Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

NHỮNG VIÊN KẸO ĐẮNG- Tùy bút

 


Hôm nay là rằm tháng Tám Âm Lịch, chạnh nhớ đến các con khi còn nhỏ và chuyện của ngày xa xưa. Viết ra đây mong được chia xẻ với các bạn một nỗi lòng. Thành thật cảm ơn các bạn đã giúp cho TT những giây phút được an ủi.

TRUNG THU TRONG ĐỒN CÔNG AN.

- Mẹ ơi, mẹ âu gồi, mẹ chừng bọ choong ...” (Mẹ ơi, mẹ đâu rồi, mẹ đừng bỏ con)
Tiếng ngọng nghịu kèm theo giọng khóc nhừa nhựa của đứa con trai nhỏ bỗng đánh thức đầu óc đang mê mải, tôi giật mình lên tiếng trong khi hai tay vẫn tiếp tục công việc:
- Mẹ đây mà, còn sớm lắm các con ngủ nữa đi nha.
- Mẹ chưa đi bé ạ. Giọng thằng anh cất lên như dỗ dành em.
Tiếng rên rỉ im bặt, tôi vừa trả lời vừa quay đầu lại. Trên bậc thềm dẫn xuống căn bếp đang bừa bộn chỉ cách vài thước, hai đứa trẻ đang ôm nhau nằm dài, mặt hướng về phía tôi với bốn con mắt bé xíu nhấp nháy vì còn đang ngái ngủ. Lòng bỗng nghẹn ngào nhìn con xót xa nhưng tôi không thể bỏ dở mẻ kẹo đang sôi sùng sục trên bếp. Hai đứa nhỏ lúc nào cũng sợ hãi khi không thấy mặt mẹ, nỗi lo sợ vì cảm giác bị bỏ rơi đã thành sự ám ảnh luôn đeo bám chúng ...Vậy mà tôi vẫn phải đánh lừa con, hàng ngày nhốt chúng trong nhà để đi ra ngoài. Tiếng khóc con thơ đuổi theo sau lưng, ám ảnh tâm tư tôi suốt cả ngày lẫn trong giấc ngủ mỏi mệt của đêm khuya...Tôi thật có tội...

Tháng 9 1975, như mọi gia đình khác sau khi đổi tiền chẳng còn được bao nhiêu. Tôi lo lắng mất ăn mất ngủ, nhìn đứa con còn đỏ hỏn trong tay tôi tự hỏi lòng biết làm sao đây để sống tiếp mà nuôi con, còn chồng tôi vẫn đang biệt tăm trong trại tù không biết tương lai ra sao.
Chúng tôi đã mất tất cả từ ngày chạy loạn ấy, khi rời bỏ mảnh đất gia đình tôi đã sống và làm việc trong một thời gian dài. Theo chủ trương của nhà nước mới, các Sĩ quan VNCH phải bị đi “cải tạo” vì tội danh “Có nợ máu với nhân dân?”, vợ con thì hầu như bị kiểm soát ngặt nghèo và bị cách ly bởi lý lịch “gia đình Ngụy”. Con cái chúng tôi không thể thi lên Đại Học. Cũng là chủ trương của “họ”, trong câu nói của Đỗ Mười mà mãi sau này mới lộ ra để trở thành nỗi hận đau xót cho chúng tôi, những người của “chế độ cũ”:

- “Giải phóng miền Nam chúng ta có quyền tịch thu tài sản, trưng dụng nhà cửa, hãng- xưởng, ruộng đất của chúng nó. Xe chúng nó ta đi, vợ chúng ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ. Còn chúng nó thì ta bắt đầy đi vùng Kinh tế mới và nơi rừng sâu nước độc, chúng nó sẽ chết dần mòn...”

Không còn gì cay độc hơn. Ngày anh không còn bên cạnh, tôi như lạc lõng giữa chốn xô bồ trong một thành phố lớn. Anh ra đi thì hơn 2 tháng sau đứa con thứ hai của chúng tôi mới ra đời. Giữa sự thay đổi của cả ý thức hệ, lẫn cuộc sống, bản thân lại mang cái bụng bầu đã lớn nên tôi bỗng ngây ngô như mất phương hướng.

Mặc dù còn yếu, chỉ một tháng sau khi sinh con nghe được tin đồn nơi các anh “Cải tạo” bị giam giữ đâu đó, tôi đã theo chị em bạn lặn lội đi tìm khắp nơi. Mang theo một số quần áo, thuốc men và chút thức ăn khô mà ngày ra đi anh không kịp chuẩn bị, tôi mang theo cả niềm hy vọng ngọt ngào. May mắn là khi đến Long Giao, tìm trong danh sách có tên của anh ngay khi chúng tôi đến hỏi thăm. Mừng rơi nước mắt, hy vọng ngập tràn. Tuy thế họ chỉ cho gởi phần “quà” đầu tiên sau thời gian dài bặt tin tức. Không gặp mặt được nhưng ít ra chúng tôi đã yên lòng khi biết chồng mình đang còn sống và hiện ở đâu.

Thời gian vừa qua đã thấm thía, bây giờ tôi mới thật sự hiểu sức của một người đàn bà tuy còn trẻ cũng không thể kham nổi những bon chen của cuộc đời khi vướng víu con thơ. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, câu nói của người xưa mà mẹ tôi thường nhắc nhở lại trở về văng vẳng bên tai. Riêng bản thân tôi, không nghề nghiệp gì trong tay nên chỉ còn cách tập cho mình sự cứng rắn, để có thể hòa nhập vào xã hội với bất cứ công việc nào vốn dĩ có thể nuôi sống được gia đình.

Thăm anh trở về, tôi bắt đầu lo tìm việc làm. Vì cuộc sống, tôi không thể từ nan việc gì miễn là hợp với sức khỏe của một sản phụ vừa nằm cử xong. Tôi không thể làm việc gì khác hơn những việc quanh quẩn để có thể vừa làm vừa trông con. Trong những thư từ qua lại sau đó và suốt bao nhiêu năm xa anh, biết tánh chồng nên tôi đã giấu biệt không dám nói thật sự vất vả của mình vì sợ sẽ khiến cho anh lo lắng.

Hôm ấy trong buổi sáng sớm còn chưa rõ mặt người, ba mẹ con tôi đang đứng chờ xe với mấy túi quà đi thăm “nuôi” chồng, ngay bên cạnh một quầy bán thuốc lá và vé số lề đường. Phố xá vắng tanh nên nghe rõ mồn một tiếng nói chuyện của hai người đàn bà.

- Bữa rồi bán hết chưa chị Ba?
- Còn một ít kẹo, bà cứ bỏ thêm cho tui đi, chừng nào hết tui lại kêu nữa.
- Dạ, đây chị. Tổng cộng 2 bịch 100 viên kẹo nữa. Chị có lấy bánh thêm không?
- Ờ, 1 bịch thôi.

Nghe thoáng hai người nói chuyện, tôi thầm ước ao... Vừa lúc đó có chiếc xe “Lam” dừng lại bên lề đường, quên hết tất cả tôi vội vàng leo lên để đến bến xe cho kịp giờ. Ngồi trên xe đò đang chạy, ôm đứa con nhỏ đang ngủ trên tay mà lòng tôi vừa lo lắng vừa vui khấp khởi. Tôi choàng ôm chặt hai đứa con nhỏ, ghé sát thì thầm nho nhỏ bên tai:

- “Chiều nay mẹ con mình lại gặp bố rồi…”

Mấy ngày lặn lội đi xa thăm chồng vất vả đã qua đi, để nỗi buồn ở lại dai dẳng trong tâm tư tôi ray rứt. Thầm nhớ tới hình ảnh người chồng gầy ốm xanh xao, thương hai đứa con còi cọc không lớn nổi. Nước mắt tôi cứ tự do từng giọt rơi ướt bàn máy may, lốm đốm trên chiếc áo đang làm dở dang. Tôi nhắm mắt, cả lồng ngực trĩu nặng vì quá mệt mỏi khi nghĩ đến ngày tháng trước mắt. Tiền giành dụm đã dần hết. Tương lai trước mặt là cuộc sống đầu tắt mặt tối, một chuỗi ngày dài thiếu thốn thiếu trước hụt sau đang chờ đợi mẹ con tôi.

LÀM KẸO BÁNH

Nằm bên cạnh 2 con đang say ngủ tôi trằn trọc mãi!. Trời càng về khuya, những suy nghĩ mông lung càng tìm đến khuấy nhiễu tâm tư. Để giúp đầu óc trở lại nhẹ nhàng, tôi với tay bên cạnh giường tìm một cuốn sách. Lật qua mấy trang đầu, chợt tôi tỉnh cả ngủ và bật ngồi nhổm dậy. Thì ra cuốn sách dậy làm bánh mà anh đã mua làm quà cho tôi từ lâu nhưng tôi không có thì giờ xem tới. Đây rồi, cách làm các loại bánh kẹo. Người ta nói “ Cái kho ló cái khôn”, tôi quyết định cho mình một thử thách mới.

Sáng ra cho con ăn uống và để sẵn đồ chơi cho chúng, tôi khóa cửa nhốt con trong nhà mặc cho chúng mếu máo khóc. Tôi đi nhanh ra chợ mua một thùng đường vàng “hột xoài”, vài kg đậu phộng về rang và bóc vỏ sẵn. Cố gắng đóng một cái đinh dài 12 cm trên tường để làm nơi đánh kẹo, chuẩn bị xong xuôi mới lên giường. Như mọi ngày, ba giờ sáng hôm sau tôi thức dậy, làm vệ sinh cá nhân... Tôi mở cuốn sách chỉ dẫn ra xem lại rồi đi xuống nhà bếp.
Bắt đầu nhóm lửa đặt chảo đường lên lò, tôi vừa làm vừa lo âu. Đường nấu đã thành chỉ, tôi vắt miếng chanh và cho gừng giã nhuyễn vào, mùi thơm lừng cay nồng lan tỏa trong không khí cho tôi chút ngọt ngào dễ chịu. Đặt chảo đường ngâm trong thau nước lạnh cho bay bớt hơi nóng. Bằng hai bàn tay không, tôi lấy đường ra khỏi chảo, sức nóng khiến lòng tay đỏ rộp đau rát, tôi xuýt xoa lọng cọng suýt đánh rơi cả khối đường xuống nền gạch. Cuối cùng cũng vắt được lên chiếc đinh rồi bắt đầu kéo dài ra. Nhờ cẩm nang chỉ dạy, tôi cố gắng đập mạnh lên chiếc đinh rồi lại kéo, kéo...

Khi khối đường đổi thành màu gần sáng trắng, xốp xộp thì tôi đã mệt nhoài, mồ hôi ướt đẫm mặt mày và lưng áo. Vẫn không dám nghỉ tay mặc dù hai bả vai và cả hai bắp tay đã mỏi rã rời, lồng ngực tôi bị đau tức đến khó thở. Vội vàng sợ kẹo đông cứng sẽ khó làm, tôi đặt khối kẹo lên mâm đã rắc bột mì, dùng hết sức ấn cho lõm chính giữa rồi bỏ đậu phộng vào và kéo dài ra. Vừa kéo vừa xoay khối kẹo, nhắm đủ vừa tôi dùng kéo cắt từng đoạn theo hình bánh ú bỏ lên chiếc mâm bột mì rang sẵn. Ngồi thở hắt ra từng cơn, nỗi mừng lớn hơn che khuất sự mệt nhọc khi tôi có được thành quả trước mắt.

Khi nhìn những gói kẹo xếp đầy trên mặt bàn, tôi thấy lòng rộn ràng vui. Mẻ kẹo đầu tiên đã thành công, tôi nhẩm tính nếu bán hết cũng có được một ít tiền lời mua thức ăn cho con ngay hôm nay. Ngoài trời vẫn còn mờ tối, biết còn 2 tiếng nữa mới đến giờ đi làm nên tôi yên tâm lên nhà trên đắp thêm mền cho các con, chúng vẫn đang say ngủ. Tôi nhẹ nhàng hôn con rồi xách giỏ kẹo ra khỏi nhà dưới ánh đèn đêm lung linh soi nghiêng bóng. Ngoài đường chỉ lác đác người qua, tôi đi bộ dọc theo con phố lớn ngại ngùng tìm đến các quầy bán thuốc lá hay vé số, ấp úng mời mua.

May mắn lại đến với tôi hay do bán giá rẻ hơn người khác, điều cần thiết để được trả tiền sòng phẳng chứ không bị “gối đầu” như thường lệ. Các quầy đều nhận hàng và trả tiền ngay cho tôi không kỳ kèo gì. Sự cảm thông giữa những người nghèo sao mà ấm áp thân thương. Kể ra thì rất dễ dàng và nhanh chóng từ khi làm đến bán cho hết số kẹo từ 5 kg đường, nhưng cũng mất tới hơn ba tiếng đồng hồ. Cầm số tiền nhỏ trong tay, trên đường tôi ghé qua chợ rồi mới trở về ngôi nhà có hai đứa trẻ thơ đang đợi mẹ, lòng bỗng nhẹ nhàng thơ thới vô cùng. Tôi chỉ dám mua có 100 gr thịt để vừa kho vừa xào nấu, thêm vài quả trứng gà, bó rau... Bất chợt mắt tôi cay cay...những giọt nước mắt tủi thân hay vui mừng rơi xuống nhòe nhoẹt cả đôi mi buồn. Tuy hôm nay và những ngày sau này sẽ có thêm miếng thịt, chút tôm, cá trong bát cơm của con nhưng nào đã đủ thiếu gì…

Từ ngày đó, hàng xóm đã hiểu tại sao mỗi ngày khi mọi người còn say giấc, lại nghe bên nhà của mẹ con “cô Tư” thường có tiếng đập thình thình trên vách tường. Tiếng mở cửa kin kít từ khi trời chưa sáng mặc dù ai cũng biết cô không phải người Công giáo phải thức dậy đi lễ sớm như bà Hai, bà Năm... Họ cảm thông và thương cảm với bóng người đàn bà trẻ lầm lũi, quần áo luộm thuộm thô sơ, mái tóc dài được cột bằng cọng giây thun và trên đầu đội chiếc nón lá đã rách che gần kín khuôn mặt. Người đàn bà cứ thoắt đi thoắt về cho con ăn rồi lại khóa cửa đi, bỏ trong nhà hai đứa trẻ nheo nhóc tự chăm sóc lẫn nhau. Khi đèn đêm thắp sáng, thấp thoáng bóng 3 mẹ con bên nhau trong ngôi nhà thiếu vắng cái nóc cần thiết....
Và cũng kể từ ngày đó tôi có "nghề" làm kẹo, thêm bánh đậu xanh, bánh in bỏ mối'. Làm kẹo bánh đã là công việc hàng ngày quen thuộc từ lúc nào. Tôi trở thành người đàn bà trẻ lam lũ và lầm lũi cũng tự bao giờ chẳng biết, chỉ biết cắm đầu “ lao động” để kiếm sống. Lương làm ở Tổ hợp thì 2, 3 tháng mới được lãnh, phải giành trọn cả để đi nuôi chồng. Con tôi có vẻ phổng phao hồng hào hơn chút đỉnh, chúng vẫn ríu rít vui đùa. Bàn tay ngày nào chỉ biết cầm bút viết, hay cầm cọ vẽ, bây giờ theo năm tháng đã thô cứng những vết sần chai, nám đen xấu xí. Nhưng còn gì để giữ gìn để nâng niu, người thương yêu không còn bên cạnh, đàn chim con đang đói chờ mẹ mang mồi về mớm cho...

TRUNG THU TRONG ĐỒN CÔNG AN.

Hôm nay đã là rằm tháng Tám Âm Lịch. Tôi xách giỏ kẹo bánh trên đường đến chỗ khách hàng, vừa đi vừa lo vì thằng con nhỏ hồi tối bị sốt cao. Mặc dù đã cho bé uống thuốc cảm và sổ mũi, hồi nãy rờ trán bé thấy đã đỡ nóng nhưng hôm nay liệu có phải nghỉ làm để đưa con đi Bác sĩ không đây. Lạy trời...

- Chị kia đứng nại, mang theo cái gì mà đi đâu sớm thế?
Tô giật bắn người ngừng chân, mắt mở to cố nhìn rõ người Công An đứng chắn trước mặt:
- Chào “cán bộ”, tôi... tôi đi giao ít bánh kẹo cho người ta thôi mà.
- À... thì ra chị nàm nghề “phe phẩy” à?
Tôi ngớ người, không hiểu anh ta đang nói gì.
- Tôi có làm gì đâu mà “cán bộ” nói thế?
- Chị muốn “phản động” hả?

Tôi lại sững sờ nhưng im lặng, anh ta tưởng đã nói trúng tim đen của tôi nên lớn giọng:

- Chị theo tôi về đồn Công An “nàm việc”!

Đành thôi, không muốn rắc rối, tôi cố nén cơn tức đang trào lên tận cổ lê bước chân nặng nề theo anh ta. Đến đồn Công An cách đó không xa, hắn ta trịnh trọng ngồi xuống đằng sau chiếc bàn gỗ sau khi chỉ cho tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Tôi nhìn xung quanh, hình như chưa đến giờ làm việc nên chỉ có mỗi mình hắn trong căn phòng rộng. Hắn lấy cái ống điếu cày đen sì trong góc tường, châm lửa rồi rít một hơi dài, tiếng òng ọc vang lên trong sự thanh vắng đến rợn người. Mùi thuốc nồng nặc hôi hám xộc vào mũi khiến tôi ho sặc sụa, phải ôm ngực để thở. Hắn ta hình như phớt lờ, kéo thêm vài hơi nữa rồi mới bắt đầu giảng giải. Hắn chỉ lên tấm banner đỏ chói giăng ngang tường phòng:

- Chị có nhìn thấy gì, có hiểu rõ ý nghĩa của mấy chữ đó không?

Tôi ngước lên nhìn hàng chữ vàng to tướng nổi bật giữa màu máu đỏ quạch chói chang đôi mắt. Có gì lạ đâu, khẩu hiệu này có ai là người miền Nam chúng tôi không hiểu, thậm chí là thấm thía hơn ai hết đàng khác nữa. Thấy tôi vẫn không nói gì chỉ gật đầu, hắn ta lại tiếp tục bài ca con cá sống vì nước:

- Dưới Xã Hội ưu việt của Việt Lam ta hiện thời, nhà lước nuôn chú trọng đến đời sống của người dân. Nuôn cố gắng tạo công ăn việc nàm và chỗ ở ổn định, mang nại ấm no cho mọi người. Dù cho còn khó khăn, nhưng trong thời kỳ “quá độ”, mọi công dân phải tuân thủ chấp hành chính sách “nao động” chính đáng. Việc nàm “Tiểu tư sản” của các chị như đi “ phe phẩy” nà không thể tồn tại được. Chị hiểu chưa?

Nhìn đôi môi thâm đen dầy như miếng thịt chết vẩu hẳn ra như cái mái hiên vô cùng thô bỉ. Đã vậy còn đội hẳn lên cao che hàm răng trên to như lưỡi cuốc, ám khói thuốc lào vàng ố. Tôi giả vờ ngó nghiêng chung quanh để khỏi lợm giọng cũng như không bật lên tiếng cười. Bỗng nghe tiếng rầm, tôi lại giật mình và biết hắn đã tức tối vừa đập tay lên mặt bàn:

- Chị ngó nơ đi đâu đó, xem thường nhời của tôi lói hả? Lày tôi bảo cho mà biết nhá, nhà chị phải nhớ kỹ. Nhời Bác đã dạy “Nao động nà vinh quang, nang thang nà chết đói”. Đây nà nần đầu tôi có thể bỏ qua vì hiểu hoàn cảnh của chị, nhưng sẽ tịch thu tất cả tang chứng. Nhớ nà không có nần thứ hai đâu nhá. Viết kiểm điểm vào đây.

Hắn vừa gằn giọng nói như đe nẹt, vừa đẩy tờ giấy và cây bút đến trước mặt tôi. Tôi ra khỏi cái nơi ác ôn đó với hai tay trống, chỉ còn chiếc nón lá rách đội vội lên đầu che đi đôi mắt mọng đỏ. Trước mặt tên côn đồ, tôi cố dằn lòng với vẻ mặt tĩnh lặng, nhưng bây giờ hai hàng nước mắt lại tuôn rơi không ngớt. Buồn vì hôm nay không có tiền mua thức ăn cho con, lo vì con đang đau không tiền mua thuốc.

Mất một số vốn nhỏ nhoi nhưng đó chính là một phần gia sản của người khốn cùng như ba mẹ con tôi. Hắn là tên Trưởng Đồn Công An đã nhiều lần theo tán tỉnh tôi đây mà, nay được dịp nên ra tay để ngầm đe dọa tôi chăng? Từ giờ chắc hắn sẽ theo dõi gắt, tương lai công việc này đành phải hủy bỏ sao?.

Trở về nhà mà lòng nặng trĩu, nhưng nỗi lo cho con còn lớn hơn khiến tôi cố quên đi. May mắn là thằng bé uống vài viên thuốc cảm và mấy ly nhỏ nước chanh đã bớt sốt. Buổi tối hôm đó, còn lại mấy viên kẹo bị bể nát cùng một ít bánh đậu xanh tôi đem ra làm quà Trung Thu cho con, kèm với cái lồng đèn ngôi sao tự làm lấy. Hai đứa bé vui mừng hớn hở, nhưng người mẹ như tôi thì nước mắt đã ngập ngụa cả trên mắt lẫn trong tâm hồn.

Những ngày sau đó, sinh hoạt của tôi có phần thay đổi, khó khăn hơn nhưng vì cuộc sống nên đành phải chịu. Cá nhân tôi thì cực nhọc ra sao cũng chịu đựng được, nhưng lại vô cùng có lỗi với con khi dùng chúng làm tấm bình phong che chắn. Tôi không theo lệ thường đi bỏ mối bánh kẹo một mình vào sáng sớm nữa. Khi thì tay ôm tay dắt con trên đường đưa chúng đến nhà trẻ. Lúc lại bế cả con nhỏ theo giữa trưa lúc trời nắng gắt và mọi người ẩn nấp hết trong nhà, lúc lại buổi chiều khi đi đón con. Hai đứa trẻ được đi theo mẹ thì vui thích ra mặt, cười đùa ríu rít. Còn tôi lại xót xa vô cùng khi nhìn con thơ bị mặt trời thiêu đốt khiến đôi má phúng phính đỏ bừng..

Tôi cũng không hiểu sao bao nhiêu lần mình đều có thể tránh được những cạm bẫy vật chất của kẻ nhiều tiền của, lọt qua được sự bao vây hăm dọa từ đám người quyền thế. Trời Phật cho tôi được công việc cho dù có vất vả nhưng lại an toàn, mỗi ngày đều có thể ở bên hai đứa con dại. Lợi nhuận tuy chẳng đáng là bao nhưng không phải lo lắng nhiều lại không phải bon chen giữa một xã hội xô bồ đầy toan tính xảo trá, đầy cạm bẫy trớ trêu. Tôi cũng nhờ ơn trên mà giữ lại được căn nhà đáng ra đã bị tịch thu khi bọn cướp muốn đuổi ba mẹ con tôi ra đường, để chiếm làm “Trụ sở Phụ nữ” vì ..nhà rộng rãi mà neo đơn? Nhờ thế mà ba mẹ con có nơi nương náu chờ đợi anh trở về.

Tuy nhiên, đó cũng là một giai đoạn của cuộc sống cơ cực mà hậu quả để lại trên cơ thể cho tới bây giờ, có lẽ tôi mang theo cho đến ngày nhắm mắt. Đúng như lời mẹ tôi lúc còn sống đã nói: “Mới sinh dậy mà suốt ngày làm đủ thứ chuyện nặng nhọc, muốn chết hả con? Sau này mới thấy hậu quả, lúc đó không ai chịu cho mình đâu con ạ”. Qua gần nửa thế kỷ rồi, càng có tuổi càng thấy lời khuyên của mẹ rất đúng.

Dù sao, tôi nghĩ mình còn may mắn hơn nhiều chị em bạn đồng cảnh khác, phải bươn chải buôn thúng bán bưng, vất vả bám theo những chiếc xe lửa, hay leo trèo lên xuống xe đò... Từng bao gạo lớn nhỏ, hay nhiều bao bì giỏ sách với đủ loại hàng hóa được đôi bàn tay gầy yếu ra sức kéo lôi bưng vác. Có khi họ đã phải khóc hết nước mắt vì bị đám “Công an kinh tế” bắt được. Bị tịch thu hàng hóa đồng nghĩa với mất sạch vốn liếng nuôi sống gia đình. Có người muốn giữ được số hàng hóa đã phải chịu cho tấm thân bị ô uế vì bọn tài xế, lơ xe hăm dọa tố cáo. Cũng có người không chịu nổi sự cực khổ gian nan đã sa ngã vào tay những kẻ có quyền có thế. Còn bao nhiêu người vợ Sĩ Quan xinh đẹp ngày nào, bây giờ hàng ngày ngồi dãi nắng dầm mưa bên lề đường, bán mấy loại hàng lặt vặt. Một tiếng hô to: “Công An” làm cho hỗn loạn cả khu phố. Người người chen nhau tán loạn, tay ôm tay xách số tài sản ít ỏi của mình để trốn tránh đám người ăn cướp công khai.

Ôi! những viên kẹo, tấm bánh ấy vào miệng người ta thì ngọt lịm, nhưng sao mà đắng chát cả từ đầu lưỡi đến tâm hồn của tôi. Những viên kẹo hình dáng chiếc bánh “Ú” với các góc cạnh nhọn đâm vào trái tim tôi đã thành sẹo đến vĩnh viễn không thể lành lặn lại được.
Nhã Giang Thu Tâm

Trung Thu 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét