt. Ở chính giữa hồ chất một số đá lớn, đánh dấu nơi vòi nước sẽ phun. Những đợt phun trào do mạch nước nóng từ dưới lòng đáy hồ xả ra hơi, làm sức đẩy cho giòng nước phun lên cao.

 


Cái nắng gay gắt của buổi xế chiều khiến ai nấy đều mỏi mệt, tuy nhiên vẫn háo hức để được thưởng thức màn trình diễn đặc biệt của thiên nhiên. Trong khi chờ đợi Old Faithful phun trào, chúng tôi tỏa ra cùng nhau ghi lại những thước phim, những tấm hình kỷ niệm quanh khung cảnh yên bình và xinh đẹp của các rặng phi lao.

Sự chờ đợi làm mỏi mòn tinh thần vì  họ báo từ 30 phút mới có một đợt vòi phun vận động. Mọi người tìm chỗ ngồi nghỉ chân nơi những chiếc ghế êm ái bầy biện khắp nơi và chung quanh hồ..

 

Hình 14/ NƯỚC ĐÃ PHUN  

Rồi sự mong đợi cũng đã đến, mọi người xôn xao đổ ra đứng vòng quanh hồ để xem cho rõ.Cả mấy chục bóng người bao quanh vẫn không đủ che mát nên cả khuôn mặt của Thu Tâm được ánh nắng chiếu sáng rực.

Vòi nước phun thật cao, hơi nước tỏa ra tạo thành nửa chiếc cầu vồng ngũ sắc thật đẹp. Lần đầu tôi được nhìn thấy vòi nước thiên nhiên phun, ước chừng cao lên đến 16 mét. Vòi nước thiên nhiên nầy quả có sức phun thật mạnh và thật mãn nhãn cho du khách như tôi.

Thoạt nhìn từ xa, tôi có cảm tưởng như chiếc lưỡi hái của tử thần trong các truyện tranh thời còn bé hay đọc.  Chiếc lưỡi hãi xinh đẹp đang đứng sau lưng tôi, đợi chờ những du khách thích khám phá sự diệu kỳ của tạo hóa.

Theo ước tính, sau khi rời khỏi nơi đây xe sẽ lên đường trở về vị trí xuất phát buổi sáng. Thấy thời giờ còn sớm hơn dự định, kèm theo lời yêu cầu của một vài vị khách, Tour guide và cũng là chủ của Trung tâm tổ chức đã hướng dẫn đưa mọi người đến nơi cách đó khoảng 15 phút lái xe, Chúng tôi lại có dịp làm người mẫu trước những bóng cây lá chuyển màu rực rỡ. Một ngày dài với tất cả sự mỏi mệt, nhất là ...cái miệng vì phải cười làm duyên nhiều quá!



 

 

 

 


 

Hơn 11 tiếng đồng hồ đã trôi qua để lại dư âm nhắc nhớ. Một chuyến đi có thể gọi là vui nhưng không được trọn vẹn, không hoàn toàn như ý cho nhóm người phải ngồi dưới chót xe như chúng tôi. Chỉ vui vì có dịp cùng nhau tụ họp, đi chơi bên nhau và ăn uống chuyện trò chung, cùng nhau có những tấm hình giữ làm kỷ niệm. Tuy nhiên niềm vui đã bị làn không khí bị ô nhiễm lùa vào khoang mũi khiến chúng tôi khó thở, bị ám ảnh và phải suy nghĩ lại nếu muốn tiếp tục lần sau.

 

Xin cám ơn tất cả quý anh chị, nhất là tài xế xe đã đưa đón chúng tôi suốt thời gian dài một ngày trọn vẹn. Sự an toàn “Đi đến nơi, về đến chốn” của tất cả bằng ấy người là một điều rất may mắn. Xin cám ơn vợ chồng chú Thanh Travels, người chủ vui vẻ nhanh nhẹn của chương trình. Xin cám ơn anh trưởng đoàn Nguyễn Hữu Nhân đã lo lắng, đặt mua vé và sắp xếp cho anh chị em trong nhóm riêng của chúng ta cùng hưởng chung niềm vui một ngày bên nhau. Hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp hơn ở những chuyến đi sắp tới.

 

Nhã Giang Thu Tâm

San Jose 30-10-2022   


MƯA THU VÀ NỖI NHỚ

 




MƯA THU VÀ NỖI NHỚ

Người đã đi rồi, người đã xa
Phần tư thế kỷ vẫn chưa nhòa.
Mùa Thu năm ấy, mùa Thu cuối
Năm tháng dẫu nhòa, còn thiết tha.
 
Anh ở bên trời chắc đã quên,
Phiêu du nơi ấy hết ưu phiền
Đớn đau thể xác thôi càn quấy
Tù ngục đâu còn đến gọi tên...
 
Hình ảnh xa xưa khuấy động lòng
Anh và Thu cũ giữa rừng phong
Ba mươi năm vẫn còn nguyên vẹn
Em nhận riêng mình phận đục trong.
 
Một mình lặng lẽ nhớ Thu xưa  
Có phải tại anh, trời đổ mưa?  
Nhìn giọt u sầu rơi tí tách
Âm thanh còn vọng mãi chưa vừa ...
 
Bên cạnh cuộc đời em vẫn đang
Nhớ anh, nhớ đến dạ mơ màng
Tháng ngày trôi mãi, sao không nhạt
Người vẫn nhẹ về khua giấc hoang.
 
Nhã Giang Thu Tâm

 


Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

TIẾNG CƯỜI CÒN ĐỌNG TRONG TIM

TIẾNG CƯỜI CÒN ĐỌNG TRONG TIM

Chuyến đi chơi xa bất ngờ trong một tuần lễ đã trôi qua mau chóng, bất ngờ cả từ thời gian lẫn nơi chốn đến. Đây Houston, một thành phố có khí hậu khắc nghiệt với cái nóng trên dưới 100 độ. Đây cũng là vùng đất có người Việt sinh sống nhiều thứ nhì sau California, người Việt nơi đây chiếm 2% dân số của toàn thành phố. Đất đai rộng lớn vì chưa được khai thác hết nên nhà cửa có giá tương đối rẻ hơn Cali rất nhiều. Thời gian sau này càng ngày càng có nhiều dân cư từ các thành phố sinh hoạt đắt đỏ khác chuyển về.
Houston được đánh giá là thành phố phát triển về ngành công nghiệp năng lượng, hàng không, y khoa. Đặc biệt là ngành giao thương hàng hải. Nơi đây còn còn có một khu vực lọc dầu lớn nhất thế giới cùng các trung tâm, khu công nghệ sản xuất cao su, phân bón, cả các trang thiết bị cho giàn khoan. ..Nhất là Houston còn có trung tâm Nasa lừng danh thế giới.
** Ngày đầu tiên dạo quanh thành phố trên Đại lộ Ballaire với vô số các cửa hàng mang thuơng hiệu tiếng Việt, suốt 2 buổi chiều ở khu Hồng Kông Mall gia đình chúng tôi lang thang đi ăn hàng và ghé qua các gian hàng bán quần áo, phim và các cửa hàng âm nhạc. Theo thống kê, đây là trung tâm mua sắm của người Châu Á lớn nhất khu vực Đông Nam nước Mỹ. Đến trung tâm mua sắm này ta có cảm giác nó là một thành phố mát mẻ, vì Mall được xây dựng thoáng rộng. Chung quanh là những khoảng vườn đầy màu sắc, các đài phun nước với các vườn hoa súng, bãi đậu xe rộng rãi. Có rất nhiều nhà hàng bán phở và các hàng ăn bình dân, tha hồ chọn lựa. Tất cả những điều này góp phần làm cho Houston hấp dẫn hơn, nó không những là trung tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt mà còn là nơi lôi cuốn những người Mỹ thuộc các sắc tộc Á châu.
1/ Bà cháu, con dâu thứ và con trai Út Trong Mall Hồng Kông.

** Water Fall Wall.

Ngày thứ hai sau khi đặt chân đến Houston, địa điểm được chúng tôi tìm đến là Công trình này được gọi là Bức Tường Nước William, hoặc Công viên Tường nước Geralf D Hines. Công viên có đài phun nước hình bán nguyệt chu vi vòng cung 64 foot, hình thể thác nước tự nhiên. Mỗi phút có 11.000 galon nước tuần hoàn qua các bức tường bên trong và bên ngoài của đài phun, tạo ra đặc điểm riêng. Bức tường nước được thành lập vào năm 1983, thuộc sở hữu tư nhân cho đến khi Thành phố Houston mua lại. Bức tường nước được bao quanh bởi công viên rộng 2,77 mẫu Anh trồng 186 cây sồi. Nhìn tổng quát, đây giống như một ôc đảo nằm giữa thành phố tấp nập, nhộn nhịp người xe. Bức tường nước nằm gần trung tâm mua sắm Galleria, bên cạnh Tháp Williams ( Transico). Tọa lạc trên đường Post Oak Blvd Houston. Chung quanh có các parking xe miễn phí.
Hình 2/ Dưới chân Water Fall Wall – Houston

Hình 3/ Một mình

Hình 4/ Nào cùng nhảy nhé!
Các chàng thanh niên và thiếu nữ thi xem ai nhảy cao nhất. Cố gắng lên, thác cao quá làm sao lên tới đỉnh nhỉ?
Cháu gái tôi, bé Khánh Vy (Ell) thắng cuộc rồi.
Chú Sĩ Hoàng cao nhất về nhì (tại chú to con nhất chứ bộ).
Chú bé con Sĩ Tôn (Jame) chưa kịp nhảy, mất phần rồi.
Còn hai chàng Sĩ Ân (Benjamin) và Sĩ Tấn (Jacob) không thèm giơ tay về tam và tứ nhé.
Chỉ có bà nội là dậm chân tại chỗ, giả bộ giơ tay lên thôi. Lỡ nhảy lên mà xuống không được thì phiền con cháu, lỡ lần sau chúng nó không thèm cho đi chung nữa thì sao nhỉ!
Những cái bóng phản chiếu lung linh trong nắng, những tiếng cười dòn tan trong không khí ấm áp của mùa Thu Houston. Tuy thế, những giọt nước li ti từ trên bức tường tháp nước tỏa ra vương trên áo quần lại khiến cho tôi cảm thấy hơi lành lạnh. Đúng là mình già mất rồi!

Tháp Williams

Hình 5/ Hai mẹ con dưới chân Tháp Williams

Tháp Williams là một tòa tháp chọc trời cao 64 tầng, diện tích 1,4 triệu foot vuông (130.000 m2) hạng A theo trường phái Art Deco nằm ở Uptown District của Houston, Texas. Tòa tháp bắt đầu xây dựng vào tháng 8 năm 1981, và mở cửa vào năm 1983. Tòa tháp nằm trong số các công trình cao thứ 4 ở Texas và cao thứ 44 ở Hoa Kỳ. Tháp Williams là tòa tháp cao nhất ở Houston bên ngoài Downtown Houston. Nó cũng được gọi là "Empire State của phía nam".
Tối đến, cả nhà ( trừ cháu út Jame không biết chơi) ngồi chơi cờ Domino. Bà nội dốt quá chẳng biết tính toán, chẳng nhớ cách chơi nên cứ thua liên miên. Mình thì ngẩn ngơ vì thua hoài mà nghe các con cháu reo hò khi thắng cuộc, lòng tôi lại cất tiếng reo vui. Tự nhiên nhớ chuyện xa xưa, ngày anh vẫn còn và thường trêu ghẹo tôi khi chơi cờ bị thua hoài. Nhớ và buồn...
BẠN TÔI

Gần đến ngày về, tôi lại được gặp người bạn học thời Trung học để ngồi suốt gần 4 tiếng truyện trò. Bên người bạn với bản tánh cởi mở này, tôi có được niềm vui nhẹ nhàng hòa ái để khi về càng nhớ hơn giọng cười cố hữu khó quên, một giọng cười vô cùng sảng khoái, vô tư như không hề có chuyện gì buồn để trong lòng. Câu chuyện của mấy chục năm dài trong quá khứ được nhắc đến. Chúng tôi nói như sợ ai cướp lời, nói như sợ không còn có dịp nữa và nói đến khan tiếng, đau rát cổ họng. Cứ “Mày, tao” liên tục, mặc kệ chai nước vẫn còn đầy nguyên trước mặt, chai nước đứng yên lặng tủi thân, buồn thiu...
Hình 6/ Hai đứa vừa gặp nhau

Hình 7/ TT ra về rồi, Ng. thị Hường đứng buồn thiu trước cửa nhà.

VẤN VƯƠNG

Bạn tôi đang đứng ngẩn ngơ.
Người đi người ở, vần thơ bỗng sầu...
Trời Thu Texsas nắng mầu,
nhuộm thêm tình đậm, ý rầu rầu vương
Cali xa khuất trời thương,
Gặp chi để lại màn sương u hoài...
Thời gian nào có đủ dài,
Bên nhau nhắc thuở hoa cài tóc tơ.
Trả thầy chữ nghĩa ban sơ,
Bạn già còn lại hoài mơ chút tình.
Một thời cắp sách chúng mình,
Nằm trong ký ức muôn hình khắc ghi.
Ngập ngừng trong mỗi bước đi
Chỉ trong giây phút, từ ly thôi đành.
Tuổi trời như chỉ treo mành,
Mong điều hạnh phúc, an lành cho nhau ...    
 
Nhã Giang Thu Tâm
12 Tháng Mười 2022

Ra về, ôm nhau thật chặt, lời chia tay nói ra đến mấy lần rồi mà chưa dời chân nổi, quên luôn cả việc chụp hình trước ngôi nhà, may mà có được một tấm hình khi vừa bước chân vào cửa. Nước mắt rơi tí tách trong lòng tôi, mắt rơm rớm ướt nhưng miệng vẫn cố cười để tỏ ra mình rất vui!
Biết đến khi nào, vâng biết đến bao giờ có dịp gặp nhau nữa đây khi tuổi đời mỗi lúc một lên cao hơn, sức khỏe cũng ngược chiều đi xuống. Để cho mỗi lần đi xa là một lần ngần ngại bởi những khó khăn. Thôi thì hãy giữ lấy kỷ niệm đẹp này nhé Hường, bạn tôi. Nghe đâu đây như vẫn còn văng vẳng bên tai lời bạn nói:
“ Tao về đây đã 16, 17 năm, TT ơi mày là người thứ hai đến thăm tao đó, cảm động lắm. Tao cám ơn mày nhiều lắm nhé”.
Riêng tôi lại phải cám ơn người bạn học, bạn đã là động lực để tôi có dịp đi xa đến một nơi mà nhiều người nghe đều thắc mắc bảo :” Ủa sao đi Houston làm gì, ở đó đâu có nhiều nơi để đi chơi”. Thật tình họ đâu có biết, chân mình có đi được nhiều đâu mà cần nhiều nơi. Đi vì có mục đích mà, chỉ tội cho con cháu mình phải chiều theo thôi.
Trong thời gian gần 4 tiếng đó, các cháu tôi được dẫn đi chơi trò Go- Kart Raceway, Jumping Word ở downtown Houston. Những trò chơi chạy nhảy và đua xe đầy lý thú, thỏa mãn sự hiếu động của tuổi thiếu nhi. Lũ trẻ tha hồ vui đùa, thỏa chí hét hò.

Hình 18,9,10/ Các cháu chơi trò Go- Kart Raceway.

Hình 11/ NASA JOHNSON SPACE CENTER HOUSTON.

Ngày cuối cùng trước khi ra phi trường, chúng tôi tìm đến Trung tâm vũ trụ NASA nổi tiếng, tận hưởng một tour tham quan cơ quan NASA. Tại đây chúng tôi được tìm hiểu về cách thức người ta phóng tên lửa lên mặt trăng như thế nào.
Tôi đã được chạm vào các viên đá lấy từ mặt trăng, những phi thuyền đồ sộ, bộ quần áo đặc biệt của các phi hành gia... Ngồi trong phòng tối xem phim về các cuộc phóng tàu con thoi, các chuyến phi thuyền Mỹ đổ bộ lên mặt trăng từ 1969 cho đến những năm gần đây, xem những phương tiện bay trong không gian thật sự, và khám phá những hoạt động bên trong của Pepsi Martian Matrix. Cuốn phim đưa người xem vào cuộc đời của một phi hành gia từ khi họ nhận thông báo được chấp nhận vào chương trình đào tạo cho nhiệm vụ đầu tiên của họ.



Hình 12/ Bức hình kỷ niệm cả gia đình tại Trung Tâm NASA

Dạo quanh một hồi, đôi chân tôi đã bắt đầu khập khiễng. Sợ mẹ đi không nổi, các con tôi bàn nhau đi hỏi mượn được chiếc “xe lăn”, và thế là tôi được phục vụ tới đến tận nơi khắp mọi chỗ. Muốn đứng ra khỏi xe cũng không được vì các chàng hậu vệ ngăn cấm. Xúc động quá, Huhu

 
Hình 13/ Trên xe "Tram"

Lần đầu tiên được ngồi trên chiếc xe “cao cấp” này, tôi hơi ... mắc cỡ nhưng chả biết sao nặt cứ tươi roi rói và miệng lại cười tươi không ngậm lại được. Lên đến xe “Tram”, loại xe như tàu điện chạy trên đường ray chở khách đi tham quan vòng quanh khu Trung Tâm NASA. Tôi được ưu tiên đẩy lên ngồi hạng nhất, có hai cậu quý tử bảo vệ phía sau! Sự chu đáo và ân cần của tài xế xe khiến cho tôi cảm động vô cùng.
Sống trên một đất nước mà quyền con người được xem trọng, người già và khiếm khuyết hay tàn tật được đối xử vô cùng đặc biết. Luôn ưu tiên trong mọi phương tiện công cộng hay ra ngoài xã hội. Thật ấm lòng thay!
Mặc dù đã có chút kế hoạch trước nhưng hình như chúng tôi chưa kịp làm gì hay quyết định gì thì đã đến giờ chia tay lên máy bay, ai nấy trở lại nơi sinh sống. Suốt chuyến bay trở về tôi cứ ngẩn ngơ buồn. Tất cả chỉ còn là hoài niệm và tiếc nuối những điều chưa hoàn tất theo ý nguyện, tự giận hờn vu vơ...Tiếc vì công trình đi quá xa xôi tốn kém, chỉ có 1 tuần lễ mà mất hết hai ngày phải nằm ở nhà vì đôi chân biểu tình. Bà nội không đi, tội nghiệp cho các con cháu cũng ở nhà hết. Đúng là : “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” như tục ngữ Việt Nam đã viết.
Về đến nhà, trong không gian tĩnh lặng tôi nằm yên ấm trong chăn ấm mà hồi tưởng, mà ngẫm nghĩ. Nhân sinh tại thế, cuộc sống qua đi chẳng dễ dàng gì. Ngày tháng đầy mặn ngọt chua cay, chông gai và cay đắng, hợp tan rồi phân ly đã trải qua. Hạnh phúc xen lẫn bi sầu trong lòng ai cũng cần có người sẻ chia an ủi, tôi đã âm thầm đón nhận và chịu đựng không hề oán trách số phận. Xưa nay vẫn thế, sao bây giờ mình lại tham lam quá, có phải tại càng lớn tuổi càng lẩm cẩm nghĩ ngợi xa xôi, mong ước vớ vẩn. Hay đã biết tủi thân trong nỗi cô đơn tưởng chừng từ lâu quên lãng mất?
Biết nói gì hơn đây khi tôi đang nghĩ và nhớ tới tiếng cười của các con nhất là mấy đứa cháu nhỏ, và của bạn tôi! Tiếng cười như còn vang vọng dư âm, mỗi giọng cười một tính cách một âm thanh khác biệt. Cả mấy ngày sống chung trong căn Resorts rộng rãi, chỉ toàn nghe tiếng lũ nhỏ ríu rít chạy nhảy vui đùa mà không hề có một tiếng khóc nào. Các cháu tôi nói cười giọng trong veo, líu lo nghe không rõ chữ. Những khuôn mặt trẻ thơ và đôi môi chúm chím ngọng nghịu trong tiếng gọi “Bà nụi”, người lớn trẻ con chỉ nhìn nhau cười và cười. Hết hai ngày bà nội đau chân không muốn đi chơi, các con cháu cũng ở nhà luôn cho tôi có dịp nghe thêm các giọng cười.
Nhà Phật đã có câu: “Trần gian là bể khổ”. Thoạt sinh ra trẻ sơ sinh thường gào to mấy chữ nức nở “Oe oe” chứ có đứa trẻ nào cười khăng khắc? Có lẽ vừa sinh ra đã khóc để chào đón những khổ ải gian nan của trần thế sắp gặp phải, khóc để quen với cay đắng ngọt bùi của thế nhân nếu gặp phải khi khôn lớn... Có phải vì thế ta cần nhiều tiếng cười để cân đồng với cái nức nở tự tâm can từ thuở khai sinh, cười để chống lại sự oái oăm của vận mệnh cố đùa cợt dìm ta xuống tận cùng nỗi thống khổ. Cười cũng là hình thức xem thường những ngang trái của tình người. Và riêng tôi nghĩ, cần cười để khi giọt nước mắt đau khổ rơi xuống sẽ vơi đi được phần nào nỗi xót xa, bi thảm...
Mỗi quan niệm đều khác biệt, sự biểu lộ qua tiếng cười cũng tùy người ở mỗi lúc mỗi hoàn cảnh. Hơn thế nữa, tiếng cười còn là một hoạt động mang tính xã hội, là biểu tượng của sự bao dung, tha thứ, thân thiện. Không kể đến giọng cười xã giao để che giấu sự giả dối trong giao tiếp, chế diễu người khác, có những lúc ta cười vì đồng thuận với một ý kiến hiển nhiên và cũng có lúc ta cười vì bất đồng với nó, hoặc có khi cười để tự chế nhạo bản thân.
Tiếng cười được lồng vào khía cạnh sâu sắc như một thi sĩ đã viết: “Cười là tiếng khóc khô không lệ”. Phải thế không, khi muốn giấu diếm nỗi buồn riêng tư, nỗi đau khó tả nên lời người ta có thể biểu lộ bằng nụ cười nhẹ nhàng hay cười lớn tiếng. Nhiều nhà triết học đã định nghĩa con người là “động vật hay cười”. Vui hay buồn đều có thể cười. Có khi cười để tỏ sự mỉa mai thiên hạ “Họ cười tôi vì tôi khác họ, tôi cười họ vì họ giống nhau”! Một thiền sư từng dạy rằng “Ta sẽ dễ dàng cười nhạo bản thân nếu ta bỏ cái tôi của mình đi”.
Một bức danh họa với nụ cười dù nổi tiếng bao nhiêu cũng chỉ là bức tranh quý giá về mỹ thuật. Thế gian này có quá nhiều điều bí ẩn, nụ cuời của loài người dù không phát thành tiếng nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa. Riêng trong tầm tay của tôi, ngay cả các bạn cũng đều đã có riêng cho mình những nụ cười vô giá với đủ cả âm, sắc nhưng trong trẻo vô tư và ấm áp. Những nụ cười hiện thực này chẳng có gì sánh được. Ôi nụ cười và giọng cười của trẻ thơ ríu rít như chim non, hồn nhiên trong sáng và đầy ma lực thu hút cả tâm tư tôi, khiến cho tôi thường tự cười một mình khi lòng xôn xao nghĩ đến, rộn ràng vui sướng khi nhìn thấy. Bấy nhiêu điều nhỏ nhặt ấy đủ mang cho chúng ta nỗi hạnh phúc và sự bình yên.
Thường là những gì qua rồi người ta mới bâng khuâng tiếc nuối, hoài tưởng và nhớ nhung. Tâm trạng tôi bây giờ cũng không thoát khỏi định luật này. Chúng tôi chỉ có một tuần trừ đi thời gian đi và về, còn lại 5 ngày. Hình như có điều gì chưa kịp làm và chưa kịp nói, chưa đủ lấp đầy nhung nhớ của nỗi vắng xa các con cháu đã mấy năm trời, Lại bắt đầu nhớ tới mấy đứa cháu nhỏ xíu ồn ào đáng yêu, nhớ đến không khí gia đình mà tôi đã bao năm thiếu vắng. Việc vội vàng quên cả ôm từ giã các cháu khiến tôi hối hận muốn khóc trên suốt chuyến bay về.
Thế mới biết thời gian quả là hữu hạn, cũng như cuộc đời con người thoáng chốc đã thấy mình ở mốc thời gian gần hết hạn lưu lại trần gian. Chả thế mà thành ngữ Việt Nam có câu: “Bóng câu qua cửa sổ”, hay “Đời người như quán trọ”. Quả đúng vậy, mọi sự việc như tuần hoàn luân chuyển, ánh nắng dù vàng cháy của trời mùa Hạ hay mong manh giữa mùa Thu, Đông cũng chỉ lướt qua vạn vật. Chớp mắt thôi đã di chuyển qua hướng khác của trái đất chứ đâu ngưng lại mãi ở một chỗ cho ta kịp ngắm nhìn, chiêm ngưỡng. Con người sống trên mặt đất cũng chỉ vài mươi năm, như luật tuần hoàn của tạo hóa chứ đâu ai ở lại vĩnh viễn được! Người ta thường bảo “Ngày vui qua mau, ngày buồn kéo dài”. Vâng, tất cả những gì vui vẻ đều qua rất mau như bóng nắng. Nhất là bóng nắng buổi hoàng hôn...
Nhã Giang Thu Tâm
Houston đầu tháng 10 -2022