Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

CHÚNG TA ĐÃ GIÀ CHƯA?.

 




CHÚNG TA ĐÃ GIÀ CHƯA?.

"Nhân sinh thất thập cổ lai hy… "
Đây là một trong 4 câu thơ trong bài “Khúc giang đầu - kỳ nhị” của thi sĩ Đỗ Phủ, dường như đã trở thành tục ngữ dân gian ở cả phương Đông.

“Sống bảy mươi năm đã mấy người?” Đây là lời dịch của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, và cũng chỉ là một trong vài ý nghĩa của bài thơ.

Ở thời gian đầu hay giữa thế kỷ trước, vì nhiều lý do khiến số người đạt đến 70 tuổi rất hiếm hoi nên được tôn xưng lên hàng Thọ. Mốc thời gian ấy đến nay xem như đã lỗi thời. Nếu như trong năm 1970, Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 48. Hiện tại, thống kê của Liên Hiệp Quốc ước tính số người trên tuổi 60 sẽ tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2007 – 2050. Các thống kê năm 2015 cũng cho thấy đàn ông sinh ra ở Anh và xứ Wales có thể sống đến 90 tuổi, trong khi con số này ở phụ nữ là 94. Ở các xứ Tây phương nơi điều kiện vật chất thoải mái, cộng thêm sự đầy đủ dinh dưỡng và được sống ở những vùng có khí hậu trong lành cùng với chịu khó rèn luyện thân thể nên người thọ đến trên 100 tuổi cũng không phải là ít. Vì thế con số bảy mươi lại trở thành “ còn trẻ!". Vậy chúng ta có quyền hy vọng chứ nhỉ?

Chả thế mà có tác giả nào đó làm ra bài thơ lục bát vui vui:

60 CHƯA PHẢI LÀ GIÀ
60 chưa phải đã già
60 là tuổi mới qua dậy thì
65 hết tuổi thiếu nhi
70 là tuổi mới đi vào đời
75 là tuổi ăn chơi
80 là tuổi yêu người yêu hoa
90 mới bắt đầu già
Đêm đêm vẫn cứ mặn mà yêu đương
100 có lệnh diêm vương
Cứ ở nơi ấy yêu đương thỏa lòng
Bao giờ đạn hết lên nòng
Từ từ nằm xuống là xong một đời...

Có người bảo hãy chú ý mỗi giai đoạn trong cuộc đời, nhiều nhất là trong vòng thời gian 10 năm để đo lường sự thay đổi về nội ngoại cái thân thể lắm rắc rối của mình.

Nếu chịu khó chú ý, cứ sau 10 năm bắt đầu từ 50 trở đi thân thể chúng ta sẽ nhanh xuống cấp hơn, giống như bình chứa xăng trong xe, phần trên cùng nở rộng và phần đáy là nơi có diện tích nhỏ nhất. Bình xăng đầy sẽ không ai chú ý mấy vì chạy được rất lâu mới vơi, khi đến nửa bình sẽ nhận ra mức xăng xuống rất mau... Khi ta còn trẻ, nghĩa là trên dưới 40 sức lực sẽ tràn trề và dẻo dai. Từ 50, rồi 60 hay 70, 80 tuổi trở lên nữa, cơ thể từ từ có nhiều triệu chứng đáng ngại, mặc dù cố gắng luyện tập thân thể hàng ngày cũng không thể tránh khỏi một ngày kia phải buông tay như bình cạn xăng không thể châm thêm. Có nghĩa rằng phải công nhận mình đang ở vào giai đoạn “xuống dốc không phanh”, hay là “non stop downhill”?

Một số người trong chúng ta luôn trả lời khi bạn bè hỏi tới là “Rất Khỏe” “Very well, Very Good, I’m Fine...”. Tuy nhiên ai cũng hiểu rằng câu khỏe này theo tuổi tác hiện tại thôi, làm sao mà RẤT KHỎE được, nếu không dùng đến thuốc men trợ giúp.

“Sinh diệt, lại sinh lại diệt”. Hay “Sinh, lão, bệnh, tử”. Đó cũng là lẽ tự nhiên mà bất kỳ sinh vật nào dù là người hay loài vật đang sống trên trái đất đều phải đối mặt và chấp nhận. Sinh ra rồi lớn lên và trưởng thành, sau đó về già sẽ gặp những ốm đau, bệnh tật, rồi cuối cùng là qua đời. Với quy luật của tạo hóa này chúng ta cần giữ tâm an lạc, bình thản đón nhận để vui sống. Tất cả chúng ta đều có thể mang đủ các thứ bệnh về thể xác, tuy nhiên không nên để cho tâm hồn trở nên chán nản và bệnh hoạn.

Riêng phần tôi tuy không hề bi quan với những cái rắc rối về bản thân, phải công nhận đã tới thời kỳ “lắm tật mà tận tài” rồi! Tôi cảm nhận được dần dần từ trong tâm tưởng lẫn quan niệm sống đạt được nhiều chữ “HƠN”. Về nhân sinh quan dần dần biến đổi theo chiều dễ dãi, nhẹ nhàng hơn. Tôi cảm thấy vui và bằng lòng với hiện tại khi thấm nhuần với mọi điên đảo của cuộc đời hơn, nghĩ về mọi việc đơn giản hơn, thích sự giản dị hơn đến tối đa, ngay cả việc ăn uống cũng không ngoại lệ. Chẳng biết có phải do sự vận động thân thể gây nên dễ mệt mỏi thành ra ... lười hơn, việc dọn dẹp nhà cửa chẳng còn siêng năng như xưa nữa, mọi việc cần sử dụng chút sức lực thì ... hãy đợi đấy!
Riêng về người anh em (chân tay như thể anh em) đã dần phản bội lại mình, đi đứng đã có phần phải chậm chạp hơn. Cũng vì đôi chân bướng bỉnh chẳng chiều theo ý muốn. Những cơn đau nhức khó chịu luôn làm trở ngại cho mỗi bước đi, cố gắng để thẳng người nhưng vẫn dè dặt chân thấp chân cao như bị tật bẩm sinh. Đành phải phớt lờ cuộc đời, cứ tỏ ra hãnh diện ngẩng cao mặt mà chậm rãi... lết đi từng bước một, trong lòng thầm nghĩ kệ cho ai trông thấy sẽ nghĩ mình..đài các nên có dáng đi khoan thai! Thêm một cái Hơn vào bộ sưu tập!

Tôi tự hỏi, hình như sự suy nghĩ có chút sân si, sao mình được nhiều thứ HƠN thế nhỉ, có cái gì THUA không?

Nói về Trí não thì đành phải chào THUA, “Đất không chịu trời thì trời đành chịu đất” thôi, hay nói theo một số người là “Đành sống với lũ...”. Mọi thứ trong đầu óc như màn ảnh liên tục luân chuyển không ngừng từ chuyện này sang chuyện khác khó tập trung. Việc nhớ nhớ, quên quên là chuyện thường tình.. ở huyện.

Ôi chao! Còn nữa và nhiều thứ THUA nữa mà hiện giờ tôi lại không nhớ nổi.

Phần lục phủ ngũ tạng bắt đầu xuống cấp, nhất là con tim non nớt bé nhỏ của tôi đôi lúc cứ tùy tiện nhảy chồm lên như muốn tranh đua giải khiêu vũ nào đó, ngay cả khi đang nằm yên lặng. Quái gỡ như thế đó! Không biết ngày xưa các bạn đang yêu hay khi đứng cạnh người yêu .. "rấu" có thường bị chứng bịnh này không, tôi thì thật tình chưa có kinh nghiệm nên lại cứ phải tìm đến bác sĩ để được “Trả Lời Một Câu Hỏi” (Mượn tựa một bài hát của NS Trúc Phương).

Còn tinh thần, hình như từ từ trầm xuống dưới một cung bậc gần như thấp nhất, lắng đọng và đa cảm hơn. Thời gian này tôi hay nghĩ về hai chữ “Ngày xưa”, chuyện cũ trở về sống động hơn bao giờ hết. Những chuyện xảy ra đã mấy chục năm, tưởng chừng đã trôi vào quên lãng bây giờ lại hiển hiện từng chi tiết rõ ràng trước mắt. Buồn có vui có, và nhiều cảm xúc trào dâng... Xin được dùng và sửa mấy câu trong bài hát của TCS để diễn tả cho đúng tâm trạng trong tôi.

“Tưởng rằng đã quên, cuộc đời sẽ yên.
Tưởng rằng đã quên nhưng tim yếu mềm
Chuyện đời nhớ thêm làm từng vết thương hồn nhiên...

Chỉ là vết thương hồn nhiên thôi nhé. Tuy nhiên tất cả cũng thoáng qua nhanh, vì có nhớ gì lâu được đâu! Lắm khi thơ thẩn, nhìn những đứa cháu bỗng giật mình, chúng đã là thanh niên thiếu nữ từ bao giờ...Đúng là thời gian nào có chờ đợi ai. Ôi! “Mới đó mà...”! Vâng, cứ tự nhiên ngẩn ngơ trong hồi tưởng, chỉ mới đó thôi mà!

Thế mới biết đời người hóa ra thật hữu hạn! Nghĩ đến những ngày sắp tới tưởng chừng còn lâu lắm mới đến, khi nhìn lại mới biết thời gian trôi quá nhanh. Chẳng thế mà triết gia Trang Tử viết:
“Nhân sinh thiên địa chi gian,
nhược bạch câu chi quá khích”,
“đời người trong trời đất cũng như ngựa câu trắng chạy qua khe hở” Người xưa dùng hình ảnh này để ví von cho tốc độ của bước đi thời gian.

Ca dao của Việt Nam lại có câu:
- "Thì giờ ngựa chạy tên bay,
Nó đi đi mãi không chờ đợi ai…"
- "Đời người như bóng câu qua cửa sổ" (Thành ngữ).

Không biết có ai giống như tôi, phải chăng mình già rồi nên thêm cái tật hay nói nhiều, thích nhắc hoài về một chuyện hay tại quên rằng mình đã nói nhiều lần rồi mà không nhớ? Điều này khiến con tôi đã phải thắc mắc:

"Mẹ ơi, sao dạo này mẹ nói nhiều thế." hay:
"Chuyện này mẹ đã kể cho chúng con nghe hàng mấy trăm lần đến thuộc lòng hết cả rồi" .
"Ủa lạ ghê, sao chuyện mới nói xong mà mẹ quên nhanh vậy, còn chuyện xưa mấy chục năm mà mẹ nhớ rõ từng chi tiết?".
Người mẹ như tôi đành thộn mặt ra ngẫm nghĩ, càng nghĩ càng ngớ ngẩn rồi cười trừ: “Thế hả, vậy sao!”
Tôi đành tự nhủ: “Thôi, kệ nó đi”! Vâng, không kệ thì ... làm gì được nhau đây, phải không quý anh chị em?

Còn khi họp bạn, nhất là bạn học hay những người từng quen biết thân thiết lâu năm, cái chuyện từ năm nảo năm nào thì hình như ai cũng mắc vào tật say mê nhắc lại những kỷ niệm có chung với nhau. Đa số câu chuyện mỗi lần gặp gỡ đều kể lể thế mà mọi người đều hào hứng nói và nghe như câu chuyện mới toanh! Tiếng gọi nhau “Mày tao” cứ thoải mái như thời còn “trẻ trâu”, mọi người ồn ào như chợ Tết vì đều tranh nhau để được nói. Ôi! Vui thật chứ phải giả đâu, để khi chia tay lại mong ngóng cái hẹn lần tới mau mau đến!

Suy đi nghĩ lại, có thể chúng ta cũng còn một thời gian dài nữa mới đi hết đoạn đường trần. Tôi đã tự hỏi, nếu thế nên sống ra sao để thanh thản mà bước tiếp? Chúng ta có cần phải tự điều chỉnh cách sống, không phải chỉ để sống lâu, mà sống sao cho vui vẻ với một sức khỏe tương đối để không làm phiền đến ... các Bác sĩ và nhất là con cháu mình không? Chúng ta còn một khoảng thời gian để thực hiện những điều mong muốn, hoặc làm những điều bất chợt nảy ra ý muốn, trước khi sẽ được “Buồng đào khuya sớm thảnh thơi... Ra vào một mực nói cười như không” (câu 1565,1566 trong Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du).

Tôi đọc được một bài báo cho biết ở Hy Lạp, một xứ sở được gọi là “Thần Chết bỏ quên”. Đa số người dân Ikaria đã sống khỏe mạnh ít nhất trên 80 tuổi trở lên. Họ chia sẻ bí quyết giúp cho cuộc sống của họ luôn vui vẻ, khỏe mạnh và trường thọ.

1/ Cây nhà lá vườn: ăn nhiều rau trái nếu có sẵn trong vườn càng tốt, không ăn thức ăn chế biến sẵn.
2/ Đi bộ, luôn vận động.
3/ Ngủ nhiều: Không chỉ ban đêm. Giấc ngủ trưa sẽ cho thân thể chúng ta thêm năng lượng.
4/ Sống chậm: Không quan tâm đến giờ giấc, không có khái niệm giờ giấc.
5/ Để gió cuốn đi: sống tự nhiên thoải mái, không cố chấp và dễ tha thứ.
6/ Nếu mắc bệnh nhẹ: Tự điều trị hay để cơ thể tự hồi phục.

Đấy, với những “bí quyết” đơn giản này, chắc không khó thực hiện đối với tất cả mọi người. Việt Nam có nhiều câu được coi là châm ngôn trong cuốn “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” của ông Nguyễn Hiến Lê dịch (How To Stop Worrying And Start Living của Dale Carnegie). Hầu hết chúng ta đã đọc và có quyền hy vọng phải không các anh chị hoặc các bạn “Còn trẻ”?. Chúng ta cần sống tiếp, sống khỏe, sống vui phải không ạ?

Thân chúc quý anh chị em luôn thân tâm an lạc, hạnh phúc trong một tâm hồn trẻ trung tràn đầy lạc quan.

Nhã Giang Thu Tâm.

TỰ TÌNH!
Ông trời cắc cớ cợt đùa,
Hợp cùng năm tháng về hùa trêu ngươi.
Đã sinh ra kiếp con người,
Trăm năm là mấy, nửa đời ngổn ngang.
Đang thời sớm tối dọc ngang,
Bỗng dưng thành kẻ mơ màng chiều lên.
Nhìn người quen...chẳng nhớ tên.
Đường đi mòn gót, xuống lên lạc hoài.
Phải dốt nên không thuộc bài?
Kiếng lão trên mắt... thở dài: mất đâu?.
Tay cầm chìa khóa cả xâu,
Tay kia lục lọi hồi lâu, bực mình!
Muốn brake, đạp gas thật tình,
Số Drive đùa giỡn rủ mình nhấn Ze (Reverse).
Đầu đuôi méo mó cùng khoe,
Nay sửa mai đắp, chủ, xe mệt nhoài.
Anh hùng xa lộ đại tài,
Đôi bạn cùng chạy đường dài ngược xuôi.
Giật mình chợt nhớ, chết thôi!
Đi đâu chẳng biết, đành lôi thân về...
Suốt ngày ấm ớ hội tề,
Nói năng lẩm cẩm, lề mề ngu ngơ.
Chuyện xưa sáng suốt, tỉnh bơ,
Chuyện nay hờ hững, lửng lơ cá vàng.
Cuộc đời chưa đến cuối trang,
Bao giờ Chúa gọi, thênh thang mới đành!


Nhã Giang Thu Tâm
(Tháng 6-2022)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét