Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

NHƯ CÁNH CHIM BAY (Văn)






Biển hôm nay nhiều gió, từ xa lồng lộng ùa đến khiến cho mái tóc tôi rối mù. Ừ mà có khi nào biển thiếu vắng những cơn gió vờn đâu. Hình như biển và gió như đôi tình nhân luôn hòa quyện với nhau, chẳng bao giờ rời một bước. Chỉ có người và người là khi hợp khi tan đôi khi chẳng cần đến lý do gì, và cũng chỉ có người là nhẫn tâm bỏ lại nhau bơ vơ giữa đời. Gió đang khiến cho những con sóng bạc đầu nhô cao hơn và tiếng vỗ ồn ào đập vào bờ vang đi xa ngàn dặm. Không gian bao la tỏa đầy hơi nước, từng luồng gió đến làm tăng thêm cái lạnh của buổi chiều chớm Hạ. Tôi rùng mình sửa lại chiếc khăn quàng và khép chặt thêm chiếc áo khoác. Vẫn cảm thấy buốt căm căm từ trong tâm can lan ra tới ngoài da thịt.

Thật buồn cười, nhưng xin đừng cười ngạo nhé..

Người ta đi biển phong phanh
Còn tôi luôn phủ kín quanh áo dầy.
Người ta đi biển vui vầy
Riêng tôi vẫn cứ đong đầy niềm đau...

Tôi yêu biển từ dạo đó, thời gian xa lắm rồi chẳng còn nhớ được bao lâu nữa. Tình yêu với biển của tôi bắt đầu từ lần đầu tiên được theo gia đình đến chơi Nha Trang thập niên 1970. Thời điểm ấy, nơi đây còn hoang sơ lắm, rất khiêm nhường với những con phố nhỏ hẹp và xe cộ lưa thưa. Thành phố im lìm vùi mình trong làn đất đỏ,  có núi rừng ngút ngàn và biển đảo bao la viền chung quanh. Gió từ đất liền thổi vào và từ biển đẩy ra suốt ngày luân phiên khiến cho khí hậu vùng đất này luôn dịu mát, một nơi lý tưởng để du khách nghỉ ngơi. Con đường mang tên Duy Tân chạy quanh bờ biển theo đường vòng cung, một bên là hàng dừa xanh ngả mình nghiêng bóng mát che ánh nắng ban trưa cho khách nghỉ chân. Bên kia sát biển nằm phơi mình dưới nắng ấm có bãi cát trắng phau, ngày lẫn đêm nhận từng đợt sóng ập vào ve vuốt rồi lại ồn ào rút ra xa.

Thành phố miền Trung Nha Trang nằm ven biển này có khí hậu tương đối ôn hòa, mùa Hạ luôn mát mẻ nhờ gió biển và cũng không lạnh lắm vào mùa Đông, nhưng mưa nhiều. Nơi đây khác hẳn Saigon của tôi, nắng cháy quanh năm với ít ỏi những cơn mưa bất chợt đến rồi cũng bất chợt ngưng. Có lẽ đây cũng là ý đẹp cho nhà thơ Nguyên Sa viết lên những vần điệu trong bài thơ tình bất hủ “Áo Lụa Hà Đông”

“.Nắng Saigon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông..”

“... Em chợt đến chợt đi anh vẫn biết,
Trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại...”

Tôi đi lạc đề rồi, cũng tại lời bài hát phổ thơ này thời đó cả bọn chúng tôi đã mê say như mê tài giảng Triết học của thầy Trần Bích Lan vậy. Bài thơ tình lụa trắng không những khiến các chàng trai thuộc nằm lòng mà còn cả những mùa Thu tóc ngắn chúng tôi ngâm nga mỗi lúc mỗi nơi nữa.  

Tôi miên man, mê đắm quá nơi này rồi. Biết ý tôi nên ông anh họ tên Duy xin nghỉ phép hẳn một tuần để dẫn tôi đi chơi cho thỏa thích. Đến ngôi chợ mang tên “Chợ Đầm” với nét kiến trúc lạ được khởi công xây cất từ 1961 rất bắt mắt và tân kỳ. Một vòng tròn khổng lồ có hai tầng, trong đó luôn tấp nập người mua bán với đủ mặt hàng hóa hay hải sản. Phủ lên trên cùng là những hình chữ V ghép lại khít khao bên nhau, trông xa tựa như đóa hoa sen mà nhụy là mái chính xoay tròn chính giữa.

Hôm thì ngơ ngẩn đứng bên ngoài nhìn ngắm Viện Hải Dương Học Nha Trang, nơi chuyên nghiên cứu về biển và đời sống thực vật hải dương và cũng là nơi anh Duy làm việc...  Nào là Hòn Chồng, với một quần thể đá thiên nhiên, do bị nước biển xâm thực vào chân núi tạo dáng làm thành những hòn đá nằm chồng chất lên nhau vô cùng nghệ thuật. Tại đây, khung cảnh thật yên tĩnh, sóng dịu dàng vỗ vào bờ nhờ có ngọn núi lớn chắn gió từ xa.  

Đó đây di tích của người Chiêm Thành còn tồn tại nhiều nơi qua những cái tháp cổ đứng lặng lẽ xa xa khiến cho tôi tò mò không ít, tuy hơi sợ mà không biết mình sợ gì. Hồi còn bé mỗi khi nghe bài hát “Hận Đồ Bàn” của Xuân Tiên với những lời cay đắng u uất, than oán cho sự sụp đổ của Đế chế Chiêm Thành mà đặc biệt  là kinh đô Đồ Bàn bị phá hủy. Hình ảnh máu loang xương trắng phơi dưới tháp cổ nghiêng bóng, sao mà rùng rợn làm tê dại hết cả tâm trí tôi:  

“Rừng hoang vu, vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù.
Ngàn gió ru, muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù
Vạc kêu sương buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường
Đàn đóm vương như bóng ai trong lúc đêm trường về...

Người xưa đâu, mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu
Lầu các đâu, nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.
Đồ bàn miền Trung đường về đây
Máu như loang thắm chưa phai dấu
Xương trắng sâu vùi khí hờn căm khó tan
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp
Mơ bóng chiêm thuyền chế bồng nga vượt khơi
...
(Xuân Tiên)

Lần đầu tiên được hòa mình vào thiên nhiên êm dịu, tôi say sưa trước phong cảnh hữu tình và nên thơ. Nhất là bờ biển rì rào tiếng sóng với làn gió đầy hơi nước mát rượi làm tươi tắn tâm hồn sau những giờ học hành mệt mỏi, mà tôi chưa bao giờ hưởng. Suốt mấy ngày lang thang không thấy mệt, cuối cùng ngày trở về đã đến trong luyến tiếc. Tôi không muốn rời xa thành phố biển một chút nào, lòng buồn rười rượi... 

Buổi chiều ngày cuối, tôi nuối tiếc năn nỉ ông anh dẫn đi vòng quanh thêm một lần nữa. Vì kỳ nghỉ hè còn dài nên anh Duy xin cho tôi được ở lại chơi thêm mấy ngày nữa cho thỏa thích. Không hiểu tại sao trong lòng tôi như có gì xao xuyến bồn chồn lạ lùng. Vậy là tôi được ở lại trong khi gia đình về trước, và người ấy đã đột ngột đến với tôi trong những ngày ở lại cuối cùng ấy. Như lạ như quen từ bao giờ, để rồi:

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”!  (Thế Lữ)

Anh vừa sống sót trở về sau chuyến hành quân khốc liệt, vết thương nơi cánh tay còn chưa lành hẳn, một miếng vải trắng treo cánh tay lên ngang người để giữ cố định một chỗ. Bộ quần áo lính bạc màu cùng một bên chân khập khiễng khiến tôi xúc động. Hình ảnh người cha thân yêu lại trở về qua dáng dấp phong trần của anh. Anh là bạn học của anh họ tôi, nhưng cuộc đời hai người lại khác biệt. Sau khi tốt nghiệp, gia đình bà cô cho anh tôi đi du học còn anh thì vào quân ngũ và ngày đêm lặn lội chốn rừng sâu. Rời Quân Y Viện, anh được nghỉ phép và họ gặp nhau giữa phố biển mừng tủi vì đã mấy năm liền mất tin tức. Cùng theo vào nghỉ chân trong quán nước, ngồi im lặng nghe câu chuyện kể của anh đã khiến tôi mở to thêm đôi mắt, đôi lúc cúi mặt sụt sùi .    

Trong những lần đi ra biển sau đó đều có anh tháp tùng. Tôi chỉ ngồi im hay thỉnh thoảng mới mỉm cười đáp lễ khi anh xoay qua nhìn. Ánh mắt anh êm dịu pha chút hiền hòa, giọng anh đều đều nho nhỏ như đang kể chuyện cổ tích. Vậy đó mà tiếng súng, tiếng bom rền hình như trở lại vần vũ trong đầu óc tôi. Kể từ sau khi ba tôi tử trận, tôi đã đâm ra căm hận chiến tranh vô cùng tận. Cái chiến trường nào đó đã cướp mấy người cha thân yêu của tôi, mặc dù chưa bao giờ thấy bộ mặt thật của một tên Cộng sản nào, nhưng tôi có cảm giác đã thù ghét chúng tận xương tủy. Gần 4 năm trời, tôi dần quên lãng đi được thì anh đến và khơi gợi lại tất cả, cảm xúc dâng trào và tôi như gần gũi anh hơn, muốn bên cạnh để được nghe nhiều hơn nữa về các chuyến hành quân...

Ngày tôi trở lại Saigon, anh xin phép gia đình tôi để đưa tiễn. Trên đường đi, chỉ có hai người đàn ông chuyện trò, còn tôi vẫn im lặng với trăm ngàn suy tư. Khi tôi đã ngồi yên trên xe đò, anh ngập ngừng bước lên và bất ngờ dúi vào tay tôi hộp quà nhỏ cùng một lá thư, rồi vội vàng quay nhanh như chạy đi để lại sự ngỡ ngàng cho tôi. Bước vào cơn nóng gắt cuối hè Saigon, như kẻ mộng du tôi trở về nhà. Đêm đó tự nhiên  mất ngủ vì món quà trong hộp cùng lời lẽ trong thư. Đối với người khác nếu có đọc được thì chẳng có gì, vì anh chỉ viết những lời khuyên và khuyến khích tôi cố gắng học hành, giữ gìn sức khỏe. Vậy mà làm cho tôi bâng khuâng ngơ ngẩn... Còn món quà... thật là khó xử.

Vì là người yêu mến thiên nhiên, ngoài những nơi đã được đặt chân đến tôi chỉ luôn mơ về vùng Đà Lạt sương mù. Không biết sao anh lại tặng cho tôi chiếc khăn quàng cổ thật đẹp, để ước muốn của tôi thêm mãnh liệt. Trời Saigon vốn nóng như đổ lửa cả ngày lẫn đêm, thỉnh thoảng mới có cơn mưa rào làm không khí dịu mát đi chút đỉnh. Thế nên Đà Lạt vẫn còn đợi ở trong mơ của tôi thôi!

Tình yêu đầu đời xen vào tim tôi nhẹ nhàng như gió thoảng không biết từ lúc nào, sâu đậm và ngọt ngào. Anh cứ xa để cho niềm nhớ lẫn nỗi lo sợ luôn làm bùng cháy tim gan tôi mỗi lần anh đi hành quân cả mấy tháng không về. Tôi không hề biết gì về sự gian khổ hay đời sống quân ngũ VNCH trước kia, mặc dù tôi đã sống trong môi trường lính từ bé khi cha tôi từng là lính trận. Bây giờ tôi lại trở nên thắc mắc và muốn tìm hiểu.

Chúng tôi nên duyên chồng vợ bất ngờ như thế đó, rồi cũng không kém nhanh chóng tôi lại không có anh. Cưới xong, sau một tuần nghỉ phép anh lại lên đường, tôi cứ như góa phụ bên song chờ và chờ đợi. Thi thoảng vợ chồng sum họp trong chuyến về phép ngắn ngủi đôi ba ngày, niềm vui xen lẫn bùi ngùi khi nghĩ đến ngày chia tay. Làm vợ lính có ai không phải làm quen với nỗi buồn cô lẻ và sự nhớ mong lẫn lo lắng phập phồng. Ngày tháng trôi qua, điện tín chia ly tôi nhận được đi nhanh hơn tin anh trở về đoàn viên. Tôi gục ngã nhưng mắt mở trao tráo khô khốc, thật sao?

Bài thơ của Lê thị Ý bây giờ sao mà não nề hơn bao giờ hết:

“Ngày mai đi nhận xác chồng
Quay đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Hồn thiêng thuở ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ thờ
Như môi góa phụ nhạt nhòa nét son
Tình ta không thể vuông tròn
Quay đi để thấy mình không là mình...

Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Quay đi mà tưởng ôm vòng người yêu...”



Vâng, chỉ tưởng thôi cũng đã đủ nghẹn ngào. Bây giờ và mãi mãi không còn vòng ôm của người tôi yêu nữa rồi! Thời chiến tranh qua đi và anh đã theo sương khói tan vào hư không, anh đã trả xong món nợ người trai thời chiến cho sông núi. Tôi cố sống nốt quãng đời còn lại của anh, tuổi thanh xuân anh không được hưởng nên giao lại cho tôi, nhưng làm sao hạnh phúc được khi còn lại chỉ một mình? Tôi khập khiễng đi bên đường đời trăm vạn nẻo, tôi long đong từng bước ngã sấp mặt rồi tự đứng dậy và đi tiếp, vậy mà đã nửa thế kỷ qua nhanh...

Thời gian qua lâu quá rồi, hình ảnh của anh vẫn nguyên vẹn trẻ trung, oai hùng như dạo nào để tôi mãi hãnh diện, mãi tôn thờ trong tim. Người yêu của tôi đã theo ngàn cánh chim trời bay vút, như những ngọn sóng bạc đầu trôi tít tắp xa, xa lắm. Thế nên bất cứ khi nào nếu có dịp là tôi chỉ muốn được ngồi bên bờ biển để ngắm nhìn ngọn sóng nhấp nhô đuổi nhau, để thả hồn theo những cánh chim bay và giữa trống vắng lạnh lẽo nhớ về quá khứ xa xăm mà bồi hồi với hình bóng cũ dấu yêu

Người ta bảo thời gian là liều thuốc tốt nhất để quên đi tất cả. Riêng tâm hồn tôi, không biết tại sao lại rạch ròi chia làm hai khía cạnh. Những tổn thương do người đời gây ra dù sâu sắc đến mấy lại sẵn sàng như giòng chữ viết trên mặt đất, chỉ một hai ngày là theo gió mưa cuốn trôi đi. Lòng lại hết đau khi tìm ra câu biện minh để tha thứ cho người đã gây tổn hại cho mình. Còn tình cảm với người thân thì như chữ đã được khắc vào đá núi, dù cho rong rêu theo năm tháng chất chồng lên bao nhiêu, vết chữ vẫn còn đó vĩnh viễn không thể xóa mờ dấu tích. Chỉ là ẩn sâu thêm cho nỗi nhớ đậm đà da diết, nhớ để quên những gì khiến mình thất vọng hay sự gian khổ đến trong cuộc đời, nhớ để thấy mình còn có điều ý nghĩa cần chú tâm đến hơn, để thanh thản mà sống tiếp.

Nhã Giang Thu Tâm
Viết cho một người bạn. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét