Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

LỐI XƯA TÌM VỀ




     Pleiku đây rồi, vùng đất đỏ và những rặng cây xanh rì thân yêu ngày xưa đã dần hiện rõ dưới ánh nắng chói chan của một ngày giữa mùa Xuân ấm áp. Tôi nhoài người nhìn qua khung cửa sổ nhỏ trên thân máy bay để thấy lòng rộn ràng pha chút bồi hồi nhớ mong . Cả một thời áo trắng khờ dại của chúng tôi đã trải qua trên Thành phố Cao nguyên “nắng bụi, mưa bùn” này . Một tỉnh lỵ nhỏ vừa âm thầm vừa náo nhiệt với đủ màu áo trận được mang tên “Thành phố lính”. Mỗi chiều tan học về, hàng đòan xe chờ bên cổng trường, các chàng trai trẻ trong màu áo Kaki trên những chiếc Jeep mỗi ngày kiên nhẫn chờ đón cho được nàng áo trắng nào đó…và rồi đã có biết bao mối tình thật thơ mộng bắt đầu và được kết thúc bằng những đám cưới đẹp đôi…Thế là lại có nhiều thư sinh đau khổ bỏ học đăng lính dù mùa thi đang bắt đầu! Nhiều người vui và cũng có lắm kẻ đau buồn…

Mùa mưa nơi đây dai dẳng cả tuần không ngớt khiến đường xá càng thêm lầy lội, nhớp nhúa. Những con dốc cao trơn trượt khiến chúng tôi khổ sở hàng ngày đi về , những tà áo trắng điểm đầy bùn đất vương theo bước chân đi mỗi sáng chiều đến trường và tan học. Mùa Đông với cơn rét buốt căm căm và nhất là khi gần đến ngày Tết, gió lốc từng luồng xoay xoay cuốn lên cao từng đám bụi mịt mù. Ngày xưa mỗi lần nhìn thấy con lốc bụi này tôi rất sợ, vì mỗi lần bị lốc phủ lên là tòan thân biến thành lọ lem, nhưng vẫn thích thú dõi mắt nhìn theo và tưởng tuợng đó là… Ông Thần Đèn trong truyện cổ tích “Aladen và cây đèn thần” đang hóa thân. Rồi thầm ước, rồi mơ mộng …

Ôi, biết bao nhiêu trở ngại khó khăn của những ngày xưa nơi vùng đất đỏ này nhưng khi xa rồi khó ai không nhớ thương ray rứt, không ước ao có ngày được trở lại thăm. Đó là thành phố nhỏ thân yêu của chúng tôi. Vâng, Pleiku một miền phố núi quanh năm với bóng mây che phủ và lên xuống chỉ năm mười phút là hết đường đi…Thế nhưng tình cảm mỗi người dân ở đây, nhất là tình đồng môn Pleiku dành cho nhau chẳng đâu sánh được. Chúng tôi có chung những người Thầy , Cô…khả kính , hiền từ đã luôn bao dung và tận tụy chăm lo cho đám học trò nghịch ngợm. Dù thời gian có phôi pha mọi thứ nhưng tấm lòng chúng tôi vẫn luôn mãi yêu thương và nhắc nhớ. 

Phi cơ vừa dừng lại, từ xa những bóng người đi đón thân nhân nhấp nhô trong khung rào cản. Lần theo cầu thang máy bay từ từ bước xuống, tôi nhận ra ngay ngoài cô em gái nhỏ Anh Thơ cùng người chị cả hiền lành ốm yếu thương yêu của tôi , còn có các bạn Tuyết Nhung, Bùi thị Hiến, Ngọc Hương, Lê thị Hạ, Trần Q .Tuấn…và những nụ cười tươi …Ôi, vui quá và thương quá những khuôn mặt thân thương của chị em và các bạn. Tôi đã được trở về đây , về với phố núi nhỏ bé thân yêu bên những người bạn mấy mươi năm tình nghĩa…Mắt cay cay trong niềm hạnh phúc, tôi ôm choàng mọi người. Xúc động đến ngẩn ngơ khi các bạn nhao nhao hỏi thăm…


Pleiku phố núi ngày Xuân,
Xôn xao mời gọi bước chân trong chiều.
Hàng cây bóng ngả xiêu xiêu,
Từng con dốc vắng gợi nhiều nhớ thương.
Một thời áo trắng nghê thường,
Một thời tim nhỏ chớm vương tình sầu…
Một thời thư lén trao nhau,
Một thời mắt trộm ánh mầu thiết tha.
Người xưa, cảnh cũ nhạt nhòa,
Nghiêng nghiêng nắng chói chan hòa từng không.
Rộn ràng tay bắt mặt mừng,
Để nghe tim rộn một vùng xa xưa.


Từ phi trường về, sợ tôi mệt nên các bạn từ giã sau khi hẹn nhau buổi tối sẽ gặp mặt. Nhưng đến 3 giờ chiều, lòng cứ nôn nao mãi không thể nào yên được, tôi mở vali mang những phần mà tôi đã xếp và gói cẩn thận đem về tặng làm qùa cho bạn rồi phone cho Tuyết Nhung - Người bạn hiền từ tốt bụng lúc nào cũng nhiệt thành và sốt sắng đưa tôi đi đến bất cứ đâu khi cần thiết, ngay cả lúc mệt mỏi cũng không từ nan. Thật tình nếu không có bạn, tôi không biết phải làm sao để xoay xở.

Giữa trời nắng chang chang, T. Nhung đã chu đáo đem đến tặng cho tôi một chiếc mũ rộng vành để đi nắng. Chiếc mũ này đã theo tôi suốt hai tuần lễ ở Pleiku mỗi khi ra đường cũng như cho tới bây giờ. Tôi treo mũ lên một chỗ cao nhất trên kệ để mỗi khi nhìn thấy là bồi hồi nhớ bạn và kỷ niệm đã qua..  Ôi , cảm động thay, người bạn tuyệt vời đã lo lắng chăm sóc cho tôi đến thế là cùng! Cám ơn T. Nhung nhiều nhiều lắm!

Hai đứa cùng chở nhau trên chiếc xe máy đến thăm từng địa chỉ các bạn mà Nhung biết rõ. Từ Cầu Hội Phú lên khu Chợ Mới, khắp mọi nẻo đường đi qua đều như lạ như quen với tôi. Phố xá khang trang sạch đẹp, rộng rãi hơn trước kia. Những công trình xây dựng làm thay đổi nhiều nơi không còn nhận ra nổi. Những hàng cây xanh bóng mát cùng khí hậu mát mẻ trong lành, yên tịnh khiến tôi cảm thấy thật dễ chịu nhẹ nhàng.

Bắt đầu hành trình, tìm đến nơi những người bạn cùng học chung suốt mấy năm dài. Trước hết ở đường Hoàng Diệu là nhà Đ. thị Hiển, chúng tôi được Hiển dẫn sâu vào tận phía sau vì mặt tiền nhà là nơi khám bệnh của phu quân Hiển. Ngôi nhà thật gọn gàng và xinh đẹp như chủ nhân của nó. Gần đó là nhà N. thị Kim tánh tình kín đáo. L. thị Dung nhỏ nhẹ, chừng mực đúng như nghề Dung đang theo : Cô giáo. Trưởng lớp Lê văn Lưu vẫn cao lớn và hào sảng trong giọng nói. Anh hầu như không khác gì xưa kia, nhưng lại ngẩn ngơ chẳng hề nhận ra tôi, dù ngày đó vẫn thường đùa vui và hay mượn bài vẽ của tôi để copy trong giờ học vẽ…buồn cười nhất là khi anh nhìn tôi ngẩn ngơ và nghi ngờ là tôi đã... làm thẩm mỹ toàn diện khác lạ khiến anh không nhận ra! Tôi và Nhung cười muốn đau bụng...

Chúng tôi dắt xe đi bộ qua nhà chị Bùi thị Hiến , chị vẫn tánh e dè với đôi mắt sâu chứa đầy tình cảm. Hơi chênh chếch trước mặt Khách Sạn Hoàng Anh (ngã ba Phù Đổng) là nhà anh D. đình Bê. Anh bị bệnh mấy năm qua tuy chưa hoàn toàn bình phục những nay đã nói chuyện và đi lại chậm chạp được. Uống với anh ly nước trà và hỏi thăm đôi câu, chúng tôi lại tiếp tục vòng qua đầu đường Hoàng Diệu và Lê Lợi để đến thăm chị Lê thị Hạ. Chị thật dịu dàng và dễ thương làm sao với nụ cười … Chỉ dừng lại mỗi nơi trên dưới nửa tiếng đã hết ngày rồi. Đành trở về vì trời đã tối mịt.

Ngày thứ 2, ngược lên chợ mới tìm đến Pharmacy nơi Hồ Tín trú ngụ và làm việc, mấy năm trước cũng đau rất nặng nhưng nay đã tạm thời hồi phục, tuy vẫn phải thường xuyên vào Saigon thăm bệnh định kỳ. Nhìn Tín xanh xao, chúng tôi thấy lòng buồn vô cùng và lo âu…Rồi đến Ngọc Hương, cũng vừa trải qua thời gian khó khăn vì người chồng mới qua đời không lâu. Lòng tôi chùng xuống bởi cùng cảm thông được nỗi mất mát to lớn của bạn. Chúng tôi đi tìm nhà Lê Đức, nhưng chỉ gặp chị vợ vì nghe nói Đức đi làm suốt cả tuần. Tìm đến H. thị Cúc, dạo này đã khoẻ và đi lại được sau tai nạn năm trước. Lại chuyện cũ đem ra nhắc lại đến hơn một tiếng sau chúng tôi mới lên xe để tiếp tục hành trình dang dở. Ghé thăm nhà anh T. v Hoàng, rồi vào chợ mua một ít quà để thăm Mẹ của Bá Hiển vì nghe tin Bác không được khỏe. Nhưng Bác đang nghỉ ngơi, chúng tôi từ căn nhà Bá Hiển đi ra thì trời đã tối. Ngày hôm sau , lại cùng T.Nhung đi tìm nhà N. Thuận nhưng cho xe vòng tới lui nhiều lần vẫn không tìm ra địa chỉ mọi người đã cho. Lại chạy thẳng xuống nhà Trần q. Tuấn (em rể của Tr.bá Hiển). Căn nhà gỗ đơn sơ và tĩnh lặng, người vợ của Tuấn vồn vã mời vào nhà uống nước, không ngờ lần gặp đó cũng là lần cuối tôi được gặp. Sau đó một thời gian sau nghe tin cô ấy bệnh, tôi đã gởi vội về ít tiền thuốc men nhưng chẳng giúp gì được. Tin buồn đưa đến không bao lâu làm tôi lặng người...

Buổi chiều hôm đó, đi 2 xe có N. Anh và Xuân Sự, Tuyết Nhung và tôi. Chúng tôi cho xe chạy ngang ngôi trường Trung Học, mọi vật đều thay đổi đến ngậm ngùi .Ngôi trường đã được mang tên khác và xây thêm nên rộng lớn hơn, nhưng trong tôi hình bóng ngôi trường nhỏ bé đơn sơ ngày xưa vẫn là đẹp nhất và đáng yêu nhất. Dừng lại đôi phút đứng ngắm cổng trường, dãy phòng học phía sau nằm im lìm buồn bã trong mắt tôi. Bao nhiêu kỷ niệm lung linh đây đó trong khung trường làm tê dại cả tâm hồn tôi, nơi đây đã ôm ấp một thời mới lớn khó phai nhạt. Ôi trường tôi...

Xe đi vào khu “ Đức An”, một nơi không thể nào xóa nhòa được trong tôi bởi ở đây gia đình tôi đã chung sống từ thuở chị em tôi chưa đến tuổi cắp sách đến trường. Bao kỷ niệm từ lâu giờ trở về như mới hôm qua đây…Các bạn hỏi tôi có nhận ra đây là đâu không, tôi ngơ ngác ngó quanh, con đường dài đất đỏ ngày xưa không còn nữa , nay đã tráng nhựa sạch sẽ hơn nhiều. Ngang qua con dốc đứng là khu nhà Cha Mẹ tôi đã dày công gây dựng vất vả bao năm, bây giờ trở thành khu Khách Sạn và Nhà Hàng ăn uống đồ sộ nguy nga. Dấu tích xưa chẳng còn mảy may! Tôi chạnh lòng rơi lệ, thương nhớ người Mẹ một đời vất vả với mảnh đất vườn này. Ngày phải đem bán bỏ tất cả để ra đi Mẹ tôi vẫn tiếc mãi nhưng hòan cảnh đã không cho phép. Tôi luôn tâm nguyện một ngày nào nếu có đủ khả năng sẽ về mua lại mảnh vườn xưa để cho Mẹ tôi dưỡng già. Nhưng nay chẳng còn cơ hội nữa vì Bà đã ra đi vĩnh viễn , niềm hy vọng của tôi chỉ là nỗi tiếc nuối mãi mãi không nguôi! Ôi!


