NIỀM NHỚ KHÔNG NGUÔI
Tưởng
rằng đã phôi pha sau mấy chục năm dài với nhiều đổi thay, chịu đựng biết bao
nhiêu biến cố vui buồn đến trong cuộc sống suốt từ trong nước ra hải ngoại, tôi
đã lấy được sự thanh thản. Hôm nay, trong một ngày họp mặt giữa tháng đầu năm
Dương Lịch nhưng ngày Tết Nguyên Đán đang gần
kề, kỷ niệm lại trổi dậy mãnh liệt hơn bao giờ khi bất ngờ nhận được món quà, được
làm bằng chính bàn tay khéo léo của một vị lão huynh tuổi đã hơn chín chục rất đáng
kính, ông đã dạn dày gió sương mấy mươi năm tuổi lính, cộng thêm mười ba năm nhọc
nhằn trong trại “Cải tạo” khắp miền xa xôi. Có lẽ tôi là một (như ông từng nói
tôi chỉ bằng tuổi con gái ông) trong số rất ít người đã được ông cất công làm
và tặng.
Tôi rưng rưng trên khóe mắt, tôi nghẹn ngào không biết
nói lời gì để bày tỏ nỗi cảm xúc đang như đầy ắp trong tâm tư. May mà tác giả
vì lý do sức khỏe nên không có mặt để nhận ra đôi mắt hoen đỏ khuất sau cặp
kính và lời cảm ơn lộn xộn của tôi! Sau đó trở về nhà mang theo những ký ức xa
xưa u buồn, suốt mấy tiếng đồng hồ nằm lặng để cho hồi tưởng vui buồn trọn vẹn
xâm chiếm cả hồn xác, tôi nhớ đến anh và những món quà đơn sơ ngày ấy đã cho
tôi nguồn sống cùng tia hy vọng để chờ đợi để nhắc nhớ đến sự hiện diện của chồng
suốt mấy năm dài cách xa.
Chồng
tôi, anh là một người đàn ông có dáng cao to và thường rất nghiêm nghị. Bề
ngoài của anh ai trông vào cũng tưởng là người khô khan sắt đá bởi gọng nói rất
lớn kèm theo sự kỷ luật trong mọi sinh hoạt. Tuy thế, tánh tình anh lại rất mau
mắn hoạt bát. Anh luôn tất bật ngược xuôi với những san xẻ dành cho hầu hết từ
gia đình đến những thân quen, nhất là sự quan tâm đặc biệt đối với đồng đội
cũng như bạn tù khiến tôi luôn cảm phục. Với nét nghiêm khắc đó, đâu ai biết
trong sâu thẳm trái tim anh, tôi đã dần nhận ra sự yếu đuối của một con người
luôn thèm khát tình thương. Tôi đã đọc đâu đó một câu : “những người thích săn
sóc quan tâm đến người khác lại chính là kẻ cô đơn nhất, bất hạnh nhất”. Anh mồ
côi mẹ từ năm lên sáu tuổi, tình thương anh nhận được là nỗi vắng xa người cha
đang trong quân ngũ luôn triền miên nơi chiến trường, là sự dày vò, khe khắt của
người mẹ kế khắc nghiệt, là sự thiếu thốn miếng ăn từng cái áo cái quần, kể cả
đôi dép suốt thời đi học … đến nỗi anh phải bỏ dở giảng đường đột ngột đi vào
lính. Đồng lương ít ỏi của một sĩ quan có bao nhiêu đâu, vậy mà anh vẫn tằn tiện
để có thể gởi về chút ít giúp cho các em. Những đứa con mồ côi cha hay mẹ sớm
hình như đều biết lo lắng cũng như thương yêu đùm bọc lẫn nhau chăng?.
Một
lần duy nhất tôi đã thấy những giọt nước mắt trong veo chảy tuôn thành giòng
trên khuôn mặt khắc khổ, tôi bất ngờ và xúc động mạnh khi nhìn thấy anh khóc. Nét
cương nghị của chồng tôi lúc đó đã hầu như biến đâu mất, khi anh kể về người mẹ
thân yêu và cuộc đời đã qua của anh. Tôi đã không ngăn được tiếng nấc, hai vợ
chồng nhìn nhau nghe rộn ràng niềm thương cảm! Mấy năm trời sống bên anh, dù
trước đó tôi chưa hề nghe một lời tỏ tình từ anh và hai đứa chưa hề có kỷ niệm
nào về thời chưa là vợ chồng, không hẹn hò không tình tứ lãng mạn cho đến ngày
thực sự về với nhau. Khô khan thế đấy nhưng anh đã cho tôi bao nhiêu hạnh phúc
của đời làm vợ. Từ sự săn sóc tỉ mỉ đến sự bao bọc chở che. Đôi khi tôi tự nghĩ
thầm, anh phải là người cha đúng hơn là
chồng đối với tôi. Tôi như một đứa trẻ luôn được sống trong chiếc lồng nhỏ đầy ắp
tình yêu. Anh lo lắng tôi bị nắng làm cho nhức đầu, lo tôi đi bộ mỏi chân và lo
tôi mang xách nặng đau tay dù ngôi chợ chỉ cách nhà có vài trăm mét … Ngoài giờ đi làm về, anh luôn quanh quẩn
bên tôi và đứa con nhỏ, ngay cả khi đi đến dự bất cứ bữa tiệc lớn nhỏ nào cũng
dắt mẹ con theo. Anh hăng hái tự nguyện làm tất cả mọi việc nặng nề trong nhà
dù tôi không hề muốn nên tôi thường phải lén làm cho xong trước khi anh về đến.
Anh có linh cảm tương thông đoán ra mọi
việc qua biểu hiện ánh mắt tìm tòi của tôi, anh nhanh nhẩu chạy đi mua hay đi
tìm mang về dù tôi chưa lên tiếng nhờ cậy. Tôi vốn đã ít nói lại càng thêm im lặng,
chỉ biểu lộ đối với chồng bằng ngôn ngữ ánh mắt nhưng anh hiểu tất cả. Tôi sung
sướng tự hãnh diện khi có một người chồng được xem như tri kỷ. Tôi thầm cảm ơn
mẹ tôi, bà đã có sự nhận xét tinh tế cũng như sự cảm nhận đúng khi nhận chàng rể
này làm chồng cô con gái mà bà hay gọi là… “ngố” như tôi!
Anh
có đôi bàn tay với ngón dài và đẹp, tuy thế lại là người … vụng về chắc không
ai so sánh nổi. Nhìn thấy những thành quả méo mó hư hỏng anh đã tạo, đã làm, như
mẹ tôi thường mắng yêu:
“ Cái thằng, đúng là nhanh nhẩu đoảng vội vàng
hư”.
Đúng
vậy, nói về khéo tay thì anh thuộc hạng cầm cờ lộn ngược. Mỗi lần như thế, tôi
chỉ cười thầm và mang một nỗi cảm thương. Mẹ tôi lại thương quý anh còn hơn con
ruột, từ trái cây ngon trong vườn bà cũng dặn phải để dành cho anh, luôn miệng
nhắc khi mấy ngày không được gặp. Anh cũng rất chịu khó chiều chuộng mẹ thay
tôi, hai mẹ con mà gặp là ríu rít truyện trò, cười vui không dứt. Ngày mẹ bệnh
nằm bệnh viện hơn một tháng, anh là người tình nguyện trải chiếu nằm dưới chân
giường để săn sóc, bế bồng mẹ lên xuống hay đi vệ sinh vào ban đêm. Sáng ra tôi
vào thay nhưng chỉ được một lát lại thấy mặt anh:
“Em
về nhà lo cơm nước và chăm sóc các con, để anh lo cho mẹ”!
Trong những ngày cuối của
mẹ, mẹ đã rơm rớm nước mắt kể với tôi:
“Nó
là người rất tốt, mẹ đâu ngờ lại gặp thằng rể như thế. Mẹ ngại khi nó săn sóc
ngày đêm, kể cả thay quần áo hay vệ sinh
nhưng nghe câu nó nói làm mẹ không cầm được nước mắt:
“Mẹ
ơi, mẹ đã gọi con một tiếng là CON, thì hãy xem con ruột cũng như con rể. Đáng
ra nhiệm vụ này của vợ con, nhưng vợ con yếu đuối không làm nổi, con thương vợ
thì việc gì cũng làm được. Hơn nữa con mồ côi mẹ từ nhỏ, bây giờ con có mẹ thì
hãy cho con phụ với vợ con trả hiếu. Con không ngại bất cứ việc gì thì sao mẹ
ngại, trừ phi mẹ không nghĩ con là con của mẹ?”
Tôi
đã âm thầm khóc và thương anh hơn mỗi khi nhớ mẹ và nhớ tới lời mẹ kể. Cả ba
người thân yêu nhất của tôi đều không còn nữa, cha mẹ đã dạy cho tôi lẽ sống
làm người đạo đức và bao dung. Chồng tôi thì mang đến niềm hạnh phúc và hoàn
thiện thêm lòng nhân ái. Trên đời này chắc chắn còn nhiều người tốt hơn anh,
nhưng đối với riêng mình, anh là người chồng khiến tôi trân trọng và kính nể, xứng
đáng để tôi suốt đời không thể quên!.
Đất
nước đổi thay, anh cũng như toàn bộ các SQ QLVNCH vào trại tù cộng sản. Trải
qua mấy năm dài lặn lội hết từ nơi này sang trại khác, đói khổ và lất lây tôi
cũng cố gắng mấy tháng đi thăm anh một lần. Quà cáp lèo tèo chẳng có bao nhiêu
vì tôi vốn dĩ không biết buôn bán, đi làm thì đồng lương chết đói luôn bị giữ lại
có khi tới hai ba tháng mới nhận được. Cứ ăn trước trả sau, hai đứa con nhỏ èo
uột thèm thuồng đủ thứ cũng chẳng có cho con, tôi cố gắng và cố gắng trong mòn
mỏi, đợi chờ nhưng không để cho niềm tuyệt vọng len vào tâm trí. Con tôi vẫn nhắc
đến Bố mỗi khi chuyện trò, lòng tôi vẫn thầm nghĩ đến anh dù đang khi miệt mài
trong công việc. Anh luôn hiện hữu khắp nơi chốn trong căn nhà nhỏ cũng như những
nơi tôi đi qua. Niềm hy vọng đã thay cơm nuôi tôi ngày qua ngày, giúp tôi tránh
khỏi bao nhiêu cạm bẫy rình rập và tôi đã vượt được nỗi thiếu thốn triền miên.
Vậy
mà, một lần thăm sau 3 ngày lặn lội mệt nhoài, mẹ con tôi bồng bế nhau đến thăm
anh trong trại tù Cộng sản, tôi lại nhận được mấy món quà bằng nhôm hay lon guy
gô do chính tay anh làm ra. Tôi ngẩn ngơ
và ngạc nhiên vô cùng, cảm động đến không nói ra lời dù quà anh tặng chỉ là những
vật đơn sơ qua hình hài chiếc lược, vòng đeo tay, và cái kẹp tóc với nét khắc tỉ
mỉ… Thuở ấy, trong thời gian đầu của chế độ Cộng sản cai trị, mọi người đều đói
khổ và khó khăn vì sinh kế. Bao nhiêu nữ trang vàng vòng đã mất hết chẳng còn một
thứ gì, mà thực sự đâu có ai để ý đến bề
ngoài, chỉ lo ngược xuôi vật lộn với miếng ăn cho gia đình. Nhất là người đàn
bà trẻ chưa từng trải cuộc đời như tôi, từ thiên đàng đột ngột rơi xuống địa ngục
trần gian mà chung quanh toàn ác quỷ hoành hành, tôi co ro lén lút dù không hề
phạm tội, áo quần còn phải làm cho tả
tơi nhếch nhác thêm để tránh sự chú ý của đám cai trị háu đói luôn rình rập dòm
ngó, thì làm sao dám nghĩ đến làm đẹp bằng nữ trang? Chắc ai có của cũng không
dám đeo trong người, riêng tôi lại càng tay trắng, chỉ có vài món quà cưới cất
kỹ làm kỷ niệm, còn bao nhiêu tiền bạc đã theo ngày đổi tiền đội nón ra đi hết.
Trên
bốn mươi năm, thời gian cứ như tên bắn vun vút không ngưng nghỉ, dửng dưng trước
mọi đổi thay hay đau khổ. Nỗi buồn cô đơn trong tôi đã dần dần tan biến, chỉ
còn lại sự bình thản đợi chờ... vì anh đã rời bỏ cõi đời ô trọc đã quá lâu đủ
cho tôi nhận ra có lẽ ngày chúng tôi xum họp không còn bao lâu nữa.
Món
quà của anh cho đã một thời gian tôi đeo, mang và rất hãnh diện khi có người hỏi
tới. Tôi trân quý, tôi gìn giữ nhưng một hôm đã không cánh mà bay… Ngày nay kỷ
vật yêu dấu ấy đang phiêu bạt nơi nào đó hay nằm sâu trong lòng đất như anh?
Món quà của người lính đáng kính tặng cho hôm nay đã làm sống lại trong tôi những
kỷ vật yêu quý xa xưa, làm bồi hồi xúc cảm thêm trong thời gian giao chuyển năm
cũ sang năm mới này. Xin được nhận trân trọng với lòng biết ơn sâu sắc người
lính LLĐB VNCH – Trung Tá Lê Văn Lạc.
Nhã
Giang Thu Tâm
Cuối
tháng 1 -2019