GIÁNG SINH NĂM ĐÓ, BÂY GIỜ...
Trước khi được cắp sách đến trường học những con chữ đầu
đời, tuổi thơ của mấy chị em tôi quanh
quẩn với vài con phố nhỏ chung quanh nhà và cây cổ thụ to che hết con đường trước
cửa. Thuở đó trẻ con nhà nghèo chúng tôi
chỉ có những trò chơi rất đơn giản, mẹ
cũng làm gì có tiền để mua đồ chơi cho lũ con khi lương của cha trong quân đội
thì hạn chế chỉ đủ dùng mua thức ăn hay cho sinh hoạt gia đình. Những đứa con gái nhỏ chúng tôi thường dùng
các búp cây, lá non để dành làm “hàng hóa” khi chơi trò nấu ăn hay buôn bán với
nhau, lúc thì chơi thảy chuyền, nhảy dây, u quạ … còn con trai thì tìm những
thanh tre, gỗ đẽo thành từng khúc tròn dài hai, ba tấc để làm khăng đánh, hay
lén vào vườn cắt những tàu lá chuối về làm súng khi chơi trò chiến tranh. Không
phải vì những trò chơi tầm thường như thế mà bớt vui, chúng tôi thỏa mãn trong
sự thiếu thốn đó và cũng lớn dần theo năm tháng.
“Nó” và tôi học chung một lớp từ Tiểu Học, nhà ở
sát cạnh và lớn lên bên nhau như những đứa trẻ con cùng xóm. Hơn nữa hai ông
Bố của chúng tôi phục vụ cùng một đơn vị. Còn hai bà Mẹ thì ngày ngày vẫn thường
xuyên chạy qua chạy lại vay trả từng củ hành hay chén nước mắm. Tình thân thiết
giữa hai gia đình không khác gì anh em ruột thịt. Tôi biết “nó” là thằng con trai lớn hơn tôi tới ba tuổi, dáng cao to gần gấp
hai tôi cùng với nước da đen cháy nắng. Đi
bên cạnh “nó” tôi như lọt thỏm chỗ nào mất chẳng thấy tăm hơi, nhưng vì tôi được "nó" luôn bảo vệ nên mẹ tôi rất an tâm mỗi khi cho tôi đi đâu với đứa con trai
này. Nhiều lần Mẹ tôi có la rầy nhưng lũ trẻ chúng tôi vẫn quen miệng xưng hô
“mày tao” khó có thể thay đổi. Hơn nữa những đứa cùng lớp với tôi thì làm sao bắt
tôi gọi bằng …anh cho được. Vả lại, “nó”
cũng là đứa nghịch ngợm và phá phách nhất xóm, hay chọc ghẹo khiến nhiều lúc
tôi phải bật khóc lên mới được tha. Ấy vậy nhưng chẳng hiểu sao tôi chỉ giận được
một chốc lát thì lại quên khuấy mất, lại kêu nhau ơi ới và họp nhau bày chơi
chung đủ thứ trò. Lại lẽo đẽo theo chân "nó" khắp nơi để được chơi chung. Nhưng có một lần khi lấy
sách vở ra để bắt đầu buổi học, không hiểu sao có một con cóc xấu xí đen xì từ
trong cặp táp nhảy ra làm tôi giật mình hét ầm ĩ và hất tung sách vở chạy ra
khỏi chỗ ngồi. Tất cả các bạn và cô giáo cũng hoảng hốt theo, sau đó tôi bị cô giáo bắt phạt vì làm ồn
trong lớp. Trong lúc “thằng” bạn thân ngồi bên dãy bàn bên kia nhìn qua cười
thích thú, tôi thì đứng chịu phạt ở một
góc phòng khóc tấm tức mà tim còn đập hoảng loạn vì chưa hoàn hồn. Sau khi biết ai là thủ phạm, tôi rất ghét “nó” và không thèm đi học chung một
thời gian khiến “nó” theo năn nỉ mãi, mua cả kẹo cho tôi ăn, hứa kể nhiều chuyện
… ma cho nghe nữa làm con bé hay khóc nhè phải tha thứ.
“Nó” là con trai nhưng rất khéo tay mà lại chịu khó để
lũ con gái nhờ cậy việc trèo cây hái lá hoặc trái non về chơi, hay sẵn sàng đánh nhau sứt đầu trầy đầu gối để
bảo vệ cho chúng tôi khi bọn trẻ hàng xóm đến quấy phá cướp đồ chơi. Điều đó cũng đủ để tôi không thể giận nó được
lâu, và trong các trò chơi “nó” luôn là đứa “đầu têu” bầy ra đủ cách mới mẻ làm
cho bọn con nít chúng tôi thích thú khó cưỡng lại mà nói câu tẩy chay. "nó". Nhưng có một đặc điểm, tuy thuộc vào loại
nghịch ngợm có tiếng mà học lực “nó” lại vào loại giỏi trong lớp, nhất là môn Toán,
còn các môn học khác cũng khá đều. Năm nào “nó” cũng được lãnh phần thưởng vì đứng
đầu lớp. Còn tôi thì chỉ ấm ớ được vài môn, lại… dốt đặc cán mai về Toán nên vô
cùng khâm phục tài của “thằng” bạn này và thường nhờ “nó” chỉ bài sau giờ ở trường.
Cũng nhờ vậy mà sổ học bạ hàng tháng của tôi được cô giáo phê: có tiến triển. Bù
lại, tôi thường cho “nó” những vỏ bao thuốc lá của Bố tôi để xếp lại mà chơi tạt
lon với đám con trai. Vậy là huề, tôi vẫn bảo thế với “nó” khi “nó” kể công.
Trong xóm chỉ có vài gia đình theo đạo Công Giáo mà
trong đó có gia đình nhà “nó” là một,
nhưng mỗi mùa Giáng Sinh, “nó” thường sang nhà rủ tôi đi lễ nửa đêm. Mẹ
tôi không cấm cản gì mà còn bảo dắt thêm mấy đứa em và vài đứa bạn trong xóm đi
theo cho… vui. Cả lũ con nít ngoại đạo ngồi
nghe “Cha” giảng mà mắt thì tò mò nhìn ngó tứ tung, chuyện trò rôm rả. Khi hết
buổi lễ, cả bọn cũng bắt chước dơ tay làm dấu thánh giá và miệng cũng lẩm bẩm
câu “amen” như những con chiên ngoan đạo lắm vậy! Thật ra có đứa nào nghe được lời Cha nói gì
và có hiểu chi đâu! Nhưng “nó” thì vui ra mặt, cứ líu lo khen Cha giảng hay
quá! Lũ chúng tôi len lén thầm thì chắc
“nó” lớn hơn tụi mình nên hiểu nhiều là phải!
Trên đường từ
nhà Thờ về nhà, tôi là đứa thích nghe kể chuyện ma nhưng lại nhát nhất đám nên cứ
chuyên môn chen vào giữa để đi. Tuy thế vẫn cứ mắt la mày lét lâu lâu lại ngó
chừng chung quanh và sau lưng. Tưởng tượng đủ thứ quái đản hiện ra trong bóng
đêm mà run cầm cập, thỉnh thoảng lũ bạn trêu chọc bỏ chạy thật nhanh qua mặt
tôi. Tôi khóc lạc cả giọng và quýnh quáng không nhấc chân lên nổi, đành ngồi bệt
xuống giữa đường đi… “Nó” lại là người phải quay lại dìu tôi và dỗ dành mãi tôi
mới chịu nín khóc. Tôi luôn dọa sẽ không thèm đi chơi chung với nó nữa, và lần
nào “nó” cũng hứa sẽ không có lần sau. Nhưng bao nhiêu cái lần sau vẫn cứ tiếp
diễn và chẳng hiểu sao tôi vẫn cứ tha thứ…
Một hôm Linh lại mang một vật lạ về bày ra trò…cầu cơ
giữa đêm khuya. Thường trong mọi trò
chơi gì là cả bọn đều tập trung ở nhà tôi, vì thường ngày mẹ cho rủ
bạn về nhà chơi thoải mái mà không cho tôi đi ra ngoài. Nhìn miếng “cơ” hình trái tim bằng gỗ
được gọt đẽo rất đẹp, nghe nói lấy từ nắp ván hòm người chết làm tôi sợ điếng hồn
không dám sờ đến, nhưng tò mò nên cũng ngồi xem. Cả bọn xúm quanh một miếng giấy
được
viết đầy đủ hai mươi bốn chữ cái thật to phía trên cùng, ở dưới là những hàng
chữ giống như bùa chú để đọc khi nguyện cầu cho "cơ lên" mà tôi không nhớ hết. Dưới
cùng là một vòng tròn để con “cơ” vào chính giữa. Đồng hồ chỉ đúng 12 giờ
khuya, Linh bảo mấy đứa đặt ngón tay trỏ vào con “cơ”, bốn năm ngón tay bé xíu
cùng run run làm theo rồi chính Linh vừa đốt nhang vừa đọc lâm râm lời nguyện cầu.
Tới bây giờ tôi cũng không hiểu “cơ” có linh thật không, lúc đó nhìn thấy nét mặt
đứa nào cũng xám ngoét vì sợ và tin răm rắp khiến tôi cũng run theo khi thấy
con “cơ” chuyển động chạy băng băng từ chữ cái nọ sang chữ kia khi câu hỏi được
đặt ra. Sau đó Linh cầm sẵn cây bút ráp lại những chữ cái đó và thành câu trả lời.
Trò chơi này đáng sợ thật nhưng rất hấp dẫn bọn chúng tôi, đứa nào cũng tranh
nhau hỏi về chuyện học hành, về tương lai. Câu trả lời dù mơ hồ nhưng lại khiến
chúng tôi khi thì thích thú khi thì buồn rầu lo lắng, nhưng cũng chóng quên tất
cả. Bữa sau lại tìm câu khác hỏi tiếp mà không biết chán.
Cho đến khi chúng tôi lên Trung Học, hai đứa cùng thi
đậu vào trường công nên lại đi học và về chung xe đạp do Linh chở đi vì từ nhà đến trường
khá xa, nhưng Linh học bên Pháp Văn còn tôi chọn Anh Văn nên hai đứa không còn
thường xuyên gặp mặt trong giờ học nữa. Những trò chơi trẻ con cũng từ từ thưa
dần đi. Chúng tôi vô tư ríu rít bên nhau không chú ý tới thời gian đã qua đi
nhanh chóng và tất cả đã dần lớn hơn.
Đệ Thất vùn vụt trôi qua, đến năm Đệ Lục thì tiếng “mày” Linh hay dùng để
gọi tôi tự nhiên biến mất tự lúc nào không ai để ý. “Nó” không còn hay bắt nạt
hay dọa ma tôi nữa thay vào cách chiều chuộng nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng những lời
nói dịu dàng bất chợt bằng cái giọng ồ ồ kỳ khôi làm tôi ngạc nhiên đưa mắt
tròn xoe nhìn khiến “nó” lúng túng ấp úng quay mặt đi. Một thời gian sau, không
biết có phải vì sự thay đổi của “nó” khiến tôi cũng bắt chước đổi cách xưng hô,
lần đầu tiên nghe tôi gọi tên “Linh” và xưng “Lan” khiến nét mặt “nó” ngây ngô trông
thật buồn cười, cứ sững người ngó tôi chằm chặp. Nhìn “nó” lúc ấy tôi không nén
được tiếng cười phát ra và câu nói ”mà…y ” đang dở dang thì dừng lại kịp thời.
Tôi quay lưng rồi chạy biến đi, trong
lòng chẳng chút thắc mắc bởi ánh mắt đang đuổi theo tôi. Lúc đó tôi chỉ mới vừa
mười ba tuổi, và “nó” đã mười sáu. Từ đó
mỗi khi gặp mặt Linh cũng ít nói hẳn đi, và tất nhiên không còn chơi chung với
đám con gái chúng tôi nữa, không còn xí xô chuyện trò mà chỉ nói bâng quơ mỗi lần
ngồi chung xe đến trường. .
Tình bạn của chúng tôi đã có gì ngăn cách chính giữa
chăng, không ai hỏi và cũng không có câu trả lời nào thỏa đáng. Tôi cũng không để
ý đến nữa vì đã có những đứa bạn cùng lớp khác cùng sinh hoạt đi về với bao nhiêu bài vở đang chờ đợi.
Mỗi ngày cứ giãn dần ra như thế thì đột nhiên đến đầu mùa học năm Đệ Ngũ, Linh
kể cho tôi nghe có Thầy dạy Toán khuyên Linh nộp đơn xin thi nhảy lên lớp trên.
Linh làm theo và cuối cùng không ngờ Linh đã thi đậu Trung Học, rồi tiếp đó bỏ
xa tôi tới hai lớp. Tôi không nhớ là từ bao giờ chúng tôi ít khi đi chung. Trở
thành học sinh Đệ Nhị Cấp, Linh đã ra dáng là một chàng thanh niên chững chạc
hơn nhiều trong cách ăn mặc cũng như cư xử khiến mẹ tôi khen không tiếc lời, còn tôi vẫn khờ khạo chưa biết ngại ngùng gì trong
thân thể con gái đang phát triển nên bị mẹ mắng hoài mà chẳng biết tại sao, chỉ
thấy mình không còn thích các trò chơi ngày xưa, thay vào đó là ngồi hàng giờ vừa
nghe nhạc vừa vẽ tranh hay hình ảnh chân dung của từng người… Những đứa bạn
cùng xóm khác cũng không ai bảo ai mỗi đứa tự tìm cho mình những việc giải trí thích
hợp. Hình như chúng tôi đã lớn cả.
Thời khóa biểu
của tôi và Linh có sự khác biệt nên Linh đã tự đạp xe đi học một mình từ đầu
năm học. Chúng tôi lại xa nhau thêm một chút. Năm Đệ Tứ bài vở nhiều nên tôi
càng bận rộn, môn Đại Số với căn thức và phương trình hàm số rồi lượng giác cứ lộn xà ngầu trong đầu óc tôi. Còn Hình
Học thì những bài tập về các hình thể cũng không kém phần rắc rối, mà tôi vốn dốt
về môn Toán nên càng khổ sở đến không còn thì giờ nghĩ tới điều gì khác.
Mùa
Giáng Sinh năm đó, khi Linh qua nhà khẩn khoản, viện cớ đi lễ một mình buồn nên xin mẹ
cho tôi cùng đi, nể lời quá tôi đành nhận lời. Ngồi trong giáo đường mà chẳng
nghe hiểu gì. Trên đường về tôi cứ huyên thuyên hỏi này hỏi kia về những bài vở
đang lo lắng, Linh kiên nhẫn giảng nghĩa
từ tốn từng câu thắc mắc của tôi. Câu
chuyện đã phải dừng lại vì đã đến trước cổng nhà tôi, Linh đứng lại ngần ngại một
chút rồi đột ngột hỏi ngắn gọn:
“Hồi nãy Lan có cầu nguyện gì không?”
Tôi ngẩn ngơ: “Cầu nguyện về cái gì?”
“Thì những gì mình mong muốn đó”
Tôi thật thà: “Lan chỉ chú ý nghe lời Cha giảng thôi mà, có cầu nguyện
gì đâu? À mà có, Lan mong ước làm sao năm nay thi đậu Trung Học”
Linh chăm chú nhìn tôi rồi buột miệng: “Tạm biệt Lan nghe!”
Tôi cũng vô tư trả lời: “Ừ, tạm biệt Linh” .
Ngày tháng qua đi, tôi đang là một nữ sinh lớp Đệ Tam, đã biết đứng trước gương soi để thầm hãnh diện với dáng thanh thanh trong tà áo dài trắng thướt tha. Mái tóc mượt mà dài quá phần lưng của tôi khiến nhiều bạn gái mong muốn có được, khuôn mặt bầu bĩnh trơn láng không một cái mụn nào cũng được các bạn trầm trồ. Tuổi mười sáu vừa chớm biết mơ mộng, tôi thường ngồi trong nhìn ra ngoài khung cửa sổ lớp học theo dõi những chiếc lá vàng rơi đến không nghe được tiếng Thầy giáo gọi tên lên bảng trả bài. Nét mặt ngơ ngác của tôi khiến các bạn òa lên cười làm tôi thêm lúng túng. Bài học về Hạt Nhân Nguyên Tử và Nguyên Tố Hóa Học hôm đó dù tôi trả lời đúng cũng vẫn bị trừ điểm vì cái tội lơ đễnh trong giờ học. Các bạn nói năm Đệ Tam là năm học dưỡng sức vì mới qua cuộc thi gay go Trung Học, còn tới 2 năm dài để học bài thi Tú Tài. Nhưng với tình trạng cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn thế này kéo dài thì coi bộ tôi không thể dưỡng sức được! Điều suy nghĩ này làm tôi thêm lo lắng…
Thoắt cái mà năm thi cử đến thật nhanh, chúng
tôi lo học thêm các môn từ đầu năm nên khá bận rộn. Chưa đến ngày thi mà tôi đã
hốc hác ốm đi trông thấy, mẹ cũng lo lắng theo tôi và thường nhắc nhở cũng như
chăm sóc tôi hơn. Bà sợ vốn dĩ với thể
chất yếu đuối tôi sẽ lại lăn ra đau trước kỳ thi như hồi thi Trung Học năm xưa.
Linh bây giờ đang học Đại Học Khoa Học bài vở nhiều nên không còn thì giờ chỉ
bài cho tôi nữa, tôi đành phải tự
mình cố gắng thôi. Sau kỳ nghỉ hè là thi
rồi nên hết học thêm ngoài giờ lại học nhóm chiếm hết thời gian khiến tôi mệt
nhoài. Các bạn học ai cũng như tôi đang chạy đua với thời gian và nôn nao lo lắng.
Không vượt qua được kỳ thi này thì còn đợt hai cách nhau vài tháng. Lỡ như cả
hai kỳ đều trượt hết thì kể như phải ở lại lớp và đợi một năm sau mới được thi
lại, nhưng chúng tôi không ai muốn như
thế. Kỳ thi lần này nghe nói có hai phần
vấn đáp và thi viết. Thi viết thì tôi không sợ mấy nhưng bản tính tôi từ hồi
nào giờ hay bị …khớp trước Thầy Cô nên không biết tôi có đủ bình tĩnh đễ trả lời
các câu hỏi đưa ra không! Càng đến gần
ngày thi tôi lại càng lo đến mất ăn mất ngủ, còn có 2 tháng nữa thôi!
Một buổi chiều tan học về đến đầu ngõ nhà, càng đi đến
gần tôi càng nghe tiếng khóc lớn hơn cùng thấy cả đám đông người đang bu quanh
trước cửa nhà của Linh, không hiểu chuyện
gì xảy ra nên tôi chạy vội vàng len vào trong.
Tôi chợt bàng hoàng trước cảnh tượng đang thấy, ngọn nến lung linh trên đầu một cỗ áo quan phủ
lá cờ vàng nằm giữa nhà, mẹ của Linh
đang bò lết dưới đất ôm đứa em mới chín tuổi của Linh trong tay mà than khóc thảm
thiết. Linh đi học về từ bao giờ ngồi
bên cạnh choàng tay qua vai mẹ với đôi mắt đỏ hoe.
Tôi cũng không cầm được lòng trước hoàn cảnh thương tâm kia, những giọt
nước mắt nóng chợt rơi xuống môi tôi mằn mặn. Nhìn bức hình cha của Linh nghiêm
nghị trong bộ quần áo trận đặt trước cỗ áo quan, tôi thấy nghẹn ngào thương xót, tôi
khóc nức thành tiếng. Mẹ tôi từ dưới nhà đi lên thấy tôi liền hối:
“Con về thay quần áo rồi qua đây xem có gì phụ được
thì làm giúp cho bác ấy, nhanh lên”
Tôi nghe lời mẹ nhưng lúng
túng không biết phải làm gì để san xẻ nỗi đau lớn lao này, chỉ biết vào bếp nấu
cơm bưng lên nhà trên mời mẹ của Linh, sau đó dẫn đám em của Linh ra hè tắm rửa rồi dỗ
cho chúng ăn. Mấy đứa trẻ như biết rõ chúng đang ở trong hoàn cảnh nào nên rất
ngoan. Đêm hôm đó, tôi sang nhà cùng ngồi canh quan tài với Linh. Hai đứa nhìn
nhau im lặng cả buổi, tôi không biết nói gì để an ủi bạn khi nhìn nét mặt Linh
âm thầm khác thường. Linh là con trưởng và là anh trai của đàn em 3 đứa, mà đứa
nhỏ nhất chỉ vừa chín tuổi. Tôi không biết Linh nghĩ gì và tính toán ra sao sau
này khi trở thành cột trụ của cả gia đình lúc mới có hai mươi tuổi, đang dở
dang năm thứ II Đại Học. Cứ lặng lẽ ngồi im trong bóng tối nhập nhòe khiến dễ mỏi
mệt, tôi ngủ gục lúc nào không hay, khi giật mình tỉnh giấc thì đã có tấm chăn
mỏng đắp qua vai từ lúc nào. Ở góc nhà Linh đang ngồi ủ rũ trước cuốn sách, những
giọt nước mắt chưa kịp khô trên khóe mắt Linh long lanh trong bóng tối khiến tôi bồi hồi xúc động.
Tôi lại gần đặt tay lên vai Linh vỗ nhè nhẹ thay lời an ủi, Linh quay lại nhìn
tôi gật đầu không nói gì nhưng tôi thấy được cả sự đau khổ lẫn lo âu đang dằn vặt
tâm hồn của người thanh niên trẻ. Linh là người rất ham học, ai cũng biết điều
đó. Nhưng trong hoàn cảnh này liệu Linh còn đủ tâm trí mà học tiếp lên không
đây! Tôi ra thay mấy cây nến sắp tàn lụi
trên quan tài, đôi mắt hiền từ của người cha trong tấm hình dõi theo tôi mọi hướng.
Linh vẫn ngồi yên chìm trong suy tư không động đậy. Tôi đến bên cạnh gợi chuyện
:
“ Linh mệt thì đi ngủ đi, để Lan
canh thế cho, Lan ngồi một mình được rồi”
Linh nhìn sâu trong mắt tôi và nói
những câu khó hiểu làm tôi ngạc nhiên:
“Không sao đâu Lan, Linh không thấy
mệt, nhất là có Lan ngồi bên cạnh như thế này..”
“Sao kỳ vậy?”Tôi bộp chộp hỏi một
câu chắc là vô duyên lắm nên Linh mỉm cười không nói. Nụ cười dù không trọn vẹn
cũng xóa bớt đi nét u sầu của Linh khiến tôi thấy vui trong dạ, quên cả hỏi sao
Linh không trả lời.
Sau đám tang cha, Linh nghỉ mấy
hôm nữa rồi trở lại trường học. Nét buồn vương vấn trong cả dáng đi lẫn nụ cười
gượng gạo, miếng vải đen nhỏ xíu xinh xắn nổi bật trên ngực áo sơ mi trắng cũng
u sầu. Tôi muốn cùng đi với Linh một đoạn đường, nhưng tôi cảm thấy như lạc
lõng vì sự im lặng kéo dài của Linh, tôi thấy hụt hẫng dù hiểu những gì vừa xảy ra đã khiến
cho bạn tôi thay đổi khác trước nhiều.
Một thứ tình cảm là lạ bỗng nhiên len trong lòng tôi, tội nghiệp hay thương cảm lẫn lộn không hiểu được, chỉ biết tôi không thể để Linh một mình. Mỗi chiều tan học, tôi xin phép mẹ cho sang nhà làm phụ việc này việc kia với mẹ Linh và nói chuyện cho bà khuây khỏa. Mẹ tôi tán thành và cũng hay qua lại thường xuyên hơn khi thu xếp xong việc nhà. Hai gia đình vẫn gắn bó và mẹ Linh thường tìm cách tránh mặt mỗi khi Bố tôi về thăm nhà, dù Bố tôi là người đã đưa xác cha Linh từ mặt trận về và cũng giúp lo phần giấy tờ xin lương trợ cấp quả phụ cho gia đình Linh, nhưng có lẽ nhìn Bố tôi bà tủi thân khi nghĩ đến người chồng đã khuất bóng. Linh xem mẹ tôi như mẹ ruột nên rất khắng khít, hơn nữa nhà tôi không có con trai lớn và mẹ tôi quá hiểu Linh từ nhỏ thành ra bà cũng rất thương mến Linh.
“Lạy Chúa hãy khiến cho nàng không chê con, và bằng lòng làm cô dâu của con, con thề yêu cô ấy trọn đời”
Một thứ tình cảm là lạ bỗng nhiên len trong lòng tôi, tội nghiệp hay thương cảm lẫn lộn không hiểu được, chỉ biết tôi không thể để Linh một mình. Mỗi chiều tan học, tôi xin phép mẹ cho sang nhà làm phụ việc này việc kia với mẹ Linh và nói chuyện cho bà khuây khỏa. Mẹ tôi tán thành và cũng hay qua lại thường xuyên hơn khi thu xếp xong việc nhà. Hai gia đình vẫn gắn bó và mẹ Linh thường tìm cách tránh mặt mỗi khi Bố tôi về thăm nhà, dù Bố tôi là người đã đưa xác cha Linh từ mặt trận về và cũng giúp lo phần giấy tờ xin lương trợ cấp quả phụ cho gia đình Linh, nhưng có lẽ nhìn Bố tôi bà tủi thân khi nghĩ đến người chồng đã khuất bóng. Linh xem mẹ tôi như mẹ ruột nên rất khắng khít, hơn nữa nhà tôi không có con trai lớn và mẹ tôi quá hiểu Linh từ nhỏ thành ra bà cũng rất thương mến Linh.
Những ngày Đông giá rét lại về báo hiệu một năm cũ sắp
qua đi. Nhịp sống nhộn nhịp lại bắt đầu để chuẩn bị cho ngày lễ lớn của người
Công Giáo. Như mọi năm, Linh cũng làm hang đá với đủ các tượng chúa Jésus, mẹ
Maria, thánh Giuse và các thiên thần bên máng cỏ. Ngắm nhìn tác phẩm đã hoàn
thành của Linh tôi thấy rất phục đôi bàn tay khéo léo ấy. Tôi không phải người
trong đạo mà cũng cảm thấy lâng lâng vui lây. Còn cây thông Noel năm nay thì chị em tôi cùng
trang hoàng với những bóng đèn nhỏ xíu đủ màu sắc nhấp nháy vui mắt. Vừa làm tôi vừa kể cho các em nhỏ nghe về câu
chuyện lý thú của truyền thuyết cây Noel tôi đã được nghe từ lâu, đám trẻ con
thích thú hỏi lung tung làm câu chuyện cứ đứt đoạn. Vào thế kỷ thứ VII, có một
nhà tu hành người Đức, đó là Thánh Boniface sinh năm 680. Thánh muốn thuyết phục
các tu sĩ Đức tại vùng Geismar rằng cây sồi không phải là một loài cây thiêng
liêng. Ông giảng giải, khi ông đốn một cây sồi thì khi ngã xuống nó đã đè tan
nát hết mọi vật xung quanh, chỉ sót lại một cây thông non còn tươi tốt. Chuyện
kể thêm rằng thánh Boniface đã cho rằng đó là một phép lạ và tuyên bố: “kể từ
nay ta gọi tên cây này là cây Chúa Hài Đồng Jésus”. Từ huyền thoại này người ta
trồng thông con để làm lễ Giáng Sinh. Rồi tại sao lại gọi là Noel, đó là danh từ
theo tiếng Pháp được viết tắt từ chữ gốc Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng
chúng ta…
Linh lắng nghe tôi thao thao nói chuyện với đám trẻ
con rồi quay sang hỏi tôi với giọng ngạc nhiên :
“Sao Lan biết những chuyện này?”
“Thì Lan đọc trong sách của Linh
cho đó!”
Tôi nhanh nhẩu khiến Linh phì cười. Nét rạng rỡ trên
khuôn mặt Linh làm tôi thấy vui hơn. Linh bảo Giáng Sinh năm nay vì nhà có
chuyện buồn nên chỉ làm đơn sơ thôi, không bánh trái gì cả. Linh rủ tôi cùng đi
lễ nửa đêm, tôi không nỡ chối từ nên nhanh chóng gật đầu nhận lời, các em tôi
cũng nhao nhao đòi đi theo. Thấy ánh mắt của Linh tôi cảm giác được nỗi bồi hồi
trong lòng mình. Dự định tạo sự bất ngờ cho gia đình Linh nên cả một buổi chiều
trước đêm Noel tôi mệt nhoài với chiếc bánh buche de Noel hình khúc cây màu
chocolat. Lâu lâu mới làm thành ra cứ loay hoay mãi vẫn không được khéo lắm, nhưng khi
bắt kem lên tất cả đã che đi khuyết điểm. Tôi hài lòng đứng ngắm và tưởng tượng
những tiếng reo của đám em Linh khi nhìn thấy. Hôm Linh thi đậu vào Đại Học,
tôi cũng chưa có món quà gì tặng mừng nên nhân dịp này muốn biểu lộ chút lòng,
tôi xin mẹ cho tiền làm thêm hai con gà quay và chuẩn bị một số bánh mì để hai
nhà cùng hưởng chung sau khi đi lễ về. Một
đêm Giáng Sinh nhiều kỷ niệm và cũng là đêm Giáng Sinh tưởng chừng là lần cuối
cùng tôi cùng chung hưởng với Linh.
Năm sau đang mùa học , mẹ của Linh bịnh và lây lất kéo dài được hơn một năm thì qua đời. Mấy anh em Linh được gia đình người Dì tận Đà Lạt đón về chăm sóc, còn Linh thì xin chuyển vào trường Đại Học Khoa Học Đà Lạt. Ngày chia tay bịn rịn mãi không rời được, tôi lặng lẽ khóc vì thương cho một gia đình đang đầm ấm bỗng nhiên vì chiến tranh mà chia cắt nát tan. Thương cho anh em người bạn tự nhiên mồ côi cả cha lẫn mẹ, thương cho tình bạn mười mấy năm trời của chúng tôi từ đây gián đoạn. Tiễn gia đình nhỏ bé của Linh ra tận bến xe, tôi cứ nghẹn ngào không nói nổi một câu chia tay. Linh ngập ngừng câu gì đó không nên lời rồi quay đầu đi chỗ khác khi dòng lệ cũng từ khóe mắt đang rưng rưng… Tôi trở vào nhà với sự trống rỗng tâm hồn, nghe như nhoi nhói đau trong lồng ngực. Những cánh thư qua lại với vô vàn tâm sự, trong một đoạn kết của lá thư Linh đã viết vài lời tỏ tình với tôi. Tình yêu sâu kín bao nhiêu năm giờ mới có dịp được bộc lộ cũng vì sự nhát nhúa của tuổi trẻ mà đến muộn. Tôi bối rối không biết tình cảm trong lòng tôi hiện thời có phải là tình yêu dành cho Linh? Tôi đành trả lời Linh hãy cho tôi thêm thời gian để xác định.
Năm sau đang mùa học , mẹ của Linh bịnh và lây lất kéo dài được hơn một năm thì qua đời. Mấy anh em Linh được gia đình người Dì tận Đà Lạt đón về chăm sóc, còn Linh thì xin chuyển vào trường Đại Học Khoa Học Đà Lạt. Ngày chia tay bịn rịn mãi không rời được, tôi lặng lẽ khóc vì thương cho một gia đình đang đầm ấm bỗng nhiên vì chiến tranh mà chia cắt nát tan. Thương cho anh em người bạn tự nhiên mồ côi cả cha lẫn mẹ, thương cho tình bạn mười mấy năm trời của chúng tôi từ đây gián đoạn. Tiễn gia đình nhỏ bé của Linh ra tận bến xe, tôi cứ nghẹn ngào không nói nổi một câu chia tay. Linh ngập ngừng câu gì đó không nên lời rồi quay đầu đi chỗ khác khi dòng lệ cũng từ khóe mắt đang rưng rưng… Tôi trở vào nhà với sự trống rỗng tâm hồn, nghe như nhoi nhói đau trong lồng ngực. Những cánh thư qua lại với vô vàn tâm sự, trong một đoạn kết của lá thư Linh đã viết vài lời tỏ tình với tôi. Tình yêu sâu kín bao nhiêu năm giờ mới có dịp được bộc lộ cũng vì sự nhát nhúa của tuổi trẻ mà đến muộn. Tôi bối rối không biết tình cảm trong lòng tôi hiện thời có phải là tình yêu dành cho Linh? Tôi đành trả lời Linh hãy cho tôi thêm thời gian để xác định.
Linh vẫn tiếp tục trao đổi thư từ với tôi, ngày tôi ra trường
Linh có về thăm và tặng tôi một món quà đặc biệt. Món quà bất ngờ cả cho tôi lẫn
mẹ tôi nữa, đó là sợi dây chuyền trái tim có hình Linh và tôi lồng bên trong. Tôi luống cuống và sợ hãi, lần đầu có người con trai tặng quà tôi không muốn vội
vàng nhận ngay khi chưa xin phép mẹ, thấy sự ngần ngại của tôi Linh vội nói:
“Lan cứ giữ hộ cho Linh, mai mốt mình bàn tiếp, nha!”
Lời năn nỉ làm tôi yếu lòng, tôi đưa cho mẹ cất hộ. Suốt
hai năm trời, tôi đã nghỉ ngang khi đang năm Đại Học thứ nhì vì một trận đau nặng
mất sáu tháng, bây giờ đang dạy tạm mấy môn phụ tại một trường tư thục trong
khi chờ đợi một việc làm khác vì không có bằng Sư Phạm chính thức. Thư từ vẫn qua lại càng lúc càng đậm đà hơn, nhưng
đột nhiên vơi dần từ khi Linh vào quân đội trong binh chủng Biệt Động nay đây
mai đó khắp chiến trường miền Trung. Bằn bặt cả năm dài không tin tức gì, tôi bồn
chồn lo lắng cho sự an nguy của anh mà không biết hỏi ai. Tình hình chiến sự
càng ngày càng khốc liệt, những viên đạn ngoài chiến trường vô tình đâu chừa một
ai huống chi người bạn của tôi lại là một trong những người Sĩ Quan tác chiến
luôn đối đầu với bao nhiêu hiểm nguy giữa rừng già núi thẳm. Tôi tự áy náy lương
tâm mỗi khi nghĩ tới Linh, và càng ngày càng nghĩ nhiều hơn. Mẹ thúc hối tôi dò
hỏi tin tức, bà lo cho tôi cứ phải chờ đợi hoài trong vô vọng. Lúc đó cũng có mấy
người bạn của mẹ muốn làm sui gia với bà, nhưng lúc này tôi đã biết rõ tình cảm
của tôi chắc chắn đặt ở đâu nên nói mẹ lựa lời từ chối .
Đang chờ đợi mỏi mòn trong khắc khoải, bất ngờ một hôm Linh về Saigon tìm đến nhà thăm chúng
tôi, đúng buổi chiều trước ngày lễ Noel. Tôi vừa ở ngoài nắng bước vào nên thấy
hơi ngỡ ngàng suýt không nhận ra người bạn của mấy mươi năm. Một thời gian dài với
phong trần sương gió đời quân ngũ tạo cho Linh vẻ dày dạn cứng cỏi khác xưa rất
nhiều, nhưng nụ cười tươi với hàm răng trắng kia tôi làm sao quên … Thấy
tôi Linh đứng bật lên dáng loạng choạng với cây nạng bên nách, tôi ngạc nhiên
thấy một bên ống quần của Linh bị cắt như rách! Lời anh giải thích làm nỗi xúc động òa vỡ
không kềm chế được khiến tôi ôm mặt khóc tức tưởi. Thì ra Linh bị thương nặng nằm
bệnh viện 2 tháng vừa xuất viện ra và được nghĩ dưỡng thương một tháng rồi lại trở
về đơn vị. Đó là lý do anh vắng bặt một thời gian dài. Tôi
xót xa nhìn Linh khi anh cho tôi xem vết thương vẫn còn chưa tháo hết băng nơi bắp
vế chân. Linh bạo dạn chống
cây nạng đến gần choàng vai tôi dỗ dành như ngày xưa còn bé đã thường làm. Dáng to lớn oai vệ
của Linh như bao trùm cả thân thể nhỏ bé của tôi, bàn tay đen đủi cháy nắng siết
chặt hơn khiến tôi nghe nằng nặng bên vai, bao nhiêu kỷ niệm lại tràn về cho
tôi quên hết sự e dè mà vùi đầu trong ngực Linh khóc tấm tức, mùi ngai
ngái nồng mồ hôi của bộ quân phục rằn ri cho tôi cảm giác ấm áp thân thuộc từ
bao giờ. Lần đầu tiên trong đời tôi tỏ thái độ thân mật làm Linh ngạc nhiên càng
ôm tôi chặt hơn.
Lúc này tôi cảm thấy xấu hổ và sợ mẹ trông thấy sẽ la, nhưng lại muốn để yên tư thế trong vòng tay Linh để
tận hưởng niềm hạnh phúc đầu đời, con tim nhỏ bé của tôi đập những nhịp loạn mất
trật tự. Bố tôi đã nằm xuống mấy năm trước
sau một cuộc hành quân, tôi thấy như tìm lại được hình bóng người cha thân yêu phảng
phất qua Linh, qua bộ quân phục oai hùng này. Các em tôi tuy đã lớn nhưng vẫn
như còn con nít xúm xít quanh Linh tíu tít hỏi han làm rộn ràng cả không khí
trong nhà. Mẹ từ trong bước ra nhìn chúng tôi rồi cười bảo:
“Anh nó mới đi xa về chắc mệt mỏi, mấy đứa không lo lấy
nước mời anh sao?”
Tôi thầm nghĩ: “Chà, mẹ gọi Linh là “anh nó” nghe ngọt ngào làm
sao, có lẽ bà đã đoán được lòng tôi lúc này và chắc không phản đối chúng tôi đến
với nhau. Linh sung sướng ra mặt, nhìn tôi với ánh mắt lung linh sáng còn miệng
thì trả lời mẹ tôi:
“Dạ, không sao bác ạ, cháu rất vui khi gặp lại gia
đình thấy bác còn khỏe mạnh và các em đã lớn hết”
Mấy ngày liền trong nhà tôi nhộn
nhịp ăn uống và tiếng đàn ca. Cây đàn guitar của bố tôi để lại nằm trong góc nhà đã bám
bụi từ lâu, nay trong đôi bàn tay khéo léo của Linh mới sinh động làm sao! Tôi
không ngờ Linh đàn và hát quá hay những bản tình ca tiền chiến, giống hệt như bố
tôi ngày xưa… Tôi cất tiếng hòa theo những bài hát quen thuộc mà Bố đã dạy cho.
Có phải hạnh phúc là đây và chỉ có bấy nhiêu thôi là đủ? Đối với tôi, chỉ cần
có thế vì tôi đã tìm cho mình được một hình bóng để rộn ràng con tim khi gần
gũi, để nhớ nhung khi xa xôi.
Vết
thương của Linh dần lành hẳn, anh đã bỏ được cây nạng dù bước đi chưa được tự
nhiên lắm. Đêm Giáng Sinh năm đó chỉ mình tôi đi lễ với anh, quỳ trong
Giáo Đường đông người xung quanh, Linh nhẹ nắm tay tôi và cầu nguyện khe khẽ chỉ
vừa đủ nghe bên tai tôi:
“Lạy Chúa hãy khiến cho nàng không chê con, và bằng lòng làm cô dâu của con, con thề yêu cô ấy trọn đời”
Tôi cũng thầm
thì nho nhỏ:
“Lạy Chúa, con là người ngoại đạo nhưng tin có Chúa ngự
trên cao, con xin cám ơn Chúa đã trả về cho con một người quan trọng trong đời
con. Xin Chúa ban phép lành cho chàng để chúng con không bao giờ phải xa rời
nhau.”
Mùa Giáng Sinh năm ấy đã là một kỷ niệm đẹp trong tôi
đến suốt cuộc đời, câu chuyện vẫn luôn khiến tôi xúc động mỗi lần nhớ đến. Và chàng
thanh niên dễ thương hiền hòa, oai hùng ngày xưa nay đã là một “ông lão” lắm bệnh
tật, lại khó tánh hay cằn nhằn. Còn cô gái xinh xắn hay khóc nhè ngày nào bây
giờ đã là bà nội bà ngoại của một đàn cháu lau nhau, tối ngày than thở đau nhức
các khớp xương… Chúa đã chứng lời nguyện của chúng tôi nên đành chịu thôi, nay
hai đứa đã đến tuổi thất thập cổ lai hy và trải qua bao nhiêu sóng gió tai ương
mà vẫn yên bình, cứ luôn cãi nhau chí
chóe suốt mấy chục năm sống chung mà không sao xa rời nhau được. (mà không đúng, chỉ mình tôi hay chí chóe chứ Linh thì rất giỏi nhịn, hay không thèm giả nhời giả nhiếc gì cả.)
Tạ ơn phước Chúa ban, Amen!
Tạ ơn phước Chúa ban, Amen!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét