TẤM LÒNG NGƯỜI VỢ LÍNH
Phương Hoa
Trời hôm nay trong xanh, nắng tháng Mười vùng
Thung Lũng Hoa Vàng vẫn còn đẹp rực rỡ. Những tia nắng ấm áp nương làn gió nhẹ
tạt vào mái hiên của hội trường Yerba Buena High School, mơn man lên những tà
áo dài Việt Nam đủ màu đủ sắc thướt tha bay bay theo bước chân uyển chuyển trên
những đôi giày cao gót của các bà các cô ra vô nhộn nhịp. Hội trường rộng lớn,
nhưng quan cũng khách khá đông, ai nấy đều ăn mặc đẹp đẽ chỉnh tề, những bộ
quân phục thẳng tắp của các cựu quân nhân VNCH, những bộ lễ phục, và những tà
áo dài Việt Nam càng làm cho khung cảnh tăng thêm phần trang trọng.
Nhã Giang Thu Tâm bên chồng sách cùng các bạn Văn thi sĩ,
Phương Hoa, Đỗ Dung, Kim Phú, Minh Thúy, Thu Tâm, cô con dâu và cháu nội
Chị đứng đó, gần cửa ra vào, bên cạnh chiếc bàn
chất đầy các tập sách “Những Người Bất Tử,” “Trường Thi VNCH Anh Hùng,” và các
đĩa CD, bận rộn tay bút miệt mài ký tên không ngừng nghỉ, hết người này tiếp
đến người khác đang sắp hàng chờ đợi. Áo dài vàng ánh màu hoa cúc, mái tóc hơi
quăn uốn lượn trên bờ vai, khuôn mặt thật xinh tươi với nụ cười rạng ngời mỗi khi
ký xong và trao sách cho các thân hữu. Chị, nhà văn nữ “gốc Bắc Kỳ,” có cái bút
hiệu hơi dài, Nhã Giang Thu Tâm (NG TT), chắc là đang hạnh phúc lắm. Nhìn vẻ
đẹp thanh nhã và ung dung tự tại của chị, có lẽ không phải độc giả nào cũng
biết, để có được ngày hôm nay, bóng hồng kia đã phải vượt qua biết bao nhiêu là
sóng gió.
Nhã Giang Thu Tâm
Đứng chờ đến lượt mình, tôi quan sát cái cảnh
đồng hương hào hứng đón nhận tác phẩm mới từ một đồng hương, mà lòng thật sự
xúc động. Không phải vì chị NG Thu Tâm là vợ cựu quân nhân VNCH nên chị được
nhiều người yêu mến, mà là do chính bản thân chị đã tao ra và gặt hái, thu lượm
được những tình cảm này. Chị có một cái tiểu sử thật ly kỳ, những gì chị đã
trải qua ở quê hương Việt Nam sau 1975 đã “kinh hoàng” bao nhiêu, thì những gì
chị làm từ khi đặt chân lên đất Mỹ cho đến nay, gần 30 năm qua, lại còn quá sức
tưởng tượng, gần như là “huyền thoại.”
Tôi và các chị bạn trong nhóm thơ văn thường nói
với nhau, không biết chị NGTT có “ba đầu sáu tay” hay sao mà chị có thể làm
việc tới cỡ đó, nhất là những việc giúp phục vụ cộng đồng. Người ta thường nói,
“Được cái này thì mất cái kia,” nhưng chị Thu Tâm trong mắt nhóm bạn chúng tôi
thì chị dường như...được tất! Ngoài tài viết văn, làm thơ ra, chị còn hát rất
hay, giọng chị ngọt ngào trầm ấm giống Thanh Lan; chị ngâm thơ Tao Đàn thì cũng
gần..đuổi kịp nghệ sĩ Hồng Vân nổi tiếng; chị còn biết làm MC, tổ chức các sự
kiện, dàn dựng kịch, và cả sáng tác nhạc. Chị luôn luôn bận tối mặt tắt mũi,
bạn bè chúng tôi muốn liên lạc chị thiệt còn khó hơn... gặp thống đốc tiểu
bang! Gót chân chị dẫm khắp thành phố San Jose và các vùng phụ cận. Khi thì đi
phụ giúp tổ chức các buổi hội họp, gây quỹ cho các hội đoàn, khi thì đi làm MC,
rồi trình diễn văn nghệ... Nhất là các hội đoàn cựu chiến binh VNCH, mỗi khi họ
có việc họp mặt hay những sự kiện kỷ niệm gì là chị đều có mặt để giúp sức.
Không ai có thể quên được hình ảnh chị duyên dáng nhưng oai phong trong bộ quân
phục của quân đội VNCH mỗi khi chị xuất hiện trên sân khấu, là một MC, một ca
sĩ, hoặc là nghệ sĩ ngâm thơ… Nhiều lúc nhìn những tấm hình mặc quân phục của
chị, tôi lại lẩn thẩn nghĩ chắc là chị đang “mặc dùm” cho người chồng quá cố
của chị mà đúng ra nếu anh không ra đi thì giờ đây anh đã cùng chị sóng bước
trong các sinh hoạt của những cựu quân nhân trên đất Mỹ này. Cái tâm “yêu
lính” của chị có lẽ bắt nguồn vì chị từng học trường Quốc Gia Nghĩa Tử, và vì
cha và chồng chị đều từng là sĩ quan trong QLVNCH.
Thật là thú vị và cảm động, chủ đề sách ra mắt
của chị NG Thu Tâm hôm nay là “Người Lính và Quê Hương” và sân khấu thì lại
được trang hoàng rất đậm sắc…nhà binh. Một bàn thờ Tổ Quốc đầy đủ đèn hương với
lá đại kỳ VNCH được đặt trân trọng chính giữa; bàn bên cạnh, một vòng hoa hình chữ
nhật được tạo hình cờ Vàng Ba Sọc Đỏ có miếng băng rôn “Tổ Quố Ghi Ơn” đặt trên
giá, và kế đến là hình bức tượng Tiếc Thương của người lính VNCH ngồi ôm súng.
Tôi đoán chắc đây là ý kiến của tác giả, nhưng công sức để hoàn thành cái khán
đài đơn giản nhưng trang trọng và đầy ý nghĩa này thì có lẽ đến từ những vị cựu
quân nhân Sĩ Quan Trừ Bị và Thủy Quân Lục Chiến bạn chị đang lăng xăng chộn rộn
phía đàng sau khán đài.
Buổi lễ bắt đầu cũng rất uy nghi bằng lễ chào
quốc kỳ VNCH và chào cờ Mỹ. Trên khán đài, ngoài tác giả NG Thu Tâm đứng giữa,
bên phải là một hàng dài các cựu quân nhân QLVNCH trong quân phục đứng thẳng
tắp đưa tay chào ngang trán, bên trái cũng một hàng các người đẹp áo dài trắng
cùng cất cao giọng hát hùng hồn chào cờ VNCH. Khi đến phút mặc niệm để tưởng
nhớ công ơn các tử sĩ và tiền nhân, trong sự tỉnh lặng và trang nghiêm, mọi
người lắng nghe từng chữ từng lời giọng đọc xúc động của tác giả NG Thu Tâm,
những lời biết ơn và ca tụng những người đã khuất, quân dân cán chính VNCH và
quân đội đồng minh Hoa Kỳ đã từng sát cánh chiến đấu cho hai chữ Tự Do. Kế đến
là nghệ sĩ Bích Loan ngâm lên khúc Chiêu Hồn
Tử Sĩ nghe não nùng ai oán, làm cho mọi người gần như nín thở.
Bầu không khí thật thân tình và ấm áp, sau khi
tác giả Nhã Giang Thu Tâm lên nói lời cảm ơn bạn bè thân hữu đã đến chia sẻ
niềm vui cùng chị, thì các tiết mục văn nghệ bắt đầu. Những người lính VNCH mặc
quân phục, súng lăm lăm trong tay, chạy ra sân khấu trong động tác tấn công và
tiếng súng nổ vang rền là màn phụ diễn rất hấp dẫn cho bài hát mà tác giả NG TT
trình diễn. Mọi người vỗ tay rầm rộ cả khán phòng.
Anh
Tô Phạm Thái, Chủ bút
báo KBC từ Nam Cali về đang
tặng chị Nhã Giang món quà
kỷ
niệm
Sau đó là chương trình văn nghệ giúp vui đặc
sắc. Chị Thu Tâm được rất nhiều cựu quân nhân QL VNCH, văn nghệ sĩ, và bạn bè
thân hữu đến ủng hộ phụ diễn văn nghệ, trong bầu không khí thật là sôi nổi vui
tươi. Mặc dù hôm nay tại thành phố San Jose có rất nhiều sự kiện, buổi RMS của
chị NG Thu Tâm coi như khá thành công.
Nhạc cảnh choàng vòng hoa cho các chiến sĩ VNCH
Trong tập sách chị NG Thu Tâm ra mắt hôm nay,
chị không dành hết để viết về mình. Trong gần hai trăm năm mươi trang sách, hơn
hai phần ba chị đặt vào đó tất cả tấm lòng của chị, của những gì chị đã bỏ công
sưu tầm, gom góp về QL VNCH. Còn lại một số trang rất khiêm nhường, chị viết về
cuộc đời đau thương của người chồng thất trận và vài câu chuyện khác. Phần lớn
trong quyển sách này, chị đưa vào rất nhiều thông tin về các binh chủng
Việt Nam Cộng Hòa ngày ấy, họ đã làm việc như thế nào, chiến đấu anh dũng ra
sao, và sự can trường quả cảm cùng lòng yêu nước vô vàn của họ, và họ đã tự sát
như thế nào, kể cả tự sát tập thể, để không chịu nhục sau ngày mất nước. Chị đã
tìm hiểu được nhiều thông tin quý giá, những thông tin trong quyển sách của chị
là những trang sử thật, rất thật, mà chị đã ghi lại cho hậu thế. Mấy chục năm
qua sau cuộc chiến, NG Thu Tâm vẫn canh cánh bên lòng niềm tin yêu đối với
QLVNCH, và điều này đã thúc giục chị viết để vinh danh “Những người bất tử.”
Đối với chị, những người lính VNCH đã hoàn thành xuất sắc với khẩu hiệu “Tổ
Quốc, Danh Dự, và Trách Nhiệm,” nên họ xứng đáng được nhớ đến mãi mãi. Xen lẫn
trong các bài viết, là những dòng thơ tràn đầy cảm xúc mà độc giả có thể nhận
ra chúng đến tự trong tim của tác giả. Thật buồn, thật nghẹn ngào, thổn thức,
khi đọc một trong các bài thơ của NG Thu Tâm, bài “Tôi Không Quên Anh.”
“Quê hương còn điêu linh
Người thơ còn thổn thức
Một thời cho chiến chinh
Một đời tim đau nhức…”
Và:
“Hỡi người trai đất Việt
Lính Việt Nam Cộng Hòa
Tên anh tôi đã viết
Trân trọng và thêu Hoa…”
(NG TT - Những Người Bất Tử - trang15-16)
Chị đã ‘điểm danh,” đã viết về những binh chủng
oai hùng của VNCH ngày trước, từ binh chủng Nhảy Dù với những Anh Hùng Mũ Đỏ và
về những cái chết tự sát hiên ngang trong tháng Tư 1975 ngày mất nước,
đến binh chủng “Thủy Quân Lục Chiến” với những chiến thắng vinh quang của
các tiểu đoàn anh dũng như “Trâu Điên,” “Mãnh Hổ,” “Ó Biển…” đến binh chủng
“Biệt Động Quân” tinh nhuệ cùng những chiến dịch thần tốc ngày ấy, rồi binh
chủng “Không Quân,” và “Hải Quân…” Thật là ngạc nhiên, trong quyển sách nhỏ
này, chị NGTT đã gom góp hầu hết các binh chủng ngày xưa của VNCH, hình như
không bỏ sót một thành phần nào, kể cả “Cảnh Sát,” những người lính “Xây Dựng
Nông Thôn,” và “Nữ Quân Nhân.”
“Nàng đã một lòng dâng hiến thân
Khoác lên trang phục Nữ Quân Nhân
Quyết tâm ước hẹn vì sông núi
Vượt khó, thuyền quyên chẳng ngại ngần
….
“Đọa đày muôn cảnh phận nữ nhi
Hành hạ, cùm gông có sá gì
Sỉ nhục đâu làm lung ý chí
Lòng lo con dại trước gian nguy.”
(NG TT - Nữ Nhi Nặng Gánh Sơn Hà – trang 103)
Tôi thật là cám ơn chị NG Thu Tâm đã cho ra đời
tác phẩm phải nói là vô giá này. Chính bản thân tôi, người đã từng chứng kiến
cảnh nước mất nhà tan, khi mất nước tôi cũng là người vợ lính, cũng bỏ chạy tứ
tán. Lâu nay tôi vẫn đọc đó đây trên báo chí những thông tin về việc nhiều quân
nhân Việt Nam Cộng Hòa đã hành xử rất anh hùng trong những ngày này. Nhưng thú
thực, cho đến bây giờ, sau khi đọc những bài viết của chị Thu Tâm, tôi mới biết
hết, hiểu hết, hiểu đầy đủ chi tiết về sự hào hùng, can đảm, và lòng bất khuất
của những vị tướng lãnh, sĩ quan, và binh sĩ, của tất cả các binh chủng QLVNCH,
đã thể hiện để tỏ lòng yêu nước, trung trinh với chính thể tự do. Nhiều người
đã chiến đấu đến giờ phút cuối, nhiều người đã tuẩn tiết một cách kiêu hùng,
anh dũng, cho nên họ đã rất xứng đáng, không hổ danh là con cháu cụ danh tướng
Lý Thường Kiệt với câu nói bất hủ “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm
vương đất Bắc” ghi trong sách sử ngày xưa. Những thông tin quý giá, những
câu nói bất khuất trước khi họ tự sát cũng sẽ lưu lại trong sử sách cho các thế
hệ con cháu chúng ta sau này. Đây là những tấm gương sáng để cho hậu thế noi
theo.
Văn của NG Thu Tâm không văn hoa, không bay
bướm, không sáng tạo, chỉ đơn giản là tường thuật lại những gì chị nghe, thấy,
và tìm hiểu được. Thế nhưng tôi đọc mà xúc động, mà nước mắt tuông rơi theo
từng chữ từng câu, từng trang giấy, tất cả cứ như đang diễn ra trước mắt tôi dù
đã mấy chục năm qua…
Nhớ lại tuần trước, tôi đã gặp chị NG Thu Tâm
trong buổi họp mặt nhóm bạn thơ văn của một diễn đàn toàn là phái nữ. Tôi
và các chị bạn đã có dịp được nghe chị tâm sự nhiều điều, thương cảm nhất là
chuyện người chồng sĩ quan QLVNCH của chị. Khi chị kể đến chuyện anh thì không
gian như ngừng lại. Chuyện đã cũ, nhưng khi dở ra thì vẫn còn …rất mới, mới
toanh! Người nghe vẫn còn cảm thấy tim mình rướm máu vì đau vì xót vì thương.
Những câu chuyện tương tự như thế này tôi đã từng nghe rất nhiều từ người dân
Việt Nam, nhất là dân miền Bắc, dạo này họ thường lên kể đầy trên mạng Youtube,
họ tỏ vẻ bất bình về việc sau chiến tranh những người lính miền Nam – họ cũng
can đảm gọi môt cách kính nể là “Những người lính Việt Nam Cộng Hòa” thất trận
– bị bỏ tù và hành hạ dã man mà họ đã chứng kiến ở ngoài Bắc. Tuy cũng là bị
hành hạ, nhưng mỗi người bị một kiểu khác nhau, cho nên chuyện của chồng chị NG
TT đã làm cho nhóm chúng tôi xúc động vô vàn và chắc là không thể nào quên.
Hôm ấy, chị Thu Tâm đã tâm sự về cuộc đời dâu bể
của chị, biết bao nhiêu lần chị và gia đình phải đối mặt với khó khăn trên chính
quê hương của mình sau cái ngày nước mất, chuyện chị đem con thơ lặn lội đi
thăm chồng tận ngoài Bắc mà sự chết sống của mẹ con chị gần như trong gang
tấc.
Chị kể với nét một mặt vô hồn, như nuốt cả vào
lòng sự oán hận lẫn đau thương. Mọi người dường như nín thở khi nghe
chuyện chồng chị bị bọn quản giáo trại tù hành hạ dã man. Bị hành hạ và đói
khát, anh không còn sức sống, nói chẳng ra hơi không thể làm việc được thì họ
đày anh qua bên tổ làm phân Bắc, trộn phân tươi của người vào đất rồi đem đi
bón hoa màu. Người anh rất yếu bước đi không nổi, nhưng cũng ráng sức dùng một
khúc cây, quậy vào đống phân tươi để trộn. Tên quản giáo đứng đàng sau kêu anh
phải dùng tay để mà bóp trộn chứ không được dùng cây! Vì đang mệt, đầu óc và
tai lùng bùng anh đã không nghe thấy lời của tên ác nhân vô loại.
– Thế là hắn ta dùng báng súng từ đàng sau quật vào ngay phổi làm anh ngã
nhào úp mặt vào hố phân, hộc cả đống máu tươi rồi bất tỉnh… Chị Thu Tâm đã kết
thúc câu chuyện như thế.
Thời gian lúc ấy như ngừng trôi. Mọi người ngồi
bất động. Ngụm cà phê ngọt thơm trong miệng tôi chợt trở nên đắng chát, vô vị,
nước mắt tôi lặng lẽ rơi. Trời ơi! Tôi chỉ biết kêu trời thầm với cõi lòng đau
nhói. Thương anh người sĩ quan QLVNCH vì sa cơ đã bị thù hành hạ, thương cho
chị người vợ hiền đảm đang chung thủy. Tội nghiệp chị. Nỗi đau này biết thuở
nào nguôi...
Cảnh chị Nhã Giang Thu Tâm đi “thăm nuôi
chồng”
Chị còn kể về những khó khăn của chị và gia đình
khi mới đến Mỹ. Vì có người quen ở tiểu bang lạnh, gia đình chị đã được bảo trợ
sang bên Indianapolis. Vì sở xã hội thấy cả hai vợ chồng đều nói được chút ít
tiếng Anh nên họ không cho trợ cấp như những người Việt mới qua khác, mà bắt
phải đi làm ngay. Cho nên gia đình chị đã rất vất vả.
Ngày lên máy bay đi định cư ở Mỹ diện HO, anh
chị đã mừng vì được đổi đời, đã lên máy bay mà vẫn không thể tin được, cứ ngỡ
đó là một giấc mơ. Tuy nhiên niềm vui không được bao lâu thì đau thương lại
đến. Chỉ sau sáu tháng sống trên đất nước tự do chưa kịp mừng, thì hai lá phổi
bầm dập vì bị đánh bằng báng súng của anh bị không khí lạnh hành hạ và anh trở
bệnh nặng.
Anh khi ấy còn đau yếu, thân thể tàn tạ bởi
nhiều di chứng vì sự hành hạ trong tù, nhưng vẫn phải ráng giúp vợ con, dù
lạnh, sáng sáng anh vẫn thức dậy thật sớm ra cào tuyết dọn đường để vợ có đường
chạy xe đi làm đưa con đi học. Có lẽ vì vậy mà bệnh anh trở nặng và không
phương cứu chữa. Chị đã phải vất vả lãnh phần việc đi làm 2, 3 job để lo cho
gia đình.
– Anh qua đời bỏ lại mấy mẹ con tôi trong sự đau
đớn ngút ngàn. Chị nói giọng nghẹn ngào. – Giờ này nghĩ lại thấy rất hối tiếc,
phải chi hồi đó chúng tôi dọn qua Cali thì khí hậu thời tiết ấm áp có thể anh
ấy đã không trở bệnh và qua đời sớm như thế! Chị nói.
Dù người chồng thương yêu của chị đã ra đi vĩnh
viễn vĩnh viễn bỏ lại người vợ trẻ với ba đứa con thơ, chị đã nuốt nỗi đau vào
lòng, mấy chục năm qua chị ráng làm việc vất vả nuôi dậy con cái ăn học thành
tài. Dù còn rất trẻ, rất xinh, chắc chắn không sao tránh khỏi ong bướm vây
quanh, nhưng hình như chị đã quyết ở vậy thờ chồng và chỉ lấy việc lo cho con
cháu cùng phục vụ cộng đồng làm hạnh phúc. Cho nên bạn bè lâu lâu lại chọc
ghẹo, hỏi chừng nào mời ăn cưới thì chị chỉ cười trừ. Cậu con trai lớn và gia
đình riêng đang điều hành một Business, cậu thứ hai hiện đã là một Dược Sĩ từ
hơn 15 năm, còn người con trai út vẫn còn độc thân đang là Engineer Nuclear. Cả
3 cùng ở cách xa chị mấy trăm km, lâu lâu mới có dịp về thăm. Hôm nay các con với cháu nội cùng về dự buổi RMS để giúp mẹ đứng tại bàn giao sách, sắp xếp đồ ăn
thức uống, mặt mũi rất là khôi ngô vui vẻ. Cô con dâu thứ và đứa cháu nội dễ thương cũng có mặt để phụ giúp mẹ giúp bà. Quả
là một gia đình hạnh phúc.
Các con trai, dâu và
cháu nội của Nhã Giang Thu Tâm
Lần này đi dự RMS của chị NG Thu Tâm về đã lưu
lại cho tôi nhiều cảm xúc. Bốn mươi mấy năm sống nơi xứ lạ, trong lòng những
người con dân Việt luôn mang nặng mối ưu tư, mang nỗi nhớ thương hướng về quê
cha đất tổ. Nhưng mà người ta cũng phải vui, phải công nhận rằng, người Việt
hải ngoại vẫn luôn cố gắng giữ gìn, bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ của đất Mẹ mến
yêu, đặc biệt là người Việt ở Hoa Kỳ. Hằng tuần, tại các thành phố khắp các
tiểu bang có đông người Việt sinh sống, đều có những buổi họp mặt, không Hội
Đồng Hương thì cũng Hội Ngộ trường, nhất là các buổi Ra Mắt Sách (RMS) thì
nhiều vô số kể.
Hôm nay ngoài buổi RMS của chị NG Thu Tâm, tại
thành phố Thung Lũng Hoa Vàng có rất nhiều những sự kiện cộng đồng khác, ít
nhất là hai buổi ra mắt sách có thể nói là trang trọng. Một là ra buổi mắt ấn
bản số 1Tạp Chí Văn Chương, phát hành Tam Cá Nguyệt, của “đại lão tiền bối” nhà
văn, nhà báo Thanh Thương Hoàng tại nhà hàng Dynasty trong Khu Thương xá Grand
Century Mall, thành phố San Jose. Và thứ hai là của chị Thu Tâm. Tôi cũng nhận
được thư mời từ cơ sở Văn Thơ Lạc Việt, nhưng vì đã nhận lời phụ giúp cho chị
NG TT nên không thể đến chung vui và chúc mừng Tạp Chí Văn Chương cùng cụ Thanh
Thương Hoàng, tôi thấy tiếc vô cùng.
Nhưng rồi sau đọc bài tường thuật của nhà báo tự
do Mạc Phương Đình cho biết buổi RMS của nhà văn Thanh Thương Hoàng đã rất
thành công, tôi cũng mừng dùm cho cụ. Nhà thơ phát biểu trong buổi RMS, nói mục
đích của ông cho ra đời tạp chí này là để “bảo tồn và phát huy Văn Chương Văn
Hóa Việt Nam nơi hải ngoại.” Tấm lòng yêu quê hương của bậc tiền bối tuổi tuy
đã chạm cửu tuần vẫn còn lo lắng cho Văn Hóa Việt của chúng ta. Với một ngày
Chúa Nhật có cùng lúc nhiều sự kiện ở thành phố San Jose, mà có đến hàng trăm
mấy thân hữu đã đến tham dự buổi ra mắt sách Thanh Thương Hoàng, cho thấy tiền
bối có rất nhiều người yêu mến và ủng hộ việc làm đầy ý nghĩa này.
Tôi bỗng cảm thấy mình rất có lỗi. So với cụ thì
tôi chỉ vào hàng “tiểu bối” tuổi đời còn cách cụ quá là xa, và “tuổi viết” thì
cũng chỉ là chập chững. Vậy mà gần đây phần vì bận bịu chuyện nhà, phần sức
khỏe ông xã cũng có chút hơi bất ổn, nên tôi đã lười nhác, bỏ cho “bút lạnh
nghiên khô” không chịu tiếp tay nối gót các bâc tiền bối để “giữ lửa” cho tiếng
Việt mình. Lại cảm thấy ân hận khi nhớ đến năm ngoái 2018, khi tôi lãnh giải
“Việt Bút Trùng Quang,” nữ tiền bối nhà văn Nhã Ca đã dặn, “Hãy tiếp tục viết
nghe!” Vậy mà lâu nay vì quá lu bu nên tôi đã không viết được gì nhiều. Cho nên
tôi tự hứa với lòng là từ nay sẽ cố gắng tiếp tục viết.
Bây giờ ngồi ghi lại những dòng này, trong tôi
vẫn còn dâng lên một niềm vui man mác. Vui vì tấm lòng yêu nước của chị bạn Nhã Giang Thu
Tâm, một người vợ lính VNCH, đã dồn hết vào tập sách “Những Người Bất Tử.” Điều
này sẽ giúp các thế hệ trẻ và các thế hệ kế tiếp người Việt hải ngoại cũng như
trong nước biết và nhớ về những vị anh hùng của chúng ta. Nhưng đặc biệt nhất,
là niềm vui bạn tôi đã làm được một chuyện “để đời” bằng cách đem văn hóa Việt
Nam, đem những dòng lịch sử hào hùng bất khuất và lòng yêu nước của quân nhân
các binh chủng “Hải Lục Không Quân” chính thể Việt Nam Cộng Hòa Tự Do phổ biến
trên miền đất Hoa Kỳ. Hy vọng trong tương lai tập sách này sẽ được dịch ra
tiếng Anh để cho nhiều người trên thế giới cùng đọc.
Phương Hoa