Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ. Tản mạn



CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ.


Trong một ngày trời nắng đẹp thế này mà chẳng được tung tăng đó đây hay đi  gặp gỡ bạn bè, thật là đáng tiếc phải không các bạn. Quanh quẩn mãi trong căn “nhà” bé bằng cái..lỗ mũi, chẳng được cháu con quấy rầy như khắp người ta. Tôi đành tìm khuây khỏa bên bàn phím, lóc cóc lan man hết chuyện nọ đến chuyện kia, thơ thẩn dạo chơi bằng mắt một mình, nhớ gì viết nấy cho đỡ chán mấy ngón tay. Giỗ mẹ và giỗ chồng liên tiếp, thế là chuyện xưa lâu lắc rồi bỗng nhiên trở về trong trí nhớ sắp sửa dấm dớ của tôi. Mời các bạn cùng chia xẻ với tôi nhé. Ngày ấy...

-       - Lớn chồng ngồng rồi mà cứ nhởn nhơ, không chịu lấy chồng đi rồi lại ế chỏng ra đấy nghe con.

Tiếng mẹ tôi lập đi lập lại như bài tụng kinh hết ngày này sang ngày khác, mỗi khi nhìn thấy tôi là bài hát đã quen lại được phát thanh. Mà tôi nào trốn được đi đâu khi không còn nại ra cớ đang bận học hành nữa.  Mới đầu tôi còn cố gắng viện lý do:

-         - Ơ, con còn đang đi làm mà mẹ.

-         - Thì cứ lấy chồng đi đã, ngày xưa hơn hai mươi tuổi là ế rồi đấy con ạ. Mẹ bằng tuổi con là đã tay bồng tay bế, quán xuyến gia đình chồng con đâu ra đó chứ đâu phải như thời bây giờ. Mày chỉ làm mẹ lo lắng thôi.


Mẹ tôi so sánh thế đấy, cứ lấy cái chuyện ngày xửa ngày xưa ra để áp đặt tôi phải làm theo. Tôi lại có cớ khác:

-       -  Các em còn nhỏ, con muốn thong thả làm kiếm tiền giúp gia đình một thời gian nữa rồi mới tính chuyện lập gia đình, hơn nữa con đâu có quen ai đâu, có đi chơi lung tung với ai đâu mà mẹ lo lắng?

Mẹ tôi được thể, nại ra lý do vì sao bà lo lắng:

-      -  Cũng tại con “không có quen ai” nên mẹ mới lo, nếu có chồng bên cạnh thì việc gì mà mẹ phải để ý đến nữa. Trong bao nhiêu “thằng” theo đuổi mà con vẫn không ưng đứa nào sao?

 Tôi vẫn kiên quyết chày cối:

-       -  Con đâu có để ý đến, họ theo kệ họ chứ!

Mẹ tôi chốt lại sự bướng bỉnh của cô con gái bằng sự quyết định riêng... Một hôm:

-       - Mẹ thấy “thằng đó”... được, nó là đứa có lễ nghĩa nhất trong bao nhiêu người đến nhà mình từ đó đến nay.

Tôi mắt tròn mắt dẹp không giấu nổi nỗi thắc mắc to đùng trong đầu:

-        - Được là sao hả mẹ, ông ấy làm gì mà mẹ cho là có lễ nghĩa nhất?

 Mẹ tôi cười bí hiểm, không thèm giải thích lý do lý trấu gì mà chỉ dặn:

-   - Ngày mai con nhớ bảo “nó” chiều mùng Ba đến nhà mình ăn cơm hóa vàng nhé.

Tôi lại mở to cặp mắt hết cỡ luôn:

-        - Mẹ bảo “nó” là ai ạ, có cả thảy gần chục ông cơ mà.


Cũng như thường lệ, sau buổi tiếp những người khách không mời mà đến. Mẹ tôi vừa ghé tai tôi thì thầm vừa chỉ tay theo đám người đàn ông  thường đến ngồi “ăn vạ” ở nhà tôi mỗi buổi chiều, báo hại mẹ tôi mất cả buổi ngồi tiếp chuyện và tôi cứ phải trốn xuống vườn ngồi nói chuyện với đám cây lá hoa trái. Họ đang bước ra xe:

-       -   Đó, người thứ sáu, kế người cuối cùng kia kìa.

Ngay cả bà mà cũng không nhớ nổi hết tên của họ nữa là tôi. Ồ thì ra, ông ta thường chở các bạn đến rồi vào nhà chào mẹ tôi thôi, sau đó lại leo lên xe chạy mất đến cuối buổi mới đến đón mọi người. Sao mẹ tôi lại biết rõ về người này thế nhỉ?   

Tôi nhớ lại con người ấy, cảm thấy tức anh ách trong lòng. Người gì mà mặt cứ lạnh như tiền chẳng bao giờ thèm liếc qua tôi hay nói năng một câu nào. Mặc dù tôi cũng chưa bao giờ ngồi tiếp chuyện với họ, chỉ có bổn phận rót nước đặt trên bàn khách rồi... biến. Thế nhưng mấy người kia luôn cười vui đon đả chào hỏi, ai đâu mà mặt mày khó ưa và tiết kiệm lời đến thế.

Định mệnh của tôi bắt đầu. Kể từ sau lễ hóa vàng hôm đó, mẹ tôi bỗng trở nên khó tính hơn với riêng tôi. Sau buổi làm ở sở tôi đều phải lật đật ghé chợ mua thức ăn rồi về nấu nướng, có khi không kịp thay chếc áo dài ra cho đến lúc xong việc bếp núc. Thời gian ấy sức khỏe tôi rất èo uột, vốn dĩ bệnh tim từ bé nên việc chóng mặt hay té xỉu cứ thường xuyên xảy ra.  Bây giờ, công việc tuy không khó khăn gì nhưng vẫn làm cho tôi mệt muốn đứt hơi. Trong khi chờ cơm chín tôi phải nằm dài ra giường để thở, bỗng thấy giận và hận vô cùng cái người đã gián tiếp đầy đọa thân xác ốm yếu của tôi. Thỉnh thoảng tôi thiếp đi lúc nào không hay, chỉ giật mình khi tiếng mẹ tôi gọi lớn từ nhà trên:

-        - Cơm xong chưa mà mãi không dọn ra?

Trong mỗi bữa cơm có “người ấy”, tôi đều bị chê bai đủ điều. Nào là thịt hôm nay không được tươi, kho chưa đậm đà, rau xào nát quá. Nào là canh không vừa miệng, rồi cơm nấu không vừa nước...Tôi nghẹn ngào, tôi uất ức lắm nhưng chỉ biết đứng trong bếp vừa làm vừa khóc, khói bếp càng khiến cho đôi mắt tôi thêm cay, nước mắt của tôi lẫn lộn với muỗng canh nóng húp vội, và miếng thức ăn nào cũng đắng ngắt trong miệng... Tôi vốn dĩ đã ăn uống rất èo uột nay lại càng không thể ít hơn, nước mắt vẫn quanh mi, tôi cố gắng nuốt thật nhanh để rời khỏi bàn ăn sớm nhất có thể.

Một năm trời trôi qua, tôi vẫn ấm ức khóc thầm. Dần dà tôi nhận ra, xưa nay đâu có chuyện gì mà chỉ từ khi có “khách” đến ăn cơm mẹ tôi mới có thái độ khó khăn ấy đối với cô con gái yếu đuối của bà? 

Oái oăm thay, tôi vẫn không chối từ được sự sắp đặt của mẹ. Mẹ tôi vốn tánh quyết đoán xưa nay, bà đã gánh vác cả trách nhiệm vừa làm mẹ lẫn cả làm cha đối với đàn con thơ bao nhiêu năm rồi. Một người đàn bà vất vả cả đời vì chồng con, cả từ khi cha tôi còn sống đến khi mẹ trở thành góa phụ. Tôi tức tối, tôi khóc thầm trong đêm nhưng vẫn phải lên xe hoa với người chưa .. quen ấy.

Năm tháng qua đi, thoắt đã gần nửa thế kỷ. Mẹ không còn để cho tôi nói lời cảm ơn, cả người ấy nữa cũng rời bỏ cõi đời. Hóa ra, sự khắt khe của mẹ là thâm ý dạy dỗ sâu sắc, mãi về sau tôi mới hiểu được. Hai người thân yêu nhất của tôi, hai niềm yêu thương cùng nỗi ngậm ngùi làm nhức nhối tim gan. Họ cùng rủ nhau ra đi trước sau chỉ trong vòng 8 năm.

Trong cô đơn, tôi ở lại tự gậm nhấm nỗi buồn và ngày càng thấm thía chữ “TÌNH”  hơn.    

Nhã Giang Thu Tâm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét