Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

SINH NHẬT THÁNG BẢY





 



THỨC TỈNH (Truyện ngắn)


 
 Tôi được sinh ra đời từ lâu lắm, tận năm nào đó trong thế giới đầy biến động đau thương  của đất nước. Mẹ tôi vốn là người lo xa cho con cái nên ngay lúc từng đứa con vừa thôi nôi, bà đã sắm lễ vật rước ông thầy Năm ở tận xóm trên về, người mà bà cho là rất tài giỏi môn Tử Vi để ghi chép, vẽ ngang vẽ dọc gì đó, bảo là lá số của mỗi đứa. Và không biết có phải mạng của tôi nằm ở trong cung “Thân cư thê” như ông Thầy lang băm đã “phán” không. Từ lúc tự biết mình thành một thằng con trai trời không cho …đẹp, cho tới lúc có gia đình và rồi đến bây giờ đã đến tuổi “Thất Thập Cổ Lai Hy”, tôi vẫn cứ khốn khổ vì chịu ở dưới “cơ” hết tất tần tật, từ bạn bè cho đến bà vợ nhỏ tuổi xinh xắn đanh đá lắm mồm. Chả nhẽ cuộc đời của anh em tôi đã được khoanh tròn trong mảnh giấy nhỏ bé đó không thoát ra được hay sao?

Tôi vốn là đứa trẻ èo uột từ thuở nhỏ, lớn lên không phát triển như bình thường mà cứ queo quắp nhỏ teo như cái kẹo. Mẹ tôi bảo vì khi mang thai tôi trong lúc loạn lạc đói kém, có ngày phải ăn cám thay cơm nên đã tưởng không giữ được cái thai. Khi lọt lòng mẹ tôi chỉ bé bằng cái chai bia “con cọp” thôi, lại bị bệnh suyễn kinh niên hành hạ nên mặt mày nhăn nheo như chú khỉ con, mẹ đã phải vất vả lắm mới nuôi tôi khôn lớn được. Vì cha đã qua đời từ khi tôi được hai ba tuổi gì đó, nhà có ba mẹ con hủ hỉ nên chúng tôi luôn quấn quýt bên mẹ. Mẹ tôi hay ví von và thường gọi tôi bằng cái tên thân mật : “con heo con của mẹ”. Tôi sung sướng hạnh phúc trong vòng tay thương yêu của mẹ, và chỉ có mẹ mới là người duy nhất không chê tôi xấu xí. Nhà có hai anh em, ngược lại với tôi thì ông anh lại to lớn dềnh dàng và đẹp trai cũng như .. quậy nhất xóm. Biết thân biết phận nên tôi cố gắng tỏ ra hiền lành để khỏi bị người ngoài …ghét. Nhưng trong trường học thì chẳng làm sao né tránh được sự va chạm với đám bạn nghịch ngợm. Chúng thường chê vì sự ốm yếu của tôi mà không cho chơi chung, nên tôi cứ lủi thủi một mình một góc sân ngồi thèm thuồng nhìn ra. Bù lại trời cho tôi trí thông minh và rất khéo tay trong các môn khi cần đến sự tỉ mỉ hay mỹ thuật. Tụi bạn luôn bắt ép tôi phải làm bài tập giúp hay cướp giật bài làm của tôi để sao chép lại, có lần xém nữa cả tôi cũng bị đuổi ra khỏi phòng vì giám thị bắt gặp chúng nó đang xúm nhau chép bài thi của tôi. Tôi không dám chống cự, nhưng âm thầm tìm cách trả đũa làm cho chúng lắm phen điêu đứng mà không trách được tôi. Người ta bảo ông trời luôn có sự công bằng đối với con người, những kẻ nhỏ con thường có đầu óc linh hoạt và thâm sâu hơn người cao lớn. Tôi cũng nghĩ vậy nên thường tủm tỉm cười thầm khi bọn bạn trúng kế chơi khăm của tôi mà phải ngậm tăm.
         Mười hai năm sách đèn qua đi mau chóng, chúng tôi đã trở thành những chàng thanh niên đầy nhiệt huyết. Thi xong Tú tài hai, một số bạn tôi nhập ngũ theo tình hình chiến tranh leo thang lúc bấy giờ. Anh tôi đã tử trận vài năm trước đây để lại sự đau buồn cho gia đình không ít, nên bao nhiêu tình thương mẹ đổ dồn cho tôi cả. Tôi nghiễm nhiên trở thành con trai độc nhất và được miễn dịch hoàn toàn. Mà chắc chẳng Trung Tâm Nhập Ngũ nào thèm tuyển tôi đâu! Tuy thế vì nhà nghèo không đủ tiền học tiếp lên Đại Học, tôi xin làm chân thơ ký quèn với đồng lương tàm tạm để ở gần mẹ. Mẹ tôi có cửa hàng buôn bán hàng xén vì thế cuộc sống hai mẹ con cũng không đến nỗi nào. Mẹ đã nghĩ đến chuyện vợ con cho tôi nhưng tôi chỉ ậm ừ cho qua, vì bà không biết tôi mang mặc cảm khi đã nhiều lần thất vọng trong cuộc theo đuổi các cô gái. Họ chỉ tế nhị mỉm cười nhìn tôi rồi quay đi khi thấy tôi cứ lằng nhằng làm vướng mãi gót chân son…Mà phải chăng tôi dám với cao quá tầm tay, những người con gái này cũng chỉ tầm thường chứ nào được là giai nhân như người ta đâu! Thất vọng thành thất chí đã nẩy sinh ra những vần thơ tình lâm ly bi đát loại con cóc, tôi cũng tự tập ngâm nga hát hò cho quên sầu đời. Sau đó tôi đã có nhiều dịp tham gia và trổ tài trong các buổi sinh hoạt nhóm ở sở và xóm làng. Tôi cũng tự tạo cho mình cái vỏ bọc để che đi khuyết điểm thân xác, dù không cận thị tôi cũng cố sắm cho được cặp kính trắng (không độ) đeo lên, quần áo luôn nai nịt chỉnh tề và trên túi áo ngực lấp ló cây bút với cuốn sổ nhỏ. Đi đến đâu cứ đợi dịp là lôi bút với sổ ra ghi ghi chép chép nhì nhằng, thêm vào gương mặt vốn dĩ đã khó gây cảm tình, tôi còn làm bộ nghiêm trang với đôi mắt lim rim mơ màng xa xôi như đang tìm vần thơ. Kệ ai nói ra nói vào, chẳng gì mình cũng đang là … thi sĩ mà! (tự phong mình lên cho oai chứ làm gì có ai gọi tôi như thế bao giờ!). Bấy nhiêu thôi đủ cho tôi vui với cuộc sống sáng lủi thủi dắt xe đạp ra cửa, chiều tối cong lưng đạp về một mình cô đơn chiếc bóng. Mỗi chiều đón tôi ở cửa, chỉ có đôi mắt mẹ nhìn tôi với sự thương cảm khiến tôi áy náy trong lòng.

       Trời xui đất khiến thế nào mà phong cách “trí ngủ” của tôi, thêm vào những vần thơ tình cóc nhái vớ vẩn đã cảm động được một người con gái. Để một hôm bỗng như từ trên trời rơi xuống, tôi phải loạng quạng muốn té xỉu khi nghe “nàng” chợt thốt lời tỏ tình! Nàng thỏ thẻ rằng thì là mà… đã biết và quý mến tính tình hiền lành (?) của tôi từ lâu, đã được nghe thơ và giọng ca, ngâm của tôi…! Ôi! Cha mẹ ơi! Không phải tôi tin dị đoan, nhưng điềm gì báo trước đây? Tên cúng cơm của tôi là Lê văn Đẹt, cha tôi cứ biền biệt đi chiến đấu nên mẹ toàn quyền quyết định, bà dựa theo hình dạng tôi mà bảo đặt tên xấu xí cho dễ nuôi! Quả đáng tội, tôi cứ nay đau mai ốm xoành xoạch cơ mà! Cuộc đời của tôi từ lúc sinh ra vốn dĩ đã bèo bọt rồi, bây giờ gặp nàng tên.. Dực, ông trời bộ tính thử thách tôi hay sao? Tôi nhìn nàng như một vật thể lạ từ hành tinh xa xôi nào đó, có gì khác thường ở đây chăng? Tôi cố căng đôi mắt nhỏ ti hí để nhìn thật kỹ, trước mặt tôi là một nàng con gái (không biết có đúng không), tầm cao tương xứng với tôi, nét mặt cũng gọi là “thường thường bậc trung” (Kiều). Nàng có đôi mắt xếch, đôi lưỡng quyền nhô cao cùng chiếc miệng rộng có hai mép cong cong, cũng trông có duyên đáo để nhất là khi nàng cười, tôi đâu dám mong gì hơn. Nhưng nhìn thân hình Dực, không biết tại sao lại cho tôi cảm giác ngờ ngợ…. Nàng mặc bộ áo chermi hoa cùng chiếc quần tây đen có nai nịt đàng hoàng trông rất chỉnh tề, nhưng … thẳng đuồn đuột, mới thọat nhìn chắc chẳng ai dám nghĩ nàng là “phi meo” ! Mái tóc trước cuốn búp điệu đàng kiểu tóc của người từ thế kỷ trước, đuôi cột thành túm sau gáy. Trông thì gọn gàng, nhưng khổ nỗi con người xấu xí của tôi lại luôn thích nét thẩm mỹ ba vòng rõ rệt của đàn bà cơ. Mà chắc chắn mẫu người mộng của tôi khác hẳn Dực rồi. Thêm vào đó hai cái tên chúng tôi ghép lại nghe quá lạ kỳ: Đẹt, Dực! Có vẻ hèn mọn nghèo nàn làm sao, ôi chao ơi chả lẽ…thôi thì để đó, cứ quen trước đã rồi tính sau .
  Chỉ trong một thời gian ngắn thôi tôi đã nhận ra cá tánh rất đặc biệt nơi nàng. Dực nhỏ thua tôi 3 tuổi, cầm tinh con cọp (đáng gờm đây!). Lanh lợi, xông xáo, đanh đá, thẳng thắn đến bốp chát không sợ ai mất lòng và lúc nào cũng tỏ ra hơn thua bất cứ chuyện gì. Nàng đã có một mối tình nhưng theo lời kể thì chẳng biết sao “người ấy” đột nhiên biến mất khi vừa hẹn hò lần thứ hai? Tôi hơi sờ sợ rồi, nhưng đây là người con gái đầu tiên tôi được sóng đôi và có dịp nói chuyện nhiều, tôi tự nhủ chắc mình lo xa quá thôi. Tôi muốn đánh bạo thử vuốt râu hùm xem sao, có khi vào tay mình con hổ dữ tợn này lại bị thuần phục cũng nên. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn tiến tới với nhau, mẹ không ngăn cản mà chỉ nhận xét rồi ngần ngại bảo:
“Con nên suy nghĩ cẩn thận, cô gái này có tướng đàn ông và thích cầm quyền. Nếu con chịu nhịn nhục nó thì mới yên nhà yên cửa được.”

         Tôi lại phân vân đắn đo, xưa nay tôi rất kỵ loại đàn bà lắm mồm bắt nạt chồng như bà hàng xóm của mẹ, tôi đã thề không bao giờ thèm rước của nợ này về nhà đâu! Nhưng có lẽ ông tơ bà nguyệt sắp đặt, hay như cái bản Tử Vi từ bé đã định sẵn làm tôi gật đầu cái rụp khi nàng đề nghị muốn theo về dinh với tôi. Chắc tôi sợ nếu chậm chạp bị nàng đổi ý thì tôi lại có nước cu ky đi nốt quãng đường trần, rồi tối tối lại tiếp tục ôm đàn gẩy điệu tình tang “Đời tôi cô đơn” nữa thì chán chết! Thế là chúng tôi thành vợ chồng từ đó, cái đám cưới nho nhỏ nhưng ấm cúng đầy tiếng cười … nhạo. Khắp các bàn đều lớn tiếng gọi cô dâu chú rể :
            “Anh chị … Đực Dẹt, í quên quên Đẹt Dực ơi, lại bàn này cho chúng em chụp chung tấm hình kỷ niệm đi…”
Cuộc sống lứa đôi tuy thăng trầm mà đầy hạnh phúc (tự tôi nghĩ thế). Tôi cũng đã gồng mình vài lần thử nhỏ nhẹ góp ý lặt vặt này kia nhưng Dực vùng vằng trợn đôi như hai lằn chỉ  cho to hết cỡ như dọa nạt tôi, sau đó khóc lóc ỉ ôi, làm mình làm mẩy bỏ ăn bỏ ngủ, có lần xách gói về nhà mẹ đẻ ở cả tuần không về. Tôi đành xuống nước năn nỉ, biết mình đã bị con cọp cái này khống chế ngay từ phút đầu lâm trận, hết đường nhúc nhích. Thôi thì như lời mẹ dạy:
            “Đất không chịu trời thì trời đành chịu đất thôi con ạ!
    Rồi vợ chồng cũng dìu dắt nhau qua được xứ người và nuôi con khôn lớn. Tuy  tiếng Mẽo chỉ được học và nói lõm bõm, tôi cũng nai lưng ra làm hết việc này việc kia, sự khéo léo của tôi được dịp sử dụng, trong ngoài đều một tay tôi cáng đáng. Phần này không đúng với bản Tử Vi rồi phải không quý vị, người ta bảo “Thân Cư Thê” có nghĩa là chồng nhờ vợ. Bạn bè có đứa xấu mồm bảo mạng tôi là con Heo nên bổn phận phải dâng mình cho Cọp? Tôi lại nghĩ khác, vì thương vợ con nên tôi chịu hy sinh thôi. Nhưng có điều buồn cười, tuy không biết tí gì về việc chuyên môn của chồng đang làm nhưng Dực rất thích có ý kiến lung tung, bàn luận linh tinh để tỏ ra sự hiểu biết của mình. Từ từ nàng xen vào tất cả mọi chuyện riêng của chồng con, thậm chí những cú phone của bạn bè tôi gọi đến cũng bị Dực kiểm soát gắt gao bằng cách phải mở to qua speaker cho nàng nghe cùng. Tôi đang nói chuyện mà thấy câu nào không đồng ý, hay muốn thêm ý riêng của mình vào là nàng chen ngang cướp lời không cần quan tâm đến sự khó chịu của người nghe. Dực còn dò xét trong cell phone của tôi đã có ai gọi tới khi không có mặt nàng, rồi tra hỏi cặn kẽ xem nội dung ra sao! Có đôi khi nàng cố ý nói to giữa đám đông cho mọi người phải biết:
 “Quyền quyết định mọi chuyện là ở nơi tôi chứ không phải ổng đâu!”
  Càng ngày Dực càng tỏ ra cái quyền đó dù trước mặt bạn bè hay khách khứa. Tôi chỉ cảm thấy khó xử với mọi người thôi chứ không nỡ phản kháng vì đã bao năm chiều chuộng nhịn vợ quá đã trở thành thói quen, tôi biết mọi người đều ái ngại trong lòng nhưng không ai nói ra thôi! Từ khi nghỉ hưu, tôi vẫn thường mày mò email thăm bạn bè, nhất là những bạn học hay  đồng sự ngày xưa mới tìm được qua mạng lưới Internet. Sau khi chuyện nhà xong xuôi cũng đã gần nửa đêm nên việc nàng càu nhàu trách cứ tôi thức đến hai ba giờ sáng là chuyện không lạ lùng gì. Dực cằn nhằn tôi đủ mọi thứ trên đời muốn rách cả màng nhĩ, dù tánh tôi xưa nay không hề thích lem nhem và luôn cố giữ gìn ý tứ trước người khác phái khác, nhất là với những  phụ nữ độc thân. Mỗi lần cơn hờn giận vô cớ của Dực nổi lên, tôi hay nín thinh. Biết rằng càng giải thích càng khơi thêm điều không hay mà thôi. Tôi cũng hiểu rõ về lòng ganh tị nhỏ nhen của đàn bà đối với nhau. Hơn nữa nếu phải đem so sánh thì vợ của tôi làm sao được bằng người ta, cả về mặt sắc lẫn tài. Điều này ai cũng phải công nhận, riêng một mình Dực là không chịu thua ai và hay sinh chuyện thôi. Còn đối với tôi được người vợ như nàng là quá mãn nguyện rồi.  Sao đi nữa tôi cũng chấp nhận được, miễn là gia đình êm ấm và con cái yên vui.
Người ta bảo vợ chồng sống với nhau lâu năm sẽ ảnh hưởng từ cá tính đến hình hài? Họ trầm trồ khen chúng tôi đẹp đôi và hạnh phúc khi lúc nào cũng bên nhau, rất tương xứng và  có nét mặt từa tựa nhau, không những ăn ý trong từng câu nói từng việc làm mà còn đến thái độ hay giọng điệu đều y hệt nhau. Đúng là :”Phu xướng, Phụ tùy” như lời người xưa đã nói, chắc là trên thế gian này hiếm có đôi vợ chồng nào được như thế…?! Cũng chẳng hẳn như vậy đâu, tại tôi không muốn nói ra điều trái ngược giữa hai đứa chúng tôi thôi. Vợ tôi vốn lanh chanh và dữ tợn mồm miệng, chứ tay chân thì láu táu mà vụng về không ai bằng. Đã vậy còn cứ thích lộ cái dở của mình ra, tưởng lời khen xã giao của người ta là thật!
Nhà có sắm dàn Karaoke để con trai tôi cùng bạn bè nghêu ngao khi rảnh rỗi. Dực vừa giữ cháu vừa tập tành, nhưng khi nàng cất giọng lên cộng thêm tiếng lè nhè phụ họa của thằng cháu nhỏ là cha con tôi chỉ có nước bịt kín tai lại. Ấy vậy mà Dực lại mê hát như điên nên đến nhà ai cũng đòi biểu diễn, theo dõi ánh mắt của họ là tôi đã muốn độn thổ rồi. Tôi đâm ra ghét cái dàn Karaoke và hối hận lắm lắm. Nhưng chưa hết đâu, một hôm xớn xác vừa bước chân vào nhà tôi nghe được câu Karaoke (minh họa)                                       nàng gọi cho bạn:

“Alo, Hằng hả, Diễm đây”. Diễm đâu phải vợ tôi, ai có giọng nói giống vậy? Tôi tá hỏa, lùi ra nhìn kỹ số nhà chỉ sợ đi lạc vào nhà người khác thì đổ nợ! Đúng là nhà mình mà, chết mất thôi!

Trời ạ, sau một buổi tiệc cưới về, nàng còn bắt chước người ta đòi đi hát nhạc “sống” nữa mới khổ thân tôi chứ! Hóa ra mục đích của việc đổi tên Diễm là có lý do. Nàng sửa soạn trở thành ca sĩ đây! Tôi cũng chiều, bèn tìm chỗ cho nàng đi học luyện âm mong sao khá hơn được tí nào chăng, về đến nhà là Dực say sưa tập luyện có khi bỏ đói cha con tôi luôn.
Hàng xóm lại khốn khổ vì suốt ngày nghe những âm thanh như ma kêu quỷ hờn, tôi cố gắng o bế thân thiện với họ vì chỉ sợ một ngày nào đó Cảnh sát đến gõ cửa nhà … Cả ông thầy dạy nhạc cũng phải chạy luôn vì suốt cả năm trời học hành rồi mà kệ thầy muốn đàn ra sao, Dực cứ ngây thơ tự biên tự diễn, gào tướng lên cái giọng như bị ai bóp cổ để lên xuống vào ra giữa những nốt nhạc và giai điệu. Trong khi người khác thì tiến nhanh tiến vững chắc vùn vụt qua mặt nàng xa lắc xa lơ, Dực mắng như tát nước vào mặt thầy khi ông ấy cứ bắt tập đi tập lại mãi có một bài, thầy đành bảo tôi về nhà tự dạy cho vợ đi! Nếu “dạy” nàng được thì đâu đến nỗi… Lắm khi tôi phải tìm chuyện khôi hài có ẩn ý, may ra cô vợ yêu quý của tôi  xì tốp bớt máu đam mê:

              “ Mấy bà hàng xóm thật độc mồm độc miệng, anh đã nói rõ với họ là em hát chỉ để giết thời gian mà họ không tin, cứ nói linh tinh…”

Nàng đang uống nước, tí nữa thì chết sặc: “Họ nói gì thế?”

Tôi đằng hắng dò xét phản ứng của Dực, để cho nàng sốt ruột  rồi mới thu hết can đảm nói thật nhanh:

            “Họ bảo hát hò như em là … giết nhiều thứ chứ đâu phải giết thời gian!”

            Sợ nàng sẽ hỏi tiếp ý nghĩa và nổi tam bành nếu hiểu rõ câu nói trên, tôi vội khỏa lấp:

            “Mấy bà này không biết thưởng thức âm nhạc chút nào, thôi kệ họ đi em”

Dực khoái chí cười sung sướng, đâu lại hoàn đấy!  Tôi đành chào thua, thôi thì
… con dại cái mang. Thằng con trai đã dọn ra ở riêng, chỉ có mình tôi chịu trận vì trót dại yêu em!  Tôi âm thầm một mình lải nhải: “Làm sao giết được người trong mộng, để trả thù duyên kiếp lỡ làng”. Tôi đau khổ gào to lên (chỉ mình tôi nghe thôi) :”Giết người đi, giết người đi…”(Nhạc PD)

Quả đáng tội, có lẽ Dực sinh ra dưới ngôi sao.. chỉ huy. Từ thời con gái chỉ vì quá khôn lanh nên có thói quen là người nắm hết quyền hành trong nhóm và không muốn nghe bất cứ sự phản đối nào. Bây giờ nàng đem áp dụng với chồng con hay bạn bè, khi cần tranh luận việc gì thì luôn luôn Dực cãi đến khi mọi người phải tuân theo mới chịu, nếu không thì nàng ra mặt giận hờn. Vợ tôi có thêm cá tánh đặc biệt rất dễ thương, nàng mà thích ai thì hết sức nhiệt thành nâng đỡ khen tặng, ra sức lôi kéo tất cả mọi người cùng theo người đó, và ngược lại đã ghét ai thì cả tông ti  họ hàng người ta cũng khó sống yên được với Dực dù họ chưa hề đụng chạm gì. Chỉ vì nàng thấy cái bản mặt người này “dễ ghét” thôi, mà số người nàng ưa chỉ đếm trên đầu ngón tay chứ nhiều nhặn gì, lại còn thay đổi người luôn cho mới lạ. Càng lớn tuổi thì những bản tánh đặc biệt này của Dực càng tăng chứ không hề giảm đi chút nào. Tiếc thay lần hồi tôi cũng đã có phần nào bị nhiễm, cũng hay nói hùa theo dù sau đó lại tự xấu hổ vì cảm thấy mình không xứng đáng là một đấng trượng phu tí nào. Nhưng đối với tôi, “Nhất vợ nhì trời” đã thành câu châm ngôn nên thôi cứ để mọi chuyện thuận theo ý Dực cho yên cửa yên nhà. Có vậy tôi mới nhìn thấy được nụ cười trên đôi môi quai chảo của người vợ yêu qúy bé bỏng, hơn nữa nhờ thế tôi sẽ được yên thân không bị rầy rà đến nhức đầu!  Ngược lại Dực tỏ ra thương yêu và sẵn sàng binh vực chồng con hết mực đến mù quáng nên tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Có phải hạnh phúc đều tùy theo sự chọn lựa của mỗi người ?

 Vài hôm trước đây thôi, chuyện xảy ra bất ngờ làm thay đổi hết nhân sinh quan cũ của tôi
“ Sao dạo này tui thấy ông ăn mặc chỉnh tề quá dzậy?

Tôi ngừng tay quay lại ngạc nhiên:

“Ra ngoài thì mình cũng phải chỉnh chu chứ em, anh vẫn thường mặc như thế       mà?”

Nàng thay câu hỏi khác cho câu trả lời:             

“ Nhưng tui đã bắt gặp ông cười nói với bà Cam rồi đó nhen, tui không thích bả”

Tôi cố giải thích:

“ Vì phép lịch sự khi chào hỏi thôi mà, đâu có liên quan tới thích hay không thích người ta?

Nàng vẫn ngoan cố chống chế một cách vô lý:                                

“ Bả làm phách, thấy tui mà không chào, tui không ưa”

Tôi vẫn từ tốn:

“ Dzậy em có chào người ta trước không?”

Nàng đột ngột hét bên tai làm tôi giật mình:

“ Tui ghét mấy người phụ nữ độc thân, mắc gì lúc nào cũng ăn diện cho đẹp để chi vậy, đi quyến rũ đàn ông hả?, tui không thèm chào”.

Tôi vẫn ôn tồn và lắc đầu ngao ngán:

“Dzậy thì đừng trách người ta không
chào mình, mình nhỏ hơn đáng ra phải là người chào trước chớ. Sao lại đi trách ngược ngạo dzậy? Hơn nữa người ta có quyền diện đẹp vì đó là bản năng của đàn bà. Em cũng thích diện đó, hổng lẽ ai ăn mặc đẹp là đi quyến rũ người khác sao,  em vơ đũa cả nắm như thế không tốt đâu. Mà người ta xinh đẹp như vậy thiếu chi người để ý tới, ai thèm ngó ngàng những người như anh mà em ghen tuông chi cho mất công?”         

“Này ghen này, tui mà thèm ghen hả?”                               (Hình minh họa)

Bất ngờ đang cầm cuốn sách, nàng vừa hét lớn vừa dơ cao đập xuống tới tấp trên chiếc đầu đã gần như láng bóng trơn tuột của tôi làm tôi đỡ không kịp, choáng váng. Tôi định thần nhìn kỹ người vợ đầu ấp tay gối đã bao nhiêu năm, không phải ngạc nhiên mà là ghê sợ. Khuôn mặt cô ta bây giờ như một con quỷ dữ hiện hình. Đây không phải lần đầu tiên cô ấy tỏ thái độ hung hăng như thế, mỗi khi bị phật ý thì Dực lại lồng lộn lên bất kể đang cầm cái gì trên tay, bất kể đang ở trước mặt bạn bè hay con cái. Khi thì chai nước đang uống dở, lúc thì cái áo, khăn tắm hay tờ báo. Lần nào cũng nhè trên đầu tôi mà đánh xuống, tuy không đau đớn nhưng tôi bị tổn thương trong lòng không ít. Vì tâm niệm tránh sự ồn ào trong gia đình và không muốn cho con cái buồn nên tôi vẫn nín nhịn bỏ qua. Lần này thực sự là quá quắt lắm, Dực đã đi đến mức độ như câu người xưa nói: “Được đàng chân lân đàng đầu”.

Không nói gì thêm, tôi dằn lòng ôm đầu “máu” đứng lên lẳng lặng vào lấy gối ra phòng khách ngủ, quyết phải tìm ra cách gì mới được! Đến nửa đêm vẫn trằn trọc mãi vì khó thở quá làm tôi hắt hơi và ho liên tục. Dạo sau này càng lớn tuổi thì cơn hen suyễn lại trở lại hành hạ tôi liên miên, tôi đã phải kiêng cử đủ thứ thức ăn từ thịt thà, cá mú cho tới cả trứng gà cũng không dám đụng đến. Dực thấy vậy nên tự làm bạn đồng hành cử kiêng chung để tôi khỏi buồn. Thế là hai vợ chồng ăn tuyền rau và các loại hoa quả, đậu hạt, vừa chữa bệnh vừa giảm được sự thừa cân. Đã lâu rồi bệnh tôi đỡ được nhiều lắm, bữa cơm chiều tôi cũng chỉ dùng một thực đơn giản dị như thế thôi mà không hiểu sao.. Cơn ho liên tục khiến hai lá phổi tôi như bị bóp chặt, thân thể bỗng lạnh toát. Tôi run rẩy trở ra bếp pha một ly nước ấm với ít gừng tươi và mật ong uống rồi nằm co ro cho đến giờ phải trở dậy đưa cháu đến trường. Chiếc TV mở sáng đêm chỉ để có tiếng ồn, có lẽ chiếc TV “coi chừng” tôi thì đúng hơn tôi coi “nó”.


       (Hình minh họa)                                                                  ***

Tôi bật ngồi dậy, thể xác thanh thản và nhẹ tênh không lực cản, thoắt cái tôi thấy mình đã lơ lửng ở trên cao làm chới với một lúc mới giữ vững được thăng bằng. Từ khoảng không gian trống trải mát rười rượi, nhìn xuống và tôi bỗng thảng thốt…hình như thân thể mình đang nằm bất động trên mặt đất trong tư thế co quắp, ngay dưới chân chiếc xe hơi mở toang cửa đậu trong parking lot khu Nursing home vắng vẻ, ngoài đường xe cộ vẫn đang lưu thông qua lại. Trên tay tôi còn nắm chặt chiếc phone như vừa có cuộc gọi nào cho ai. Tôi bàng hoàng chưa nhớ được chuyện gì đã xảy ra cho bản thân mình,  mới hồi nãy đây tôi vẫn còn lái xe đưa cháu đi học, rồi đến thăm người bạn già nằm trong khu này kia mà? Đang cố định thần để nhớ lại mọi chuyện thì tiếng hét to nghe quen quen đã khiến tôi giật mình. Ai như Dực, vợ yêu quý của tôi cùng thằng con trai tên Phi vừa lái xe đến, Dực vội vàng chạy tới bên xác tôi miệng la chói lói. Sống với vợ mấy chục năm, cứ bị giật mình thon thót vì nghe tiếng nàng hét hoài mà tôi không bị bệnh tim kể cũng là chuyện lạ.

-         “Anh ơi, anh bị làm sao vậy, có ai cứu chồng tôi không?”

-         “ Mau mau gọi 911 đi con

Nhìn thấy vợ con luống cuống lo sợ, tôi lại gần cất lời an ủi nhưng chẳng ai trả lời tôi, thậm chí họ không thèm nhìn tôi lần nào mà cứ chăm chăm bên cái xác không hồn kia. Một vài người đến gần đứng ngó. Mấy chiếc xe cấp cứu đến rồi họ mang tôi đi, tiếng còi xe cứu thương hụ liên hồi…tôi lơ lửng trên không theo sát họ. Xe dừng, những người mặc áo blue trắng túa ra đón chiếc băngca chở xác tôi vào phòng cấp cứu, rồi đặt lên một cái bàn vừa đủ chỗ nằm, chung quanh có nhiều dụng cụ y khoa, những bác sĩ cùng y tá trong áo blue trắng với khuôn mặt lo lắng đang bận rộn chạy tới lui, họ cố sức cứu chữa các cho bệnh nhân một cách vất vả.  Lúc đó tất cả thân nhân phải đứng chờ bên ngoài. Từ trên trần nhà tôi thấy rõ mọi việc. Chao ơi, họ giăng kín người tôi những giây nhợ ống nọ ống kia, trên mũi thì chụp một mặt nạ tiếp hơi. Họ cứ tiếp tục hí hoáy trên thân thể tôi mãi chưa xong. Góc kia đang có người bị tai nạn xe thân thể tắm đầy màu đỏ, tôi thấy chóng mặt và kinh hãi nên hét to lên nhưng có ai để ý tới tôi đâu. Tôi muốn rời xa nơi này, thật ra tiếng rên rỉ và bầu không khí ngột ngạt ghê rợn trong phòng khiến tôi muốn tránh đi, tôi vốn yếu tinh thần mà.  Xuyên qua cánh cửa và tôi vụt đi đến gần vợ con. Họ đang nghiêng ngả ngồi dựa vai nhau, chắc vì mệt mỏi lo lắng quá độ… Thôi để họ yên vì tôi biết có làm gì họ cũng không biết đến sự hiện diện của tôi đâu. Tôi lang thang khắp trong những hành lang yên tịnh sạch sẽ mát rượi, tôi tò mò ghé vào một phòng có hai người nằm cách nhau tấm màn che. Một người đàn bà hình như là người Mễ còn trẻ tuổi to lớn dềnh dàng đang nằm rên la, cô ta bị cưa cụt cả hai chân và một tay đến giữa khuỷu vì bệnh tiểu đường. Tôi buồn rầu thương cảm, không biết cuộc sống mai sau ra sao với thân thể như thế này.  Người nằm phía trong là một ông cụ tóc đã bạc trắng cũng bị tiểu đường và hai mắt đã mờ đục, chỉ bị mất một chân lên tận bẹn đang ngồi cạnh giường. Tôi nhanh chóng rời khỏi căn phòng có hình ảnh đau lòng này.  Tôi thử tìm lên trên lầu xem sao…

 Cuộc thám hiểm bị gián đoạn, tôi ngơ ngác thấy mình đang nằm trên chiếc giường của căn phòng nhỏ nồng nặc mùi thuốc men,                          (hình minh họa)
chiếc bình oxyzen trên đầu giường thông với mũi miệng tôi qua một đường giây và mặt nạ dưỡng khí. Dực đang đứng bên cạnh bù lu bù loa làm cho những bệnh nhân trong phòng chú ý nhìn. Tôi cố gắng đưa tay lên ra hiệu cho nàng im lặng bớt nhưng không nói ra lời. Biết tôi đã tỉnh, Dực càng khóc và lớn tiếng gọi Bác sĩ inh ỏi khiến đầu tôi bưng bưng muốn tiếp tục trốn vào cơn mê. Ánh điện sáng choang soi rõ khuôn mặt vị Bác sĩ cao lớn đẹp người đang tươi cười nhìn tôi. Ông ta hỏi bằng tiếng Anh làm tôi chỉ hiểu lõm bõm, may nhờ có đứa con trai thông dịch lại. Ông ta nói chuyện với con tôi và hỏi là tôi có thường bị chứng (depression) không? Thằng Phi con trai tôi nhìn Dực và tôi ngầm hỏi, tôi tránh ánh mắt nhìn của nàng không trả lời. Thì ra tôi bị viêm đường dẫn khí quản do trầm cảm và buồn phiền điều gì lâu năm dẫn thành bệnh mà không biết. Bệnh này tuy vậy nhưng không nên xem thường. Vị Bác sĩ nói chuyện và dặn dò con tôi điều gì đó trước khi rời chân.

Chắc có lẽ nụ cười đáp tạ giống như mếu của tôi lúc này khiến cho vị Bác sĩ áy náy. Ông lại nhè nhẹ vỗ vai tôi rồi quay lưng bỏ đi.

“Everything will be alright. Please take care”

            “Thanks, sir”

Tôi khoát tay bảo vợ con đi về cho tôi nghỉ ngơi. Dực nhìn tôi nhòe nhoẹt nước mắt, nhưng vẫn lên tiếng trách móc:

“ Nếu hồi hôm anh không ra nằm ngoài ghế sofa thì đâu có bị như dzầy.!”
 
Tôi không thể và cũng không muốn trả lời nên nhắm mắt lại. Thằng Phi thấy vậy ngoắc mẹ nó ra ngoài thì thào nho nhỏ rồi cả hai mẹ con ra về. Tôi một mình nằm lan man suy nghĩ để nhớ lại mọi chuyện. Thì ra lúc thăm người bạn già trong nursing home xong tôi định lên xe lái về thì bỗng cơn ho lại đến dồn dập khiến tôi thở không được, té nhào xuống đất may mà vừa kịp gọi cho thằng con trai trước khi ngất đi. Tôi suy nghĩ không biết nên buồn hay nên vui vì vừa được cứu thoát.  

         Biết buổi tối Dực lại vào thăm, tôi nhắm mắt nằm im giả ngủ. Nhưng nàng đã ra sức cố bắt tôi phải mở mắt ra nhìn, mũi miệng tôi vẫn còn bị bịt kín nên khỏi phải trả lời trước những câu nói lèm bèm của nàng. Không biết từ lúc nào tôi đâm ra không thích có vợ bên cạnh. Dực nhè nhẹ lau mặt mũi tay chân cho tôi, tôi bất động không tỏ ra phản ứng gì. Suốt bao nhiêu năm nay tôi mới nhận được sự nhẹ nhàng này của vợ, trong lòng cảm thấy sung sướng và có chút cảm động nhưng nét mặt cứ tỉnh bơ. Nàng thao thao bất tuyệt kể lể con cà con kê, cả dùng sách lược nước mắt lưng tròng cho tôi thương xót tình nàng nữa chứ, nhưng Dực vẫn nhất định không chịu nói câu gì tỏ ra hối hận. Được một lúc lâu, chợt nhận ra đang đụng vào tảng băng lờ của tôi nên Dực im lặng đưa mắt ngó chăm chăm tôi dò xét. Tôi áp dụng bài tình vờ càng điêu luyện hơn, mặt cứ trơ ra không cảm xúc và hai mắt ngó thẳng lên trần nhà như mải tìm kiếm điều gì quan trọng lắm. Chắc nàng tưởng tôi đang tìm vần thơ như hồi hai đứa chưa lấy nhau chăng, nguồn cảm hứng ấy trong tôi đã cụt mất từ lâu lắm rồi, từ dạo nàng mới về … canh cặp xét ví của tôi cơ. Mà thật vậy, làm sao tôi có cảm hứng xuất thành thơ được trước một dung nhan chẳng có chút thơ mộng nào. Đã thế lại còn… Tôi tự trách bản thân mình quá nhu nhược để nàng cướp mất quyền làm chủ (nhà),  như thằng Trung Cộng cướp đất cướp biển của VN ta cũng do mấy tên lãnh đạo ngu dốt hèn mạt đó. Dân chống đối Trung Cộng thì CA đánh đập tàn nhẫn rồi bắt giam có khi mất xác trong đồn, dân biển bị đuổi giết và cướp sạch nguồn lợi mà chẳng biết làm sao. Giặc đã vào nhà ăn dầm ở dề và sinh con đẻ cháu rồi, muốn đuổi đâu phải dễ dàng. Thế nào cũng còn để lại gốc rễ xấu, và tôi cũng thế thôi! Chao ôi là tức cho thân trai, dù gì mẹ tôi cũng mất bao công lao nuôi nấng tẩm bổ và thương yêu lo lắng. Bây giờ bà không còn nữa, chứ nếu nhìn thấy thảm cảnh của tôi chắc mẹ đau khổ còn hơn tôi lúc này. Nghĩ tới mẹ làm tôi bỗng thương cảm để rơi những giọt nước mắt nóng hổi. Tôi là đứa con bất hiếu quá, khi đầy đủ sung sướng thì mẹ không còn để phụng dưỡng. Ngày bà còn sống tôi cũng không để ý tới cảm xúc của mẹ, mà Dực lại càng tệ hơn nữa. Nàng luôn chê bai về cách bà chăm sóc con cháu và đố kỵ với mẹ chồng đủ thứ. Tôi mê mải với hạnh phúc riêng mình và quá chiều vợ nên không dám phản đối dù biết rõ hành động của nàng là sai. Chắc là mẹ buồn lắm mà không nói ra thôi! Hèn gì khi tôi bảo lãnh mà mẹ không đi theo, bà nói muốn ở lại với mồ mả ông bà… Ngày mẹ mất tôi không về kịp, chỉ gởi tiền về làm đám vì vợ bảo không muốn cho tôi về một mình, mà nàng đang đi làm không xin nghỉ phép được. Đứa con độc nhất mà mẹ cưng chiều đã trở nên vô tình như thế đó, và bây giờ đến cuối đời tôi mới nhận ra, chỉ có mẹ mới là người thương yêu và hy sinh tất cả để lo cho tôi tôi chu đáo nhất.  Tôi đã làm gì vậy, Mẹ ơi, hãy tha tội bất hiếu cho con!

         Nước mắt tôi tuôn ra không ngừng, tôi nấc lên từng cơn như chưa bao giờ được khóc. Dực ngạc nhiên giây lát, chợt nàng vòng tay ôm lấy tôi rồi cũng tấm tức khóc theo, nhưng chắc chắn hai ý nghĩa không đồng điệu. Dực không bao giờ hiểu nổi một tâm hồn nhạy cảm như tôi, cuộc sống của nàng luôn đánh giá bằng sự cân đo đong đếm qua từng con số thực tế. Tôi cũng mù quáng lao theo ý thích của vợ mấy mươi năm ròng rồi. Tôi thấy mình nhục nhã quá chẳng còn mặt mũi nào nhìn ai nữa. Tôi nấc lên, tự nhiên tim tôi lại đau nhói khủng khiếp, hai lá phổi như bị bàn tay vô hình bóp đến ngộp thở. Tôi ôm ngực nhăn nhó ho và ho liên tục đến bật cả mặt nạ dưỡng khí trên mũi mồm ra, có tiếng của Dực hét lớn bên tai gọi Bác sĩ … Cơn đau đột ngột ngưng, bỗng nhiên tôi thấy mình một lần nữa đang lơ lửng trên cao nhìn xuống ở dưới xem mọi người chộn rộn lăng xăng, họ lại hối hả đẩy tôi đi qua căn phòng khác. Tôi chán nhìn thấy cảnh buồn bã ở đây rồi, ngay cả khuôn mặt vợ. Lần này tôi vượt qua cánh cửa và lướt nhẹ lên cao, một đám mây bay ngang qua che lấp mọi vật dưới đất, tự nhiên hấp lực của việc được một mình đi khám phá thế giới bao la kỳ bí trước mặt khiến tôi rời xa hướng Bệnh Viện. Thật quái lạ, tôi không cần vận dụng đến sức lực chút nào, và bàn chân vẫn chưa nhúc nhích mà mới chỉ nghĩ mình muốn đi tới càng xa càng tốt, thế là tôi lướt đi như bay giữa đám mây bềnh bồng mềm mại.  Khoảng chân không như vô tận trước mắt cho tôi cảm giác vừa thoải mái vừa pha lẫn tò mò. Sự sung sướng như rạo rực cả tim gan, tôi không biết dùng từ gì để diễn tả. Cuộc đời tôi đã trải qua bảy chục niên kỷ, cũng là lần đầu tôi cảm nhận được sự thích thú bay lượn theo cách hình dung của người đời xưa nay: “cưỡi mây đạp gió” như hằng mong mỏi. Đúng thế, tôi đang một mình ở giữa đám mây trôi nổi trên lưng chừng trời. Chung quanh yên tịnh chỉ nghe tiếng gió thổi nhè nhẹ làm chao động làn mây bao chung quanh, đem theo hơi lành lạnh dễ chịu. Tôi cứ lướt đi, đi mãi giữa bầu trời mênh mông bát ngát như vô tận không biết bao lâu, đã vượt qua bao nhiêu đồi núi xanh tươi, những bãi sa mạc trắng xóa khô cằn, những bờ biển bạt ngàn sóng vỗ,
qua rất nhiều đô thị sầm uất đầy xe cộ tấp nập cùng hàng trăm ngàn ngôi nhà cao tầng chót vót… Thật là yên tịnh, dễ chịu quá, thỉnh thoảng chỉ có vài cánh chim đồng hành với tôi được một đoạn rồi tách ra hướng khác. Những đám mây mang nhiều hình thù tạo cho trí tưởng tượng của tôi thêm phong phú, ước gì có được điều kỳ diệu như trong sách vở thời thơ ấu, trong phim ảnh hay trong truyện kiếm hiệp đã từng xem. Ước gì trên này có chỗ trú chân thì tôi sẽ tình nguyện không trở về trái đất nữa. Tôi yêu bầu không khí thanh tịnh và trong lành này quá! Gió và hơi lạnh cứ phả vào mặt mũi cay xè làm nước mắt tôi nhỏ xuống long lanh, tôi nhắm mắt lại thả lỏng cho thể xác và tâm trí bềnh bồng.

 “ Anh Đẹt ơi, anh đừng bỏ em nghen, tỉnh dậy đi . Sao anh ngủ lâu dzậy?”

 Một bên vai tôi có người lay mạnh,tôi cố gắng mở mắt ra nhìn. Vợ con và cả thằng cháu nhỏ đang ở chung quanh tôi. Khi nghe nói tôi đã mê mệt trong giấc ngủ cả ngày dài, đột nhiên tôi mơ ước được tiếp tục như thế chứ đừng thức dậy nữa. Tôi vẫn phải thở bằng dưỡng khí, nhìn con trai và đứa cháu nội bé bỏng mà đau quặn cả ruột gan. Thằng bé nhào tới đòi ôm tôi nhưng cha nó giữ chặt lại. Tôi cười méo mó trong chiếc mặt nạ che hết nửa mặt, đưa tay nắm lấy bàn tay bé xíu dễ thương của cháu bóp nhẹ. Nó líu lo:
         “Ông nội mau về chơi với con rồi chở con đi học nha, đừng nằm đây nữa. Không có ông còn buồn lắm”
         Vị Bác Sĩ đã trở lại, ông cười nhìn tôi:

            “Take it easy, you will be well very quickly. However, you have to stay a few more days. We need to make sure.  Okay?”


         Sau thêm 3 ngày nữa tôi được xuất viện, lần này tôi mới hiểu sức lực của tôi đã đến hồi cạn kiệt mất rồi. Nếu không có biện pháp gì thì chắc tôi phải cầu xin ông Diêm Vương đến rước tôi đi! Về tới nhà, đợi cơm nước xong xuôi tôi mới gọi vợ con lại để nói chuyện. Thấy vẻ khác thường của tôi Dực cũng hơi e ngại, lần đầu tiên tôi nhận ra dáng điệu  khép nép một cách đến buồn cười của nàng. Có lẽ tác dụng những giọt nước mắt của tôi đã thấm, hay con tôi đã theo lời dặn của Bác sĩ mà giải thích gì đó cho mẹ nó.…Tôi cố thu hết can đảm nghiêm nét mặt rồi đằng hắng lấy giọng trước khi vào đề:

         “Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, cuộc sống nay còn mai mất không ai biết trước được nên tôi có mấy điều dặn dò hai mẹ con. Tôi đã sống tròn bổn phận với gia đình, không còn gì để nuối tiếc. Bây giờ nếu bất ngờ một ngày nào đó tôi nhắm mắt xuôi tay thì đừng có đau khổ làm gì. Cứ rải tro cốt tôi ra biển, rồi mẹ con tùy mà sống.”

        Hướng về con trai, tôi nhấn mạnh:

        “ Vợ chồng con cố gắng giữ sự tương kính với nhau,  đừng sử dụng thái độ lấn lướt quá

đáng thì mới hạnh phúc được, và hãy trọn đạo hiếu thảo với cha mẹ vợ của con. Hãy nhớ lời ba: “Sống chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi”, câu này không sai đâu con. Con cái của con sẽ nhìn những hành động của các con làm mà trả lại sau này. Bất cứ đối với vợ chồng hay anh em hoặc xã hội,  sống có tình có nghĩa với nhau thì không cần phải hối hận lúc đã chia xa.”

  Thằng Phi nhìn tôi hiểu ý lời nhắn này chủ yếu là dành cho mẹ nó, nhưng sợ mà không dám nói, chỉ cúi đầu “Dạ” với đôi mắt buồn buồn. Vợ tôi không la khóc ồn ào như thường lệ, mà lại bên cầm tay tôi rồi nghẹn ngào thốt ra câu nói nhẹ nhàng làm cha con tôi ngạc nhiên, tuy nhiên cũng không bỏ được hàm ý trách móc:

     “Ông nói gì như lời trăn trối dzậy, không có ông làm sao tui sống được,  tui đã hối hận lắm rồi. Ông đừng buồn tui nữa mà hãy mau khỏe lại đi nha.”

Lực vừa nói xong liền òa lên khóc rưng rức, tiếng khóc của lòng biết lỗi ư, chưa bao giờ có chuyện này trước đây! Cha con tôi nhìn nhau ngầm chia sẻ, căn nhà đang u ám bỗng như có ánh bình mình rọi vào cho bừng lên sinh khí mới.

   Tôi nhắm mắt cố giữ im lặng nhưng trong lòng cười thầm, hóa ra Dực cũng biết giá trị của ông chồng già này sao? Hình như từ trong điều rủi lại gặp điều may cũng nên, và sau chuyến thập tử nhất sinh này tôi đã học hỏi được một điều quan trọng. Tôi biết mình không thể đòi hỏi ở sự hoàn hảo của mọi người, vì chính bản thân cũng còn nhiều điều thiếu sót. Hơn nữa hành động nào của một người cũng đều liên đới hay phát xuất từ một người khác. Biết đâu do sự nhu nhược quá của tôi mà hình thành một cô vợ như Dực? Chợt nhớ ngày xưa tôi đã được đọc một cuốn sách do Nguyễn Hiến Lê dịch lại, tác giả hình như là người Đức gốc Do Thái tên Luise Rinse đã viết lại đời mình trong tác phẩm “ Chấp Nhận Cuộc Đời ”. Bà từng có một cuộc sống vô cùng chìm nổi tưởng chừng bị xử tử trong tay Đức quốc Xã, một đời chồng chết, một đời ly dị, chín lần dọn khỏi những căn nhà do chính sự gian lao của mình mới tạo dưng được. Cuối cùng phải rời bỏ quê hương tha phương cầu thực nơi xứ Ý… Một người đàn bà đã phải chịu nhiều cuộc khủng hoảng về tinh thần như thế mà vẫn vượt qua được để trở thành người can đảm nhân từ. Bà vẫn tìm ra được một nhân sinh quan không bi lụy mà cũng không lạc quan dễ dãi để sống tiếp một cuộc đời có ý nghĩa. Huống chi thân tôi có đáng gì để so sánh? Giá mà tôi được đọc cuốn sách nào chỉ cho cách ứng phó với người có cá tánh đặc biệt như vợ tôi từ lâu, hay tôi có đủ can đảm hơn thì đâu đến nỗi!

         Cũng mong rằng mọi người đều được hạnh phúc trọn vẹn, chứ không phải như tôi để muộn màng và xém mất cả mạng mới thức tỉnh, phí mất bao nhiêu năm tháng. Tôi đúng là người đàn ông thất bại đáng chê trách! 

Nhã Giang 
(Tất cả hình ảnh lấy từ Internet, chỉ để minh họa)


  





Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

NGÀN NĂM VẪN CHƯA QUÊN (Nhạc)






 Ngàn Năm Vẫn Không Quên

Nhạc : Phạm Duy
Tiếng hát : Ý Lan
Như một dòng sông nhỏ
Cuộc tình đã ra đi
Ra đi cùng năm tháng
Ra đi tít muôn trùng

Ôi cuộc tình thơ mộng
Chỉ còn thoáng dư âm
Năm năm rồi không gặp
Mười năm mất nhau không
Có mất nhau không?

Thời gian là lệ úa
Nhỏ xuống tình không tên
Hỡi người miền xa lắc
Người còn nhớ hay quên

Làm sao mà quên được
Ánh mắt với nụ cười
Đêm tình nhân huyễn mộng
Tạ ơn người gối chăn
Nhớ xin tạ ơn đời, nghe không!

Như từng giọt máu nhỏ
Trở về trái tim khô
Con sông đời trăm hướng
Đưa nhau tới vô thường

Ra nghìn trùng nước Hẹn
Tìm lại mối tơ duyên
Năm năm rồi không gặp
Mười năm vẫn chưa quên
Vẫn nhớ, chưa quên.

Trăm năm dù lỗi hẹn
Nghìn năm vẫn không quên
Vẫn nhớ y nguyên



Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

TIẾNG KHÓC QUÊ HƯƠNG



https://youtu.be/G0l6nIeo-zE


Thơ và Lời Nhạc: Thu Tâm
Nhạc và Hòa Âm: Nguyễn Hà
Ngâm và Hát: Thu Tâm
Đệm Đàn: Nguyễn Hà pps: Nguyễn Hà
youtube.com

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

MỪNG ANNIVERSARY 50 th




MỪNG ANNIVERSARY 50 th

Nâng ly rượu xin chúc mừng anh chị,
Năm mươi năm vẫn bền chặt bên nhau .
Dẫu gian nan, dù qua lắm bể dâu ,
Dầu sóng gió vẫn vẹn câu chung thủy .
Và đêm nay bao tiếng cười hoan hỉ,
Chứng kiến ngày mong đợi :LỄ VÀNG ghi.
Năm mươi năm, một chặng dài đường đi ,
Càng gian khó, lại càng thêm trân qúy .
Cả lòng thành với chân tình nhỏ bé,
Nguyện cầu cho anh chị mãi bền đôi.
Tên NHƯỢNG PHƯỚC đã nhận kiếp duyên Trời,
Xin trọn vẹn một đời không lay chuyển.

Thu Tâm
 






Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

PHỐ NÚI TRONG TÔI








PHỐ NÚI TRONG TÔI

Chiều viễn xứ bỗng nhớ về phố núi,
Chạnh lòng thương cánh nhạn lạc phương trời.
Biển Hồ xanh có còn mây dẫn lối ,
Dã quỳ vàng vẫn rợp giữa nắng rơi ?

Tháng Mười Một năm nào cơn gió trở,
Lốc mù xoay cuốn bụi đỏ tung cao.
Tiếng ríu rít đàn chim non về chợ,
Chiều tan trường rộn rã bước xôn xao...

Tháng Mười Một giữa Thu về lạnh giá,
Ai nhớ gì con đường cũ đìu hiu .
Phố núi cao đầy sương mù bay tỏa,
Trời thấp buồn thoi thóp hạt nắng xiêu .

Vẫn còn nguyên trong tôi con dốc nhỏ,
Dài tuổi thơ trên mỗi bước trợt trơn.
Gió núi dồn trong mưa dầm tầm tã,
Nhấn chìm đời dưới đáy nước nguồn tuôn.

Mấy mươi lần Thu qua trong ký ức,
Bao mùa xa lòng những tưởng phôi pha.
Trăng đã vỡ sao hồn Thu vẫn thức,
Vẫn ngẩn ngơ mơ sương khói nhạt nhòa ….

Thu Tâm 



GỞI VỀ ANH, NGƯỜI LÍNH VNCH



GỞI VỀ ANH, NGƯỜI LÍNH VNCH

Chiều mùa Thu trời xuống gần quyến luyến,
Mây quẩn quanh như quyện nỗi mong chờ .
Mưa giăng tỏa cho dài nét ngẩn ngơ ,
Và niềm nhớ đọng trong hồn lóng lánh .

Em vẫn biết là người yêu của lính,
Là đợi chờ, là chịu đựng chênh vênh,
Sẽ nhớ mong , sẽ lo lắng chồng chềnh,
Đời cô phụ luôn chực chờ bên gối .

Đêm từng đêm nhịp tim thầm nhức nhối ,
Ngày phập phồng mong ngóng bước chinh nhân.
Tương lai là xa mãi bước hành quân ,
Hun hút bóng , bụi bùn vương áo trận .

Em cũng biết đời chiến binh lận đận,
Vì nợ nhà anh quên hết đời trai ,
Mối tình riêng anh hẹn mãi ngày mai .
Vì trách nhiệm anh muôn đời tôn kính


Em vẫn muốn là người yêu của lính,
Để một phần được chia xẻ gian truân .
Em sẽ là sao theo khắp xa gần ,
Trong thầm lặng trao anh niềm hạnh phúc .

Anh biết không, có đêm chợt thức giấc ,
Nghe tiếng gầm bom đạn như bao quanh !
Cả vùng tim em thổn thức nhịp nhanh ,
Ôi thương qúa, những người anh chiến sĩ !

Em muốn được gởi trao tình thân qúy,
Và mãi là người yêu nhỏ hậu phương .
Để những khi trở về từ chiến trường ,
Anh sẽ thấy cuộc đời luôn ý nghĩa.

Anh có biết những hy sinh chính nghĩa,
Đã cho em niềm cảm phục khôn cùng.
Mong được là chiếc áo lạnh mùa Đông ,
Mang hơi ấm cho anh, người lính chiến.

Sau hành quân, một ngày nao về đến ,
Và nơi đây sẽ đón bước dừng chân ...

Nhã Giang Thu Tâm



Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

PLEIKU, PHỐ NÚI CỦA TÔI




 

PLEIKU , PHỐ NÚI CỦA TÔI   

 
Chiều viễn xứ bỗng nhớ về phố núi,
Chạnh lòng thương cánh nhạn lạc phương trời.
Biển Hồ xanh có còn mây dẫn lối ,
Dã quỳ vàng vẫn rợp giữa nắng rơi ?

Tháng Mười Một năm nào cơn gió trở,
Lốc mù xoay cuốn bụi đỏ tung cao.
Tiếng ríu rít đàn chim non về chợ,
Chiều tan trường rộn rã bước xôn xao...

Tháng Mười Một giữa Thu về lạnh giá,
Ai nhớ gì con đường cũ đìu hiu .
Phố núi cao đầy sương mù bay tỏa,
Trời thấp buồn thoi thóp hạt nắng xiêu .

Vẫn còn nguyên trong tôi con dốc nhỏ,
Dài tuổi thơ trên mỗi bước trợt trơn.
Gió núi dồn trong mưa dầm tầm tã,
Nhấn chìm đời dưới đáy nước nguồn tuôn.

Mấy mươi lần Thu qua trong ký ức,
Bao mùa xa lòng những tưởng phôi pha.
Trăng đã vỡ sao hồn Thu vẫn thức,
Vẫn ngẩn ngơ mơ sương khói nhạt nhòa ….

NG Thu Tâm



         Pleiku đây rồi, vùng đất đỏ và những rặng cây xanh rì thân yêu ngày xưa đã dần hiện rõ dưới ánh nắng chói chan của một ngày giữa mùa Xuân ấm áp. Tôi nhoài người nhìn qua khung cửa sổ nhỏ trên thân máy bay để thấy lòng rộn ràng pha chút bồi hồi nhớ mong . Cả một tuổi thơ với thời áo trắng khờ dại của chúng tôi đã trải qua trên Thành phố Cao nguyên “nắng bụi, mưa bùn” này . Một tỉnh lỵ nhỏ heo hút vừa âm thầm vừa náo nhiệt một thời gian dài với đủ màu áo trận được mang tên “Thành phố lính”. Áo lính như sắc thái riêng pha lẫn với áo trắng học trò tạo nên bức tranh thơ mộng trong thời chiến tranh. Mỗi chiều tan học , hàng đòan xe chờ bên cổng trường, các chàng áo Kaki trên những chiếc Jeep mỗi ngày kiên nhẫn chờ đón cho được nàng áo trắng nào đó…và rồi đã có biết bao mối tình thơ mộng đơm hoa kết trái được kết thúc bằng những đám cưới đẹp đôi…Và cũng lại có nhiều thư sinh đau khổ bỏ học đăng lính dù mùa thi sắp bắt đầu! Nhiều người vui trong kết hợp và cũng biết bao kẻ đau buồn vì thất tình, chia ly …
           Pleiku ngày xưa của tôi , vùng núi cao sương mù tĩnh lặng này từ lâu đã cho tôi một thân tình như đang trong vòng tay ấm áp của ngôi nhà yêu dấu. Thuở đó có những buổi sáng mùa Thu , nắng nhạt mênh mang tỏa rộng khắp trên cánh đồng hoa bát ngát. Cơn gió nhẹ thổi qua những làn hơi lành lạnh đủ làm xuýt xoa và co ro trong chiếc áo lạnh dầy. Thành phố còn hoang sơ chưa nhiều người ở nên ở những vùng xa phố một chút có cơ man hằng hà cây dại , những bông hoa rừng đẹp dịu dàng thanh khiết tràn lan hai bên đường .
 
 
Những buổi sớm Chủ Nhật, bước chân thả bộ dài trên triền dốc vắng, tôi thường lướt  ngang qua một vùng chói chang hoa dã qùy. Từng cánh hoa rung rinh trong gió sớm còn đọng long lanh giọt sương đêm chưa kịp tan. Khi dừng chân, đứng trên dốc cao nhìn xuống ngọn đồi không cao lắm , dưới thấp nữa trong tầm mắt, qua bên kia sườn núi xa xa, những vệt hoa qùy vàng như nổi bật hơn giữa rừng cây xanh mướt. Dã Qùy mọc đầy chen chúc nhau hàng hàng lớp lớp như sóng lượn hai bên đường kéo dài xuống triền dốc. Tháng mười một đầu mùa nên hoa rực rỡ đua nhau khoe sắc . Loài hoa chỉ nở vào cuối năm khi thời tiết báo hiệu mùa khô tới , loài cây bình dị có những hoa cánh to và chỉ một màu vàng duy nhất . Cây hoa mọc rất khoẻ như lấn át tất cả mọi cây lá chung quanh. Tôi thích nâng niu đóa hoa vàng thắm trên tay đưa lên mũi và hít nhẹ. Hoa không có hương thơm như các loài hoa khác, chỉ là mùi ngai ngái thoang thoảng ... Lòng tôi chợt thấy một cảm xúc nhẹ nhàng thanh thản, thấy yêu loài hoa hoang dại đơn sơ như con người của vùng núi đồi cao nguyên , thích vẻ mộc mạc thanh khiết như tâm hồn cô gái tuổi mới lớn chưa vướng chút bụi trần. 
        Khi gần đến ngày Tết, gió lốc từng luồng xoay xoay cuốn lên cao từng đám bụi mịt mù. Thủơ còn áo trắng đến trường nhìn thấy con lốc từ xa tiến dần tới là tôi đã sợ hãi co cả người, nhưng không thể né tránh được vì nó xoay rất nhanh.  Để con lốc lướt qua và thấy tòan thân bị biến thành lọ lem, mặt mày vằn vện và tóc tai rối bù trông như đang đóng vai tên hề trên sân khấu, cười ra nước mắt được. Nhưng đôi lúc vẫn thích thú đứng ngẩn người dõi mắt nhìn theo khi lốc xoáy đang lăn về phía xa, cố tưởng tuợng đó là… Ông Thần Đèn trong truyện cổ tích “Aladen và cây đèn thần” đang hóa thân. Rồi thầm ước, rồi mơ mộng xa xôi …  Những ngày này tuy thế bọn học trò chúng tôi rất thích, trong giờ học thường nghe tiếng hạt dưa cắn lốp bốp thật vui tai . Dù khi bị Thầy Cô bắt gặp là bị phạt, nhưng không ngăn được trò nghịch ngợm của đám học sinh tuổi đang lớn chúng tôi .

        Nơi đây mùa Đông với cơn rét buốt căm căm , cái lạnh như xé từng mảnh da hay buốt nhói trong xương tủy. Nhất là ban đêm khi làn sương phủ xuống, trong nhà mỗi tối Mẹ tôi thường phải đốt lên mấy lò than hồng mới làm ấm nổi không khí giá lạnh lan tỏa .Mấy chị em thích cuộn tròn như con tôm nằm rúc rích chuyện trò… Từng buổi sáng bắt buộc phải dậy sớm ôn bài, chúng tôi còn tiếc nuối chiếc giường ấm êm nên mỗi đứa cuốn theo tấm chăn mà còn run rẩy. Đến trường dù đã khoác chiếc áo lạnh dầy cộm , dù cố gắng nhưng hai hàm răng cũng cứ khua vào nhau lập cập lách cách nghe thật vui tai… Còn mặt mũi ai nấy cũng tái ngắt bơ phờ và  hai tay tê cóng cầm cây bút viết cũng lóng cóng lọng cọng , gò gẫm khó khăn lắm mới tạo ra được hàng chữ ngả nghiêng méo mó dị kỳ. Tập vở của tôi luôn được chăm chút nên khi nhìn lại phải dở khóc dở cười ! Thầy Cô cầm viên phấn viết bảng cũng khó khăn, lớp học những ngày này đối với bọn học trò nghịch ngợm chúng tôi lại trở thành thích thú, vì Thầy Cô bớt nghiêm khắc trong lớp . Tiếng cười và chọc ghẹo nhau chí chóe, bọn học trò trong giờ học thi nhau nói chuyện nhiều hơn …  Đôi lúc vào lớp học, đôi tay cóng lạnh không thể cử động, thầy trò nhìn nhau cười như mếu . Mỗi khi cất tiếng nói chuyện, từng làn hơi phả ra như khói thuốc bay tỏa.

          Tôi còn nhớ rõ mùa mưa hằng năm nơi đây bắt đầu từ tháng Tư , qua đến tháng Sáu thì dai dẳng cả tuần không ngớt và nặng nhất là vào tháng Bảy khiến đường xá càng thêm lầy lội, nhớp nhúa. Chỉ chấm dứt khi đến tháng Mười . Mưa thường xuyên dầm dề mấy ngày liền là đặc điểm của thành phố miền núi Pleiku. Mưa không to lắm nhưng dai dẳng, rầm rì theo gió tạt về cho cây cỏ lá hoa nghiêng ngả tả tơi , cho khách lỡ đường những cơn buốt lạnh,  gợi cho lòng người héo úa cơn sầu nhớ mênh mang.  Nhạc sĩ Huỳnh Anh đã lột tả hết được cảnh mưa rơi của miền núi rừng trong bài hát”Mưa Rừng” thật sống động khiến tôi càng cảm thấy yêu quý người đã viết ra:
     “ … Mưa từ đâu mưa về, làm muôn lá hoa rơi tả tơi. Phải chăng mưa buồn vì tình đời. Mưa sầu vì lòng người , duyên kiếp không lâu … Mưa thương ai mưa nhớ ai ? Mưa rơi như nhắc nhở . Mưa rơi trong lòng tôi … ”
 
        Sau cơn mưa, từng cơn lũ nước từ rừng núi tràn về dâng ngập khắp lối đi đường xá. Căn nhà chúng tôi ở hơi thấp hơn mặt đường nên Mẹ đã phải đào đường mương lớn ở chung quanh nhà cho nước lũ thoát đi . Lúc còn nhỏ đâu đã biết nghĩ suy đến nỗi khó khăn của người lớn nên  thường xuyên lội nước lại là trò chơi , là một điều thích thú vô cùng. Sau này khi lớn hơn một chút, lên đến Trung Học , mỗi lần hàng ngày có việc ra ngoài gặp phải nước lũ khiến tôi rất sợ hãi vì nước ngập tới bắp chân làm ướt hết áo quần , về nhà hai chân lúc nào cũng tê buốt vì ngâm nước lâu !  Bên hông nhà tôi là con dốc cao gần như thẳng đứng rất đáng sợ. phải lên xuống con dốc cao trơn trượt bùn đất  khiến tôi vô cùng khổ sở vì sơ hở một chút là bị té lăn cù lấm lem… Tôi không muốn mạo hiểm phải dò dẫm bước từng bước nặng nề và nguy hiểm nên có khi phải đi vòng con đường ngang mặt nhà, tuy xa hơn đến gấp mấy lần.  Mùa mưa đến gây đủ trở ngại cho những nữ sinh như chúng tôi, tà áo trắng không tránh khỏi điểm đầy bùn đất vương theo bước chân mỗi sáng chiều đi về từ trường . Vết bùn đỏ chẳng từ chỗ nào là từ chối không bám, từ chân áo lên tới đầu theo nhịp bước, như tô điểm chùm hoa dày đặc  khắp nơi , mỗi lần về nhà là vội vàng ngâm và giặt liền vì để qua hôm sau bùn đỏ sẽ bám chặt hơn rất khó tẩy . Giày dép thì nặng chịch làm khó khăn thêm bước đi vì cả mấy tầng đất bùn dẻo đặc quẹo bám chặt dưới đế . 

         Nhưng hè đến, những cơn nắng chói chan cháy da thịt rin rít mồ hôi lại làm mọi người thấy vô cùng khó chịu. Lúc đó ai nấy lại cầu mong sao cho có trận mưa trút xuống làm cho không khí dễ thở hơn .Nhiệt độ bất thường đối chọi , khiến cơ thể vốn yếu đuối của tuổi thơ tôi làm Cha Mẹ tôi phải chăm sóc rất vất vả .Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn bị ngộp thở mỗi khi tiếp xúc với cái nóng quá độ. Mùa này, bụi mù theo những luồng gió thổi bám khắp nơi, nhuộm kín cảnh vật một màu đỏ đặc biệt . Từ ngọn cây đến bụi cỏ, từ nóc nhà đến mui xe . Khách phương xa mỗi lần chợt ghé qua chắc là không thể nào  chịu đựng nổi, nhưng với người dân Phố Núi  chúng tôi thì đã quen thuộc nên đâu có để ý gì. Có lẽ đây là nét đặc biệt của cao nguyên Pleiku nắng bụi mưa bùn mà người ta thường ví von.

         Pleiku còn có biển Hồ nước xanh lơ không đáy, hàng cây soi nghiêng bóng trên mặt hồ phẳng lặng thật nên thơ cho ta cảm giác êm đềm thanh tịnh. Bên kia bờ hồ trên đồi cao là ngôi Chùa nho nhỏ có con đường vòng theo chân núi để cho khách thập phương đến chiêm bái.  Ở dưới nước có cây cầu nổi bằng những thùng phuy xăng lớn rỗng ruột nối liền với nhau, kết tạo thành cây cầu độc đáo. Bước chân lên đó thấy chòng chành như đi trên thuyền và chỉ người nào gan dạ mới dám . Du khách nào chưa đến thăm Biển Hồ khi về đến Phố Núi chắc phải tiếc nuối lắm.

       Pleiku đặc biệt có cảnh chiều chiều trên đường dẫn vào các buôn của người Thượng những phiên chợ chỉ họp nhau vào buổi chiều đến khi tắt nắng. Phiên chợ dành cho dân trong làng trao đổi hàng hóa cho nhau hay gặp mặt trò chuyện. Các cô gái Thượng xinh xắn trong bộ quần áo của sắc tộc có dịp để ríu rít rộn ràng, để khoe nhau đôi trái tai căng lớn đến đâu, khoe chiếc vòng tay mới sắm được!

          Ôi, nơi vùng đất đỏ này đời sống của những ngày xưa có biết bao nhiêu trở ngại khó khăn nhưng khi xa rồi khó ai không nhớ thương ray rứt, không ước ao có ngày được trở lại thăm. Đó là thành phố nhỏ thân yêu của chúng tôi. Vâng, Pleiku một miền phố núi quanh năm với bóng mây che phủ , có những con đường ngăn ngắn, và các dốc thấp cao uốn lượn thơ mộng .. Đi bộ vòng quanh lên xuống phố xá chỉ khoảng mươi phút đã thấy mình vòng lại chốn cũ… đúng một phần như lời bài thơ của thi sĩ Vũ Hữu Định đã tả. Thế nhưng mấy ai xa rồi mà không lưu luyến chút tình , nhất là các anh lính chiến xa nhà thoáng gặp được bóng hồng giai nhân nào đó.  Con gái sắc tộc vùng Cao Nguyên tuy nước da hơi sẫm mầu nhưng nhiều cô rất đẹp , rất mặn mà duyên dáng. Còn các nữ sinh những ngôi trường Công và Tư trong thành phố cũng đã từng nổi danh là giai nhân một thời khiến bao người say đắm … Đặc biệt tình cảm mỗi người dân ở đây, nhất là tình đồng môn Pleiku dành cho nhau chẳng đâu sánh được. Chúng tôi có chung những người Thầy , Cô khả kính , hiền từ đã luôn bao dung và tận tụy chăm lo cho đám học trò nghịch ngợm. Dù thời gian có phôi pha mọi thứ nhưng tấm lòng chúng tôi vẫn luôn mãi yêu thương và nhắc nhớ.
           Buổi sáng sớm ngày thứ hai từ khi về thăm Pleiku , trời còn mờ hơi sương, tôi đã lén dậy thật sớm ra khỏi nhà để được một mình co ro trong chiếc áo lạnh mỏng đi tìm những kỷ niệm, để được đứng trên đầu con dốc cũ yêu dấu nay được san bằng chỉ còn hơi thoai thoải .Tìm làm sao lại được cảm giác trơn trợt mỗi mùa mưa , tất cả đường phố nay sạch sẽ và khang trang rộng lớn hơn nhiều trong mắt tôi. Con dốc đất đỏ năm nào nay đã được tráng nhựa đẹp đẽ  … Ngôi nhà xưa chẳng còn dấu tích, nay khác biệt lộng lẫy náo nhiệt với một dãy nhà hàng choáng ngợp đèn giăng xanh đỏ chớp chớp liên tục , ngôi vườn rộng lớn xum xuê hoa trái mà Cha Mẹ cùng chúng tôi đã chăm lo vun trồng bao năm cũng chỉ còn trong mơ. Trong ngôi vườn này từng gốc cây từng luống đất cũng chứa đầy kỷ niệm ấu thơ , một lũ bạn học cùng nhau chơi trò làm nhà bằng cách che mấy miếng nilon cột trên những gốc cây , hái trái cây ăn và nô đùa thỏa thích …Mẹ tôi còn chiều con, tạo nên một ngôi nhà nhỏ kết khung bằng dàn cây đậu rồng bao chung quanh khi tôi bị đau một trận dài mấy tháng. Ngôi nhà cây chỉ chừa một khoảng gọi là cửa ra vào và bên trong giăng một chiếc võng treo tòong teng … Sau  khi hết bệnh, tôi thường một mình xuống vườn nằm võng học bài, vẽ vời hay nghe nhạc rồi ngủ thiếp đi … Nay hình bóng Mẹ Cha cũng khuất biệt từ lâu, và các anh chị em cũng tứ tán mọi nơi . Nơi đây một thời tôi đã trải qua tuổi thơ hạnh phúc và lớn lên trong tàn khốc của chiến tranh … Này con đường Thống Nhất nối dài đến tận ngôi trường Trung Học thân yêu, cũng là sân cho bọn trẻ chúng tôi nô đùa hàng ngày . Cũng căn nhà này đã cho tôi đời sống lứa đôi một đời ghi khắc. Tất cả nay đã lạnh lùng lùi vào dĩ vãng không còn lại một dấu tích mảy may. Chỉ còn tôi đứng bơ vơ ,ngơ ngác nghẹn ngào trong gió thoảng. Giọt nước mắt rơi xuống như một lời tiễn biệt quá khứ , hay giọt lệ tiếc thương cho những kỷ niệm đẹp không bao giờ gặp lại !

         Một buổi lang thang đi tìm kỷ niệm, ngừng bước trước ngôi trường thân yêu xa xưa của thời tuổi dại .Tôi bỗng bàng hoàng nhìn khung cổng với bảng tên lạ lẫm đập vào mắt. Bước chân vào trong , mọi sự đã đổi thay hoàn toàn .Ngôi trường đã được xây thêm mấy dãy lớp học trông khang trang rộng lớn hơn rất nhiều .Bao nhiêu năm trôi qua nhưng trong trí tôi vẫn in bóng một vùng trời của thời con gái. Hình ảnh mới không hề gợi lên một cảm xúc nào ngoài nỗi xót xa tiếc nhớ . Ngôi trường cũ kỹ đơn sơ với bao nhiêu kỷ niệm nay đâu còn. Thầy Cô tôi, bạn học tôi nay tan tác khắp trời . Ai còn ai mất để nhớ nhau …  

       Tôi quay trở lại con đường cũ, bỗng muốn quên hết âu sầu để tìm lại cảm xúc được hưởng thụ cảm giác bồng bềnh khi ngắm những đám sương mù che hết một phần non núi xa xa , mây cuộn tròn từng cụm lớn loanh quanh ôm choàng lấy những qủa đồi , hình ảnh đâu đó rợp bóng hoa dã quỳ vàng trong ký ức. Tôi dừng chân , sững sờ trước một bức tranh tuyệt vời của thiên nhiên khi ánh nắng ban mai chan hòa làm đám mây từ từ tản mác và tan loãng dần. Những tia sáng sớm rọi xuống phản chiếu lấp lánh từng giọt sương đọng trên tàng cây ngọn cỏ. Chợt bắt gặp một bông hoa dã quỳ lẻ loi vươn lên ven đường còn ướt hơi sương, cúi xuống ngồi nâng niu trong tay đóa hoa dại tôi lại thấy lòng rưng rưng nhớ . .. Loài hoa đã một thời cho tôi nhiều dấu ấn khó phai . Loài hoa một thời  tượng trưng cho thành phố cao nguyên Pleiku của tôi nay đã bị con người đẩy sâu vào rừng hoang để nhường chỗ cho văn minh tiến bộ. Nhưng tất cả hình ảnh, kỷ niệm xưa đều đã được cất giữ trong tâm tư tôi chẳng thể nào bôi xóa .   

Thu Tâm.
Ngày về thăm Phố Núi Pleiku