Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè.
Tháng Tư là tháng lè phè
Tháng Năm, tháng Sáu hội hè vui chơi
Tháng Bảy là tháng nghỉ ngơi,
Tháng Tám, tháng Chín xả hơi bạn bè.
Tháng Mười, Mười Một xôi chè,
Tháng Chạp cá
chép, cá mè vớt lên.
Hay :
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè….
Tôi
chợt nghĩ hóa ra những người bạn của tôi cũng nhớ rõ lời ông bà mình quá đi chứ.
Từ tháng Giêng tới tháng Chạp, cả mười
hai tháng toàn là những chuỗi ngày dài cờ bạc hội hè vui chơi, nghỉ ngơi và xả
hơi. Ôi những vần điệu… ơi ở cuối câu sao mà dễ thương làm sao! Như lời kêu gọi
thân thương của mọi người dành cho nhau vậy. Người dân Nam Việt Nam chúng ta vốn
dĩ vẫn lạc quan yêu đời, yêu người nên dù đời sống có cơ cực vất vả đến đâu thì
chuyện vui chơi vẫn là chuyện không thể thiếu được.
Theo tài liệu tôi đã đọc qua trên báo chí
Internet, tại Việt Nam hiện thời dù Tết đã qua cả
tháng trời, và tuy các công viên chức đã đi làm lại từ cuối tháng Hai sau thời
gian nghỉ ăn Tết kéo dài tới hai tuần lễ, nhưng những ngày qua tình trạng tại rất
nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn rời rạc, lơ là thiếu trách nhiệm. Ngoài các trường
học, bệnh viện, xí nghiệp... bắt buộc phải làm việc như bình thường, thì tại rất
nhiều nơi công sở vẫn còn mang đậm “hương vị Tết”. Nhiều ông cán bộ, hay viên
chức có quyền hạn đến cơ sở chỉ có mục
đích để “điểm danh” cho có lệ, cuối giờ chiều lại tiếp tục “ăn Tết” tại từng
gia đình bạn bè, đồng nghiệp. Trong chín ngày nghỉ tết chính thức, họ thấy vẫn
còn thiếu nên đành… rủ nhau “tranh thủ, vô tư ” lấn thêm giờ của công để làm việc
riêng. Ai cũng đoán được dư âm của tết Nguyên đán của các quan quyền có lẽ còn
kéo dài đến tháng Chạp cuối năm theo đúng sách vở đã dạy sẵn.
Nhưng không, đó chỉ là tình trạng ở trong nước và những
người tai to mặt lớn đang cai quản các công sở. Còn hầu hết những người dân
nghèo đầu tắt mặt tối thì chắc cũng không có thời gian để có nổi cái Tết cho ra
Tết nữa. Chúng ta đang ở xứ người, bây giờ mới bắt đầu tháng Ba, đầu mùa Xuân
năm Dương Lịch và cũng rơi vào mùa Xuân của hầu hết những người Á Đông quen áp
dụng đón Xuân theo lịch Âm Lịch.
Đối với đa số đã và đang nghỉ hưu như
quý Thầy Cô, như tôi và các anh chị thì hơi khác một chút. Sau bao nhiêu năm lăn lộn nhọc nhằn bươn chải
lo cho cuộc sống gia đình và con cái. Nay trong lúc tuổi hạc, đã phần nào được
thanh thản với việc gia đình, còn chút sức lực đi đứng lui tới được nên chuyện
tạo ra những buổi gặp mặt để cùng ôn lại quá khứ hay đem cho nhau chút niềm vui
nho nhỏ qua tiếng hát câu hò, cùng nhau thưởng thức tài nấu nướng đặc sắc của từng
cá nhân nhóm phụ nữ là điều cần thiết, dù bây giờ miếng ăn uống đối với mọi người
chắc chỉ là điều phụ thôi. Điều chính chỉ để gặp nhau tán chuyện trên trời dưới
đất hay điểm danh xem ai còn ai đã ra đi… Vì ai cũng biết là thế gian vô thường,
ngày vui chẳng còn lại được bao lâu. Do đó đôi lúc phải sắp xếp lịch trình giữa
những nơi này nơi kia, tuy biết mệt nhọc nhưng tôi vẫn háo hức và sốt sắng nhận
lời góp mặt. Điều đáng nói ở đây, khoảng thời gian này lại trùng với ngày sinh
nhật của chị Hoàng Thanh Phước cùng một số anh chị em khác nên tháng Ba tới đây
càng có lý do chính đáng và thêm ý nghĩa. Phần
ẩm thực lần này hòa toàn do ban tổ chức đứng ra khoản đãi hết, chúng tôi chỉ lo
phần văn nghệ để cùng trình diễn.
Rất khâm phục anh chị Cai My, tuy anh chị là người ăn chay trường đã mấy chục năm, hơn nữa đang bận rộn lo cho con gái mới sanh và các cháu nhỏ. Nhưng khi nghe đề nghị tổ chức họp mặt mùa Xuân của Nguyễn Huệ thì đã sốt sắng đứng ra với tính cách gia chủ, mời mọi người về nhà anh chị cho vui. Đúng là anh chị có :"tinh thần Nguyễn Huệ cao vời vợi", thật đáng quý đáng trân trọng. Xin hoan hô cả hai tay.
Hình
như đã hình thành từ lâu phong tục lịch sự hiếu khách của người Việt chúng ta, hay qua những
câu ca dao tục ngữ mà từ bé tôi đã được biết:
“Khách
đến nhà không trà cũng rượu”
hay
các cụ xưa có thói quen ăn trầu thì:
“Miếng
trầu là đầu câu chuyện”
Mỗi lần gặp mặt đến bất cứ nơi nào , trước
hết đều có ăn uống và phải có văn nghệ phụ diễn, không biết điều kiện này đã như
“Luật bất thành văn” tự lúc nào. Nhưng lại là phần hợp với ý thích của đa số và
là tiết mục rộn ràng nhất nên mọi người đều không ai từ chối. Trong nhận xét
riêng tư, hình như tôi thấy càng ngày con người càng có nhu cầu giải trí thông qua
ca hát vui chơi, mà vấn đề này vốn dĩ không đòi hỏi khó khăn gì cho những người
bạn dễ tính của chúng tôi. Thật là may mắn
vì các bạn đã cùng đồng lòng và không ngại tốn kém nên lần nào cũng vui
càng vui hơn. Thoáng nghĩ tới một ngày nào đó không còn lăng xăng đây đó góp mặt
với bạn bè, hay ca ngâm được nữa làm tôi thấy buồn. Nhưng làm sao biết được
tương lai, tôi đã học được bài học để tự áp dụng cho mình: “ Việc gì đến sẽ đến,
và việc gì đi sẽ đi. Sự bằng lòng chấp nhận sẽ đem lại điều thanh thản cho tâm
hồn”.
Đặc biệt về sự gắn bó với ngôi trường
mà xưa nay tôi chưa từng
đặt chân đến: Nguyễn Huệ. Biết nói gì và biết bao lời cho đủ đây. Tôi đến với Hội
Ái Hữu Phú Yên rồi sau đó là với anh chị em cựu học sinh Nguyễn Huệ cũng do một
sự tình cờ. Kể từ đó đến nay không thể
nhớ rõ là bao nhiêu năm, với những lần Tân Niên, Tất Niên và trại hè hoặc Dạ Vũ
Liên Trường rồi Đại Hội trường. Không
năm nào, dịp nào tôi vắng mặt được dù có những sự trùng hợp ngày giờ với nơi khác,
tất cả do sự quý mến cùng tấm lòng của hội
nói chung và nhất là anh chị Duy Nhượng & Hoàng Thanh Phước đã dành cho. Sự nhiệt tình của
anh chị khiến tôi cảm thấy mình như đã mang nặng một ân tình. Một ân tình không
nói thành lời, đến quên mất mình chỉ là một người bạn, hay đúng hơn là ái hữu
thôi.
Một mùa Xuân mới, có mưa
rơi
Xuân muộn riêng tôi xin tặng
người
Họp mặt tưng bừng không
bánh đẹp,
Nhưng tràn muôn sắc thắm
hoa tươi…
Mùa Xuân luôn khiến trong tôi như mở
rộng, giữa đất trời bát ngát xanh tươi với muôn ngàn cây lá đang trở mình. Mỗi buổi sớm mai bước ra đường đón bầu không
khí trong lành vẫn còn mang hương lạnh của mùa Đông chưa qua hết, tôi vươn vai
hít thật sâu vào buồng phổi, nhìn lên ánh dương đang ló dạng bên chân trời, nhìn
những cánh lá non nhè nhẹ rung rinh theo gió đang khô dần làn sương đêm. Tất cả
như bừng sáng trong một ngày mới, tôi thấy mình hạnh phúc biết bao nhiêu. Tôi
muốn hát vang lên lời đa tạ ơn trên đã cho tôi được sức khỏe cùng cuộc sống hôm
nay, tạ ơn hai đấng sinh thành đã tạo ra hình hài xương thịt và lo âu chăm sóc
cho tôi suốt thời trẻ dại. Tạ ơn những bậc Thầy Cô đã dìu dắt hướng dẫn một thời
gian dài khi còn trên ghế nhà trường, cho tôi kiến thức làm hành trang bước vào
đời.
Tạ ơn những người bạn thân quý đã từng chia sẻ bao nhiêu vui buồn âu lo với
tôi trong từng giai đoạn cuộc sống. Và sau hết cũng phải cảm ơn những đứa con
hiếu đễ ngoan hiền đã cho tôi niềm an ủi cuối đời. Sự gian truân với muôn ngàn
cay đắng đã vĩnh viễn ở lại sau lưng tôi, những phiền muộn cũng đang mờ dần theo
năm tháng. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm nhiều màu sắc vui buồn để lâu lâu đem ra
ôn lại cho thi vị thêm cuộc sống. Trong mỗi mùa Xuân hay các dịp kỷ niệm khác, cùng
đồng hành với những hội hè khắp nơi mang lại cho tôi điều ý nghĩa, với những bận
rộn sôi nổi vui tươi ấy đã cho tôi cảm giác không còn lằn ranh tuổi tác hay bệnh
hoạn. Từ xưa nay, việc mang đến cho mọi người nụ cười hay niềm an ủi là điều
khó từ chối đối với tôi, huống chi là vừa giúp người vừa giúp mình. Cuộc đời đôi
khi không như ý muốn nhưng cuộc đời vẫn đẹp vẫn đáng yêu, nhất là mỗi độ Xuân về
phải không các bạn? Mong rằng trong lòng tất cả mọi người chúng ta đều có những
mùa Xuân tràn ngập hạnh phúc và vui tươi với nụ cười óng ánh đẹp ngời.
Nhã Giang Thu Tâm
San Jose
Ngày 8 tháng Ba 2015