Hôm nay đã là ngày cuối tháng, mọi nhân viên cần thanh toán cho xong số hàng để giao cho kịp hợp đồng, nếu không họ lại có cớ bị kéo dài kỳ lương không biết đến bao giờ. Mà xưa nay việc chậm lương đã là thông lệ dù có giao hàng đúng hạn hay không, cứ hai tháng mới được nhận trong sự mỏi mòn trông ngóng của bao nhiêu con người cực nhọc, đói no. Chúng tôi sống lây lất bằng chính sức lực còm cõi của mình, gia đình nào cũng dùng toàn bộ nhân lực lớn nhỏ góp phần.
Riêng tôi, tất cả thu nhập chỉ trông mong vào đôi bàn tay ốm yếu của cá nhân mình thôi. Làm ngày đêm mà đồng lương lãnh ra chỉ vèo một thoáng là hết sạch, bởi do ăn trước trả sau! Mấy ngày …huy hoàng ngắn ngủi sau kỳ lương qua rất nhanh trong tiếc nuối. Những ngày ấy, trong chén cơm của con thơ có thêm vài miếng thịt vụn, hay miếng cá cơm kho mặn. Con tôi ăn được nhiều hơn một chút, tôi nhìn con hăm hở nuốt miếng cơm đạm bạc do mẹ đút mà trào nước mắt nghẹn ngào. Hai đứa bé không hề biết đòi hỏi hay thắc mắc gì về miếng ăn, khi ngon thì ăn nhiều mà khi không có gì thì ăn ít đi. Giọt nước mắt thương chồng thương con từng đêm vẫn nhỏ xuống, khi một mình trong đêm vắng lặng cho tôi cảm giác bơ vơ hơn. Sau đó lại chắt mót từng cái bao nilon cũ, từng mảnh sách báo gói hàng rách nát để dành. Khi được nhiều mới đem .. cân ký bán cho người mua ve chai. Món tiền nhỏ nhoi cũng chỉ đủ mua thêm chút thức ăn kèm với chén cơm nấu bằng gạo trắng nát vụn, cho con ăn được như thế là mừng lắm rồi.
Vài tháng một lần, chồng tôi từ trong tù viết thư gởi ra khi được phép. Anh luôn trấn an tôi bằng những câu mà tôi biết rất rõ anh chỉ nói cho tôi yên lòng. Anh thường xin những thức ăn khô nào rẻ nhất, và tối thiểu nhất! Dù tôi cũng cố gắng để mang đi nhiều hơn khả năng và sức lực. Nhưng thật ra so sánh với người khác có cả hai bên nội ngoại góp phần thì quà của tôi chỉ là một sự thêm nếm của họ. Thế mà đã bao nhiêu lần tôi phải vừa khóc vừa năn nỉ mà chồng tôi vẫn nhất định không chịu nhận hết số “quà” tôi mang theo, anh đòi chia ra hai phần, anh chỉ nhận một, nửa còn lại bắt tôi phải mang về cho con! Người chồng tội nghiệp của tôi là người đàn ông như thế đó! Nhìn chồng gầy ốm xanh xao, xác xơ bệnh hoạn mà lòng tôi đau như thắt lại! Anh vẫn luôn là người sống khắc khổ, chịu tất cả sự hy sinh bản thân để lo cho gia đình như xưa. Dù bây giờ đang trong tình trạng chịu đói khát ngày đêm đến khô quắt cả người!.. Số hàng hóa lúc đi thì hăm hở cho nên bao nhiêu cũng mang vác được, nhưng khi quay về mới nặng nề và nghe xót trong dạ làm sao!...
Hai đứa con nhỏ của tôi hồi nào giờ sống trong thiếu thốn đã quen, vì con nhà nghèo nên dễ dãi trong mọi sinh hoạt kể cả việc ăn uống hay vui chơi. “Quà” mà bố chúng trả lại khiến chúng vui mừng làm cho tôi thêm nghẹn tủi. Vì trong này có những thứ mà chúng chưa bao giờ được nếm thử. Dù chỉ là gói mì gói nhỏ xíu, tôi cũng đành phải giấu để mang đi cho chồng!.. Chúng tôi sống nhọc nhằn như thế ngày qua ngày, mỏi mòn chờ đợi sự nhỏ giọt do đồng lương chết đói của chính mình làm ra. Nhưng hình như với những người “lãnh đạo” thì việc trả lương cho công sức của đám công nhân lại là một điều ban ân huệ. Có phải vì vậy nên họ chậm chạp? Nhà nước đang khó khăn hay như tôi đã được nghe nói, có chủ trương dùng cách thắt chặt bao tử người dân để dễ cai trị, cho họ dễ dàng đàn áp?
Tôi rời khỏi nhà từ hồi tờ mờ sáng, về đến nơi thì bóng tối đã phủ kín khắp vạn vật không nhìn rõ mặt người. Muốn cho hai con bất ngờ, tôi lẳng lặng mở khoá rồi đẩy cửa định bước vào. Cánh cửa chặt cứng phía trong, hình như có cái gì ngăn chặn. Tôi cố dùng hết sức cũng không thể nào mở ra được. Đủ thứ tưởng tượng kinh hoàng khiến mồ hôi lạnh toát ra kèm theo nước mắt ào ạt chảy xuống, tôi thảng thốt la to gọi tên hai đứa con.
-A, mẹ về !
Tiếng
hai đứa trẻ vừa reo lên thì bất ngờ cánh cửa cũng vừa
lúc mở ra khiến tôi loạng choạng, hai khuôn mặt nhem nhuốc còn đang ngái
ngủ bé tí xíu hiện ra trong bóng tối làm tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng cũng đồng
lúc nước mắt đau khổ trào ra vì thương con. Thì ra chúng nằm chờ mẹ đi làm về
ngay sau cánh cửa đóng, rồi mòn mỏi ngủ thiếp đi…
Thằng bé vừa nhìn thấy tôi, đã tủi thân òa lên khóc nức nở. Bằng giọng ngọng nghịu , một tay dụi mắt, tay nắm vạt áo tôi kéo xuống nói giọng thổn thức :
- Mẹ ơi, choong ói bụng, hao mẹ bọ choong hài zdậy? (Mẹ ơi con đói bụng, sao mẹ bỏ con hoài vậy?).
Thằng anh đứng bên cạnh rơm rớm nước mắt, một tay ôm vai em còn một tay chùi
mắt, mũi cho em! Tôi nghẹn ngào qùy xuống vòng tay ôm chặt hai đứa con thơ,
giọt lệ nóng âm thầm tuôn rơi. Hôn lên đôi má bé bỏng của con, tôi
thầm thì: “Xin lỗi con, xin lỗi con”. Như được dịp vòi vĩnh, thằng bé lại càng
cất giọng khóc to hơn, tiếng khóc tức tưởi giận hờn...
Ba
mẹ con, ba khuôn mặt đầm đìa nhòe nhoẹt ướt ngồi ôm nhau giữa căn phòng nhỏ
trống trơn đồ đạc, chỉ có bề bộn những món “đồ chơi” nghèo nàn. Chỗ này mấy cái
nắp bia, góc nọ dăm vỏ bao thuốc lá xếp thành hình tam giác đủ màu, ít viên bi
lẫn lộn với mươi hòn sỏi nhỏ, vài cây “kiếm” gỗ tôi tự đẽo gọt cho con chơi đã
gãy đầu gãy đuôi…Đó là tất cả gia tài tuổi nhỏ của hai đứa bé dùng để chơi hàng
ngày. Trong suốt thời gian bị tôi nhốt để đi làm vắng chúng vẫn vô tư chơi với
nhau đủ kiểu, đủ cách mà chúng tưởng tượng ra được bằng hai đầu óc non nớt ngây
thơ, không đòi hỏi, không phàn nàn !!!
Bản thân tôi ngoài việc chạy cơm cho con còn để dành đi thăm chồng đau ốm trong tù. Đồng tiền đối với tôi vô cùng cần thiết và quý báu, và cũng vì thế mà mỗi ngày làm hai mươi mốt tiếng đồng hồ vẫn thấy thời gian còn ít quá! Trước kia, tôi cũng cố gắng xin mang hàng về nhà làm để có thể ngày đêm bên cạnh chăm sóc hai đứa con nhỏ dại, nhưng trong thời gian ngắn đã có biết bao điều xảy ra khiến tôi thật sự hoảng sợ. Sự có mặt hàng ngày trong căn nhà nhỏ của tôi đã là cái cớ cho bọn công an, cán bộ đến lân la, làm phiền! Họ liên tục thay nhau giả vờ đến hỏi thăm rồi ngồi lì hỏi thăm đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, họ mượn tôi sửa chữa quần áo nhưng không trả tiền công…Có hôm tôi đi chợ về, hai tay bận xách đồ đạc nên chưa kịp đóng cửa. Khi vào tới bếp, vừa đặt mọi thứ xuống thì đã giật mình vì có bóng người đứng sát ngay sau lưng. Tôi hoảng hốt quay lại, nhìn thấy đôi mắt như cú vọ đang chăm chăm phát ra tia lửa đỏ chiếu thẳng vào người, tôi hét lớn lên chạy đến ôm choàng hai đứa con nhỏ đang khóc, lúc đó tên công an mới vội vàng lùi lũi bỏ đi ra khỏi nhà tôi!
Tôi
không biết làm sao cho toàn vẹn, lúc đó người Tổ Trưởng của chỗ tôi làm việc
không chấp nhận sự vắng mặt thường xuyên của tôi như thế nữa, mà đồng lương hạn
hẹp không cho phép tôi đem gởi con cho ai giữ được, Nội Ngoại thì ở xa mà ai
cũng khó khăn vất vả. Hơn nữa tôi còn người chồng đang mong ngóng trong trại
“cải tạo” nên hai đứa con nhỏ bắt buộc phải chịu thiệt thòi. Tôi
đành chọn lựa giải pháp chẳng đặng đừng này dù biết là nguy hiểm, dù đau
lòng và thương con cũng như rất lo lắng khi khóa cửa đi làm để lại hai đứa trẻ
bé tí teo trong nhà, chẳng có người lớn trông nom! Thằng anh mới gần
5 tuổi, trong khi chính bé cũng còn đang trong tuổi cần mẹ chăm nom, mà
với bàn tay bé xíu xúc miếng cơm ăn vẫn còn rơi rớt đã phải thay mẹ
săn sóc cho em, đứa em chưa đầy hai năm được sinh ra sau khi chồng tôi và các
chiến hữu của anh rủ nhau đi “tập trung cải tạo ”! Vì họ đều là những người “
có nợ máu với nhân dân”?! Đó là những danh từ tôi mới …học và mới được…hiểu
thấu đáo. Sống với chồng đã bao năm, chỉ thấy anh thương yêu giúp đỡ mọi người
trong phần hành chức vụ, sao tôi lại ..u mê không biết được anh ấy đã làm gì để
mang tội danh lớn đến như thế.
Thì ra Bác và Đảng luôn sáng suốt thông minh, và Xã hội chủ nghĩa mới nhân từ làm sao!
Tôi luôn thấy lòng áy náy khổ tâm, mang nặng mặc cảm có tội với hai đứa con thơ vì không lo cho chúng được cuộc sống khá hơn. Ôi, những đứa con khốn khổ của mẹ ơi, chỉ mong khi các con lớn lên sẽ hiểu được mà thứ lỗi cho người mẹ yếu đuối này! …
LÁ THƯ BÁO ĐIỀM GỞ.
Lo cho hai con tắm rửa, ăn uống và dọn dẹp nhà cửa xong, tôi lại ngồi vào bàn máy tiếp tuc công việc thêm ngoài giờ. Mỗi ngày sau thời gian mười hai tiếng đồng hồ ngoài Tổ hợp, tôi xin mang về nhà làm thêm cho đến khi đồng hồ bên hàng xóm đổ hồi chuông thứ mười hai báo nửa đêm, người hàng xóm thức giấc để ngồi thiền gõ vào cửa ra hiệu :
-Cô Tư ơi, 12 giờ khuya rồi đó !
Tôi tạm buông rời đống hàng để đi nằm, rồi sớm hôm sau ba giờ sáng lại dậy bắt đầu cho một ngày mới. Một tháng đủ ba mươi ngày cặm cụi như thế mà vẫn cứ thiếu trước hụt sau cho dù có ăn uống đơn sơ đạm bạc bữa đói bữa no!
Hai đứa bé tíu tít nói chuyện huyên thuyên lúc nãy, giờ đang im lặng bày hàng chơi dưới gạch. Tôi trở về với niềm suy tư luôn ám ảnh suốt từ chiều từ lúc nhận được lá thư do người bạn gái đến giao tận tay. Mấy tháng không nhận được thư chồng như thường lệ, tôi đang lo lắng không biết ra sao. Và đột ngột, tin không hay đã đến chiều nay: chồng tôi đã nằm trong “ bệnh xá” cả tháng trước rồi! Một thân cây lớn đè sấp lên người tù ốm yếu trong giờ lao động, anh bị thổ huyết khá nhiều nhưng không có thuốc men cầm máu! Đây là lần thứ hai lá phổi yếu đuối của chồng tôi bị va đâp mạnh tuôn máu ra bằng miệng. Một lần anh bị chiếc báng súng của tên công an đánh ngay sau lưng khiến anh bị ngã sấp mặt vào đống … phân, và thổ huyết! Vì anh không làm theo cách dùng tay trộn phân với đất để bón cây như tên cán bộ sộng sản đã chỉ thị, mà thay thế bằng cây củi để xới đất lên…
Lần này cũng thế, biết ở ngoài vợ con cũng đói khổ khó khăn nên anh cắn răng chịu đựng, mặc cho sự sống chết của số mạng. Anh không muốn thư từ báo tin sợ tôi lo, bạn bè thương tình nên mỗi người góp chút lòng, người miếng cháo miếng cơm cho anh cầm cự qua ngày. Đã hơn tháng trời nên sức khỏe anh giờ rất yếu, rất mong manh!
Anh đã vào “bệnh
xá”?
Tin giữ đến bất ngờ
Em sững sờ tượng đá
Mắt trợn trừng hư vô
Ôi ! đất trời sao nghiêng ngả, gió bão đâu bỗng về lạnh buốt châu thân! Ngay ở nơi làm việc, tôi phải nằm gục xuống bàn mất một lúc khá lâu, nào dám cùng ai chia xẻ niềm đau này? Khắp bốn bề chung quanh đều có những con mắt dò xét rình rập, có mấy ai cùng hoàn cảnh mà thông cảm, giúp đỡ cho, dù chỉ bằng lời an ủi hay khuyến khích. Tôi không dám để lộ ra ngoài nét mặt một chút đớn đau, uất hận hay suy nghĩ của riêng mình.
Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ nghèo nàn, đằng sau bức tường và cánh cửa che khuất mọi người, tôi muốn hét thật to, thật to cho vơi bớt nỗi niềm cay đắng sầu thương! Đêm đen vẫn vô tình và thời gian vẫn trôi nhanh, tất cả như cùng đồng lõa…
Từ ngày định mệnh đến cho quê hương, chị em chúng tôi được mang danh gia đình “Ngụy”. Môt số không có vốn, không kinh nghiệm hay chưa hề biết buôn bán, các công sở thải hồi… đành tập làm quen với lao động chân tay May, Đan, Thêu, Dệt….
Mọi người cố gắng, người người “phấn đấu” cùng nhau xây dựng Xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và làm sao cho đủ số lượng “trên” giao mới được mua “khẩu phần ” 12 kg gạo hẩm XHCN! Nhưng lâu lâu được “cải thiện” bằng dăm kilo bột mì, hay nửa gạo nửa khoai. Thỉnh thoảng buổi sáng được vài ổ bánh mì nướng, hay ít kilo mì sợi ướt, mang về tự cuốn thành bánh rồi phơi khô để dành ăn dần. Nói là ăn dần cho hách, chứ thật ra cứ đến giữa tháng là chẳng còn tí vụn nào! Với số gạo đầy thóc, bông cỏ, sạn, mốc xanh rờn đó, vì không có thì giờ đãi, lượm sạch nên tôi phải đem đi đổi lấy về được khoảng ba bốn kilo gạo trắng hơn một chút, sạch hơn một tí để cho hai đứa con bé bỏng ăn qua ngày. Còn phần tôi… tự cho phép mình mỗi trưa Chủ nhật được lưng chén cơm độn khoai để giữ sức mà nuôi con, để tiếp tế cho chồng. Còn hàng ngày thì khẩu phần chính là khoai lang hay khoai mì, hoặc bobo. Tôi cố tìm cách chế biến những “cao lương” của riêng mình thành món ăn khác lạ để thay đổi cho dễ nuốt.
Thay thế cho “bò bảy món”! Tôi có Khoai mì ba món và bobo bốn món! Khoai mì xay lấy bột làm bánh cho thêm chút dừa beo béo. Khoai mì luộc chín giã nát ngào với chút dừa và đường, khoai mì hấp lên chấm với muối mè… Bo bo cứng đầu hơn nên phải hầm kỹ rồi cho gừng giã nát và chút đường vào trộn đều lên ăn giống như một thứ chè không ra chè, cháo không ra cháo. Bo bo hầm mềm thay cơm, hay… sang hơn một chút thì trộn lẫn vài hạt gạo nấu chín ăn với rau luộc chấm nước muối pha loãng, còn món bobo ngâm nước xay lấy bột làm bánh ăn cho thay đổi khẩu vị! Ôi mấy loai cao lương này chỉ nhắc đến đã thấy muốn nghẹn… nhưng vẫn cứ phải trệu trạo cố nuốt để kéo dài ngày tháng đợi chờ!
Chúng tôi được “giáo
dục”: 1 kg khoai hay 1 kg rau bèo bằng 1 kg thịt bò? Có lẽ vậy thật hay sao ấy,
nhờ mỗi ngày ăn cả kg “thịt” khoai mà thời gian đó
tôi lên cân trông thấy, nhưng sao da thịt “bủng”qúa! Chồng tôi đã nói thế trong
ngày tôi đi “thăm nuôi”. Chuyện đổi gạo đã có người hàng xóm trong
“Ngũ gia liên báo” tố cáo, tôi bị mang ra “Tổ dân Phố”… kiểm điểm,
họ lớn tiếng:
-Chị còn “luôi” đầu óc Tư sản, chưa biết khắc phục trong thời kỳ qúa độ của đất “lước” …
Những cụm từ nghe thật kêu mà sao tôi cứ ngẩn ngơ chẳng chịu hiểu …Mấy hôm trước, bà Tổ trưởng mới báo cho biết là kỳ lương này sẽ bị trễ nữa, chưa biết đến bao giờ mới có được. Đã hai tháng nay mọi người sống lây lất, chờ đợi đồng lương nhỏ giọt. Với hết sức cố gắng của tấm thân còm cõi, một đêm không dám ngủ quá ba tiếng đồng hồ, hai tháng lương chỉ đủ cho tôi đi thăm chồng một lần lèo tèo với những món qùa rẻ nhất. Tôi vẫn luôn chờ đợi đến ngày được cầm món tiền dù ít ỏi nhưng thật quan trọng đó trong tay, biết bao thứ cần phải chi tiêu. Hai đứa con bé bỏng không hề được một miếng ăn có chút dinh dưỡng để lớn, mà đợt lương nào cũng trễ không vì lý do này thì cũng vì cớ nọ. Cũng may mà thỉnh thoảng tôi còn nhận được vài món hàng may thêm từ những nguời hàng xóm láng giềng để đắp đỗi qua ngày, tuy chẳng là bao. Nay đang lúc cần thiết nhất thì lương lại bị đình trễ, biết tìm đâu ra số tiền đủ để mua thuốc men cùng thực phẩm mà mang đi “thăm nuôi” cho chồng đây?
Một ý nghĩ chợt đến, tôi ngừng tay nhìn quanh căn phòng, ngắm nghía từng vật dụng đồ dùng đang nằm âm thầm trong ánh đèn đêm không đủ sáng. Lòng thầm nhẩm tính, nếu…bán món này, vật kia thì sẽ thu về được bao nhiêu và sẽ mua được những gì. Vì trong suốt căn nhà tồi tàn từ trên xuống dưới, ngoài một chiếc giường mà 4 chân đã lung lay, một tủ đựng quần áo đã xộc xệch, cái divan loang lỗ vết varnish lồi lõm nứt rạn. Còn lại 2 cái quạt trần cũ mèm vàng ố kêu rin rít mỗi khi quay đã mấy lần muốn dạm bán mà chưa đành ! Nên bán thứ gì , vật gì để lại, và giá ra sao đây? Giường ư, con dại phải nằm dưới gạch làm sao chịu nổi hơi đất lâu dài? Hay là bán 2 cái quạt trần vì có một chiếc chẳng được bao nhiêu tiền, nhưng hai đứa trẻ sẽ chết ngộp mất giữa trời hè! Còn cái divan ư, chỉ đáng đem …chụm bếp, ai thèm mua cho!
Chạy giặc mới từ miền Trung về, lại thêm lần đổi tiền vài tháng sau đó trong thời gian tôi nằm sinh nở đứa con thứ hai, tất cả đã vét sạch sẽ những gì dành dụm được của cả hai vợ chồng tôi. May là còn có mái nhà che mưa che nắng, rồi còn mua được chiếc máy may cũ này để kiếm sống qua ngày, nếu không muốn bị buộc vào thành phần “phe phẩy”( buôn bán) phải đi về “Kinh Tế Mới” để tạo “nơi ăn chốn ở và công việc làm ổn định rồi!”. Tuy thế tôi vẫn luôn sống trong phập phồng lo sợ một ngày nào đó không xa, họ lại đến đuổi chúng tôi ra khỏi căn nhà mà họ đã từng vu khống là “ chiếm bất hợp pháp”, “trong vòng 1 tuần dọn ra khỏi nhà”! Dù (theo quy định), tôi đã trình lên bao nhiêu giấy tờ chứng minh, cộng thêm chữ ký xác nhận của ba người hàng xóm, vẫn không cãi lý nổi với họ vì người chủ cũ không còn ở trong nước để ra mặt mỗi lúc họ đòi gặp. Chạy vạy đủ nơi, cuối được ở tạm thời, và cái án lơ lửng treo cho đến khi chính quyền có lệnh mới.
Cám ơn “Cách mạng khoan hồng độ lượng!”.
Ngước nhìn lên bàn thờ nơi đặt hai tấm hình của Cha tôi và người Mẹ chồng vắn số. Hai nét mặt cha, mẹ tôi lung linh trong ánh đèn mờ nhạt, đang mỉm cười gượng gạo như chia xẻ nỗi khó khăn cùng đứa con tội nghiệp…Cha Mẹ ơi, con nên làm gì đây? Tôi đứng lên định ra bàn thờ thắp nén nhang khấn vái, nhưng vướng chân lảo đảo ngã ngồi xuống ghế trở lại. Cùng lúc với tiếng thét xé lòng của đứa con nhỏ, tôi hoảng hốt nhìn xuống. Tim tôi như vỡ ra và nước mắt tuôn trào, cánh tay bé xíu của thằng bé đang bị một bên chân ghế đè lên tím bầm, trong lúc miên man suy nghĩ tôi đã không để ý… nó đã nằm chui đầu trong chiếc ghế tôi ngồi làm việc mà ngủ say! Lúc nào chúng cũng bị ám ảnh sợ mẹ đi mất nên khi ngủ thường nằm như thế để có thể một tay giữ chân tôi còn tay kia thì nắm chặt nhau!
Tiếng khóc đau đớn
của con thơ cũng là tiếng khóc nghẹn ngào trong tim người mẹ trẻ đơn côi. Ba mẹ
con lại ngồi ôm nhau sụt sùi, đêm vắng vẫn dường như dửng dưng chứng kiến và
lắng nghe tiếng nức nở của những con người nhỏ
bé giữa một xã hội vô lương!…
Nhã Giang Thu Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét