Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

DƯỜNG NHƯ LÀ GIẤC MỘNG

 










DƯỜNG NHƯ LÀ GIẤC MỘNG

 

Tôi giẫy dụa đạp mạnh hai chân, giật mình choàng tỉnh dậy, trái tim còn đập mạnh và mồ hôi tươm ướt khắp cơ thể. Theo thói quen tôi nhìn lên chiếc bàn End the table bên cạnh giường, con số đỏ chói nổi bật trên chiếc đồng hồ bàn chỉ rõ, 2:35 Am. Giấc mơ đã khiến hồi ức xa xưa trở về, mặc dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng tưởng chừng như mới đây thôi! Ngày ấy sau khi đất nước bị rơi vào tay bọn người man dã, chúng tôi đã sống những ngày chưa bao giờ tăm tối hơn. Trong xã hội đổi mới ngược ngạo như hiện thời, chúng tôi có muốn thu mình làm người dân hèn mọn cũng không yên nổi. Bao nhiêu của cải không còn, phần lớn khi chạy giặc phải bỏ lại, phần lại bị cướp đã mất hết với danh từ đẹp đẽ là “Đổi tiền”, “Đánh Tư Sản”.... Sau khi những người đàn ông mạnh khỏe trong gia đình đã bị tù đầy, bị đầy đọa nơi các vùng rừng thiêng nước độc. Bây giờ chỉ còn người già và phụ nữ lại trở thành mục tiêu kế tiếp của sự hận thù?  

Ngày ấy, chồng tôi vào trại “cải tạo” đã được hai năm, con còn bé xíu không thể gởi gấm cho ai mà theo các chị bạn đi buôn bán gì, mẹ con tôi đành phải lây lất qua ngày với những công việc chắp vá chẳng ra sao. Mới tuần trước lại nhận được giấy gọi lên phường nghe thông báo đi... làm Thủy Lợi! Công việc gì đây, tôi đã vô cùng lo lắng vì biết không thể chối từ được nữa sau bao nhiêu đợt xin khất. Được biết, mọi người dân đều phải thay phiên nhau đóng góp công sức trong việc... “xây dựng đất nước”. Bất kể nam hay nữ trong độ tuổi từ 18 tới 45 đều phải tham gia. Dĩ nhiên tôi mới hai mươi mấy tuổi làm sao lọt qua sổ Nam Tào? Tôi thẫn thờ nhìn chăm chăm những hàng chữ trên tờ thông báo mà tay tôi đang cầm, hình như chúng đang nhảy múa trước mắt.   

-        “Không ai có thể từ chối nhiệm vụ, nếu không đi được thì đóng tiền cho người khác đi làm thay thế”. Một quyết định dứt khoát.

Tôi chạnh lòng vì biết mình làm gì có tiền để đóng thế thân. Làm sao đây!, Làm sao đây! Chỉ có mấy chữ đơn giản thôi mà sao lại nan giải khó nghĩ đến thế. Tôi biết chuyến này đi và về chỉ trong một ngày, tuy nhiên không thể nhốt hai đứa con nhỏ từ sáng đến tối ở trong nhà được. Sau mấy lần năn nỉ cậu em trai 16 tuổi còn đang đi học mới được cậu nhận lời đến trông hộ cháu giúp. Mang nỗi lo âu trong lòng nên trằn trọc cả đêm khó ngủ, mới 6 giờ sáng tôi đã bật dậy sửa soạn. Lên xe, tôi tìm chỗ trong cùng và ngồi nhắm mắt, mệt mỏi đến ngất ngư mặc cho bên tai tiếng xôn xao, cười nói chuyện trò. Hình  như họ tưởng đang cùng nhau trong một chuyến đi chơi xa.. Chiếc xe dồn gần 20 người ngồi san sát bên nhau, lẫn lộn cả nam lẫn nữ. Huyện Bình Chánh, nơi chúng tôi đến là một địa điểm không xa thành phố nhưng không hiểu sao đến khi mặt trời bắt đầu ló dạng chuyến xe mới khởi hành được.

Càng đi gần đến nơi, đường càng nhiều chỗ lồi lõm “sống trâu” gồ ghề, dằn xóc khiến mọi người cứ bị ngả nghiêng, lâu lâu lại ngã dúi vào nhau. Tiếng hét chói tai không ngừng vang lên vì bị va chạm mạnh vào mui xe hay thành xe. Bụi tung lên mịt mù, ai nấy đầy người mồ hôi quyện với bụi đất làm cho ngứa ngáy khó chịu. Lúc này tất cả đã không còn cái thú chuyện trò vui vẻ như khi mới khởi hành nữa. Mọi người xoay mình nhìn ra hai bên đồng trống mênh mông chỉ trông cho mau tới nơi. Thỉnh thoảng xe chạy lướt qua vài ngôi nhà tranh xơ xác nằm im lìm trong cái nắng ban mai rực rỡ báo hiệu một ngày không mát mẻ gì. Bóng vài nông phu dưới khóm ruộng khô dừng tay cuốc ngó lên bờ, đôi mắt họ nhìn theo trông có vẻ ngờ nghệch, xa xăm...

Khi chiếc xe cà khổ dừng lại một vùng được gọi là “Nông trường Lê Minh Xuân” thì mặt trời đã lên cao. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì cả thân thể mỏi nhừ khi phải ngồi bó gối trong chỗ ngồi chật chội quá lâu. Ai nấy như trút đi được cả tạ gánh nặng trên vai trên cố,  ồn ào tranh nhau xuống xe để hưởng chút không khi trong lành và trả cái thú “tự do” cho đôi chân. Nắng nông trường bắt đầu gay gắt mặc dù mới có hơn 8 giờ sáng.  

Đoàn người mới đến chỉ kịp uống ngụm nước cho đỡ khát, người ta tiếp tục dẫn chúng tôi đi loanh quanh giới thiệu các nơi và quảng cáo công trình “Lao động tích cực” của nhóm công nhân. Nơi đây rất rộng lớn, hai bên là dãy nhà lợp tôn xếp theo hình chữ U có lẽ dùng làm chỗ ở cho mọi người. Nhìn ra xa, hàng ngàn vạn luống đất ngay hàng thẳng tắp trồng đầy khóm chưa tới mùa thu hoạch vì thấy trái còn nhỏ và xanh lè, từng toán công nhân đang lom khom vun xới và tưới bón. Không biết tên gọi “Vành đai trắng” đã có từ bao giờ, vì họ nói đã được khai phá, trồng trọt rất lâu rồi do những người trẻ được gọi là “Thanh niên xung phong”.  

Nghe mấy vị “lãnh đạo” thao thao bất tuyệt như đang diễn thuyết, tôi thấy họ có vẻ quen thuộc với lối tuyên truyền hoang tưởng. Hay họ thực sự tin tưởng ở tương lai tươi sáng, hãnh diện với những thành quả do “người người góp sức vun trồng” nơi vùng đất mới được khai phá này. Câu thơ Hoàng Trung Thông đã viết trong “Bài Ca Vỡ Đất”: “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm” được nhắc đi nhắc lại.

Nhóm người hướng dẫn bất ngờ dừng lại khiến chúng tôi ngơ ngác. Ngay phía trước một cái hào sâu nước đục ngầu đang lặng lờ chảy ngăn đôi khu vực. Đây là con rạch lớn đã được đào sẵn từ bao giờ chứa nguồn nước được dẫn từ con sông gần đó, mục đích dùng để tưới cho toàn bộ cây trồng trong nông trại. Đây cũng là nơi mà tôi cùng mọi người phải làm nhiệm vụ công dân trong một ngày là nạo vét bùn ở dưới đáy cho sạch. Chúng tôi lại lén nhìn nhau với trăm ngàn câu hỏi ngầm không ai trả lời được. Chỉ có một ngày công thôi, bằng này những con người chưa hề làm quen với việc làm nông trường bao giờ, làm sao đủ sức hoàn thành được yêu cầu họ giao phó? Nhìn con hào dài ngoằng ngập đầy bùn nước, dù chưa bước chân xuống tôi đã thấy mình bị ngộp thở. Có lẽ tôi mang mạng hỏa nên rất dễ bị mệnh thủy áp chế, thế nên bất cứ ở đâu chỉ cần mực nước đến bắp chuối chân là tôi đã thấy chóng mặt. Bây giờ ở trong tình huống tấn thoái lưỡng nan này tôi thấy sợ, nhưng chạy đi đâu cho thoát? 

Dưới cái nóng mùa Hạ như đổ lửa của vùng nông trường, những hoa nắng nhảy múa lung linh khắp nơi. Trên mặt đất hình như có làn khói lượn lờ bốc lên làm cho tôi thấy hoa cà hoa cải lộn xộn trong đôi mắt. Cầm chiếc xẻng trên tay tôi rụt rè lội xuống hào nước với con tim run rẩy và đầu óc chếnh choáng như say. Mực nước cao tới gần ngực, tôi cúi xuống nhưng không thể nào chạm xẻng tới tới đáy được. Tôi liên tục ngẩng đầu lên để thở, nhìn chung quanh thấy mọi người đang lom khom cuốc hay hất từng nhóm bùn đen và rác rến lên bờ. Tôi thấy ngượng cho cái dở của mình và lại cúi xuống, tự nhủ mình hãy cố lên là sẽ làm được. Mấy năm nay một mình bươn chải nuôi con nuôi chồng tôi vẫn cố như thế, vẫn tự nhủ lòng không thể buông xuôi dù bất cứ khó khăn nào đến. Đói ư, cả nước ai cũng đói như mình, không có gạo thì đã có khoai lang khoai mì, bobo... cũng là thực phẩm làm no bụng và tôi ăn mãi cũng quen rồi. Thiếu thốn sao, mọi người có ai hơn đâu, hơn nữa tôi cũng không có nhu cầu gì nhiều ngoài số gạo cần thiết phải có để cho con ăn qua ngày.

Tôi miên man tự trấn an, khom gập lưng với sự cố gắng không ngừng... Mặt trời chiếu thẳng trên đỉnh đầu, chiếc nón lá không đủ làm dịu đi cơn nóng rát mặt và hơi nóng hừng hực như muốn đốt cháy thịt da. Hai mắt tôi đã nhòa vì giòng mồ hôi từ trán đổ xuống, sự mệt nhọc làm tôi muốn đuối hơi, đã vậy đám nước bùn đục ngầu thỉnh thoảng lại tràn vào mắt mũi mỗi khi tôi cố ấn chiếc xẻng xuống. Hình như con hào nước này chỉ chực chờ cơ hội để dìm tôi xuống sâu. Tôi sặc sụa, đứng thẳng lên lấy hơi rồi lại tiếp tục cúi xuống, cúi xuống sát mặt nước hơn. Mọi người lần lượt vội vàng lên bờ đi ăn trưa, tôi chậm chạp lên sau vì bị đám giây leo vướng vào ống quần. Bỗng chiếc xẻng trơn tuột rời khỏi hai bàn tay nhớp nháp, cơn xây xẩm mặt mày tiếp theo kéo tôi ngã nhào xuống. Cảm giác suối nước bùn ào ạt tràn vào mũi miệng tôi mới dễ sợ làm sao, cả thân thể tôi nằm giữa một vùng những nước là nước, oxy bị giảm đột ngột khiến lồng ngực tôi bị dồn ép mạnh đau đớn và phế quản co thắt dữ dội khiến tôi thấy hơi thở như bị bóp nghẹt. Nước mênh mông và đầu óc chênh vênh, tôi thấy trời đất rời xa dần, chỉ có khuôn mặt hai đứa con nhỏ là gần, thật gần...

Lúc tỉnh lại tôi hết sức bàng hoàng nhận ra mình đang nằm ở một nơi hoàn toàn xa lạ, quần áo còn ẩm ướt và lem luốc dấu bùn đất. Hình như có gì vướng víu trên cánh tay khiến tôi khó xoay trở. Chung quanh hoàn toàn im lặng, chỉ có tiếng tích tắc của thiết bị máy móc y tế kêu đều đều cho cảm giác sự sống hiện diện. Tôi nhắm mắt định thần, chuyện gì đây? Tôi ngồi bật dậy quay đầu ngó nghiêng chung quanh, sự cử động bất ngờ ấy khiến chiếc kim chệch khỏi một bên, chút máu đỏ tươm ra theo sau cơn buốt nhói làm tôi nhăn mặt. Thì ra bắp tay tôi đang bị một cây kim đang dẫn theo đường giây truyền với bình nước biển lủng lẳng trên cao. Trong một thoáng quan sát chung quanh, căn phòng tường vôi cũ kỹ có 2 cái “giường” đơn sơ trên phủ tấm vải đã hoen vàng. Ngay chiếc giường bên cạnh, nơi có một người đàn bà đang nằm im lìm không nhìn rõ mặt vì trên miệng chụp kín ống thở Oyzen. Mấy tiếng đồng hồ làm việc, không biết kết quả được đến đâu nhưng trước mắt đã có ít nhất hai người đàn bà đang phải điều trị nơi đây. Chợt một tiếng nói cất lên ngay sau lưng khiến tôi giật mình:

-          -  Ồ cô tỉnh rồi, cô thấy khỏe rồi chứ?  

Một người đàn ông khoảng 30 dáng hơi gầy trong trang phục chemi quần tây. Khoác ngoài chiếc blouse trắng và đeo trên cổ cái Stethoscope cho tôi biết đây là người phụ trách cái “bệnh xá” này. Tự nhiên có dấu hỏi hiện ra thật nhanh trong trí tôi, có nên gọi là Bác sĩ không? Thời buổi đổi mới nên vị trí trật tự xã hội  cứ lộn tùng phèo khiến không ai có thể tưởng tượng nổi. Tôi đã có lần phải dở khóc dở cười vì sau 1975 lão y tá ...chích heo dạo trong xóm đột nhiên nhảy một bước biến thành Bác Sĩ trưởng của “Phường” chúng tôi khiến ai nấy đều giật mình. Lão thừa nước đục thả câu đã xàm xỡ nhiều người đàn bà khi họ có vấn đề phải tìm đến nhờ khám bệnh. Gia đình vợ con của lão cũng từ đó trở nên vênh váo hống hách với mọi  người, ai cũng sợ và né tránh vì không muốn bị vạ lây. Tuy ấn tượng của tôi là người đàn ông này trông có vẻ sáng sủa và lịch sự hơn nhiều, tôi vẫn khó mở mồm gọi tiếng Bác sĩ một cách tự nhiên khi ông ta tiến lại gần giường tôi nằm:

-         -   Dạ cảm ơn ông, tôi không sao. Mà ai đưa tôi vào đây từ lúc nào, tại sao vậy?

-          -  Ồ, cô không nhớ gì sao, hồi chiều cô bị xỉu dưới mương nước nên mọi người đưa cô vào “trạm xá” này. Chúng tôi đang truyền cho cô nước biển, cô cố gắng khoảng 10 phút nữa là xong. Bây giờ thì nhìn nét mặt cô đã lấy lại sự hồng hào rồi, xin chúc mừng.

Ông ta không kém phần lịch sự kết luận câu trả lời khiến tôi có cái nhìn khá hơn về tư cách người đang khoác chiếc blouse trắng này.

-          Cảm ơn ông. 

      Nói xong, tôi thả mình nằm xuống và ứa nước mắt khi nghĩ đến hai đứa con nhỏ đang chờ đợi.

Bây giờ các con tôi đều đã lớn và không còn thường xuyên ở bên cạnh, một mình với bao nhiêu trống vắng tôi lại có thì giờ hồi tưởng được nhiều điều. Bao nhiêu chuyện tưởng bị phủ màn bụi của thời gian, vẫn không thể mờ đi chút nào trong tâm trí tôi. Ngày ấy nếu không may tôi có bất trắc nào thì không biết các con tôi sẽ ra sao khi cha chúng còn mịt mù nơi chốn rừng sâu không biết ngày về. Xin cảm ơn Trời Phật đã che chở, giúp cho tôi còn sống để đợi ngày đưa chồng về miền đất lạnh, để tôi có mấy đứa con hiếu thảo và đàn cháu thông minh ngoan ngoãn.

 

Nhã Giang Thu Tâm   (Một Đời Vẫn Nhớ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét