NGƯỜI ĐÃ ĐI RỒI
Hàng ngày, hơn 1 giờ sáng tan ca, tôi vội chạy xe vào Bệnh Viện trước khi trở về nhà. Bệnh viện nửa khuya vắng tanh, nơi quầy Front desk chỉ có 1 y tá trực đang lúi húi bên chiếc Computer. Giữa dãy hành lang trắng xóa lạnh ngắt, tôi lặng lẽ đi lướt qua đi thẳng vào khu phòng bệnh nhân đặc biệt.
Anh đã được chuyển vào nơi đây mấy ngày nay rồi. Đứng bên giường, tôi thẫn thờ nhìn tấm thân gầy nhom của chồng cuộn trong tấm mền mỏng, hai hai mắt anh nhắm chặt, hơi thở khó khăn trong chiếc Oxyzen Mask vang lên đứt quãng, xót xa. Tấm thân vạm vỡ cao lớn lúc trước gần 180 lbs nay theo từng ngày nằm khô héo dán sát dưới tấm nệm, chẳng thấy đâu... Tôi lặng lẽ khóc một lúc rồi nhè nhẹ ra về vì vài tiếng nữa còn phải đi làm tiếp.
Lòng nặng trĩu nỗi buồn lo nên bệnh mất ngủ thường xuyên đến và thuốc ngủ với tôi quen thuộc kể từ đó. Tôi ép buộc mình phải chìm trong giấc miên man vài tiếng để có sức làm việc. Sức khỏe ngày một héo tàn qua những nhọc nhằn từ tinh thần đến thể xác suốt một thời gian dài, tôi biết nhưng vẫn phải quyết tâm cố đứng vững vì cả gia đình hiện thời chỉ có một mình tôi chống đỡ. Tôi không còn hận hay buồn nổi nữa, sự hận thù và căm ghét đám người đã khiến cho chồng tôi nên nông nỗi này bây giờ nhường chỗ cho những lo toan cuộc sống. Hơn tất cả, tôi còn là chỗ dựa cho 3 đứa con còn trong tuổi đến trường nữa mà.
Việc gì đến rồi phải đến. Ngày thứ Bảy được nghỉ làm tôi định sẽ đi chợ mua ít trái cây về để lên bàn thờ cúng Ông bà. Đêm qua vào thăm anh về khuya quá nên tôi ngủ muộn. Mới 4 giờ sáng vừa chợp mắt một chút thì nghe tiếng phone của chú em chồng gọi, chú đã giúp tôi vào chăm sóc anh gần 2 tuần nay:
- - Chị và các cháu vào gấp, anh trở bệnh nặng rồi.
Tôi giật mình thảng thốt, vô thức ngồi thừ ra vài phút cho đỡ chóng mặt rồi qua phòng bên cạnh đánh thức các con dậy. Bọn nhỏ đang ngái ngủ cũng choàng tỉnh, bốn mẹ con vội vàng âm thầm lên xe đi. Ngoài trời còn tối, đường xá chỉ có lác đác vài chiếc xe qua lại trong ánh sáng đèn mờ nhạt từ các cây xăng hay cửa hàng fast food dọc đường chiếu tới. Tôi lái xe như trong mơ hồ, không biết mình đang đưa các con đi đâu. Con đường suốt một thời gian rất quen thuộc đi lại hàng ngày, sao bây giờ xa lạ quá khiến tôi cứ quay trở đầu xe lại mấy lần khiến các con của tôi luôn miệng nhắc nhở.
Anh nằm bất động, đôi mắt mở trừng trừng, con ngươi trợn ngược rất ghê rợn. Toàn thân anh bây giờ chỉ có lồng ngực lép phập phồng lên xuống báo hiệu sự sống chỉ còn thoi thóp. Trong thanh vắng, tiếng thở của anh khó nhọc tỏa ra làn hơi làm mờ cả cái Mask trong veo quanh miệng, chiếc máy Ventilator trên đầu giường nhấp nháy, bình Infusion water (nước truyền dịch ) với chiếc giây treo lủng lẳng bên cạnh giường đang chậm chạp nhỏ từng giọt...Tôi như nghẹn thắt cả buồng tim. Thế này là thế nào, có ai nói cho tôi biết không? Trời ơi! Mới tối qua anh còn nằm cho tôi đút từng muỗng yến hầm đường phèn, còn tỉnh táo nói chuyện rõ ràng, còn dặn dò tôi đủ thứ chuyện cơ mà! Lúc ấy tôi còn đùa giỡn không chịu nghe, cứ bảo rằng:
- - Những việc giấy tờ là phần của anh mà, em đi làm cả ngày mệt lắm rồi đâu còn tâm trí và thì giờ nào mà nhớ đến nữa.
Anh cười buồn nhìn tôi trả lời nhẹ như hơi thở:
- - Anh đâu có muốn vậy, lỡ anh chết rồi thì sao, em phải tập làm quen với mọi việc đi chứ!.
Tôi cãi bừa:
- Không, em không cho anh chết đâu, anh mang mẹ con em sang đây thì nhiệm vụ của anh là phải lo cho tới cùng, sao có thể bỏ ngang được?.
Tôi nghe anh nói, âm thanh thều thào như tiếng vọng từ xa:
- - Anh đâu có muốn thế, em hãy cố lo cho các con thay anh.
Tôi nghẹn lời không còn nói được gì và mắt đã đỏ hoe. Hai mươi lăm năm qua, lần đầu tiên kể từ khi lấy nhau anh âu yếm cầm tay tôi vuốt nhẹ:
- -- Em lấy anh nên phải vất vả cả đời. Mai này nếu có ai thương lo cho em, cho con thì cứ đến với người ta, anh sẽ phù hộ cho em...
Tôi xúc động, chỉ biết khóc nấc lên:
- - Không đâu, em không muốn nghe những lời đó. Em không thấy khổ, anh càng khổ em càng theo, chỉ trừ khi nào anh chê bỏ em thì em mới đi khỏi anh thôi.
Anh thở dài không nói, chỉ đưa bàn tay yếu ớt lên lau nhẹ giòng nước mắt đang chảy nhòe ướt trên má tôi.
Chồng tôi xưa nay là người rất tiết kiệm lời nói yêu thương với vợ con. Tuy bề ngoài anh lúc nào cũng tỏ ra nghiêm khắc, khô khan nhưng tôi biết rất rõ bản tính của anh vô cùng mềm yếu, vô cùng tình cảm.
Những câu nói của anh vẫn còn bên tai tôi, mới mấy tiếng đồng hồ thôi, vậy mà bây giờ anh đã đi vào hôn mê và không bao giờ đối đáp được với vợ con hay bất cứ ai nữa rồi sao? Đôi mắt anh không còn nhìn được hình ảnh của vợ con nữa! Tôi không khóc mà sao nước mắt cứ đua nhau rơi, và tim tôi như lỗi từng nhịp đập. Hụt hẫng, nhói đau, nghẹt thở...
Tôi vừa khóc vừa vòng tay qua ôm xiết lấy một thể xác bất động, cảm giác bàn tay anh đã lạnh giá vô cảm khiến tôi hoảng hốt. Tôi nhắm mắt thầm thì bên tai anh những lời yêu thương chưa từng nói. Không biết bao lâu... tiếng đứa con nhỏ reo lên đột ngột khiến tôi giật mình mở mắt ra nhìn.
- -- Mẹ ơi, bố khóc kìa!
Ồ, đúng thế, hai bên khóe mắt của anh đang từ từ lăn dài đôi giòng lệ nóng hổi. Các con tôi cũng lại gần ôm lấy cha khóc lên rưng rức trong tiếng gọi:
- -- Bố ơi!
Khuôn mặt không biểu lộ nhưng anh tiếp tục chảy nước mắt và mẹ con tôi vẫn nức nở nghẹn ngào. Anh đang nghe và nhận thức được tất cả, chỉ là không nói thôi phải không? Làn da anh bây giờ tái xám, khô khốc. Miệng anh vẫn há ra cố gắng thở những hơi thở mệt nhọc đứt quãng. Cứ thế anh lịm dần đi cho đến giữa trưa thì bất động hoàn toàn. Cơ thể dần lạnh toát từ chân ngược lên, chồng tôi đã thật sự rời xa thế gian, bỏ lại mẹ con tôi bơ vơ nơi xứ người này rồi! Hồi kinh cầu siêu cho anh tôi đọc trong tiếng nấc nghẹn... Nước mắt tôi đã khô cạn và cổ họng cũng đau rát nên giọng nói phát ra khó khăn.
Trong vô thức, tôi đã tiễn đưa anh và trở về ngôi nhà còn đầy ắp hình ảnh thân yêu với đầu óc mơ hồ. Hình như tôi đã gục ngã từ lúc nào không còn biết gì nữa. Mấy đứa con ngơ ngác như rắn mất đầu, tất cả bên tôi đều nhờ mấy người bạn và chú em chồng. Mặc dù đã đoán biết trước có ngày này, tôi vẫn không gượng dậy nổi suốt 6 tháng trời.
Bác sĩ trách móc, sao để đến nỗi suy nhược cả thể xác, suy nhược thần kinh trầm trọng đến thế?. Ôi! tôi biết làm sao, tôi đã cố hết sức mình trong suốt thời gian anh ở trong lao ngục, cứ vài tháng lại ôm con lặn lội hết khu rừng này đến vùng hẻo lánh xa xôi kia đến thăm chồng, dù quà chỉ là một bao nhỏ đựng ít ỏi số lương thực rẻ tiền. Ngày anh ra tù, tôi cũng cố gắng lo sinh kế để cho chồng không phải đạp xích lô như một số bạn của anh. Tôi làm cật lực không kể thân còm cõi để các con tôi có miếng ăn tạm đầy đủ, ngày lễ Tết được tấm áo tấm quần lành lặn.
Ngày còn sống, mẹ tôi thường xót xa nhìn tôi mà mắng khẽ vì sợ chồng tôi nghe thấy:
- Mày làm để chết hả con, đến già rồi mới kiêng cử thì muộn rồi. Lúc đó ai sẽ gánh hộ cho cái đau đớn dằn vặt thân xác?
Tôi vẫn cười trừ và lăn vào công việc, sinh con có 1 tuần lại tất bật làm. Khi rời xa được nơi nhà tù lớn ấy, chúng tôi sung sướng và hân hoan. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau tôi lại cố gắng chạy đua với 2 job fulltime từ 8 sáng này tới 1 giờ sáng hôm sau. Làm quên cả đi khám bệnh định kỳ dù cho thân thể cũng không khỏe mấy.
Ngay cả một buổi sớm vừa ra khỏi nhà để đi làm đã bị tuyết đóng băng trên đường trơn trợt, tôi ngã đập đầu và lưng trên mặt đường lạnh cóng cứng ngắc. Thân thể đau điếng không nhúc nhích được, nằm một lúc cho đỡ đau rồi lại lên xe lái đi đến chỗ làm như không có chuyện gì xảy ra. Cho đến bây giờ tôi vẫn để mọi chuyện riêng một mình mình biết, không hề nhắc đến việc này với các con.
Tôi chăm chỉ và hết lòng thương yêu gia đình, tôi cố gắng chăm sóc cho chồng con trong số thời gian ít ỏi không bận việc làm, vậy mà sao cuối cùng vẫn không giữ được chồng. Vì thế tôi giận mình, giận cái dở không biết giữ cho các con một người cha...
Ánh mắt u buồn từ trên trang thờ nhìn xuống khiến lòng tôi chùng hẳn lại. Tôi đã sống thêm hai mươi lăm năm và anh vẫn đứng lại không chút đổi thay. So sánh để nhận ra mình đã già hơn anh rất nhiều, thời gian không bao giờ còn ảnh hưởng được đến nét trẻ trung cương nghị của anh nữa rồi. Thế đó mà ngày xưa bên anh, tôi chỉ như cô bé con luôn phải bước vội vàng theo sau anh mỗi lần đi đâu. Chân anh dài còn tôi thì bé xíu, bước đi của người quân nhân đâu thể nào chậm, thế nên tôi cứ lúp xúp chạy để được ngang hàng...
Anh đi rồi nên tôi thấy mình ngơ ngác giữa đời. Nơi đây, ngoài bộn bề công việc kiếm sống nuôi con, tôi chẳng còn ai ruột thịt, không họ hàng thân thích. Tôi bơ vơ thật sự, tôi ngơ ngác trước những đường xá lạ lẫm ngoằn nghoèo, trước giòng đời vội vã đua chen. Trái tim tôi luôn đập nhịp hoảng loạn, tinh thần bất an lo sợ ngay cả những lúc đang lái xe trên đường đi làm khiến nhiều Accident xảy đến. Sau đó, tôi đành chỉ biết vùi đầu vào công việc để không còn thì giờ nghĩ ngợi buồn rầu. Cố gắng để trí óc không còn giây phút nào giành cho lo lắng suy tư.
Từ lâu tôi đã tập cho mình biết nhận chịu mọi hoàn cảnh không buồn phiền, trách cứ. Bao nhiêu tai nạn đã qua, tôi gục ngã và nhiều lần gượng dậy trong âm thầm không có một người nâng đỡ. Bề ngoài cố gắng tỏ ra lý trí, cứng cỏi, ai biết được trong sâu thẳm tâm hồn tôi hiểu rõ mình rất sợ, rất run và thường đêm đêm mất ngủ, nước mắt vẫn lặng thầm rơi rơi cảm thương cho chính mình. Nhất là từ khi các con lớn khôn và lần hồi chấp cánh bay đi hết.
Tôi tự khép kín tâm hồn, đóng cửa tìm cho mình nỗi an ủi ở kỷ niệm. Quá khứ luôn phảng phất làm ấm áp tâm hồn tôi trong những đêm Đông lạnh. Tôi ích kỷ chỉ muốn anh ở mãi bên cạnh để che chở cho mình. Tôi lại muốn được chạy lúp xúp theo sau anh, điều mà ngày xưa tôi đã từng. Tất cả còn đâu nữa, người đã đi rồi!
Nhã Giang Thu Tâm.
25 năm Ngày giỗ anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét