XUÂN XƯA KỶ NIỆM
Năm mươi năm, thời gian có đủ bôi xóa không những gì trong
quá khứ? Tôi vẫn cứ nhớ như in hình ảnh Mậu Thân năm ấy, lần đầu tiên biết chạy
.. giặc là gì. Ở lứa tuổi còn học trò, tiếng súng tuy có làm tôi giật mình sợ
hãi nhưng vẫn chưa hình dung được hai chữ chiến tranh. Lần đầu chứng kiến tận mắt
cảnh khốc liệt ấy đã in sâu mãi trong tâm khảm tôi khó mà phai nhạt được. Vậy mà đã năm mươi năm trôi qua!
Từ khi cha tôi hy sinh mấy năm trước, đôi vai mẹ thêm nặng gánh với đàn con sáu đứa
còn tuổi ăn học. Con mồ côi sớm tự biết thân biết phận, hơn nữa vì thương mẹ vất
vả nên mấy anh chị em đều ngoan và chịu khó học hành, không hề biết vòi vĩnh
hay đua đòi như đám bạn.. Dù hoàn cảnh gia đình không đến nỗi gọi là khó khăn lắm
vì mẹ tôi là người đàn bà rất tháo vát, cuộc sống vẫn tằn tiện trong chừng mực
dẫu khi Xuân về. Lần đầu tiên có anh tôi
từ xa trở về sum họp ăn Tết mang theo quà cáp và những món ngon vật lạ khiến
không khí gia đình vui nhộn hẳn lên. Đêm ba mươi Tết, anh em thức thật khuya
canh nồi bánh chưng gói hồi chiều. Bao nhiêu chuyện cũ được nhắc lại, tiếng cười
dòn tan vang cả xóm, nhưng cũng có lúc mọi người trầm buồn hẳn xuống khi nhắc đến
bố tôi với niềm thương cảm nghẹn ngào...
Giấc ngủ muộn đang ngon thì những tiếng nổ ầm vang đánh thức
chúng tôi dậy, tưởng hàng xóm đốt pháo mừng Xuân nên mấy chị em định chạy ra
sân trước xem. Nhưng kìa, trước nhà tôi bác Năm đang gục trên vũng máu, tiếng
hét la ầm ĩ cả một góc trời, đoàn người cả người lớn lẫn trẻ con kéo nhau chạy
lúp xúp. Trẻ con khóc, người lớn la í ới gọi nhau…Lại chú Hiển vừa ngã xuống
hai tay ôm một bên mặt máu chảy đầm đìa mà miệng kêu rên không ngớt nghe đến rợn
người. Cậu bé con chú Bảy ôm chiếc đầu mất
một mảng thịt, máu chảy che hết mặt mũi mà vẫn còn sức chạy vụt qua cổng nhà
tôi… Tôi đứng như trời trồng không biết làm gì trước cảnh tượng lạ lùng hãi
hùng trước mắt. Tiếng mẹ la to hối hả từ trong nhà vọng ra, tôi như tỉnh giấc
mà vẫn luống cuống cứ chạy ra chạy vào…
-
Có
đưa nào thấy chùm chìa khóa của mẹ đâu không?
-
Nhớ
mang theo mấy cái bánh chưng
-
Nhớ
gói theo vài bộ quần áo cho mỗi đứa…
Chị tôi đã chuẩn bị từ bao giờ một giỏ xách với các thứ gồm cả
nồi soong và túi … gạo nhỏ… Em gái kế tôi đeo toòng teng hai cặp bánh chưng
trên vai, cô em út thì ôm khư khư đĩa trái cây. Tôi vẫn ngẩn ngơ chẳng biết làm
gì, vì thứ tôi quý nhất là dàn máy Akai và mấy cuốn băng nhạc anh tôi vừa mua tặng,
nhưng làm sao ôm theo được đây! Cuối cùng tôi sực nhớ ra nên vào phòng quơ vội
ít quần áo của cả nhà dồn vào chiếc giỏ, chân dợm quay đi mà đôi mắt còn nhìn lại
tiếc rẻ…Ba con chó nhốt lại trong nhà với phần thức ăn để sẵn, có ngờ đâu đó là
lần cuối cùng chúng tôi vĩnh biệt mấy chú chó thân yêu! Cảnh gia đình chúng tôi
đi chạy giặc lúc ấy ai nhìn thấy chắc không khỏi bật cười, lôi thôi lếch thếch cứ
như phim khôi hài!
Chúng tôi cứ thế đi, xuôi theo giòng người chạy trước mặt
mong thoát ra khỏi nơi đang có tiếng súng và đạn nổ mỗi lúc càng gần hơn. Nghe người ta rủ nhau chạy đến núp trong nhà
thờ, nhưng đường đến đó đã quá đông không chen chân lên được, mà tụm nhau một
chỗ giữa đường cái trống trải thì lại sợ Việt cộng bắn xẻ chết hết! Đành chia
nhau kẻ đi xuôi người chạy ngược, mẹ cùng chúng tôi đi tìm nhà bạn cũ của bố để
núp đỡ rồi tính sau. Hình ảnh mẹ tôi mới hơn bốn mươi tuổi mà mái tóc đã bạc
phơ tất tả đi trước dẫn đường, đầu luôn ngoái lại thúc dục dặn dò đàn con chỉ sợ
lạc mất đứa nào… Ôi sao mà thương quá mẹ tôi! Con gà mẹ cô đơn vất vả ngược
xuôi, lúc nào cũng giang rộng đôi cánh che chở cho đàn con. Để bây giờ dù đã đi
gần hết đoạn đời người, mỗi khi nhớ đến mẹ là tôi vẫn không cầm được nước mắt!
Khúc đường ngày thường có bao xa mà sao hôm đó phải vừa chạy
vừa đi cả gần hai tiếng đồng hồ mới thoát ra được, có vài cái thây người tứ chi không toàn vẹn nằm
vắt vẻo ngang đường cái phơi bụng trương phình, có xác co quắp ven bờ cỏ đang bị
bu kín bởi ruồi bọ. Người nào cũng mặc chỉ có cái quần đùi và chiếc áo bà ba
đen ngắn ngủn phong phanh, da thịt trắng nhễ nhại có phần xanh mướt… Lúc không
tránh được phải dẫm vào vết máu lênh láng vương vãi khắp nơi để tiến lên phía
trước khiến tôi xây xẩm mặt mày. Lần đâu
tiên trong đời tôi chứng kiến xác người chết vì đạn bom không toàn thây, tay
chân run lẩy bẩy không thể tự đi được, tôi níu áo núp sau lưng người anh vừa chạy
theo vừa hé mắt nhìn. Sự tò mò về hai chữ Cộng sản đã lấn át được nỗi sợ hãi, tôi
nín thở nhìn kỹ. Họ có gì khác so với người thường đâu nhỉ, sao họ ác thế, nỡ xả
súng bắn giết cả những người dân vô tội lẫn trẻ em chưa hề đụng chạm gì đến họ?
Cũng may những chiến sĩ quả cảm VNCH đã hạ được đám du kích này, nếu không sẽ
còn bao nhiêu người dân vôi tội bị hại nữa!
Một tuần lễ nghe chừng đã êm, không còn tiếng súng lẻ tẻ nữa
thì gia đình tôi lại kéo nhau trở về. Trước mắt tôi, làng xóm tiêu điều nhuộm
màu tang tóc. Căn nhà chúng tôi có lỗ chỗ vết đạn làm tróc từng mảng tường vôi
nhưng còn nguyên vẹn, có thể may mắn là nhờ tính mẹ tôi rất kỹ nên ngày trước
chính tay mẹ đã đứng ra tự pha cimen và cát cho đám thợ trộn hồ xây lên. Mẹ nói
xây tường bằng gạch đỏ và bỏ cimen nhiều cho chắc cứng. Còn từ hàng hiên bên
hông nhà nối liền với dãy nhà cho thuê của mẹ tôi trở lên tận cuối xóm cả mấy
chục nóc nhà là một màu đen thê lương. Lửa thiêu rụi hầu như hoàn toàn chỉ còn
để lại cảnh nham nhở những cây cột nhà bị cháy xém đổ nghiêng ngửa. Hàng xóm
không biết ai còn ai mất, tiếng khóc than từ đâu vọng về càng làm cho khu xóm thân
yêu của tôi thêm ảm đạm điêu tàn.
Bước vào trong nhà, cảnh vật bày ra khiến chúng tôi hét lên
kinh hãi. Đồ đạc xáo trộn đổ vỡ lung tung, đã có cướp bóc viếng thăm trong thời
gian vừa rồi! Tôi nghẹn lời khóc không ra tiếng khi nhìn thấy bộ lông mấy con
chó Berger to lớn nằm rải rác khắp nơi… Ai, ai đã nhẫn tâm giết chết chúng, những
con vật thông minh và trung thành của gia đình tôi mà bố đã cất công nuôi dạy từ
thuở chúng mới lọt lòng? Ngày bố ra đi, chúng đã bỏ ăn mấy ngày nằm rên ư ử dưới
quan tài không chịu rời bỏ chủ, tưởng chừng chúng sẽ nhịn ăn để đi theo bố
luôn!. Một con khác đã bị bắn lén chỉ mấy ngày trước khi đồn của bố tôi bị tấn
công hai năm trước, trong lần đó bố tôi cũng rời bỏ thế gian. Tôi thấy quặn thắt trong lòng, nước mắt tiếc
thương mấy con vật thân yêu cứ âm thầm rơi!
Vài ngày sau chúng tôi nhận được thêm tin buồn, trong thời
gian qua nhà thờ trong xóm đã bị pháo kích bị sập đổ nên có rất nhiều dân chúng
ẩn trốn ở đó bị trúng đạn, bị gạch đá đè chết. Hàng xóm cũng có mấy gia đình không
chạy kịp nên bị thiêu khi nhà cháy đổ xuống, trong đó có cả bạn của bố mẹ. Khu
xóm bình yên của tuổi thơ tôi từ đây không còn nữa, Cộng sản đã đem đến chết
chóc và đau thương cho những người dân hiền lành chịu thương chịu khó. Chúng đã
xáo trộn hết đời sống thanh bình của một góc quê hương tôi, và còn những nơi
nào nữa trên khắp mảnh đất miền Nam nước Việt? Đi sau đám tang của những người hàng xóm thân
quen với tâm hồn thổn thức, hình ảnh xác người chết cháy cong queo không còn nhận
dạng được của cả gia đình bác Tự là bạn của bố mẹ làm cho tôi như tê dại cả người.
Tuổi vừa lớn của tôi đã có một cái Tết đau thương đủ nghĩa, để từ đó tôi ghê sợ
chiến tranh, tôi đã biết căm hận những người gọi là Cộng sản.
Cũng trong thời gian đó, cả miền Trung đau khổ phủ kín một
màu trắng khăn tang, làm sao quên được một Huế xác xơ ngơ ngẩn, chỉ trong thời
gian chưa đầy một tháng đã có mấy ngàn người dân bị thảm sát bởi chính bàn tay
người con xứ Huế ? Những ngôi mồ tập thể được tìm thấy ở nhiều nơi làm kinh
hoàng, làm rúng động lòng người. Biết bao nhiêu oan hồn vất vưởng đó đây, những
giọt nước mắt của thân nhân người bị hại làm đầy thêm giòng sông Hương hiền hòa.
Ở miền Nam thì bọn khủng bố gài bom mìn khắp nơi làm tan hoang từng khu xóm. Lại
có thêm người dân vô tội tan thây vì những con người máu lạnh Cộng sản. Cộng sản
đã phản bội lời giao kết ngưng chiến ba ngày Tết tưởng rằng sẽ đạt được chiến
thắng khi làm một cuộc tổng tấn công bất ngờ trên toàn diện miền Nam Việt Nam,
nhưng chúng chỉ phô ra sự tàn ác vô lương khiến người đời khinh bỉ vì toàn giết
hại dân lành và trẻ thơ vô tội. Những kẻ sát nhân đó còn sống không và có nghĩ
đến tội ác mình đã gieo?
Năm mươi năm sau, người dân miền Nam đất Việt nay đã lưu lạc
khắp năm Châu, có ai còn nhớ đến cái Tết Mậu Thân tang tóc thuở nào? Riêng tôi
vẫn nghe nằng nặng trong tim đến khó thở mỗi khi chợt nhớ đến, nhất là ngày đầu
Xuân năm nay khi thời gian điểm đúng chu kỳ 50 năm.
Nhã Giang
Thu Tâm
Xuân Mậu
Tuất 2018