Phảng phất
qua làn sương mỏng lan
Xa xăm từ
chốn gió mây ngàn
Đêm nay mẹ
lại về theo mộng
Mắt lặng lẽ
nhìn sợi khói tan
Mẹ mang
vương vấn nét u buồn
Có phải muôn
đời vẫn giấu chôn
Bao nhiêu
tâm sự chưa vơi tỏa
Của cả một
thời ngấn lệ tuôn ?
Hai mấy
năm rồi trong trí con
Mẹ luôn đầy
ắp tựa như còn
Vòng tay
thuở ấy nồng hơi ấm
Giọng nói
êm đềm, mát nụ hôn
Con muốn
gọi hoài tiếng Mẹ ơi!
Mà sao tiếng
nấc nghẹn không lời
Giấc mơ
ngắn ngủi âm thầm lặn
Đêm vắng chỉ
còn cơn gió lơi…
NG. Thu Tâm
Mẹ tôi, cũng đơn
giản như hàng vạn bà mẹ Việt Nam khác của mọi người, chịu thương chịu khó, hiền
từ và thương yêu chăm sóc gia đình chẳng nề gian khổ. Riêng đối với tôi, ngoài
người cha đáng kính ra mẹ luôn ngời sáng hơn tất cả. Cha tôi là lính trận triền
miên ngoài chiến trường, mẹ mang nét u buồn trên khuôn mặt nhẫn nhục đảm nhận
hai vai trò cùng lo sinh kế cho cả gia đình 8 miệng ăn vì lương của cha rất hạn
hẹp. Thỉnh thoảng thời gian ngắn ngủi cha về phép, ánh mắt mẹ lại long lanh sáng
và thấp thoáng môi cười.
Kể từ khi tôi
vừa có trí khôn thì anh chị em tôi đã chịu cảnh mồ côi cha. Ông tử trận để lại cho
mẹ 7 đứa con còn còn tuổi học trò, mẹ bắt đầu trở thành người đàn bà bản lãnh cứng
cỏi trước xã hội, uy nghiêm với đám con tuổi ăn tuổi lớn vô tư và nghịch ngợm. Nụ
cười xem như lẩn trốn mất tăm nhường cho dáng vẻ tất tả của người phụ nữ mới
hơn bốn mươi còn xinh đẹp khiến lắm người thương cảm. Mẹ ngược xuôi đầu tắt mặt
tối, làm cả việc nặng nhọc dành cho đàn ông, bán buôn, chăn nuôi, thậm chí trồng
trọt lấy hoa lợi trong khu đất vườn sau nhà. Đêm về bên đàn con nhỏ ngồi học
bài, mẹ cặm cụi may vá kiếm thêm thu nhập. Lúc ấy, tôi dại khờ thắc mắc sao mẹ làm
chi nhiều việc đến thế? Bàn tay mẹ thô ráp sần sùi nứt nẻ nhưng nét trang nhã còn
nguyên trên những ngón dài thon thả. Dù lặn lội suốt ngày ngoài trời, mưa dầm nắng
gắt vẫn phải chào thua làn da trắng vốn có của mẹ. Trong đàn con lau nhau, tôi vốn
dĩ là đứa èo uột nhất, quanh năm đau ốm sụt sùi… Làm sao tôi quên những khi bị
cảm sốt được mẹ chăm sóc, mẹ thường lo lắng
đi hái đủ thứ lá nấu nước xông cho tôi, vậy mà chưa bao giờ tôi chịu ngồi yên
cho mẹ trùm kín chiếc khăn với nồi nước nóng sôi bốc mùi xả hay bạc hà mù mịt
hơi. Tôi rất dễ bị ngộp thở, vừa sặc sụa vùng chạy vừa la inh ỏi. Mẹ đành cho uống
thuốc rồi dùng dầu khuynh diệp thoa lên hai bên thái dương tôi, đồng thời lấy
ngón tay chà xát mạnh, mẹ bảo cho dầu thấm vào thịt sẽ mau khỏi hơn. Rất nhiều
lần cho tôi cảm giác da tay mẹ rất nhám qua sự bỏng rát không phải vì dầu nóng.
Khi phát hiện ra điều này, tôi thực sự buồn và chú ý tới mẹ hơn từ đó. Tay tôi
thì nhỏ nên lọt thỏm giữa lòng bàn tay mẹ, tôi thường viện cớ so sánh để khen
tay mẹ đẹp, tôi nắn bóp xoa xoa trên những vết chai sần nổi cộm đó lòng nghẹn
ngào thầm giấu niềm cảm xúc thương yêu. Lúc đó đâu có lotion như bây giờ mà tặng
cho mẹ thoa, cũng không có cả găng tay để bảo vệ bàn tay đẹp của mẹ. Tôi ôm mẹ muốn
nói lời cảm ơn, giọt nước ẩn trong khóe mắt tôi chắc khó thấy được nên mẹ mắng
và hất tay tôi ra. Tôi hiểu mẹ luôn bận rộn cả trăm việc, làm gì có thì giờ ngồi
yên một chỗ mà chú ý tới cảm xúc của tôi ...
Từ thuở bé
tôi rất nhút nhát, lại thường ngoan ngoãn nghe lời mẹ nhất nhà, nào ai nhận ra
trong thể xác yếu đuối bé nhỏ đó của tôi lại ẩn chứa một sự kiên cường trước mọi
hoàn cảnh. Dù chưa trưởng thành và là đứa con thứ ba của gia đình, tôi đã sớm
nhận thức được mình cần phải làm gì. Ngoài giờ đi học ra tôi không đi chơi như
những bạn cùng tuổi, không đua đòi mua sắm và đòi hỏi điều gì cho cá nhân. Học hoặc
làm bài xong, thời gian rảnh tôi thường theo mẹ đan lát hay may vá áo quần cho
cả nhà, chăm sóc mấy đứa em. Mẹ đã truyền lại cho tôi mọi căn bản của nữ công từ
dễ đến khó, tôi cố gắng học hỏi nhưng sự khéo léo của mẹ thì tôi khó lòng theo
kịp nổi, tuy vậy bấy nhiêu đó cũng đã giúp tôi rất nhiều sau này cho cuộc sống.
Hai thằng em trai út quấn quýt tôi hơn cả, nhất
là một thời gian vì hoàn cảnh mấy chị em phải đi học xa mẹ mấy năm trời. Chúng
luôn theo vòi vĩnh đủ chuyện, kể cả khi ngủ cũng dành nhau ôm chặt cứng hai bên
cánh tay tôi đến tê cứng thì lại trở đầu ôm lấy hai chân tôi. Thương quá những
đứa em côi cút tội nghiệp của tôi, nhìn các em vô tư sống với cảnh thiếu thốn, tôi
xót xa vô hạn. May sao những việc làm bất ngờ và bất đắc dĩ của tôi cũng giúp
được ít nhiều cho cuộc sống gia đình, các em có thêm chút thịt thà, cá mắm trên
mâm cơm hàng ngày. Nhìn các em hớn hở mừng reo có tấm áo manh quần mới mỗi lần Tết
đến hay khi nhập học, lòng tôi rất vui. Động lực ấy khiến tôi yên tâm giấu diếm
gia đình để đi làm thêm, mẹ và anh tôi đã
buồn lắm khi biết được. Sau một lần đau nặng bị gián đoạn việc học gần cả năm,
tôi thực thụ bước vào đời sống một nhân viên của trường Thiếu Sinh Quân.
Tôi theo thói
quen của gia đình, Mẹ thường nấu nướng ở nhà hay mua về cho con cái ăn uống thoải
mái chứ không cho ra ngoài. Lương lãnh được bao nhiêu đều giao hết cho mẹ tiêu
dùng, quần áo hoặc giày dép thì mẹ sắm cho thứ gì tôi dùng thứ đó, sắc tay tôi có
mỗi tiền xe đi và về hai buổi mẹ đưa cho mỗi buổi sáng. Tôi xem đó là điều tự
nhiên không hề thắc mắc hay đòi hỏi so sánh với ai. Buổi sáng tháng Sáu hôm ấy trời
mưa tầm tã, tôi thường dậy sớm đi bộ cách nhà độ nửa cây số ra bến xe lam đi đến
chỗ làm, chiếc xe chở tôi bắt đầu depart máy thì chợt thoáng nghe giọng mẹ hốt
hoảng gọi với theo:
-“ Con quên
mang thức ăn trưa này”
Nhìn thấy
dáng mẹ từ đàng xa đang hấp tấp dẫm bừa trên những vũng nước mưa bước tới, áo
quần ướt đẫm, tóc tai tơi tả dính bết vào mặt làm tôi rưng rưng nước mắt tự
trách mình lơ đễnh bắt tội mẹ, đưa tay nhận gói bánh và chai nước tôi nghẹn
ngào nói nhỏ:
“ Sao mẹ
không mặc áo mưa hay che dù, bị ướt hết về sẽ bị cảm thì sao?”
Mẹ cười hiền
từ:
- “ Có sao đâu con, nước mưa mát lắm. Mẹ sợ
đưa trễ cho con, trưa nay lấy gì ăn? Thôi mẹ về đây”
Tiếng mấy người
trên xe nhao nhao khen tôi được mẹ cưng chiều, riêng tôi ngồi thẫn thờ nhìn
theo tấm lưng mỏng manh của mẹ trong chiếc áo ướt dán sát vào người khi mẹ quay
gót trở về… Bóng mẹ khuất dần khi xe lăn bánh, tôi cúi nhìn gói thức ăn trưa đơn
giản có mỗi khúc bánh mì nhỏ kẹp trứng và chai nước bé tí mà mẹ phải mất công lặn
lội quên cả mưa gió đem đến cho tôi. Nước mắt chực trào ra, tình thương mẹ bỗng
dạt dào dâng lên đến nghẹn tức buồng tim. Hình ảnh ấy chưa bao giờ ra khỏi tâm
trí tôi được cho đến bây giờ. Còn biết bao điều hy sinh của mẹ dành cho đến nỗi
tôi không thể nhớ hết, cũng may thời gian mẹ đau ốm và trước khi mẹ từ giã cõi
đời, tôi đã được ở bên cạnh săn sóc chăm lo. Mẹ ra đi thiếu sự thanh thản, tôi
biết chứ! Làm sao mẹ vui được khi của cải mẹ gầy dựng cực khổ mấy chục năm trời
đã không giữ được cho con cháu theo ý mẹ mong ước. Đất nước đổi thay và hoàn cảnh
eo hẹp kèm theo nỗi uất ức đã giết dần giết mòn mẹ của tôi. Ngày tôi có đủ điều
kiện có thể lo cuộc sống khá hơn cho mẹ thì đã quá muộn màng. Mẹ đã bỏ chúng
tôi ra đi từ lâu…
Còn một tháng
nữa là đến ngày giỗ lần thứ 28 của mẹ, mùa Xuân cũng đã qua rồi mùa xuân sẽ trở
lại, chỉ có mùa Xuân của riêng tôi đã mất đi ý nghĩa từ khi người mẹ thân kính
của tôi lìa đời. Ngày xưa tôi thật vô tình nên không biết mẹ yêu màu gì, dù là
đứa con mồ côi mẹ, tôi vẫn luôn thích chưng hoa hồng đỏ trên trang thờ. Di ảnh
mẹ đẹp lộng lẫy bên sắc hoa với ánh mắt hiền từ đang nhìn tôi trìu mến. Có phải
mẹ vẫn luôn hiện diện bên đời con?
“Mẹ ơi! Con nhớ mẹ”.
Nhã Giang Thu
Tâm
May 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét