Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

TÌNH KHÚC CHO NGƯỜI XƯA

Dòng Lệ Dòng Mưa

Sáng tác : Lê Tín Hương
Tiếng hát : Thanh Hà

 

TÌNH KHÚC CHO NGƯỜI XƯA
 
Mưa chiều đến rạt rào trên cỏ úa,
Em ngẩn ngơ nhìn mây xám giăng đồi.
Hơi lạnh buốt len tim gây nỗi nhớ,
Giấc mơ sầu khơi dậy mãi  không nguôi …

Lời yêu cuối một lần xưa sống dậy,
Câu dặn dò trong chiều xám chơi vơi.
Đôi mắt mỏi chứa ánh buồn che đậy.
Bàn tay run chưa kịp nắm đã rời…

Gió đưa khẽ tưởng anh về nhắn nhủ,
Đang bên em nhè nhẹ vuốt tóc mềm.
Mây xà thấp phủ vai gầy héo rũ,
Vòng tay xưa vừa thoáng đến dịu êm!

Tình cho anh mãi trên cao đỉnh núi,
Bao năm dài còn rưng rức tim đau.
Em cúi mặt gọi tên người, nghẹn tủi ,
Kiếp nào đây hình bóng cũ nhạt màu …

Thời gian vẫn từng ngày phai tóc bạc,
Trở trăn làm mắt môi xám mùa Đông.  
Em chung thủy với đàn xưa , cũ nhạc,
Dù muôn đời anh đã kiếp hư không…  

Thu Tâm.
  

 

Sérénade



 
http://www.youtube.com/watch?v=i22Glahr0Is&feature=player_detailpage

Ca khúc: Chiều Tà - Sérénade(Tác giả: Enrico Toselli -
Lời Pháp: Pierre d'Amor - Lời Việt: Phạm Duy)
Ngọc Lan
 
 
 
 
Viens, le soir descend
Et l'heure est charmeuse
Viens, toi si frileuse,
La nuit déjà comme un manteau s'étend.
Viens, tout est si doux,
Si plein de promesses!
On sent la caresse
Des mots d'amour qu'on écoute à genoux.
Un sourire en tes grands yeux
Me révèle un coin des cieux,
Reviens apaiser
Mon coeur battant à se briser.
Je t'aime à jamais,
Sans crainte des regrets,
Que le bonheur berce infiniment,
Par son fol enchantement,
Le cher émoi de ton coeur aimant.
(musique................................)
Le jour agonise,
(musique................................)
L'heure est exquise,
Enivrons-nous d'amour
Toujours, toujours!

Lắng trầm tiếng chiều ngân
Nhạc dặt dìu ái ân
Người ôi ! Nhớ mãi cung đàn
Năm tháng phai tàn
Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng
Đã quên hết sầu chưa
Lời này là tiếng xưa
Quỳ dâng dưới nắng phai mờ
Bên gối ơ thờ
Ôi tiếng tơ tình mong chờ
Chiều êm êm đưa duyên về người
Đàn triền miên nắn tiếng sầu đời
Người hỡi!
Đến bên tôi nghe lời xao xuyến
Như chuyện thần tiên.
Niềm mơ xưa là đó
Cho ta nâng niu lời ca
Chiều mơ không gian
Hờ hững cõi Thiên Đàng
Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ
Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà
Nhạc chiều của chúng ta
Là câu ân ái muôn đời
Bóng đã xế rồi
Hãy nép trong lòng cõi đời.
Tình Yêu mãi mãi...
 

 
 

LẠC LỐI



Thoảng cơn gió cuốn ,
Lá rơi từng cơn .
Hàng cây nghiêng ngả,
Bóng soi chập chờn …

Màu mây sương khói,
Chơi vơi bập bềnh.
Tràn trên muôn lối,
Ngõ về mông mênh.

Chiều đi chầm chậm,
Êm trôi ngập ngừng.
Trên ngàn hoa thắm,
Nắng nhoà rưng rưng .

 Chim muông vui hót ,
Trên cành rung rinh.
Ngọn cao chót vót,
Cánh bay chao mình.

Lối đi ngập xác
Lá khô xạc xào.
Bướm xinh ngơ ngác,
Gọi đàn lao xao…

Lòng như xao xuyến,
Muốn hòa câu ca.
Tình đâu chợt đến,
Giữa trời bao la…

Thu Tâm

THÁC NGÀN




 Thác ngàn tuôn óng ánh trong veo,
Màn nước bạc nghiêng theo gió, vèo !
Xanh mướt chùm mây lơ lửng lướt ,
Vàng ươm vạt nắng hững hờ treo.
Rì rào gió núi vang lời hát,
Xao xác cây rừng rộn tiếng reo .
Giây phút dừng chân hồn ngỡ lạc,
Bàng hoàng bên dốc đá cheo leo...

Thu Tâm

THÁC ĐỔ

(Họa theo ý và vần bài “Thác ngàn”
của Thu Tâm - mến tặng)

Thác đổ ngàn thu , tiếng véo veo
Sao khuya lấp lánh gió đưa vèo
Trăng nghiêng đầu núi, dang tay vớ
Sóng vỗ sau ghềnh, mỏi mắt treo.
Lữ khách dật mình, nghe gió hú
Lưu linh chợt tĩnh, tiếng thông reo
Bờ lau xanh biếc … mờ sương khói
Dốc đá chập chùng, cũng muốn leo…

Nguyên Hà

MONG MANH


Hương sắc mùa Thu đến khoe màu,
Bàn chân ngập xác lá lao xao.
Vàng sân, tím cả lòng sầu úa,
Chẳng biết vì đâu hay tại sao ?!

Chẳng biết vì đâu hay tại sao ?!
Từ trong tâm thức cứ rạt rào,
Niềm thương nỗi cảm hoài da diết,
Mỗi độ Thu về khiến dạ nao…

Mỗi độ Thu về khiến dạ nao…
Thương cho muôn chiếc lá nghiêng chao.
Rời xa cành cỗi , đời trôi dạt,
Héo úa lênh đênh kiếp ba đào.!

Héo úa lênh đênh kiếp ba đào.!
Mong manh nhẹ bổng, bay lao đao.
Một mùa ngắn ngủi trong gang tấc,
Ngày tháng bọt bèo, phận gầy hao…

Ngày tháng bọt bèo, phận gầy hao…
Lang thang khắp ngả biết phương nào ?
Ngại ngùng theo gió xoay muôn hướng ,
Đông đến khô cành , lá nơi nao ?…

Đông đến khô cành, lá nơi nao ?
Mưa trôi tuyết phủ, lòng xuyến xao …
Xuân sang nở búp trên cành biếc,
Hạ thắm, vàng Thu, đẹp ngọt ngào!

Hạ thắm, vàng Thu , đẹp ngọt ngào,
Một kiếp luân hồi nhẹ lướt mau !.
Tươi xanh, tàn úa, hoài quanh quẩn,
Ngàn năm còn mãi , giấc chiêm bao ….

Thu Tâm
 
 

Cơn Mưa Trong Đời

  
Cơn Mưa Trong Đời


Nhạc Ngoại quốc
Lời Việt : Khúc Lan
Tiếng hát : Ngọc Lan



Mưa còn rơi mãi còn rơi mãi
Hỡi mưa có hay?
Mưa trong đêm tối, nước mắt tuôi rơi.
Ôi mưa đắng cay!

Hỡi người yêu dấu,
Ngàn năm vẫn có em nhớ thương.
Cuộc tình sầu đắng, trong vết thương sâu
Cuộc tình khổ đau

Hãy còn yêu, đừng có phụ nhau
Vẫn yêu cho dù lẻ loi
Mắt lệ rơi đổ xuống đời nhau.
Anh ơi em yêu người muôn lối.

Cuộc tình dại khờ với bao xót xa.
Anh ơi khi nào sẽ chung đôi.
Còn nhớ nụ hôn trong gió bay.
Nào ai biết cơn mê dài!!!



 

HƯƠNG MUỘN THOẢNG BAY



Ngàn đám mây lặng lờ trôi lãng đãng ,
Vòm cây cao ôm hạt nắng lung linh .
Chiều êm trôi theo từng cơn gió thoảng,
Thu vừa sang thay sắc lá trên cành .

Em nhớ hoài những lần ta sóng bước,
Trong hoàng hôn khi bóng đã nhạt nhòa .
Cơn mưa chiều đường còn loang dấu nước,
Và đường về phía trước vẫn xa xa.

Ánh mắt em đã bao lần dấu hỏi,
Mở to tròn lóng lánh khi nhìn anh !
Em âu lo , hình như điều gian dối ?
Dù bên em anh nói, rất chân thành !?

Từng ngày qua mây thêm mầu u ám,
Em hiểu ra, ta chỉ nghĩa tạm thời !
Lòng bỗng dưng nghe mơ hồ thương cảm,
Đời chênh vênh của ngàn ánh sao rơi…

Và một ngày tim em chợt buốt nhói,
Một bóng hình đã len lỏi trong anh !
Tự bao giờ , thì ra anh từng nói,
Anh chỉ là… một tình bạn mong manh…,

Làm sao trách khi không lời hứa hẹn,
Làm sao hờn khi chẳng một câu thề !
Con bướm hoang nơi nào vui tìm đến,
Để phũ phàng kẻ lạc lõng cơn mê…

Ta quen biết khi mùa hè sắp hết,
Sang Thu buồn ngắn ngủi đã chia ly.
Mắt nhìn nhau chưa dứt niềm tha thiết,
Người quay lưng chẳng vương vấn điều gì !

Em trở về với nỗi đau thầm lặng,
Đếm thời gian bằng đôi mắt u buồn.
Co chặt lại vết thương lòng nghẹn đắng,
Mượn nghĩ suy bằng những áng thơ tuôn…

Kiếp luân hồi vẫn ngàn năm lưu chuyển,
Nợ trả vay luôn muôn thuở vần xoay.
Thu sẽ qua, một ngày Thu lại đến,
Tiếc thương gì chút hương muộn thoảng bay…

Thu Tâm

CHIỀU TÀN TRÊN BIỂN


Mây lang thang vắt vẻo trên đầu núi,
Chiều đong đưa từng tiếng vút xa vời.
Nắng mộng mơ ngủ vùi như tiếc nuối ,
Hoàng hôn thầm len lén không buồn trôi…


Làn sương trắng chập chùng mang hơi lạnh,
Ngọn núi mờ lặng lẽ nép xa xa.
Trong mênh mông ráng chiều thêm cô quạnh
Hàng cây run trong đêm xuống nhạt nhòa.


Từng ánh sao xẹt ngang vùng trời thẫm,
Rơi xuống màn nước gợn sóng lung linh.
Cánh buồm căng lồng khuôn trăng bóng đậm
Mặc gió đùa cho thuyền nổi lênh đênh…


Vài con chim lẻ loi đang tìm tổ,
Cất giọng buồn ngơ ngác, lạc hướng bay.
Mắt rưng rưng, ngại ngùng đôi cánh vỗ,
Trời mênh mang hằn bóng dáng hao gầy.


Thời gian trôi mặc chiều đi trăn trở,
Mùa xoay vần chia mưa nắng hai nơi.
Gió hắt hiu thổi âm buồn vụn vỡ,
Để võ vàng thêm ngày tháng chơi vơi.


Thu Tâm

LỐI XƯA TÌM VỀ




     Pleiku đây rồi, vùng đất đỏ và những rặng cây xanh rì thân yêu ngày xưa đã dần hiện rõ dưới ánh nắng chói chan của một ngày giữa mùa Xuân ấm áp. Tôi nhoài người nhìn qua khung cửa sổ nhỏ trên thân máy bay để thấy lòng rộn ràng pha chút bồi hồi nhớ mong . Cả một thời áo trắng khờ dại của chúng tôi đã trải qua trên Thành phố Cao nguyên “nắng bụi, mưa bùn” này . Một tỉnh lỵ nhỏ vừa âm thầm vừa náo nhiệt với đủ màu áo trận được mang tên “Thành phố lính”. Mỗi chiều tan học về, hàng đòan xe chờ bên cổng trường, các chàng trai trẻ trong màu áo Kaki trên những chiếc Jeep mỗi ngày kiên nhẫn chờ đón cho được nàng áo trắng nào đó…và rồi đã có biết bao mối tình thật thơ mộng bắt đầu và được kết thúc bằng những đám cưới đẹp đôi…Thế là lại có nhiều thư sinh đau khổ bỏ học đăng lính dù mùa thi đang bắt đầu! Nhiều người vui và cũng có lắm kẻ đau buồn…

Mùa mưa nơi đây dai dẳng cả tuần không ngớt khiến đường xá càng thêm lầy lội, nhớp nhúa. Những con dốc cao trơn trượt khiến chúng tôi khổ sở hàng ngày đi về , những tà áo trắng điểm đầy bùn đất vương theo bước chân đi mỗi sáng chiều đến trường và tan học. Mùa Đông với cơn rét buốt căm căm và nhất là khi gần đến ngày Tết, gió lốc từng luồng xoay xoay cuốn lên cao từng đám bụi mịt mù. Ngày xưa mỗi lần nhìn thấy con lốc bụi này tôi rất sợ, vì mỗi lần bị lốc phủ lên là tòan thân biến thành lọ lem, nhưng vẫn thích thú dõi mắt nhìn theo và tưởng tuợng đó là… Ông Thần Đèn trong truyện cổ tích “Aladen và cây đèn thần” đang hóa thân. Rồi thầm ước, rồi mơ mộng …

Ôi, biết bao nhiêu trở ngại khó khăn của những ngày xưa nơi vùng đất đỏ này nhưng khi xa rồi khó ai không nhớ thương ray rứt, không ước ao có ngày được trở lại thăm. Đó là thành phố nhỏ thân yêu của chúng tôi. Vâng, Pleiku một miền phố núi quanh năm với bóng mây che phủ và lên xuống chỉ năm mười phút là hết đường đi…Thế nhưng tình cảm mỗi người dân ở đây, nhất là tình đồng môn Pleiku dành cho nhau chẳng đâu sánh được. Chúng tôi có chung những người Thầy , Cô…khả kính , hiền từ đã luôn bao dung và tận tụy chăm lo cho đám học trò nghịch ngợm. Dù thời gian có phôi pha mọi thứ nhưng tấm lòng chúng tôi vẫn luôn mãi yêu thương và nhắc nhớ. 

Phi cơ vừa dừng lại, từ xa những bóng người đi đón thân nhân nhấp nhô trong khung rào cản. Lần theo cầu thang máy bay từ từ bước xuống, tôi nhận ra ngay ngoài cô em gái nhỏ Anh Thơ cùng người chị cả hiền lành ốm yếu thương yêu của tôi , còn có các bạn Tuyết Nhung, Bùi thị Hiến, Ngọc Hương, Lê thị Hạ, Trần Q .Tuấn…và những nụ cười tươi …Ôi, vui quá và thương quá những khuôn mặt thân thương của chị em và các bạn. Tôi đã được trở về đây , về với phố núi nhỏ bé thân yêu bên những người bạn mấy mươi năm tình nghĩa…Mắt cay cay trong niềm hạnh phúc, tôi ôm choàng mọi người. Xúc động đến ngẩn ngơ khi các bạn nhao nhao hỏi thăm…


Pleiku phố núi ngày Xuân,
Xôn xao mời gọi bước chân trong chiều.
Hàng cây bóng ngả xiêu xiêu,
Từng con dốc vắng gợi nhiều nhớ thương.
Một thời áo trắng nghê thường,
Một thời tim nhỏ chớm vương tình sầu…
Một thời thư lén trao nhau,
Một thời mắt trộm ánh mầu thiết tha.
Người xưa, cảnh cũ nhạt nhòa,
Nghiêng nghiêng nắng chói chan hòa từng không.
Rộn ràng tay bắt mặt mừng,
Để nghe tim rộn một vùng xa xưa.


Từ phi trường về, sợ tôi mệt nên các bạn từ giã sau khi hẹn nhau buổi tối sẽ gặp mặt. Nhưng đến 3 giờ chiều, lòng cứ nôn nao mãi không thể nào yên được, tôi mở vali mang những phần mà tôi đã xếp và gói cẩn thận đem về tặng làm qùa cho bạn rồi phone cho Tuyết Nhung - Người bạn hiền từ tốt bụng lúc nào cũng nhiệt thành và sốt sắng đưa tôi đi đến bất cứ đâu khi cần thiết, ngay cả lúc mệt mỏi cũng không từ nan. Thật tình nếu không có bạn, tôi không biết phải làm sao để xoay xở.

Giữa trời nắng chang chang, T. Nhung đã chu đáo đem đến tặng cho tôi một chiếc mũ rộng vành để đi nắng. Chiếc mũ này đã theo tôi suốt hai tuần lễ ở Pleiku mỗi khi ra đường cũng như cho tới bây giờ. Tôi treo mũ lên một chỗ cao nhất trên kệ để mỗi khi nhìn thấy là bồi hồi nhớ bạn và kỷ niệm đã qua..  Ôi , cảm động thay, người bạn tuyệt vời đã lo lắng chăm sóc cho tôi đến thế là cùng! Cám ơn T. Nhung nhiều nhiều lắm!

Hai đứa cùng chở nhau trên chiếc xe máy đến thăm từng địa chỉ các bạn mà Nhung biết rõ. Từ Cầu Hội Phú lên khu Chợ Mới, khắp mọi nẻo đường đi qua đều như lạ như quen với tôi. Phố xá khang trang sạch đẹp, rộng rãi hơn trước kia. Những công trình xây dựng làm thay đổi nhiều nơi không còn nhận ra nổi. Những hàng cây xanh bóng mát cùng khí hậu mát mẻ trong lành, yên tịnh khiến tôi cảm thấy thật dễ chịu nhẹ nhàng.

Bắt đầu hành trình, tìm đến nơi những người bạn cùng học chung suốt mấy năm dài. Trước hết ở đường Hoàng Diệu là nhà Đ. thị Hiển, chúng tôi được Hiển dẫn sâu vào tận phía sau vì mặt tiền nhà là nơi khám bệnh của phu quân Hiển. Ngôi nhà thật gọn gàng và xinh đẹp như chủ nhân của nó. Gần đó là nhà N. thị Kim tánh tình kín đáo. L. thị Dung nhỏ nhẹ, chừng mực đúng như nghề Dung đang theo : Cô giáo. Trưởng lớp Lê văn Lưu vẫn cao lớn và hào sảng trong giọng nói. Anh hầu như không khác gì xưa kia, nhưng lại ngẩn ngơ chẳng hề nhận ra tôi, dù ngày đó vẫn thường đùa vui và hay mượn bài vẽ của tôi để copy trong giờ học vẽ…buồn cười nhất là khi anh nhìn tôi ngẩn ngơ và nghi ngờ là tôi đã... làm thẩm mỹ toàn diện khác lạ khiến anh không nhận ra! Tôi và Nhung cười muốn đau bụng...

Chúng tôi dắt xe đi bộ qua nhà chị Bùi thị Hiến , chị vẫn tánh e dè với đôi mắt sâu chứa đầy tình cảm. Hơi chênh chếch trước mặt Khách Sạn Hoàng Anh (ngã ba Phù Đổng) là nhà anh D. đình Bê. Anh bị bệnh mấy năm qua tuy chưa hoàn toàn bình phục những nay đã nói chuyện và đi lại chậm chạp được. Uống với anh ly nước trà và hỏi thăm đôi câu, chúng tôi lại tiếp tục vòng qua đầu đường Hoàng Diệu và Lê Lợi để đến thăm chị Lê thị Hạ. Chị thật dịu dàng và dễ thương làm sao với nụ cười … Chỉ dừng lại mỗi nơi trên dưới nửa tiếng đã hết ngày rồi. Đành trở về vì trời đã tối mịt.

Ngày thứ 2, ngược lên chợ mới tìm đến Pharmacy nơi Hồ Tín trú ngụ và làm việc, mấy năm trước cũng đau rất nặng nhưng nay đã tạm thời hồi phục, tuy vẫn phải thường xuyên vào Saigon thăm bệnh định kỳ. Nhìn Tín xanh xao, chúng tôi thấy lòng buồn vô cùng và lo âu…Rồi đến Ngọc Hương, cũng vừa trải qua thời gian khó khăn vì người chồng mới qua đời không lâu. Lòng tôi chùng xuống bởi cùng cảm thông được nỗi mất mát to lớn của bạn. Chúng tôi đi tìm nhà Lê Đức, nhưng chỉ gặp chị vợ vì nghe nói Đức đi làm suốt cả tuần. Tìm đến H. thị Cúc, dạo này đã khoẻ và đi lại được sau tai nạn năm trước. Lại chuyện cũ đem ra nhắc lại đến hơn một tiếng sau chúng tôi mới lên xe để tiếp tục hành trình dang dở. Ghé thăm nhà anh T. v Hoàng, rồi vào chợ mua một ít quà để thăm Mẹ của Bá Hiển vì nghe tin Bác không được khỏe. Nhưng Bác đang nghỉ ngơi, chúng tôi từ căn nhà Bá Hiển đi ra thì trời đã tối. Ngày hôm sau , lại cùng T.Nhung đi tìm nhà N. Thuận nhưng cho xe vòng tới lui nhiều lần vẫn không tìm ra địa chỉ mọi người đã cho. Lại chạy thẳng xuống nhà Trần q. Tuấn (em rể của Tr.bá Hiển). Căn nhà gỗ đơn sơ và tĩnh lặng, người vợ của Tuấn vồn vã mời vào nhà uống nước, không ngờ lần gặp đó cũng là lần cuối tôi được gặp. Sau đó một thời gian sau nghe tin cô ấy bệnh, tôi đã gởi vội về ít tiền thuốc men nhưng chẳng giúp gì được. Tin buồn đưa đến không bao lâu làm tôi lặng người...

Buổi chiều hôm đó, đi 2 xe có N. Anh và Xuân Sự, Tuyết Nhung và tôi. Chúng tôi cho xe chạy ngang ngôi trường Trung Học, mọi vật đều thay đổi đến ngậm ngùi .Ngôi trường đã được mang tên khác và xây thêm nên rộng lớn hơn, nhưng trong tôi hình bóng ngôi trường nhỏ bé đơn sơ ngày xưa vẫn là đẹp nhất và đáng yêu nhất. Dừng lại đôi phút đứng ngắm cổng trường, dãy phòng học phía sau nằm im lìm buồn bã trong mắt tôi. Bao nhiêu kỷ niệm lung linh đây đó trong khung trường làm tê dại cả tâm hồn tôi, nơi đây đã ôm ấp một thời mới lớn khó phai nhạt. Ôi trường tôi...

Xe đi vào khu “ Đức An”, một nơi không thể nào xóa nhòa được trong tôi bởi ở đây gia đình tôi đã chung sống từ thuở chị em tôi chưa đến tuổi cắp sách đến trường. Bao kỷ niệm từ lâu giờ trở về như mới hôm qua đây…Các bạn hỏi tôi có nhận ra đây là đâu không, tôi ngơ ngác ngó quanh, con đường dài đất đỏ ngày xưa không còn nữa , nay đã tráng nhựa sạch sẽ hơn nhiều. Ngang qua con dốc đứng là khu nhà Cha Mẹ tôi đã dày công gây dựng vất vả bao năm, bây giờ trở thành khu Khách Sạn và Nhà Hàng ăn uống đồ sộ nguy nga. Dấu tích xưa chẳng còn mảy may! Tôi chạnh lòng rơi lệ, thương nhớ người Mẹ một đời vất vả với mảnh đất vườn này. Ngày phải đem bán bỏ tất cả để ra đi Mẹ tôi vẫn tiếc mãi nhưng hòan cảnh đã không cho phép. Tôi luôn tâm nguyện một ngày nào nếu có đủ khả năng sẽ về mua lại mảnh vườn xưa để cho Mẹ tôi dưỡng già. Nhưng nay chẳng còn cơ hội nữa vì Bà đã ra đi vĩnh viễn , niềm hy vọng của tôi chỉ là nỗi tiếc nuối mãi mãi không nguôi! Ôi!


Đường xưa trở lại nhòa tâm trí,
Lối cũ quay về lạc bước mơ
Hòang hôn che lối dường sương tỏa,
Tim buốt, lòng đau mắt lệ mờ !!!


Đến nhà N. hồng Vỹ thì trời đã nhá nhem tối, Vỹ tiếp chúng tôi trong căn phòng rộng kê đầy bàn học, nơi đây bạn đã và vẫn tiếp tục làm nghề “gõ đầu trẻ” bao năm để lo cho gia đình. Riêng N. văn Phú, N. văn Hảo, anh Phú (Cát), N.minh Triết, N.tấn Đinh, N. Ngọc Anh và N. xuân Sự thì đã đến thăm tôi tại nhà cô em, thêm mấy lần cùng đi chơi chung. C. Mạnh Sơn sống thoải mái hơn với tiệm bán Furniture, Sơn đã dành nửa ngày trời và dùng xe riêng đưa chúng tôi đi thăm một vài cảnh đẹp rồi cùng ăn cơm chiều cũng như dành mấy tiếng đồng hồ đi hát Karaoke đến cuối giờ tiệm đóng cửa mới chịu chia tay!

Ngày kế tiếp từ sáng sớm, T. Nhung lại đến để cùng đi Bệnh viện Thành phố thăm N.văn Hòa đang bị tai biến mạch máu não. Nhưng anh không còn nằm trong này nữa!. Đến nhà riêng mới biết anh đã được chuyển qua Bệnh viện Đông Y. Tìm kiếm khắp các nơi mới gặp anh từ trong phòng giải trí khập khễnh đi ra, bên cạnh là vợ anh. Nhìn chúng tôi anh nhoẻn miệng cười. Nụ cười và giọng nói của anh khiến tôi xúc động. Hoàn cảnh anh chị cũng nhờ có các con nên không đến nỗi, nhưng từ mấy năm qua vẫn phải ra vào các Bệnh viện. Cũng như D.d. Bê, anh đã tập đi lại tuy vẫn còn khó khăn trong sinh hoạt cá nhân. Tôi tặng anh một số tiền nhỏ thuốc men, và hứa khi về sẽ tìm cách nhờ các bạn bè giúp thêm cho anh.

Cái bắt tay từ giã như không muốn rời, tôi đi vội ra cổng để che niềm xúc động dâng tràn, từ xa quay đầu nhìn lại vẫn thấy dáng đứng xiêu vẹo của anh đang nhìn theo chúng tôi…

Nắng đã lên cao nhưng trời vẫn còn se lạnh, Nhung và tôi chạy xe theo con dốc Diệp Kính , lên khu “Chợ Mới” mua một ít trái cây cũng như bó hoa để đến thăm gia đình T.văn .P.  Anh đã tử trận từ năm 73 khi tuổi còn thật trẻ, nhưng Mẹ anh thì tuần trước mới qua đời !!! Cuộc đời con người trong thời chiến tranh thật nhiều oái oăm đau khổ. Tôi thắp mấy nén nhang trước bàn thờ Mẹ anh và P. mà không nén nổi xót xa dâng trong mắt …
Luôn tiện chúng tôi theo gia đình anh vào nghĩa trang thăm mộ của P. Ngôi mộ xây kiên cố , gọn gàng nằm trong khu nghĩa trang rộng lớn bát ngát. Nếu không được người nhà dẫn dắt chắc chẳng thể nào dễ dàng tìm ra. Đứng trước tấm bia có hình ảnh người bạn học hiền lành cùng lớp này, tôi thấy lòng trùng xuống và để rơi giọt nước mắt. Anh nằm đó đã ba mươi mấy năm, hình như đôi mắt lung linh kia đang nhìn chúng tôi như muốn nói lời gì ? Tôi đã vô tình nợ của anh một món nợ chẳng bao giờ có thể trả, mỗi khi bạn bè nhắc đến lại thấy nhói đau ! Nơi cõi vĩnh hằng mong rằng P. thấy bình yên hơn, linh hồn anh có lẽ đang ở đâu đây, hãy phù hộ cho tất cả những bạn bè thiếu may mắn của chúng ta được mọi điều tốt đẹp yên bình P. nhé.

Chúng tôi ghé thăm nhà P. C. Đông Hải, T. Cúc . Đây cũng là nơi bạn đang kinh doanh Internet khá đông khách nên cuộc sống tương đối ổn định.

          Mấy ngày liên tục, chương trình thăm viếng của chúng tôi tạm xem như đã hoàn tất. Các bạn cùng chọn một nơi thanh tịnh cũng như cây cảnh mát mẻ để họp mặt. Thế là từ 9 giờ sáng, một đòan xe máy gần 10 chiếc, chúng tôi tìm đến Biển Hồ Xanh. Một trung tâm giải trí thanh nhã và có cảnh sắc thật tuyệt vời, chắc hẳn chủ nhân là một người am hiểu rõ hoặc rất yêu thích về nghệ thuật. Những đài phun nước chen lẫn hàng cây tỉa khéo léo , cùng những bức tượng và cách sắp xếp chỗ ngồi , bàn ghế hình như cũng được tuyển lựa công phu , tất cả mọi kết hợp hài hòa đã cho khách một không khí và cảm giác thảnh thơi sau thời gian mệt nhọc .. Một buổi chiều vui nhộn rộn rã tiếng cười cho tôi một hồi ức đẹp. Chúng tôi chụp ít hình kỷ niệm, trước khi ra về lại hẹn hò thêm lần sau ở một nơi khác.
 
Nhưng ngay ngày hôm sau, khi T. Nhung và tôi vừa ở tiệm rửa hình đường Phan đình Phùng đi ra một đọan ngắn thì đã bất ngờ hai thanh niên chạy theo giật sắc tay, mất cả chiếc máy hình nhỏ! Nhung vì thương tôi và tiếc nên rán chạy xe rượt theo, cuối cùng bọn cướp cũng mất hút trong một ngõ hẻm chằng chịt sâu hun hút. Đành quay xe về.  Tôi thấy mình cũng còn may mắn vì cả hai đã không bị thương khi đó, nếu có gì thì thật ân hận và tội cho T. Nhung đã vì tôi…- “Của đi thay người”, tôi nói với T.Nhung, chỉ tiếc là Pleiku thân yêu của tôi đã bị những thanh niên kia làm hoen ố, một vết đen nhỏ nằm lại mãi trong ký ức tôi !

Cả bọn T. Nhung và tôi, Đ. thị Hiển và H. thị Cúc, N. ngọc Hương và chị L. thị Hiến, kéo nhau lên nhà chị N. thị Hòa. Mỗi người góp thêm một phần cùng chị, đã khiến cho chúng tôi có một bữa ăn thật ngon với nhiều món, đồng thời được chiêm ngưỡng ngôi nhà đẹp rộng lớn thoáng mát , những cây cảnh xinh đẹp của anh chị. Cuối buổi lại hẹn nhau ngày mai đi Biển Hồ chơi. Sáng hôm sau có thêm vợ của P. C. Đông Hải , Đức tháp tùng. Chúng tôi xe trước xe sau 4 chiếc, một đoàn người và xe nối đuôi nhau rộn rã tiếng cười vui. Gió lộng thổi tung bạt ra sau những mái tóc đã điểm bạc, nhưng nét mặt tràn đầy tuổi thơ. 

Ngay đầu con đường dẫn vào Biển Hồ, một dãy xe bán nước dừa tươi đặt dưới bóng mát của cả rừng cây cao, cùng những chiếc võng treo đong đưa để du khách nghỉ chân, thật trữ tình và thơ mộng. Nơi đây, chúng tôi ngồi nhìn ngắm xe cộ thỉnh thoảng chạy qua vừa nhâm nhi ly nước dừa mát ngọt lịm. Thời gian như ngưng đọng ,chẳng còn nỗi lo âu phiền muộn nào trong tâm hồn chúng tôi lúc này. Vào sâu hơn vùng thắng cảnh, nơi đây thay đổi nhiều so với mấy mươi năm trước. Chiếc cầu nổi bằng thùng “phuy xăng” nối hai bờ dẫn thẳng lên cảnh Chùa bên kia không còn nữa. Bây giờ phải cho xe đi vòng từ ngòai đường cái, quanh vườn trà để lên đồi cao lễ Phật, càng làm cho cảnh Biển Hồ thêm tĩnh mịch hơn. Du khách thưa thớt, và xa xa ngôi Chùa nhỏ trông thật đìu hiu…


 photo Bi1EC3nH1ED3Pleiku2_zps6e58d80b.jpg

Trên đỉnh đồi chỗ chúng tôi đứng, tượng Quan Âm ngày xưa nay không còn nữa mà được thay thế bằng ngôi nhà thủy tạ, chung quanh là hàng rào sơn trắng bằng gạch trên nền cimen tráng vụng về. Công trình xây dựng có lẽ làm rất vội vàng hay bị gián đọan nhiều lần nên khung rào không ăn khớp với nhau, có nhiều chỗ bị nứt rạn và màu sơn không đều.

 Mây trắng lững lờ trôi, mặt nước Biển Hồ theo gió gợn lăn tăn xanh biếc. Tôi đứng đó nhìn ra khung trời trước mặt lồng lộng gió mà cảm nhận được cái lạnh giữa cảnh trí hùng vĩ, xinh đẹp. Gần bốn mươi năm rồi mới trở lại thăm nơi đây, sao tôi thấy lòng trống vắng, tiếc nuối một cái gì…Một cái gì trong tôi không nói được thành lời mà cứ đeo đẳng nhớ nhung nhức nhối ! Ngày xưa của tôi và các bạn đã qua đi từ lâu lắm nhưng còn in hằn trong tâm trí như vừa mới hôm qua đây , sao bây giờ xa lạ đến ngỡ ngàng …Tim đập rộn ràng khi chưa đặt chân đến, sao giờ lại mâu thuẫn bồi hồi nhói đau khi cảnh xưa hiện trước mặt ? !


Tuyết Nhung và tôi lên lịch trình sẽ dành ra mấy ngày lên Đà Lạt thăm vợ chồng Nguyễn thị Hảo và Đào Hữu Thức, đôi vợ chồng nghệ sĩ dễ thương. Xe lăn bánh chậm chạp qua vùng đồi núi chập chùng cây xanh trải rộng, cảnh vật thật hữu tình xinh đẹp. Làn gió mát của không khí trong lành qua khung cửa xe phả vào mặt, tôi nhoài người ra để đón nhận và để nhìn cho rõ hơn mọi vật. Đường đi bị dằn xóc nên mọi người đôi lúc bị xô dồn vào nhau, có lẽ tất cả đã quen thuộc ngoại trừ tôi nên tiếng chuyện trò vẫn không bị gián đoạn. Tôi mệt nhoài ê ẩm mình mẩy vì những lần va chạm vào thành xe nhưng không muốn Nhung bận tâm nên im lặng chịu đau.

Sau mấy tiếng đồng hồ, chiều xuống chúng tôi đã đặt chân lên vùng cao nguyên xinh đẹp đáng nhớ ngày nào, mọi vật hình như thay đổi khiến tôi hơi bỡ ngỡ. Thành phố một thời mang nhiều kỷ niệm thân thương những ngày hè thời còn cắp sách đến trường. Tôi nhìn quanh tìm kiếm gì đó trong ký ức, nhưng chưa kịp thì đã thấy bóng dáng của Hảo Thức hiện ra đằng trước mặt. Hai người ra đón chúng tôi với nụ cười tươi tắn có sẵn trên môi. .

Gặp lại sau mấy mươi năm nhưng nét quen thuộc vẫn còn trong dáng dấp bạn. Tay bắt mặt mừng và theo chân hai bạn về nhà chuyện trò cũng như nghỉ ngơi. Chúng tôi có một buổi chiều thân mật trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng.  Tối đó cả 3 đứa bạn gái thức thật khuya để nhắc lại chuyện xưa, để nhớ để bùi ngùi tiếc nuối.  
Còn hai ngày vui nữa cùng gia đình vợ chồng người bạn nghệ sĩ hiếu khách này. Tôi đã được nghe anh Thức đàn hát những bài do chính anh sáng tác thật hay. Ngày hôm sau mấy chị em đi bộ lên chợ Đà Lạt xem hoa, mua sắm vài món làm quà, dừng chân thưởng thức những bức tranh thêu thật đẹp trên phố. Sau cùng là ngồi Taxi đi viếng cảnh Chùa Trúc Lâm để trở về với niềm lưu luyến cùng mấy tấm hình đẹp. Lại một đêm rả rích chuyện xưa đem ra kể làm sáng ra trũng mắt thêm sâu…
 
Trở về Pleiku, nhờ Quốc Tuấn và một số bạn giới thiệu, chị em tôi đã lặn lội từng chặng đường xe ôm xa trên dưới 30 cây số đầy ổ gà dằn xóc, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến   để chẳng làm sao quên được vài gia đình người bạn thương phế binh. Hình dáng anh lính oai hùng năm xưa bây giờ héo tàn bệnh họan ngồi buồn trên chiếc ghế gỗ đơn sơ. Người đang nằm hốc hác trên chiếc giường xiêu vẹo trong ngôi nhà nền đất, vách gỗ mộc mạc. Hay kham khổ lam lũ bên mấy đứa con, cháu nhếch nhác ngác ngơ nơi vùng đất khai hoang. Cuộc sống của họ là chạy xe ôm, là làm thuê làm mướn. Là buôn bán lặt vặt ở chợ, là lam lũ  ngoài ruộng đồng. Dù tuổi đời khá cao, dù làm tận sức vẫn chẳng đủ ăn mà đau bệnh lại chẳng từ người nào. Họ vẫn âm thầm sống và chịu đựng chẳng ai chú ý đến. Sự hy sinh của các anh lính chiến oai hùng ngày nào bây giờ như chìm trong sự quên lãng của mọi người. Lòng tôi nặng trĩu nhói đau, ôi những người anh lính chiến VNCH !!!. Chụp từng hình ảnh, cầm trong tay những tấm thẻ bài và những tấm giấy chứng nhận một thời là quân nhân cùng chứng chỉ giải ngũ vì thương tật, tôi nghẹn lời...
Làm sao giúp họ trong hoàn cảnh này đây, tôi muốn lắm, nhưng con én không làm nổi mùa Xuân!  Riêng tôi chỉ biết trong khả năng hạn hẹp, giúp họ một số tiền nhỏ gọi là quà.
Tôi gom những hồ sơ có được cất vào hành lý mang về lại Mỹ, trong lòng mong rằng các bạn trong hòan cảnh khó khăn này sẽ nhận được thêm nhiều sự giúp đỡ từ các hội đoàn và mọi người ở khắp nơi .

Ngày cuối cùng, một buổi họp mặt chia tay với hai mươi bốn người đã có một đêm vui chơi trọn vẹn hơn 4 tiếng đồng hồ . Pleiku bây giờ cũng không thua kém các thành phố lớn ở phần giải trí, nhiều công trình đã được xây dựng lên thu hút lượng khách khá đông mỗi đêm -Và Plaza Tre Xanh ( Hội Trường Diên Hồng trước kia), là một nhà hàng lớn lộng lẫy tọa lạc trên đường Lê Lai.


Chúng tôi chuẩn bị sẵn những phần ăn nhỏ bằng bánh và trái cây để có thể vừa nhâm nhi vừa thưởng thức tiếng hát của nhau. Những ngụm bia khiến các bạn trai thêm hào hứng và bọn con gái chúng tôi cũng thấy lòng vui ngất ngây say theo… Cả buổi tối dài sát bên nhau ngồi chật căn phòng cùng hàn huyên , hát ca, và cười đùa đến quên cả thời gian, chúng tôi bịn rịn không ai muốn chia tay dù nhà hàng sắp đến giờ đóng cửa!
Máy bay rời khỏi Pleiku, tôi nhìn lại các bạn đi đưa tiễn ở phi trường mà lòng quyến luyến. T. Nhung, N. Anh, X.Sự, Q. Tuấn, chị B.t. Hiến, A. Thơ, mọi người đã xa dần, tôi thấy bị rơi vào hụt hẫng…

Hai tuần lễ dành trọn vẹn cho gia đình và bạn bè đã qua, thời gian tuy ngắn ngủi nhưng khó phai trong cuộc đời! Cám ơn tất cả những người thân, người bạn đã cho tôi bao kỷ niệm đẹp và niềm hạnh phúc lớn lao. Cám ơn thành phố Pleiku thân thương, mong một ngày trở lại…


Pleiku. Một ngày về thăm
Thu Tâm


HƯƠNG XƯA



Gói trọn tình Thu , nắng mặt trời,
Hoàng hôn bàng bạc, gió Thu lơi.
Kết chùm Thu với ngàn đôi bướm,
Lờ lững mây trời Thu lả lơi…

Nhặt chùm mây xám mỗi Thu sang.
Với cả rừng Thu , xác lá vàng ,
Gom hạt mưa vào Thu trắng xóa,
Để Thu thôi hết dấu chân hoang !

Đem cả Thu vào giấc mộng đêm,
Hương Thu thoang thoảng lướt qua êm.
Mênh mang một cõi Thu thương nhớ,
Dấu vết Thu xưa vẫn ẩn chìm…


Thu Tâm


PHẢI CHI


Phải chi con sáo sang sông,
Sáo đừng lưu luyến mắt trông liếc về.
Sáo đã bỏ lỡ câu thề,
Bước chân phiêu lãng nhớ gì đường xưa ?
Phải chi trời đừng đổ mưa,
Ta đâu gặp gỡ đường thưa vắng người .
Mong manh chỉ một nụ cười,
Tia nhìn lúng liếng ánh ngời nhớ nhung.
Phải chi ta đừng ngại ngùng,
Sợ cây cầu gãy, sợ chùng giây tơ.
Giữ tình chỉ mãi ban sơ,
Giữ dài ngăn cách, ngẩn ngơ sáo buồn !
Phải chi những cánh chuồn chuồn,
Bay đi đừng đậu cho buồn nhánh cây .
Ngày xưa tiếng sáo thơ ngây ,
Quyện trong dòng nhạc , đó đây giao hòa.
Bây giờ sáo bỏ đi xa,
Cho mây tan tác , nhạt nhòa lối bay.
Vỡ tan ước mộng mượn vay,
Ta đây, sáo đấy bàn tay vuột rời…
Bơ vơ tiếng hát rã rời,
Hằn sâu góc nhớ những lời nghẹn đau!
Duyên này thôi để mai sau,
Cung đàn lỗi nhịp phải đâu lỗi người …
Ta xin trả lại cho đời,
Mượn làn gió cất thay lời cho ta…,

Thu Tâm

Nỗi Niềm

 

Nỗi Niềm


Sáng tác : Tuấn Khanh
Tiếng hát : Khánh Hà


Từng hạt sương khuya hoen đôi mắt biếc
Sau khi chia tay hôn anh một lần vội vã
Làm chiều không đi chân mây tím ngắt
Anh ơi, đêm nay em nghe trống vắng buồn tênh
Từng ngày trôi qua tim em héo úa
Ðêm đêm theo mây len lén vào hồn tìm nhau
Tìm làn môi ngoan nồng nàn thắm thiết
Cho đêm không mơ, cơn mơ lẻ loi
Ðêm em xa anh em chưa kịp nói
Ðôi môi run run lệ tuôn khóe mắt
Nên em cô đơn những đêm về sáng
Nên khi xuân sang lòng như trái đắng
Nào ngờ đêm nay tim nghe ấm áp
Ngỡ đã xa nhau nên khóc một lần từ giã
Giờ thì đôi tay đan tay quấn quít
Xin cho đêm đêm tình đầy mộng say

MƯA TUYẾT


Ngàn ánh sao trong chiều đang xuống,
Lấp lánh màu trắng vướng mênh mông.
Ngại ngùng băng gía mùa Đông,
Rơi rơi buốt lạnh hàng thông bên đường.
Bên ánh điện chập chờn soi sáng,
Bóng hoàng hôn thấp thoáng khuất xa.
Muôn ngàn bông tuyết nở hoa,
Trong veo hàng nhũ thướt tha rũ buồn.
Mờ mịt lối con đường nho nhỏ,
Đôi chim gầy rụt cổ âu lo,
Lẻ loi một bóng co ro ,
Cành cao chú sẻ buồn so nghiêng đầu .
Không gian tịnh một mầu trắng xám,
Khắp khung trời u ám xác xơ.
Nhà ai giữa phố chơ vơ,
Đèn leo lét ngọn hững hờ bóng nghiêm.
Tuyết vẫn đổ trong đêm hoang vắng ,
Gió bâng khuâng sầu lắng êm đưa,
Mùa Đông lạnh giá đong đưa,
Tuyết đan đan kín đường thưa bóng người…
Trong hơi thở rã rời sương khói,
Lạc giữa vùng mờ lối mênh mông.
Để hồn thêm giá tiếng Đông,
Để người xa vắng buồn trông mắt mờ…


Thu Tâm

GIẤC MƠ LẠC LOÀI



Bỗng dưng xao xuyến chiều nay,
Thả hồn bay bổng theo mây lượn lờ
Về thăm hàng liễu ven hồ,
Xanh xanh bóng rủ hững hờ nghiêng soi.
Thảm hoa trong ánh chiều rơi,
Tô thêm màu thắm , lả lơi bướm rình.
Xa xa mờ ẩn Tháp xinh,
Bên cầu Thê Húc hữu tình uốn cong.,
Lăn tăn sóng gợn êm trong ,
Mùa Thu sương mỏng bềnh bồng giăng thưa…
Mỗi mùa Thu đến vương tơ,
Gió rung cành thấp, ngác ngơ lá sầu.
Hồ Gươm nước thẫm đổi mầu,
Kim Quy thầm lặng ngửng đầu ngắm mây.
Thoảng đưa theo gió hương bay,
Mùi trầm thơm ngát, ngây ngây gió nồng.
Thẫn thờ đám cỏ phiêu bồng,
Say hồn lữ khách, ngại ngùng bước đi.
Nắng chiều vội rủ nhau về,
Cùng nhau chứng kiến tình si đôi lòng.
Từng đôi vai sánh , tay trong,
Dập dìu ước nguyện, tình hồng kết mơ.
Bỗng dưng tỉnh thức hồn thơ,
Tự nhiên chợt thấy bơ vơ lạc loài !

Thu Tâm

MỘT THOÁNG MƠ QUA

 
MỘT THOÁNG MƠ QUA 
 
Thơ Thu Tâm. Nhạc Ái Hoa. Ca sĩ Châu Thùy Dương. Hòa âm Võ Công Diên.
http://langhue.org/index.php/nghe-th...-mo-qua-ai-hoa

http://www.thuduc-ontario.ca/nth/5/motthoang-moqua.mp3
 
 
Đêm qua trong giấc mơ đi,
Có tôi đứng nén bờ mi tím mầu.
Một mình một góc úa nhầu,
Bên hàng cây cúi gục đầu thở than.

Đêm qua khi giấc mơ tan,
Ngẩn ngơ tôi thấy mình đang mắt mờ !
Lệ tràn đẫm khoé bao giờ ,
Miệng môi nhạt đắng , tim khờ xót xa !

Đêm qua tôi chợt nhớ ra,
Mùa Thu đang đến nhắc hoa sắp tàn.
Cuối Thu nhuộm khắp lá vàng,
Rụng rơi xơ xác, bàng hoàng cây trơ …

Đêm qua tôi có đợi chờ,
Hình như một thoáng lửng lơ gió về.
Dừng chân giây lát rồi đi ,
Để tôi còn lại tên đề dở dang…

Đêm qua lặng lẽ miên man,
Đếm từng hơi thở thời gian trôi buồn .
Mùa Thu gió lạnh khơi nguồn,
Thu mang luôn cả dập dồn niềm đau…

Đêm nay cho đến đêm sau,
Xin bao nhiêu giấc mơ sầu tan nhanh.
Thôi đừng đến nữa quẩn quanh,
Trả tôi về với màu xanh thuở nào.

Đêm mai hãy đến ngọt ngào,
Bao nhiêu trăn trở đổ ào trôi sông!
Chuyện xưa hãy chết trong lòng,
Người xưa xin liệm trong vòng khói bay…

Thu Tâm
 
 

MƯA THÁNG SÁU (hồi ký )

  
Mưa Còn Rơi Mãi Vì Ai
Xin Click vào tựa bài để nghe nhạc

Nhạc & Lời : Diệu Hương
Tiếng hát :Quang Dũng
 

 

MƯA THÁNG SÁU (hồi ký ) 

Giải Nhất VĂN - Văn Thơ Lạc Việt năm 2013


               nhớ “Những tháng ngày không quên” …
            Thân mến tặng cho các chị cùng đợt thăm tù tại Cà Tum năm 1977)


 


MƯA THÁNG SÁU 
Giải Nhất VĂN - Văn Thơ Lạc Việt năm 2013
(Để nhớ “Những tháng ngày không quên” … Thân mến tặng cho các chị cùng đợt thăm tù tại Cà Tum năm 1977)
 
         Đôi mắt mở to, trằn trọc mãi vẫn không tài nào dỗ được giấc ngủ, tôi nằm yên lặng ngó quanh căn phòng dành cho người lỡ đường của ngôi Chùa nhỏ đơn sơ . Trong yên lặng, thỉnh thoảng một vài tiếng thạch sùng tắc lưỡi không đủ làm khuấy động màn đêm.  Ánh đèn điện trên trang thờ bên góc tường đủ soi sáng cả không gian chật hẹp , đồ đạc không có gì ngoài bộ ván  gỗ 1 mét 6, trên đó chật cứng bốn người lớn và hai đứa con nhỏ của tôi, nên mỗi lần cử động hay trở mình rất khó khăn. Nằm chen chúc trên mặt gỗ cứng và lạnh làm tôi thấy ê ẩm cả người , vừa mệt mỏi vì đi cả ngày vừa suy nghĩ đến đoạn đường sắp đến cùng sức khỏe của chồng khiến tôi càng khó ngủ. Cố xoay trở để nằm thêm chút nữa chờ sáng nhưng mỏi qúa, tôi nhè nhẹ bước xuống giường ra trước bàn thờ , tay cầm nén nhang nhìn lên bức tượng Phật Bà Quan Âm mà chẳng biết van vái điều gì, chỉ nghe nghèn nghẹn nơi cổ họng và rồi những giọt nước mắt từ đâu bỗng tuôn rơi không kềm lại được. Nét mặt hiền từ cùng đôi mắt thăm thẳm của Người nhìn tôi như an ủi,  hỏi han. Tôi tủi thân đứng gục đầu trước trang thờ thổn thức, tưởng nhớ tới hình ảnh người chồng thân yêu đang nằm “bệnh xá” cả tháng nay…
        Giờ này chắc cũng khuya lắm rồi, mọi người đang say ngủ bởi cả ngày di chuyển mệt mỏi. Kẻ trôi dạt từ Saigon đến, người từ miền Tây lên , chúng tôi là những người đàn bà đau khổ dưới “xã hội chủ nghĩa “ cùng gặp nhau xin tá túc qua đêm nơi này để sáng ra còn lặn lội mấy chặng đường nữa , vừa đi xe vừa lội bộ mới tới được nơi người thân đang “cải tạo”.  Đứa con nhỏ chưa đầy hai tuổi của tôi giật mình khóc, thằng anh nó cũng mếu máo theo, tôi chạy lại ôm con vào lòng vỗ về.  Chợt tiếng đập ầm ầm dồn dập cùng tiếng gọi lớn  bên ngoài cổng Chùa làm hai đứa bé hoảng hốt ôm chặt lấy tôi  . Không biết chuyện gì nhưng vị Sư Cô tay cầm tràng hạt cũng ra mở cửa. Như một làn gió ùa vào trong, một cụ bà tóc bạc trắng, nét mặt và đôi mắt đầy nét kinh hãi bế trên tay đứa bé trai chắc cũng trạc tuổi con trai nhỏ của tôi, cả hai quần áo nhếch nhác và rách toạc nhiều chỗ lấm lem vết máu, vết bùn. Mọi người choàng tỉnh ngủ hẳn, sợ hãi ngồi hẳn dậy bởi tiếng khóc la của hai bà cháu  :
-        “ Chúng nó giết chết hết cả nhà con cháu tôi rồi! trời ơi sao
chúng nó ác qúa vậy, con cháu tôi có làm gì nên tội đâu ….!”
         Bà cụ vừa kể vừa gào thét, vật vã tay chân. Đứa bé cũng theo bà khóc la thảm thiết,  những vết rách trên da thịt đang rướm máu, khuôn mặt kháu khỉnh lem luốc của đứa trẻ đang mếu máo làm tôi xót dạ . Thời gian này hai chính phủ đang có cuộc xung đột nên bọn người từ bên kia biên giới Miên Việt bất ngờ nửa đêm đã tràn qua tàn sát những người dân Việt vô tội để trả thù. Gia đình ngoài   còn   con trai, con dâu và 8 đứa cháu , tất  cả   mười một người. Bây giờ chỉ còn sót lại bà và đứa bé nhất này vì ngủ ở nhà sau.  Khi bọn sát nhân gõ cửa, người con trai bà ra mở cửa và đã bị chính những người lạ đó đâm lưỡi lê sát hại  chết ngay, sau đó là từng người trong nhà oằn oại trên vũng máu không kêu lên được tiếng nào vì còn đang ngủ say . Bà không dám khóc , chỉ kịp lén ôm cháu theo ngã sau, băng đồng ruộng, vượt bừa qua cả hàng rào kẽm gai, chạy thoát được tới đây…  Nghe bà cụ vừa khóc vừa kể lại trong tiếng nấc mà chúng tôi không cầm được nước mắt, vô cùng xót thương cho hoàn cảnh của hai nguời , nhưng chỉ biết vỗ về an ủi. Không nói ra,  ai cũng nặng lòng lo nghĩ tới cuộc hành trình ngày mai.
       Một lúc sau, bà cụ hầu như kiệt sức nên chỉ còn rên rỉ nho nhỏ, Sư cô đưa hai bà cháu vào phòng trong nghỉ ngơi . Đồng hồ điểm 1 giờ sáng, sự yên tĩnh lại trở về trong lo âu . Chị em chúng tôi nhìn nhau yên lặng, trong lòng mỗi người ôm một nỗi ưu tư riêng. Trong đoàn người hôm nay chỉ mình tôi là vướng bận hai con nhỏ, vì không nơi thân thuộc để gởi gấm nên dù đi bất cứ nơi nào hoặc bao xa tôi cũng phải tay ôm tay dắt mẹ bên con …
         Các chị bạn thì thầm hỏi nhau có nên đi tiếp hay trở về. Tấn thoái lưỡng nan, bởi người nào đến được Tây Ninh rồi cũng cố ven vét tiền để mua thêm thứ này thứ khác đem vào trong tù cho chồng. Bây giờ mang trở về làm sao thoát khỏi bọn “công an kinh tế” lục soát và tịch thu hàng hoá, vừa mất của vừa bị chúng kết tội thêm phiền hà. Vì luật “miệng” đưa ra cho tất cả mọi hành khách, cứ 2 kg mỗi thứ hàng hóa mang theo đều bị  liệt vào danh sách  “buôn lậu”. Những thứ dư thừa sẽ bị tịch thu hay đánh thuế nặng! Phần tôi, lần thăm nuôi này đã phải đem bán vài vật dụng trong gia đình để mua thêm một số thuốc trị bệnh ngoài chợ “đen”cho anh ,  vì bạn anh đã báo tin anh bị dập phổi và thổ huyết suốt cả tháng nay mà không có được viên  thuốc nào cầm máu . Còn tôi thì làm việc cật lực mà đồng tiền lương eo hẹp  cứ hai tháng mới được lãnh nên phải giật gấu vá vai , xoay trở quanh năm dù ăn uống rất kham khổ  tặn tiện , chuyện thiếu trước hụt  sau là chuyện thường. 
Bữa nay ven vét hết nên tạm có chút đỉnh để thăm chồng,  đã hết mấy buổi mua sắm sửa soạn , mấy đêm thức khuya liền nấu nướng, chuẩn bị. Chả lẽ bây giờ lại để bị tịch thu một cách vô lý, trong khi tự bản thân và hai đứa con nhỏ phải tiện tặn từng chút biết bao ngày ?  Hơn nữa thiếu thuốc men thì liệu chúng tôi còn có ngày được gặp mặt anh không  ?!. Mà lần này nếu mất hết lấy đâu ra tiền để mua sắm lại. Nhưng … nếu cứ đi tiếp thì làm sao vượt thoát nổi những hiểm nguy nếu có xảy ra !!!
 
 
          Đầu óc rối tung, tay ôm con, lòng như tơ vò . Tôi đưa mắt thẫn thờ qua các chị bạn, rồi cúi xuống hai đứa con thơ,  nước mắt cứ tự nhiên rơi nhòe nhoẹt  trên mặt  chúng.  Các chị bạn yên lặng nắm tay tôi tỏ dấu an ủi, mấy sư cô đang có mặt nhìn tôi ái ngại thương cảm , một vị lên tiếng:
-    “Hay là cô để các cháu ở lại đây chơi, nhà Chùa sẽ giữ săn sóc giúp cho đến khi nào cô trở về.! Dắt chúng theo nguy hiểm và  tội nghiệp lắm.”
        Lời nói đầy tình nhân ái khiến tôi suy nghĩ, nhưng làm sao yên lòng được. Vì chúng còn nhỏ qúa, vả lại hồi nào tới giờ hai đứa chưa bao giờ xa mẹ  một hôm nào, nhất là phải ở cả ngày, đêm với những người lạ. Thằng bé nhất còn đang bú mẹ nữa làm sao đang
tâm ! Chúng sẽ khóc đến thành bệnh mất! Mà không biết chuyến đi bao lâu mới trở ra được nữa. Nguy hiểm đang chực chờ phía trước không ai đoán được, mấy chị bạn đã nhất định không trở về nếu chưa gặp được chồng , Lòng tôi rối bời tấn thoái lưỡng nan …
        Nhưng cuối cùng cũng phải có một sự dứt khoát cho cả mình và mọi người yên lòng , tôi lau khô những giọt nước mắt phân vân,  “Một liều ba bảy cũng liều” Quyết định cuối cùng là “Đi”! Mẹ đâu con đó! Tôi đành cám ơn vị sư cô đưa ra đề nghị vừa rồi. Mọi người lại lên tấm ván nằm tiếp, sự yên ắng trở về trong căn phòng nhỏ, tôi vẫn không tài nào chợp mắt khi trong lòng còn ngổn ngang nỗi âu lo.
 
HÀNH TRÌNH GIAN NAN
 
       Chuyến  xe  lam chất  đầy  hành khách đưa chúng tôi rời bến Tây Ninh từ sáng đến gần trưa thì vào đến “Càtum”. Chung quanh cây cối nhà cửa và trên quần áo tóc tai cả đoàn người cũng phủ mờ bụi đất. Đoạn đường đất gồ ghề những ổ gà, ổ trâu cứ sóc lên sóc xuống nên mọi người ngả nghiêng va đụng , đôi lúc đang đi bỗng xe nhảy dựng lên như con ngựa chứng, khiến đầu một vài người bị dộng mạnh lên mui xe đau điếng.  . Người tài xế nghe mọi người la lớn mỗi khi chiếc xe chồm lên hay lạng qua lạng lại khi né tránh đám ổ gà to tướng,  làm tất cả ngã chúi lên nhau nên trấn an bằng câu nói đùa ý nhị :
-          Bà con hổng biết sao, đây là con đường nổi tiếng mang
tên “Cà Tưng” lâu nay rồi, chịu khó chút nghe. Nhà nước  đang lo tài chánh để đổ nhựa . Mai mốt tha hồ ngồi êm như xa lộ Biên Hòa zdậy. ”
        Mọi người dễ dãi cười phụ họa theo làm không khí như bớt đi phần nào nặng nề .  Hai đứa con ngồi hai bên đùi khiến tôi tê dại cả người, thêm căng thẳng vì phải che chắn sợ con bị thương do những va chạm mạnh nên tôi càng thêm mệt mỏi. Một người thanh niên mặc quần áo  “ Thanh Niên Xung Phong”  mặt còn rất trẻ bên cạnh thấy vậy nên ngỏ ý đỡ giúp tôi cháu bé. Thằng bé nghe vậy không biết lạ người, nhanh nhẹn nhảy phóc qua đùi cậu thanh niên cười toe toét nhe mấy cái răng sữa, ngọng nghịu làm quen và nói đủ thứ.  Dù bé chỉ biết mặt bố một lần từ lúc sinh ra gần hai năm nay, chẳng hiểu đã nghe từ đâu mà bé đã biết nhiều chuyện về người cha vắng mặt để nói ra những câu đã làm tôi bất ngờ không kịp ngăn cản:
-        “Chú biếc  Bố coong hông, coong i xăm (thăm) bố đó, Bố bị bộ tội (đội ) bắc chù (t ù) zồi, coong héc
-        (ghét) bộ tội nắm ! Coong hương (thương) bố nắm…”
       Tất cả lại phì cười  , thằng bé thấy được chú ý nên càng ra sức huyên thuyên. Không khí trên xe có những tiếng cười vui nên bớt  căng  thẳng  mệt mỏi, nhưng riêng tôi lại lo lắng với sự ngây thơ thật thà của  trẻ thơ. Từ ngày vắng anh, ba mẹ con sống đơn độc, khép kín, luôn lo sợ sự bất trắc xảy đến. Vì “tai vách mạch rừng” , và chính sách “Ngũ gia liên báo” khiến tôi thường âm thầm không dám tâm  sự thở than, chỉ dám tiếp xúc với các chị em cùng chung hoàn cảnh, còn thì nín lặng trước mọi điều bất công ngang ngược.  Nhưng trong cuộc sống eo hẹp khó khăn đã khiến một số nhỏ chị em không chịu đựng nổi, hoặc bị bọn Công an , cán bộ ỷ quyền hay lập mưu dồn vào thế phải phạm tội với chồng, phải sống cuộc đời tùy thuộc chúng. Bọn chúng trong tay đầy quyền hành, đem thủ đoạn mưu mô ra đối phó với những người đàn bà trẻ yếu đuối, khờ khạo trong hoàn cảnh mới,  họ liệt chúng tôi vào thành phần “gia đình Ngụy có tội với nhân dân”. Chúng tôi  luôn bị rình mò , dòm ngó, đe nẹt , hăm dọa ngay cả ép uổng nhưng vẫn phải lặng câm, bởi hở ra là bị vu khống hay chụp mũ cho là “Phản động”. Cụm từ này mới chính nghĩa mới cao cả làm sao , chúng có thể áp dụng cho bất cứ sự phản kháng nhỏ nhoi nào.  Chúng tôi đã phải bươn chải khắp nơi, cố gắng vượt qua bao nhiêu cơ cực, còn phải đề phòng và né tránh bao cạm bẫy hầu an toàn mang được miếng ăn bữa no bữa đói về cho con, cho gia đình. Chỉ trông mong vào sự che chở của Phật Trời , sự gia hộ của ơn trên để sống còn mà nuôi con dại, cha mẹ già.
       Riêng tôi,  ngoài sinh kế khó khăn và để thoát qua những cặp mắt đầy ác tính luôn chờ cơ hội để làm nhục , hàng ngày đã tự hóa thân thành một thiếu phụ lem luốc lôi thôi, dù tuổi đời mới hai mươi mấy. Đầu tóc bù rối, áo quần luộm thuộm, lùng thùng với chiếc nón rách tả tơi lụp xụp che khuất mặt mỗi sớm tối đi và làm về, hoặc khi có việc phải ra ngoài. Chỉ còn thêm ít … vết lọ nồi trét trên mặt nữa chắc  người    thân yêu nhất cũng chẳng thể nhận ra !!  Đôi lúc ngắm mình trong gương  tôi không biết nên cười hay nên khóc , chỉ thấy nghèn nghẹn trong tim  một nỗi cay đắng hận tủi !!
*****
        Cà Tum đây rồi, chiếc xe dừng lại nơi gọi là “bến “ ,chỉ lèo tèo vài chiếc xe chở khách (loại xe máy có đóng thêm một khung gỗ đàng sau để chuyên chở ), rất đúng nghĩa với tên được gọi là “Lôi” . Cả tài xế lẫn mấy chiếc xe ngộ nghĩnh đang đứng lạc lõng giữa gió bụi của một bãi đất trống , chung quanh lác đác vài  nhóm cỏ dại khô cằn bật khỏi mặt đất trơ cả gốc  rễ.  Chắc đây là loại xe mới được “cải tiến” cho thích hợp hoàn cảnh . Và hành khách chỉ là những chị em đi nuôi chồng hay thân nhân như chúng tôi. Vài con chó ốm tong teo lang thang quanh những đống rác chí choé dành nhau tìm thức gì có thể ăn được.  Lòng tôi như chùng xuống theo màu xám của mây trời… Đoạn đường đi tới còn dài, chúng tôi lại vội vã chia nhau lên từng chiếc  “xe “.


        Cứ hai người cùng với hàng hoá đi chung một chuyến , chiếc xe ngộ nghĩnh ì ạch “lôi”chúng tôi ngã sấp ngã ngửa trên con đường đất “sống trâu” gồ ghề ,sình lầy đầy những ổ gà ngập nước mưa sâu hoắm.  Hai bên đường lác đác dăm mái nhà đơn sơ nửa tranh, nửa tôn lụp xụp chen giữa những thửa ruộng cuối mùa, càng tăng thêm phần tiêu điều của một vùng quê nghèo nàn, hẻo lánh. Thỉnh thoảng
một vài người dân địa phương chân đất ,quần áo nhếch nhác tay bế con nhỏ , bên cạnh là mấy đứa bé trần truồng đen nhẻm, dơ cái bụng  ỏng vượt trội ra trước mặt đứng ngơ ngác nhìn đoàn xe kỳ khôi chúng tôi đi qua với đôi mắt tò mò. 
Ngắm người và vật, tôi tưởng mình đang lạc vào thế giới của người thiểu số thời xa xưa nào đó  …Bụi mù theo gió lốc xoáy lên cao rồi cuốn tròn quanh đoàn người khốn khổ, mặt mũi chúng tôi đều lem luốc phờ phạc, tóc tai xác xơ như những tên hề hoá trang vụng về sau đêm hát. Mọi người nhìn nhau cười như mếu không ra tiếng!!
        Đoạn đường tuy không bao xa nhưng cũng hơn 3 giờ chiều mới đến Bố Túc. Một tên gọi mà người thành phố chúng tôi chưa hề được nghe nhắc tới bao giờ. Từ đây , vì không có xe nào chịu chuyên  chở  giúp  nữa,  nên chúng tôi phải gồng gánh lội bộ cả 6 cây số đường đất nữa mới tới được nơi để ngủ qua đêm . Đến lúc này ai nấy đều uể oải cả  nhưng đành phải cố gắng. Một tay tôi bế đứa con nhỏ, trên lưng là chiếc balo căng phồng nặng trĩu đến còng gập cả người, còn tay kia thì kéo lê chiếc bao 50  kg chật cứng. Đứa con lớn mới hơn bốn tuổi của tôi nắm áo mẹ lúp xúp đôi bàn chân bé tí  bước thấp bước cao chạy theo sau, mặt đỏ gay ướt đẫm mồ hôi. Thỉnh thoảng khóc thét lên vì bị vấp ngã chúi xuống trầy trụa hai đầu gối . Tôi tím cả ruột gan, nhưng làm sao hơn khi  tôi cũng gần như kiệt sức với số hàng hóa đang mang trên lưng, trên tay. Tôi nhủ thầm tiếng xin lỗi với con và nói nhỏ : “mẹ con mình cố lên chút nữa rồi sẽ được gặp bố nghe con” Bé nhìn mẹ mếu máo không dám khóc, nhưng nước mắt tôi thì đã chan hoà từ bao giờ...
          Những bóng người lem luốc nặng nề lê bước bên nhau trong ráng chiều hiu hắt, không ai còn đủ hơi mà chuyện trò nổi. Vài tiếng qụa kêu vọng lại càng tạo cho bầu không khí thêm thê lương, buồn bã.  Bầu trời càng lúc càng xuống thấp hơn, đám mây vần vũ trên trời như đe doạ cơn mưa ập tới bất ngờ . Mẹ con tôi cố gắng lắm nhưng vẫn bị bỏ lại đàng sau một đoạn xa dù các chị bạn cố tình đi chậm lại để chờ. Cả thân thể tôi như rời rã và đôi chân sưng phồng đau nhức  lê lết không muốn nổi nữa.  Vẫn phải tiếp tục vì mặt trời đã sắp lặn,  những đám mây đen đang vần vũ trên bầu trời cũng đang đe dọa đổ mưa bất cứ lúc nào,  mà hai đứa con đang đói đòi ăn .
          Vừa đi vừa nghỉ rồi cũng đến được đích khi hoàng hôn đã bao phủ nhạt nhoà cảnh vật.  Những người dân thật thà chất phác rất nhiệt tình giúp đỡ, lấy tiền nhà tượng trưng thôi.  Sau khi lo cho hai con tắm và ăn uống xong, soát lại trong túi chỉ chừa đủ tiền xe cho chuyến về, tôi bắt chước họ, mua thêm con gà, luộc chín. Nấu miếng xôi để mai mang vào cho chồng xong tôi định đi nghỉ. Sáng ra còn phải khởi hành sớm vì từ đây đi tới cổng trại thêm  4  km đường cũng mất nhiều thời gian. Họ báo sẽ nhận đơn lúc 9 giờ sáng,  cỡ 11 giờ là được thăm.
 
ĐOẠN TRƯỜNG
           Trời khuya dần, hai đứa bé quá mệt mỏi vừa đặt xuống giường là ngủ say sưa. Trằn trọc mãi vẫn không chợp mắt được, lòng ngổn ngang trăm nỗi, tôi ra ngồi trước hiên căn nhà lá nhìn làn mưa rơi trong màn đêm u tịch, lòng bồi hồi nghĩ tới anh. Những giọt nước mưa mát lạnh theo làn gió hắt vào mặt càng làm tôi tỉnh táo, dù rằng xác thân đã rã rời. Tiếng chó nhà ai sủa vang phá tan sự tĩnh lặng của đêm đen, giờ này chắc các anh cũng đang  thao  thức mong cho mau sáng để  được  gặp mặt  vợ con hay thân nhân…

       - Chạy mau, chúng nó tới nơi rồi …”

           Tiếng la thất thanh của ai đó kèm theo tiếng chân người chạy cùng tiếng chó sủa liên hồi, tôi  hoảng hốt đứng bật dậy . Ngoài đường từng chiếc xe bò chất chồng cả người lẫn đồ đạc đang rộn ràng chạy qua, bóng tối bị đẩy lùi bởi những ngọn đuốc sáng rực khắp nơi. Tôi đứng chết trân giữa cửa không biết làm gì. Trong nhà  mọi người đã thức giấc đang gói ghém đồ đạc chất lên xe bò (
hình như ở đây
gia đình nào cũng có sẵn loại xe này), tiếng kêu gọi nhau í ới vang rền cả xóm.  Các chị em bạn cũng tay ôm tay xách chạy ra ngoài, thấy tôi đứng lớ ngớ họ la lớn thúc dục. Tôi nghẹn ngào khi nhìn hai đứa con thơ và đống đồ đạc bên cạnh. Bủn rủn tay chân, làm sao đây!  Tôi ngẩn ngơ tê dại ngồi xuống ôm con khóc không ra tiếng trong khi mọi người lăng xăng. Vợ chồng người chủ nhà la to:
-  Cô để một túi đồ và bỏ thằng con lớn lên xe tui chở đi cho, còn cô bồng thằng nhỏ mà chạy theo sau. Lẹ lên không thì chết hết đó.
 
      Cuống cuồng làm theo người chủ nhà tốt bụng, chỉ còn chiếc balo và đứa con nhỏ . Tôi cố chạy theo nhưng đôi chân hình như không  còn  biết  nghe lời , cứ qụy xuống trên mỗi bước đi. Chiếc  xe chở đứa con lớn càng lúc càng bỏ xa tôi, nghe  vọng lại tiếng con tôi khóc thét lên khi không nhìn thấy mẹ và em đâu nữa. Mấy chị bạn nóng lòng thấy tôi cứ thụt lùi phía sau nên la lớn:
  
-        Chị  phải  hy  sinh    giữ  mạng mình với con trước, vất bớt đồ đạc đi
cho nhẹ mà chạy. Chứ đi kiểu này thì tụi tui cũng chết theo chị luôn đó!
          Tôi nào muốn liên luỵ đến mọi người, dù trong lòng rất phân vân lo lắng. Thường những chuyến thăm nuôi chồng trước đây, khi tôi không đi được thì gởi bạn bè một ít mang giúp vào cho anh. Và bây giờ trong chiếc balo này có một ít  qùa của chị em bạn nhờ cậy,  mà tôi cẩn thận lại để tất cả ở trên cùng của balo cho dễ nhớ. Nếu vứt đi những thứ nằm trên đều là của họ, không biết mai này giải thích ra sao cho khỏi bị hiểu lầm đây. Để bớt áy náy lương tâm, tôi nhờ chị bạn mở nắp balo sau lưng tôi vất bỏ bất cứ vật gì . Một phần ba số lượng rồi mà hình như vẫn không thấy nhẹ đi chút nào. Lưng tôi vẫn đau nhói gập cả xuống như đang đeo tảng đá to cóc góc nhọn , thằng bé con sợ hãi nên bám chặt cứng một bên hông làm người tôi thêm nhức nhối. Bóng tối và sự yên lặng phủ trùm vạn vật, đoàn người chạy loạn cùng những bó đuốc bập bùng đã ở đâu đó xa tít đàng trước mặt  từ lúc nào. Tiếng đứa con lớn của tôi cũng bặt theo, chắc nó sợ lắm đây ! Tôi kéo lê lần mò từng bước chân đau nhức, tê mỏi trên con đường gồ ghề, ngã chúi đầu mỗi lần vấp phải những ổ gà ngập nước mưa,  hất cả thằng con nhỏ  xuống đường khiến nó khóc thét lên vì đau đớn. Hai mẹ con đều bị ướt mèm và đất bùn dính lem luốc . Ôm chặt con thơ, ruột gan người mẹ như đứt từng đoạn. Có 4 km đường mà sao đi hoài không tới !!
         Gần 3 giờ sáng, cổng trại giam mở đón chúng tôi vào nhưng chỉ được dừng lại ở ngay sau cánh  cổng. Tôi trải chiếc khăn lông lớn mang theo lên bãi cỏ cho hai con nằm , ngồi bên cạnh quạt muỗi chờ sáng . Một rừng người yên lặng nằm ngồi la liệt chung quanh.  Đến  5  giờ , chỉ  hai  tiếng nghỉ  ngơi  chưa đủ lấy lại sức. Nhưng  mấy tên “cán bộ” đã hét to ra lệnh cho chúng tôi phải trở về khu nhà dân vì không còn nguy hiểm nữa . Lại lếch thếch rồng rắn kéo nhau quay trở về! Đúng là đoạn trường , cùng cực của nỗi khổ !
 
       Chỉ kịp lau mặt mũi thay quần áo cho ba mẹ con , rồi ăn chút lót dạ xong là chúng tôi tiếp tục gánh gồng , tay mang tay xách trở lại đoạn đường cũ vừa đi qua.  Lúc này trời đã sáng tỏ, trên mặt đất nằm ngổn ngang bao nhiêu đồ đạc thức ăn bị vất bỏ hồi khuya. Tôi bất ngờ tìm lại được vài món qùa còn nhớ được , trên có ghi chữ của tôi và bạn gởi. Không biết còn thiếu thứ gì nhưng cũng mừng rỡ vô cùng như bắt được của rơi !!! Tuy cả ngày tất tả ngược xuôi và cả đêm hầu như không chợp mắt, nhưng nghĩ đến sắp được gặp chồng là bao nhiêu mỏi mệt lúc này tan biến đâu mất, hàng hóa trên lưng,  trên tay cũng nhẹ hơn bao giờ ...  Hai đứa bé tíu tít vui đùa chạy trên đường, sự vô tư của con thơ cho tôi niềm hạnh phúc ngọt ngào trong nỗi xót xa vô tận.
  
      Ba mẹ con ngồi ngơ ngẩn trong phòng đợi, người đi thăm đã lần lượt ra về mà sao tên chồng tôi vẫn chưa được gọi đến… Một tiếng rồi hai tiếng trôi qua, tất cả chỉ còn ba mẹ con chơ vơ trong căn nhà tre nứa trống hoác chung quanh bốn bề gió lộng. Tôi vòng ra phía đàng trước nhìn về hướng trạm gác có tên cs đang đứng  ôm
 súng lăm lăm , ý nghĩ không may bất chợt đến khiến tôi muốn nghẹt thở vì sợ hãi, hay là có chuyện bất trắc xảy ra cho anh, hay anh bị chuyển đi trại khác rồi?!  Không dằn được sự lo lắng, tôi đến gần đánh bạo hỏi tên cán bộ canh gác thì hắn nói, vì anh bị bệnh không tự đi được từ bệnh xá ra tận đây , mà lúc này anh em đi “lao động” hết , phải chờ có người về  “võng” anh ra . Tôi cố hiểu những từ ngữ hắn dùng, đành chờ tiếp mà ruột gan tôi nóng như lửa.  Ngổn ngang những suy đoán , hay anh bị bệnh nặng qúa họ không cho thăm nên kiếm cách trì hoãn thì giờ ? Tôi  phải  đợi  đến  bao  lâu  đây    trời  cũng ngả chiều rồi, mà thăm trễ qúa sợ khi gặp xong sẽ không còn xe về nữa thì phải  ở lại thêm một đêm!  Các con tôi sẽ ăn bằng gì,  ba mẹ con ngủ ở đâu vì tiền trong túi chỉ đủ dành cho chuyến xe trở về thành phố ! Tôi xin phép có ba ngày nghỉ mà hôm nay đã là ngày cuối,  nếu nghỉ lâu quá sẽ không làm đủ số lượng hàng bắt buộc.   Nếu “Tiêu chuẩn” 12 kg gạo mỗi tháng bị cắt thì lấy gì cho con ăn ?!  Trăm thứ lo âu lộn xộn lúc này ! Thời gian cứ chầm chậm trôi trong sự yên lặng đầy nghi vấn trong tôi.  Không thể ngồi yên, tôi lại đánh bạo tới xin tên CS đang cầm súng gác:
-  Cán bộ có thể cho tôi tự đi vào trong bệnh xá thăm chồng tôi được không?
       Hắn gay gắt trả lời : “ đường rừng dài tới 6 cây số , lại nhiều rắn rết rất nguy hiểm nên đàn bà con nít không thể đi vào được.  Chịu khó chờ , người đi lao động cũng sắp về tới nơi rồi ! ”
Tôi chán nản trở về chỗ ngồi lòng buồn rười rượi.  Không còn bóng người chung quanh ngoài tên gác và mẹ con tôi trơ trọi như lạc giữa đồng hoang cỏ cháy. Đành lấy thức ăn cho hai con đỡ dạ, cứ nhói trong đầu câu hỏi không lời đáp : Đêm nay mẹ con tôi sẽ ra sao ? Nhìn hai đứa con thơ gầy ốm vất vả theo mẹ mấy ngày nay , tim tôi buốt nhói !
 
NIỀM VUI HÒA LẪN NỖI ĐAU

          Chiều xuống dần, những đám mây đen vần vũ kéo đến báo hiệu trời lại sắp đổ mưa, định lấy gì cho con ăn đỡ đói  thì tên cán bộ tới báo cho hay đã có anh em đi lao động về,  và lát nữa chồng tôi sẽ ra đến.  Hai đứa bé nghe tin mừng rỡ reo lên, nhìn con nhảy nhót vui mừng nhịp tim tôi cũng bỗng nhiên rộn ràng…
          Ôi ! người chồng thân yêu của tôi kia ư?  Sao nhìn không ra anh nữa rồi ! Người bạn lom khom dìu một bên nách, còn anh thì   vừa bò  vừa lết  bằng hai đầu gối đang tiến đến gần. Sức anh yếu
thế kia mà phải tự dùng sức tàn đến sáu cây số đường rừng mới ra được đến đây, sao người ta lại tàn nhẫn đến vậy !Tôi chết sững người, bóng chiều nhạt nhòa và mắt ngập lệ xót xa… Chiếc balo trên lưng bỗng dưng nặng trĩu đè gập người tôi xuống. Anh và tôi cùng qùy đối diện, bốn mắt nhìn nhau nghẹn ngào không nói được nên lời, chỉ nghe tiếng ríu rít vô tư của hai đứa con thơ. Đâu đó tiếng chim kêu buồn thảm như muốn buông lời cảm thông trong gió chiều núi rừng xạc xào nhè nhẹ  ! Tiếng hét lớn của tên cs khiến cả hai chúng tôi giật mình :
-        “ Anh chị kia, vào trong “nhà” mà nói chuyện chứ, ai làm gì mà phải qùy
ngoài trời mưa như thế ?”
         Người bạn anh lại đến gần dìu anh đi, vào hẳn phía trong “nhà” rồi thì người bạn tế nhị lảng tránh ra ngoài ngồi. Không còn đủ sức bế con, anh cố run run đứng thẳng giữa hai dãy bàn, vòng tay ôm hai đứa con trai nhỏ, anh úp mặt vào má chúng nghẹn ngào. Những giọt nước mắt của người đàn ông cương nghị ngày nào nhòe ướt mặt con thơ. Hai đứa trẻ đưa bàn tay bé xíu chùi nước mắt cho cha rồi oà khóc theo người cha tội nghiệp!  Thời gian như đứng lại với nỗi xúc cảm ngập tràn. Vợ chồng tôi chưa kịp nói với nhau một lời nào thì …

-    Hết giờ rồi!
        Tiếng  tên  VC  vang  lên đánh vỡ niềm xúc động đang dâng  tràn  trong  bốn  người  chúng  tôi.  Cũng  như  đã  cướp  mất niềm hạnh phúc nhỏ  nhoi  của một
gia đình    ..  Tâm hồn như đóng băng, đôi mắt tôi mờ hẳn và hầu như không còn nhận thức được điều gì đang xảy ra xung quanh. Hai đứa bé mếu máo níu, ôm chặt người anh không chịu buông, tim tôi như nghẹn thắt lại …
       Và ngoài kia trời đang trở gió , mưa rơi ... rơi! .
 
Thu Tâm (1977)