Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

THÁNG TƯ VỚI NỖI NGẬM NGÙI

 




THÁNG TƯ VỚI NỖI NGẬM NGÙI
 
Mùa Quốc Hận lại đến, tờ lịch quý giá ấy nằm trong trang sử buồn vẫn còn nguyên trong ký ức của người miền Nam Việt Nam. Các lễ Tưởng niệm mỗi năm đều khiến trăm vạn người Việt tị nạn ngậm ngùi rơi lệ. Lễ tưởng niệm những anh hùng đã tuẫn tiết vì không chịu nhục cảnh mất nước, tưởng niệm hơn 500 ngàn chiến sĩ VNCH oai dũng đã ngã xuống vì mảnh đất miền Nam thân yêu, tưởng niệm Quân dân cán chính VNCH bỏ thây trong ngục tù cộng Sản sau ngày đất nước đổi chủ. Cuối cùng là tưởng niệm mấy trăm ngàn thuyền nhân vùi thây trong lòng biển cả trên đường đi tìm Tự Do.
Trong mùa Quốc hận lần thứ 47, đáng ra giờ này khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị cho dịp lễ kỷ niệm đau buồn. Sầu thảm nối tiếp tang thương, hiện tại dịch bệnh siêu vi Vũ hán còn đang hiện diện trên quả địa cầu, khiến cho mọi sinh hoạt thường nhật cần tập trung đông người đều bị hủy bỏ hay hạn chế. Đành hướng lòng mình bằng lời cầu nguyện tại tư gia thôi.
Mặc dù rảnh rỗi hơn những lần tháng Tư các năm trước, mặc dù lòng vẫn nghĩ đến, vẫn xót xa nhưng không hiểu sao tôi khó viết nổi đoạn văn nào ra hồn. Như có gì nặng nề đè nghẹn buồng tim, như có gì cay cay khóe mắt. Và tôi chỉ muốn nằm im lặng thầm tưởng nhớ.... Một mình cô đơn, một mình trầm mặc, đầu óc miên man. Bốn mươi bảy năm đâu phải là ngắn và cũng chưa gọi là dài, ấy thế mà đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Ngày phục quốc vẫn vời vợi xa, theo tuổi đời chồng chất. Có phải Quê hương bây giờ là danh từ trừu tượng chỉ giành để tưởng nhớ, để ước mơ?  Ngoài niềm tưởng nhớ ấy về Quốc Hận, tôi lại liên tưởng về những người thân yêu nay đã không còn.    
 
Chợt ngẫm lại, hình như từ 1975, “tháng Tư” đối với tôi sao có nhiều phiền lụy quá. Mấy chục năm dài, bao nhiêu lần tháng Tư đã khiến cho mắt tôi luôn bị sưng đỏ. Ôi! Tháng Tư nghiệt ngã với nỗi ám ảnh mệt nhoài đớn đau. Ngoài sự bàng hoàng vì mất nước của tháng Tư năm ấy, đồng nghĩa với việc chồng tôi... thất nghiệp, 2 tháng sau anh vào trại tập trung chỉ vì là một Sĩ Quan “Ngụy”. Trong tù, anh bị thổ huyết 3 lần vì bị đánh, vì cây đè khi đi “lao động”. vậy mà chịu đựng được một thời gian dài. Ngày xưa nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh đã từng thấu hiểu cảnh bị tù đầy nên đã làm bài thơ: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Vậy là chồng tôi chịu cảnh đọa đầy đến mấy ngàn năm, cả chục ngàn kiếp người sao?. Anh ra tù cũng vào ngày 20 tháng Tư khi lá phổi còn mang thương tật, để nối tiếp các tháng Tư đầy biến cố..  
 
Cuối tháng Tư 1986 em gái tôi ra người thiên cổ sau cơn bạo bịnh do một tai nạn bất ngờ. Em chết khi đời còn xuân sắc đã gây cho gia đình tôi niềm bi lụy thương cảm. Tháng Tư 1988 bố chồng tôi đau nặng, chồng tôi chạy đôn đáo lo lắng nhưng vài tháng sau thì ông cũng xuôi tay nhắm mắt. Tháng Tư 1989 mẹ tôi đột ngột vào Bệnh viện nằm một tháng. Chỉ 2 tháng sau bà cũng vĩnh viễn rời bỏ sự ô trọc của một xã hội vô lương tàn độc. Từng nỗi mất mát tiếp theo nhau, từng vành tang trắng chồng lên vành tang chưa kịp gỡ xuống khỏi đầu! Vậy là trên bàn thờ nhà tôi đã có đầy đủ hai đôi uyên ương cả cha mẹ hai bên nội ngoại.
 
Tôi thương mẹ, thương sự chịu đựng gian khổ của người đàn bà một đời vì chồng vì con vất vả trăm bề. Bố tôi tử trận khi mẹ mới 43 tuổi, mẹ tôi một mình cố gắng bươn chải để nuôi bầy con. Cả 2 lần gây dựng cơ nghiệp, cả hai đều vụt mất. Những của cải, đất đai vườn tuợc tươi tốt đã gợi lòng tham của đám người có dã tâm dùng việc cướp bóc làm nền tảng cai trị. Chúng đã trắng trợn chẳng còn chút lương tri, mẹ tôi ngậm trái đắng buông tay vì thân cô thế cô. Bà trầm cảm, bà đau yếu và buông xuôi tất cả để ra đi trong đau khổ nuối tiếc. Nhưng nếu còn tiếp tục sống, liệu mẹ tôi có được thanh thản giữa bọn sói lang? Tim tôi đau nhói và mắt lại nhạt nhòa hình bóng thân yêu của người mẹ xinh đẹp giỏi dang mỗi khi nhớ đến bà.
 
Sau mãn tang mẹ, chúng tôi rời đất nước, thầm mong cuộc sống được thoải mái hơn. Gia đình tôi đặt chân lên miền đất Hoa Kỳ với nỗi vui mừng hớn hở vào mùa Thu tháng Chín. Nơi đây có Tự do có nhân quyền, chồng tôi sẽ không còn ngày đêm nơm nớp lo sợ bị nửa đêm chúng đến bắt đi. Các con tôi sẽ được hưởng nền giáo dục của đất nước yên bình có nhân bản. Mặc dù tôi hiểu dẫu có sống ở bất cứ nơi nào cũng phải cần cù bằng đôi bàn tay chính mình, nhưng hy vọng ở tương lai cho các con luôn làm cho tôi sung sướng khi nghĩ đến.
 
Cảnh vật  nơi chúng tôi đến tạm cư vào mùa Thu đẹp tuyệt vời với những hàng lá đua chen đủ màu sắc, lộng lẫy sáng ngời dưới ánh nắng lung linh, chói chang trong mắt những kẻ tha hương ngờ nghệch. Trời đã lạnh dần và giữa tháng Mười năm ấy tuyết đổ ngập trời miền Đông, ngày càng nhiều và từng lớp tuyết trắng dầy lên có khi cả mét. Tờ mờ sáng đều có xe của thành phố đi cào tuyết và rải muối, đường xá vẫn frozen trơn trượt vì làn tuyêt mới đổ xuống trong tiết trời lạnh âm độ. Người đi bộ như đang chơi skating, kèm theo tai nạn giao thông ngày càng nhiều. Đến tháng 12 thì dọc đường đã có trăm vạn giòng thạch nhũ tuyết trong veo, lủng lẳng treo trên các cành khô. Ánh mặt trời chiếu xuyên qua trông lấp lánh như pha lê. Vạn vật đất trời bao phủ một màu trắng tinh khôi, đẹp vô cùng nhưng lạnh lẽo và buồn tênh.
 
Trong khi các con thích thú chơi đùa ném những nắm tuyết lạnh vào nhau, tôi ngồi trong cửa sổ nhìn ra. Nửa vui với niềm vui của con, nửa buồn đến rơi lệ vì quắt quay nỗi nhớ Quê hương, nhớ người thân... Chỉ mới năm đầu với mùa Đông trên xứ người mà tôi đã cảm nhận được cái lạnh từ trong tâm hồn lạnh ra thể xác. Chồng tôi không nói ra, tuy nhiên anh biểu hiện bằng cách mua thật nhiều stamp rồi ngồi cặm cụi viết thư gởi từng người, từ gia đình đến bạn bè cùng cả những người hàng xóm. Anh lo mọi người không có tiền nên cẩn thận bỏ kèm con tem mới trong mỗi bao thư gởi đi... Anh mừng rỡ khi nhận được hồi âm của bất cứ ai.
 
Mỗi sáng thức dậy sớm, đống tuyết cao gần cả thước che bít cửa, nặng chĩu tưởng chừng sắp đè sập cả mái nhà. Chồng tôi khoác áo mũ mở cửa ra ngoài, xúc từng xẻng tuyết làm sạch lối đi thành một con đường từ nhà ra đến đường lộ xe bus chạy. Anh sợ trên đường đi học các con bị ngập trong tuyết, sợ vợ đi làm bị ướt thân, sợ mấy mẹ con bị cảm lạnh... Anh không kể thân mình với hai lá phổi chưa lành hẳn! Tánh chồng tôi luôn chu đáo và lo lắng cho từng người như thế, nên khi xa anh rồi tôi lại buồn hơn vì không còn ai nhắc nhở mỗi bữa cơm, từng viên thuốc uống hàng ngày. Nhất là từng những việc cần thiết phải làm mà tôi thường hay quên!
 
Bảy tháng sau, cũng đúng vào 20 tháng Tư, vạn vật còn trắng xóa và tuyết vẫn còn rơi. Chồng tôi phát hiện ra bệnh cả tuần rồi nhưng giấu diếm, tự dùng thuốc chữa. Tôi mải đi làm đến khuya mới về, khi nhận thấy sắc mặt anh cùng tiếng ho xé phổi liền vội hối anh đi khám bệnh. May mắn là tôi vừa được mua bảo hiểm trong hãng nên anh mới chịu theo tôi đến gặp Bác sĩ. Anh vào nằm Bệnh viện hơn một tuần lễ, trở về nhà từ đó ngày càng yếu ớt hơn. Anh âm thầm, anh mặc cảm khi không giúp gì được cho vợ con nên trở nên cáu gắt và hay giận. Mẹ con tôi tùy theo trạng thái của cây cột trụ gia đình nên cũng dặn nhau dè dặt, ít nói ít cười. Không khí gia đình tôi trở nên nặng nề u ám cả mấy năm trời cho đến ngày anh phải đi cấp cứu, và Bác sĩ báo cho biết hai lá phổi của anh đã nát hết! Nát như cả khối tim và trí óc tôi từ đó! Một tháng Tư cuối cùng dìm mẹ con tôi vào tận cùng nỗi khổ. 
 
Bốn mươi bảy lần tháng Tư qua đi, hai mươi chín năm xa xứ. Cũng đã hai mươi lăm năm chồng tôi rời bỏ cõi đời. Tôi vẫn còn đây ngậm ngùi trong nỗi nhớ. Làm sao cho quên và biết đến bao giờ nguôi ngoai được. Kỷ niệm 47 năm Quốc Hận năm nay lại sắp đến, gần 2 năm nay tất cả hoạt động tưởng niệm tuy bị hạn chế bởi dịch bệnh Covid nhưng hy vọng sẽ được phục hồi, vì trong lòng người dân miền Nam đất Việt luôn hừng hực ngọn lửa phục hưng. Đây cũng là dịp cho hồi ức của tôi quay trở lại rõ rệt hơn bao giờ.
 
Quê hương tươi đẹp trước kia nay đang quần quại dưới ách thống trị độc tài không biết đến khi nào! Tất cả kỷ niệm trong tôi thật là khó phai. Tôi tự nhủ thầm “Ừ thì cũng gần hết một đời người”, làm sao đoán biết được sẽ có chuyện gì xảy đến cho cuộc đời viễn xứ của tôi trong những tháng Tư còn lại nữa đây!
 
Ôi ước mong sao, ngày lá cờ vàng thân yêu sẽ lại phấp phới bay trên nền trời Việt Nam quê hương tôi.  
 
Nhã Giang Thu Tâm
Tháng Tư 2022


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét