When I was just a little girl
I asked my mother, what will I be
Will I be pretty
Will I be rich
Here's what she said to me
Que sera, sera
Whatever will be, will be
The future's not ours to see
Que sera, sera
What will be, will be
Tuổi thần tiên của tôi đang hồn nhiên và trong suốt như pha
lê. Bỗng một ngày, viên pha lê bị
vẩn đục khi bất ngờ người cha thân yêu qua đời trong năm cuối bậc Trung Học đệ
nhất cấp của tôi. Ngay lúc đó, bài hát (Whatever Will Be, Will Be) lại được
nghe đã gây cho tôi nhiều cảm xúc. Từ đây cuộc đời học trò của tôi thôi yên ổn và
không còn vui đùa thoải mái như các bạn đồng trang lứa. Trong nội tâm của cô con
gái nhỏ đã nhen nhúm một nỗi buồn sâu kín, ánh mắt đã biết suy tư thầm lặng. Lúc
nào tôi cũng chỉ muốn lặng lẽ ẩn mình vào góc vắng để che giấu những giọt lệ
khóc thầm thương nhớ người cha đáng kính và tủi cho thân mình. Nào ai biết tương
lai sẽ ra sao, nhất là những đứa con mồ côi cha như chúng tôi. Tôi không còn ngây
thơ tìm mẹ hỏi những câu “What will I be”
hay “Will I be pretty, Will I be rich” để nghe mẹ trả lời “The future’s not ours to see”.
Suốt quãng đời sau đó của thời áo trắng, Saigon là cả một trang thơ ghi dấu tuổi mộng mơ của tôi. Có chút thời gian rảnh rỗi nào, cô bạn thân đồng cảnh ngộ và tôi cùng rủ nhau lang thang trên phố dưới những tàn cây cổ thụ cao tít tắp với bóng mát phủ ngập con đường thưa vắng. Chúng tôi thỏa mãn trong giải trí đơn sơ êm ả, chúng tôi không có nhu cầu mua sắm quần áo giày dép, càng không biết cầu kỳ điểm trang. Chỉ cần có chút tiền đổ xăng và dùng mua ly nước mía uống khi khát, thỉnh thoảng hai đứa lại chở nhau trên chiếc Honda Dame đã cũ mèm chạy chầm chậm trên các con đường mát rượi bóng râm. Lâu lâu Ngọc Sương bạn tôi mượn được chiếc máy hình cũ kỹ của ông anh mang theo, dừng xe đây đó trước cảnh đẹp, hai đứa thay phiên tập làm phó nhòm chụp cho nhau. Thế là đủ để vui hết một buổi gọi là ... đi chơi.
Những ngày đầu Hạ để lại trong ký ức tôi mãi không phai mờ.
Cuối tháng Ba, những cây phượng vĩ bắt đầu trổ bông chuẩn bị tô điểm sắc đỏ thắm
trên nền trời, báo hiệu ngày hè sắp đến. Từng cơn gió ồn ào về thổi mạnh cho cây
lá cành xôn xao, xôn xao như trong lòng các cô cậu học trò khi sắp đến mùa thi
cuối cùng trước lúc chia tay nhau 3 tháng hè. Saigon không như những thành phố miền
Trung sùi sụt mưa rơi bão lụt hằng năm vào mùa Hạ, Saigon vẫn luôn hiếm hoi có mưa, hoặc chỉ là
thỉnh thoảng có vài cơn mưa rào chợt đến chợt đi đến nỗi chưa kịp thấm ướt mặt
đường. Lúc này cũng là mùa cây dầu bắt đầu rụng trái. Từng chùm trái dầu khô xoay
xoay theo cơn gió như những chiếc chong chóng bay tỏa đi và đáp xuống lả chả khắp
nơi. Hai đứa chúng tôi thích thú được dịp đi dưới cơn mưa trái dầu bay, cho tóc
và hai tà áo trắng vờn lượn và được từng trái dầu khô tha hồ ve vuốt.
Ôi yêu biết mấy những con đường mang dấu chân kỷ niệm! Chẳng có sách vở nào chép hết nổi những thú
vui của tuổi học trò, dẫu chỉ là những
trò ngớ ngẩn không giống ai. Nhưng đúng là “The future’s not ours to see”, vì không đứa nào đoán được những
ngày vui luôn qua mau, bất ngờ chúng tôi đã mỗi đứa một số phận phải đành
xa nhau. Rồi thời thế thay đổi, những người chồng đã chịu chung cơn hoạn nạn khắc
nghiệt của thời cuộc trái ngang. Người trong người ngoài, kẻ Nam người Bắc, cả vợ
chồng con cái đều kham khổ lao đao như nhau. Quẩn quanh với cuộc sống và tìm miếng
ăn cho gia đình đã là cả một sự khó khăn nhọc nhằn rơi nước mắt. Ngọc Sương và
tôi thỉnh thoảng gặp để nhìn nhau câm lặng trong thân thể xác xơ với ánh mắt
khô héo buồn rười rượi và nụ cười nửa miệng chênh vênh....
Bây giờ giật mình nghĩ lại, mới đó thôi mà bạn tôi đã rời
bỏ thế gian đúng bốn mươi năm rồi. Hồn bạn đã theo gió theo mây bềnh bồng bay
khắp bốn phương trời như ước nguyện năm nào chưa thỏa. Ngày xưa bạn đã mong được
làm nữ tiếp viên Hàng Không vì từng yêu tha thiết cảm giác bềnh bồng giữa bầu
trời bao la đầy mây trắng lượn lờ, nhưng mộng đã không thành. Sau đó chuyển qua
yêu biển nước mênh mông với sóng vỗ rì rào vì ước được lênh đênh đến khắp các vùng
trời xa xôi, nàng lấy chồng Hải Quân. Cuối cùng cả gia đình vợ chồng con cái, cùng
2 người em phải bỏ thây dưới lòng đại dương xanh thẳm vì đi tìm hai chữ Tự Do. Chua
xót quá, ông Trời luôn trêu ghẹo và thử thách những con người bé nhỏ yếu đuối.
Có mấy ai đạt được ước mơ khi đời toàn là ngang trái với khổ đau.
Trách gì đây, đất nước thay tên nên mọi sự đều đổi khác.
Con người cũng theo thời thế mà quay mòng mòng với sự sống cùng cõi chết. Hiện
nay con đường Paster, Duy Tân với hàng cây cổ thụ quý giá cao ngất ngập bóng
mát ngày ấy có còn không, hay đã bị xẻ làm trăm ngàn mảnh đưa về tư dinh những ông
to bà lớn làm đồ trưng bày, hoặc đem đi trao đổi bán mua làm lợi cho cá nhân? Còn
hàng vạn con đường nữa trên khắp miền Nam Việt Nam đã đổi tên, có ai còn nhớ đến?
Sau bao nhiêu năm, tôi vẫn không thể nhớ nổi tên đường mới, nghe thật lạ lùng
và ngược ngạo làm sao!. Tôi đã cách xa ngàn trùng và cảm thấy lạ với nơi xưa chốn
cũ ấy từ lâu, nên chỉ muốn nhớ và nghĩ đến những tên đường thân quen ngày nào,
những con đường đã đi vào nhạc vào thơ mà bọn học trò chúng tôi từng thuộc nằm
lòng:
Trả
lại em yêu, khung trời Đại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
(Phạm Duy)
Từ nơi xa xôi nhớ về chốn cũ, đôi khi tôi lẩm cẩm tự hỏi
mình. Không biết trái dầu có còn rụng vào những ngày sang Hạ, hay đã thay đổi thời
gian theo tên đường? Chắc ngày nay chẳng có cô cậu học trò nào lại khờ dại thích
những trò chơi đơn sơ ngớ ngẩn như chúng tôi của nửa thế kỷ trước đâu nhỉ!. Nền
văn minh tân tiến và sự tôn thờ vật chất luôn đi kèm với những thú vui hào
nhoáng cao sang. Học trò thời xưa hiền hòa và đơn giản, có lòng hiếu đễ, thương
người và biết kính Thầy yêu bạn. Bây giờ câu “Tiên Học lễ Hậu Học Văn” đã không
còn được xem trọng trong nhà trường. Sự hào nhoáng bên ngoài và đồng tiền được lấy
làm thước đo cho “Đẳng cấp” ở mọi môi trường. Đạo đức và lễ nghĩa hầu như bị quên
lãng từ gia đình, xã hội đến trường lớp. Biết nói gì đây! Ôi thương cho nước Việt
của tôi, buồn...
Gần
năm mươi năm rời bỏ đời học sinh, trải qua biết bao nhiêu dời đổi đoạn trường...
Dẫu chẳng còn một tinh thần minh mẫn như xưa để học hỏi những gì ở hiện tại, tôi
vẫn còn nguyên vẹn một tâm hồn rung cảm trước thiên nhiên và ngập tràn cảm xúc
với những ký ức thân thương. Nhất là khi tuổi tác càng cao, kỷ niệm của tuổi cắp
sách càng trở về rõ rệt hơn lúc nào. Cha mẹ, anh em, sân trường, Thầy cô, bạn hữu,
ngay cả những con đường thân quen cũng đã thành dĩ vãng xa xôi... Những buổi chiều có nắng nhạt và giữa không
gian lành lạnh, tôi luôn hồi tưởng với nỗi buồn miên man, niềm thương nhớ ngập
cả tâm tư. Đành
thôi, bầu trời luôn bao la mà bàn tay ta quá bé nhỏ làm sao níu giữ được, ngậm
ngùi... “Que sera, sera. What will be, will be”!
Bây
giờ là cuối tháng Ba, lại nhớ đến trái dầu xoay xoay trong gió, nhớ con đường
ngập xác trái dầu khô kêu xào xạc theo bàn chân dẫm đạp lên, nhớ người bạn thân
hiền lành vắn số có đôi mắt thật to với hai hàng mi cong vút nhưng vời vợi nỗi
buồn ẩn sâu ... Làm sao giữ lại cho tôi vùng trời kỷ niệm để tôi được trở về ngày
tháng ngọt ngào xa xưa ...
I asked my mother, what will I be
Will I be pretty
Will I be rich
Here's what she said to me
Que sera, sera
Whatever will be, will be
The future's not ours to see
Que sera, sera
What will be, will be
Suốt quãng đời sau đó của thời áo trắng, Saigon là cả một trang thơ ghi dấu tuổi mộng mơ của tôi. Có chút thời gian rảnh rỗi nào, cô bạn thân đồng cảnh ngộ và tôi cùng rủ nhau lang thang trên phố dưới những tàn cây cổ thụ cao tít tắp với bóng mát phủ ngập con đường thưa vắng. Chúng tôi thỏa mãn trong giải trí đơn sơ êm ả, chúng tôi không có nhu cầu mua sắm quần áo giày dép, càng không biết cầu kỳ điểm trang. Chỉ cần có chút tiền đổ xăng và dùng mua ly nước mía uống khi khát, thỉnh thoảng hai đứa lại chở nhau trên chiếc Honda Dame đã cũ mèm chạy chầm chậm trên các con đường mát rượi bóng râm. Lâu lâu Ngọc Sương bạn tôi mượn được chiếc máy hình cũ kỹ của ông anh mang theo, dừng xe đây đó trước cảnh đẹp, hai đứa thay phiên tập làm phó nhòm chụp cho nhau. Thế là đủ để vui hết một buổi gọi là ... đi chơi.
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
(Phạm Duy)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét