-
Giờ này mà còn ngủ nướng hả con gái, dậy lo chuẩn bị các thứ để trưa nay nấu
cơm đón ông bà đấy. Ba mươi Tết rồi.
Tôi vươn vai ngáp ngắn ngáp dài, mắt chưa mở ra được, giọng
nhựa nhựa mè nheo:
- - Sớm mà mẹ, cho con ngủ chút nữa đi, lâu lâu mới được dịp nghỉ mà dậy trễ đâu
có sao.
- - Bố nhà cô, con gái con đứa lớn tồng ngồng rồi, cứ lười biếng vậy thì đứa
nào nó thèm rước?
Bị mẹ mắng, tôi chỉ im lặng vì mấy câu như thế này cũng
không còn lạ gì. Tôi đâu cần ai rước, mà rước tôi về đâu, làm chi vậy nhỉ! Tôi chỉ
muốn mau ra trường rồi kiếm việc làm giúp gia đình, sống với mẹ và các anh chị
em vui thế cơ mà. Mẹ con tôi từ ngày bố đóng quân nơi tiền đồn xa vắng lâu lâu
mới về thăm, chúng tôi đã quen quây quần bên nhau rồi. Ban ngày tản mác đi học nơi
này nơi kia, về ăn uống xong một chốc thì ngồi bên ánh đèn học bài hay tán chuyện
phiếm. Cuộc sống êm đềm như thế là đủ, tôi không hề muốn có sự thay đổi nào..
- - Mẹ đi chợ đây, con ở nhà bắt gà rồi nhổ lông, luộc trước đi, mẹ về sẽ chỉ
cho nấu các thức ăn khác sau. Hôm nay bố về ăn Tết với mẹ con mình đó.
Khi tôi choàng tỉnh, định hỏi vài câu nhưng mẹ đã đi khuất
sau cánh cổng nhà mất rồi. Tôi ngẩn ngơ...bố về ư, vui quá. nhưng làm sao đây
nhỉ. Hôm nay mẹ và chị đều đi vắng lại bảo tôi ra vườn bắt gà làm thịt. Lâu nay
bổn phận của tôi chỉ làm người sai vặt của mẹ thôi. Mẹ cũng biết rõ là tôi hay bị
chóng mặt khi nhìn thấy máu mà, mặc dù đã quay mặt đi hướng khác nhưng tôi vẫn cứ
không thể bình tĩnh được. Bảo tôi phụ, con vật nhỏ vừa vùng vẫy là tôi liền buông
ngay tay ra mặc cho cái quẫy đạp của nó đã làm đổ bể hết đồ đạc chung quanh. Coi
bộ không xong rồi, bây giờ chả lẽ mang sang nhà hàng xóm nhờ sao, người ta cười
cho chết ấy chứ! Hơn nữa mẹ mà biết sẽ phạt tội thì sao? Từ bé tới giờ mặc dù
chưa bị ăn roi bao giờ nhưng đã hồn vía lên mây khi nhìn thấy mấy thằng em trai
no đòn vì tội nghịch ngợm. Đau chết được chứ chẳng chơi đâu!
Tôi gãi đầu gãi tai đứng tần ngần suy nghĩ trước khoảng đất
nhốt đám gia súc. Thoáng có bóng người đến gần, hơn chục con gà chạy nháo nhào,
miệng ra sức kêu quang quác khiến tôi càng hoảng loạn. Tôi lầm thầm cầu mong
sao cho chúng đứng yên một chỗ. Tôi từ từ ngồi xuống thảy ra nhúm thóc hòng dụ
dỗ, đám gà mon men đến gần mổ ăn nhưng nhanh như chớp xô nhau chạy khi có tiếng
động nhẹ. Chúng to mồm lắm cơ, cơn nắng buổi sáng còn dìu dịu mà sao tôi nóng bừng
hết cả người. Lạ quá, rõ ràng tôi nắm được cái cánh rồi mà chúng vẫn thoát ra
được. Vài cụm lông gà còn ngạo nghễ bám trên tóc trên áo tôi rồi vươn ra phe phẩy
trêu ngươi nữa chứ.. Suốt nửa giờ đồng hồ, khắp thân thể tôi mồ hôi mồ kê đổ nhễ
nhại. Chưa chụp được con ếch nào mà đã thương tích đầy mình, tôi mất hết kiên
nhẫn khi đầu gối đau rát và hai vai mỏi nhừ. Đám rau thơm và mấy luống rau diếp
trồng bên cạnh đó cũng chịu vạ lây, tan hoang một khoảng lớn. Thêm nữa, hình
như hồi nãy tôi đã ngã đè lên cây cà chua nặng trĩu quả mà mẹ yêu quý, trái
chín trái xanh dập nát lăn lóc đầy trên mặt đất. Tuy nhiên cuối cùng tôi cũng thành
công nắm trong tay một chú gà tham ăn đã quên cả đề phòng. Chú ta có cái mồng đỏ
chót và bộ lông màu sắc sặc sỡ đẹp như mơ. Đi vào bếp, tiếng kêu la thảm thiết làm
cho tim tôi bồi hồi.
Mới ít phút trước còn hung hăng là thế, bây giờ chú gà đã
ngoan ngoãn nằm yên lặng thở ra từng hồi mệt nhọc. Cái ức no tròn phập phồng
lên xuống. Tôi lặng thinh buồn rầu nhìn vào đôi mắt be bé đỏ au, nó nhìn tôi và
hình như hết hơi sức hay đã biết cam phận. Bốn mắt nhìn nhau tâm sự trùng trùng
không thốt nên lời...Bỗng nhiên tôi cảm thấy chạnh lòng. Biết sao được, nhiệm vụ
chưa hoàn tất thì bản thân ta cũng không được yên ổn nói chi đến mi. Nhóm lửa đặt
nồi nước lên bếp xong tôi lấy dao chuẩn bị cho công việc trọng đại đầu tiên
trong đời. Tôi vò đầu suy nghĩ, làm gì trước đây nhỉ. À, đúng rồi. Tay liếc sơ hai
con dao vào nhau tạo nên âm thanh ken két đến ghê người. Bắt chước câu nói thường nghe được của mẹ,
tôi thì thầm:
-“Mái cắt tai, trống... cắt cổ”.. Ơ, hình như có gì đó
sai sai, nghe không được xuôi lắm! Đúng rồi, “Trống cắt tai, mái cắt cổ. Ta hóa
kiếp cho mi đi đầu thai kiếp khác, đừng oán hận tao nhé gà”.
Loay hoay mãi tôi mới vắt chéo được đôi cánh của chú gà. Tay
giữ cổ nó cho ngẩng cao trên chiếc chén có pha chút nước muối, tay kia cầm con
dao lên ngắm nghía. Tôi khựng lại, cắt vào chỗ nào nhỉ. Gà trống, phải cắt vào
tai. Vạch đám lông ngay cổ, cái tai bé tí xíu bằng đầu đũa vểnh ra thách thức.
Vậy đưa dao vào đây ư? Cảm thấy giờ phút cuối đã điểm, chú gà giãy đành đạch
như muốn thoát chạy, tôi lúng túng gần tuột tay giữ. Tôi và nó cùng lo lắng,
cũng sợ hãi như nhau, đâu có ai hơn gì ai. Hai trái tim chúng tôi chắc cùng
chung nhịp đập “bùm bùm”. Tôi đọc trong sách ở đâu đó viết rằng, trai gái khi
yêu nhau cũng đập chung một nhịp tim. Hai bên sẽ run rẩy trong cái nắm tay... Ủa,
sao tim chúng tôi cùng rung và tay chân cũng lẩy bẩy? Vậy ra người ta viết sai
rồi sao? Ôi chao, việc “hóa kiếp” này khó thật đấy chứ chả đùa đâu. Chả bù với
mẹ tôi, rất nhanh tay, nhẹ nhàng và khéo léo, nghe cứ “Xoẹt” một tiếng là xong.
Mẹ cũng thiệt tình, cố ý làm khó tôi hay bà muốn thử “tay
nghề” của cô con gái đây? Không thể ngập ngừng mãi được, chắc mẹ đi chợ cũng gần
về mà tôi cảm thấy mệt mỏi lắm rồi. Nghĩ đến điều sắp xảy ra tôi như mất đi hết
sức lực. Cố bặm môi cầm con dao kề vào cổ chú gà mập mạp, tôi nhắm híp mắt định
thần rồi thở ra một hơi dài lấy bình tĩnh. Rồi thì phút quyết định cũng đến... tiếng
“Xoẹt” ngắn gọn vang lên, có gì vừa tuột khỏi bàn tay đang run cầm cập của tôi.
Tôi bàng hoàng mở thật hết cỡ đôi đồng tử ra nhìn. Ôi, mọi thứ lộn xộn trước mặt,
chú gà đang quằn quại thân mình dưới sàn bếp với phần đầu đã văng ra một góc trông
thật kinh hoàng. Phần trên cổ của nó tiếp tục vọt lên những tia máu vương vãi
khắp nơi theo mỗi cơn giãy giụa. Tôi vội vàng đứng bật dậy, các nhịp trống đánh
liên hồi trong lồng ngực gây cho hơi thở của tôi bị hụt từng nhịp. Tôi lặng người
như “tượng phỗng” vô tri vô giác. Nàng
Tô Thị xưa kia ôm con đứng trông chồng, theo thời gian dài nhiều năm mà hóa đá,
còn tôi chỉ cần trong tích tắc đồng hồ thôi.
Bất thần, con dao trong tay tôi rơi xuống nền cimen, tiếng
“keng” sắc lạnh vang lên đánh thức ba hồn chín vía của tôi. Chết rồi, chết rồi
sao? Tôi cứ đứng sững sờ nhìn toàn cảnh, không hiểu nên cần làm gì tiếp theo. Chẳng
biết bao lâu và từ lúc nào con vật tội nghiệp đã thôi cử động. Tôi quay đầu có
ý định bỏ đi khỏi nơi này, mặc kệ ra sao thì ra khi hai mắt bị tấm màng mỏng
bao phủ nhòe nhoẹt mọi vật. Trong căn nhà vắng lặng chỉ có tôi hiểu mình vừa
làm việc gì. Tôi đó ư, thật tội lỗi, một con vật hiền lành đáng thương đã chịu
đựng sự đau đớn tận cùng trước khi chết chỉ vì tôi. Cả mấy đêm sau đó tôi không
hề chợp mắt được, hình ảnh con gà luôn hiện ra ngay trước mắt mỗi khi đêm về.
Đồng hồ điểm chuông 9 hồi lanh lảnh lôi tôi về thực tại. Tôi
vội vàng ba chân bốn cẳng đi dọn dẹp, lau chùi căn bếp đã lộn xộn và lấm lem những
vết đỏ nhớp nháp. May quá, nồi cơm đã cạn. Mọi việc xong xuôi thì mẹ tôi về tới.
Hú hồn hú vía, tôi đưa tay vuốt ngực thở ra mấy hơi dài.
- - Luộc gà chưa con? Mẹ bỏ chiếc giỏ nặng trĩu thức ăn xuống rồi hỏi.
- - Dạ xong rồi mẹ ạ. Tôi mau mắn trả lời.
Mẹ “ừ” một tiếng và đi thẳng ra sau nhà có việc gì đó. Chợt
từ vườn tiếng mẹ la to vọng lên, tôi thót cả tim:
- - Ối trời ơi, sao nát hết mấy luống rau của mẹ rồi vậy Thoa, gãy luôn cây cà chua
đầy trái còn xanh nữa nè.
- = Dạ tại mấy con gà nó quậy lúc con rượt bắt đó mẹ.
Tôi vừa trả lời vừa vội vàng từ bếp chạy ra, mẹ mới nhìn
thấy tôi đã hét to lên vẻ hoảng hốt như gặp phải ma:
- - Ôi! Con bị sao thế, tả tơi giống như vừa mới đánh nhau với ai vậy?
Tôi ngơ ngác cúi nhìn và giật mình. Mặt ngây thộn ra, tôi
cố nở nụ cười như mếu thay thế lời biện giải với mẹ. Lạy trời cho mọi chuyện êm
xuôi. Tôi chạy vụt lên nhà lấy bộ quần áo sạch rồi đi tắm để tránh mặt mẹ. Mẹ lắc
đầu lẩm bẩm gì đó, hình như là mấy câu quen thuộc: “con gái con đứa gì mà vụng
về”... Rồi bà lúi húi cắt, thái các loại cá tôm, rau củ. Mùi thơm lừng của các
vị thức ăn chiên xào, nấu xen lẫn len lỏi khắp căn bếp tạo cho cơn đói của tôi cồn
cào, cả ruột gan kêu lạo xạo đến là xấu hổ. Sáng giờ bận rộn chưa kịp ăn gì mà!
- - Sắp lần gà lên đĩa đi con, cơm gần chín mà thức ăn cũng đã sẵn sàng rồi
đây. Chờ bố về là thắp nhang thôi. Mẹ bảo, tôi nhanh nhẩu đáp:
- - Dạ
Mẹ đứng nhìn mâm thức ăn tôi đặt trên bàn. Chợt tiếng kêu
“Trời ơi” làm tôi giật thót cả người. Chết mất thôi, chuyện gì nữa đây? Tròn
xoe mắt tôi nhìn mẹ ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì đã nghe mẹ gằn giọng:
- - Ai bầy con kiểu làm gà như thế này, đầu của nó đâu? Gà cúng thì phải để đủ cả
đầu cánh chứ.
Tôi gãi tai, trả lời sao cho hợp lý đây. Chả lẽ nói con
đã vứt cái đầu gà vào thùng rác rồi. Mẹ tiến đến gần bưng đĩa gà lên ngắm nghía khiến tôi nín thở. Bà
xoay ngang xoay dọc cái đĩa, chăm chăm ngó từ trên xuống dưới rồi hoảng hốt:
- - Ơ, con chưa mổ bụng mà để nguyên ruột gan chưa làm sạch sao?
Ủ- - Thì mẹ bảo gà cúng phải để nguyên con luộc chín cơ mà?
Tôi gãi đầu lí nhí phân bua. Mẹ nhìn tôi với cặp mắt đẹp mở
trừng trừng như thể bất thần đối diện trước người ngoài hành tinh. Trong “Tam
thập lục kế, tẩu vi thượng sách” tôi muốn áp dụng ngay lập tức cho thoát cơn thịnh
nộ của mẫu hậu, nhưng không hiểu sao đôi chân tôi lại không nghe lời, nó chỉ muốn
khụy xuống thôi. Cả trái tim nhỏ bé của tôi nữa chứ, nặng nề đến khó thở quá. Cứ
thế với gương mặt héo hơn tàu lá bị hong lửa, tôi đứng như trời trồng, tai vểnh
lên lắng nghe mẹ than thở kèm theo tiếng tặc lưỡi não nùng rất quen thuộc:
- - Thật khổ thân tôi, có con gái chỉ có lớn mà không có khôn như thế này thì
làm sao ăn nói với ông bà, nhất là với bố con đây? Ông ấy lại mắng cho là con
hư tại mẹ!
Tôi lan man nghĩ ngợi xa xôi, nếu lỡ tại tôi mà mai sau mẹ
sẽ biến thành con thạch sùng thì sao nhỉ. Sau đó, tôi hồi hộp đợi bố về để nghe
lời giáo huấn nghiêm khắc, buồn và phập phồng trong dạ không yên... Tiếng hắng
giọng, kèm theo mấy cái dậm chân như thói quen mà bố từng làm để rũ bỏ bớt lớp
bùn dính trên đôi giày nhà binh. Bố từ ngoài cửa đang đi vào. Tôi sững người, mới
đó mà trưa rồi sao? Mặc dù bố tôi rất hiền, ít nói lại không ưa đánh con cái. Vậy
mà bố chỉ “hừ” một tiếng và nghiêm mắt nhìn thôi, mẹ đang la mắng hay đang đánh
vật với đám con nhỏ nghịch ngợm, cũng phải nín thinh. Còn mấy đứa tôi thì khỏi
nói, xanh hết mặt mũi luôn.
Tôi len lén đứng thập thò bên cánh cửa
he hé mắt nhìn ra. Bố vừa vào trong nhà đã đưa mắt nhìn mâm cơm cúng, ông đổi
hướng quay qua mẹ ý muốn hỏi. Mẹ ngập ngừng giải thích gì đó, tôi chỉ ước muốn
đôi tai có phép thần thông để nghe được thật xa. Sao không có tiếng gì thế nhỉ,
sự im lặng chết người bao trùm không gian càng làm trái tim tôi nhảy bập bùng
chả biết điệu gì nữa. Năm, mười, hai mươi phút trôi qua và giọng của bố nhẹ
nhàng nhưng đầy uy lực trong lúc đôi chân tôi không còn đứng vững...
- - Thoa! Tôi giật thót cả tim. Tấn thoái lưỡng nan, đang lùng bùng trong đầu
thì bỗng nghe tiếp:
- - Thoa đâu rồi, lên dọn mọi thứ xuống bàn ăn đi con.
Ơ! Tôi cố trấn tĩnh tưởng mình nghe lầm. Thế ra
mình đã thoát nạn rồi ư, tôi vén tấm màn cửa rụt rè bước ra mắt đăm đăm nhìn
vào gương mặt bố tôi. Ông vẫn bình thản như không có chuyện gì. Mẹ ngồi một bên
lừ mắt nhìn tôi, giọng bà thật ngọt ngào nhưng sao tôi nghe có chút mùi ...dấm
chua:
- - Con gái rượu bưng mâm xuống nhà giúp mẹ nhé!
Bố nhìn tôi cười mỉm
như không hề xảy ra chuyện gì quan trọng. Ôi! nụ cười đã từng gây xao xuyến biết
mấy con tim phụ nữ, và cũng khiến cho mẹ
tôi lồng lộn bao phen vì ghen tuông. Bây giờ nụ cười ấy đã trấn an cho cái tội
tày đình của tôi. Tôi cười thầm tự nhủ, chả lẽ mang danh “Con gái rượu” mà
không được đặc xá hay sao?
Năm ấy ngày cuối năm
không có con gà trống để cúng tế như thường lệ. Mẹ thất vọng, tôi buồn vì không
làm tròn trách nhiệm. Cho đến tận bây giờ đã mấy chục năm trôi qua tôi vẫn không
dám cầm dao giết mổ bất cứ con vật nào nữa. Nỗi ám ảnh về cái chết của một con thú
nhỏ nuôi trong nhà ngày nào chưa phai mờ trong tâm trí tôi, mong rằng con vật
khốn khổ kia ra đi mà không mang theo nỗi oán hờn nào. Cũng kể từ đó, hằng năm mỗi
dịp cúng giỗ tôi chỉ để lên bàn thờ những thức ăn chay cùng trái cây hay các món
bánh hoặc kẹo thôi. Mặc dù đủ loại thịt thà đã làm sẵn bầy bán đầy ở các chợ, tôi
vẫn không dám mua dùng vì chỉ nhìn thấy thôi là tôi lại hình dung ra cảnh cũ vật
xưa.
Mùa Xuân lại đến với niềm
nôn nao, nỗi ngậm ngùi tưởng nhớ. Người cha nhân từ đầy nghệ sĩ tính và người mẹ
xinh đẹp tuy hay la mắng nhưng luôn bao dung. Hai người thân yêu nhất của tôi không
còn nữa để cho tôi những lời trách mắng hay lời giáo huấn đầy tình thương yêu. Cầu
nguyện nơi chốn vĩnh hằng, bố mẹ nhận biết tấm lòng của đứa con gái “khờ” ngày
nào. Tuy con không thể đón ông bà bằng mâm cao cỗ đầy, với những món ngon vật lạ,
con vẫn luôn tưởng nhớ đến cha mẹ với lòng yêu kính và biết ơn. Ngày xưa cha mẹ
cả cuộc đời chăm lo cho chúng con, vậy mà ngày nay con chỉ biết bày tỏ lòng yêu
thương hai thân sinh bằng lời nói. Bố mẹ ơi!
Nhã Giang Thu Tâm
Mùa Xuân 2022