Đường xưa trở lại nhòa tâm trí,
Lối cũ quay về lạc bước mơ
Hòang hôn che lối dường sương tỏa,
Tim buốt, lòng đau mắt lệ mờ !!!


Đến nhà N. hồng Vỹ thì trời đã nhá nhem tối, Vỹ tiếp chúng tôi trong căn phòng rộng kê đầy bàn học, nơi đây bạn đã và vẫn tiếp tục làm nghề “gõ đầu trẻ” bao năm để lo cho gia đình. Riêng N. văn Phú, N. văn Hảo, anh Phú (Cát), N.minh Triết, N.tấn Đinh, N. Ngọc Anh và N. xuân Sự thì đã đến thăm tôi tại nhà cô em, thêm mấy lần cùng đi chơi chung. C. Mạnh Sơn sống thoải mái hơn với tiệm bán Furniture, Sơn đã dành nửa ngày trời và dùng xe riêng đưa chúng tôi đi thăm một vài cảnh đẹp rồi cùng ăn cơm chiều cũng như dành mấy tiếng đồng hồ đi hát Karaoke đến cuối giờ tiệm đóng cửa mới chịu chia tay!

Ngày kế tiếp từ sáng sớm, T. Nhung lại đến để cùng đi Bệnh viện Thành phố thăm N.văn Hòa đang bị tai biến mạch máu não. Nhưng anh không còn nằm trong này nữa!. Đến nhà riêng mới biết anh đã được chuyển qua Bệnh viện Đông Y. Tìm kiếm khắp các nơi mới gặp anh từ trong phòng giải trí khập khễnh đi ra, bên cạnh là vợ anh. Nhìn chúng tôi anh nhoẻn miệng cười. Nụ cười và giọng nói của anh khiến tôi xúc động. Hoàn cảnh anh chị cũng nhờ có các con nên không đến nỗi, nhưng từ mấy năm qua vẫn phải ra vào các Bệnh viện. Cũng như D.d. Bê, anh đã tập đi lại tuy vẫn còn khó khăn trong sinh hoạt cá nhân. Tôi tặng anh một số tiền nhỏ thuốc men, và hứa khi về sẽ tìm cách nhờ các bạn bè giúp thêm cho anh.

Cái bắt tay từ giã như không muốn rời, tôi đi vội ra cổng để che niềm xúc động dâng tràn, từ xa quay đầu nhìn lại vẫn thấy dáng đứng xiêu vẹo của anh đang nhìn theo chúng tôi…

Nắng đã lên cao nhưng trời vẫn còn se lạnh, Nhung và tôi chạy xe theo con dốc Diệp Kính , lên khu “Chợ Mới” mua một ít trái cây cũng như bó hoa để đến thăm gia đình T.văn .P.  Anh đã tử trận từ năm 73 khi tuổi còn thật trẻ, nhưng Mẹ anh thì tuần trước mới qua đời !!! Cuộc đời con người trong thời chiến tranh thật nhiều oái oăm đau khổ. Tôi thắp mấy nén nhang trước bàn thờ Mẹ anh và P. mà không nén nổi xót xa dâng trong mắt …
Luôn tiện chúng tôi theo gia đình anh vào nghĩa trang thăm mộ của P. Ngôi mộ xây kiên cố , gọn gàng nằm trong khu nghĩa trang rộng lớn bát ngát. Nếu không được người nhà dẫn dắt chắc chẳng thể nào dễ dàng tìm ra. Đứng trước tấm bia có hình ảnh người bạn học hiền lành cùng lớp này, tôi thấy lòng trùng xuống và để rơi giọt nước mắt. Anh nằm đó đã ba mươi mấy năm, hình như đôi mắt lung linh kia đang nhìn chúng tôi như muốn nói lời gì ? Tôi đã vô tình nợ của anh một món nợ chẳng bao giờ có thể trả, mỗi khi bạn bè nhắc đến lại thấy nhói đau ! Nơi cõi vĩnh hằng mong rằng P. thấy bình yên hơn, linh hồn anh có lẽ đang ở đâu đây, hãy phù hộ cho tất cả những bạn bè thiếu may mắn của chúng ta được mọi điều tốt đẹp yên bình P. nhé.

Chúng tôi ghé thăm nhà P. C. Đông Hải, T. Cúc . Đây cũng là nơi bạn đang kinh doanh Internet khá đông khách nên cuộc sống tương đối ổn định.

          Mấy ngày liên tục, chương trình thăm viếng của chúng tôi tạm xem như đã hoàn tất. Các bạn cùng chọn một nơi thanh tịnh cũng như cây cảnh mát mẻ để họp mặt. Thế là từ 9 giờ sáng, một đòan xe máy gần 10 chiếc, chúng tôi tìm đến Biển Hồ Xanh. Một trung tâm giải trí thanh nhã và có cảnh sắc thật tuyệt vời, chắc hẳn chủ nhân là một người am hiểu rõ hoặc rất yêu thích về nghệ thuật. Những đài phun nước chen lẫn hàng cây tỉa khéo léo , cùng những bức tượng và cách sắp xếp chỗ ngồi , bàn ghế hình như cũng được tuyển lựa công phu , tất cả mọi kết hợp hài hòa đã cho khách một không khí và cảm giác thảnh thơi sau thời gian mệt nhọc .. Một buổi chiều vui nhộn rộn rã tiếng cười cho tôi một hồi ức đẹp. Chúng tôi chụp ít hình kỷ niệm, trước khi ra về lại hẹn hò thêm lần sau ở một nơi khác.
 
Nhưng ngay ngày hôm sau, khi T. Nhung và tôi vừa ở tiệm rửa hình đường Phan đình Phùng đi ra một đọan ngắn thì đã bất ngờ hai thanh niên chạy theo giật sắc tay, mất cả chiếc máy hình nhỏ! Nhung vì thương tôi và tiếc nên rán chạy xe rượt theo, cuối cùng bọn cướp cũng mất hút trong một ngõ hẻm chằng chịt sâu hun hút. Đành quay xe về.  Tôi thấy mình cũng còn may mắn vì cả hai đã không bị thương khi đó, nếu có gì thì thật ân hận và tội cho T. Nhung đã vì tôi…- “Của đi thay người”, tôi nói với T.Nhung, chỉ tiếc là Pleiku thân yêu của tôi đã bị những thanh niên kia làm hoen ố, một vết đen nhỏ nằm lại mãi trong ký ức tôi !

Cả bọn T. Nhung và tôi, Đ. thị Hiển và H. thị Cúc, N. ngọc Hương và chị L. thị Hiến, kéo nhau lên nhà chị N. thị Hòa. Mỗi người góp thêm một phần cùng chị, đã khiến cho chúng tôi có một bữa ăn thật ngon với nhiều món, đồng thời được chiêm ngưỡng ngôi nhà đẹp rộng lớn thoáng mát , những cây cảnh xinh đẹp của anh chị. Cuối buổi lại hẹn nhau ngày mai đi Biển Hồ chơi. Sáng hôm sau có thêm vợ của P. C. Đông Hải , Đức tháp tùng. Chúng tôi xe trước xe sau 4 chiếc, một đoàn người và xe nối đuôi nhau rộn rã tiếng cười vui. Gió lộng thổi tung bạt ra sau những mái tóc đã điểm bạc, nhưng nét mặt tràn đầy tuổi thơ. 

Ngay đầu con đường dẫn vào Biển Hồ, một dãy xe bán nước dừa tươi đặt dưới bóng mát của cả rừng cây cao, cùng những chiếc võng treo đong đưa để du khách nghỉ chân, thật trữ tình và thơ mộng. Nơi đây, chúng tôi ngồi nhìn ngắm xe cộ thỉnh thoảng chạy qua vừa nhâm nhi ly nước dừa mát ngọt lịm. Thời gian như ngưng đọng ,chẳng còn nỗi lo âu phiền muộn nào trong tâm hồn chúng tôi lúc này. Vào sâu hơn vùng thắng cảnh, nơi đây thay đổi nhiều so với mấy mươi năm trước. Chiếc cầu nổi bằng thùng “phuy xăng” nối hai bờ dẫn thẳng lên cảnh Chùa bên kia không còn nữa. Bây giờ phải cho xe đi vòng từ ngòai đường cái, quanh vườn trà để lên đồi cao lễ Phật, càng làm cho cảnh Biển Hồ thêm tĩnh mịch hơn. Du khách thưa thớt, và xa xa ngôi Chùa nhỏ trông thật đìu hiu…


 photo Bi1EC3nH1ED3Pleiku2_zps6e58d80b.jpg

Trên đỉnh đồi chỗ chúng tôi đứng, tượng Quan Âm ngày xưa nay không còn nữa mà được thay thế bằng ngôi nhà thủy tạ, chung quanh là hàng rào sơn trắng bằng gạch trên nền cimen tráng vụng về. Công trình xây dựng có lẽ làm rất vội vàng hay bị gián đọan nhiều lần nên khung rào không ăn khớp với nhau, có nhiều chỗ bị nứt rạn và màu sơn không đều.

 Mây trắng lững lờ trôi, mặt nước Biển Hồ theo gió gợn lăn tăn xanh biếc. Tôi đứng đó nhìn ra khung trời trước mặt lồng lộng gió mà cảm nhận được cái lạnh giữa cảnh trí hùng vĩ, xinh đẹp. Gần bốn mươi năm rồi mới trở lại thăm nơi đây, sao tôi thấy lòng trống vắng, tiếc nuối một cái gì…Một cái gì trong tôi không nói được thành lời mà cứ đeo đẳng nhớ nhung nhức nhối ! Ngày xưa của tôi và các bạn đã qua đi từ lâu lắm nhưng còn in hằn trong tâm trí như vừa mới hôm qua đây , sao bây giờ xa lạ đến ngỡ ngàng …Tim đập rộn ràng khi chưa đặt chân đến, sao giờ lại mâu thuẫn bồi hồi nhói đau khi cảnh xưa hiện trước mặt ? !


Tuyết Nhung và tôi lên lịch trình sẽ dành ra mấy ngày lên Đà Lạt thăm vợ chồng Nguyễn thị Hảo và Đào Hữu Thức, đôi vợ chồng nghệ sĩ dễ thương. Xe lăn bánh chậm chạp qua vùng đồi núi chập chùng cây xanh trải rộng, cảnh vật thật hữu tình xinh đẹp. Làn gió mát của không khí trong lành qua khung cửa xe phả vào mặt, tôi nhoài người ra để đón nhận và để nhìn cho rõ hơn mọi vật. Đường đi bị dằn xóc nên mọi người đôi lúc bị xô dồn vào nhau, có lẽ tất cả đã quen thuộc ngoại trừ tôi nên tiếng chuyện trò vẫn không bị gián đoạn. Tôi mệt nhoài ê ẩm mình mẩy vì những lần va chạm vào thành xe nhưng không muốn Nhung bận tâm nên im lặng chịu đau.

Sau mấy tiếng đồng hồ, chiều xuống chúng tôi đã đặt chân lên vùng cao nguyên xinh đẹp đáng nhớ ngày nào, mọi vật hình như thay đổi khiến tôi hơi bỡ ngỡ. Thành phố một thời mang nhiều kỷ niệm thân thương những ngày hè thời còn cắp sách đến trường. Tôi nhìn quanh tìm kiếm gì đó trong ký ức, nhưng chưa kịp thì đã thấy bóng dáng của Hảo Thức hiện ra đằng trước mặt. Hai người ra đón chúng tôi với nụ cười tươi tắn có sẵn trên môi. .

Gặp lại sau mấy mươi năm nhưng nét quen thuộc vẫn còn trong dáng dấp bạn. Tay bắt mặt mừng và theo chân hai bạn về nhà chuyện trò cũng như nghỉ ngơi. Chúng tôi có một buổi chiều thân mật trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng.  Tối đó cả 3 đứa bạn gái thức thật khuya để nhắc lại chuyện xưa, để nhớ để bùi ngùi tiếc nuối.  
Còn hai ngày vui nữa cùng gia đình vợ chồng người bạn nghệ sĩ hiếu khách này. Tôi đã được nghe anh Thức đàn hát những bài do chính anh sáng tác thật hay. Ngày hôm sau mấy chị em đi bộ lên chợ Đà Lạt xem hoa, mua sắm vài món làm quà, dừng chân thưởng thức những bức tranh thêu thật đẹp trên phố. Sau cùng là ngồi Taxi đi viếng cảnh Chùa Trúc Lâm để trở về với niềm lưu luyến cùng mấy tấm hình đẹp. Lại một đêm rả rích chuyện xưa đem ra kể làm sáng ra trũng mắt thêm sâu…
 
Trở về Pleiku, nhờ Quốc Tuấn và một số bạn giới thiệu, chị em tôi đã lặn lội từng chặng đường xe ôm xa trên dưới 30 cây số đầy ổ gà dằn xóc, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến   để chẳng làm sao quên được vài gia đình người bạn thương phế binh. Hình dáng anh lính oai hùng năm xưa bây giờ héo tàn bệnh họan ngồi buồn trên chiếc ghế gỗ đơn sơ. Người đang nằm hốc hác trên chiếc giường xiêu vẹo trong ngôi nhà nền đất, vách gỗ mộc mạc. Hay kham khổ lam lũ bên mấy đứa con, cháu nhếch nhác ngác ngơ nơi vùng đất khai hoang. Cuộc sống của họ là chạy xe ôm, là làm thuê làm mướn. Là buôn bán lặt vặt ở chợ, là lam lũ  ngoài ruộng đồng. Dù tuổi đời khá cao, dù làm tận sức vẫn chẳng đủ ăn mà đau bệnh lại chẳng từ người nào. Họ vẫn âm thầm sống và chịu đựng chẳng ai chú ý đến. Sự hy sinh của các anh lính chiến oai hùng ngày nào bây giờ như chìm trong sự quên lãng của mọi người. Lòng tôi nặng trĩu nhói đau, ôi những người anh lính chiến VNCH !!!. Chụp từng hình ảnh, cầm trong tay những tấm thẻ bài và những tấm giấy chứng nhận một thời là quân nhân cùng chứng chỉ giải ngũ vì thương tật, tôi nghẹn lời...
Làm sao giúp họ trong hoàn cảnh này đây, tôi muốn lắm, nhưng con én không làm nổi mùa Xuân!  Riêng tôi chỉ biết trong khả năng hạn hẹp, giúp họ một số tiền nhỏ gọi là quà.
Tôi gom những hồ sơ có được cất vào hành lý mang về lại Mỹ, trong lòng mong rằng các bạn trong hòan cảnh khó khăn này sẽ nhận được thêm nhiều sự giúp đỡ từ các hội đoàn và mọi người ở khắp nơi .

Ngày cuối cùng, một buổi họp mặt chia tay với hai mươi bốn người đã có một đêm vui chơi trọn vẹn hơn 4 tiếng đồng hồ . Pleiku bây giờ cũng không thua kém các thành phố lớn ở phần giải trí, nhiều công trình đã được xây dựng lên thu hút lượng khách khá đông mỗi đêm -Và Plaza Tre Xanh ( Hội Trường Diên Hồng trước kia), là một nhà hàng lớn lộng lẫy tọa lạc trên đường Lê Lai.


Chúng tôi chuẩn bị sẵn những phần ăn nhỏ bằng bánh và trái cây để có thể vừa nhâm nhi vừa thưởng thức tiếng hát của nhau. Những ngụm bia khiến các bạn trai thêm hào hứng và bọn con gái chúng tôi cũng thấy lòng vui ngất ngây say theo… Cả buổi tối dài sát bên nhau ngồi chật căn phòng cùng hàn huyên , hát ca, và cười đùa đến quên cả thời gian, chúng tôi bịn rịn không ai muốn chia tay dù nhà hàng sắp đến giờ đóng cửa!
Máy bay rời khỏi Pleiku, tôi nhìn lại các bạn đi đưa tiễn ở phi trường mà lòng quyến luyến. T. Nhung, N. Anh, X.Sự, Q. Tuấn, chị B.t. Hiến, A. Thơ, mọi người đã xa dần, tôi thấy bị rơi vào hụt hẫng…

Hai tuần lễ dành trọn vẹn cho gia đình và bạn bè đã qua, thời gian tuy ngắn ngủi nhưng khó phai trong cuộc đời! Cám ơn tất cả những người thân, người bạn đã cho tôi bao kỷ niệm đẹp và niềm hạnh phúc lớn lao. Cám ơn thành phố Pleiku thân thương, mong một ngày trở lại…


Pleiku. Một ngày về thăm
Thu Tâm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét