ĐẠI HỘI VỀ LẠI NHỚ BẠN XƯA
Từ
mười mấy năm nay mỗi lần Đại Hội QGNT tổ chức dù ngay ở tại San Jose tôi vẫn ít
khi đi dự được. Tuy tiếc lắm nhưng đành dằn lòng vì năm nào vào tháng Bảy cũng là
thời gian tôi qua bên các con làm giỗ cho chồng. Hơn nữa cũng là dịp để mấy mẹ
con và các cháu gặp gỡ . Chẳng hiểu sao năm nay lại quên khuấy mất cả giỗ chồng
và con cháu để sốt sắng nhận lời trong chương trình văn nghệ của Đại Hội . Chắc có lẽ do cô em Đỗ Mơ khéo nói quá … Đỗ
Mơ có giọng nói ngọt ngào quyến rũ và nhẹ nhàng khiến tôi như bị cuốn hút, chả
trách gì cô em được chọn là một trong ba người đại diện cho QGNT Bắc Cali . Xinh đẹp, ăn nói dịu dàng lôi cuốn…
chắc chắn xưa nay đã làm cho nhiều chàng điêu đứng ! Khi tôi sực nhớ ra mọi
chuyện thì đã lỡ hứa rồi, hơi lo lắng bị trùng nhưng may quá thời gian cách
nhau được sáu ngày, và thay vì ở lại chơi lâu hơn như mọi khi thì phải về gấp
cho kịp đến dự Đại Hội. Thế là trong một tháng phải rời khỏi thành phố hai lần
.
Quốc
Gia Nghĩa Tử, tên trường tôi đó. Ngôi trường thân yêu mà mỗi lần nhớ tới như
đánh thức bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào cũng như ngậm ngùi cay đắng. Thưở ấy,
chúng tôi còn trẻ dại nhưng hầu hết cùng chung hoàn cảnh là con của thương phế
binh hay tử sĩ. Những cây cột trụ trong
gia đình đã đổ, chỉ còn lại người mẹ hiền còm cõi lặn lội gánh vác cả đàn con
thơ, những người mẹ góa cùng đàn con dại đáng thương trong xã hội loạn ly âm thầm
cưu mang nhau mà sống. Cũng may còn có ngôi trường công độc nhất đã dang tay
đón nhận đàn trẻ côi cút vào , và Thầy Cô của chúng tôi ngoài dạy chữ nghĩa và
đạo đức, còn mang thêm trọng trách người cha và mẹ nên rất hiền từ bao dung . Chúng
tôi sống đời học trò vô tư hưởng thụ tình thương ấy, những tưởng cứ hết lớp này
lại đến lớp khác học xong là tung bay… nhưng ngày Ba Mươi tháng Tư năm Bảy Lăm
đã đến, họ đã tàn nhẫn đuổi tất cả đám học trò nhỏ chưa đến tuổi ra trường phải
rời bỏ học đường. Đứa em út của tôi đang ở trong nội trú ngơ ngáo trở về nhà
khóc, tôi rơi nước mắt thương em nhưng không biết làm sao hơn vì của cải mất hết
khi chạy từ miền Trung vào Saigon chỉ còn hai bàn tay trắng. Dù năm đó em mới
mười sáu tuổi học chưa xong lớp Mười . Gia đình mọi người đều khó khăn làm sao
đủ tiền đóng học phí cho em vào trường tư thục, và em tôi đành chịu thiệt thòi
từ đấy .
Nay
đã bốn mươi lăm năm kể từ khi rời trường , tròn
bốn mươi năm cái tên Quốc Gia Nghĩa Tử đã bị thay đổi để một lần trở về thăm cho tôi sự
ngỡ ngàng xa lạ . Dù chỉ có mấy năm cuối của đời học sinh Trung Học ở dưới mái
trường , tôi chỉ nhớ được một số ít Thầy Cô đã từng trực tiếp dậy các môn học
cho mình, còn ngoài ra nhiều Thầy Cô dậy những lớp khác tôi không hình dung ra
được. Nhưng hình ảnh ngôi trường xa xưa ngày nào như vẫn còn in đậm mãi trong
trí nhớ của tôi . Tên Quốc Gia Nghĩa Tử vẫn mãi là niềm tự hào và yêu quý nhất
trong lòng tôi khi nghe nhắc đến. Người Cha của chúng tôi đã góp công lao bảo vệ
đất nước, để chúng tôi được hãnh diện là người Nghĩa Tử của Quốc Gia Việt
Nam. Một ý nghĩa cao cả không thể phủ nhận
được.
Ngược
thời gian về ngày xa xưa , gần năm mươi năm rồi còn gì. Ba tôi qua đời trước đó
hai năm, và năm chị em dẫn dắt chia nhau trong từng lớp học từ Đệ Thất trở lên .
Tôi thưở ấy bước chân vào trường với sự bỡ ngỡ của ngưỡng cửa lớp Đệ Nhị . Dù bản
thân còn trong tuổi học, nhưng thời gian hai năm dài rời khỏi chữ nghĩa sau khi
cha tôi mất, để phụ giúp đời sống cho gia đình khiến tôi ngại ngùng và lo sợ. Nay trở về lớp học, nhìn các bạn cùng lớp có
thể nhỏ hơn vài tuổi càng khiến tôi lúng túng mặc cảm , thêm phần ít nói nên
tôi cảm thấy khó khăn khi kết bạn với ai. Tuy đi học nhưng vẫn còn phải lo kiếm
thêm thu nhập hằng ngày giúp đỡ các em nên tôi thường không tham gia nhóm họp hay
đi chơi đâu ngoài giờ học với bạn nào . Giờ ra chơi chỉ ngồi yên trong lớp vừa
lấy áo dài nhận được ở tiệm may giao cho mà luôn các đường tà, vừa nhìn bạn cùng lớp vui đùa nghịch ngợm mà
lòng thấy ngưỡng mộ … Hôm nào không có áo để làm thì ngồi hí hoáy viết truyện
ngắn, để tối về sau giờ học và làm bài lại mượn chiếc máy đánh chữ cũ kỹ của
bác trai ra ngồi lọc cọc đánh máy những gì đã viết được. Sáng ra đem gởi bưu điện
đến mấy tờ báo quân đội có đăng mục ” Dự
thi truyện ngắn” kiếm thêm nhuận bút. Vì tôi nghe nói làm cách này mình không cần
phải đòi hỏi gì , chỉ cần bài được chọn đăng lên báo là tự động họ sẽ trả tiền
cho.
Dù sống cùng một môi trường và chung hoàn cảnh với các bạn trong trường Quốc Gia Nghĩa Tử, nhưng sự mặc cảm và tự ti luôn đeo bám khiến tôi trở thành ít nói và hay khóc âm thầm , luôn dễ xúc động trước mọi điều trước mắt. Và nguồn sáng tác từ những gì đã nhìn thấy chung quanh làm nên đề tài, cộng thêm sự cảm xúc cá nhân lồng vào nên luôn có việc cho tôi làm. May mắn cho tôi, hầu như tất cả những bài tôi gởi đi đều được chọn đăng, và nhuận bút được trả theo số trang giấy đánh máy tùy theo từng tòa soạn. Từ một ngàn đến năm trăm tiền thưở đó. Chẳng bao giờ tôi tự hỏi mình sao lại đa đoan đến thế, với số tuổi học trò của tôi biết bao cô gái chỉ biết vô tư học hành hay vui đùa và mơ mộng. Riêng tôi, ôm vào người bao nhiêu việc mà tiền kiếm được lại chưa hề sắm sửa cho mình dù một cái đồng hồ đeo tay rất rẻ tiền . Suốt năm học, tôi chỉ ấn định cho mình hai cái áo dài trắng để thay đổi, còn tất cả mang về may quần áo, sách vở cho các em, và phụ thêm tiền chợ cho gia đình . Dành chút đỉnh để thỉnh thoảng đi ăn uống chung với bạn hay cho bạn mượn khi cần đến …
Vì hoàn cảnh khó khăn, tôi và cô em gái kế ở với gia đình người bác họ, còn người anh trai sống chung cùng ba người em nhỏ của tôi . Mỗi khi nhìn các em nhảy lên mừng rỡ vì có bộ áo quần mới, bữa ăn có thêm miếng thịt cá làm tốn thêm gạo cơm, vài quả trứng vịt hấp với mớ thịt vụn , đĩa rau muống xào tóp mỡ với tỏi thay vì chỉ rau luộc chấm nước mắm suông … chúng ồn ào dành nhau ăn khiến lòng tôi vô cùng rộn ràng vui sướng. Tôi thèm được nghe tiếng reo hò của các em khi nhìn thấy bóng tôi về trước cửa, tôi nhớ vòng tay mừng vui ôm chặt của chúng lúc biết tôi ở lại nhà cuối tuần. Tôi chỉ muốn được ở bên cạnh để hằng ngày chăm sóc các em, nấu ăn hay làm từng cái bánh giò mà chúng thích. Mỗi tháng mượn cái clippers (mà thuở đó hay gọi là ton-der )của bác về tập sự cắt cho chúng mái tóc dài phủ mắt chấm tai. Có khi chúng nghịch ngợm không ngồi yên làm xém lẹm cả mảng tóc một bên, sửa tới sửa lui cuối cùng nhìn giống như cái rế đội trên đầu trông thật buồn cười. Mấy chị em cười rũ rượi chọc ghẹo nhau, nhưng tự an ủi có hề gì vì ít bữa tóc lại mọc dài ra ngay thôi!
Những đứa em nhỏ mới hơn mười tuổi đầu tội nghiệp của tôi sống trong cảnh nghèo nàn thiếu thốn như thế đó, vẫn vui tươi và luôn quấn quýt dành nhau nằm bên chị. Hai đứa em trai út và kế út thích nằm ngủ ở hai bên tôi và ôm chặt cứng cánh tay tôi đến tê mỏi. Rồi quay xuống tráo đầu để giữ cứng hai chân tôi vì sợ chị đi mất lúc chúng ngủ say… Ôi bao nhiêu đó đủ khiến cho tôi quặn thắt cả tim gan vì thương vì tủi ! Có phải con mồ côi thường thương yêu nhau hơn những đứa trẻ được đầy đủ song thân ?Anh chị em tôi đã không cha lại xa cả mẹ nữa nên càng quyến luyến lo lắng cho nhau hơn.
Dù sống cùng một môi trường và chung hoàn cảnh với các bạn trong trường Quốc Gia Nghĩa Tử, nhưng sự mặc cảm và tự ti luôn đeo bám khiến tôi trở thành ít nói và hay khóc âm thầm , luôn dễ xúc động trước mọi điều trước mắt. Và nguồn sáng tác từ những gì đã nhìn thấy chung quanh làm nên đề tài, cộng thêm sự cảm xúc cá nhân lồng vào nên luôn có việc cho tôi làm. May mắn cho tôi, hầu như tất cả những bài tôi gởi đi đều được chọn đăng, và nhuận bút được trả theo số trang giấy đánh máy tùy theo từng tòa soạn. Từ một ngàn đến năm trăm tiền thưở đó. Chẳng bao giờ tôi tự hỏi mình sao lại đa đoan đến thế, với số tuổi học trò của tôi biết bao cô gái chỉ biết vô tư học hành hay vui đùa và mơ mộng. Riêng tôi, ôm vào người bao nhiêu việc mà tiền kiếm được lại chưa hề sắm sửa cho mình dù một cái đồng hồ đeo tay rất rẻ tiền . Suốt năm học, tôi chỉ ấn định cho mình hai cái áo dài trắng để thay đổi, còn tất cả mang về may quần áo, sách vở cho các em, và phụ thêm tiền chợ cho gia đình . Dành chút đỉnh để thỉnh thoảng đi ăn uống chung với bạn hay cho bạn mượn khi cần đến …
Vì hoàn cảnh khó khăn, tôi và cô em gái kế ở với gia đình người bác họ, còn người anh trai sống chung cùng ba người em nhỏ của tôi . Mỗi khi nhìn các em nhảy lên mừng rỡ vì có bộ áo quần mới, bữa ăn có thêm miếng thịt cá làm tốn thêm gạo cơm, vài quả trứng vịt hấp với mớ thịt vụn , đĩa rau muống xào tóp mỡ với tỏi thay vì chỉ rau luộc chấm nước mắm suông … chúng ồn ào dành nhau ăn khiến lòng tôi vô cùng rộn ràng vui sướng. Tôi thèm được nghe tiếng reo hò của các em khi nhìn thấy bóng tôi về trước cửa, tôi nhớ vòng tay mừng vui ôm chặt của chúng lúc biết tôi ở lại nhà cuối tuần. Tôi chỉ muốn được ở bên cạnh để hằng ngày chăm sóc các em, nấu ăn hay làm từng cái bánh giò mà chúng thích. Mỗi tháng mượn cái clippers (mà thuở đó hay gọi là ton-der )của bác về tập sự cắt cho chúng mái tóc dài phủ mắt chấm tai. Có khi chúng nghịch ngợm không ngồi yên làm xém lẹm cả mảng tóc một bên, sửa tới sửa lui cuối cùng nhìn giống như cái rế đội trên đầu trông thật buồn cười. Mấy chị em cười rũ rượi chọc ghẹo nhau, nhưng tự an ủi có hề gì vì ít bữa tóc lại mọc dài ra ngay thôi!
Những đứa em nhỏ mới hơn mười tuổi đầu tội nghiệp của tôi sống trong cảnh nghèo nàn thiếu thốn như thế đó, vẫn vui tươi và luôn quấn quýt dành nhau nằm bên chị. Hai đứa em trai út và kế út thích nằm ngủ ở hai bên tôi và ôm chặt cứng cánh tay tôi đến tê mỏi. Rồi quay xuống tráo đầu để giữ cứng hai chân tôi vì sợ chị đi mất lúc chúng ngủ say… Ôi bao nhiêu đó đủ khiến cho tôi quặn thắt cả tim gan vì thương vì tủi ! Có phải con mồ côi thường thương yêu nhau hơn những đứa trẻ được đầy đủ song thân ?Anh chị em tôi đã không cha lại xa cả mẹ nữa nên càng quyến luyến lo lắng cho nhau hơn.
Trong lớp học, bên cạnh tôi là hai cô
bạn thân thiết, …thị Kim người Bắc , sống với gia đình ở Khánh Hội. Khuôn mặt
Kim to với nước da sạm trông rất khắc khổ ,rất ít lời và hay gắt gỏng khi không
vừa ý. Tuy thế tôi đặc biệt thương mến Kim nhiều vì hiểu bạn là người chân chất
thật thà , tình cảm mềm yếu khác hẳn với bên ngoài, có thể chỉ là vì không biết
cách bộc lộ ra thôi. Còn Lê Ngọc Sương nhà ở đường Kỳ Đồng ,nói giọng Nam hiền
hòa, có nước da ngăm bánh mật với đôi mắt thật to đẹp với hàng mi cong dài luôn
mơ màng, khuôn mặt cùng miệng cười rất có duyên. Ngọc Sương là người bạn cùng tôi trải qua bao
nhiêu biến cố suốt một thời gian dài cho đến khi Sương lìa đời trong tức tưởi
đau buồn năm 1982. Đúng như lời ông thầy bói khiếm thị đã nói trước đó, khi chúng
tôi bất ngờ gặp trong một lần cùng nhau theo bác tôi lên nghỉ hè ở Đà Lạt. Ông ngồi ở cầu thang lên lầu trong ngôi Chợ Mới
Đà Lạt. Khi chúng tôi bốn đứa gồm Ngọc Sương, Bạch Tuyết, Anh Thơ và tôi ríu
rít rủ nhau đi mua sắm. Ông nghe tiếng nói cười của đám con gái chúng tôi nên mời
mọi người lại để ông đoán vận mệnh tương lai. Tôi nhớ là ông chỉ rờ nắn bàn tay
và nghe giọng nói cùng tiếng bước chân mà đoán ra mọi điều. Càng về sau tôi
càng thấy đúng rất nhiều như cô em đã ghi lại trong sổ tay.
Hai bạn thường thay phiên đến chở tôi
đi học hay đưa về nhà mỗi lần trễ giờ hay không muốn đi xe bus của trường . Chúng
tôi chỉ thầm thì tâm sự nho nhỏ rồi có lúc cùng khóc với nhau vì cảm xúc không
nén được khi nghe tâm sự gia đình. Kim thì mới phát hiện ra song thân (thương
phế binh) hiện tại không phải là cha mẹ ruột , hai người không có con nên xin
Kim về nuôi. Và sau này sinh được cả đàn con nên quay ra đối xử với Kim như chủ
tớ mà có lần tôi đã tận mắt chứng kiến. Điều đau khổ này hằn trên gương mặt Kim
khiến có bạn nói lén :… khó khăn! .Ít người chịu chơi với Kim, hình như Kim chỉ có người bạn độc nhất là tôi.
Đâu ai biết cuộc đời và số phận mỗi người có những đau thương khó tỏ bày, mấy
ai chịu tìm hiểu cặn kẽ nguyên do nên có những hiểu lầm không đáng. Kim chỉ nói
chuyện gia đình với riêng tôi, thương bạn nên có ngày học được nghỉ, hai đứa đã
trốn nhà chạy xe chở nhau lên tận Tây Ninh, tìm đến núi Bà Đen để nguyện cầu
cho Kim gặp lại người thân ruột thịt ,vì nghe nói núi này rất linh thiêng. Nhưng có lẽ duyên phận chưa đến nên chờ mãi vẫn
không thành cho đến ngày chúng tôi chia tay nhau mỗi đứa mỗi phương. Đến cuối
năm bảy mươi mốt, đang học dở dang tôi về với mẹ để dự đám cưới người chị và bị
trúng mưa nên đau một trận đến sáu tháng sau mới khỏe lại. Mẹ tôi không cho đi
nữa vì lo lắng cho sức khỏe của đứa con gái èo uột mà lại tham việc. Sau đó một
thời gian bà chọn lựa một trong số những người đã biết ,và bắt tôi lấy chồng để
khỏi phải lo lắng thêm hay mất thì giờ vì bị nhiều anh lính đến … ăn vạ mỗi
ngày .
Năm Bảy Lăm loạn ly và chúng tôi mất liên lạc, tôi theo gia đình chạy từ miền Trung vào Nha Trang, rồi Saigon . Thân thể yếu đuối lại bụng mang dạ chửa khiến tôi mệt nhoài mất ăn mất ngủ đến hốc hác. Đời sống bỗng chốc thay đổi , chồng tôi từ giã vợ con tưởng rằng đi chỉ mươi ngày ai ngờ mãi sau mới biết bị lừa gạt. Tất cả Quân Nhân ,Cán Chính VNCH bị cộng sản cho là “Có tội với nhân dân” gom nhốt vào tù không tuyên bản án cũng không biết ngày ra. Tôi bôn ba đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi con nuôi chồng tù tội, phần phải tìm mọi phương kế để né tránh hầu thoát thân trước một lũ sói ác độc dã man đang chực chờ nuốt chửng , đời sống nhọc nhằn làm tôi quên hết mọi chuyện …
Năm Bảy Lăm loạn ly và chúng tôi mất liên lạc, tôi theo gia đình chạy từ miền Trung vào Nha Trang, rồi Saigon . Thân thể yếu đuối lại bụng mang dạ chửa khiến tôi mệt nhoài mất ăn mất ngủ đến hốc hác. Đời sống bỗng chốc thay đổi , chồng tôi từ giã vợ con tưởng rằng đi chỉ mươi ngày ai ngờ mãi sau mới biết bị lừa gạt. Tất cả Quân Nhân ,Cán Chính VNCH bị cộng sản cho là “Có tội với nhân dân” gom nhốt vào tù không tuyên bản án cũng không biết ngày ra. Tôi bôn ba đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi con nuôi chồng tù tội, phần phải tìm mọi phương kế để né tránh hầu thoát thân trước một lũ sói ác độc dã man đang chực chờ nuốt chửng , đời sống nhọc nhằn làm tôi quên hết mọi chuyện …
Một
ngày nọ sau khi thành phố đổi tên, chồng tôi cùng bạn bè mất tăm tích chưa biết
tin tức. Vô tình tôi đọc được mấy hàng chữ nhắn tin của … thị Kim tìm tôi trong
một miếng giấy báo cũ gói hàng đã bị xé mất phần địa chỉ của người gởi. Chỉ có
mấy hàng tin nhắn ngắn ngủi đủ khiến tôi nghẹn ngào xúc động, ngẩn ngơ thương nhớ
bạn quá . Kim đã nhớ và lo lắng cho tôi cùng gia đình trên đường chạy loạn
không biết còn mất ra sao! Phần không biết chạy xe , phần đứa con dại bên mình và
thân mang cái bụng vượt mặt đi lại khó khăn ,tôi không biết làm sao để tìm bạn
đành giữ gìn mảnh báo rách bươm dính đầy vết bẩn để lâu lâu lấy ra xem và lặng
lẽ chảy nước mắt nhớ bạn… Hơn mười lăm năm nay tìm gặp được những người đồng
môn QGNT, tôi cố hỏi thăm nhưng không ai biết gì về người bạn đáng thương tên
... thị Kim của tôi ! Bây giờ đã bốn mươi lăm năm, không biết nơi nào đó Kim sống ra sao, có còn
nhớ đến cô bạn ngày xưa một thời gắn bó? Kim ơi! Thu Tâm rất nhớ thương bạn,
mong bạn vẫn sống khỏe mạnh và hạnh phúc tràn đầy bên gia đình riêng . Ước gì
có ngày chúng mình hội ngộ. Ước gì chúng mình
liên lạc được với nhau để sống lại những ngày xa xưa…
Tuy
cuộc sống khó khăn và nặng nề nhưng tôi vẫn dành thì giờ mỗi cuối tuần dắt hai
con khi thì Sở Thú, khi Thảo Cầm Viên cho chúng chơi đùa . Cả tuần lễ tôi đi
làm nhốt hai đứa ở nhà tù túng và tội quá ! Những giờ phút ngắn ngủi nhìn con
vô tư chạy nhảy, tôi ngồi bó gối tưởng nhớ đến chồng đang khổ sở nơi xa xôi.
Lòng buồn rười rượi khi nghĩ đến tương lai mịt mù u ám. Tôi không đủ sức khỏe để
theo người ta đi buôn bán hay làm ăn gì, không có khả năng tài cán để ngoại
giao hay chạy chọt tìm một chỗ đứng trong môi trường mới đầy thủ đoạn và phân chia giai
cấp, càng không đủ can đảm bán danh dự để thay đổi cuộc đời cho khá hơn !Chỉ với chút sức mọn cá
nhân lây lất kiếm miếng ăn qua ngày thế này thì các con tôi sẽ ra sao ! Hỏi để
không có câu trả lời nào khả dĩ làm yên dạ . Đành ngậm ngùi sống với những kỷ
niệm cho phôi pha ngày tháng để chờ chồng về.
Lần
đưa con đến bệnh viện , bất ngờ gặp lại Ngọc Sương. Hai đứa vui mừng ôm chặt
nhau giữa đường cười nói. Từ đó Sương hay chở con trai nhỏ đến chơi với tôi trong
ngày nghỉ , thỉnh thoảng nhờ may ít quần áo cho con. Chúng tôi cùng nhắc lại ngày nào học ôn thi
trong nhà Ngọc Sương, được bà ngoại Sương chăm chút từng món mắm kho , tôi biết
ăn món này từ đó… mẹ Sương hiền lành dịu dàng cho tôi sự ấm cúng gia đình mà đứa
con gái yếu đuối xa Mẹ thèm muốn. Rồi Sương có người yêu, Mẹ Sương coi tôi như
con và tin tưởng con bé khờ khạo như tôi nên khi Sương xin phép cho hai đứa đi
chơi bà bằng lòng ngay. Tôi dại dột theo Sương cùng đến công viên trước Bộ Ngoại
Giao ngồi giữ xe máy cho Sương đi hẹn hò cùng bạn. Bản thân tôi không biết chạy
bất cứ loại xe nào nên suốt mấy tiếng đồng hồ như con ngáo cứ ngồi thấp thỏm ôm
chiếc xe mà lo lắng trông chừng, chỉ sợ lỡ có kẻ nào đến … giựt xe chạy mất thì
tôi chỉ biết đứng la và ngó theo ! Lúc đó có người nào nhìn tôi chắc là khó nín
được thắc mắc, họ sẽ tưởng tôi đang chờ đợi…
người tình muôn kiếp từ trên trời rơi xuống ! Hay là cô bé thất tình rồi
tưng tửng đang không ra công viên ngồi một mình mấy tiếng đồng hồ ? Kỷ niệm cũ
được nhắc đến khiến hai đứa cười nghiêng ngả quên đi một ngày buồn lê thê.
Bao
nhiêu chuyện để nói mãi không hết, nào kỷ niệm một lần theo trường tổ chức đi thăm
thương bệnh binh trong TYV Cộng Hòa. Hình ảnh các anh lính trẻ măng nằm ngồi la
liệt với những vết thương đầy mình, những
vết thương đẫm máu đỏ khiến tôi chóng mặt và buồn muốn khóc. Đây một anh bị mất
hai chân, cục băng to tướng ôm tròn hai bên đầu gối , anh thì đang vùi mình trong
tấm mền mỏng rung lên từng hồi chỉ chừa ra một chiếc chân đang treo lên cao
băng bột trắng xóa … kia một anh lính đang ngồi săm soi cánh tay cháy nắng còn
sót lại, nét mặt ủ rũ. Bên góc đó một người bị băng kín mắt đang quờ quạng đôi
tay… Một người bị quấn chặt từ đầu đến chân chỉ chừa đôi mắt nhắm nghiền nằm
không động đậy … Dưới đất trên giường đều đầy người nằm ngồi , đủ mọi loại vết
thương phơi trần trước mắt cùng tiếng rên la nghe quặn ruột. Tôi nghẹn lời, buồng
tim như thắt lại. Chiến tranh tàn nhẫn như thế này ư? Thế mà chúng tôi vẫn ở hậu
phương yên lành, chỉ một chút khó khăn đã rên la than thở buồn rầu! Trở về nhà
hôm đó, tôi bỏ cơm chiều ra ngoài hiên sau nhà ngồi khóc lặng lẽ . Hình dung tới
người cha thân yêu của tôi ngày trước, mười
bốn bịch máu truyền liên tục vẫn không cứu nổi mạng sống của ông vì vết thương
nơi bụng quá nặng. Tôi bỏ mùa thi để theo vào quân y viện săn sóc Bố suốt hơn
hai tuần lễ nhưng cuối cùng Cha vẫn không ở lại với chúng tôi được!
Từ
hôm đó, tôi và Ngọc Sương, Kim thường
xuyên chở nhau đến Tổng Y Viện xin thăm các anh thương binh, ngồi nói chuyện
hay đọc sách cho các anh nghe. Có khi lẽo đẽo theo năn nỉ mấy chị y tá để được làm
phụ chùi rửa hay tập thay băng mới cho các vết thương nhẹ. Nhưng gặp vài chị y
tá khó tánh đã mắng và đuổi chúng tôi đi …Nghe được trong bệnh viện đang thiếu
máu truyền, cũng như biết được mình thuộc loại máu O, loại máu họ rất cần vì có
thể “cho rất nhiều mà không nhận được bao nhiêu ”, Sương hay Kim lại chở tôi đến
Trung Tâm Tiếp Huyết hiến tặng máu. Nhìn mấy bộ mặt non choẹt chắc là những người
làm việc ở đó buồn cười lắm, nhưng chúng tôi cố giả lơ. Mỗi lần họ lấy máu khoảng 150 cc xong là ba đứa
len lén ra cửa đi mất, dù được dặn là phải ở lại nằm nghỉ một chút, sau đó ăn uống
theo khẩu phần cấp sẵn gì đó .. . Chúng tôi mắc cở nên không dám ở lại ăn và nhận
phần quá biếu cho người hiến tặng máu. Có hôm mệt quá ra đến cửa là loạng choạng
muốn ngã chúi mặt xuống đường! Trước đó ở gia đình tôi thường hay bị té xỉu bất
cứ lúc nào, mẹ vẫn thường bảo tôi bị … thiếu máu . Bây giờ bà mà biết tôi đi hiến
máu hoài thế này chắc là xỉu trước tôi luôn. Nhưng chắc ai cũng hiểu tại sao một
con bé ốm yếu như tôi lại có hành động lạ lùng như thế. Tôi chỉ đơn thuần nghĩ
đến người đã hiến tặng máu cho cha tôi ngày trước, tôi muốn chia xẻ trong khả
năng có được để phần nào đền đáp sự hy sinh của họ , và cho những anh lính đã
vì người hậu phương chúng tôi mà phải bị tàn phế thân thể. Tôi chỉ muốn góp một chút nhỏ nhoi trong khả
năng , muôn vạn người đã từng làm như thế trước tôi có gì khác lạ đâu !
GIẢI
THƯỞNG VĂN CỦA BÁO HOA TÌNH THƯƠNG
Năm
1969 , những bài viết tạp lục của tôi không ngờ đã được sự chú ý của độc giả
hay ban tổ chức gì đó. Hôm Ngọc Sương chở
tôi đi nhận tiền nhuận bút tại tòa soạn của báo Hoa Tình Thương như lời nhắn
trong báo vừa đăng, bình thường bởi tôi là đứa … chết nhát nên ngồi ngoài giữ
xe – chuyên viên đứng ngoài canh cho khỏi mất xe thôi chứ leo lên yên là đổ kềnh
ra đường cả xe lẫn người vì đâu có biết chạy .Với Ngọc Sương và Kim tôi mang tiếng
là chuyên viên nhưng nếu tôi đi xin việc làm này chắc chẳng ông bà chủ nào nhận
đâu ! Có dắt nổi chiếc xe đâu mà đòi giữ, hơn nữa chiếc xe nào cũng to lớn nặng
hơn cả người giữ cơ mà !- Ngọc Sương
luôn thay tôi vào ký nhận , với các báo khác như Tiền Tuyến, Tia Sáng, Điện
Tín, Trắng Đen, Thời Báo, (còn một tờ gì nữa tôi đã quên tên), tôi chẳng biết lấy bút hiệu gì nên đề tắt hai chữ TT . Ngọc
Sương nảy ra ý kiến bảo tôi lấy tên Tha Hương đi cho nó lạ. Con bé ngố bắt chước
ngay, và với báo Hoa Tình Thương thì tôi có tên là Tha Hương ( oách thật !),
nhưng… “Hồn Trương Ba mà Da hàng thịt” .Bảy
tờ báo biếu có mặt trong nhà bác tôi là nguồn tài chánh của tôi cùng các em tôi
lúc đó. Nhưng bác không hề biết, ngay các tòa soạn báo khi trao tiền nhuận bút
cho tác giả người ta cũng chỉ biết đến khuôn mặt Ngọc Sương thôi.
Tôi đang đứng dưới bóng mát của hàng cây bên đường chờ đợi,
bỗng thấy Ngọc Sương hốt hoảng chạy ra , vừa thở hổn hển vừa nói như hụt hơi:
-
“ Chết rồi Thu
Tâm ơi, kỳ này Sương không giúp Tâm được nữa rồi !”
Tôi
bộp chộp:
-
“ Sao vậy, bộ họ
không cho lãnh tiền hả? “
-
“ Không phải,
Sương ký lãnh rồi đây nè, nhưng ông thư ký bảo phải phỏng vấn vì được giải thưởng, Thu Tâm
vào nói chuyện đi chứ Sương biết gì mà nói ?”
Tôi thẫn thờ , ngần ngại một lúc rồi theo sau lưng bạn bước
vào trong tòa soạn báo. Lần đầu tiên đứng trước căn phòng rộng ngổn ngang là
báo chí và mấy người đàn ông đang làm việc, tôi thấy sợ hãi tưởng chừng mình vừa
phạm tội gì ghê lắm vậy. Thấy họ quay nhìn với ánh mắt ngạc nhiên như muốn hỏi
gì đó tôi càng run hơn . Tôi nép lấp ló sau lưng Ngọc Sương cúi đầu chào, để Ngọc
Sương giải thích :
-
“ Chú ơi, đây mới
là tác giả tên Tha Hương nè. Chú muốn hỏi
gì thì hỏi nó đó. “
Tôi
nhớ mãi không quên khuôn mặt và nụ cười hiền hòa pha chút hóm hỉnh của ký giả,
nhà thơ Phương Triều ngày hôm ấy - lúc đó ông là thư ký tòa soạn - ông và mọi người tròn mắt chăm chú nhìn tôi …
có cảm tưởng như mình người từ hành tinh
khác mới xuống thăm trái đất làm tôi nóng bừng mặt. Biết tôi ngượng , một giọng
nói miền Nam ấm áp nhẹ nhàng thoáng reo khiến tôi phải nhìn lên, Ký Giả Phương
Triều:
-
“ Trời ơi! Mặt
mũi thế này mà từ bao lâu nay dấu kín. “
-
“ Chúc mừng cô
Tha Hương nhé, cô đã trúng giải thưởng kỳ này do báo tổ chức. Cô sửa soạn để khi lãnh giải có cuộc phỏng
vấn nhỏ…”
Tôi luống cuống lí nhí trong miệng :
-
“ Dạ, thưa chú …”
Mọi người cười ồ càng làm tôi đỏ mặt lúng túng bám chặt lấy tay Ngọc Sương .
Sau lần nhận giải ấy tôi không còn dịp
để dùng tính cách dự thi nữa nên thôi liên lạc với tờ báo này. Một thời gian
sau phải sửa soạn thi cử, rồi tôi cũng đã có việc khác trong Đài Truyền Hình với
lương hậu khá hơn. Mọi chuyển biến cuộc
đời khiến tôi xa dần thế giới báo chí từ lúc nào không hay, tất cả quên lãng theo năm tháng. Vài năm trước đây tôi mới tình cờ đọc và biết ký giả Phương Triều cũng từng
là một giáo sư dạy ở Trung Học Tư Thục Cộng Hòa, ngay trên đường Trương Minh Giảng
Saigon .Thời 1967 cho đến 1975 ông là Sĩ Quan Báo Chí của Bộ Quốc Phòng VNCH ,
cũng là Thư Ký tòa soạn tuần báo Hoa Tình Thương của Hội Bảo Trợ Gia Đình Binh
Sĩ. Ông còn là một nhà Văn, nhà Thơ tên tuổi cộng tác cùng các tuần báo, nhật
báo ở Saigon. Sau năm bảy lăm, ông ở tù nhiều năm ngoài Bắc và qua Mỹ trong diện
HO 23 tháng Tư năm 1994 . Cùng năm 2008 lại nghe tin ông qua đời ở Minnesota …
Suốt thời gian dài tôi vẫn chưa một lần có dịp hỏi thăm về ông, nhưng chắc gì
ông đã nhớ con bé nhút nhát lạ lùng ngày xưa… Dù sao cũng xin gởi lời cầu nguyện
mong ông được bình an nơi cõi vĩnh hằng.
TÔI ĐI THI LÀM XƯỚNG NGÔN VIÊN
Rồi
một ngày nọ Ngọc Sương nghe tin tức ở đâu đó về đến lớp học lại rủ rỉ với tôi:
-
“Thu Tâm ơi, đi
thi xướng ngôn viên không, đài truyền hình số 9 đang có thông báo đó ?”
-
Tôi ậm ừ : “thi thế nào, có khó không? “
-
“Cứ đi thử đi, tới
nơi thì biết thôi ” Sương trả lời khiến tôi phân vân.
Nhưng
cuối cùng thêm Bạch Tuyết và cô em gái Anh Thơ của tôi cùng đi . Riêng T. thị
Kim từ chối vì không muốn thất vọng. Buổi sáng đó hai chiếc Honda dame chở bốn
con bé nhà quê lên tỉnh. Đến nơi, địa điểm nằm trên đường Mạc Đỉnh Chi Saigon.
Chúng tôi ngơ ngáo rón rén bước vào căn phòng rộng có chiếc bàn nằm ngay cạnh cửa,
một người phụ nữ ngồi nhìn lên không hỏi han gì chỉ phát cho mỗi đứa một tờ
đơn. Cắm cúi điền xong theo yêu cầu trong đơn , lấy một tấm hình chụp thẻ học
sinh mà đứa nào cũng có dư sẵn trong cặp đem dán vào tờ giấy , ghi địa chỉ cùng
số phone nếu có. Tất cả giao nộp xong xuôi rồi cả bọn rủ nhau đi ăn bò bía.
Mọi
việc bị quên khuấy mất cho đến một tuần sau, khi tôi đi học về vừa bước chân
vào nhà thì Bác gái tôi đã lên tiếng hỏi:
-
“ Cháu thi cái gì
mà người ta gọi điện thoại báo là đậu vòng loại rồi vậy hả Tâm?
Tôi
ngỡ ngàng, rõ ràng mình đâu có đi thi gì mà bảo đậu với chả rớt nên vội trả lời:
-
“ Chắc họ lộn số
đó bác, cháu có thi gì đâu! ”
Bác
gái tôi gật gù:
-
“ Ừ chắc vậy,
nhưng sao họ nhắn là đúng 10 sáng Thứ Bảy tuần sau đến thi tiếp vòng sơ kết nhỉ
?”
Tôi ơ hờ đáp lời bác:
-
“ Kệ họ bác ạ , nhắn ai chứ có phải cháu đâu
mà lo.”
Hôm
sau đang giờ ra chơi, Ngọc Sương buột miệng nói:
-
“ Không biết vụ đài truyền hình ra sao rồi há,
không ai nhận được thư báo hết cả sao ta”
Tôi giật mình sực nhớ và kể lại lời bác nói hôm qua. Ngọc Sương đập
vai tôi:
-
“ Cái bà này, vậy
là đậu rồi đó, sao còn không lo chuẩn bị áo quần mai đi thi tiếp. ?”
Tôi hỏi lại :
-
“ Ngọc Sương thì
sao ? Còn Bạch Tuyết với Anh Thơ em mình nữa mà. Nếu mọi người không ai có giấy gọi thì Thu Tâm không đi
đâu .”
Ngọc Sương la lên làm tôi giật mình :
-
“ Không được, một
mình Thu Tâm cũng phải đi, đừng dại dột, dễ dàng gì có dịp may sao bỏ được. Để Sương đến chở đi cho .”
Cô bạn này của tôi vốn yểu điệu hiền
lành mà đến lúc trừng mắt lên trông cũng đáng sợ thiệt đó chứ! Tôi không hiểu
sao chả kháng cự gì được mà cứ răm rắp nghe theo sự … chỉ đạo của cô ta ! Thế
là sáng thứ Bảy Sương đến nhà xin phép bác, nói láo chở tôi đi phố mua đồ dùng.
Tôi riu ríu theo bạn đến nơi , run sợ đến toát cả mồ hôi vì lo lắng và khớp khi
nhìn thấy đám đông đứng chen chúc lố nhố trước cửa căn phòng được đóng kín, chắc
đang chờ đợi gọi tên. Cả mấy trăm người
không đếm xuể , người nào cũng áo dài đủ sắc màu, mặt điểm trang son phấn rực rỡ.
Ngắm nhìn lại mình mà chạnh lòng vì tôi chỉ đơn sơ chiếc áo dài trắng đi học ,
mặt mày chẳng có chút gì khác lạ như ngày thường đến trường cùng mái tóc buộc
cao bằng sợi giây thun .Tôi hồi hộp dợm bước tính quay lưng bỏ cuộc thì Ngọc
Sương nhìn thấy nên nắm chặt tay tôi đẩy tới. Tôi thì thào:
-
“ Không được đâu
Ngọc Sương ơi, ngó người ta kìa, làm sao
mình sánh với họ được?”
Nhưng
Ngọc Sương cương quyết giữ chặt tay tôi , làm mặt nghiêm không nói gì nữa. Tôi
đành đứng im chịu trận . Giữa rừng người
bao chung quanh tôi muốn ngộp thở vì nóng nực và hồi hộp. Từng lớp người được gọi vào rồi đi ra trong ồn
ào tiếng hỏi thăm. Nhưng không có câu trả lời nào làm thỏa mãn sự tò mò của tất
cả. Đến khi tên tôi được xướng to lên từ
chiếc loa bên ngoài phòng, tôi càng run hơn, hai đầu gối muốn khuỵu xuống bước
không vững . Cánh cửa lớn mở ra, tôi thấy hai dãy bàn dài kê từ đầu này cho tới
đầu cuối căn phòng, mỗi bên một hàng sáu
người ngồi chỉ cách nhau một sải tay. Trên bàn trước mặt từng người đã đặt sẵn
một tập giấy với cây bút . Một người đàn ông đứng tuổi ngồi đầu bàn ngay lối
vào lên tiếng bảo tôi :
-
“ Em hãy bước đi
tự nhiên nhé, đi từ đầu phòng tới cuối phòng rồi trở ngược lại. Xong rồi em đi thẳng ra cửa phòng và có thể về.
Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo đến nhà theo địa chỉ hay số điện thoại .”
Tôi
ngượng ngùng líu ríu bước đi trước hai mươi bốn con mắt đang ngó chăm chăm vào
mình , vừa đi vừa lầm thầm niệm Nam Mô cho đỡ
sợ đỡ run. Hai vòng đi tưởng chừng dài đến
mấy cây số rồi cũng xong, ra tới ngoài cửa tôi thở phào cười nhẹ nhõm khi gặp
Ngọc Sương đang đứng chờ. Sương ríu rít hỏi tới tấp:
-
“ Sao rồi, sao rồi
?”
Tôi
lắc đầu cười tỉnh bơ, :- “ Đâu biết đâu, đợi khi có kết quả họ sẽ báo về. ”
Tôi
chẳng hề nuôi hy vọng gì về việc làm này nên một tuần trôi qua nhanh chóng
trong quên lãng ,bởi tự so sánh bản thân với các chị
em kia thấy mình thua kém đủ thứ . Hơn nữa
tôi còn bao nhiêu việc bận rộn khác phải lo đến. Từ việc học đến viết lách cùng
may vá. Năm nay cũng là năm phải thi Tú Tài nữa, bài vở ngập đầu. Nhưng chiều thứ Sáu tuần
sau khi tôi đi học về, bác gái chặn tôi ngay ở cửa và hỏi gặng:
-
“ Kỳ này không thể
nói là người ta gọi lộn số nữa rồi nhá, bác hỏi và họ nói rõ tên họ cháu với địa
chỉ
nhà mình cùng số phone nữa
đó. Cháu thi gì phải nói rõ không có bác méc thằng anh mày nó đánh cho chết! . Hay là cháu thi … hoa hậu hả
?”
Tôi hoảng hốt vì biết anh tôi rất
nghiêm khắc, anh từng dặn không cho tôi đi làm mà chỉ ở nhà viết truyện đăng
báo là được rồi.
-
“ Dạ không phải
cháu muốn dấu bác đâu, cháu mà thi hoa hậu sao được. Việc này không dính dáng đến sắc đẹp đâu bác, nhưng
chưa đâu vào đâu cả . Đợi ít bữa nữa nếu có kết quả cháu sẽ cho bác biết. ”
Bác tôi dịu giọng:
-
“ Ừ, vậy thì được,
nhưng sao thi cử gì mà phải dấu kỹ thế . Lại còn sơ kết, bán kết , với chung kết
nữa?
Người ta bảo cháu đậu sơ kết
rồi đó, một tuần sau là thi bán kết nhưng ngày thứ Hai đến lấy tờ tin tức về
xem trước. Họ sẽ thu âm giọng nói của
cháu đó ” .
Tim tôi đập loạn xạ, ngỡ ngàng tự hỏi mình …
sao thế nhỉ , một con bé ngây ngô chẳng biết phấn son chưng diện gì như mình mà
cả mười hai giám khảo lại chọn ? Họ chấm về cái gì vậy không biết ! Cả … thị
Kim và Ngọc Sương đều mừng rỡ cho tôi, nhưng cô em gái xinh đẹp của tôi thì
không dấu được nét buồn trên mặt. Tôi vẫn lo lắng bồn chồn, lần này không biết
ra sao đây!
Lấy bài về nhà tôi cố gắng học thuộc
những chữ viết tắt cho khỏi vấp váp khi đọc. Chỉ có một trang giấy đánh máy mà
sao làm tôi lo lắng thế này ? Hồi xưa
bình thường ngồi đọc truyện cho mẹ nghe mỗi tối cả mấy chục tờ sách cũng đâu thấm
tháp gì, thiệt lạ kỳ!
Sáng thứ Bảy sau hai bạn Kim và Ngọc Sương cùng đến đón tôi từ sớm. Ba đứa rủ nhau
ăn một chầu bánh cuốn nóng trên đường đi. Hai bạn bảo tôi uống nhiều nước chanh
cho thanh cổ tí nữa còn thử giọng.
Giờ
hẹn đã đến, một microphone và tờ tin tức đặt ngay ngắn trước
mặt . Không có ai nhìn mà sao tôi run thế
!. Phòng thu im như tờ chỉ có tiếng máy lạnh chạy rù rì nho nhỏ mà mồ hôi tôi vẫn
ướt mặt ướt tay… Mấy lần tí nữa thì đọc lộn
hàng này qua hàng chữ khác, tim tôi nhảy điệu gì mà loạn xạ tưng bừng, mắt muốn bốc khói… . Lại một lần tin mừng đưa đến, tôi
lọt qua vòng thi về giọng đọc. Hú hồn !
Lại thứ Bảy cho lần thi chung kết, đợt
chót nên tôi càng căng thẳng hơn vì qua mấy vòng thi đã loại gần hết đối thủ nghe
nói lên đến trên sáu trăm người. Bây giờ còn vỏn vẹn có khoảng vài chục người
mà thấy ai cũng trội vượt hơn tôi về vẻ bên ngoài. Còn tôi cứ áo dài trắng với
gương mặt mộc không chút điểm tô ! Làm sao đây , chỉ còn cách vái trời đất . Kỳ
này thu hình như thật luôn, phải ngồi
trước ống kính để đọc tin tức . Cố gắng nhớ lại cách các xướng ngôn viên truyền
hình khác để bắt chước, tôi cũng cố bình tĩnh vừa nhìn xuống nhìn lên như họ
khi đọc bản tin. Không biết có phải số
may mắn hay do hai người bạn nhiệt thành cổ vũ đón đưa mà Trời Phật thương, tôi
qua được trót lọt hết cả mấy đợt thi ! Ban
tổ chức tuyên bố kết quả có bốn người chính thức và hai người “phụ” để lỡ có ai
nghỉ thì thay thế . Tôi lại được lọt trong bốn người. Chao ôi là lạ lùng kỳ diệu.
Các bạn ôm tôi nhảy múa cùng la hét ầm
lên. Riêng tôi cứ ngây người ra tưởng như mình đang sống trong giấc mơ … Vì là người mới, tôi được biết sẽ thu hình vào
thứ Ba và phát hình thứ Sáu mỗi tuần.
Chưa nhận việc đầu tiên, tôi đã liều lĩnh mè nheo với chú
phụ trách thu hình:
-
“ Chú ơi, chú có
thể sắp xếp quay hình cháu vào buổi trưa khoảng 12 : 30 đến 1:30 và phát hình vào lúc 7: 00 tối được không? “
Ông nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi lại:
-
“ Ơ hay, tôi là
người sắp chương trình mà sao cô lại đòi hỏi giờ giấc theo ý cô vậy? Lý do nào
cô muốn như thế ?”
Tôi gãi đầu đỏ mặt ấp úng khai thật :
-
“ Tại cháu đi làm
lén lấy tiền giúp gia đình nên không muốn cho ai biết . Giờ trưa là giờ cháu
nghỉ giữa hai buổi học . Còn 7:00 tối
là giờ mọi người trong nhà ăn cơm không xem TV. Chú giúp cháu, nha !”
Lời năn nỉ của tôi được đáp ứng bởi
cái chữ … “nha” tội nghiệp kia , chú ấy
nói thế.
Việc làm nhàn hạ nhưng lương thì quá cao
không tưởng được đối với tôi, một tháng nói có bốn kỳ mà được tới $ 2000.00 mỗi kỳ .Cộng thêm nhuận bút của các
báo là hơn mười một ngàn một tháng . Xem ra bây giờ mình giàu quá đi, các bạn bảo
vậy đó. Thật vậy sao? Tôi không biết rõ mức
lương năm 1969 của các cấp công chức hay ban ngành như thế nào, nhưng lúc này tôi
quả thật thấy mình rất hạnh phúc vì đã có thể giúp cho đời sống gia đình được tương
đối khá hơn chút đỉnh. Suốt hơn hai tháng trời tôi cứ trôi đi trong
niềm vui như thế. Một hôm sau giờ làm việc, chú phụ trách thu hình bất chợt hỏi
tôi:
-
“ Cô Thu Tâm chắc
thích màu trắng lắm hả?”
Tôi bất ngờ với câu hỏi nhưng cũng nhanh nhẩu
đáp:
-
“ Dạ, cháu từ trường
rồi đi thẳng đến đây . Nhưng sao chú hỏi
thế?”
-
“ Thế cô dùng tiền
kiếm được để làm gì?”
-
“ Dạ cháu mang về
phụ tiền chợ và lo mọi thứ cho các em còn đi học. “
-
“ Cô có thấy mọi
người chứ ? Lên TV phải mặc áo màu, phải trang điểm thì mới nổi bật lên được .”
Tôi
lật đật :
-
“ Nhưng chú ơi,
anh cháu biết là đánh cháu đó, không cho trang điểm đâu, cháu không có áo màu .”
-
“ Tôi bày cô nhé,
cô trích lấy một phần tiền lương mỗi tháng, đi may lấy vài cái áo màu. Mua một
ít đồ trang điểm . Khi đến ngày
phải thu hình, bỏ vào cặp sách mang đến phòng
hóa trang ở đây thay đổi. Thu hình xong cô rửa mặt và thay áo trắng ra là xong.”
Tôi tròn mắt, phục lăn ý kiến hay ho
của chú ấy. Thế là tự có một màn thay đổi đến bản thân mình cũng không nhìn ra được mình nữa!
Ngọc Sương phụ trách cất giữ tất cả những phụ tùng và áo dài màu của tôi . Về nhà lén lúc không có ai
ở nhà, tôi lên lầu ra đứng ngay cửa sổ định tập vẽ lông mày. Đang săm soi một tay cầm gương một tay bút chì
chưa kịp làm gì, tôi muốn rụng rời tay chân đứng như trời trồng … Ông anh lớn của
tôi đến chơi thình lình , không thấy ai dưới nhà nên anh nhè nhẹ bước lên trên
lầu tưởng tôi đang học hay làm bài. Thấy
tôi bên cửa sổ, anh tò mò muốn xem tôi đang làm gì nên đứng sau lưng tôi từ lúc nào không biết. Khi
tôi nhìn thấy khuôn mặt anh hiện ra trong gương cũng là lúc anh giựt lấy cây
bút chì trên tay phải của tôi vứt qua cửa sổ. Tôi như bị chết đứng, không cử động
được , nước mắt từ đâu tuôn ra như mưa…
anh tôi hầm hè la to:
-
“ Bây giờ bày đặt
bắt chước ai mà học đòi , anh cấm nghe chưa?”
-
“ Dạ. “ Tôi vừa sụt
sùi vừa trả lời . Thấy tôi khóc, anh dịu giọng xuống:
-
“ Tụi con gái xấu
mới cần trang điểm (?) , em cứ để tự nhiên như thế là được rồi. Lo học hành còn
thi cử nữa. “
Từ hôm đó, tôi biết sợ và chui vào trong phòng
tắm để tập …. Anh mà biết tôi đi làm chắc giận lắm vì anh luôn hy vọng tương
lai của mấy chị em chúng tôi . Nhưng anh đâu hiểu tấm lòng của người chị gái
khi nhìn các em thiếu thốn kham khổ ! Tôi có thể không đi học, nhưng mấy đứa em
thì phải no đủ . Chỉ có bác gái tôi biết chuyện tôi làm nhưng giúp tôi dấu kín,
thỉnh thoảng cho tài xế xe đưa tôi đi hay cùng theo tôi đến đài TV xem. Nhưng cuộc đời tôi luôn có
nhiều bất ngờ khiến phải lo lắng. Và Ngọc
Sương luôn là người giúp tôi giải mã .
CHIẾC RĂNG CẤM OÁI OĂM
Một buổi sáng ngủ dậy soi gương thấy
bên má phải sưng húp méo cả một bên mặt, trong hàm đau ê ẩm. Trời ơi tôi mọc
răng cấm! Sao lại ngay lúc này, tôi lo điếng người vì đã đến ngày đi thu hình,
làm sao đây ? Ngọc Sương lại gợi ý chở
tôi ra tiệm làm tóc. Tôi phải khâm phục cô bạn này vì rất nhiều sáng kiến hay. Từ
nhỏ tới giờ tóc tôi tự nhiên chưa một lần phải ra tiệm làm gì, để dài rồi cột
lên đỉnh đầu bằng cọng giây thun là xong. Vừa nhanh vừa đơn giản lại khỏi tốn
tiền. Nhưng bây giờ tôi không thể từ chối nữa rồi. Chải tóc xong, khi nhìn mình trong gương tôi mới
biết tài của người thợ . Không cần cắt sửa, họ cuốn và kẹp giữ làm sao mà trở
thành như tóc cắt bum bê, bên má có lọn tóc ôm che hết phần sưng . Phải biết là
tôi mừng rỡ như thế nào!
Tối thứ Sáu , tôi dọn cơm cho cả nhà ăn
rồi canh giờ chạy lên phòng khách mở TV xem một mình . Chao ôi, chẳng thấy vết
tích … chiếc răng cấm đâu cả. Thế mới tài tình chứ ! Bái phục luôn. Cám
ơn Ngọc Sương, cám ơn chị thợ làm tóc rất nhiều.
Bác trai tôi đùa:
-
“ Bộ có bồ là
lính hay sao mà dạo này bác thấy cháu hay theo dõi thời sự quá vậy ?”…
Cứ thế hơn một năm, cho đến ngày anh tôi tình cờ nhìn thấy tôi
trên TV ở nhà người bạn khi đến bàn chuyện làm ăn. Anh là người không thích xem TV vì vậy tôi mới dấu kín lâu được đến thế. Đến
nhà bác tôi anh làm dữ và bắt tôi phải nghỉ ngay việc làm , anh sợ tôi theo nghề
ca hát mà bỏ học. Thường nhật gặp nhiều ca sĩ đến thu hình trong Đài Truyền
Hình nhưng tôi chưa bao giờ có ý định đi theo, tôi biết mình tuy thích ca hát
nhưng không đủ khả năng và can đảm để bỏ tất cả đi theo nghề. Tôi đọc sách tìm hiểu và biết cuộc đời nghệ sĩ
rất trôi nổi bấp bênh, mà riêng tôi lại chỉ muốn sống một cuộc đời bằng an giản
dị với gia đình . Làm sao thích hợp được, nhưng anh tôi vì thương em nên đề
phòng thôi. Và tôi nghe lời vì không muốn làm anh lo lắng thêm. Ngọc Sương và các bạn la tôi quá chừng , ai
cũng tiếc hộ cho tương lai của tôi. Chấm dứt một giai đoạn được tiêu xài thoải mái ! Hai đứa ngồi ôn lại để ngậm ngùi…
ĐỜI NHỌC NHẰN
Trở
lại cuộc sống buồn tẻ sau năm 75, tất cả nhọc nhằn đầy lo âu cứ trôi đi , mỗi
đêm chỉ ngủ được ba tiếng đồng hồ nhưng sự thiếu thốn vẫn đeo bám mẹ con tôi
không rời. Nhìn hai con thơ ốm yếu thèm thuồng đủ thứ mà lòng đau như cắt! Làm việc cật lực nhưng hai tháng mới được
lãnh lương một lần ,đồng lương chết đói cầm trên tay mà mừng rỡ như trăm ngàn
lượng vàng. Vội vã ra ngay chợ mua được
tí thịt cá tạm gọi là ngon mang về nấu cho hai đứa con ăn. Nhưng đau đớn thay,
có phải vì lâu không có mùi thịt thà nên con tôi quên mất và sợ ? Lắm lần phải
vừa dỗ vừa ép con mới chịu nuốt chút thịt băm nát nhuyễn, vừa ăn vừa khóc !!!
Lâu lâu làm sang dắt con đi ăn tiệm, nhưng tô mì hay phở vừa được bưng
ra, thằng bé đã mếu máo chảy nước mắt ràn rụa khi nhìn thấy vài lát thịt lèo
tèo trên mặt tô mì. Mấy người hàng xóm biết được bảo tôi:
-
“Chắc mấy đứa nhỏ
nhà cô Tâm có căn tu nên không thích thịt cá?!!
“
Thật
vậy sao? Ôi hai đứa con dại của tôi, mẹ thật có lỗi vì không có khả năng lo cho
các con được đầy đủ hơn! Các con đã không may đầu thai lộn nhà nên mới khổ theo
mẹ … Thỉnh thoảng phường khóm cho mua được
vài gói mì tôm cũng dấu kín sợ con đòi ăn,
tất cả dành để đem thăm nuôi chồng vì nghĩ ở ngoài có tiền thì dễ mua
hơn? Nhưng tiền lương chỉ đủ để đi thăm nuôi ba tháng một lần lèo tèo ít thức
ăn rẻ tiền .Nào dám hoang phí mua … mì tôm cho con ăn! Còn lúc đi thăm nuôi phải
vét hết từng hạt gạo cho thêm món ! Rồi trở về lại miệt mài trên bàn máy hai
mươi mốt tiếng mỗi ngày . Vì mười hai kg gạo hẩm mua theo “tiêu chuẩn” hàng
tháng ,chỉ đem đổi được có vài ký gạo sạch hơn để dành cho hai đứa con nhỏ nên
mấy năm trời một mình tôi nghiền ngẫm hai loại thức ăn duy nhất là khoai và bo
bo! Món ăn cao lương của Xã Hội Chủ Nghĩa đã cho tôi thêm thấm thía kiếp con
người ! Trăm vạn nhọc nhằn mà anh cứ biền biệt xa xăm…
Chồng Ngọc Sương ra tù trong năm 1980, Ngọc Sương bận rộn cuộc sống riêng nên ít đến chơi với tôi . Mừng cho bạn mà cũng tủi cho mình . Tôi lại
thầm lặng trong cuộc sống vất vả thường ngày.
Tháng Tư năm 1982, chồng tôi bất ngờ được thả ra trong
thân thể còm cõi bệnh hoạn. Anh như từ một thế giới khác khó hòa nhập với đời sống
con người. Tánh tình trở nên nóng nảy và hay cau có khác biệt hẳn với ngày trước
nổi tiếng là người hoạt bát vui vẻ.. Tôi thông cảm cho anh vì biết anh bị ức chế
quá nhiều từ trong tù cho đến khi về nhà. Một phần mặc cảm thấy vợ con khổ mà
không làm gì giúp đỡ được khiến anh trầm uất. Ngày xưa đang đi học thì đến tuổi
lính, nghề nghiệp là Quân Đội. Bây giờ nửa Thầy nửa Thợ còn thêm sức khỏe yếu nữa,
đi xa một tí là bị theo dõi hạch hỏi lung tung. Có khi nửa đêm cả nhà đang say ngủ,
bọn Công An đập cửa ầm ầm đòi vào xét nhà. Chúng kéo nhau một bầy rầm rộ hùng hổ
như hổ đói đi tìm mồi. Đứa ôm lăm lăm khẩu
súng chĩa thẳng vào mấy người trong gia đình tôi thị uy, đứa cầm đèn pine rọi
khắp gầm giường xó xỉnh, trong ngoài trên dưới. Chưa kể ban ngày thì đến ngồi
lì than vãn vợ đau con bệnh, cần vật này thứ kia mà chưa đủ tiền mua … Tôi biết mục đích của chúng chỉ là hù dọa kẻ
thất thế và muốn gây khó dễ để vòi vĩnh xin xỏ , nhưng tôi giả vờ không hiểu và
lơ luôn, thậm chí không bao giờ mời một ly nước lạnh. Chồng tôi tuy không hút
thuốc nhưng trong túi áo lúc nào cũng có sẵn gói thuốc và hộp diêm quẹt để mời
bạn của anh. Chưa lần nào anh chịu rút một điếu nào ra mời bọn người vô lương ấy.
Chúng tức lắm mà không làm gì được nên bày mưu đòi “mượn ” phòng khách nhà tôi
để làm trụ sở cho dân phố . Tôi kiếm cách nói đi làm cả ngày phải nhốt hai con
còn nhỏ, nếu mọi người làm việc ở đây thì ai sẽ chịu trách nhiệm trông coi con
cho tôi ? Ai để ý khi con tôi chạy ra
đường chơi và lỡ tai nạn xe cộ thì sao? Chúng
dùng đủ trăm phương nghìn kế để o ép muốn cướp căn nhà của tôi nhưng nhờ ơn Trên
chúng tôi cũng qua được.
Chồng
tôi quyết định tìm đường vượt thoát, tôi lo sợ nhưng vẫn ủng hộ anh. Làm việc
dành dụm được bao nhiêu dùng hết cho việc ra đi. Đã nhiều lần theo các tổ chức vượt biên nhưng
thất bại, tiền mất đã đành còn vài lần bị bắt bớ nhưng anh không nản chí. Cứ có
người rủ gọi là dù đang ăn cơm với vợ con cũng bật dậy theo họ ra khỏi nhà. Mỗi
lần trở về anh lại thêm cau có, tôi vẫn cố gắng để không làm anh tự ái, giận con cũng không dám nói lớn tiếng sợ anh
tủi thân. Tiền bạc giao cho anh hết để tự anh tính toán chi tiêu vì tôi tin tưởng
tuyệt đối ở chồng, anh là người vô cùng thẳng thắn bộc trực chưa khi nào để mất
niềm tin nơi bất cứ ai.
GIẤC MỘNG BÁO TIN.
Bất
ngờ hai vợ chồng Ngọc Sương đến nhà chơi nói chuyện, anh là Hải Quân nên được
người ta mướn làm tài công trong chuyến vượt biển kỳ này, vợ chồng Ngọc Sương
muốn rủ chồng tôi cùng đi chung chuyến , nếu yên ổn ở xứ người rồi mới phải trả tiền. Chúng tôi vì đã trải
qua nhiều lần mất hết tiền bạc từ khi chồng tôi ra tù đến nay nên nghe vậy nhận
lời liền . Lúc đó Ngọc Sương đang mang thai đứa con thứ hai được tám tháng.
Chuyến này sẽ dắt theo cả đứa con lớn bảy tuổi .
Hẹn nhau sáu giờ sáng đến điểm hẹn ,tôi
phập phồng trăn trở lo âu cho chồng. Chồng tôi hình như cũng thao thức khó ngủ bên
đứa con nhỏ . Tôi mệt mỏi thiếp đi lúc nào không biết, chợt choàng tỉnh khi có
bàn tay lay nhẹ trên vai. Nhìn lên đồng hồ chỉ mới bốn giờ sáng. Anh thì thào :
-
“Anh nằm thấy ác
mộng ghê quá em ơi! ”
Tôi hoảng hồn tỉnh hẳn cơn buồn ngủ ngồi bật dậy nghe anh nói tiếp:
-
“ Trước khi đi ngủ
anh có thắp nhang khấn Má. Vừa rồi chợp mắt lại anh bỗng thấy rõ mồn một trên mặt biển lênh láng
máu và xác người trôi bập bềnh. Không biết
điềm gì đây!”
Tôi thừ người một lúc rồi chợt nhớ
ra, hồi trước có người bạn mách cho một ông giáo sư tên Nam biết bấm độn . Tôi chưa
đi xem bao giờ nhưng lúc này đây như cái phao để tôi tin tưởng mà ra một quyết
định khó khăn trước mạng sống của chồng. Tôi bàn hay là mình nên đi xem. Hồi
nào giờ chồng tôi là người không bao giờ tin bói toán hay tử vi, không hiểu sao
lần này lại không phản đối mà lẳng lặng lấy xe chở tôi đi cùng. Trời còn mờ tối, hai vợ chồng đến trước cửa
nhà ông thầy trong lòng phố khu Ông Tạ, nhìn đồng hồ mới có hơn bốn rưỡi sáng. Tôi rụt rè gõ cửa, một người đàn ông tướng
tá đạo mạo ra mở cửa mời vào bàn khách. Chắc
ông ta đoán được lý do sự có mặt của chúng tôi nên im lặng ngồi xuống là hỏi liền:
-
“ Anh tuổi gì
?” Sau khi biết, ông ta ngồi xòe bàn tay ra bấm bấm gì đó rồi
nhăn mặt nói:
-
-“ Anh không nên
đi đâu ra khỏi thành phố trong vòng bốn mươi ngày kể từ hôm nay. Nhất là vùng sông nước càng nên tránh .
Tính mạng thì vững, nhưng tôi không bảo đảm cho anh về mặt pháp lý.”
Hai chúng tôi nhìn nhau, trả tiền rồi ra về. Lại nhìn đồng
hồ và bây giờ đã năm giờ, còn đúng một tiếng nữa gặp mặt ở điểm hẹn nên phải
nhanh chóng quyết định. Anh hỏi tôi nghĩ
sao. Tôi trả lời không đắn đo:
-
“ Em nghĩ anh nên
hồi lại chuyến này, nếu đã đi xem và biết nguy hiểm mà cứ đi thì em không yên tâm . Nếu số anh thoát được
thì trước sau cũng có lần đi được. “
Anh im lặng chở tôi về nhà xong quay
xe chạy vụt đi, tôi yên lòng vì biết anh đã có ý định ở lại. Chồng của Ngọc
Sương khi nghe anh hồi chuyến đi đã cười mà nói:
-
“ Anh yên chí
đi, thằng em vợ của tôi chờ sẵn rồi
nhưng tôi muốn để anh thoát đi trước , anh em mình cần hơn. Nếu tôi trót lọt chuyến này sẽ quay về tổ chức
kéo anh đi theo. ”
Ba hôm sau đến phiên tôi nằm mơ mà
khi tỉnh dậy phải suy nghĩ và lo lắng mãi. Tôi thấy Ngọc Sương ngồi chung trên
một chiếc xe chỉ có người tài xế và tôi .Hai đứa im lặng và xe chạy dần ra phía
biển, đến sát mép nước thì tôi đi xuống đứng trên bờ nhìn ra chiếc xe trôi dần
ra xa… Đôi mắt Ngọc Sương thăm thẳm u buồn
ngoái lại nhìn tôi không nói gì đến lúc cả xe lẫn người chỉ còn là một chấm nhỏ
xíu trên đại dương mông mênh sóng . Tôi lạnh người nghĩ quẩn nhưng không dám kể
cho chồng nghe. Trong khi đó gương mặt chồng tôi cứ âm thầm buồn bã , có lẽ anh
tiếc nuối một dịp may hiếm có? Tôi rủ anh đi đến thăm má của Ngọc Sương, bà vui
vẻ đưa mảnh giấy báo tin “đã lên cá lớn” - Một tín hiệu cho biết tàu đã ra khơi
- cho chúng tôi xem rồi nói vài câu chế ngạo . Nét mặt chồng tôi trở nên u uất hơn,
tôi tự nhiên thấy ân hận tự hỏi việc can ngăn chồng như thế có đúng không ! Tôi
không biết nói lời gì để an ủi anh , không khí trong gia đình càng thêm trầm lắng.
Hai đứa trẻ thấy bố mẹ thường khi hay nói chuyện bây giờ lặng thinh nên cũng
len lét không dám đùa giỡn lớn tiếng…
Thời gian qua đi nhanh chóng, chúng tôi quay cuồng chạy
lo cuộc sống đến không còn nhớ gì . Sáu tháng sau có dịp đi qua khu vực Kỳ Đồng
nên tiện ghé đến nhà Ngọc Sương thăm luôn. Bác không còn vồn vã vui như hôm trước
mà lắc đầu nói vẫn chưa có tin tức gì từ khi nhận mảnh giấy nhỏ ngày đó. Bác đã
hỏi thăm tất cả người quen biết có thân nhân cùng đi chung chuyến nhưng cũng vô
vọng, chẳng ai biết gì . Tôi chia xẻ vài
câu rồi xin phép ra về, ngồi sau lưng xe chồng tôi thấy lòng rưng rưng buồn,
thương cho người bạn gái dễ thương của tôi . Không biết hiện giờ ra sao ! Buổi tối đến, lo việc nhà xong xuôi lúc chỉ
còn hai vợ chồng tôi mới kể cho anh nghe về giấc mơ mấy tháng trước của tôi. Anh
ngạc nhiên tròn mắt :
-
“ Sao em không
nói cho anh hay?”
-
“ Em thấy anh buồn
nên không dám nói , mạng số mỗi người đã
được định sẵn và trời kêu ai nấy
dạ. Em lo sợ gia đình Ngọc Sương đã gặp chuyện
không may rồi nhưng chưa muốn kể cho má Ngọc Sương nghe về giấc mơ xấu của em.
Chờ thêm thử xem, biết đâu đang ở đâu đó mà chưa có điều kiện nhắn tin về.”
Tôi
đùa thêm cho tan đi không khí căng thẳng :
-
“Thầy đã xem và
nói rồi, hạn thời gian anh xa mẹ con em không còn nữa trừ khi âm dương đôi ngả. Mà số của em là đi đâu
cũng có người hổ trợ đón đưa nên làm sao đi vượt biên chung với anh được. Vậy
hãy chờ đi, đừng tiếc nữa nha!”
Từ mấy tháng nay tôi mới thấy lại nụ cười gượng gạo của
chồng, lòng tôi nghe nhẹ nhàng ít nhiều.
Chồng tôi dạo sau này lo phụ tôi làm
ăn, không còn nghĩ đến chuyện ra đi một mình nữa từ khi tôi mang bầu đứa con thứ
ba. Sau lần tôi bị quỵt hết tiền công may mấy tháng trời, không còn cách xoay
trở nào khác, tôi bàn với chồng đi vay mượn được hai chỉ vàng với hai phân tiền lãi hàng tháng! Chưa hề đi vay mượn nợ bao giờ nên có hiểu tiền lãi hai phân là gì đâu, nhưng đến đường cùng tôi phải đánh liều .Mày mò bắt chước người ta mua vải về cắt và may
thành quần áo trẻ con đem bỏ mối chợ. Ngay chuyến hàng đầu tiên, cũng vì không
biết hết quy luật của người buôn bán nên bỏ hàng rẻ quá sức, tôi chỉ lấy công
làm lời vừa đủ để trang trải. Học được bài học thương đau nên tôi đã rút ra
kinh nghiệm. Tuy thế vẫn bỏ hàng với giá phải chăng cho dễ tiêu thụ. Hơn nữa với chủ trương làm ra loại
quần áo giống như may đo theo ni tấc, dùng loại chỉ chắc chứ không theo như kiểu
hàng chợ .May đủ theo yêu cầu các cỡ từ sơ sinh đến sáu bảy tuổi. Và nhờ vậy mà hàng của tôi làm ra lúc nào cũng
không đủ giao cho khách các chợ. Cửa hàng bán sỉ lẻ đều đặt mua , vợ chồng con
cái đầu tắt mặt tối không có thì giờ ăn ngủ. Chỉ trong một tháng chúng tôi đã may mắn trả dứt số tiền nợ cả vốn lẫn lời. Tội cho hai đứa con lớn mới mươi
tuổi đầu mà ngoài đi học còn đi chợ giúp mẹ, về nhà lăn vào đống hàng để làm
khuy nút rồi sắp xếp bỏ vào bao … Mệt nhưng rất vui vì đã có công việc cho cả
nhà cùng làm. May mắn để chồng tôi không còn thì giờ buồn chán và mặc cảm. Anh
chuyên việc đi lấy phụ tùng vải vóc, giao mối và nhận tiền. Tôi ở nhà cắt may
cùng coi sóc kiểm soát những hàng do thợ thuyền làm ra. Cả ba bốn tháng không bước chân ra cửa, tụi công an khu vực
cũng như mấy nhà “nằm vùng” chung quanh để ý, xăm soi. Tôi phải làm quà bằng những
lần họ đến giả bộ mua về cho đám tiệc đầy tháng thôi nôi, hoặc nói là sinh nhật con
cháu, bạn bè. Tôi phải cho họ nhận hàng về làm nhưng trả công cao hơn người khác dù may không đạt yêu cầu
… trăm thứ phải đương đầu mệt mỏi. Nhưng nhờ ơn trên mọi sự đều êm xuôi .
VĨNH BIỆT BẠN THÂN CỦA TÔI – NGỌC SƯƠNG ƠI !
Khoảng một năm từ ngày Ngọc Sương ra
đi, tôi có dịp đi qua vùng nhà Ngọc Sương ở nên nhân tiện ghé thăm gia đình . Lần
này tôi đi một mình và đã ôm mẹ của bạn mà khóc sưng cả mắt trước chiếc bàn
thờ nhỏ mới dựng trong góc nhà. Cả chuyến vượt biên mấy chục người trên tàu vào thời điểm
tháng tám năm trước đã bị bão đánh , không một người nào sống sót ! Người em
trai của Sương thế vào chỗ chồng tôi cũng cùng chung số phận. Hóa ra trong giấc
mơ của tôi sau ba ngày bạn tôi lên tàu ra khơi lại là điềm gở. Có phải Ngọc Sương
đã về báo mộng cho tôi biết không? Lòng
thấy giận mình sao không đoán ra ngay, tôi thẫn thờ kể lại cho má Sương nghe lại
điều đã thấy . Bà nắm chặt tay tôi gục đầu khóc ngất :
-
“ Sao con không kể
sớm cho bác nghe ?”
Tôi
không biết vỗ về thế nào cho bác vơi được niềm đau quá lớn . Bởi trái tim yếu
đuối của tôi cũng như đang bị xé nhỏ từng mảnh
tan tành, đang nhói lên từng cơn ! Biết
nói gì đây khi bạn tôi không còn trên đời nữa rồi. Chuyến chia tay ngày đó đã
là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau, trên chiếc xe trôi ra biển trong giấc mơ
đó có đôi mắt Ngọc Sương nhìn tôi vời vợi buồn như muốn nhắn nhủ điều gì …? Sao kết cục cuộc đời của người bạn hiền lành
đáng mến của tôi lại bi thảm đau thương đến thế, đứa con trai nhỏ mới bảy tuổi
đầu cùng đứa chưa kịp chào đời trong bụng Ngọc Sương có tội tình gì đâu mả cũng chịu
chung cảnh thác oan ? Tôi thắp mấy nén nhang trên bàn thờ của Sương , cảm giác thấy đắng
chát trong cổ họng. Đôi mắt trong hình đang nhìn tôi rướm lệ, hay nước mắt tôi
nhạt nhòa qua sương khói ... Quốc Gia Nghỉa Tử của chúng tôi còn bao nhiêu Thầy
Cô hay đồng môn đã bỏ mình trên biển hoặc rừng sâu vì cuộc trốn chạy tàn nhẫn này
nữa mà tôi không biết? Riêng đối với tôi, Ngọc Sương và ..thị Kim vẫn luôn là
hai người bạn một đời ghi nhớ , để mỗi lần nhắc đến tôi vẫn không nén được niềm
xúc động.
Đại Hội QGNT năm 2015 lại về, mỗi lần đi dự tôi vẫn luôn mang ước
mong một ngày nào đó Trời đất run rủi cho tôi gặp lại được người bạn thân ngày xưa. Ngọc Sương thì yên nghỉ từ lâu , ba mươi ba
năm qua chắc đã đầu thai vào kiếp khác. Còn ... thị Kim nay ở nơi
nào , có còn không, cuộc sống ra sao? Đó là niềm khắc khoải không nguôi của Thu
Tâm đó, Kim ơi!
San Jose 2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét