Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

BÀI THÁNH CA BUỒN (Hồi ký)


         
BÓNG CHÀNG CÒN MÃI TRONG EM

Đã mấy mươi năm biệt thế gian,
Bóng chàng thuở ấy mãi không tan!
Trong mơ em nhớ người yêu dấu,
Tỉnh giấc lòng căm lũ ác tàn.
Ngày đó đưa người nước mắt ứa,
Hôm nay nhìn ảnh lệ còn chan!
Trong tim thiếu phụ hình nguyên vẹn,
Tình thuở đầu xanh vẫn ngập tràn...


NG. Thu Tâm

BÀI THÁNH CA BUỒN

 

 

 

Mùa Giáng Sinh năm nay, tự nhiên tôi bị chìm trong những cảm xúc lạ thường. Có phải đến một số tuổi nào đó thì thường người ta hay suy nghĩ ngược về dòng quá khứ để ngậm ngùi để tiếc nuối hay suy tư, nhất là một quá khứ nhiều biến động đặc biệt? Nửa thế kỷ đã trôi qua, đủ thời gian để những kỷ niệm tưởng chừng sẽ phai nhạt dần theo đám bụi phủ, nhưng trong tôi giờ đây sao lại càng thêm đậm đà sâu sắc hơn. Tất cả những người tôi mong muốn được gặp lại bây giờ cũng đã quá xa xôi, hoài niệm để đắm hồn trong ước ao là điều không tưởng, khiến tôi mệt nhoài bởi giấc ngủ chập chờn…

 

Từng hình bóng cứ như cuốn phim trước mắt liên tục chuyển động, tôi nhớ nhất là một người, nhớ đến quay quắt người chị đáng thương của tôi.

 

“Chị tôi”. Vâng, hai từ này thật đơn giản với tất cả mọi người. Nhưng đây là hai từ ngữ sâu đậm nhất trong lòng tôi, vì ngoài Mẹ ra thì chị là người kề cận và thương yêu tôi hết mực. Hai chữ “ chị tôi” in sâu trong tâm trí tôi với sự ngọt ngào thân thiết đến mấy chục năm vẫn còn nguyên vẹn, mỗi khi nghĩ đến là lòng tôi lại thấy vô cùng ấm áp. Chị Bích chỉ hơn tôi bốn tuổi nhưng như một người mẹ thứ hai trong gia đình và riêng tôi là đứa em quyến luyến chị hơn cả. hoàn cảnh gia đình khó khăn khi Ba vừa tử trận, chị mới xong Trung Học đã tự xin nghỉ học để ở nhà phụ giúp Mẹ buôn bán và chăm lo việc nhà. Hai chị em nằm ngủ cạnh nhau nên tôi hay ríu rít kể cho chị nghe mọi chuyện, đồng thời cũng đã nhiều đêm lắng nghe chị thổ lộ tâm tư. Không biết có phải tôi vô tâm hay chưa đủ trí khôn để cảm nhận những điều thầm kín của chị, nên chỉ một lát sau là quên hết ngay những gì vừa nghe được! 

 

Anh Lân, người anh cùng xóm, không thể nói là đẹp trai trong mắt bọn con nít chúng tôi lúc đó, với gương mặt xương khắc khổ màu bánh mật trông dễ nhìn. Anh ít nói nhưng tánh tình vui vẻ, nụ cười thân thiện, hiền lành luôn nở trên môi. Đặc biệt anh có đôi mắt to đen láy vô cùng đẹp như mắt con gái, thăm thẳm sâu và rất dịu dàng khi nhìn ai. Gia đình anh là người quen thân với cha mẹ tôi từ ngày di cư vào Nam. Anh có cô em gái học chung với tôi một lớp nên hai gia đình lại càng thân hơn.

 

Tôi và bọn trẻ trong xóm thường nhờ anh chỉ giúp bài toán khó hay để anh kể chuyện ma cho nghe, mặc dù tôi là đứa nhút nhát nhất đời. Mỗi khi tụ họp lại để nghe anh kể chuyện, tôi đều chọn chỗ ngồi lọt thỏm vào giữa mấy đứa bạn. Cả bọn vừa nghe vừa bịt tai, tôi thì luôn co quắp cả thân hình bé xíu, hai mắt khi thì nhắm hi hí chỉ để he hé mắt lọt qua kẽ mấy ngón tay bé nhỏ khi mường tượng cảnh con ma đang đến gần với cái miệng rộng toang hoác đỏ lòm nhe đôi răng nanh nhọn hoắt! Khi thì mở tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên thích thú... Anh luôn bật cười trước hình ảnh con bé con ngộ nghĩnh trước mặt. Anh càng kiếm những chuyện lạnh gáy hơn cộng thêm điệu bộ diễn tả, làm bọn tôi đứa nào đứa nấy hét lên rồi co rúm cả người, càng lúc càng ngồi sát nhau hơn. Vậy mà vẫn nhao nhao đòi anh kể tiếp cho nghe. 

 

Hôm ấy, đang chơi nhảy lò cò với lũ bạn thì được anh Lân kêu tôi lại, trao cho một chiếc phong bì dán kín không đề tên người nhận, anh cúi xuống ghé tai dặn nhỏTôi tần ngần tiếc vì phải bỏ dở cuộc chơi nửa chừng,  nhưng lại không thể từ chối anh nên liền ba chân bốn cẳng chạy nhanh về trao ngay tận tay chị tôi. Ngày hôm sau lại đến phiên chị tôi nhờ. Tôi cứ chạy qua chạy lại giữa hai nhà như con thoi, trong lòng không biết mình đã làm việc gì và cũng chưa hề thắc mắc! (Tôi bị mang danh là con ngố, lại hay lật đật vì là con gái mà lúc nào cũng chỉ lúp xúp chạy chứ không đi đứng bình thường được, mẹ tôi mắng hoài mà có chừa tật đó được đâu!). 

 

 

Thời gian qua nhanh lúc nào không biết, đám trẻ chúng tôi lớn theo năm tháng và cũng dần cách xa nhau bởi việc học hay công việc làm. Mới đó mà đã 4 năm trôi qua! Tôi đã là cô nữ sinh lớp Đệ ngũ.  Anh Lân lên Saigon học Đại học từ năm ngoái và ít khi về. Bọn con nít chúng tôi như hụt hẫng vì buồn nhưng cũng mau quên, bởi càng lên lớp lớn hơn càng nhiều bài vở làm bận rộn choán hết thời gian. Năm 1966 tình hình chiến sự đã biến động nhiều, sau một thời gian đóng quân ở một tiền đồn xa bố tôi bị tử trận. Gia đình tôi luôn ở trong trạng thái u buồn như chưa từng có, mẹ âm thầm và dễ cáu gắt hơn, tôi càng dễ tủi thân và nước mắt có thể rơi bất cứ lúc nào...

Đến năm 1968, hình ảnh người anh hàng xóm vui tính hầu như dần nhạt trong tâm trí thì đột nhiên lại nghe tin anh vào quân đội, mặc dù anh đã hoàn thành xong chương trình Đại học và một tương lai tươi đẹp đang chờ đón. Mẹ anh thường sang chia sẻ, than thở với mẹ tôi vì bà rất lo lắng cho số phận con trai nhưng bà không thể cản nổi bước chân người thanh niên đầy lý tưởng cao đẹp. Theo lời viết trong thư anh gởi về, anh đã thụ huấn qua các khóa Quân sự học đường nên miễn phải qua quân trường Quang Trung mà được tuyển thẳng vào trường Bộ binh Thủ Đức. Ngày nhận được thư anh báo mời gia đình đến dự lễ gắn Alpha, mẹ anh lại vừa cười vừa khóc khiến tôi cũng mủi lòng rơm rớm nước mắt, thấy chị tôi cúi mặt quay vụt vào nhà trong tôi cũng không chú ý mấy...    

Một buổi trưa mùa Đông, anh trở về rồi ghé thăm gia đình tôi, tôi đã bàng hoàng khi thấy anh trong bộ quân phục màu xanh lá rừng. Trông anh hoàn toàn không còn chút nào vẻ thư sinh ngày trước, làn da sạm nắng đen cháy, oai phong khỏe mạnh hơn, dù ốm đi hẳn. Tôi đã có ít nhiều sự ngượng ngùng lúc đối diện, không biết có phải do sự xa cách lâu quá hay đã có gì thay đổi trong tâm lý con người, dù sao bây giờ tôi cũng đã đủ lớn để biết rõ ranh giới của sự thân mật chứ không thể như con bé con ngày xưa...Bọn con nít hàng xóm thôi còn là trẻ con, thôi to mồm tranh cãi và thôi tranh nhau ôm cổ níu tay anh như ngày nào và nhất là không còn hào hứng đòi anh kể chuyện ma. Chỉ mấy ngày rồi anh lại đi, thời gian cứ thế trôi nhanh không biết bao lâu

Một đêm tháng Mười Hai năm đó, trước Giáng Sinh một tuần lễ. Trong phố,  nhiều gia đình Công giáo đã giăng đèn nhấp nháy quanh những hang đá bằng giấy sơn đen trông thật đẹp. Mới có hơn sáu   giờ chiều mà bên ngoài trời đã tối đen, đột nhiên một cơn mưa trái mùa kéo tới rơi rào rào trên mái tôn, thỉnh thoáng tiếng ầm ầm giận dữ của sấm sét chạy ngang làm lóe lên ánh chớp lòa qua khe cửa sổ. Sợ mưa hắt vào nhà nên tôi định đóng cánh cửa thì đột nhiên sững người. Tôi mò tay tìm mở công tắc đèn, tiếng khóc rấm rứt nho nhỏ phát ra dưới chiếc mền mỏng che kín thân hình gầy gò của chị tôi. Tôi hoảng hốt lại gần ôm choàng lấy đôi vai đang run rẩy theo từng tiếng nấc: 

 

“Có chuyện gì vậy chị Bích?” 

 

Chị tôi lắc đầu trả lời “không có gì” giọng nói như bị nghẹt mũi. Tôi cứ ôm chị yên lặng, trong lòng rộn lên niềm thương cảm và tự nhiên những giọt nước mắt cũng ứa ra, tôi nức nở theo chị như mình chính là người đang chịu điều gì oan ức hay đau khổ lắm. Tôi vẫn nổi tiếng là con bé mít ướt xưa nay mà. Không biết bao lâu, ngoài kia mưa đã tạnh, bóng tối tràn ngập. Tựa đã vơi bớt nỗi niềm, chị ngưng tiếng khóc mở hé tấm mền để lộ ra bộ mặt phờ phạc tái xanh, đôi mắt còn ngấn lệ rưng rưng mọng đỏ. Tôi đưa tay chùi nhanh mắt, miệng nhanh nhẩu:

“Chị sao vậy, có đau ốm gì không, em đi lấy thuốc cho chị nha?”

 

“Chị không sao… anh Lân vừa tử trận em à!”

 

Một luồng điện chạy qua cơ thể làm rờn rợn da thịt khiến tôi rùng mình, rất lại bất ngờ bật ra câu hỏi vô duyên:

 

“Ủa, sao chị biết”?

 

Chị nhìn tôi với ánh mắt buồn thăm thẳm, yên lặng vài giây rồi bắt đầu kể. Thì ra một thời gian dài là người liên lạc đưa thư qua lại giữa anh Lân và chị, bây giờ tôi mới biết mình đã biến thành con chim xanh từ lúc nào không hay! Hèn gì mấy năm trước,  Chị thường thức thật khuya hí hoáy viết gì đó. Rồi dạo sau này lại hay buồn bã, khi bóng chiều rơi xuống chị thường ra đứng tựa cửa thẫn thờ ngó mông ngoài xa. Sự thay đổi tâm trạng theo thời gian tính của chị không một ai trong gia đình để ý tới, ngay cả cô em gái gần gũi nhất này.

 

Tôi tự trách mình quá vô tâm, lúc này càng thấy thương chị tôi hơn. Theo lời chị kể, anh Lân và chị đã yêu nhau cả mấy năm trước từ lúc anh chưa là sinh viên. Anh định ra trường sẽ xin cưới chị nhưng không hiểu sao đột nhiên anh vào lính, tan tành cả mộng đẹp của đôi tình nhân. Rồi từ đó chiến trường đem anh đi biền biệt, thỉnh thoảng mới về thăm nhà là lúc chị tôi vui vẻ nhất. Hai gia đình đã bàn tới chuyện cưới xin một ngày không xa khi tình hình bớt sôi động. Nhưng trận chiến Quốc cộng càng ngày càng khốc liệt. Đâu ai biết được lần về phép vừa rồi cách đây hai tháng, ngày chia tay lại là ngày vĩnh viễn anh không trở về nữa.

 

Hai người đàn bà cùng đau khổ đến gục ngã vì người mất con, kẻ mất người yêu! Mẹ anh đổ bệnh nặng vài tháng sau thì qua đời. Còn riêng chị Bích của tôi đâm ra ngơ ngẩn từ ngày đưa anh ra nghĩa trang lần cuối. Nhìn chị mình xác xơ héo rũ không còn sức sống, lần đầu tiên trong đời tôi thấy thù ghét chiến tranh. Dù tiếng súng và bom nổ còn ở mãi nơi xa nào đó, nhưng âm vang dội lại đã tàn phá nát tan từ tâm hồn đến thể xác người chị thân yêu của tôi, biến chị trở thành một con người khác hoàn toàn. Chị hay cáu gắt, hay cười khóc bất chợt chẳng cần lý do như cơn mưa rào mùa Hạ của Cao Nguyên.

 

Tôi đã đủ lớn để cảm nhận, cũng như biết đau theo nỗi đau của chị tôi. Chiến tranh và chết chóc đã ám ảnh tâm hồn tôi từ đó. Tình yêu của chị dành cho anh Lân quá nặng, làm sao chị sống tiếp đây! Mấy năm sau mẹ tôi ép gả chị lấy chồng liền gặp sự phản đối mãnh liệt ở chị, nhưng vì mẹ lo cho tương lai chị  không có người săn sóc khi mẹ ra đi. Cuối cùng chị đành phải vâng lời mẹ. Chỉ vài năm thôi, hậu quả là chị và anh rể tôi chia tay ngay cả khi đã có đứa con trai gần 2 tuổi. Bởi vì chị vẫn còn nguyên là chị của mấy năm xưa đang để tang người tình!

 

Bao nhiêu năm trôi qua rồi, chiến tranh đã lùi sâu trong quá khứ xa vời, nhưng như một thói quen không thể thiếu đã nằm sâu trong vô thức xui khiến. Ngoài việc thăm mộ hàng tháng dẫu đường đi khó khăn trở ngại. Cứ mỗi mùa Giáng Sinh về chị tôi lại một mình ôm hoa đến ngồi cả mấy tiếng đồng hồ bên ngôi mộ người yêu xưa. Ngôi mộ không còn được để lá cờ Vàng nho nhỏ bên cạnh hình anh Lân trong bộ quân phục VNCH, thay vào đó là hình khắc trái tim có chữ cái tên của anh và chị tôi quấn quýt vào nhau... Tình yêu trong lòng chị vẫn bất diệt dù nay mái tóc chị đã bạc phơ, tấm lưng chị đã còng theo thời gian vì tuổi tác. Còn anh Lân thì vẫn trẻ trung oai dũng, ánh mắt hiền dịu âu yếm đứng chờ đón bước chân chậm chạp của chị tôi đang đến gần hơn…

 

Bài Thánh ca buồn lại vang lên đâu đó trong không gian yên tĩnh cho giọt lệ trên mắt chị tôi thêm long lanh dưới nắng nhạt hoàng hôn

 


Nhã Giang Thu Tâm

Tháng Mười Hai ...

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét