https://www.facebook.com/1404761933127770/videos/1764422757161684/
Pleiku, cuộc hội ngộ của các cựu học
sinh miền Cao Nguyên đất đỏ mưa lầy cùng với thầy cô trong 3 ngày của trung tuần
tháng Chín năm 2016 đã qua đi để lại
trong lòng người viết những bồi hồi khó tả.
Cũng đã đến mấy năm vì bận việc nên tôi
không có dịp tham dự, tuy lần này không được đông đảo như dự tính nhưng cũng đủ
gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm cũng như để lại niềm xúc động cho tất cả những người hiện
diện, nhất là đêm 17 tháng Chín vừa qua..
Tặng Hoa cho Thầy Cô
Trước hết xin nói sơ qua về Pleiku, hoặc
Gia Lai. Đây là một thành phố nhỏ miền Cao Nguyên quanh năm sương mù bao phủ khắp
núi đồi có hoa dã quỳ bát ngát một màu vàng ươm. Một địa danh mang nhiều dấu tích
đặc biệt của thời khói lửa đao binh. Nơi ẩn chứa những kỷ niệm khó quên cho bất
cứ ai từng viếng thăm hay từng là công dân của địa phương. Không biết từ bao giờ,
tên “Thành phố Lính” được nhắc đến trên môi mọi người và nơi đây đã đón nhận từng
đoàn hùng binh đủ mọi binh chủng đóng quân, những phi đội Không Quân, Biệt Động
Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh, Mũ Xanh, Mũ Đỏ, Mũ Đen. Pleiku cũng là nơi đặt Tổng
Hành Dinh Quân Đoàn II thuộc Quân Khu 2,
các địa danh tiền đồn Pleime, Lệ Ngọc và Đức Cơ một thời sôi bỏng. Pleiku cũng
là tâm điểm của một thời hỗn loạn đau thương suốt bao nhiêu năm chiến tranh, không
gian đầy tiếng ồn ào của phi cơ đủ loại không ngớt lên xuống phi trường... xe
nhà binh liên tục di chuyển với đám bụi mù đỏ quạch cuốn theo sau. Suốt trong
vòng chưa đầy 10 năm, bao nhiêu biến loạn làm xáo động cuộc sống mọi người dân
như cuộc tấn công “Mậu Thân 1968”, “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972 , và đau thương nhất là
cuộc di tản tháng Ba năm 1975 trên tỉnh lộ 7 mà người ta đặt tên là “Đại Lộ
Kinh Hoàng” làm chấn động cả thế giới tự do.
Nhắc đến Pleiku, chắc chắn đa số người dân phố núi không thể quên những buổi sáng trước khi đi làm rủ nhau nhâm nhi bên ly cà phê “Dinh Điền” bốc khói tỏa hương ngào ngạt, bên tô “Bún Bò Nhà Xác” nóng hổi thơm cay đến xé lưỡi, khách co ro ngồi bên nhau to nhỏ chuyện trò truyền hơi ấm cho nhau. Pleiku có từng con đường nho nhỏ uốn lượn đầy bóng cây với những tà áo trắng học trò của "em Pleiku má đỏ môi hồng", với mùa khô có bụi đỏ tung lên theo cơn gió và bùn đỏ quyện chặt vết giày mỗi mùa mưa, trơn trợt trên mỗi bước chân! Pleiku còn hằng hà sa số những bài thơ tình của những nhà thơ quân đội làm rung động lòng người. Nhất là từ khi bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” của Vũ Hữu Định được PD phổ nhạc đã nhận được sự yêu thích của rất nhiều thính giả và khiến người dân phố núi được thơm lây, cả thành phố nhỏ đèo heo hút gió cũng được nổi tiếng hơn theo bài hát. “Phố núi cao phố núi đầy sương, phố núi cây xanh trời thấp thật buồn”, vâng cây xanh và trời thấp với nhạt nhòa sương phủ là đặc điểm của Pleiku. “Phố núi cao phố núi trời gần, phố xá không xa nên phố tình thân, đi dăm phút quay về chốn cũ…” Tuy là một thành phố cao nguyên gói gọn trong “năm phút” nhỏ bé gió bụi mưa lầy, đi chỉ một vòng là hết các con đường nhưng lại chan chứa tình quân dân, vì phố không xa nên thân tình càng đậm khi quanh quẩn gặp mặt mỗi khi ra đường. Người lính ở xa mới đổi về đi trên phố chợt cảm thấy mình là “anh khách lạ đi lên đi xuống” buồn tênh lạc lõng, nhưng “May mà có em đời còn dễ thương” “ Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa Đông”… Đối với riêng tôi thì đúng thế các bạn ạ, quanh năm mùa Đông nên ngày đó chiếc áo len luôn là vật bất ly thân mỗi khi ra đường. Chiếc áo len cũng là vật để làm dáng thêm cho các nữ sinh chúng tôi nữa.
Từ trái: Thu Tâm, Như Nguyện, Hương Nguyễn, (?), Quỳnh Như
Các ngôi trường Trung Học là nơi những
chàng lính lãng tử bốn phương sau ngày hành quân hay nhiệm vụ tập trung nhiều
nhất. Ở đó có các nàng nữ sinh xinh xắn e ấp trong tà áo dài, dịu dàng trước vẻ
oai hùng dũng mãnh của chàng lính chiến, những mối tình quân dân nẩy nở và đơm
hoa kết trái, nhưng cũng nhanh chóng có cả những mảnh khăn tang quấn vội trên đầu
người góa phụ đôi mươi cùng đám trẻ còn thơm mùi sữa mẹ… Nhưng nói gì thì nói,
Pleiku cũng là một nơi có nếp sinh hoạt được coi là phồn thịnh. Dân chúng sống yên
lành hạnh phúc trong vòng che chở của những người lính đủ màu áo trận. Người mới
đặt chân đến thì cảm thấy buồn và chán nản bởi sự tẻ nhạt của đời sống, nhưng
lưu lại lâu hơn một chút khó ai muốn rời bỏ ra đi bởi đã bị sự quyến rũ của
thiên nhiên cũng như vạn vật của vùng Cao Nguyên rừng núi heo hút này cuốn hút.
Người ta đã có câu ví von :” Pleiku đến dễ khó về…”
Hơn thế nữa, Pleiku còn có
những thắng cảnh tuyệt vời không đâu có được mà hầu như du khách nào đặt chân tới cũng say mê. Điển hình nhất là Biển Hồ và núi Hàm Rồng. Còn nhiều thác nước rất đẹp
như Phú Cường, Lệ Kim, Xung Khoeng, chín tầng, Bàu Cạn của Gia Lai đều cao trên 40 m và đều sở hữu những nét đẹp làm say lòng người, Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, xin chỉ nêu ra một vài thắng cảnh.Thêm chú thích |
còn tên thật của nó là Tơ Nueng, là một miệng núi lửa khổng
lồ nằm ở phía bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai quanh năm đầy ăm ắp nước và
luôn luôn xanh ngắt, như một chiếc gương trên chót vót cao nguyên cho mây trời soi bóng Pleiku, là một địa danh xinh đẹp kỳ bí, một cái hồ tự nhiên thơ mộng
do thiên nhiên ban tặng. Lưu truyền là hồ tuy không lớn lắm nhưng rất sâu không thể đo được, người ta
gọi là “Hồ sâu không đáy” và đây cũng được ví như “Đôi Mắt” của người dân
Pleiku. Cao nguyên Pleiku cao hơn mực nước biển cả nghìn mét. Theo nguyên tắc thì
khó có giọt nước nào tồn tại được trên
những đỉnh núi cao này. Con người nơi đây đã khao khát nước, khao khát biển. Vì
thế khi thiên nhiên tạo ra một cái “ao” trên đỉnh núi cao vời vợi, đứng ở dưới
quốc lộ I nhìn lên chỉ thấy mây phủ kín ấy thì người ta gọi là “biển” cũng là hợp
lý hợp tình.
-
Núi Hàm Rồng:
Pleiku còn có núi Hàm Rồng (xưa được gọi là Chư Hơ Đông), một ngọn núi lửa nổi tiếng đã tắt từ hàng triệu năm trước với địa thế và hình dáng lạ kỳ, nằm cách trung tâm thành phố chỉ có 11 cây số về phía Nam. Hàng năm cứ đến mùa, là các loài hoa dã quỳ, hoa cà phê bung sắc càng làm cho toàn bộ không gian núi rừng Hàm Rồng trở nên rực rỡ, làm say đắm lòng bất cứ ai có dịp ghé đến thăm.
Một dịp nào đó, du khách lưu lại ở vùng
đất này vài ngày, nếu thức dậy thật sớm vào buổi sáng chợt nhìn ra núi Hàm Rồng, một bức tranh kiều diễm
mà không kém phần thơ mộng sẽ được hiện ra trước mắt bạn. Đỉnh núi có mây giăng
phủ kín, làn sương mù mờ ảo ẩn hiện các dãy nhà dọc theo viền thung lũng trông thật
bình yên… Khi phóng tầm mắt xa hơn, bạn sẽ thấy toàn cảnh thành phố Pleiku với
những đồi cà phê, hồ tiêu, cao su, những dãy đất đỏ bazan màu mỡ… trải dài theo
các đỉnh đồ to nhỏ nhấp nhô. Các chi tiết, những nét đẹp trong bức tranh mà bạn
ngắm được rất vô giá, không một nơi nào tìm được ở các nơi khác ngoài vùng núi
Hàm Rồng ở Pleiku (Gia Lai).
Hôm nay chúng tôi, những người bạn thân
đồng môn hay khác trường của phố núi Pleiku, từ khắp nơi trên thế giới cùng hội
tụ về đây. Nào Trung Học Pleiku, Minh Đức, Phao Lồ, Pleime, Bồ Đề... Tất cả tìm nhau qua ánh mắt, mừng nhau qua vòng tay xiết chặt thân thương.
Những cánh chim non ngày nào nay đã thành Ông bà Nội Ngoại, mái tóc cũng phai
theo thời gian chẳng kém gì Thầy Cô của mình ríu rít bên nhau, ai thấy mà không
bùi ngùi xúc cảm? Và dù có quen thân hay lần đầu gặp, sao trong tôi vẫn có lòng
luyến mến với từng khuôn mặt. Có phải tình của phố núi níu kéo truyền lan
trong trái tim nồng? Mấy tiếng đồng hồ điều khiển chương trình, từ trên sân khấu
nhìn xuống lòng tôi vẫn luôn có cảm giác bồi hồi. Miệng giới thiệu mà mắt nhìn
bao quát dưới kia đang có hàng trăm ánh
mắt nhìn và ngồi chăm chú lắng nghe, Thầy cô Trần đình Thành tuy không khỏe lắm cũng
cố gắng lái xe đường dài để có mặt gây bất ngờ cho đám học trò yêu quý. Những mái tóc bạc kề bên nhau ngồi cho đám học trò ôm vai chụp
hình lưu niệm, Thầy Cô cũng cố gắng theo dõi sát sao chương trình ca hát trình
diễn của đám học trò, có người gần bằng tuổi Thầy Cô hoặc hơn nhưng tình thầy
trò vẫn bất diệt.
Từ trái hàng ngồi: Bạn cô Hồng Lan- cô Hồng Lan-
Thầy cô Trần Đình Thành,Cô Bùi Mỹ Dương.
Hàng đứng từ bên phải: Cô Phan thị Lựu đứng quàng vai cô Bùi M. Dương và phu quân bên cạnh. Hồ thị Hiếu, Lê Quý, Phan Huy (nhà báo), vợ chồng anh Vũ đức Hiếu, người đứng quay mặt không biết tên)
Nội dung phần đầu buổi lễ của chúng tôi chắc
cũng như tất cả các chương trình khác, nhưng trong phút mặc niệm, phần đốt nến
nguyện cầu đã khiến không ít người xúc động. Những ánh nến nhỏ lung linh trong
bóng tối như những ngọn lửa trong tim người sống và chết giao nhau. Biết bao oan khiên đã đến cho người VN hiền lành
cam chịu. Cộng Sản đến phá tan sự tự do no ấm của người dân VN, người nằm xuống
uất hờn và người sống nghẹn ngào đau khổ tiếc thương. Mọi người nghiêm trang
cúi đầu khấn nguyện trong tiếng nhạc trầm u uẩn
Cùng thắp nến trong giây phút mặc niệm
MC Thu Tâm chào Thầy Cô và quan khách cùng các bạn
Bắt đầu là bản hợp ca Liên Trường Pleiku do toàn ban trình diễn. Bài hát bày tỏ tình đoàn kết thương yêu giữa các bạn của Liên trường Pleiku do Tô Quốc Thắng, một học sinh của THPK sáng tác gởi tặng, năm nay vì có chuyện buồn trong gia đình nên không tham dự được.
“Tình người Pleiku cao hơn núi Chư
H’Rông”, vâng đúng thế, ngọn núi đã cao
mà tình người Pleiku, nhất là tình đồng môn còn cao hơn nữa.
Thành thật
cám ơn Tô Quốc Thắng và chúc em cùng gia
đình sớm vượt qua được mọi sự đau buồn để chóng trở lại với bạn cũ trường xưa,
và sáng tác thêm nhiều bản
nhạc hay cho LT Pleiku.
Hợp ca: Liên Trường Pleiku Tình khúc
Hợp ca "Về Rừng Núi"
Nam Thư đã sáng tác nhiều bài ca về Núi
rừng Tây Nguyên, tuy sức khỏe không tốt nhưng NT rất có nhiệt tình đối với trường
xưa. Chúng tôi cũng rất lo lắng kỳ này không biết anh có đủ sức đi dự không,
nhưng hai vợ chồng đã lái xe từ San Diego lên góp phần khiến cho mọi người cùng
vui mừng. Anh đã đánh guitas hướng dẫn.
Chúc cho sức khỏe Nam Thư được khang phục
để còn gặp gỡ trong những kỳ Đại Hội sau nữa.
Cô
Bùi Mỹ Dương đại diện các
Giáo Sư lên phát biểu cảm tưởng với lời nhắn nhủ học
trò thật cảm động. Tuy tuổi lớn nhưng trông cô còn rất trẻ trung xinh đẹp và hăng say trong từng sinh hoạt Cộng Đồng. Hoan hô tinh thần chống Cộng của cô. Xin kính chúc cô luôn có sức khỏe
để còn đến với chúng em trong những kỳ hội ngộ tới.
Gáo sư Bùi Mỹ ương phát biểu cảm tường
Ca sĩ Lê Uyên Phương, lên giúp vui với bài hát quen thuộc của Thầy dạy Nhạc quá cố Lê Phương (Lê văn Lộc) Lời
hát của cô khiến tôi lại nhớ đến lần cuối cùng được gặp, khi Thầy đã bệnh nặng
và sắp qua đời tại nhà riêng ở thành phố Long Beach.
Người Thầy hiền lành khả ái đã không còn
từ mười lăm năm nay nhưng những bài ca của thầy vẫn sống mãi với thời gian. “Như
hoa đem tin ngày buồn, như chim đau quên mùa Xuân, tình trong cơn mê buồn tênh …”
Lời hát như báo trước một kiếp sống không vui, thương cho người thầy tài hoa mệnh
bạc của tôi
Chen lẫn giữa chương trình văn nghệ là
phần bầu cử cho nhiệm kỳ hai năm kế tiếp. Và kết quả như chúng tôi đoán trước, Nguyễn
thị Hương đã trúng chân Hội Trưởng. Những tràng pháo tay vang dội chào đón, và
Hội Trưởng lên phát biểu cảm tưởng cùng lời hứa sẽ gây dựng Liên Trường thêm vững
mạnh. Thu Tâm có một số sách và CD đem đến, cũng đã được mọi người ủng hộ hết,
số tiền trích ra 2 phần ba như quà chúc mừng ban Đại Diện mới. Ngay sau đó Thủ
Quỹ mới đã nhận lại từ tay Hội Trưởng.
Đến phần bán vé sổ số gây quỹ cũng vô
cùng sôi nổi. Khách mua nồng nhiệt hưởng ứng nên số vé bán được cũng được trên
100 vé. Có nhiều phần quà giá trị nghe nói có món trên dưới $400.00. Tất cả do
các mạnh thường quân hiến tặng, còn thêm 10 đĩa CD nhạc do cô Lê Uyên Phương tặng
cũng được dành làm phần sổ số. Tiệc kết thúc lúc 11 giờ khuya, ai nấy bịn rịn không muốn quay mặt đi,, xin mượn 2 câu thơ của nhà thơ Phan Khôi: “Tiễn đưa nhau đi rồi, đôi mắt
còn có đuôi”
Cố gắng chen giữa giây phút bận rộn, gom lại được vài người bạn để cùng chụp chung tấm hình.
Từ trái qua: Anh Quyết (phu quân Ngọc
Anh) Ngọc Anh, Thuận, Thu Hương, Anh Quách Thưởng(phu quân Hương), Hương Nguyễn,
Thu Tâm, Hiếu, Bùi thị Hiến, anh Minh (ông xã Hiếu)
Niềm vui sum họp nào rồi cũng đến lúc
tan, chúng tôi lưu luyến chia tay nhau. Buổi tối về nhà còn truyện trò cho đến 1 giờ sáng mới chịu đi ngủ. Ngay buổi sáng hôm sau tôi và Bùi thị Hiến may mắn được Thầy
Cô Thành cho quá giang xe trở về San Jose. Thầy trò lại rôm rả truyện trò suốt
6 tiếng đường dài, chuyện vui nhắc đến để vui hơn, mong rằng sức khỏe Thầy Cô
luôn vững vàng để còn những dịp hội ngộ ở xa sắp đến nữa.…. Đã mấy hôm trôi qua
mà tôi vẫn chưa lấy lại được giọng đã bị khan, nghĩ lại mới thấy lòng mình vui
quá đỗi. Riêng tôi với Hương – cô bạn học Hội trưởng mới- có chút kỷ niệm khó
quên trong lần hội ngộ này, âu dó cũng là “Còn chút gì để nhớ” khi người ở người
đi, để mỗi lần gặp lại có thêm chuyện để đùa vui.
Nhã Giang Thu Tâm
San Jose Sept 20 - 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét