Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

CUỐI NĂM NGỒI NHỚ CHUYỆN XƯA (Hồi ký)


Những ngày cuối cùng của một năm sắp qua đi, mùa Đông đến với những cơn gió như dao cắt làm tê tái cả thịt da, kèm theo những cơn mưa dai dẳng khiến sũng ướt thêm tinh thần tôi. Khung trời mang sắc xám buồn bã bao phủ khắp đồi cao núi thấp, vùng thung lũng xinh đẹp của tôi bỗng trở nên chùng xuống một màu u ám. Hàng cây lá đứng im lặng đợi chờ  mùa sang như ngàn năm vẫn quen nhận bao thay đổi của trời đất. Những xác lá úa nằm chồng lên nhau co quắp buồn tênh, một vài chiếc từ từ nuối tiếc rời bỏ cành, chao liệng rồi chúi nhủi vào một góc nào đó. Tất cả, như chúng ta đang âm thầm cam chịu một kiếp sống mỏng manh, gian nan mà tạo hóa đã giành riêng cho mỗi phận...Đây là thời gian khiến tâm hồn người nhạy cảm dễ xúc động, mỗi cá nhân tìm về một hình bóng thân yêu hay kỷ niệm nào đó để nhớ để thương, để buồn và hận. Riêng tôi, lại là một khung trời với hoàn cảnh nhiều bi thương làm nhức nhối cả tâm hồn....

Thời còn chiến tranh khi nhắc về “Người Lính Việt Nam Cộng Hòa với những chiến công lẫy lừng cùng những trận địa nổi danh trong Quân Sử, quân và dân Miền Nam Tự Do không thể nào quên được những hy sinh xương máu lớn lao mà các chiến sĩ Quân Lực VNCH đã đổ ra. Tất cả để giữ gìn cuộc sống yên ấm cho người dân, để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc trước cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Quốc Tế. Quân lực VNCH đã gây nên những trận đánh khiến quân Cộng sản bay hồn bạt vía, và đổi lại là nhận về những thương đau mất mát không nhỏ. Đó là tất cả những gì cao quý, hào hùng, đẹp đẽ, hùng tráng và bi thuơng nhất của người lính VNCH.

Người lính VNCH đã dâng hiến cả đời mình cho Tổ Quốc và Dân Tộc. Nhờ sự hy sinh và bảo vệ của các anh mà từ làng quê đến thị thành được yên vui. Khi đất nước còn chìm trong lửa khói, dân chúng còn ngày đêm bị quấy phá bởi quân xâm lăng bạo tàn, các anh còn chiến đấu. Đôi giầy shaut lưu dấu khắp bốn vùng chiến thuật đằng đẵng suốt năm tháng dài, từ đồng bằng lên núi cao, xuống thung lũng, đầm lầy. Chỉ có gạo sấy và lương khô đeo trên lưng, mang theo ý chí kiên cường và tấm lòng hừng hực máu nóng yêu quê hương dân tộc. Với nhiệm vụ cao cả mang nặng trên vai trong màu áo lá rừng, người lính đã thuộc lòng mấy điều tâm niệm: Tổ Quốc - Danh Dự Trách Nhiệm”.  Vì nhiệm vụ cao cả, người lính đành đón Giáng Sinh hay ngày Xuân mới nơi rừng sâu núi thẳm. Có khi chưa kịp cất lên lời hát mừng Chúa ra đời, chưa kịp đón mừng năm mới đã bất ngờ rời xa đồng đội, bỏ lại gia đình thân yêu để nằm xuống giữa vùng trời sao đầy khói lửa và mùi thuốc súng khét lẹt, hay trở về với thân thể không còn lành lặn!  

Chúng tôi là con cháu của các thương binh tử sĩ nên càng xúc động vì thấu hiểu điều này hơn ai hết. Hồi đó, mỗi lần gần lễ Noel hay đầu năm là trường học chúng tôi lại tổ chức những việc làm hầu mang lại chút ý nghĩa đền đáp công ơn người đã có công mang đến sự bình an cho chúng tôi. Trước Tết Âm Lịch cả hai tháng, cả bọn nao nức chuẩn bị viết những bức thư, làm thiệp chúc...Con gái có nhiệm vụ thêu những chiếc khăn nho nhỏ để gởi tặng cho các chiến binh ngoài chiến trường, mang tính cách ủy lạo tinh thần. Đồng thời Thầy cô sắp xếp lịch tập dợt văn nghệ, ghi danh cho từng lớp, từng bạn nào tham gia theo thầy dạy nhạc ra các nơi đóng quân của những đơn vị lính để trình diễn âm nhạc giúp vui. Tiếng hát học trò so với các ca sĩ chuyên nghiệp chắc chắn rất khó nghe nhưng vẫn được các anh lính nồng nhiệt đón nhận. Các anh không ngại ngần ngồi xổm dưới mặt đất bụi bẩn, đầu ngẩng cao và đôi mắt long lanh nhìn lên. Họ lắng nghe với nét mặt chăm chú và tươi vui. Hình ảnh đó cho tôi nhận ra người lính đang thiếu thốn tình thương cùng sự quan tâm của người hậu phương biết nhường nào. Tôi xúc động thật sự, và không làm sao ngăn được những giọt nước mắt chảy xuống vì lòng cảm phục lẫn thương yêu.  

Chiến tranh vẫn tiếp diễn ngày càng khốc liệt khiến thương binh cũng theo nhau được chở về dồn dập. Chúng tôi được thầy cô hướng dẫn đến Tổng Y viện Cộng Hòa để thăm viếng các thương bệnh binh. Đây là một địa điểm được đặt ở quận Gò Vấp, đường Võ Tánh gần phi trường Tân Sơn Nhất và cũng không xa khu trường học của chúng tôi là mấy. Nơi đây ngoài ngoài hệ thống Bệnh viện cho thường dân, còn là nơi điều trị cho các thương binh. Vì tình hình chiến cuộc nên chính phủ VNCH mở ra hệ thống Quân Y viện ở nhiều nơi khác nữa như Nha Trang, Quy Nhơn mà Saigon được xem là trụ sở chính và lớn nhất. Tại Thủ Đức còn có trung tâm phục hồi cho những thương binh nữa. Bên cạnh là Bệnh Viện Dã Chiến “3d Field Hospital”, khu giành riêng cho quân đội Hoa Kỳ. Theo thống kê, cho đến năm 1968 tổng số giường nằm của các địa điểm cộng lại đã lên đến gần 10.000. Riêng tại Thủ Đức còn có cả một làng giành riêng cho thương phế binh định cư. Một sự chu đáo đầy tình nhân đạo của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Có người đã nói: Súng đạn không có mắt để tránh một ai. Thân thể con người có đủ thứ tình mà súng đạn thì vô tình nên đâu biết thương xót người nào. Tôi là đứa từ nhỏ đã rất sợ máu, cứ mỗi lần nhìn thấy màu đỏ ấy là tôi phải rùng mình nhắm mắt và tim thì đập liên hồi. Huống chi bây giờ nơi đây chỗ nào cũng thấy, tất cả chỉ là hai màu trắng của bông băng và màu đỏ chói ghê rợn...Nước mắt tôi cứ thế rơi, lòng nặng trĩu nỗi nghẹn ngào mang theo suốt mấy ngày sau đó...Từ lúc nào tôi đâm ra yêu thích nơi này hơn những lời rủ rê đi chơi đâu đó của bạn học. Bất cứ thì giờ rảnh nào hầu như đây là nơi lui tới thường trực của vài chị em bạn học chúng tôi. Khi thì vào an ủi hay thăm viếng, có dịp để trò chuyện hay đẩy xe giúp hoặc đọc truyện cho các anh nghe. Vào để cảm nhận bao nỗi lòng trong những tiếng rên la, để xót xa cho thân phận nhỏ nhoi của con người, cho những chàng trai thời chiến kém may mắn...

Tôi không thể quên được những âm thanh thống thiết làm rúng động tâm tư, làm nhức nhối tim gan. Tiếng kêu la khi thương binh mới nhập viện hay trong lúc được băng bó vết thương khiến tôi thấy xốn xang như chính bản thân mình bị đau đớn. Tự nhiên thấy... ghét cả cách không nương tay của mấy người làm nhiệm vụ săn sóc bệnh nhân luôn! Tôi đi theo năn nỉ các y tá để được phụ giúp nhưng toàn bị mắng và bị đuổi đi vì chỉ làm vướng chân họ. Tôi không biết việc lui tới này có an ủi được cho các anh chút nào không, phần tôi mỗi chiều trở về nhà là bỏ cả bữa cơm để lén ra sau hè ngồi khóc.  Bác tôi hay nói sẽ cấm không cho đi nữa. Tôi biết chỉ là lời hăm dọa thôi vì bác tôi là người rất nhân từ, ông vẫn hay âm thầm giúp đỡ nhiều thương binh! Bằng chứng hiện tại ngay trong nhà bác cũng đang nuôi dưỡng một người không dính líu chút bà con nào, chỉ vì anh ấy ra khỏi quân y viện mà không hề có người thân thích và nơi chốn để về..

Có một thời gian Bệnh viện không đủ giường, những thương binh mới từ chiến trường đưa về phải nằm cả dưới sàn nhà lạnh lẽo dọc theo lối đi khiến Bệnh viện càng trở nên một nơi bi thảm hơn bao giờ hết. Những khuôn mặt còn trẻ măng như vừa mới bước ra khỏi chốn học đường, méo mó tái xanh vì bị mất nhiều máu và đau đớn, những thân thể không toàn vẹn trong mớ bông băng dầy cộm trắng xóa càng làm cho màu đỏ của vết thương gây thêm sự chú ý!. Mọi thứ cứ luôn ám ảnh tôi trong từng giây phút, nhất là khi ở một mình và màn đêm buông xuống trong không gian yên tĩnh. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn y nguyên cảm giác đôi chân nặng trĩu cùng với đầu óc nhức buốt như vừa trải qua một cơn bệnh. Cũng chẳng biết vì sao mà mỗi khi nghĩ đến nước mắt cứ rơi, lồng ngực cứ ấm ức tức tưởi mãi không nguôi...


Tôi không thể nào quên được ngày bố tôi phải nằm Quân y viện, chỉ trong vòng 2 tuần lễ đã được truyền tới 14 bịch máu mà cuối cùng cũng không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Tôi đã bỏ cả kỳ thi để theo săn sóc ông trong Quân Y Viện. Thật đau lòng nhưng cũng tự an ủi, ngày ông rời xa thế gian tôi là người duy nhất ở bên cạnh. Ngày đó còn quá nhỏ để suy nghĩ, để tìm hiểu sâu xa. Gần hai mươi năm chiến tranh, những trận đụng độ nảy lửa xảy ra đã cướp đi hằng hà sinh mạng người lính, đồng thời cũng biết bao nhiêu thương binh cần phải tiếp huyết thì lấy đâu ra máu mà người ta truyền cho bố nhiều thế. Bố đã đi xa mấy năm rồi, bây giờ tôi đang thực sự hòa mình vào khung cảnh một nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khói lửa và bom đạn. Tôi cứ tự lẩn quẩn trong những ý nghĩ không lời giải đáp. Liệu trong tổng số thương binh nơi đây, có ai vì bị trường hợp khan hiếm máu mà ra đi trong uất ức không?...

Ý nghĩ ấy vẫn còn ám ảnh đầu óc khiến tôi ngơ ngẩn thì một lần bất chợt nghe được Tổng Y Viện Cộng Hòa đang cần gấp máu, do tình hình chiến sự leo thang nên kho dự trữ lúc ấy đã gần cạn. Không ngần ngại, tôi và cô bạn học lại rủ nhau hỏi thăm đường đến nơi tiếp nhận hiến tặng máu tại khu Ngã 3 chú Ía : “Trung Tâm Tiếp Huyết”. May mắn thay, tôi vô cùng sung sướng khi biết mình đang mang trong người loại máu O mà họ đang cần đến. Từ đó, thêm một địa điểm cho chúng tôi lui tới. Thông thường những người đến Trung tâm sau khi hiến máu sẽ được mời một bữa ăn ngon để bồi bổ sức khỏe, đồng thời sẽ được tặng ít quà kỷ niệm và mấy lọ thuốc bổ mang về!  Cơ thể tôi vốn dĩ yếu đuối, vậy mà lần nào cũng không chịu ở lại ăn và nhận bất cứ thứ gì từ Trung tâm. Hai đứa thường lẳng lặng trốn đi khi mọi người không chú ý...Nhưng chỉ cố gắng gượng đi ra đến cổng Trung tâm thôi, tôi đã chóng mặt và lảo đảo muốn ngã. May mà cô bạn ở một bên đỡ giúp và chở về nhà. Tuy nhiên điều đó không làm cho tôi sợ hãi vì nghĩ mình đã có dịp đền đáp lại người nào đó đã giúp cho bố tôi ngày trước, đồng thời mong có thể giúp được cho những ai cần đến.


Ngày 30-4-1975, tuy không được chứng kiến tận mắt nhưng qua một số bạn bè, người thân kể lại và sau này là những trang báo online, tôi được biết đã có rất nhiều thương binh Việt-Nam Cộng-Hòa vừa mới giải phẫu hôm qua, hay vài ngày trước đó đã bị những kẻ vô lương tâm Bắc Việt không một chút động lòng. Bọn họ xúm vào kéo nhào thương binh khỏi giường bệnh, hay đuổi hết thương binh ra khỏi Tổng Y viện không thương tiếc. Đau lòng hơn nữa, một số thương binh còn đang mê man trong phòng hồi sinh cũng không thoát khỏi số phận. Dưới ngọn súng AK dí sát bên lưng kèm theo tiếng thét đuổi thị uy một cách thô lỗ như đám thú hoang khát máu, từng toán các anh thương binh VNCH vừa rên la vừa dắt díu nhau đi. Họ hoang mang, họ lo sợ và có người đã không chịu đựng nổi mà gục chết ngay tại cổng Bệnh viện. Khu Quân Y Viện Cộng Hòa từ xưa với trách nhiệm hàn gắn vết thương, nay trở thành nơi tàn nhẫn nhất và ghê rợn nhất với cảnh đuổi xô, đàn áp người thương tật thất thế. Máu mủ bông băng loang lổ rải rác khắp mặt đường, người người xác xơ cố lê lết hầu mau chóng rời khỏi chốn đang diễn ra cảnh dã man giữa người và người. Hành động vô lương tâm ấy đã đập vào mắt và vào tim những người dân quanh vùng, họ nén sợ hãi cùng nhau làm những việc vô cùng cảm động để giúp đỡ những người sa cơ khốn khổ. Từng nhóm dìu cõng hay săn sóc tạm thời vết thương đang rỉ máu của các thương binh, hoặc giúp đỡ thực phẩm, tiền xe về quê cho những ai còn đủ sức... Người dân miền Nam luôn thể hiện tấm lòng nhân ái dù dưới bất cứ áp lực hay hoàn cảnh nào, Ôi người dân miền Nam đất Việt, các anh chị xứng đáng cho chúng tôi ngưỡng mộ và kính yêu.

Hôm nay ngồi ghi lại giòng hồi ức này với những tấm hình trước mắt càng thêm nhắc nhớ đến kỷ niệm một thời xa xưa, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc để mắt cay cay. Bồi hồi thương cảm và chất chứa cả nỗi buồn không sao vơi được. Những người thương binh năm xưa nay có còn lây lất đâu đó, hay đã rời bỏ bạn bè chiến hữu mà ngao du ở một nơi thanh tịnh nào đó? Gần nửa thế kỷ trôi qua đã xảy ra bao nhiêu biến đổi cho những người được gọi là thương phế binh. Để luận về một vấn đề, cuộc đời không bao giờ có chữ “Nếu như, hay “giá mà”. Tuy nhiên niềm hoài niệm trong tôi lớn đến nỗi tôi vẫn muốn ước ao, nếu không có mốc thời gian của ngày 30/04/1975, nếu Quân Lực VNCH không bị bức tử đột ngột thì chắc chắn cuộc đời những quân nhân và nhất là các Thương binh VNCH đã khác đi nhiều. Ôi! thương sao Quê hương và dân tộc của tôi!

 

NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ, HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ?

Buổi chiều Đông trời buồn hun hút gió
Lòng chạnh lòng thương kỷ niệm xa xăm
Tôi nhớ anh dù qua đã bao năm
Người năm cũ đã từng không nguyên vẹn
Nửa thế kỷ, sao hình như uất nghẹn
Vẫn trong tôi ngùn ngụt nỗi bi thương
Tôi kính anh bởi hai chữ Quê hương
Người thua thiệt, hy sinh cho đất nước
Ôi người lính, đời sau và đời trước  
Cả một thời gian khổ, vẫn uy nghi
Xưa đóng quân tận Long Khánh, Bình Tuy
Lúc Hậu Nghĩa, rồi Tây Ninh biên giới
Đời quân nhân có nơi nào ngại tới
Bởi giặc kia luôn quấy phá dân lành
Gạo sấy, lương khô theo bước quân hành
Anh xông xáo, giữ bình yên phố thị
Từ Gio Linh,  anh lội qua Quảng Trị  
Đà Nẵng, Thừa Thiên, Quảng Tín xa xôi
Đường hành quân gian khổ, chẳng đơn côi
Ngàn sao sáng bên anh, xua bóng tối
Khắp bốn vùng nắng thiêu, mưa bão xối
Núi đồi cao, mây phủ đất Cao nguyên
Phú Bổn, Kon Tum, Ninh Thuận, Phú Yên
Lên Quảng Đức, Lâm Đồng, Cam Ranh vịnh
Mỗi chặng dừng quân, chút giờ thanh tịnh
Nhớ Pleiku và em gái má hồng
Nơi sáng chiều mây phủ xám mùa Đông
Quanh con dốc hoa dã quỳ vàng chói
Tình yêu em anh ngại ngần chưa nói
Đã nghẹn ngào cúi mặt giấu bi thương
Trận đánh vừa qua khói lửa còn vương
Một phần thân thể gởi vào đất mẹ
Mọi chuyện thường tình anh đà xem nhẹ
Vì Quê hương anh đã sống hết mình
Vận nước điêu linh, anh vẫn chân tình
Cho non nước một tương lai tươi sáng
Tôi kính anh, vì đời trai xứng đáng
Dẫu nơi nào, mong anh mãi bình an
Cầu một ngày bóng giặc cướp sẽ tan
Ta trở lại dưới sắc cờ vàng thắm.
 
Nhã Giang Thu Tâm 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét