Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

NGÀN NĂM MÂY BAY


 

NGÀN NĂM MÂY BAY

Mây vẫn bay, bay hoài không biết mỏi

Gió hững hờ thong thả những lời ru

Mặc thời gian lướt dài trong hờn dỗi

Cây lá buồn riêng nỗi của ngàn thu …

 
NGTT (Kỷ niệm ngày lễ Quân Lực 2017)


Đã nửa thế kỷ trôi qua từ ngày ấy, có ai nghĩ rằng thời gian lại đi nhanh đến thế trong cuộc đời một con người. Năm mươi năm đủ để xóa nhòa đi nhiều biến cố, bao nhiêu mất mát tang thương cũng đã vùi sâu trong ký ức, và vết thương dù sâu đến mấy cũng đã thành sẹo. Nhưng cũng có những chuyện mà mỗi khi chợt nhớ đến vẫn có thể mỉm cười sung sướng được hay có khi đau nhói cả buồng tim. Đó là chuyện của riêng tôi, một  người có tâm hồn nhạy cảm và yếu đuối từ khi mới chào đời. Có lẽ vì thế nên những kỷ niệm dù vui dù buồn vẫn theo thời gian luôn sống động đến nhức nhối trong tôi, nhất là đến những ngày tháng nhất định nào đó hoặc  mỗi khi xem lại nhũng thứ được gọi là kỷ niệm.


Bầu trời Saigon buổi sáng sớm tháng Tư trong veo đẹp lạ thường. Chủ Nhật được nghỉ học, Ngọc đến nhà xin phép cho tôi cùng đi thăm mộ Ba Ngọc. Hai đứa chở nhau trên chiếc xe Honda Dame chạy bon bon trên đường đi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa khi mặt trời chưa lên cao. Ngồi phía sau, tôi ngửa mặt hứng từng làn gió nhẹ lướt qua để nghe cảm giác rất dễ chịu. Đường vắng xe cộ nên đến nơi còn sớm hơn dự định, nhưng nhìn đây đó đã có nhiều người đến tự bao giờ đang lúi húi dọn dẹp cỏ dại. Thắp nhang cho Ba của Ngọc xong, chúng tôi đi thăm những ngôi mộ chung quanh. Một số ngôi đã bị sạt lở mất một phần, vài tấm bia loang lổ mờ mịt cả tên người, cỏ hoang xen lẫn. Tôi nhận ra hình một vài khuôn mặt rất trẻ trên tấm bia, giữa khói nhang bay lung linh trong ánh nắng tôi lại bùi ngùi nhớ đến xác thân người cha đã tử trận đang nằm ở nghĩa trang miền Trung xa xôi, lâu rồi tôi không về thăm được. Nước mắt bỗng đoanh tròng, tôi quay đi dấu mặt không để ý tiếng Ngọc nói nhỏ bên cạnh. Nắng đã lên cao từ bao giờ, cơn gió thoảng tháng Tư không đủ làm dịu bớt hơi nóng của không khí oi nồng. Dưới bóng cây thưa thớt trong nghĩa trang rộng lớn, tôi đứng nhìn mông lung ra xa theo hàng hàng lớp lớp những mộ bia bằng cimen đơn giản xếp ngay ngắn buồn tênh. Tên người tử trận được viết nguệch ngoạc vội vàng, vội vàng như sự ra đi của những người trai đất Việt khi tuổi đời còn quá trẻ. Chắc là các anh chưa kịp ước mơ gì, ai đã nhẫn tâm tạo dựng ra những cảnh chia ly và nước mắt cho bao người, cuộc đời ngắn ngủi đem các anh đến rồi đón các anh đi không thương tiếc. Người người tiếp nối tiến lên và nằm xuống mà không hiểu vì sao có sự phi lý xảy ra trên quê hương mình. Người chiến sĩ VNCH hiền hòa nhân bản, yêu sự giản dị và tự do thanh bình, có tự nhiên đi gây hấn hay xâm lấn ai đâu? Có anh nằm xuống mà thân nhân ở tận phương nào, có người bỏ lại vợ trẻ con thơ nheo nhóc. Ngay cả chúng tôi, trong lòng cũng đang nặng mang hình ảnh người cha và người anh chết trong trận càn nào đó, cũng có vòng khăn tang trắng quấn chặt tâm hồn trẻ dại, ám ảnh tương lai. Nỗi thương cảm trong lòng tôi tiếp tục như sóng dâng lên, mắt lại nhòa đi… Hai chữ chiến tranh thật đơn giản nhưng cũng thật tàn nhẫn đã cướp đi gia đình đầm ấm của mọi người và của riêng chúng tôi. Biết trách ai đây, quê hương tôi bao năm triền miên khói lửa đến ngẩn ngơ nỗi buồn, những người chiến sĩ xả thân chăm lo bảo vệ cho người dân được bình yên thì lại là những người chịu thiệt thòi nhất. Tôi đã xúc động biết bao mỗi lần vào thăm Tổng Y Viện Cộng Hòa, những người thương binh nằm la liệt với nét mặt như còn là học trò chỉ độ trạc tuổi chúng tôi, vậy mà họ từ nơi chiến trường trở về không toàn vẹn chỉ còn một chân, một tay, một mắt. Thậm chí chẳng còn gì ngoài thân thể nhìn không ra hình hài quấn cuộn trong mớ bông băng trắng xóa đang động đậy trên chiếc giường Bệnh Viện! Tôi hình như vẫn còn thấy nhức nhối như chính mình đang bị những vết thương hành hạ.   


Nếu Ngọc không nhắc thì tôi đã quên mất giờ về, hai tiếng đồng hồ trôi qua nhanh chóng nên chúng tôi lại trở lại con đường cũ rời khỏi nghĩa trang. Gần trưa, mặt trời càng lúc càng lên cao và cái nóng gay gắt hơn, Ngọc nhắc đến chuyện đi Lái Thiêu mua trái cây như đã định trước. Chúng tôi  được chủ vườn cho ăn “thử ” thoải mái, nhưng toàn loại trái cây ăn nhiều rất nóng nên hai đứa chỉ nhấm nháp. Không uổng công, mấy tiếng đồng hồ lùng sục trong các vườn cây hôm ấy phải xem là vui, không gian Lái Thiêu chắc cũng rộn ràng hơn với tiếng cười đùa tự nhiên của bạn tôi và hai ông khách từ .. trên trời rơi xuống khi không bất ngờ đến làm quen. Lúc ra khỏi khu vườn, trong tay mỗi người ôm một bao vừa chôm chôm vừa nhãn mang về làm quà.  Những tưởng mọi việc chỉ có thế rồi qua đi, qua đi như bao nhiêu chuyện đã đến và đi trong tuổi học trò của chúng tôi. Lúc đó, việc học hành cùng việc làm thêm ngoài giờ quá bận rộn nên hầu như tôi dần quên mất theo thời gian. Nhưng cuộc đời có những việc khó giải thích, hay như người ta nói đều do tạo hóa an bày, không ngờ một trong hai người đó lại là định mệnh của tôi sau này.  


Bẳng đi hơn bốn năm sau, anh xuất hiện trước mắt tôi trong hình dáng khác lạ hoàn toàn không thể nhận ra. Lúc này tôi đã đi làm, còn anh là một Sĩ Quan đeo lon Trung Úy trông rất oai hùng trong bộ đồ trận rằn ri BĐQ. Hôm đó là chiều Ba Mươi Tết nên mẹ dặn tôi đi ra phố mua ít hoa trái về để cúng. Tôi đang vừa đi vừa xoay trở với túi trái cây và bó hoa trên tay thì nghe tiếng xe jeep thắng gấp bên đường trước mặt cùng lúc tiếng gọi tên tôi, cô bạn học và 4 người lính ngồi trên xe cùng nhảy xuống làm tôi giật mình tròn mắt ngạc nhiên. Tất cả mời tôi lên xe về nhà nhưng bản tính nhút nhát lại nổi lên, tôi từ chối. Cô bạn đành xuống đi bộ chung với tôi, hai đứa đi được một đoạn thì chiếc xe ấy lại vượt lên chặn đầu và lúc này người cầm lái là..  (định mệnh của tôi, mà lúc ấy tôi vẫn chưa nhận diện ra), anh đến trước mặt tự nhiên đỡ lấy mọi thứ trên tay tôi rồi lên tiếng :


-      Thu lên xe tôi chở về nha!


Không hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường làm sao mà tôi lại im lặng ngoan ngoãn riu ríu leo lên ngồi cạnh cô bạn trong chiếc xe đã đầy nhóc mấy người lính, quên mất cả hồi nãy mới từ chối xong! Để đến đêm tôi lại suy nghĩ và tức đến mất ngủ, thầm tự trách mình quá kỳ khôi và dại dột, rồi đâm ra oán ghét anh. Trên đường về nhà tôi không biết sao chỉ có mình cô bạn tôi là nói cười lung tung, ai nấy đều lặng thinh đến khó hiểu. Mẹ tôi không tỏ vẻ ngạc nhiên hay hỏi han gì, tính bà từ xưa nay rất hiếu khách và kiêm luôn những việc tiếp khách đến chơi, hơn nữa do bà đã quá quen với những người khách không quen biết, tự nhiên không mời mà đến như thế này. Bưng khay nước đặt lên bàn mời mọi người xong là tôi và cô bạn biến mất vào trong nhà bếp, để mình mẹ tiếp chuyện. Mọi người ra về lúc nào chúng tôi cũng không biết luôn. 


Sáng mùng Một Tết, cả gia đình đang soạn các thứ để đi thăm mộ ba tôi thì anh lại đến, lần này đi một mình. Lời nói sau khi chúc Tết của anh khiến mẹ tôi vui ra mặt và tôi thì ngạc nhiên:


-      Con nghĩ chắc cả nhà đang sửa soạn đi thăm mộ bác trai, con xin phép được mời bác và các cô lên xe con chở đi luôn cho tiện.


        Mẹ tôi không khách sáo bằng lòng liền, bà lên tiếng hối mấy chị em tôi nhanh lên xe. Mẹ ngồi băng ghế trước như vị chỉ huy hướng dẫn đường đi. Tôi nhìn lén khuôn mặt anh để thấy bực bội, trong lòng nghĩ thầm: người đâu mà … vô duyên. Mới quen mà làm như thân thiết tự bao giờ! Hai đứa em trai nhỏ của tôi thì tíu tít vui cười hỏi anh đủ thứ chuyện. Nhà toàn mấy chị em gái nên hai cậu như gặp được bạn tâm giao hớn hở ra mặt.


         Sau hôm ấy anh thường đến chơi nhà theo lời mời của mẹ tôi, thỉnh thoảng ở lại ăn cơm càng khiến tôi không ưa thêm. Tâm lý phức tạp của tôi lúc đó thật lạ lùng khó hiểu. Thời gian đó rất nhiều người muốn được làm quen nhưng tôi chưa từng nói chuyện hay nhận lời đi chơi với bất cứ một người nào. Tôi vẫn nhởn nhơ ngày đi làm chiều về ngồi nghe nhạc hay đem tranh ra vẽ, không chú ý tới ai, cuộc sống của tôi chưa hề bị khuấy động. Nay gặp người con trai cứ phớt lờ làm như không thấy tôi (hay giả bộ), chỉ nói chuyện với mẹ tôi thôi khiến tự ái của người con gái nổi lên. Tôi thấy ghét anh nhưng đồng thời lại tò mò về anh hơn. Cả năm dài như thế, mẹ tôi quyết định phải gả tôi đi, bà nhỏ giọng thuyết phục:


-      Con gái lớn đằng nào cũng phải lấy chồng, con làm ơn đừng để mẹ lo lắng nữa.  

        Tôi cố biện luận:


-      Sao mẹ không gả chị Hai đi, chị ấy lớn nhất mà? Con có làm gì cho mẹ lo lắng đâu? (Lúc ấy chị tôi cũng như em gái tôi đều đã có người yêu, còn tôi thì không hiểu sao vẫn cứ thản nhiên)


-      Nhưng con cứ nhong nhỏng không chịu ai nên mới sanh tội, nếu có người bên cạnh rồi thì đã yên, đâu có chuyện gì mẹ phải lo.

 
Mẹ tôi đằng hắng:

        -      Mẹ thấy “thằng “ này được, nó biết lễ nghĩa và biết trên dưới.


        Tôi cũng không biết mẹ tôi căn cứ vào đâu mà đưa ra nhận xét đó, và như một vị tư lệnh trong gia đình, phần ý kiến của mẹ đã đã trở thành quyết định cuối cùng. Cứ thế tôi trở thành vợ một người khoác áo lính, màu áo mà cha tôi đã từng mặc khi xưa ấy hình đã như quen thuộc từ bao giờ trong gia đình và trong mắt tôi. Sắc áo lá rừng đã khiến tôi yêu mến từ thuở còn thơ dại, cuộc kết hợp cũng bất ngờ như lần đầu gặp mấy năm trước, không hẹn hò không tình tự lãng mạn và cũng chưa kịp có cả những lần giận hờn vu vơ thường tình nữa!.  Tôi cũng không hiểu sao lại khờ khạo nghe lời mẹ mà bằng lòng nhận lời cầu hôn của một người lạ hoắc lạ huơ…  


Quả thật sau bao năm chung sống tôi mới thấy cần phải nói lời cám ơn mẹ tôi. Bà đã có đôi mắt thật tinh tường cùng nhận xét chính đáng. Anh là người đàn ông rất nghiêm trang đứng đắn, luôn biết chu toàn trách nhiệm và thương yêu vợ con hết mực. Hơn nữa anh có lòng nhân ái rất cao, không kể đến cá nhân, anh luôn để ý chăm lo cho từ gia đình cha mẹ đến anh em bạn bè khiến tôi vô cùng cảm phục. “Tình yêu đến sau hôn nhân”, ai đấy nói chắc là đúng vì riêng tôi cảm thấy yên ổn tinh thần trong tin tưởng ở vòng tay che chở của anh. Có phải đây là hạnh phúc, tôi vẫn còn mù mờ …


Nhưng sóng gió nổi lên khi tôi vừa mang thai đứa con thứ hai được vài tháng. Anh theo bạn bè đi trình diện để sau đó mất hút nơi rừng sâu thẳm nào đó không tin tức. Tôi gởi đứa con mới hơn 2 tuổi để đôn đáo đi tìm bất cứ nơi nào nghe nói có nhốt tù cải tạo, tin tức vẫn biệt tăm. Bụng tôi ngày một to hơn xoay trở rất nặng nề, tôi đành ngày ngày ôm con thắc thỏm đợi chờ phép lạ xảy ra. Từng tháng trôi qua, tôi nằm khóc trong nhà bảo sanh vì tủi phận cô đơn, anh vẫn tận đâu đó, còn hay mất không biết tăm hơi! Chỉ đến khi đó tôi mới cảm thấy được sự có mặt của anh là cần thiết! Tôi đã ngu ngơ và khù khờ không có một chút kinh nghiệm gì về ngoài xã hội nên không hiểu sao có thể vượt qua được gần mười năm trời với bao nhiêu cạm bẫy, trong sự thiếu thốn triền miên. Cả xã hội đều thê lương và gia đình tôi cũng chỉ là một thành phần nhỏ, người cùng hoàn cảnh nhìn nhau ngậm ngùi cảm thông thương xót. Anh trở về trong cơ thể tàn tạ yếu đuối, nhưng đã cho tôi thêm sức sống để càng lao lực hơn không biết mệt mỏi.


Những tưởng cuộc sống gia đình tôi từ đây đã bình yên sau khi đặt chân đến Mỹ, nhưng chỉ được vài tháng thì bệnh anh tái phát, hậu quả của thời gian bị hành hạ và đói khát trong tù. Mọi sự cố gắng của y học Tây Phương không giữ anh lại được nên mẹ con tôi lại bơ vơ thêm một lần trên xứ người. Tôi ngơ ngác trong ngày đưa tiễn chồng lần cuối, nước mắt như nghẹn trong tim khi nhìn các con thơ dại quấn trên đầu vòng tang trắng xóa, trắng như cả bầu trời hôm ấy và trắng như cả cuộc đời riêng tôi! Bản thân đã mấy lần đưa tiễn người nhà ra đi, nhưng lần này tôi thực sự cảm thấy bơ vơ và lo sợ hơn hết. Những người thân yêu nhất của tôi đã lần lượt rời bỏ cõi đời phải chăng là có phúc như người ta thường nói, chỉ có kẻ ở lại mới mang nặng nỗi đau mất mát không biết đến bao giờ mới nguôi…


Lại gần đến ngày giỗ thứ hai mươi của anh rồi, con cái đã lớn cả và có cháu đầy đàn nhưng trong tôi hình ảnh người chồng vẫn không nhòa đi được. Tôi luôn liên tưởng đến anh trong những lần đi dự lễ của Cộng Đồng hay Hội Đoàn tổ chức. Hình ảnh bộ Quân Phục oai hùng vẫn in dấu trong tôi, vẫn mang một nét đẹp yêu quý như tự bao giờ. Mỗi lần đứng nghiêm trang chào trước lá cờ VNCH tôi luôn xúc động, nỗi xúc động không nói lên lời!  Hình như người cha thân yêu của tôi, của anh và chính anh cùng đồng đội đang từ trên cao nhìn xuống mỉm cười, sao tôi lại rơi lệ?…
 

   

Nhã Giang Thu Tâm

Tháng Sáu 2017

 

 

2 nhận xét:

  1. Bài viết rất cảm động, Thu Tâm ơi! Thật không ngờ Thu Tâm người bạn xinh đẹp của mình là một người vợ hiền chung thủy. Đã hơn hai chục năm phòng không chiếc bóng mà vẫn còn giữ niềm nhớ nhung sâu sắc với người chồng yêu thương...Thật là ngưỡng mộ!
    Chúc Thu Tâm luôn được vạn an.
    Phương Hoa

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn hiền Phương Hoa nhiều lắm. TT cũng giống như bao nhiêu phụ nữ VN khác thôi mà.

    Trả lờiXóa